NGÔ MINH
Nhà văn Nhất Lâm (tên thật là Đoàn Việt Lâm) hơn tôi một giáp sống, nhưng anh với tôi là hai người bạn vong niên tri kỷ.
Anh đã rời cõi tạm lúc 5 giờ sáng ngày 30/8/2016. Sáng đó, tôi nghe anh Linh, Giám đốc Công ty In và Quảng cáo Tân Phát, một người hay in sách Nhất Lâm, điện cho tôi tin đau đớn đó. Tôi bị hững hụt bàng hoàng. Mới chiều hôm trước, tôi điện mời anh trưa mai lên nhà giỗ Mạ tôi, vì cuộc giỗ này mười mấy năm nay đều có anh. Anh bảo: “Mình đau lắm. Có lẽ không đi được đâu. Thông cảm nha”. Anh đau tim từ năm 2010, lúc nào anh cũng áp tay phải lên ngực vì bệnh tim hành hạ. Năm 2010, Bệnh viện Trung ương Huế đã lên lịch mổ tim cho anh. Thấy Gạc khuyên: “Mổ tim nguy lắm. Anh mổ là chết. Chịu khó uống thuốc thì có thể sống thêm vài ba năm!” Thế là anh không mổ, tìm mua thuốc uống. Thế mà sống thêm được 6 năm! Vợ anh bảo: “Chiều anh vẫn viết. 4 giờ sáng dậy kêu đau, bảo đưa đi viện”. Taxi đưa lên viện thì tay chân anh đã lạnh rồi. 5 giờ sáng, trái tim tổn thương ấy đã ngừng đập!
Vì nhà văn Nhất Lâm đã hiến xác cho Bệnh viện, nên Linh hỏi tôi: “Anh Lâm hiến xác rồi. Anh Ngô Minh hỏi coi mình có thể vào bệnh viện thắp nhang viếng được không?” Tôi điện hỏi nhà văn - bác sĩ Phạm Nguyên Tường ở Khoa Ung Bướu. Tường “ôi” lên một tiếng rồi bảo tôi: “Tin anh Nhất Lâm mất em mới nghe lần đầu. Sửng sốt quá! Em sẽ hỏi thủ tục, sẽ gọi lại anh sau”. Sau đó thì bác sĩ Tường cho biết gia đình đã bàn với bệnh viện không đồng ý hiến xác nữa. Hai bên cũng đã thỏa thuận làm tang lễ bình thường…”.
Nhất Lâm là một nhà văn trung thực, thẳng thắn, sống quyết liệt, viết quyết liệt. Từ khi nghỉ hưu đến khi rời cõi tạm, trong 25 năm anh đã viết và ấn hành 20 cuốn sách (11 cuốn văn xuôi, 6 tập thơ, trong đó có tiểu thuyết Xa Hà Nội được giải thưởng của Quỹ Phùng Quán năm 2012 và 2 tiểu thuyết khác được giải thưởng của Hội VHNT Thừa Thiên Huế và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế) và hàng ngàn bài báo. Cuốn cuối cùng của anh là tự truyện SỐNG ĐỂ CHẾT dày 300 trang (Nxb. Thuận Hóa, 2016) là những trang kể lại cuộc đời mình rất sống động. Đọc sách, mới hay anh không phải Sống để chết mà là Sống để tận hiến! Những ngày cuối đời, trong túi áo anh luôn có 3 cái thẻ: thẻ hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, thẻ hiến xác và cái chứng minh thư kỳ lạ. Cái chứng minh nhân dân (CMND) của Nhất Lâm 90 triệu người Việt Nam không ai có: sinh ngày 32/13/1936; nghĩa là ngày không có, tháng không có trong lịch thời gian. Nhưng cái CMND là có thật, anh vẫn sử dụng. Về cái CMND lạ lùng, anh viết: “Thực sự ngày sinh của tôi là 04/12/1936 chứ không phải 32/13/1936. Nguyên do là vào hồi năm 1979 khi tôi còn hoạt động tại vùng biên giới phía Bắc, lúc đó, để đảm bảo bí mật quốc gia, chúng tôi được cấp một CMND riêng. CMND này có tác dụng là nếu chúng tôi bị bắt hoặc bị phát hiện thì (giấy tờ tùy thân) cũng không có hiệu lực pháp lý vì cái sự sai sót cố ý đó. Cái sai đó trở nên hợp lý là vì vậy.
Tự truyện Sống để chết, anh kể về gia đình, làng xóm và tuổi thơ của mình ở làng An Tiêm, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị cho đến khi ra Bắc, đi làm cán bộ địa chất, rồi giải phóng miền Nam trở về gặp mạ. Gia đình anh làm nông, nhưng khá giả, có thể nói là giàu có. Thời chống Pháp đã đóng góp rất nhiều vàng, lúa gạo để nuôi kháng chiến. Một gia đình có truyền thống học hành và yêu nước. Hầu như toàn bộ ông bà, chú bác, cha mẹ, cô dì… đều tham gia kháng chiến. Cả nhà có 3 liệt sĩ và hàng chục người đi cách mạng. Ông nội từng là chánh tổng, tri huyện bị bãi chức vì yêu nước. Bác ruột là Đoàn Lân, là một trong 7 người cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Ông bị Pháp bắt năm 1929, bị đi đày ở nhà tù Lao Bảo và chết ở đây. Vợ bác Đoàn Lân là bà Lê Thị Trúc, trong tổ chức làm kinh tế cho Đảng với bà Hoàng Thị Ái (Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam đầu tiên). Bố nhà văn Nhất Lâm là ông Đoàn Cầu, một nông dân làm ăn giỏi, đóng góp nhiều tiền bạc và sức lực cho cách mạng. Ông là Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phong La. Sau đó lên chiến khu Ba Lòng, và hy sinh trong trận càn của Pháp năm 1952. Mẹ anh tên là Nguyễn Thị Tâm cũng là một phụ nữ có nhiều cống hiến. Bà làm lụng chăm chỉ, cần lao để nuôi chồng con đi kháng chiến, góp tiền, góp lương thực cho cách mạng. Điều may mắn nhất là mẹ sinh ra 5 người con, 3 trai 2 gái, Đoàn Việt Lâm là đầu. Qua hai cuộc kháng chiến cho đến sau năm 1975, 5 người con của mẹ đều từ miền Bắc trở về gặp mẹ trong nỗi vui mừng khôn xiết. Mẹ sống cho đến năm 2002, 90 tuổi.
Đoàn Việt Lâm lúc 15 tuổi, học xong tiểu học Pháp (Primaire) là lên chiến khu Ba Lòng theo bộ đội. Đọc sách, tôi thấy anh có trí nhớ tuyệt vời. Tên đất, tên sông, tên suối, thậm chí tên người, tên những bản làng xa vắng tận Tây Bắc… anh đều nhớ hết. Rồi chuyện đi mót sắn, chuyện ăn đói, mặc rách, chuyện cọp vồ người, chuyện suýt bị lính Pháp bắn chết... Đã 67 năm rồi mà Nhất Lâm thuộc từng ngóc ngách chiến khu Ba Lòng. Ở chiến khu Ba Lòng thuở ấy, Nhất Lâm đã được nghe nghệ sĩ Tân Nhân hát, gặp nhạc sĩ Phạm Duy và những nhà văn nhà thơ trong nhóm văn nghệ Nguồn Hàn như Vĩnh Mai, Lương An, Hồng Chương, Dương Tường… Có lẽ những gặp gỡ đó đã nhen lên và nuôi trong anh ngọn lửa văn chương thơ phú.
Năm 1954, anh tập kết ra Bắc, học ở Trường Cấp 3 Phan Đình Phùng (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Sau đó Nhất Lâm ra Hà Nội học ngành địa chất. Ra trường, anh thành cán bộ địa chất đi tìm tài nguyên cho đất nước khắp vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Quảng Ninh, Yên Tử... Đi tìm quặng phải leo đèo lội suốt rất cực nhọc và nguy hiểm, nhưng cũng có những giờ phút vô cùng lãng mạn. Đó là một tình yêu chớp nhoáng với cô gái Thái trắng Bản Lu, Yên Châu tên là Ín. Nàng đẹp. “Cái đẹp của người phụ nữ gọn gàng trong cái áo khít khao để bộ ngực tròn vo sức sống”, “Tôi nhìn nàng. Đôi má hồng lên như chị gà mái đang yêu… Rồi nàng cầm tay tôi tự nhiên kéo xuống cái nệm dày…”. Cuốn tự truyện Sống để chết kết thúc ở chuyến hồi quê ở Am Tiêm của 3 anh em trai từ Hà Nội về sau năm 1975. “Tôi chỉ kêu lên: Mẹ ơi. Mẹ cười nước mắt dàn dụa”. Rồi nhập tỉnh Bình Trị Thiên. Anh chuyển công tác sang giao thông. Làm Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Bình Trị Thiên (cũ). Do hoàn cảnh riêng, anh đã xin nghỉ hưu sớm, và bắt đầu viết văn, làm thơ từ đó.
Ở Huế, Quảng Trị, Đồng Hới… nhà văn Nhất Lâm đi đâu ai cũng nhận ra bởi anh thường đi xe đạp, đầu trần với mái tóc bạc trắng chấm vai rất đẹp. Mái tóc bạch kim óng ánh để trần trong nắng mưa của anh cứ bồng bềnh trong gió như một “thương hiệu”. Tiểu thuyết Đồi không tên viết về cuộc chiến đấu của các chiến sĩ bộ đội, du kích vùng cao A Lưới với Mỹ trên Đồi thịt băm - theo cách gọi của lính Mỹ. Anh cho biết để có tiền in sách anh phải vay mượn bạn bè hơn chục triệu đồng. Không biết có thu lại đủ vốn không. Nhưng nhìn cuốn sách dậy mùi mực thơm tôi nghĩ đến mùi sự sống nồng nàn đang phục sinh trên mảnh đất A Lưới khốc liệt một thời. Chỉ riêng viết sách dựng lại cuộc chiến đấu sau 30 năm trời, chứng tỏ tình yêu và trách nhiệm của một người cầm bút thật mãnh liệt.
Nhất Lâm viết báo, làm thơ, viết truyện ngắn, truyện ký sôi sục, tâm huyết. Dường như mấy chục năm làm cán bộ địa chất, làm thanh tra ngành giao thông mẫn cán, nghĩa là làm công việc của một người công chức, anh vẫn chưa coi là làm. Về hưu, anh hì hục viết báo để nuôi mẹ già ở quê và nuôi văn, nuôi thơ và nuôi hồn mình. Anh viết ngày viết đêm như chạy thi với tuổi. Anh trầm ngâm: “Còn sống là còn viết, Ngô Minh ạ! Mình đã bỏ phí nhiều thời gian trai trẻ, tiếc lắm”. Chao ôi, đã hưu trí, đã “thất thập cổ lai hy” rồi vẫn lao vào cầm bút quyết liệt như anh Nhất Lâm, đáng kính nể biết bao nhiêu. Anh nghèo, không có tiền mua xe máy, đạp cái xe đạp cà tàng, không máy vi tính, không email, không Facebook, chỉ viết bằng tay. Anh đạp xe đi khắp chốn như một tay giang hồ bí ẩn. Đi nuôi mẹ già 90 ốm nặng ở Quảng Trị hơn 50 cây số cũng đạp xe. Có lần giữa đường xe đạp bị hỏng xích, không có tiền trả, anh gãi đầu, vuốt vuốt mái tóc bạc, rồi nghĩ ra cách ký tặng người thợ sửa xe tập thơ mới xuất bản. Nhờ có thơ mà người thợ sửa xe vui vẻ cảm ơn và không lấy tiền.
Nghèo, nhưng in sách thì anh không hề tiếc tiền, dù có phải vay mượn. Anh vay bà Phương Chi, vợ nhà thơ Vĩnh Mai ở Hà Nội để trả tiền in tập truyện ngắn Kinh thành bỏ ngỏ, vay bạn bè in tiểu thuyết Đồi không tên... In sách rồi tự đi phát hành. Thu được đủ vốn rồi thì lấy vốn đó in tập sách khác, còn lại bao nhiêu sách tặng bạn bè cho bằng hết. Gặp ai anh cũng tặng sách. Vô Bệnh viện Trung ương Huế thăm người bạn ốm, gặp cô y tá nhiệt tình thế là anh rút sách ra ký tặng. Đi chơi với tôi ở Hồ Than Thở, Đà Lạt, thấy hai cô gái bán cà phê ríu rít, anh rút thơ trong túi ra ký tặng như là thân quen từ lâu lắm…
Nhất Lâm không chỉ viết và in sách của mình mà anh còn sống chết vì bạn hết mực. Hồi nhà thơ Phương Xich Lô mất, Nhất Lâm đã rút hết số tiền trong sổ tiết kiệm 9 triệu đồng dành dụm cho ‘việc hậu sự’ của mình để in tập Nguyễn Văn Phương - Xích lô hành. Một tập sách làm kỷ niệm năm năm ngày mất của nhà thơ trẻ tài hoa mệnh yểu. Anh bảo: “Sách in 600 bản, bán thu đủ vốn rồi, số tiền còn lại sẽ đưa cho gia đình Phương để lo giỗ chạp hàng năm cho nó”. Anh mang Xích lô hành đi phát hành và tặng bạn bè tận Sài Gòn. Một nghĩa cử cao đẹp mà không phải người có tiền nào cũng làm được. Nhà thơ Hải Bằng mất (1998), Nhất Lâm đến nhà ngủ cạnh quan tài nhà thơ để cho ‘anh ấy ấm lòng’. Anh bỏ ra hàng tháng trời ra Hà Nội đọc và chỉnh sửa giúp bà Phương Chi hồi ký về nhà thơ Vĩnh Mai, một nhà thơ cộng sản cương trực người Quảng Trị mà anh rất kính trọng và nể phục. Nhà thơ Trần Hữu Tâm Phương ở Huế mất, Nhất Lâm đi vận động bạn bè quyên góp để làm đám tang vì Tâm Phương nhà nghèo. Ông Lê Văn Hoan, một cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị có lối sống và quan điểm rất gần dân, rất tân tiến; anh bỏ ra cả tháng trời để chấp bút tập hồi ký 350 trang của ông. Năm 2016, anh cùng bạn bè tổ chức bản thảo, quyên góp tiền để in tập Thơ Tôn Phong, nhân giỗ đầu nhà thơ người Huế ở Nha Trang. In xong rồi anh mang sách đi bán. Được mấy triệu đồng anh tìm cách chuyển tiền cho chị Lệ Mỹ vợ nhà thơ Tôn Phong. Chị Lệ Mỹ điện ra khóc, nói: “Cảm ơn Nhất Lâm và anh em Huế. Tôi không có lương hưu. Nhờ số tiền nhuận bút này mà tôi tổ chức được giỗ đầu cho anh Phong!”
Nhất Lâm là một thi sĩ thực thụ. Thơ anh mộc mạc, nhưng cái chất lãng tử, cái chất thi sĩ ngang tàng thì thật đậm: Ly dày ly cạn đêm nhòa nhạt/ Áo mới em choàng nhuốm bâng khuâng... (Suối đêm); Giang hồ tôi uống bao quán vắng/ Nước mắt nhòe mưa về bến sông (Mưa). Thơ Nhất Lâm là thứ thơ chiêm cảm, thơ chắt từ chính cuộc đời mình, nên nặng lòng trắc ẩn. Không ngất ngưởng, ngang tàng, không yêu thương cuộc đời hết mực, thì không thể viết được những câu thơ xa xót như thế này: Vòng tay khóa chặt ngang eo rượu/ Ôm trọn tình nhau tròn số không. Trong tập Vú Đá, Nhất Lâm có những câu thơ rất tinh diệu, mới mẻ: Ngạt ngào mùi đêm vắng... hay Ngày thác lũ/ sông đỏ bầm máu dữ/ Hành kinh cho nhân loại phù sinh (Sông đêm).
Nhất Lâm sống như viết, đầy trực cảm và say mê. Mở cửa sổ tầng ba căn hộ chung cư sau đêm viết khuya, gặp ánh trăng man mác, thế là anh không dừng được đam mê, xách xe đạp xuống ba tầng cầu thang khu cư xá Đống Đa, một mình đạp xe đi chơi trăng đến sáng! Anh đạp xe lang thang như một kẻ mộng du. Đến khi chạm cầu, chạm biển Thuận An mới tỉnh ra, biết mình đang ở xa nhà hơn chục cây số! Bạn chơi của anh là những nhà thơ trẻ ở Huế như Hải Trung, Nguyễn Phước Trung Trường, Lê Huỳnh Lâm, Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà...
Với cái trực cảm khảng khái của mình, những truyện ngắn cũng như nhiều bài báo chống tiêu cực của Nhất Lâm luôn luôn trực diện, thẳng thừng, làm không ít người chột dạ. Có lần bọn tiêu cực đã thuê côn đồ mang hung khí đến nhà anh de dọa. Có ông quan cấp cả trăm mét vuông đất cho người chấm luận án cho mình để được cái bằng thạc sĩ, Nhất Lâm có ngay tiểu phẩm Thạc sĩ đất in báo. Có lần anh viết bài báo về Tàu Thuận An 06 của tỉnh Thừa Thiên Huế đi buôn lậu ở Trung Quốc về bị bão, đắm ở biển Hải Nam. Bọn buôn lậu đã thuê bọn côn đồ tìm đến nhà đánh anh bị thương. Anh phải lánh ra tận nhà nhà thơ Hải Kỳ ở Đồng Hới để được an toàn. Nhất Lâm luôn tâm niệm: Trăm năm một ván cờ/ Thua được ta thờ ơ... (Trăm năm)!
Nhất Lâm vẫn vậy, sống là viết và viết là sống, chết rồi vẫn muốn có ích cho đời. Ôi, một nhà văn luôn dấn thân đấu tranh vì lẽ công bằng, bởi anh yêu quá cuộc đời này!
Huế, 1/9/2016
N.M
(SHSDB22/09-2016)
NGUYỄN ĐỨC TÙNG(Tiếp theo Sông Hương số 245 tháng 7-2009 và hết)
Nguyễn Khắc Phê quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh xuất thân trong một gia đình trí thức. Bố anh từng đậu Hoàng Giáp năm 19 tuổi. Các anh trai đều là bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phi... Có người nói vui “Nguyễn Khắc Phê con nhà quan tính nhà lính”.
VĂN CẦM HẢI(Đọc “Ngôi nhà vắng giữa bến sông”, Tập truyện ngắn của Nguyễn Kiên - Nxb Hội Nhà văn, 2004)
NGUYỄN QUANG SÁNGMấy năm gần đây, dân ta đi nước ngoài càng ngày càng nhiều, đi hội nghị quốc tế, đi học, đi làm ăn, đi chơi, việc xuất ngoại đã trở nên bình thường. Đi đâu? Đi Mỹ, đi Pháp, đi Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc... Nhà văn Văn Cầm Hải cũng đi, chuyến đi này của anh, anh không đi những nơi tôi kể trên, anh đi Tây Tạng, rất lạ đối với tôi.
HÀ KHÁNH LINHDân tộc ta có hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã xảy ra nhiều cuộc nội loạn ngoại xâm, nhiều thế hệ người Việt Nam đã cầm vũ khí ra trận giết giặc cứu nước, nhưng mãi đến cuối thế kỷ 20 những chàng trai nước Việt mới phải đi giữ nước từ xa, mới đi giữ nước mà mang trong lòng nỗi nhớ nước như tứ thơ của Phạm Sĩ Sáu.
LÊ VĂN THÊSau sáu năm (kể từ 2002) nhà văn Cao Hạnh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, (cuối năm 2008); Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị mới có thêm một nhà văn được kết nạp. Đó là Văn Xương.
NGÔ MINHTrong đợt đi Trại viết ở Khu du lịch nước nóng Thanh Tân, anh em văn nghệ chúng tôi được huyện Phong Điền cho đi dạo phá Tam Giang một ngày. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thế là người dẫn đường. Anh dân sở tại, thuộc lòng từng tấc đất cổ xưa của huyện.
PHẠM PHÚ PHONG…Làng em đây, núi rừng Trung Việt cũng là đây/Xưa kia đã hùng dũng đánh Tây/Giờ lại hiên ngang xây thành chống Mỹ/Đường Trường Sơn là đường chân lý/Đã cùng quê em kết nghĩa hẹn hò… (Quê em, 1971)
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGKể từ tập thơ đầu tay (Phía nắng lên in năm 1985), Huyền thoại Cửa Tùng (*) là tập thơ thứ mười (và là tập sách thứ 17) của Ngô Minh đã ra mắt công chúng. Dù nghề làm báo có chi phối đôi chút thì giờ của anh, có thể nói chắc rằng Ngô Minh đã đi với thơ gần chẵn hai mươi năm, và thực sự đã trở thành người bạn cố tri của thơ, giữa lúc mà những đồng nghiệp khác của anh hoặc do quá nghèo đói, hoặc do đã giàu có lên, đều đã từ giã “nghề” làm thơ.
Võ Quê được nhiều người biết đến khi anh 19 tuổi với phong trào xuống đường của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam (1966). Lúc đó, anh ở trong Ban cán sự Sinh viên, học sinh Huế. Võ Quê hoạt động hết sức nhiệt tình, năng nổ bất chấp nguy hiểm với lòng yêu nước nồng nàn và niềm tin sắt đá vào chính nghĩa.
PHẠM PHÚ PHONGThỉnh thoảng có thấy thơ Đinh Lăng xuất hiện trên các báo và tạp chí. Một chút Hoang tưởng mùa đông, một Chút tình với Huế, một chuyến Về lại miền quê, một lần Đối diện với nỗi buồn, hoặc cảm xúc trước một Chiếc lá rụng về đêm hay một Sớm mai thức dậy... Với một giọng điệu chân thành, giản đơn đôi khi đến mức thật thà, nhưng dễ ghi lại ấn tượng trong lòng người đọc.
ĐẶNG TIẾNNhà xuất bản Trẻ, phối hợp với Công ty Văn hoá Phương Nam trong 2002 đã nhẩn nha ấn hành Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, trọn bộ bốn cuốn. Sách in đẹp, trên giấy láng, trình bày trang nhã, bìa cứng, đựng trong hộp giấy cứng.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG(Tiếp theo Sông Hương số 244 tháng 6-2009)Mến tặng các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Khánh Phương, Trần Thị Trường, cháuDiệu Linh, và những người bạn khác,lớn lên trong những hoàn cảnh khác.
NGUYỄN THỤY KHANhà thơ Quang Dũng đã tạ thế tròn 15 năm. Người lính Tây Tiến tài hoa xưa ấy chẳng những để lại cho cuộc đời bao bài thơ hay với nhịp thơ, thi ảnh rất lạ như "Tây Tiến", "Mắt người Sơn Tây"... và bao nhiêu áng văn xuôi ấn tượng, mà còn là một họa sĩ nghiệp dư với màu xanh biểu hiện trong từng khung vải. Nhưng có lẽ ngoài những đồng đội Tây Tiến của ông, ít ai ở đời lại có thể biết Quang Dũng từng viết bài hát khi cảm xúc trên đỉnh Ba Vì - quả núi như chính tầm vóc của ông trong thi ca Việt Nam hiện đại. Bài hát duy nhất này của Quang Dũng được đặt tên là "Ba Vì mờ cao".
HOÀNG KIM DUNG (Đọc trường ca Lửa mùa hong áo của Lê Thị Mây)Nhà thơ Lê Thị Mây đã có nhiều tập thơ được xuất bản như: Những mùa trăng mong chờ, Dịu dàng, Tặng riêng một người, Giấc mơ thiếu phụ, Du ca cây lựu tình, Khúc hát buổi tối, v.v... Chị còn viết văn xuôi với các tập truyện: Trăng trên cát, Bìa cây gió thắm, Huyết ngọc, Phố còn hoa cưới v.v...Nhưng say mê tâm huyết nhất với chị vẫn là thơ. Gần đây tập trường ca Lửa mùa hong áo của nhà thơ Lê Thị Mây đã được nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. (quý IV. 2003)
PHẠM PHÚ PHONGTrước khi có Hoa nắng hoa mưa (NXB Thanh Niên, 2001), Hà Huy Hoàng đã có tập Một nắng hai sương (NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí minh, 1998) và hai tập in chung là Một khúc sông Trà (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) và Buồn qua bóng đuổi (NXB Văn hoá Dân tộc, 2000). Đã có thơ đăng và giới thiệu trên các báo Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Lao động, Người lao động, các tập san, tạp chí Thời văn, Tiểu thuyết thứ bảy, Cẩm thành hoặc đăng trong các tuyển thơ như Hạ trong thi ca (1994), Lục bát tình (1997), Thời áo trắng (1997), Ơn thầy (1997), Lục bát xuân ca (1999)...
Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sinh ngày 9 tháng 9 năm 1937. Quê ở Triệu Long, Triệu Hải, Quảng Trị. Năm 1960, tốt nghiệp khóa I, ban Việt Hán, Trường đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, nhận bằng cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế. Năm 1960 - 1966, dạy trường Quốc Học Huế. Từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống Mỹ - ngụy đòi độc lập thống nhất Tổ quốc. Năm 1966 - 1975, nhà văn thoát li lên chiến khu, hoạt động ở chiến trường Trị Thiên. Sau khi nước nhà thống nhất, từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt.
ANH DŨNGLTS: Kết hợp tin học với Hán Nôm là việc làm khó, càng khó hơn đối với Phan Anh Dũng - một người bị khuyết tật khiếm thính do tai nạn từ thuở còn bé thơ. Bằng nghị lực và trí tuệ, anh đã theo học, tốt nghiệp cử nhân vật lý lý thuyết trường Đại học Khoa học Huế và thành công trong việc nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh bộ Phần mềm Hán Nôm độc lập, được giải thưởng trong cuộc thi trí tuệ Việt Nam năm 2001.Sông Hương xin giới thiệu anh với tư cách là một công tác viên mới.
SƠN TÙNGLTS: Trong quá trình sưu tầm, tuyển chọn bài cho tập thơ Dạ thưa Xứ Huế - một công trình thơ Huế thế kỷ XX, chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết các nhà thơ lớn đương thời khắp cả nước đều tới Huế và đều có cảm tác thơ. Điều này, khiến chúng tôi liên tưởng đến Bác Hồ. Bác không những là Anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hoá thế giới mà còn là một nhà thơ lớn. Các nhà thơ lớn thường bộc lộ năng khiếu của mình rất sớm, thậm chí từ khi còn thơ ấu. Vậy, từ thời niên thiếu (Thời niên thiếu của Bác Hồ phần lớn là ở Huế) Bác Hồ có làm thơ không?Những thắc mắc của chúng tôi được nhà văn Sơn Tùng - Một chuyên gia về Bác Hồ - khẳng định là có và ông đã kể lại việc đó bằng “ngôn ngữ sự kiện” với những nhân chứng, vật chứng lịch sử đầy sức thuyết phục.
NGUYỄN KHẮC PHÊAnh Hoài Nguyên, người bạn chiến đấu của nhà văn Thái Vũ (tức Bùi Quang Đoài) từ thời kháng chiến chống Pháp, vui vẻ gọi điện thoại cho tôi: “Thái Vũ vừa in xong TUYỂN TẬP đó!...” Nhà văn Thái Vũ từng được bạn đọc biết đến với những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ như “Cờ nghĩa Ba Đình” (2 tập - 1100 trang), bộ ba “Biến động - Giặc Chày Vôi”, “Thất thủ kinh đô Huế 1885”, “Những ngày Cần Vương” (1200 trang), “Thành Thái, người điên đầu thế kỷ” (350 trang), “Trần Hưng Đạo - Thế trận những dòng sông” (300 trang), “Tình sử Mỵ Châu” (300 trang)... Toàn những sách dày cộp, không biết ông làm “tuyển tập” bằng cách nào?