Sông Hương - tặng phẩm của thiên nhiên xứ Huế

09:32 10/02/2009
TRƯƠNG THỊ  CÚC• Bắt nguồn từ những khe suối róc rách ở vùng núi đại ngàn A Lưới - Nam Đông giữa Trường Sơn hùng vỹ, ba nhánh sông Tả Trạch, Hữu Trạch và nguồn Bồ đã lần lượt hợp lưu tạo thành hệ thống sông Hương, chảy miên man từ vùng núi trung bình ở phía đông nam A Lưới, nam Nam Đông, băng qua những dãy núi đồi chập chùng ở Hương Thuỷ, Hương Trà, Phong Điền rồi xuôi về đồng bằng duyên hải, chảy vào phá Tam Giang để đổ nước ra biển Đông.

Nhánh Hữu Trạch dài chừng 56 km, xuất phát từ độ cao tuyệt đối khoảng 700 mét ở vùng núi trung bình phía đông A Lưới - Nam Đông, chảy cuồn cuộn về hướng Tà Lương, Bình Điền, băng qua 14 ghềnh thác đầu nguồn về hội nhập với Tả Trạch ở ngã ba Bằng Lãng.
Nhánh Tả Trạch cũng khởi nguồn từ vùng núi trung bình phía đông A Lưới - Nam Đông, với độ cao tuyệt đối ở đầu nguồn ước chừng 1.100 mét, va đập dữ dội vào 55 thác ghềnh, băng qua khoảng 61 km từ điểm khởi đầu đến ngã ba Bằng Lãng, hợp lưu với Hữu Trạch tạo thành sông Hương, uốn lượn quanh co qua kinh thành Huế, chia nước vào các nhánh sông nhỏ, sông đào, xuôi về Bao Vinh, nhập với sông Bồ ở ngã ba Sình, lững lờ đổ ra phá Tam Giang.
Nhánh sông Bồ bắt nguồn từ phía đông nam A Lưới, ở độ cao tuyệt đối khoảng 650 mét, băng qua 31 thác ghềnh, chảy về hướng Hương Trà, Phong Điền, xuôi về hợp lưu với sông Hương ở ngã ba Sình với chiều dài khoảng 90 km.
Lưu vực mỗi nhánh sông trải ra khá rộng, tạo thành một dạng lưu vực hình nan quạt có diện tích đến 2.713 km2, chiếm hơn 54% diện tích tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế.

• Bao quanh sông Hương là một hệ thống thực vật đa dạng, mang sắc thái của một vùng địa lý thổ nhưỡng nhiệt đới đặc thù miền Trung Việt . Từ xưa, rừng rậm mênh mông đã trải dài từ đầu nguồn đến gần vùng kinh thành Huế. Địa bạ thời Tây Sơn vào thế kỷ XVIII của làng Xuân Hoà có ghi sự kiện vua Quang Trung bàn với các bô lão làng Hà Khê về việc đốn những cây gỗ lớn ở khu rừng quanh núi Thiên Mụ để đóng thuyền chuyển quân ra Bắc. Ngày nay dù đất rừng đã bị thu hẹp, thành phần cây rừng bị biến động nhiều, nhưng rừng ở Thừa Thiên Huế vẫn còn rất đa dạng.
Che phủ vùng đồi núi đầu nguồn sông Hương vẫn còn những loại cây gỗ rừng có giá trị cao như kim giao, trầm, gõ, kiền kiền, lim xanh, giổi, huệnh, sến, chua, thông hai lá... sống chen với vô vàn cây thuốc, cây đặc sản rừng như địa y, dương xỉ, lá nón, cây móng trâu, sim, mua, mai vàng, mai núi, trang rừng, ngũ sắc, phong lan, nấm mối, nấm tràm, nấm mộc nhĩ, nấm dại v.v... và bạt ngàn lau lách, lồ ô, bạt ngàn hoa cỏ dại. Tài liệu thống kê của các nhà nghiên cứu đã tẩn mẩn ghi chép dọc sông Hương và vùng đầm phá Thừa Thiên Huế đã xuất hiện 224 loài tảo, 272 loài nấm, 5 chi địa y, 10 loài rêu, 16 loài hạt trần và 1.500 loài hạt kín, kể cả thực vật hiển hoa trên mặt đất và thực vật hiển hoa dưới nước.

Ở đồng bằng duyên hải dọc sông Hương, kéo dài từ vùng giáp ranh gò đồi đến vùng đất nội đồng, cồn cát ven biển và đầm phá phía đông, thảm thực vật ít đa dạng và phong phú so với vùng núi rừng, nhưng sông Hương vẫn là bà mẹ nuôi dưỡng những loài cây lương thực thực phẩm, nuôi những cánh đồng lúa nước, sắn, khoai, bắp, đậu, môn, nưa..., những nương vườn mít, chuối, nhãn, dâu, đào, chanh, bưởi, thanh trà, giáng châu, thơm, chè... Từ lâu đời con người xứ Huế đã chắt chiu những đọt rau khoai, rau dền, rau muống, rau tập tàng, những dưa hường, dưa gang, cà tím, cà pháo, bí đỏ, bí xanh, mướp ngọt, mướp đắng, bầu dài, bầu tròn, hẹ, hành, ném, tỏi, ớt, tiêu, gừng, riềng... để tặng cho đời những món ăn cay nồng, thấm tháp hương vị mà những món chay, món mặn, những món chè, món cháo, món bánh xứ Huế luôn tạo được phong vị độc đáo. Chỉ riêng loại cây gia vị như ớt, Thừa Thiên Huế đã cung cấp một tập đoàn giống phong phú như ớt chỉ thiên, ớt tím, ớt trắng, ớt xanh, ớt vàng, ớt hiểm, ớt cao sản... đến nỗi chỉ nhìn vào "cái nết ăn ớt" đã biết người từ xứ Huế mà ra.

Ở tiểu vùng gò đụn cát, hệ thực vật rất nghèo nàn. Loài thực vật thân gỗ nguyên sinh còn rất ít, thỉnh thoảng mới bắt gặp những cây mù u chắn cát ngày xưa, còn lại hiện nay là những thân cây bụi mọc thành truông với các loài ô rô, găng, cát đằng..., với những rặng dương liễu, phi lao, keo lá tràm... nhưng có điều lạ là hệ thực vật tiểu vùng đầm phá và biển ven bờ lại rất đa dạng, bao gồm cả thực vật phù du, cỏ thuỷ sinh, thực vật rừng ngập mặn. Các nhà khoa học đã thống kê được ở vùng đầm phá có 229 loài thực vật phù du thuộc 4 ngành chủ yếu là tảo silic, tảo giáp, tảo lục, tảo lam mà rau câu xứ Huế là một loài tảo rất có giá trị về nguồn lợi thuỷ sản. Ở vùng biển ven bờ còn có 324 loài thực vật phù du thuộc các ngành tảo nâu, tảo đỏ ở vùng cửa sông, những loài thực vật ngập mặn như cỏ gà nước, lác, sú, vẹt, đước, mắm... đã một thời sinh sôi, tạo thành rừng ngập mặn xứ Huế. Bám vào đáy đầm phá còn có 16 loài cỏ thuỷ sinh lớp hành, 7 loài rong mái chèo, rong đuôi chó, rong khía, cỏ lá hẹ... là nơi cư trú cho động vật đầm phá và bao đời nay còn là nguồn thức ăn cho gia súc, là phân bón hữu cơ cho cây khoai lang, ớt, thuốc lá của người dân quê ven đầm phá.

• Đầu nguồn sông Hương, đặc biệt là những vùng có độ cao tuyệt đối trên 700 mét, từ xưa đến nay vẫn là vùng đệm, vùng giao lưu của nhiều phức hệ động vật nhiệt đới phương bắc, phương nam, là khu vực địa hình rất lý tưởng cho nhiều động vật lớn, nhất là các lớp thú rừng như voi, cọp, báo, gấu, bò rừng, vượn, khỉ, vóc vá, đười ươi, tê tê... Vùng núi thấp là nơi cư trú của những loài thú nhỏ như hươu, nai, hoẵng, cầy, mang, lợn rừng, cú mèo, thỏ, nhím, chồn...

Dọc vùng gò đồi và đồng bằng duyên hải, những cư dân bản địa sống cách ngày nay chừng ba, bốn ngàn năm đã từng thuần dưỡng nhiều loài động vật như trâu, bò, lợn, chó, mèo, gà, vịt, ngỗng, bồ câu...; biết đánh bắt những loài chim thú, ếch nhái, bò sát, cá tôm... Đặc biệt, từ đầm phá ven biển, cư dân sống ven sông Hương đã khai thác từ lòng sông, từ vùng phá Tam Giang màu mỡ, từ những giải biển ven bờ nhiều sản phẩm cá nước ngọt, cá nước lợ, thuỷ hải sản phong phú và đa dạng, từ tôm tép đến cá tràu, cá thệ, cá bống, cá dìa, cá hanh, cá gáy, cá liệt, cá nâu, cá hồng, cá mú, cá ác mó, cá chim, cá vượt, cá đối, cá đuối, cá trích, cá chuồn, cá cơm ... đến mực, tôm, cua, vọ vọ, rạm, ốc, hến, trai, trìa... thơm ngon của xứ Huế, chế biến thành những đặc sản lừng danh như tôm chua, cơm hến, mắm ruốc... , góp phần hình thành một dòng nghệ thuật độc đáo: nghệ thuật ẩm thực Huế.

Nằm giữa tiểu vùng khí hậu đặc biệt, nhiệt độ trung bình quanh sông Hương giao động từ khoảng 18 đến 24 độ C, nhưng vào những đợt gió mùa đông bắc tràn về, nhiệt độ không khí lại hạ thấp đến khoảng từ 5 đến 8 độ C, vào những đợt gió nóng tây nam thổi đến, hơi nước của sông Hương cũng không đủ để điều hoà khí hậu, có khi nhiệt độ nóng tới 38, 40 độ C. Với số ngày mưa trong năm rất cao, lượng mưa lớn, độ ẩm trung bình của tháng giao động từ 79% đến 92%, những ngày nắng nóng cũng chỉ giảm đến mức 40% đến 60%, từ vùng núi đầu nguồn đến cửa sông Hương là chiếc nôi chờ đón những loài động vật từ phương xa thiên di đến xứ Huế hằng năm, kể cả những đợt di cư từ mùa mưa lạnh rồi mùa nắng nóng, quanh sông Hương lại là nơi hội tụ của nhiều loài động vật xứ lạ, tạo thành một vùng sinh thái động vật rất đa dạng.

Các nhà khoa học đã từng phát hiện quanh sông Hương có nhiều loài động vật di nhập từ phía bắc, phía nam Việt Nam, từ Lào, từ vùng Hoa Nam của Trung Quốc, thậm chí từ cả vùng Đông Nam Á và xứ Ấn Độ ở rất xa về cộng cư. Đến từ hai mùa mưa nắng để tìm vùng khí hậu thích hợp, để kiếm ăn và sinh sản rồi định cư ở xứ Huế có cả những loài chim nước, chim ăn cá, chim ăn côn trùng như ó cá, gà nước vằn, cuốc ngọc nâu, sẻ mỏ rộng, quạ khoang, khứu xám, khứu bạc má, gà lôi lông tía, công, cu xanh...; có cả những loài thú khỉ mốc, khỉ đuôi dài, voọc bạc má, gấu chó, voi, bò tót, sóc bụng xám, báo lửa, báo gấm, tê tê vàng...; có cả loài bò sát rùa háp, rắn lục rừng, rắn lục núi; cả loài ếch nhái như cóc chân dài; loài cá như cá chình gai, cá chình hoa, cá bám đá, cá trê đen, cá trê trắng, cá măng sữa...

Tất cả đã hợp lại rất đông vui. Kết quả điều tra cơ bản bước đầu về tài nguyên sinh vật ở Thừa Thiên Huế cho thấy ở đây đã có đến 108 loài thú với 28 họ 12 bộ, 333 loài chim với 53 họ 15 bộ, 74 loài bò sát với 17 họ 2 bộ, 296 loài cá với 70 họ 17 bộ, 33 loài lưỡng thê với 6 họ 1 bộ. Thừa Thiên Huế trở thành một trong số rất ít những trung tâm đa dạng động vật Việt và của cả khu vực; đồng thời cũng là một trong những địa phương còn bảo lưu được nhiều động vật quý hiếm đặc hữu của đất nước. Đặc biệt trong 814 loài động vật có xương sống đã được xác định và phân bố tại các hệ sinh thái nội địa ở Thừa Thiên Huế, các nhà khoa học đã thống kê được 74 loài động vật quý hiếm theo quy định của sách đỏ Việt Nam, trong đó có 16 loài chim, 8 loài cá, 4 loài ếch nhái, 16 loài bò sát, 30 loài có vú. Mức độ quý hiếm nầy rất cao so với nhiều vùng đa dạng sinh học trong khu vực và trên cả nước. Trong sự đa dạng đó, những loài động vật quần cư quanh sông Hương chiếm một tỷ lệ cực lớn.

• Tặng phẩm của thiên nhiên xứ Huế, sông Hương cũng như nhiều dòng sông trên trái đất nầy vẫn có những lúc chuyển mình giận dữ, tuôn nước lũ từ đầu nguồn về hạ lưu, nhận chìm biết bao sinh mạng của con người, tàn phá dữ dội môi trường sống; có lúc sông lại cạn kiệt để nhường cho nước mặn của biển tràn vào, giết chết những cánh đồng xanh tươi. Ở đầu nguồn đến tận cửa sông vẫn ẩn chứa mhững cây độc, nấm độc, những thú dữ, động vật gây bệnh và phá hại cuộc sống của con người, như mặt trái của bức tranh thiên nhiên, như yêu tinh vẫn quanh quẩn đâu đó trên chốn bồng lai tiên cảnh
Phải chăng sứ mệnh của con người là sống với thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên. Bằng trái tim nhân hậu và trí tuệ sáng suốt của con người, loài người phải tiếp tục khám phá thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên để chủ động ngăn ngừa tai ương bằng một cuộc sống được tổ chức bền vững, giàu tính nhân văn. Phải chăng sống với sông Hương là phải sống với tấm lòng biết nâng niu, gìn giữ một tặng phẩm quý báu của trời đất, đừng ai nỡ dang tay dày vò sông Hương. Nếu không, e rằng  một ngày không xa lắm, tặng phẩm  thiên nhiên  xứ Huế cũng sẽ trở thành trái độc giữa lòng của Huế.
T.T.C

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGÔ MINHHuế trên 350 năm là thủ phủ Chúa Nguyễn Đằng Trong và Kinh Đô của Đại Việt đã tích tụ nhân tài, vật lực cả quốc gia tạo ra một hệ thống Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc và nổi tiếng như nhã nhạc, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực... Trong Di sản văn hóa ẩm thực Huế, Văn hóa ẩm thực Cung đình là bộ phận tinh hoa nhất, giá trị nhất!

  • HÀ MINH ĐỨC                   Ký Sau chặng đường dài, vượt qua nhiều đồi núi của vùng Quảng Bình, Quảng Trị, khoảng 3 giờ chiều ngày 25/9/2003, đoàn chúng tôi về đến thành phố Huế. Xe chạy dọc bờ sông Hương và rẽ vào khu vực trường Đại học Sư phạm Huế. Anh Hồ Thế Hà, Phó Chủ nhiệm khoa Văn; chị Trần Huyền Sâm, giảng viên bộ môn Lý luận văn học cùng với các em sinh viên ra đón chúng tôi. Nữ sinh mặc áo dài trắng và tặng các thầy những bó hoa đẹp.

  • BĂNG SƠN           Tuỳ bútDòng sông Hồng Hà Nội là nguồn sữa phù sa và là con đường cho tre nứa cùng lâm sản từ ngược về xuôi. Dòng sông Cấm Hải Phòng là sông cần lao lam lũ, hối hả nhịp tầu bè. Dòng sông Sài Gòn của thành phố Hồ Chí Minh là váng dầu ngũ sắc, là bóng cần cẩu nặng nề, là những chuyến vào ra tấp nập... Có lẽ chỉ có một dòng sông thơ và mộng, sông nghệ thuật và thi ca, sông cho thuyền bềnh bồng dào dạt, sông của trăng và gió, của hương thơm loài cỏ thạch xương bồ làm mê mệt khách trăm phương, đó là sông Hương xứ Huế, là dòng Hương Giang đất cố đô mấy trăm năm, nhưng tuổi sông thì không ai đếm được.

  • PHAN THUẬN THẢO                Chiều chiều trước bến Vân Lâu                Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,                Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông.                Thuyền ai thấp thoáng bên sông,                Đưa câu Mái đẩy chạnh lòng nước non.                                              (Ưng Bình Thúc Giạ)

  • LÃNG HIỂN XUÂNChẳng hiểu sao, từ thuở còn thơ ấu, tôi đã có một cảm nhận thật mơ hồ nhưng cũng thật xác tín rằng: Chùa chính là nơi trú ngụ của những ông Bụt hay bà Tiên và khi nào gặp khó khăn hay đau khổ ta cứ đến đó thì thế nào cũng sẽ được giải toả hay cứu giúp!

  • BÙI MINH ĐỨCNói đến trang phục của các Cụ chúng ta ngày xưa là phải nhắc đến cái búi tó và cái khăn vấn bất di bất dịch trên đầu các Cụ. Các Cụ thường để tóc dài và vấn tóc thành một lọn nhỏ sau ót trông như cái củ kiệu nên đã được dân chúng đương thời gọi là “búi tó củ kiệu”. Ngoài cái áo lương dài, cái dù đen và đôi guốc gỗ, mỗi khi ra đường là các Cụ lại bối tóc hình củ kiệu và vấn dải khăn quanh trên đầu, một trang phục mà các cụ cho là đứng đắn nghiêm trang của một người đàn ông biết tôn trọng lễ nghĩa. Trang phục đó là hình ảnh đặc trưng của người đàn ông xứ ta mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 mới bắt đầu có nhiều biến cải sâu đậm

  • MAO THUỶ THANH (*)Tiếng hát và du thuyền trên sông Hương là nét đẹp kỳ thú của xứ Huế. Trên sông Hương có hai chiếc cầu bắc ngang: cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền nhưng trước đây người dân Huế thường có thói quen đi đò ngang. Bến đò ở dưới gốc cây bồ đề cổ thụ, nằm đối diện với trường Đại học Sư phạm Huế. Một hôm, tôi và nữ giáo sư Trung Quốc thử ngồi đò sang ngang một chuyến. Trên đò đã có mấy người; thấy chúng tôi bước xuống cô lái đò áp đò sát bến, mời chúng tôi lên đò.

  • VÕ NGỌC LANBuổi chiều, ngồi trên bến đò Quảng Lợi chờ đò qua phá Tam Giang, tôi nghe trong hư vô chiều bao lời ru của gió. Lâu lắm rồi, tôi mới lại được chờ đò. Khác chăng, trong cảm nhận tôi lại thấy bờ cát bên kia phá giờ như có vẻ gần hơn, rõ ràng hơn.

  • HỒNG NHUTôi vẫn trộm nghĩ rằng: Tạo hóa sinh ra mọi thứ: đất, nước, cây cỏ chim muông... và con người. Con người có sau tất cả những thứ trên. Vì vậy cỏ cây, đất nước... là tiền bối của con người. Con người ngoài thờ kính tổ tiên ông bà cha mẹ, những anh hùng liệt sĩ đã mất... còn thờ kính Thần Đất, Thần Nước, Thần Đá, Thần Cây...là phải đạo làm người lắm, là không có gì mê tín cả, cho dù là con người hiện đại, con người theo chủ nghĩa vô thần đi nữa! Chừng nào trên trái đất còn con người, chừng đó còn có các vị thần. Các vị vô hình nhưng không vô ảnh và cái chắc là không vô tâm. Vì sao vậy? Vì các vị sống trong tâm linh của con người, mà con người thì rõ ràng không ai lại tự nhận mình là vô tâm cả.

  • MẠNH HÀTôi không sinh ra ở Huế nhưng đã có đôi lần đến Huế, khác với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, Huế có nét trầm lắng, nhẹ nhàng, mỗi lần khi đến Huế tôi thường đi dạo trên cầu Trường Tiền, ngắm dòng Hương Giang về đêm, nghe tiếng ca Huế văng vẳng trên những chiếc thuyền rồng du lịch thật ấn tượng. Cho đến nay đã có biết bao bài thơ, bài hát viết về Huế thật lạ kỳ càng nghe càng ngấm và càng say: Huế đẹp, Huế thơ luôn mời gọi du khách.

  • VÕ NGỌC LANNgười ta thường nói nhiều về phố cổ Hội An, ít ai biết rằng ở Huế cũng có một khu phố cổ, ngày xưa thương là một thương cảng sầm uất của kinh kỳ. Đó là phố cổ Bao Vinh. Khu phố này cách kinh thành Huế chừng vài ba cây số, nằm bên con sông chảy ra biển Thuận An. Đây là nơi ghe, thuyền trong Nam, ngoài Bắc thường tụ hội lại, từ cửa Thuận An lên, chở theo đủ thứ hàng hoá biến Bao Vinh thành một thương cảng sầm uất vì bạn hàng khắp các chợ trong tỉnh Thừa Thiên đều tập trung về đây mua bán rộn ràng.

  • NGUYỄN XUÂN HOATrước khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới, thành phố Huế đã được nhiều người nhìn nhận là một mẫu mực về kiến trúc cảnh quan của Việt Nam, và cao hơn nữa - là “một kiệt tác bài thơ kiến trúc đô thị” như nhận định của ông Amadou Mahtar  M”Bow - nguyên Tổng Giám đốc UNESCO trong lời kêu gọi tháng 11-1981.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU                       Bút kýXứ Thuận Hóa nhìn xa ngoài hai ngàn năm trước, khi người Việt cổ từ đất Tổ Phong Châu tiến xuống phía Nam, hay cận lại gần hơn bảy trăm năm kể từ ngày vua Trần Anh Tông cho em gái là Huyền Trân Công chúa sang xứ Chàm làm dâu; cái buổi đầu ở cương vực Ô Châu ác địa này, người Việt dốc sức tận lực khai sông mở núi, đào giếng cày ruộng, trồng lúa tạo vườn, dựng nhà xây đình, cắm cây nêu trấn trị hung khí rồi thành lập làng xã.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCSông Hương, một dòng sông đẹp, sôi nổi với những ghềnh thác đầu nguồn, mềm mại quàng lấy thành phố như một dải lụa, hài hoà tuyệt diệu với thiên nhiên xinh đẹp và hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa; với hàng trăm điệu hò, điệu lý; với những ngày hội vật, hội đua trải, đua ghe; với mảnh vườn và con người xứ Huế, là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ, thu hút sự say mê của nhiều khách phương xa. Không những là một dòng sông lịch sử, sông Hương còn là không gian văn hoá làm nẩy sinh những loại hình nghệ thuật, những hội hè đình đám, là không gian của thi ca, nhạc hoạ, là dòng chảy để văn hoá Huế luân lưu không ngừng.

  • TÔN NỮ  KHÁNH TRANG              Khi bàn về văn hoá ẩm thực, người ta thường chú trọng đến ẩm thực cung đình, hay dân gian, và chủ yếu đề cập đến sinh hoạt, vai trò, địa vị xã hội... hơn là nghĩ đến hệ ẩm thực liên quan đến đời sống lễ nghi.

  • NGUYỄN KHẮC MAIỞ xứ Huế có những tên làng quê mà nghĩa của chúng vẫn còn là sự ám ảnh kiếm tìm giải thích, chắc chắn chúng phải có nghĩa cụ thể nào đó. Người xưa không bao giờ đặt tên một vùng đất mà chẳng có nghĩa gì cả cứ như là người Mã Lai họ đặt tên vùng đất kinh đô cũng lần ra cái nghĩa đó là “cửa sông bùn lầy” (Kua-la-lăm-pua). Những cái tên như Kim Long, An Hoà, Dương Xuân, Phú Tài, Phú Mậu thì những ai có chút hiểu biết chữ Hán đều có thể lần tìm ý nghĩa. Nhưng có những cái tên làng quê thật khó đoán được cái nghĩa của chúng.

  • BÙI MINH ĐỨC Ngày nay, hễ nói đến đường để nấu chè là ai ai ở Huế cũng nghĩ đến đường cát trắng, đến thứ đường bột trắng tinh đã được tinh lọc do các nhà máy đường tân tiến sản xuất. Có người cũng còn nhớ đến đường phèn để chưng với chanh ăn khi bị ho, hoặc đường tinh thể là thứ đường đặc biệt màu vàng dùng để uống với cà phê cho thêm phần đậm đà. Nhưng chẳng ai có thể nhắc đến chiếc bánh đường đen ở Huế của thuở nào.

  • NGUYỄN TIẾN VỞNKinh Dịch (Chu Dịch) là sách về sự biến đổi. Dịch, nói gọn lại là biến đổi. Tinh thần xuyên suốt của Kinh Dịch là quy luật chuyển dời, biến hoá của vạn vật trong cõi trời đất. Mọi vật, bất kể to lớn như vũ trụ, hay nhỏ nhoi như các nguyên tử, đều không bao giờ đứng yên. Mọi sự, từ chuyện người có thể biết đến chuyện chỉ trời đất biết, cũng vận động biến hoá khôn lường.

  • PHAN THUẬN AN            Dạ thưa xứ Huế bây giờ,Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.                                              (Bùi Giáng)

  • NGUYỄN VĂN THỊNHCũng như trên cả nước, trước cách mạng tháng Tám, làng (tên gọi chữ Hán là xã), ở Thừa Thiên Huế là một đơn vị cơ bản trong tổ chức hành chính của các vương triều.