Nhớ về cái Tết gặp cụ Nguyễn Sinh Khiêm đọc thơ Bác Hồ tại làng Sen

20:15 18/02/2015

SƠN TÙNG  

Một ngày giáp Tết Canh Dần - tháng 2/1950, gặp dịp đi qua làng Sen, tôi ghé vào thăm nơi đã lưu lại những kỷ niệm tuổi thơ của Người.

Thật là may mắn, tôi đã được gặp bà Nguyễn Thị Thanh. Dân làng Sen thường gọi bà là o Thanh, người chị ruột của Bác. Bà ở trong một nếp nhà tranh lụp xụp tại góc vườn vắng lặng. Trước sân là bụi mía và các cụm cây thuốc nhiều nhất là tía tô, ngải cứu, mã đề, đinh lăng, sả, gừng, nghệ, riềng… Mảnh sân hẹp, cỏ gấu, cỏ chỉ mọc lưa thưa, vẻ rêu phong lấm tấm vào tận hè nhà. Cửa ra vào che chắn bằng cái nong đã cũ kỹ, cạp nong đã gãy một vài chỗ. Bà nằm trong một xó tối trên chiếc chõng tre, chiếu trải nửa nằm nửa đắp. Quanh nơi bà nằm không có đồ đạc gì đáng kể mà chỉ có mấy cái hũ đựng thuốc hoàn tán, hũ tương, hũ gạo... Trên con xỏ kèo nhà treo mấy cái niêu con toòng teng trong dóng mây ba tao, có vòng thắt tóm.

Gặp phải lúc bà bị cảm cúm, trên đầu bà còn bó một nắm lá thuốc, hai bên thái dương, cổ, hai lòng bàn tay đều xoa nghệ vàng khè cho nên tôi không dám ngồi lại lâu hỏi chuyện...

Tôi sang khu vườn nhà thờ họ của Bác Hồ, gặp cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột của Bác. Cụ cả Khiêm ở trong một nếp nhà chẳng khác mấy cái nếp nhà của bà Thanh. Căn nhà này ở kề bên ngôi nhà thờ họ. Gặp cụ, ngay phút đầu tôi đã cảm thấy như được gặp Bác Hồ: Từ diện mạo đến phong thái ung dung tự tại của cụ Khiêm rất giống Bác. Nhưng cụ Khiêm thì không để râu mà chỉ để mỗi vành ria tương đối dày, màu muối tiêu. Đầu cụ cuốn một cái khăn kiểu mỏ rìu bằng lụa tơ tằm nhuộm nâu đã ngả màu.

Cụ ngồi trên một phản gỗ, trải chiếu cạp điều đã sờn mép, có hai chỗ rách cũng được vá bằng vải đỏ. Cụ ngồi tựa vào vách, phía trước là ấm nước chè xanh và mấy cái vùa (một loại bát to bằng đất nung thô sơ chuyên dùng để uống nước của bà con nông dân vùng Thanh Nghệ Tĩnh). Cụ ngồi tư thế xếp bằng, bên cạnh đùi là chồng sách phần nhiều bằng chữ Hán, bìa sách ám màu bồ hóng. Cạnh chồng sách là hai ba cút rượu của những người bà con đem đến xin cụ đôi câu đối Tết. Nhưng cụ chưa viết. Trên tay cụ đang cầm đọc một bài thơ chữ Hán, viết bằng ngòi bút sắt. Khi cụ để bài thơ xuống chiếu, rót nước mời khách, tôi được cơ hội đọc luôn. Cụ nhìn tôi, nói:

- Anh học cái chữ ni có được nhiều không?

- Dạ, thưa bác, cháu học được ít lắm ạ.

- Dù còn ít, nhưng đã là có vốn thì cố học thêm. Biết được thêm cái gì đều là bổ ích cả. Ở đời nỏ có cái chi là vô dụng mô.

Cụ đưa bài thơ cho tôi, nói:

- Anh đọc đi, bài thơ ni nỏ có chữ khó mô.

Tôi đón nhận bài thơ trên tay cụ và vô cùng xúc động khi nhận ra bài thơ này là của Bác Hồ tặng cụ Võ Liêm Sơn:

TẶNG VÕ CÔNG

Thiên lý công tầm ngã
Bách cảm nhất ngôn trung
Sự dân nguyện tận hiếu
Sự quốc nguyện tận trung
Công lai ngã hân hỉ
Công khứ ngã tư công
Tặng công chỉ nhất cú:
Kháng chiến tất thành công(1).

Cụ Khiêm thấy tôi đọc được hết bài thơ mà không phải hỏi một chữ nào, liền hỏi:

- Anh hiểu và thấm nhuần được cái tứ, cái thần của bài thơ chứ?

- Dạ, thưa bác, cháu chỉ mới hiểu ý, hiểu nghĩa của từng chữ từng câu của bài thơ thôi ạ.

- Thơ hay không phải ở chữ đẹp mà ở sự cảm xúc. Cảm xúc càng mạnh, càng cao thì tứ bài thơ càng sâu, thần bài thơ càng rộng, người đọc phải ngẫm nghĩ, phải suy diễn nhiều có như vậy mới là bài thơ hay.

Cụ giục tôi uống nước và nhận lại bài thơ trên tay tôi, nói:

- Bài thơ này tuy là thơ thù tạc nhưng tứ nó lớn, thần nó sáng và dào dạt. Vì người làm thơ và người được tặng thơ là đồng điệu, là chí cao, tâm lớn nên nó bao quát được cả thời cuộc, cả tình riêng...

Cụ nhận biết tôi còn chưa rõ xuất xứ của bài thơ này, cụ nói chậm rãi:

- Ông Chủ tịch nước ta hiện nay (Bác Hồ) và ông Võ Liêm Sơn đã quen biết nhau từ hồi còn học Trường Quốc Học Huế, hồi 1905, 1906... Hồi đó tôi cũng thường trò chuyện với ông Võ Liêm Sơn trong giờ chơi ngoài sân Trường Quốc Học. Ông Sơn và tôi cùng tuổi Mậu Tý (1888), cùng quê xứ Nghệ với nhau. Cho nên vừa qua, ông Võ Liêm Sơn đi học ngoài Việt Bắc, trên đường về, ông đã ghé thăm tôi và ông kể với tôi việc ông được tiếp kiến ông Hồ. Ông Hồ đã làm thơ tặng ông Sơn...

Gặp dịp may hiếm có này, tôi thành tâm hỏi cụ về những kỷ niệm thời niên thiếu của cụ với Bác Hồ. Lúc đầu cụ nói lảng sang chuyện khác. Nhưng thấy tôi tha thiết và rất chân thành nên cụ đã kể cho nghe một số mẩu chuyện thời hai anh em cụ cùng đi săn chim cuốc, đuổi bắt chuồn chuồn ông voi, bướm cánh gầm, đi học chữ Hán, học Trường Pháp - Việt, Trường Quốc Học Huế... Cụ nhớ lại và kể một cách hào hứng về chuyến đi theo mẹ vào Huế lần thứ nhất, mùa xuân năm Ất Mùi (1895). Cụ còn nhớ cái hình ảnh chân của cha đi bằng đôi dép da bò mỏng, quai xỏ qua kẽ ngón chân cái rồi rẽ hình đuôi én trên mu bàn chân xuống sau gót. Còn mẹ và hai anh em cụ thì đi bằng dép mo cau. Trong hai đầu gánh của bà mẹ còn đèo thêm mấy tệp dép mo cau dự trù cho chuyến đi bộ đường dài vào Kinh đô. Cụ nói, giọng bồi hồi:

- Chuyến đi vô Kinh năm Ất Mùi với cha mẹ, tôi mới lên bảy, còn chú Côn thì chỉ mới có bốn hay năm tuổi... Tên là Côn, chứ không phải là Công - Cụ vừa nói vừa viết chữ Côn... chữ Công lên giấy - khởi thủy là tên Côn do ông ngoại và cha tôi chọn cái tích con cá côn hóa chim bằng để đặt tên cho chú ấy (Bác Hồ). Nhưng các bà con cứ gọi là Côông, gọi mãi thành quen. Chú Côn tuy là em, ít hơn tôi vài tuổi, nhưng hóm hơn tôi, sớm biết xem xét, biết lập ngôn và suy đoán hơn tôi. Tôi còn nhớ rất rõ về chuyến đi Kinh lần đầu ấy, cha tôi phải cõng chú Côn. Thỉnh thoảng chú ấy cũng đi bộ với tôi một quãng rồi lại ôm cổ cha, bám trên lưng cha nhưng mắt chú ấy ít bỏ qua những vật lạ trên dọc đường và hỏi cha tôi cặn kẽ các thứ đó. Có lúc cha tôi cảm thấy mỏi miệng phải giả vờ không nghe rõ, nhưng chú Côn cứ hỏi cha miết. Cái hôm thấy đèo Ngang, cha mẹ tôi cùng với những người đi vô Kinh đã dừng lại dưới chân núi, nghỉ và ăn cơm nắm cho chắc dạ để có sức mà vượt đèo. Mọi người ngồi quây quần trên bãi cỏ, chú Côn vừa chạy tung tăng vừa hỏi: “Cha ơi... trên núi kia có cái chi màu đo đỏ mà lại dúc da dúc dắc rứa cha?”. Cha tôi ngước nhìn lên đèo Ngang, giải thích: “Đó là con đường mòn. Lát nữa cha con mình sẽ leo lên đó để sang bên kia đèo, con ạ!”. Thế là, chú Côn nhảy cò cò chân và nói líu lo, thành vần:

Núi cõng con đường mòn
Cha thì cõng theo con
Núi nằm ì một chỗ
Cha đi cúi lom khom
Con tập chạy lon ton
Cha siêng hom hòn núi
Con đường lười hom con.


Cha tôi nhìn chú Côn, mỉm cười, gật gật đầu. Mẹ tôi thì xoa xoa đầu chú Côn: “Con nhìn phong cảnh mà vận ngay thành vần thành vè. Còn anh cả (cụ Khiêm) thì chậm chạp, thua em rồi nớ”. Rồi khi leo dốc tôi bở cả hơi tai, cho nên lúc lên tới đỉnh đèo, mọi người lại phải ngồi nghỉ chân. Tôi phụng phịu mặt, muốn khóc vì hai chân như rã rời, bàn chân thì bỏng rát. Chú Côn từ trên lưng cha bước xuống bãi đá bằng liền la to: “Cha ơi cha! Cái ao... cái ao lớn quá!”. Cha tôi cười, bảo: “Biển đó con ơi!”. Tôi ngước lên nhìn theo hướng chú Côn chỉ trỏ - “0 biển!”. Đây là lần đầu tiên anh em chúng tôi được nhìn thấy biển cả trải mênh mông dưới chân đèo Ngang. Chú Côn lại chỉ trỏ, nói: “Ồ! Bò... bò... con bò to lội trên biển”. Cha tôi lại giải thích: “Không phải con bò đâu, con ơi! Thuyền đó. Thuyền chạy bằng buồm theo chiều gió... con nhớ chưa?”. Chú Côn lại nói líu lo:

Biển là ao lớn
Thuyền là con bò
Thuyền ăn gió no
Lội trên mặt nước
Em nhìn thấy trước
Anh trông thấy sau
Ta lớn mau mau
Vượt qua ao lỏm.


Cụ Khiêm bồi hồi, giọng nói thường ngắt quãng:

- Sinh thời, mẹ tôi thường hay nhắc lại chuyến đi vào Kinh lần đó và chú Côn lại ngân nga những câu ứng khẩu thành vè ấy. Vì thế mà tôi cũng thuộc được nó và nhớ cho đến giờ đã là ngót năm mươi lăm năm rồi (1895 - 1950).

Tôi xin cụ được chép lại hai bài thơ mà cụ vừa đọc cho nghe. Cụ khoát tay: “Anh chép những câu nói bập bẹ mà thành vần của chú Côn liệu có ích gì? Đó chẳng qua là chuyện ấu thời của anh em tôi...”. Song thấy tôi tha thiết được ghi lại hai bài thơ, cụ đành phải vui lòng.

Một thời gian sau, tôi trở lại làng Sen thì... cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã tạ thế ngày 11/5 năm Canh Dần (25/6/1950). Cụ về nơi yên nghỉ cuối cùng đã hơn năm tháng, nhưng hôm tôi đến thăm cụ thì cả làng Sen xúc động vì cái tin: Bác Hồ gửi điện thọ tang về...

Tôi lại sang thăm bà Thanh, bà khỏe hơn lần tôi gặp trước. Bà đang ngồi ở cửa, nỗi đau buồn đọng đầy trong đôi mắt mệt mỏi. Trên tay bà còn cầm tờ giấy chép lại bức điện của Bác Hồ chữ viết bằng mực tím:

“... Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách mà lúc anh đau yếu, tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế, tôi không thể lo liệu.
Than ôi! Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước.
9-11-1950
CHÍ MINH”

Đọc nỗi lòng Bác Hồ qua bức điện thọ tang trên tay bà Nguyễn Thị Thanh, hình ảnh cụ Nguyễn Sinh Khiêm một ngày giáp Tết ngồi đọc thơ của em trai Nguyễn Sinh Côn cứ hiển hiện ra dòng nhớ tưởng của tôi. Tôi bồi hồi nhìn ra nơi yên nghỉ của cụ. Dãy núi Chung, núi Trắc Lĩnh sừng sững giữa quê hương hòa sắc xanh xa của đất trời. Và bên tai tôi như văng vẳng giọng cụ đọc câu đối của Nguyễn Sinh Côn lúc cùng học chữ Hán với cụ:

Chung sơn vượng khí thành kiên cố
Trắc Lĩnh đa vân thị lão niên(2).

S.T
(SH312/02-15)

-------------------
(1) Dịch thơ:

Tặng cụ Võ Liêm Sơn
Ngàn dặm cụ tìm đến
Một lời trăm cảm thông
Thờ dân tròn đạo hiếu
Thờ nước vẹn lòng trung
Cụ đến tôi mừng rỡ
Cụ đi tôi nhớ nhung
Một câu xin tặng cụ:
Kháng chiến ắt thành công.
(Theo bản dịch của Nhà xuất bản Văn học trong tập Thơ Hồ Chủ tịch - Hà Nội, 1976).

(2)  Dịch nghĩa:  
Núi Chung khí vượng trở thành kiên cố
Non Lĩnh nhiều mây đó là lâu năm.  





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Tháng 3-4/1975 Phó Cục trưởng Cục Quân nhu Từ Giấy và con trai Từ Đễ cùng hướng tới Sài Gòn bằng con đường khác nhau: người cha đi theo đường mòn Hồ Chí Minh, người con đi bằng máy bay.

  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Cuối năm 1961, tôi rời Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao về làm biên tập viên chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình này nằm trong Phòng Văn học do nhà văn Trọng Hứa làm Trưởng phòng.

  • KIMO

    Mười Cents, một đồng xu nhỏ nhất, mỏng nhất được gọi là “dime” và đồng xu nầy được đúc với chất liệu 90 phần trăm bạc và 10 phần trăm đồng như đồng xu năm cents và 25 cents nhưng lại khác với đồng xu một cent.

  • HƯỚNG TỚI 70 NĂM THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ

    TÔ NHUẬN VỸ

  • HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ

    NGUYỄN KHẮC PHÊ

  • KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ

    NGÔ KHA

    LTS: Dưới đây là một ghi chép của cố nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha về những ngày đầu đoàn quân giải phóng về thành Huế dịp 26/3/1975. Rất ngắn gọn, song đoạn ghi chép đã gợi lại cho chúng ta không khí sôi nổi, nô nức những ngày đầu.

  • Lời nói đầu: Mỗi khi về nhà ở Quỳnh Mai, tôi luôn hình dung thấy Cha tôi đang ngồi đâu đó quanh bàn làm việc của mình. Trong một lần về nhà gần đây, sau khi thắp hương cho Cha, chờ hương tàn bèn mang máy đánh chữ, là vật hết sức gần gũi đã gắn bó với Cha tôi cho tới khi mất, để lau chùi, làm vệ sinh.

  • Những năm 1973-1976, đến Paris  tôi bắt đầu công việc sinh viên, vừa làm vừa học là ký tên và đánh số giùm tranh litho cho  Họa sĩ Lê Bá Đảng.

  • L.T.S: Vương Đình Quang nguyên là thư ký tòa soạn báo "Tiếng Dân" do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ biên, vừa là thư ký riêng của nhà yêu nước Phan Bội Châu, chuyên giúp Phan Bội Châu hoàn chỉnh những văn bản tiếng Việt trong mười lăm năm cuối đời sống và sáng tác tại Huế. Bài này trích từ "Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh" do chính tác giả viết tại quê hương Nam Đàn Nghệ Tĩnh khi tác giả vừa tròn 80 tuổi (1987).

  • NGUYỄN NGUYÊN

    Tháng 6-1966, ở Sài Gòn, giữa cái rừng báo chí mấy chục tờ báo hằng ngày, báo tháng, báo tuần, bỗng mọc thêm một từ bán nguyệt san: Tin Văn.

  • Cứ vào những ngày cuối năm, khi làm báo tết, trong câu chuyện cà phê sáng, làng báo Sài Gòn hay nhắc đến họa sĩ Choé, tác giả những bức tranh biếm - hí họa từng không thể thiếu trên khắp các mặt báo. Có thể nói, cùng với nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Ớt - Huỳnh Bá Thành, danh ca Út Trà Ôn, danh hài Văn Hường,… họa sĩ tuổi Mùi - Choé là một trong những “quái kiệt” của Sài Gòn.


  • (Lược thuật những hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm Sông Hương)

  • (Bài phát biểu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ - Nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương trong lễ kỷ niệm 5 năm)

  •  (SHO). Huế đầu đông. Mưa lâm thâm,dai dẳng. Mưa kéo theo các cơn lạnh se lòng. Cái lạnh không đậm đà như miền Bắc không đột ngột như miền Nam, nó âm thầm âm thầm đủ để làm xao xuyến  nổi lòng người xa quê... Ngồi một mình trong phòng trọ, con chợt nhớ, một mùa mưa, xa rồi...

  • (SHO). Mùa mưa cứ thế đến, những nỗi nhớ trong tôi lại từng cái từng cái ùa về, thổi qua và tôi chợt nhận ra trong lúc ngây ngốc tôi đã bỏ quên nhiều thứ như vây; bỏ quên những người thân yêu trong nỗi nhớ của tôi, ở trong kỉ niệm đã qua và giờ tôi nhớ ra cảm giác hạnh phúc, vui vẻ khi ở bên họ, để từ đó tôi quý trọng hơn nữa những giây phút bên cạnh những người mà tôi yêu thương.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Sau một thời gian bị bệnh hiểm nghèo, ca sĩ Hà Thanh đã qua đời vào lúc 19 giờ 30 ngày 1 tháng 1 năm 2014 (giờ Boston) tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

  • ĐẶNG VĂN NGỮ
                    Hồi ký

    Cha tôi lúc còn nhỏ tự học chữ nho có tiếng là giỏi, nhưng đến tuổi đi thi thì thực dân Pháp đã bãi bỏ các kỳ thi chữ nho.

  • TÔ NHUẬN VỸ

    Lớp sinh viên chúng tôi tốt nghiệp Khoa Văn - Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, đúng vào thời điểm Mỹ đánh phá miền Bắc và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kêu gọi con em miền Nam đang ở miền Bắc hãy trở về chiến đấu cho quê hương.

  • Giải phóng quân Huế với phong trào Nam tiến 

    PHẠM HỮU THU

  • Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc. Nguyễn Du trở về, ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm «Chữ tình chốc đã ba năm vẹn», lưu lại trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương.