Phạm Hồng Thái và tiếng bom thức tỉnh chân lý

10:04 18/06/2015

TRANG ĐOAN

“Một tiếng lôi đình kinh vũ trụ
Tấm gương trung nghĩa động thần minh.”[1]

 

Liệt sĩ Phạm Hồng Thái - Ảnh: internet

Hơn 90 năm trước, một tiếng nổ đã vang lên tại Quảng Châu [Trung Quốc] làm chấn động dư luận quốc tế. Lịch sử sẽ không quên khoảnh khắc ngày 19/06/1924, khi tiếng bom ám sát viên toàn quyền Đông Dương Méc - lanh vang lên tại khách sạn Victoria, thuộc địa phận tô giới Sa Diện[2]. Vị anh hùng đã tạo nên sự kiện ấy, đã đánh một mốc son trong  lịch sử Việt Nam cận đại ấy là Phạm Hồng Thái (1895-1924)[3], người con của mảnh đất Do Nha, nay là xã Hưng Nhân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Từ sự thức tỉnh của cá nhân…

Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống đấu tranh Cách mạng, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan lại sớm được tiếp cận với những tư tưởng đấu tranh của các bậc cha anh, Phạm Hồng Thái từ nhỏ đã không khỏi trăn trở và nuôi trong mình chí lớn cứu nước.

Hồi nhỏ, Phạm Hồng Thái là một cậu bé ít nói nhưng rất chăm chỉ học tập và làm việc. Khoảng 14 tuổi, cậu đã khá thông thạo chữ Hán và sau đó xin gia đình theo học tiếng Pháp. Học được 3 năm, cậu thất vọng  vì thấu rõ “Chính phủ Pháp thật là một nhà chế tạo dân tộc ta thành trâu ngựa”[4]. Nung nấu ý chí phải lật đổ Chính phủ Pháp, Phạm Hồng Thái bỏ học về quê và bắt đầu chuẩn bị những kế hoạch của mình.

Từ năm 1919 đến 1923, Phạm Hồng Thái theo làm tại các nhà xưởng như Nhà máy Điện Bến Thủy, Nhà máy Diêm, Nhà máy xi măng Hải Phòng... Tại đây, cậu được tiếp xúc với tầng lớp công nhân, chứng kiến sự áp bức bóc lột tàn tệ của bọn chủ xưởng và đồng thời được tiếp cận với nhiều thông tin trên báo chí hoặc qua nghe ngóng được về các phong trào đấu tranh trong cũng như ngoài nước. Đó chính là những luồng sáng tư tưởng đã tác động mạnh mẽ tới Phạm Hồng Thái. Phạm Hồng Thái đứng ra tổ chức công nhân tại Bến Thủy  bãi công phản đối nhưng rút cục không có kết quả. Tuy nhiên chính những hoạt động ấy đã giúp tổ chức “Tâm tâm xã” hay còn gọi là “Tân Việt thanh niên đoàn” ở Trung Quốc biết đến Phạm Hồng Thái cũng như khiến anh thấu hiểu hơn về bản chất của thực dân, sự bần cùng của kiếp đời nô lệ và nâng cao ý thức giai cấp của mình.

Năm 1924, Phạm Hồng Thái từ biệt vợ con, quyết chí xuất dương theo đường dây liên lạc của Tâm tâm xã. Đi cùng Phạm Hồng Thái còn có Lê Huy Doãn (tức Lê Hồng Phong) và Lê Thiết Hùng, được dẫn đường bởi Vương Thúc Oánh (thành viên Việt Nam Quang phục hội). Họ đi sang Lào và Xiêm La (Thái Lan) rồi đến Quảng Châu (Trung Quốc)[5]. Thời gian ở Thái Lan, Phạm Hồng Thái và những người đồng hành có lưu lại Trại Cày của Đặng Thúc Hứa, nơi tập trung nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước xuất dương sang. Đầu mùa hè năm 1924, Phạm Hồng Thái cùng với Lê Hồng Phong và 6 thanh niên khác đặt chân đến Quảng Châu[6]. Sau khi tìm đến Việt Nam Quang Phục hội của Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái nhận ra đây không phải là tổ chức có thể giúp mình thực hiện được hoài bão, nên bí mật gia nhập tổ chức Tâm tâm xã[7].

Đến tiếng bom làm sống dậy chân lý đấu tranh của dân tộc!

Tháng 3/1924, Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong chính thức gia nhập Tâm tâm xã, và nhanh chóng thiết lập được mối liên hệ mật thiết với Lê Văn Phan (tức Lê Hồng Sơn) - thành viên của Tâm tâm xã từ khi tổ chức này mới thành lập. Tháng 4/1924, biết tin Toàn quyền Đông Dương Méc – lanh sẽ có chuyến thăm Nhật Bản sau vụ động đất và trên đường về có ghé Trung Quốc, Tâm tâm xã nhận định đây là cơ hội để thủ tiêu tên toàn quyền nhằm chấn động dư luận. Sau họp bàn và vạch kế hoạch triển khai, tổ chức đã giao cho Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Sơn dưới sự trợ giúp của Lê Hồng Phong đảm nhiệm trọng trách này. Phạm Hồng Thái nhận trực tiếp ra tay và tuyên bố: “Sự việc thành công hay không, khó mà đoán trước được, nhưng tôi thề không chịu để rơi vào tay giặc Pháp”[8]. Nắm  được lịch trình của Méc- lanh, Phạm Hồng Thái cùng những người trong tổ chức quyết định hành động khi viên toàn quyền đến khách sạn Victoria dự buổi chiêu đãi nhằm hạn chế tối đa số người liên lụy. Trong bức di thư để lại, Phạm Hồng Thái đã viết: “Hồng Thái tôi, theo lệnh của Nghĩa liệt đoàn chỉ nhằm đánh vào một mình tên Méc – lanh này. Trong khi tạc đạn tung nổ, nếu có liên lụy tới người khác, đó là điều vạn bất đắc dĩ, mong các vị quân tử nguyên lượng mà hiểu cho. Hồng Thái tôi theo lệnh Đảng, vì bốn chục triệu đồng bào mà hy sinh, chết cũng không tiếc; chỉ mong toàn thế giới xét kỹ mà cứu lấy, khiến cho dân tộc Việt Nam chúng tôi được tồn tại trên mặt địa cầu này.”[9]

Và cuối cùng, ngày 19/06/1924, tiếng bom đã nổ. Dù cuối cùng Méc- lanh thoát chết song tiếng vang của vụ ám sát đã gây nên một làn sóng chấn động lúc bấy giờ.

Hành động của Phạm Hồng Thái biểu thị nhiều ý nghĩa song hơn hết có lẽ đó là giá trị của sự thức tỉnh người Việt Nam, nhất là thanh niên Việt vẫn đang chìm mình trong cuộc đời nô lệ,  cam chịu. Từ sau khi phong trào Việt Nam Quang Phục Hội do cụ Phan Bội Châu khởi xướng tan rã, các hoạt động  đấu tranh chống lại thực dân Pháp của ta bấy giờ gần như tắt lịm. Đất nước chìm trong những ngày tháng đau thương và không lối đi. Tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã chấm dứt thời kỳ ấy, đã kéo 25 triệu người Việt  tỉnh dậy sau giấc ngủ dài 7 năm, vùng dậy đấu tranh. Thanh niên, trí thức yêu nước trong nước lẫn kiều bào nước ngoài được thắp lên ngọn lửa yêu nước và tìm thấy được con đường nên lựa chọn. Tiếng bom Phạm Hồng Thái đã gây chấn động địa cầu, suốt 3, 4 ngày liền các tờ báo quốc tế liên tục đưa tin về sự kiện này. Thế giới từ đây biết được bộ mặt của thực dân Pháp và biết được có một dân tộc Việt Nam sẵn sàng hy sinh để đòi lấy tự do.

Từ hành động này của Phạm Hồng Thái, Phan Bội Châu có dịp nhìn lại con đường của mình để nhận thấy sự lạc hậu trong đường lối và khẳng định con đường cách mạng phải có kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phải tiến hành cách mạng xã hội. Bởi lẽ đó mà Phạm Hồng Thái được ông tôn là bậc liệt thánh , là người đã “tay không xông vào hang cọp mà không sợ hãi gì đánh một cái, quét được oai của bọn cường quyền mà không nghĩ đến thân mình sau này.”[10]

Mặc dù ban đầu không đồng tình với đường lối hoạt động của Tâm tâm xã nhưng sau hành động của Phạm Hồng Thái, Nguyễn Ái Quốc đã có lời ngợi ca hết sức và đánh giá hành động này như cánh én nhỏ báo hiệu mùa xuân. Tháng 12 năm đó Người tới Quảng Châu và tập hợp lực lượng để đến năm 1925 lập ra Việt Nam cách mạng thanh niên hội. Tiếng bom ấy như một đột phá khẩu, mở đầu cho phong trào cách mạng mới sẽ diễn ra trên đất nước ta nhằm chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp. Sau tiếng bom tại Sa Diện, các hoạt động yêu nước diễn ra sôi nổi và thu lại được nhiều kết quả. Các hoạt động đấu tranh sau đó đã tạo cơ sở thực tiễn cho năm 1929 ba tổ chức cộng sản ra đời và đến năm 1930 thì Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời. 6 năm sau tiếng bom ấy, ngay trên quê hương của Phạm Hồng Thái đã bùng lên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Như nhận định của tác giả Thanh Đạm trong bài viết “Yếu tố nghịch lý và chân lý trong tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái”, hành động nhỏ bé ấy đã thức tỉnh một chân lý là muốn thay đổi phải có đấu tranh. Ý nghĩa đó không chỉ có giá trị trong thời điểm bấy giờ mà vẫn vẹn nguyên cho tới tận hôm nay, sau hơn 90 năm nhìn lại. Dù trong bất kì thời đại nào, nếu muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, muốn thay đổi thực trạng xã hội phải thức tỉnh để đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.

Phạm Hồng Thái và hành động của anh sẽ mãi ghi dấu trong lịch sử và trái tim người dân Việt Nam không chỉ như một vị anh hùng xả thân cho dân tộc mà còn như một lời nhắc nhở về chân lý đấu tranh, về giá trị của tự do và về cách sống ở đời.

“Sống làm quả bom nổ

Chết như dòng nước xanh”[11]

Nguồn: VHNA

 


[1]Trích thơ Trần Huy Liệu ca ngợi Phạm Hồng Thái trước hành động hy sinh đầy quả cảm của ông.

[2]  Có tài liệu ghi là Sa Điện

[3]  Các tài liệu có những ghi chép không giống nhau về ngày tháng năm sinh của Phạm Hồng Thái.. Quyển Sơ thảo tiểu sử Phạm Hồng Thái của Phạm Minh Nguyệt (con trai của Phạm Hồng Thái), Truyện Phạm Hồng Thái của Bạch Hào (Hà Nội, năm 1945), một số bài viết của học giả Trung Quốc như Viên Sỹ Luân, Trịnh Văn, Lục An Văn đều viết là Phạm Hồng Thái sinh năm 1893. Tác giả Chương Thâu (và Tôn Quang Phiệt) trong bài Phạm Hồng Thái (cuốn danh nhân Nghệ Tĩnh, tập 1) và bài Phạm Hồng Thái - Con người yêu dấu của đất Lam Hồng (Kỷ yếu tọa đàm khoa học về Phạm Hồng Thái, Vinh, tháng 7/1994), rồi trên bia liệt sỹ Phạm Hồng Thái hiện nay ở Quảng Châu (Trung Quốc) đều viết là Phạm Hồng Thái sinh ngày 14/5/1895.

[4]  Phan Bội Châu – Toàn tập, NXB Thuận Hóa và TTVHNN Đông Tây, HN, 2000.

[5]  GS. Chương Thâu trong Kỷ yếu tọa đàm khoa học về Phạm Hồng Thái, Vinh, tháng 7/1994, tr 21-22

[6]  Kỷ yếu tọa đàm khoa học về Phạm Hồng Thái, Vinh, tháng 7/1994, tr77.

[7]  Kỷ yếu tọa đàm khoa học về Phạm Hồng Thái, Vinh, tháng 7/1994, tr 11.

[8]  Theo Lê Khiêm, Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Đông Dương Méc – lanh tại Sa Điện (Trung Quốc).

[9]Theo Di thư để lại của liệt sĩ Việt Nam Phạm Hồng Thái, bản Đặng Thắng Châu sưu tầm, Thanh Đạm dịch (Tạp chí Xưa và nay số 4- 1994).

[10]  Phan Bội Châu, Truyện Phạm Hồng Thái,; bản GS. Chương Thâu dịch từ bản chữ Hán in trong Phạm Hồng Thái truyện, bản in lại 1959 của Học viện sư phạm Quảng Đông.

[11]Thơ Tố Hữu

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN THỊ KIÊN TRINH

    Mùa hè năm nay tôi có dịp trở lại Sài Gòn. Thành phố với bao đổi thay nhưng tôi chưa kịp nhận thấy hết bởi thời gian tôi lưu lại Sài Gòn quá ngắn ngủi.

  • HOÀNG HƯƠNG TRANG

    Cũng lạ cho cái xứ Huế của tôi, cái chi cũng khác hơn thiên hạ. Nắng thì nắng cháy da phỏng trán, mưa thì mưa thúi đất thúi đai, dầm dề không dứt. Vài ba năm lại một trận lụt, trận bão to đùng.

  • BÙI KIM CHI

    “Tháng 7 nước nhảy lên bờ”. Mà lên bờ thiệt. Mưa. Mưa. Mưa… kéo dài lê thê. Lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Nặng hạt. Xối xả. Cây cối trong vườn ngả nghiêng theo mưa và gió. Cây Lựu trước sân nhà tôi tơi tả. Trời tối dần. Mưa càng lúc càng to. Ào ào như thác đổ. Mưa suốt đêm. Sấm đất cuốn vào mưa. Ầm ầm. Ào ào. Âm thanh rộn rã…

  • Khi những giọt mưa ngâu tháng bảy bất ngờ trở về, làm xao động cả bầu trời mệt mỏi đang chìm lặng trong lòng sông Hương, Huế bỗng rùng mình chợt tỉnh cơn mê mùa hạ. Đó cũng là thời khắc mùa Vu lan đang về trên đất trời cố đô.

  • Hồi còn học ở Trường Đại học Sư phạm Huế, tôi có hai người bạn, hợp thành một nhóm, thường uống rượu với nhau khi vui cũng như khi buồn.

  • LTS: Tác giả của câu chuyện dưới đây, sinh ra và lớn lên ở làng quê Triều Sơn Nam, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Anh sinh ra trong sự oan nghiệt khủng khiếp của cuộc sống khi buổi sáng mẹ anh quằn quại nghe tin đau xé mất chồng, buổi chiều mẹ đón nhận tiếng khóc chào đời của anh.

  • NGUYỄN LỆ BA

    Gia phả họ Nguyễn Quang ghi chép, tổ tiên chúng tôi là những người đã ra đi từ đất Huế. Thuở dong buồm về phương Nam đi tìm đất mới, những lưu dân đầu tiên đến dựng làng lập ấp trên vùng sông nước quê tôi chỉ vỏn vẹn vài dòng họ với đôi ba chục con người.

  • BÙI KIM CHI

    Đã có một lần tôi được trở về thăm Huế vào một mùa trăng. Cảnh vật thiên nhiên trời ban riêng cho Huế làm Huế duyên dáng và đẹp lạ lùng vào những đêm trăng. Trăng Huế vì thế mà có nét đẹp rất riêng, là lạ, duyên dáng, lộng lẫy và quyến rũ trong phong cảnh vừa thơ, vừa duyên và lãng mạn của trời đất Huế về đêm.

  • NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỊ PHÁP THIÊU THÂN

    NGUYỄN BỘI NHIÊN

  • Một nam sinh như tôi lại học trường nữ trung học Đồng Khánh (trường THPT Hai Bà Trưng hiện nay), có thể một số người cho đó là chuyện lạ đời. Nhưng đấy lại là sự thật 100%! Tuy tôi chỉ học ở trường Đồng Khánh một năm lớp năm bậc tiểu học (bây giờ là lớp 1) vào khoảng những năm cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Nhưng không hiểu tại sao tôi lại còn nhớ nhiều những kỷ niệm về năm học đầu đời ấy mãi tới tận bây giờ.

  • TRIỆU BÔN
             Hồi ký

    Mùa mưa năm 1968 ở mặt trận đường Chín - Khe Sanh, trung đoàn 246 chúng tôi được gọi đùa là trung đoàn hai bốn đói. Ngày ngày chúng tôi sống bằng ba nguồn chính: thịt thú rừng, rau môn thục, và đỗ xanh.

  • NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi niềm đau đáu về quê hương, nơi mình được sinh ra và chắt chiu nuôi dưỡng trong từng hạt cát, từng trận mưa dầm dề thúi trời thúi đất hay nắng lửa trên cồn khô cát cháy, mà những con người ở đây sẵn mang một tấm lòng lồng lộng gió trời trải đi khắp muôn phương...

  • BÙI KIM CHI

    Tôi đang đứng ở đây. Bến xe đò Đông Ba của thế kỷ trước. Bùi ngùi. Xúc động. Bến xe đã không còn. Thật buồn khi nơi này đã vắng bóng những chiếc xe đò dân dã, thân thương thuở ấy cùng những tà áo trắng học trò dung dị với giọng Huế trong trẻo ơi ới gọi nhau lên xe kẻo trễ giờ học.

  • NGUYỄN VĂN UÔNG
                         Tùy bút

    Tuổi càng cao càng có nhiều nỗi nhớ vu vơ. Tôi đang trong tình trạng đó. Nhớ cồn cào đến xao xuyến là mỗi dịp xuân về: Nhớ Tết quê tôi. Nhớ tuổi thơ tôi và nhiều nỗi nhớ khác nữa.

  • HOÀNG HƯƠNG TRANG

    Thuở nhỏ, tôi thường trốn ngủ trưa đi nghe hát vè. Ở Huế lúc ấy gọi là nói vè, như theo tôi phải gọi là hát vè thì đúng hơn, bởi người hát có bài có bản, có giai điệu, trầm bổng, có cả nhạc cụ.

  • HỒ XUÂN MÃN
    (Nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế)

    Năm 1973, để chuẩn bị cho ký kết hiệp định Paris, Khu ủy và Quân khu Trị Thiên - Huế chủ trương tổ chức các lực lượng (bao gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) tổ chức đánh chiếm các căn cứ và phân chi khu địch để giành đất, nắm dân, cắm cờ giành quyền làm chủ.

  • TRẦN THỊ NHƯ MÂN

    Tôi sinh ra trong gia đình quan lại, đã mấy đời làm quan với triều đình Huế(1). Khi tôi lớn lên thì chế độ cai trị của thực dân Pháp đã bước vào giai đoạn ổn định sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Chiếc ngai vàng của nhà Nguyễn từ nay trở đi chắc không còn phải chịu những cơn sóng gió đáng kể chi nữa.

  • HUY CẬN - XUÂN DIỆU
          Trích "Hồi ký song đôi"

    Tháng 8 năm 1928 cậu tôi được lệnh của Sở học chính Trung kỳ đổi về Huế làm hiệu trường trường tiểu học Queignec ở phố Đông Ba.

  • LÊ QUANG KẾT
             Bông hồng dâng mẹ 

    Vua Tự Đức - ông vua tại vị gặp cơn biến động trong lịch sử dân tộc, sinh thời nhà vua đã tán dương công ơn mẹ: “Nuôi ta là mẹ, dạy ta cũng là mẹ: Mẹ là Thầy vậy. Sinh ra ta là mẹ, hiểu ta cũng là mẹ: Mẹ là Trời vậy”.

  • TRẦN HOÀN
                Hồi ký

    Năm 1941 thi vào trường Quốc Học, tôi đỗ vào loại khá nhưng chưa đủ mức để được cấp học bổng toàn phần.