Thi ca và cái nhìn về tương lai

16:55 20/01/2009
VÕ TẤN CƯỜNGCon đường của thi ca và cái nhìn của nhà thơ thời hiện đại đang hướng tới tầm cao mới và cả chiều sâu thẳm bí ẩn của vô ngã ẩn khuất dưới bao biến động dữ dội của những thể chế chính trị, giáo lý và các phát minh khoa học kỹ thuật.

Cái nhìn về tương lai của thi ca chứa trong nó bao tai ương, bất trắc và cả niềm tin, sự hướng thiện với sự chuyển động âm thầm, đơn độc bất chấp mọi phán xử, kể cả thái độ thờ ơ của các nhà phê bình và người đọc cùng với sự xung đột, va chạm của các trường phái, khuynh hướng nghệ thuật. Sự thừa nhận hay khước từ thi ca từ phía người tiếp nhận và chỗ đứng, cái nhìn của nhà thơ trong không gian, thời gian sống và không gian văn hóa đều trở thành những tiền đề và sự giao thoa để hình thành tâm thế chung của cả thời đại.

Dù vị thế của nhà thơ nằm tận dưới đáy xã hội hay ở chót vót đỉnh cao danh vọng thì tâm thế của họ vẫn có sự chiếu rọi đến mọi chiều kích của vũ trụ. Ngôi vị của thi ca và của nhà thơ chân chính chẳng phải do sự suy tôn hay sự cộng hưởng đồng tâm của cộng đồng và xã hội. Nhà thơ đặt tâm thế giữa trung tâm của thế giới và gieo vào cõi hỗn mang âm u của ký ức hạt mầm niềm tin để hướng về những ẩn số của tương lai. Nhà thơ là “kẻ thấu thị tương lai” nhưng lại thường bị ruồng bỏ, bị tụt lại giữa dòng chảy khắc nghiệt của đời sống và cuộc đấu tranh quyết liệt của sự sinh tồn. Giới hạn của cái chết và sự bất lực của con người trước sự vô tận của thời gian buộc nhà thơ phải đặt cả cuộc đời mình vào canh bạc của tương lai. Do cái nhìn của nhà thơ hướng về tương lai nên dòng chảy của thi ca không có sự bất đầu và kết thúc, nó luôn ở trạng thái tuôn trào và hòa nhập với vô biên. Tương lai không lừa mị con người nhưng có những nhà thơ đã đánh tráo tương lai để biến nó thành con ngáo ộp đặt giữa trang thơ và những tuyên ngôn để hù dọa những tâm hồn yếu đuối, nhẹ bóng vía. Bóng dáng của tương lai nào phải sự vay mượn, sự mô phỏng những thành đạt và sự bất tử của thiên tài mà nó cháy bỏng trong đôi mắt và chất chứa trong trái tim yếu ớt, nhạy cảm của nhà thơ.

Nhà thơ Whit-man đã từng bị con người của hiện tại nguyền rủa nhưng ông không hề van xin sự che chở và bảo hộ của tương lai. Chính cõi đam mê, niềm khao khát tự do và sự hòa nhập với vô biên đã khiến nhà thơ chối bỏ mọi phép tắc, luật lệ, thủ pháp của cơ chế xã hội và nghệ thuật đương thời để tạo dựng cõi mê đắm, tự do của riêng mình trong thế giới mong manh, bền vững của ngôn từ. Tương lai theo cái nhìn của tôn giáo hướng về sự siêu thoát khỏi cõi ô trọc của trần thế và sự luân hồi vô tận. Tương lai với cái nhìn của nhà thơ là sự hóa giải, rút tỉa mọi cái nhìn từ tâm thế của cá nhân và cộng đồng để hướng về vương quốc của sự bình an, tự tại và nhất thể. Dù góc nhìn của nhà thơ rộng hay hẹp, như cánh chim bay qua cánh cửa vòm trời hay như chú lạc đà chui qua ống sáo thì ngôn từ của thi ca vẫn là cõi mênh mông, thẳm sâu và dài rộng của không gian thời gian vũ trụ. Cái tôi của nhà thơ trú ngụ không phải ở những lời tụng ca mà chính là ở “con mắt chữ” với sự bất an và kiêu hãnh trước thuốc thử màu của thời gian. Dù thi ca trở về thuở hoang sơ, phôi thai của nhân loại hay hướng đến cõi vô cùng của tạo vật vẫn chỉ là một cái nhìn duy nhất mang nguồn năng lượng của sự yêu thương và sự khoan dung vô bờ bến giữa các cá thể của nhân loại hôm nay và thế giới ngày mai.

Hoàn toàn không phải là lời cảnh tỉnh khi chúng ta từng chứng kiến có những nhà thơ đang đứng vững đôi chân giữa cõi trần thế mà lại bị tương lai cầm tù, giam hãm. Cái bóng của tương lai choáng ngợp, đè lên tâm thế của họ khiến họ bị chìm trong vũng lầy của thực tại và mù lòa trước cả tương lai. Nhà thơ là kẻ lưu giữ ký ức, kỷ niệm của dân tộc và nhân loại. Chính vì ký ức và kỷ niệm luôn đồng hành với hiện tại và tương lai nên nhà thơ và thi ca mãi mãi vẫn là niềm tri ân, là bảo tàng tinh thần không thể thiếu trong sự tồn vong, phát triển của nhân loại. Tương lai bắt đầu từ tiếng tích tắc của chiếc kim đồng hồ, từ cái chớp mắt của đứa hài nhi vừa lọt lòng mẹ và cả hơi thở cuối cùng của một cụ già bị khuất lấp bởi muôn sắc màu và âm thanh của cuộc sống. Liệu nhà thơ có thể thấu triệt được tương lai qua cái nhìn của mình? Chính cái tâm của nhà thơ là cục nam châm vô hình khép mở và thâu tóm, thu hút mọi vật thể của vũ trụ để chúng giao thoa với nhau thành một nhất thể toàn vẹn với mọi hình khối, màu sắc và nhịp điệu.

Dù thi ca mô phỏng thực tại hay tạo dáng tương lai thì nhà thơ cũng phải đối đầu với thời gian. Thi ca chỉ là một thực thể tinh thần và nhà thơ chỉ là một sinh linh bé bỏng bị hòa tan trong cõi đại đồng của vũ trụ. Nhà thơ chân chính không được ngủ quên trên xác phù du, trên đôi cánh của thời gian đã giãy chết mà luôn ở tư thế sẵn sàng vượt qua mọi giới hạn của thời gian sống và thời gian tâm tưởng. Nhà thơ hóa giải năng lượng tâm linh trong lớp vỏ của ngôn từ với sự an nhiên, tự tại và đặt tâm thế của mình giữa dòng chảy của thời gian. Thời gian là một tặng vật vô giá mà tạo hóa đã ban phát cho nhà thơ. Chẳng ai đoán định được tương lai của nhân loại sẽ thay đổi ra sao. Thời gian cư trú trong ngôn từ của nhà thơ nên nó đã trở thành tài sản, vật sở hữu chung của cả nhân loại. Chính vì thế, dù thời gian của quá khứ đã chết đi nhưng bóng dáng của nó vẫn hòa trộn cùng tâm thế nhà thơ, thấp thoáng sau từng con chữ và trong tâm hồn con người. Một nghịch lý thường xảy ra là trong khi người đọc luôn đòi hỏi thi ca phải thỏa mãn những nhu cầu tức thời thì nhà thơ lại đi hiến thân cho nàng thơ vĩnh cửu. Có thể nhà thơ có cái nhìn lướt qua trục thời gian đồng đại và anh ta thường phải trả giá bằng cả thời gian sống của đời mình, cùng với sự lãnh đạm thờ ơ của bạn đọc.

Thi ca với cái nhìn về tương lai không chỉ là sự kết tinh của thành tựu, không chỉ là sự khởi đầu liên tục mà còn là sự chiếu rọi, giao thoa giữa tâm thế của nhà thơ với chính nó và với tâm thế của cộng đồng của vũ trụ. Chỉ khi nào nhân loại không còn phải chịu nỗi thống khổ và hoàn toàn thoát khỏi cái chết thì thi ca mới thực sự hoàn thành trọng trách vén mở cõi bí ẩn của hồn người và vũ trụ ở phía tương lai.
V.T.C

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN MẠNH TIẾN

    “Sự định cơ cấu đã trở nên cái phần cám dỗ nhất của phê bình”
                             Đ.L.V

  • NGUYỄN QUANG HUY

    Nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện đại.
                                                           (C. G. Jung)

  • ROLAND BARTHES

    (Nguồn: Roland Barthes. Essais critiques. Seuil, 1964, tr. 246-251)

  • THÁI VŨ

    Thiệt tình khi cuốn Những ngày Cần Vương chưa ra mắt bạn đọc, tôi chưa muốn có ý kiến, vì cuốn Huế 1885 chỉ là phần đầu khi phản ánh một giai đoạn lịch sử mất nước do triều Nguyễn gây nên với bao nỗi đắng cay, đau xót của mỗi người dân Việt Nam ta lúc đó, đâu chỉ riêng gì của người dân xứ Huế - Bình Trị Thiên.

  • Nhà văn Nguyễn Mộng Giác vừa qua đời lúc 10 giờ 15 phút tối ngày 2 tháng 7 năm 2012. Tạp chí Sông Hương vừa nhận được bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến, xin giới thiệu cùng bạn đọc, như một nén nhang tưởng niệm…

  • Ta sẽ khởi đầu bằng những gì xưa nay vẫn là nổi tiếng nhất của thơ Đinh Hùng, gần như đương nhiên được coi là đặc trưng Đinh Hùng nhất. Để từ đó thấy được nét độc đáo đầu tiên, cũng đồng thời là sự trớ trêu đầu tiên (cạm bẫy đầu tiên; bởi vì thơ Đinh Hùng là thơ của cạm bẫy trùng trùng tiếp nối; thơ ấy rất đáng sợ): nổi bật không hề là đặc trưng.

  • TÂM VĂN

    Hàn Phi tử - Pháp gia thời Chiến quốc viết rằng: “Văn hữu lại tuy loạn nhi hữu độc thiện chi dân, bất văn hữu dân loạn nhi hữu độc trị chi lại, cố minh chủ trị lại bất trị dân”.

  • VŨ XUÂN TRIỆU

    Là một cây bút có tên tuổi của văn đàn dân tộc tuy nhiên tác phẩm của Vũ Bằng lại gặp khá nhiều trắc trở trên con đường đến với bạn đọc. Mãi sau này khi nhà văn từng mang tiếng “dinh-tê” này được công nhận là một chiến sĩ công báo hoạt động trong nội thành, thì các tác phẩm của ông mới dần dần được công bố.

  • TRẦN ĐỘ
          (Trích)

    … Bây giờ ta mạnh dạn bước sang bàn một vấn đề còn khó khăn hơn: "Bản sắc dân tộc trong văn hoá Việt Nam là gì?" hay "Bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam là gì?".

  • NHẬT CHIÊU

    Thơ Haiku của Nhật Bản là một phần tài sản trong kho tàng văn hóa Á Đông vĩ đại và giàu sang. Chúng ta là người thừa tự nền văn hóa ấy nhưng còn chưa khai thác di sản của nó đúng mức như nó xứng đáng. Nhiều thành quả và tinh hoa của nó còn chờ đợi chúng ta.

  • RAMAN SELDEN

    Những nhà văn và độc giả nữ luôn phải làm trái ngược với thói đời. Nhà triết học Aristotle tuyên bố rằng: “Đàn bà là đàn bà bởi một sự thiếu thốn nhất định về những phẩm chất”, và Thánh Thomas Aquinas tin rằng “phụ nữ là một người đàn ông không hoàn hảo”.

  • PHẠM XUÂN NGUYÊN

    Tiểu thuyết ngày nay đang đi tìm những câu trả lời cho những vấn đề chưa được giải quyết của thực tại, nhưng bản thân sự tìm kiếm tinh thần trong tiểu thuyết trước hết phụ thuộc vào chiều sâu của sự nhận thức các vấn đề đó, vào sự tỉnh táo của người nghệ sĩ khi đứng đối mặt với những mâu thuẫn của cuộc sống hiện thực.

  • LGT: Phong trào đô thị là một mũi giáp công chiến lược không thể tách rời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược do Đảng lãnh đạo bắt đầu từ Hiệp định Genève ký kết (20 - 7 - 1954). Sẽ không có một cái nhìn đầy đủ và toàn diện lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 nếu không có một công trình nghiên cứu nghiêm túc về phong trào đấu tranh chống Mỹ tại các đô thị miền Nam nói chung, tại Huế – miền Trung nói riêng.

  • INRASARA

    1. Toàn cầu hóa là một hiện thực diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, từ hai thập kỉ qua. Một hiện thực lồ lộ trước mắt ta, bên cạnh ta, ngay trong nhà và ở chính bản thân ta, dù ta là công dân ở đất nước tiên tiến hay dù ta chỉ là một thành phần thuộc sắc dân thiểu số cư trú vùng sâu vùng xa trong một đất nước đang phát triển chưa qua giai đoạn hiện đại hóa.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Sau này lúc về già, Nguyễn Trãi đã có lần nhắc lại hoài bão lập chí thời trẻ của mình bằng một hình tượng đẹp lạ lùng, "nhìn ánh sáng, muốn học chim phượng ca hát mặt trời lên" (Lãm huy nghi học minh dương phượng).

  • VIỄN PHƯƠNGKhi văn chương tham dự vào những mê lộ mới, mê lộ của nhận thức luận phức hợp hôm nay, khi nhà văn không còn hứng thú trong việc lục lọc, săm soi lại các bảng giá trị trong truyền thống thì tất yếu văn chương sẽ bước vào những cuộc chơi mới.