Dạ thưa mạ Bảy kính yêu

15:45 06/12/2024
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm, kết thúc bằng Điện Biên Phủ lẫy lừng, chờ tổng tuyển cử sau Hiệp định Genève hai năm mòn mỏi, quân dân ta còn phải trường kỳ kháng Mỹ dài mấy mươi năm.

Làm sao quên ngày đêm nơi ấp chiến lược đầy dây thép gai. Cổng ấp có quân tự vệ gác. Dân trong ấp, chia ra sống từng nhóm để quản lý nhau. Đến giờ trống, kẻng đánh dân mới được ra đồng. Dân đi chợ về luôn nằm trong tầm kiểm soát, được mua bao nhiêu hàng vừa với số người trong từng hộ, không được mua nhiều, ai mua nhiều bị nghi là để tiếp tế cho Việt cộng. Tối đến, nhà nào cũng phải thắp đèn sáng trưng, không cho Việt cộng về làng. Tuy vậy, dù tình hình rất căng thẳng, ấp chiến lược mình vẫn có hầm bí mật. Trai tráng khỏe mạnh lên rừng theo quân giải phóng. Phụ nữ và những hạt nhân yêu nước tụ hội tổ chức đội du kích, tìm cách đón anh em giải phóng vào làng, tiếp tục vận động nhân dân theo cách mạng.

Làm sao quên được, có một đêm địch không về, nhà nào cũng chỉ thắp đèn le lói. Thấy thuận lợi, một tổ ba người của trinh sát đặc công về vùng sâu để chuẩn bị một trận đánh theo kế hoạch mở chiến trường. Và tổ trinh sát nằm lại trong hầm bí mật nhà mạ Bảy.

Ngay hôm sau, một tiểu đội địch về ấp, hẳn là theo tin của điệp báo của ấp, xông thẳng vào nhà mạ Bảy. Chúng bắt ngay mạ ra, tên đồn trưởng hỏi ngay:

- Đêm qua Việt cộng về ấp phải không?

Mạ trả lời:

- Có, đêm qua tui có gặp họ đi ngoài đường.

- Mấy người?

- Tui thấy họ chỉ có ba người.

Tên đồn trưởng hỏi tiếp:

- Mệ thấy họ vào những nhà nào?

Mạ đáp:

- Cái đó thì tui không biết.

- Dân nói cho chúng tôi biết bọn Việt cộng này vào nhà mệ, và có thể ở ngay trong nhà mệ.

- Nhà tui đây, không có ai hết. Các ông cứ tìm đi. Nếu có Việt cộng trong nhà này thì các ông cứ giết tui đi.

- Được. Bắt được Việt cộng trong nhà này chúng tôi sẽ giết mệ. Điều quan trọng là chúng tôi cần mệ khai ra.

- Tôi không có chi để khai cả. Không tin ông cứ cho người tìm khắp nhà tôi đi.

Lập tức cả tiểu đội tung quân ra vườn, ra bờ tre, lùng sục lung tung nhưng không thấy gì.

Tên đồn trưởng nhìn thẳng vào mặt mệ:

- Bây giờ đến lượt chúng tôi phải tra hỏi mệ.

Nói xong, tên đồn trưởng sai lính gỡ một tấm tôn trên mái nhà, rồi lấy hai chiếc mễ trong tấm phản ra, đặt tấm tôn trên hai tấm mễ ấy, bắt mệ nằm lên trên.

Chúng không lấy gậy gộc đập mệ, mà chúng lấy lửa từ ngoài vào, châm lửa từng bó rơm, đặt gần tấm tôn. Rõ ràng chúng muốn làm cho tôn nóng lên, mạ không chịu được, mạ phải khai ra.

Tấm tôn mỗi lúc một nóng dần lên, mạ vẫn nằm yên không hề nhúc nhích.

Thấy đã đến lúc mạ phải khai báo, tên đồn trưởng nói:

- Mệ thấy nóng chưa?

- Rất nóng rồi. - Mạ đáp.

- Nếu không khai ra, sẽ đốt nóng nữa.

- Tui không có chi để khai ra.

Chúng tiếp tục đốt lửa bên tấm tôn. Mạ nằm im. Chừng mười lăm phút sau, tên đồn trưởng lại hỏi:

- Mệ có khai ra không?

Không có tiếng trả lời. Thấy mạ nằm im, chúng đến lay lay vai mạ, mạ người như cứng hẳn ra. Tên lính hốt hoảng:

- E mệ chết rồi.

Chúng tắt lửa lay gọi mạ. Mạ đã chết thật rồi. Chúng không nói một tiếng nào, mà hốt hoảng chạy về đồn. Thấy chúng đi hết, bà con chạy đến bên mạ, đau đớn kêu lên:

- Chúng đốt mạ Bảy chết rồi.

Mọi người khiêng mạ Bảy vô trong nhà, tắm rửa thay quần áo cho mạ, phân công nhau, lo việc hậu sự cho mạ. Người mở nắp hầm bí mật nằm ngay dưới bàn thờ tổ tiên, báo cho các anh trinh sát đặc công biết:

- Mạ bị chúng đốt lửa tra tấn, mạ không hề khai, giờ mạ chết rồi. Các anh cứ nằm yên dưới đó, nếu không lúc dân làng đến đông sẽ lộ bí mật.

Các anh trinh sát gật đầu:

- Dạ, chúng tôi hiểu.

Chỉ trong một buổi chiều, đám tang mạ đã chuẩn bị xong. Tối, khi đã vắng khách, các anh du kích đón các anh trinh sát lên để các anh ấy được bái biệt mạ Bảy. Các anh đứng quanh quan tài mạ, nghẹn ngào rưng rưng nước mắt:

- Thưa mạ, chúng con sẽ trả thù cho mạ. Vì chúng con mà mạ phải hy sinh. Đất nước có những tấm lòng như mạ, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi mạ ạ.

Không đợi đến ngày đưa tang mạ, các anh trinh sát, nhờ các anh du kích vẽ sơ đồ rồi đưa đi trinh sát đồn Tân Lai. Đó là cái đồn cách làng hơn một cây số, được làm lại trên nền lô-cốt Pháp xưa, bên cạnh là hai nhà cấp 4 cho lính ở.

Sau đó các anh cử người về đơn vị nhanh chóng lấy súng B41. Ngày mai, mọi người trong làng sẽ đưa mạ về nơi an nghỉ cuối cùng. Chừng 4 giờ sáng, chờ các lính trong đồn ngủ say, từ một điểm cao, các anh bắn ba quả đạn B41 vào đồn Tân Lai. Hoàn thành nhiệm vụ, các anh trở về hầm bí mật. Đồn bị sụp đổ hoàn toàn.

Trận đánh đồn địch chết mười người bởi B41, trong ấy có tên đồn trưởng ác ôn. Còn mười người lính bị thương đã được đưa đi viện. Ngày thảm bại của địch ở đồn Tân Lai.

Các anh du kích rất thận trọng, thấy đúng thời điểm có thể, mới đưa các anh trinh sát ra thắp hương trên mộ mạ Bảy. Cả ba anh đều chắp tay, nói với mạ:

- Mạ ơi, vì chúng con mà mạ đã hy sinh. Chúng con sẽ chiến đấu kiên cường để luôn xứng đáng với sự hy sinh của mạ và của bao người như mạ Bảy của chúng con.

N.Q.H
(TCSH429/11-2024)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
  • TRẦN HUYỀN ÂN

  • Tôi thường hay nghĩ về tết gắn liền với hình ảnh của mạ tôi - người thường kể cho tôi nghe câu chuyện tết bằng câu mở đầu: “Hồi nớ, tết là...”.

  • Kinh tặng, hương hồn nghệ sĩ Châu Thành

  • “Những con hổ xám đường 14” là biệt danh mà nguyên Thành đội trưởng Huế Thân Trọng Một dùng để tôn vinh một Trung đội bộ đội địa phương Quận 4 miền Tây Thừa Thiên do A Lơn chỉ huy.

  • LÊ XUÂN VIỆT 

    Sau ngày miền Nam giải phóng (Xuân 1975) tôi chuyển công tác từ Đại học tổng hợp Hà Nội vào Huế. Ở thành phố đẹp và thơ, đầy mơ mộng này rất hợp ngành văn mà tôi say mê và theo đuổi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

  • PHẠM HỮU THU Nếu không nghe những nhận xét, dù kiệm lời của những vị cựu lãnh đạo địa phương và không trực tiếp kiểm chứng, thú thật là tôi không thể viết về con người này, một con người không chỉ dũng cảm trong chiến đấu mà còn giàu lòng nhân ái đối với đối phương và tận tâm vì nghĩa tình đồng đội. Người đó là ông Lê Hữu Tòng, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Hương Thủy!


  • Hồng Thế vừa làm thơ vừa cày ruộng ở quê. Cách đây mấy năm, anh có con bò già không cày được nữa, phải bán đi để mua bò mới.

  • TẤN HOÀI        
         bút ký

    Nhà văn Graham Grin có một quyển tiểu thuyết "MỘT NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG".

  • NHẤT LÂM

          Bút ký 

  • NGUYỄN PHÚC ƯNG ÂN
                           Hi ký

    Tôi tỉnh giấc. Ngoảnh sang bên cạnh thấy các bạn đã ngồi dậy. Nằm yên trong bóng đêm, tôi thử tính xem mình đang còn cách Huế mấy cây số.

  • HỮU THU - CHIẾN HỮU
                       Ghi chép

    Cuối năm ngoái, huyện Hương Trà tổ chức khánh thành hồ chứa nước Khe Rưng.

  • THANH THANH

    Thật bất ngờ đọc lại một năm thơ Sông Hương dưới trăng rằm mười bốn chạp rồi ngơ ngẩn bấm đốt tay.

  • HÀ KHÁNH LINH - NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Chuẩn bị ra số kỷ niệm 10 năm giải phóng, Tòa soạn Tạp chí Sông Hương đã có kế hoạch phỏng vấn đồng chí Vũ Thắng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, nhưng chương trình làm việc trong tuần của đồng chí văn phòng đã xếp quá chật.

  • PHẠM HUY LIỆU
                     Hồi ký

    Đầu tháng 9/1968 tôi điều trị ở Bệnh viện Binh trạm 34, tỉnh Saravane, Nam Lào. Viện nằm trong thung lũng. Xung quanh nhiều núi cao rừng già nên cũng ít bị máy bay Mỹ quấy nhiễu.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Bắt sáu tên giặc Pháp nhảy dù xuống huyện Phong Điền.
    Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi, chiều cùng ngày, tại Sân vận động Bảo Long (về sau đổi gọi là Sân vận động Tự Do), trước hàng vạn đồng bào dự mít tinh, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên được thành lập và ra mắt, do nhà giáo Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Tôi tỉnh giấc khi trời còn tối, nhưng không sao ngủ được nữa. Không phải vì tiếng động của những guồng máy quay, tiếng những vành thép nghiền vỡ vụn đá và cờ-lanh-ke.

  • TRẦN SỬ kể
    HOÀNG NHÂN ghi

    Chiến tranh du kích ở huyện Hương Thủy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra với nhiều hình thức chiến đấu đầy tính chất sáng tạo của toàn dân.

  • NGÔ MINH

    Đối với anh em làm thơ, viết văn ở ba tỉnh Bình - Trị - Thiên trong nhiều chục năm qua, nhà thơ Hải Bằng là người không thể quên! 

  • HỒNG NHU

    Tôi biết anh, đọc anh từ trong kháng chiến chống Pháp, nhưng mỗi người một đơn vị công tác, mãi đến năm 1972 mới gặp nhau. Đó là một ngày mùa hè, bấy giờ Đông Hà vừa mới được giải phóng.


  • Sau khi hoàn tất bản thảo tập thơ Độc Hành thì nhà thơ Hải Bằng cũng “độc hành” về chốn vĩnh hằng vào ngày 7 tháng 7 năm 1998.