Trong sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn Tô Hoài giữ một vị trí đặc biệt.
Cảnh trong phim “Vợ chồng A Phủ” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tô Hoài.
Hơn 60 năm cầm bút, gần 200 đầu sách lưu lại cho đời, con số ấy đủ để người ta mến phục sức sáng tạo bền bỉ, hiếm có của một tài năng trọn đời tận hiến cho văn chương. “Vợ chồng A Phủ”, câu chuyện nhói đau về số phận người dân lao động vùng cao Tây Bắc xa xôi mấy mươi năm về trước vẫn luôn ám ảnh người đọc.
Từ bóng tối khổ đau
“Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời” (Nguyễn Kiên). Chứng tích về một thời đau thương dưới sự đè nén của bọn phong kiến chúa đất vùng cao trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 được Tô Hoài ghi lại trong những trang văn thống thiết kể về cuộc đời tủi cực của Mị và A Phủ. Cô gái trẻ yêu đời, chàng trai khỏe mạnh yêu chuộng tự do vùi chôn đời mình trong muôn nghìn cay đắng của phận người nô lệ. Quả là những bất công, ngang trái giữa cuộc đời. Số phận đắng cay, khuất chìm trong bóng tối của Mị khởi đầu từ đêm xuân hứa hẹn.
“Một đêm khuya, Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu. Mị hồi hộp quơ tay lên... Một bàn tay dắt Mị bước ra”. Đó không phải bàn tay yêu thương Mị thao thức đợi chờ, ước mong hạnh phúc. Bàn tay ấy dắt Mị đi từ phương trời tự do đến chốn địa ngục trần gian tù hãm cuộc đời mình. “Sáng hôm sau, Mị mới biết mình đang ngồi trong nhà thống lí Pá Tra. Họ nhốt Mị vào buồng”. Khổ đau, nước mắt khởi đầu từ đây. “Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Mị khóc cho thanh xuân chưa nở vội tàn, ước mong làm nương giả nợ thay cha chỉ còn trong hoài vọng xa xôi.
Làm dâu gạt nợ nhà giàu, cuộc đời Mị chông chênh nước mắt. Cô gái trẻ yêu đời tha thiết “uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo” dường như đã chết, tâm hồn nguội lạnh bởi khổ đau với vẻ “mặt buồn rười rượi”. “Cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ... Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Kiếp sống nô lệ, lầm lũi như con rùa nơi xó cửa đã lấy đi của Mị tất cả. Ý thức về thời gian, lẽ sống bị vùi lấp, tâm hồn như hóa đá, chai sần vì khổ đau, tủi nhục.
Cuộc đời Mị khổ, song chí ít cô đã xóa sạch cho mẹ cha món nợ ngày nào. A Phủ, chàng trai tự do chỉ bởi đánh con quan bỗng nhiên thành nô lệ. Một trăm đồng bạc trắng, mấy câu “lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người vay nợ” đã biến cuộc đời tự do thành kẻ đi ở trừ nợ, làm con trâu, con ngựa nhà quan. Ngang trái, đầy rẫy bất công. Biết sao đây phận con sâu cái kiến. Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ... A Phủ phải làm trả nợ nhà quan. Ấy vậy mà, kết cục bị bắt trói đứng vào một cây cột trong góc nhà đợi chết, thế thôi. Một cuộc đời của thân phận nô lệ dưới bàn tay lũ chúa đất bạo tàn thật khổ.
Viết về những cuộc đời trong bóng tối khổ đau, ngòi bút Tô Hoài ghi lại chứng tích của một thời đã qua. Sứ mệnh người cầm bút “viết văn là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật” đã được hoàn thành trọn vẹn. Ẩn sau những trang viết chân thực về những cảnh đời khốn khổ ấy là niềm thương, niềm đau và cả sự căm phẫn tột cùng với bè lũ ác nhân. Chúng đọa đầy, vùi dập người ta trong ê chề, nhục nhã, biến người ta sống chẳng khác nào đã chết, chết khô, chết héo tâm hồn.
Nhà văn Tô Hoài.
Vùng lên tự giải phóng
Thổn thức cùng những cuộc đời khổ đau trong bóng tối, Tô Hoài đâu chỉ chan chứa một niềm thương, nhà văn dường như còn tìm thấy chất thơ vời vợi tỏa ra từ những tâm hồn ngỡ như đã chết. Như hòn than vùi sâu dưới lớp tàn tro, tâm hồn hóa đá bỗng hồi sinh mãnh liệt. Khát vọng sống, lòng yêu đời và xa hơn là ý thức phản kháng nhen lên giữa tận cùng cay đắng. Người đọc mến yêu Mị, cô gái Mèo nơi rẻo cao xa xôi cũng bởi ở con người cô tiềm tàng một sức sống âm thầm, bền bỉ mà mãnh liệt vô cùng. Sức sống ấy sẽ bùng lên trong những hoàn cảnh diệu kì.
Đừng tưởng “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Xuân về Hồng Ngài vạn vật sinh sôi, những chiếc váy hoa đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ. Tiếng sáo, giai điệu mùa xuân vang lên giữa núi rừng lay tỉnh tâm hồn bấy lâu nguội lạnh của Mị. Nhà văn rất dụng công khi miêu tả thanh âm diệu kì này. Từ xa vọng lại gần, ngoại cảnh trở thành tâm cảnh. “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”, gần thêm chút nữa, “tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng, tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường...”. Tiếng sáo vang lên, tâm hồn khổ hồi sinh trở lại. “Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha, bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”. Chắc hẳn phải lâu lắm, Mị chẳng buồn hát. Vui đâu mà hát, có ai hát khi lòng quặn nỗi đau, nước mắt uất nghẹn vào trong.
Ấy vậy mà, giờ đây trong đêm xuân Hồng Ngài, “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự bừng tỉnh của tâm hồn sau bao tháng ngày hóa đá. Mị ý thức về giá trị và hơn hết là nỗi đau của cuộc đời mình. Lạ thay, Mị mong muốn tìm đến cái chết “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Có lẽ, khi ý thức về thân phận trỗi dậy, nỗi đau thêm thấm thía nỗi đau, Mị muốn chết để tự giải thoát khỏi khổ nhục, đắng cay. Sức sống tiềm tàng vươn lên mạnh mẽ, sau đó cả thúng dây đay cột chặt, mái tóc bị A Sử quấn ngược lên, thân xác đau nhức nhưng tâm hồn Mị vẫn bồng bềnh theo tiếng sáo, theo những đám chơi, tâm hồn yêu đời đang hòa nhịp cùng giai điệu mùa xuân.
Đêm xuân Hồng Ngài qua đi chóng vánh, song khoảnh khắc ngắn ngủi ấy trở thành bước đệm cho đêm đông Mị quật sức vùng lên. Ý thức phản kháng, khát vọng giải thoát vùng lên mãnh liệt nhất khi Mị rút con dao nhỏ, cắt đứt dây mây giải cứu A Phủ và cắt luôn sợi dây vô hình trói chặt đời mình. Tài năng, tấm lòng Tô Hoài gửi trọn trong trang văn hay bậc nhất của cả thiên truyện.
Dược chất nào lay tỉnh tâm hồn Mị, làm đổi thay một trái tim thản nhiên, vô cảm, thờ ơ, can đảm cứu người và cả cứu mình? “Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xạm đen lại” của A Phủ trở thành chất xúc tác đặc biệt. Giọt nước mắt yếu đuối của chàng trai dám vung sức đánh con quan, bẫy hổ ngày nào nhen lên sức mạnh của phái yếu. Giọt nước mắt cay cực, bất lực, tuyệt vọng của con người đã xua tan sợ hãi, thắp lửa yêu thương, giúp Mị đủ can đảm để hành động, dứt khoát, dũng cảm.
Khởi đầu là thương người, sau đó là thương mình, Mị nhận thức tội ác kẻ thù, “chúng nó thật độc ác”. Vượt qua nỗi sợ hãi, Mị vùng lên phá củi, sổ lồng giải cứu người, giải thoát cho mình. Con giun xéo lắm phải quằn, Mị không chỉ quằn nát mà còn mạnh dạn bước đi tìm đến tự do. Ở lại sẽ chịu chết, bước đi dù trời tối lắm nhưng cơ hội sống vẫn còn. “Mị đứng lặng trong bóng tối. Rồi Mị vụt chạy ra. Mị vẫn băng đi”. Hành động ấy đưa Mị tìm đến chân trời tự do, nên duyên chồng vợ cùng A Phủ, cùng đánh Pháp bảo vệ quê hương.
Đêm mùa đông Mị cứu A Phủ, hành động tuy tự phát mà hiển hiện sức sống mãnh liệt, sức sống ấy âm thầm chảy mãi khôn nguôi trong một tâm hồn khổ. Đó là bước ngoặt thay đổi cuộc đời. Từ đây, bóng tối bị đẩy lùi, ánh sáng nhen lên, hạnh phúc ươm hình giữa muôn cay nghìn đắng. Đó là hành động phản kháng quyết liệt của một cuộc đời khổ không cam chịu, buông xuôi. Sức sống tiềm tàng của Mị chưa bao giờ tắt hẳn dù cho liên tiếp bị dập vùi trong bóng tối thương đau.
Tài năng tấm lòng nhà văn
“Vợ chồng A Phủ” chắc hẳn là áng văn để đời vang danh tên tuổi Tô Hoài trên văn đàn dân tộc. Truyện ngắn kết đọng, phát sáng tài năng văn chương của cây bút duyên nợ với mảnh đất miền Tây Bắc. Mấy mươi năm qua rồi, tìm hiểu thiên truyện, người đọc phục tài phân tích, miêu tả tinh tế diễn biến đầy mâu thuẫn của nội tâm nhân vật. Ngòi bút tả cảnh, tả người của ông mang đến cho mỗi người hiểu biết về hương sắc lạ kì của núi rừng Tây Bắc. Giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế đậm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa tạo hình vừa giàu chất thơ. Câu chuyện về Mị, A Phủ bộc lộ tài năng nghệ thuật truyện ngắn bậc thầy của Tô Hoài.
Văn chương là câu chuyện của tấm lòng, dù cho trình độ nghệ thuật có kì tài, lạ hóa bao nhiêu thì tấm lòng muôn năm không bao giờ cũ. Đằm sâu trong mỗi trang viết về những cuộc đời từ bóng tối khổ đau vùng lên tự giải phóng là ân tình người nghệ sĩ. Đau những nỗi đau của người bao nhiêu, Tô Hoài căm phẫn, tố cáo mãnh liệt những kẻ đọa đầy người ta trong đau khổ bấy nhiêu. Đâu chỉ có vậy, trái tim nhân đạo của ông khám phá, ngợi ca nét đẹp đáng quý tỏa ra từ tâm hồn người lao động. Trong bóng tối họ vẫn khát khao đi tìm ánh sáng, trong thương đau vẫn vùng dậy vươn lên bởi sức sống và tinh thần phản kháng quyết liệt. Đặc biệt, ngòi bút nhà văn đã mở ra con đường đến với cuộc đời mới cho những phận người lao khổ.
“Nghệ thuật thì dài, cuộc đời lại ngắn”, nhiều khi người nghệ sĩ sáng tạo đã trở thành thiên cổ nhưng tác phẩm họ để lại vẫn tỏa rộng, vang xa khắp chốn muôn nơi. Kể từ khi Tô Hoài kết duyên cùng Tây Bắc, mảnh đất để nhớ để thương và cho ra đời câu chuyện về Mị, A Phủ đến nay đã ngót bảy mươi năm. Ấy vậy mà, đọc trang văn ông viết, trong ta vẫn ám ảnh khôn nguôi áng văn về phận người trong bóng tối khổ đau vùng dậy vươn lên giải cứu cuộc đời mình. Có áp bức, tất yếu có đấu tranh, tức nước ắt vỡ bờ. Có lẽ, văn phẩm xúc động này luôn cần cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
Theo Nguyễn Văn Luyện (Giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 4 – Thanh Hóa) - GD&TĐ
2 đầu sách Thú lang thang người Hà Nội và Thú ăn chơi người Hà Nội (2 tập) của nhà văn Băng Sơn vừa được Huy Hoàng Bookstore tái bản và ra mắt độc giả. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, đọc lại những cuốn sách này có thể nhận thấy tình yêu rất lớn Băng Sơn dành cho Hà Nội.
Trong giới nghiên cứu, cái tên Nguyễn Thị Hậu rất quen thuộc, mọi người còn đặt cho chị cái tên thân thiết là “Hậu khảo cổ”.
Tiểu thuyết “L’Étranger” nổi tiếng của nhà văn, triết gia người Pháp Albert Camus đã được độc giả Việt Nam biết tới qua bản dịch “Người xa lạ” từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Cuốn sách “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa được NXB Trẻ ra mắt phiên bản đặc biệt nhân dịp chuẩn bị công chiếu bộ phim cùng tên do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể kịch bản và dàn dựng.
Sau 12 năm từ lần xuất bản đầu tiên, tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh “tái xuất” với diện mạo mới cả về nội dung lẫn hình thức. Ngày 15/6/2017, nhân dịp “Trần Quốc Toản” phiên bản mới (họa sĩ Thành Phong minh họa, Công ti Cổ phần Văn hóa Đông A và Nxb Văn học liên kết ấn hành) ra mắt bạn đọc, buổi giao lưu với nhà văn Lưu Sơn Minh đã diễn ra tại Nhà sách Cá Chép - 115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Đó là tác phẩm mới ra mắt của nhà thơ Nguyễn Duy. Tác phẩm là tập hợp các bài viết vốn đã đăng rải rác trên các báo nhiều năm nay.
Nguyễn Quang Thiều tâm sự rằng, suốt cả tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê như ông, có một ngọn gió không bao giờ ngưng thổi, đó là ngọn gió của… đói rét.
Nhiều trang viết của tác giả mô tả chuyện quan hệ trai gái với từ ngữ bị nhận xét phản cảm.
Tiếp sau tập truyện “Đỉnh khói” quy tụ các truyện ngắn về chiến tranh và đời thường, Nguyễn Thị Kim Hòa tiếp tục diện kiến bạn đọc bằng tập truyện “Con chim phụng cuối cùng”. Tập sách gồm 9 truyện ngắn đều tập trung vào đề tài lịch sử với những nhân vật nữ ám ảnh.
Các nhà văn Sài Gòn trước đây đều viết feuilleton (tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ). Đầu tiên là có thu nhập hằng tháng để lo cho nồi cơm. Thứ nữa là để độc giả biết tên tuổi, biết tiểu thuyết của mình. Thứ ba là việc viết feuilleton thúc đẩy nhà văn sáng tác liên tục, đồng thời nắm được thị hiếu, yêu cầu của người đọc đương thời.
Tác phẩm "Ta có bi quan không?" của Khải Đơn kể những trải nghiệm khó khăn trên hành trình trưởng thành của người trẻ.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa cho biết Cục đang lập hồ sơ để ra quyết định thu hồi cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” do Nhà xuất bản Dân trí liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn hóa Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng phát hành do cuốn sách có sai phạm nghiêm trọng về nội dung.
Giọt sầu đa mang là cuốn tiểu thuyết thứ 9 của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Điểm đặc biệt ở nhà văn này khiến cho anh bật lên so với các nhà văn cùng thế hệ là sức viết khỏe, viết đa dạng nhiều chủ đề...
Ở tuổi 85, nhà văn “lão làng” Nguyễn Xuân Khánh tuyên bố dừng viết, bằng một “dấu chấm” được cho là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời văn nghiệp của ông: “Chuyện ngõ nghèo”. Nhưng một mặt, ông lại tiếc, kể chi quỹ thời gian của mình còn nhiều, để có thể... học thêm hai ngoại ngữ nữa.
Những cuốn tự truyện viết về tuổi thơ thời chiến tranh, thời bao cấp xuất hiện trên văn đàn không chỉ là những câu chuyện của ký ức tác giả mà còn như những cánh cửa mở ra để độc giả khám phá, tiếp cận với lịch sử ở nhiều góc cạnh khác nhau.
“Kim Thiếp vũ môn” là một quyển sách mà cấu trúc, văn phong và bút pháp không theo tiền lệ, nhưng mỗi câu chữ, mỗi chương, mỗi hồi không chỉ là lịch sử, là khoa học, là tiểu thuyết mà còn là tình yêu, là thân phận, là văn chương, thế sự, cuộc đời...
Trường ca “Ngụ ngôn của người đãng trí” đã đưa Ngô Kha - một nhà thơ tranh đấu trong phong trào hòa bình và dân tộc ở Huế - trở thành nhà thơ Việt đầu tiên kết hợp được thơ siêu thực và thơ yêu nước.
Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật vừa cho ra mắt ấn bản tiếng Anh cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sự thật trong cuốn sách là thứ kim cương của văn học tư liệu.
Sẽ thật vô duyên nếu viết dài dòng về một cuốn sách kiệm chữ từ tiêu đề trở đi, như trường hợp "Thấy" của Lê Thiết Cương. Nhưng một khi đã “thấy” ở sách nhiều điều cần thấy mà không cất lời thì e rằng kìm nín là một lựa chọn hời hợt.
Tính đến năm 2016, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà đã sở hữu sáu tập thơ (Gửi con lời ru, Đi ngang chiều gió, Cỏ mặt trời, Người gánh vô hình, Đứt dải yếm, Ngả vào nguyên khôi), một tập tản văn (Lạc trong đêm liêu trai), ba tập truyện ngắn (Đầm ma, Ám ảnh, Con sóng màu hổ phách), một tiểu thuyết (Mưa trong nắng). Đó là những con số biết nói. Đôi lúc tôi cứ vân vi mà nghĩ rằng, người phụ nữ mảnh mai, dịu dàng này lấy đâu ra sức lực để viết được cả ngàn trang sách như thế, nếu không là đam mê chữ nghĩa, văn chương. Hẳn là cái nghiệp!