Sông Hương - tặng phẩm của thiên nhiên xứ Huế

09:32 10/02/2009
TRƯƠNG THỊ  CÚC• Bắt nguồn từ những khe suối róc rách ở vùng núi đại ngàn A Lưới - Nam Đông giữa Trường Sơn hùng vỹ, ba nhánh sông Tả Trạch, Hữu Trạch và nguồn Bồ đã lần lượt hợp lưu tạo thành hệ thống sông Hương, chảy miên man từ vùng núi trung bình ở phía đông nam A Lưới, nam Nam Đông, băng qua những dãy núi đồi chập chùng ở Hương Thuỷ, Hương Trà, Phong Điền rồi xuôi về đồng bằng duyên hải, chảy vào phá Tam Giang để đổ nước ra biển Đông.

Nhánh Hữu Trạch dài chừng 56 km, xuất phát từ độ cao tuyệt đối khoảng 700 mét ở vùng núi trung bình phía đông A Lưới - Nam Đông, chảy cuồn cuộn về hướng Tà Lương, Bình Điền, băng qua 14 ghềnh thác đầu nguồn về hội nhập với Tả Trạch ở ngã ba Bằng Lãng.
Nhánh Tả Trạch cũng khởi nguồn từ vùng núi trung bình phía đông A Lưới - Nam Đông, với độ cao tuyệt đối ở đầu nguồn ước chừng 1.100 mét, va đập dữ dội vào 55 thác ghềnh, băng qua khoảng 61 km từ điểm khởi đầu đến ngã ba Bằng Lãng, hợp lưu với Hữu Trạch tạo thành sông Hương, uốn lượn quanh co qua kinh thành Huế, chia nước vào các nhánh sông nhỏ, sông đào, xuôi về Bao Vinh, nhập với sông Bồ ở ngã ba Sình, lững lờ đổ ra phá Tam Giang.
Nhánh sông Bồ bắt nguồn từ phía đông nam A Lưới, ở độ cao tuyệt đối khoảng 650 mét, băng qua 31 thác ghềnh, chảy về hướng Hương Trà, Phong Điền, xuôi về hợp lưu với sông Hương ở ngã ba Sình với chiều dài khoảng 90 km.
Lưu vực mỗi nhánh sông trải ra khá rộng, tạo thành một dạng lưu vực hình nan quạt có diện tích đến 2.713 km2, chiếm hơn 54% diện tích tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế.

• Bao quanh sông Hương là một hệ thống thực vật đa dạng, mang sắc thái của một vùng địa lý thổ nhưỡng nhiệt đới đặc thù miền Trung Việt . Từ xưa, rừng rậm mênh mông đã trải dài từ đầu nguồn đến gần vùng kinh thành Huế. Địa bạ thời Tây Sơn vào thế kỷ XVIII của làng Xuân Hoà có ghi sự kiện vua Quang Trung bàn với các bô lão làng Hà Khê về việc đốn những cây gỗ lớn ở khu rừng quanh núi Thiên Mụ để đóng thuyền chuyển quân ra Bắc. Ngày nay dù đất rừng đã bị thu hẹp, thành phần cây rừng bị biến động nhiều, nhưng rừng ở Thừa Thiên Huế vẫn còn rất đa dạng.
Che phủ vùng đồi núi đầu nguồn sông Hương vẫn còn những loại cây gỗ rừng có giá trị cao như kim giao, trầm, gõ, kiền kiền, lim xanh, giổi, huệnh, sến, chua, thông hai lá... sống chen với vô vàn cây thuốc, cây đặc sản rừng như địa y, dương xỉ, lá nón, cây móng trâu, sim, mua, mai vàng, mai núi, trang rừng, ngũ sắc, phong lan, nấm mối, nấm tràm, nấm mộc nhĩ, nấm dại v.v... và bạt ngàn lau lách, lồ ô, bạt ngàn hoa cỏ dại. Tài liệu thống kê của các nhà nghiên cứu đã tẩn mẩn ghi chép dọc sông Hương và vùng đầm phá Thừa Thiên Huế đã xuất hiện 224 loài tảo, 272 loài nấm, 5 chi địa y, 10 loài rêu, 16 loài hạt trần và 1.500 loài hạt kín, kể cả thực vật hiển hoa trên mặt đất và thực vật hiển hoa dưới nước.

Ở đồng bằng duyên hải dọc sông Hương, kéo dài từ vùng giáp ranh gò đồi đến vùng đất nội đồng, cồn cát ven biển và đầm phá phía đông, thảm thực vật ít đa dạng và phong phú so với vùng núi rừng, nhưng sông Hương vẫn là bà mẹ nuôi dưỡng những loài cây lương thực thực phẩm, nuôi những cánh đồng lúa nước, sắn, khoai, bắp, đậu, môn, nưa..., những nương vườn mít, chuối, nhãn, dâu, đào, chanh, bưởi, thanh trà, giáng châu, thơm, chè... Từ lâu đời con người xứ Huế đã chắt chiu những đọt rau khoai, rau dền, rau muống, rau tập tàng, những dưa hường, dưa gang, cà tím, cà pháo, bí đỏ, bí xanh, mướp ngọt, mướp đắng, bầu dài, bầu tròn, hẹ, hành, ném, tỏi, ớt, tiêu, gừng, riềng... để tặng cho đời những món ăn cay nồng, thấm tháp hương vị mà những món chay, món mặn, những món chè, món cháo, món bánh xứ Huế luôn tạo được phong vị độc đáo. Chỉ riêng loại cây gia vị như ớt, Thừa Thiên Huế đã cung cấp một tập đoàn giống phong phú như ớt chỉ thiên, ớt tím, ớt trắng, ớt xanh, ớt vàng, ớt hiểm, ớt cao sản... đến nỗi chỉ nhìn vào "cái nết ăn ớt" đã biết người từ xứ Huế mà ra.

Ở tiểu vùng gò đụn cát, hệ thực vật rất nghèo nàn. Loài thực vật thân gỗ nguyên sinh còn rất ít, thỉnh thoảng mới bắt gặp những cây mù u chắn cát ngày xưa, còn lại hiện nay là những thân cây bụi mọc thành truông với các loài ô rô, găng, cát đằng..., với những rặng dương liễu, phi lao, keo lá tràm... nhưng có điều lạ là hệ thực vật tiểu vùng đầm phá và biển ven bờ lại rất đa dạng, bao gồm cả thực vật phù du, cỏ thuỷ sinh, thực vật rừng ngập mặn. Các nhà khoa học đã thống kê được ở vùng đầm phá có 229 loài thực vật phù du thuộc 4 ngành chủ yếu là tảo silic, tảo giáp, tảo lục, tảo lam mà rau câu xứ Huế là một loài tảo rất có giá trị về nguồn lợi thuỷ sản. Ở vùng biển ven bờ còn có 324 loài thực vật phù du thuộc các ngành tảo nâu, tảo đỏ ở vùng cửa sông, những loài thực vật ngập mặn như cỏ gà nước, lác, sú, vẹt, đước, mắm... đã một thời sinh sôi, tạo thành rừng ngập mặn xứ Huế. Bám vào đáy đầm phá còn có 16 loài cỏ thuỷ sinh lớp hành, 7 loài rong mái chèo, rong đuôi chó, rong khía, cỏ lá hẹ... là nơi cư trú cho động vật đầm phá và bao đời nay còn là nguồn thức ăn cho gia súc, là phân bón hữu cơ cho cây khoai lang, ớt, thuốc lá của người dân quê ven đầm phá.

• Đầu nguồn sông Hương, đặc biệt là những vùng có độ cao tuyệt đối trên 700 mét, từ xưa đến nay vẫn là vùng đệm, vùng giao lưu của nhiều phức hệ động vật nhiệt đới phương bắc, phương nam, là khu vực địa hình rất lý tưởng cho nhiều động vật lớn, nhất là các lớp thú rừng như voi, cọp, báo, gấu, bò rừng, vượn, khỉ, vóc vá, đười ươi, tê tê... Vùng núi thấp là nơi cư trú của những loài thú nhỏ như hươu, nai, hoẵng, cầy, mang, lợn rừng, cú mèo, thỏ, nhím, chồn...

Dọc vùng gò đồi và đồng bằng duyên hải, những cư dân bản địa sống cách ngày nay chừng ba, bốn ngàn năm đã từng thuần dưỡng nhiều loài động vật như trâu, bò, lợn, chó, mèo, gà, vịt, ngỗng, bồ câu...; biết đánh bắt những loài chim thú, ếch nhái, bò sát, cá tôm... Đặc biệt, từ đầm phá ven biển, cư dân sống ven sông Hương đã khai thác từ lòng sông, từ vùng phá Tam Giang màu mỡ, từ những giải biển ven bờ nhiều sản phẩm cá nước ngọt, cá nước lợ, thuỷ hải sản phong phú và đa dạng, từ tôm tép đến cá tràu, cá thệ, cá bống, cá dìa, cá hanh, cá gáy, cá liệt, cá nâu, cá hồng, cá mú, cá ác mó, cá chim, cá vượt, cá đối, cá đuối, cá trích, cá chuồn, cá cơm ... đến mực, tôm, cua, vọ vọ, rạm, ốc, hến, trai, trìa... thơm ngon của xứ Huế, chế biến thành những đặc sản lừng danh như tôm chua, cơm hến, mắm ruốc... , góp phần hình thành một dòng nghệ thuật độc đáo: nghệ thuật ẩm thực Huế.

Nằm giữa tiểu vùng khí hậu đặc biệt, nhiệt độ trung bình quanh sông Hương giao động từ khoảng 18 đến 24 độ C, nhưng vào những đợt gió mùa đông bắc tràn về, nhiệt độ không khí lại hạ thấp đến khoảng từ 5 đến 8 độ C, vào những đợt gió nóng tây nam thổi đến, hơi nước của sông Hương cũng không đủ để điều hoà khí hậu, có khi nhiệt độ nóng tới 38, 40 độ C. Với số ngày mưa trong năm rất cao, lượng mưa lớn, độ ẩm trung bình của tháng giao động từ 79% đến 92%, những ngày nắng nóng cũng chỉ giảm đến mức 40% đến 60%, từ vùng núi đầu nguồn đến cửa sông Hương là chiếc nôi chờ đón những loài động vật từ phương xa thiên di đến xứ Huế hằng năm, kể cả những đợt di cư từ mùa mưa lạnh rồi mùa nắng nóng, quanh sông Hương lại là nơi hội tụ của nhiều loài động vật xứ lạ, tạo thành một vùng sinh thái động vật rất đa dạng.

Các nhà khoa học đã từng phát hiện quanh sông Hương có nhiều loài động vật di nhập từ phía bắc, phía nam Việt Nam, từ Lào, từ vùng Hoa Nam của Trung Quốc, thậm chí từ cả vùng Đông Nam Á và xứ Ấn Độ ở rất xa về cộng cư. Đến từ hai mùa mưa nắng để tìm vùng khí hậu thích hợp, để kiếm ăn và sinh sản rồi định cư ở xứ Huế có cả những loài chim nước, chim ăn cá, chim ăn côn trùng như ó cá, gà nước vằn, cuốc ngọc nâu, sẻ mỏ rộng, quạ khoang, khứu xám, khứu bạc má, gà lôi lông tía, công, cu xanh...; có cả những loài thú khỉ mốc, khỉ đuôi dài, voọc bạc má, gấu chó, voi, bò tót, sóc bụng xám, báo lửa, báo gấm, tê tê vàng...; có cả loài bò sát rùa háp, rắn lục rừng, rắn lục núi; cả loài ếch nhái như cóc chân dài; loài cá như cá chình gai, cá chình hoa, cá bám đá, cá trê đen, cá trê trắng, cá măng sữa...

Tất cả đã hợp lại rất đông vui. Kết quả điều tra cơ bản bước đầu về tài nguyên sinh vật ở Thừa Thiên Huế cho thấy ở đây đã có đến 108 loài thú với 28 họ 12 bộ, 333 loài chim với 53 họ 15 bộ, 74 loài bò sát với 17 họ 2 bộ, 296 loài cá với 70 họ 17 bộ, 33 loài lưỡng thê với 6 họ 1 bộ. Thừa Thiên Huế trở thành một trong số rất ít những trung tâm đa dạng động vật Việt và của cả khu vực; đồng thời cũng là một trong những địa phương còn bảo lưu được nhiều động vật quý hiếm đặc hữu của đất nước. Đặc biệt trong 814 loài động vật có xương sống đã được xác định và phân bố tại các hệ sinh thái nội địa ở Thừa Thiên Huế, các nhà khoa học đã thống kê được 74 loài động vật quý hiếm theo quy định của sách đỏ Việt Nam, trong đó có 16 loài chim, 8 loài cá, 4 loài ếch nhái, 16 loài bò sát, 30 loài có vú. Mức độ quý hiếm nầy rất cao so với nhiều vùng đa dạng sinh học trong khu vực và trên cả nước. Trong sự đa dạng đó, những loài động vật quần cư quanh sông Hương chiếm một tỷ lệ cực lớn.

• Tặng phẩm của thiên nhiên xứ Huế, sông Hương cũng như nhiều dòng sông trên trái đất nầy vẫn có những lúc chuyển mình giận dữ, tuôn nước lũ từ đầu nguồn về hạ lưu, nhận chìm biết bao sinh mạng của con người, tàn phá dữ dội môi trường sống; có lúc sông lại cạn kiệt để nhường cho nước mặn của biển tràn vào, giết chết những cánh đồng xanh tươi. Ở đầu nguồn đến tận cửa sông vẫn ẩn chứa mhững cây độc, nấm độc, những thú dữ, động vật gây bệnh và phá hại cuộc sống của con người, như mặt trái của bức tranh thiên nhiên, như yêu tinh vẫn quanh quẩn đâu đó trên chốn bồng lai tiên cảnh
Phải chăng sứ mệnh của con người là sống với thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên. Bằng trái tim nhân hậu và trí tuệ sáng suốt của con người, loài người phải tiếp tục khám phá thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên để chủ động ngăn ngừa tai ương bằng một cuộc sống được tổ chức bền vững, giàu tính nhân văn. Phải chăng sống với sông Hương là phải sống với tấm lòng biết nâng niu, gìn giữ một tặng phẩm quý báu của trời đất, đừng ai nỡ dang tay dày vò sông Hương. Nếu không, e rằng  một ngày không xa lắm, tặng phẩm  thiên nhiên  xứ Huế cũng sẽ trở thành trái độc giữa lòng của Huế.
T.T.C

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Bà Francoise Corrèze - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, là một chiến sĩ chống phát xít, một người bạn của Việt Nam từ nhiều năm nay. Sau những chuyến đi thăm nước ta trong chiến tranh cũng như từ ngày đất nước thống nhất, bà đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam. Lần đầu tiên đến Huế đầu năm 1985, bà đã ghi lại những cảm nghĩ của mình. Chúng tôi xin giới thiệu một số đoạn sẽ được in trong cuốn sách viết về thanh niên Việt Nam bằng tiếng Pháp.

  • PHAN THUẬN ANNgọ Môn năm cửa chín lầu,Cột cờ ba cấp, Phu Văn Lâu hai tầng.

  • LÊ MINH PHONGDọc theo đôi bờ Sông Hương, nơi có những công viên quyến rũ là điểm trưng bày của một số công trình nghệ thuật.

  • NHỤY NGUYÊN(Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương)

  • LÊ PHÙNGSau nhiều ngày cùng nhau trăn trở - nghĩ suy - hiệp lực - hiệp tâm của những anh, chị em nhạc sĩ ở Huế, Nhạc Quán đã chính thức trình làng với công chúng yêu thích âm nhạc tại Huế vào lúc 20h, ngày chủ nhật (02/01/2011) là ngày Đinh Tỵ (nguyệt đức hợp, tế tự, đính hôn) trong tiết trời vào xuân của Huế, có sáng nắng chiều mưa, có gió về đêm, có lòng người ấm áp, có không gian lãng mạn, trữ tình.

  • HỒ VĨNHMới đây trong quá trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại Cố đô Huế, chúng tôi tìm thấy được một văn bản có liên quan đến Phường Đúc Huế.

  • TƯỜNG THITôi trở lại Hương Trà bằng ký ức của hơn 20 năm trước, trên con đường đất băng qua những vườn thanh trà trĩu quả ven con sông Bồ thơ mộng để đến làng Lại Bằng, xã Hương Vân. Một xã tiếp giáp núi và đồng bằng, nơi đã ghi lại dấu ấn lịch chống giặc ngoại xâm của Thừa Thiên Huế - địa đạo Khe Trái.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNTrong những năm gần đây, Huế đã được các nhà đông phương học và khách du lịch trong nước và ngoài nước lưu ý.

  • MAI KHẮC ỨNGLăng Minh Mạng nằm dưới chân núi Cẩm Kê thuộc thôn La Khê làng An Bằng huyện Hương Trà cũ, nay là thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ, thành phố Huế. Địa thế dải đất này rất đẹp. Hiện thời cây cối ở chung quanh đã lùi xa để lại những khoảng trống nối dài trên các triền đồi thoai thoải, khu lăng trở nên lẻ loi hơn.

  • LÊ HUỲNH LÂMCó lẽ một trong những loài động vật gần gũi, gắn bó với người dân xứ Huế trong mọi thời cuộc là loài hến. Cho dù trải qua bao thăng trầm, bao biến cố trên mảnh đất nhỏ bé này, mọi thứ có thể thịnh suy nhưng hến vẫn trường tồn. Trường tồn như một nét văn hóa thầm lặng, khiêm tốn, không khua trương, ồn ào,… mà âm thầm tỏa ngát hương.

  • PHAN HỨA THỤYChùa Thiên Mụ là một công trình kiến trúc có qui mô lớn và xuất hiện khá sớm trong quá trình hình thành phát triển của văn hoá Phú Xuân. Cũng như phần lớn các công trình kiến trúc cổ khác, chùa Thiên Mụ từ khi mới được xây cất trở về sau lần lượt đã được dựng nhiều tấm bia, hoặc để ghi lại công việc tu tạo, hoặc đề thơ vịnh cảnh, hoặc ghi cảm tưởng trong những lần vãn cảnh chùa của một số vua chúa nhà Nguyễn.

  • NGUYỄN ĐÌNH HÒE VÀ L.CADIÈRE(Tiếp theo SH số 5 – tháng 2 - 1984)

  • NGUYỄN ĐÌNH HÒE VÀ L.CADIÈRE(B.A.V.H. 1992, trang 189-203)HỒ TỊNH TÂM - Từ thời Gia Long, khi xây kinh thành Huế, một nhánh sông đã được ngăn chặn lại ở trên làng Kim Long hiện nay và dòng sông đó bị lấp đi ở một vài nơi, một số nơi khác thì được mở rộng và uốn nắn lại cho đều đặn. Chính một phần của nhánh sông ngày xưa ấy đã tạo ra Hồ Tịnh Tâm, nay ở tại bên trái đường Lục bộ, gần với Cầu kho, hay vùng nhượng địa (cho Pháp ở Mang Cá lớn).

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGCó lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó, thực quan trọng, trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế”. Bởi vì thiên nhiên bao giờ cũng biểu hiện một cách nhất quán giữa cái hằng cửu và cái biến dịch, giữa cái biến động và cái tĩnh tại.

  • MAI KHẮC ỨNGBất chợt. Tưởng như có con lợn chạy giữa sân điện Cần Chánh tại Hoàng thành Huế. Định thần lại tôi đã nhìn thấy chúng trong mấy ô trang trí bên thân hai chiếc vạc đồng đúc thuở Kim Long còn là phủ chúa dưới thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) mà lạc khoản lại ghi Thịnh Đức thứ 8 và Thịnh Đức thứ 10. Bản chú thích bên hai vạc này ghi là đúc năm 1660 và 1662.

  • L.N.D: Vào năm 1822, dưới triều Minh Mạng, một người Anh là John Crawfurd có dịp đến Huế và được hai người Pháp lúc bấy giờ đang làm quan ở đây là Chaigneau và Vannier hướng dẫn đi thăm Kinh Thành. Dưới đây là những gì mà Crawfurd đã viết về Huế trong ngày viếng thăm ấy: 29-9-1822. Chúng tôi dịch từ bản Pháp ngữ của H.Cossarat trong B.A.V.H. 1933, No1-2, tr.5-10.

  • PHẠM ĐĂNG TRÍThuở ấy, có nhiều người từ những miền đất màu mỡ nhưng vẫn dời nhà đến ở trên một vùng gò đồi đầy sỏi đá. Nguyên nhân lôi cuốn họ tới đây là do màu sắc thiên nhiên ở chốn này thật là thanh tú, đa dạng và không ngừng thay đổi.

  • LÊ VĂN HẢOTháng 12 năm 1979 tại thành phố Pitxanulôcơ (Pitsanulok) Thái Lan, ông Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO) đã triệu tập một cuộc họp của những chuyên gia nhằm chuẩn bị cho một Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử ở châu Á. Chương trình này sẽ nhằm vào một số đô thành cổ kính đã từng đóng những vai trò có ý nghĩa trong sự phát triển và giao lưu của các nền văn hoá ở châu Á.

  • Chiều 8.6, tại Nam Châu Hội Quán trên vùng cỏ cây Kim Long xứ Huế, GALA TINH HOA SÔNG HƯƠNG đã được tổ chức nhằm tôn vinh Nhà xuất bản Tinh Hoa - Huế.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNỞ mục “Phương vị quê hương” này, tạp chí sẽ lần lượt đăng các bài tìm hiểu văn hoá ngắn gọn nhưng có… duyên văn chương. Chúng tôi vui mừng được sự hưởng ứng của các nhà nghiên cứu lão thành am hiểu Huế - Bình Trị Thiên như các cụ Bửu Kế, Phan Văn Dật, Nguyễn Hữu Đính, Phạm Đăng Trí… cùng các anh Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An… Chúng tôi cũng mong nhận được bài của các bạn ở các tỉnh miền Trung nói về phong vị quê hương mình để tạo được giao lưu văn hoá trên giải đất gắn bó lâu đời này.