Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh - chủ nhiệm báo Sông Hương tục bản

15:21 21/09/2015

HỒ VĨNH

Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh sinh ngày 15/6/1905 tại Phú Hội, thành phố Huế. Thuở thiếu thời ông là người ngay thẳng, vui tính, thích văn chương nghệ thuật; ông bước vào nghề báo từ năm 1929 và tham gia hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ tại Huế và hoạt động báo chí do Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo.

Báo Sông Hương Tục bản số 1, 19-6-1937. Chủ nhiệm Nguyễn Cửu Thạnh- Ảnh tư liệu của Hồ Vĩnh

Trong giai đoạn 1936 - 1939, việc đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, báo chí công khai và vận động nghị trường để phục vụ cho đấu tranh cách mạng là hình thức đấu tranh mới trong đó có những tờ báo đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở Huế là Nhành Lúa, Sông Hương Tục bản, Dân Tiếng Dân… “Ngày 27/3/1937, trong khuôn khổ một cuộc họp công khai, được phép của nhà cầm quyền, Hội nghị báo giới Trung kỳ đã khai mạc tại Đông Pháp lữ quán (số 7 - Đông Ba Huế) với 70 đại biểu các báo Trung kỳ”(1). Báo Kinh tế Tân Văn đăng tải danh sách đủ mặt các nhà viết báo trong đó có nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh.

Sông Hương Tục bản nguyên là Sông Hương của Phan Khôi. Vào giữa năm 1936, Phan Khôi xin được giấy phép và đứng tên sáng lập báo Sông Hương, số 1 ra mắt độc giả ngày 1/8/1936. Tờ Tuần báo này chỉ sống được 8, 9 tháng thì phải đình bản do tài chính mất cân đối, thu không đủ bù chi. Các đại lý lấy báo rồi không trả tiền, hoặc trả tiền nhỏ giọt, vốn dự bị lại cạn kiệt, không còn cách xoay xở để trụ lại nên phải đóng cửa thì được “các đồng chí Xứ ủy Trung kỳ chủ trương mua lại vẫn tên báo cũ, thêm hai chữ Tục bản, vì báo đã nghỉ mấy tháng, nay ra lại; vẫn để Phan Khôi tên sáng lập viên để giữ thế hợp pháp về hình thức, nhưng chủ nhiệm là Nguyễn Cửu Thạnh”(2).

Sông Hương Tục bản, số 1 ra ngày 19/6/1937, khổ báo 40x32,5cm và 49x42,5cm, có 4 trang, giá mỗi số 2 xu. Tòa báo đóng tại 68 rue Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi, thành phố Huế). Mặc dù mới ra mắt nhưng Sông Hương Tục bản đã đăng tải nhiều bài về kinh tế, chính trị, xã hội, yêu cầu chính phủ Pháp cải cách dân chủ, hướng dư luận vạch trần bộ mặt thật của bọn phản dân hại nước. Ông Lê Thanh Cảnh là người bị mũi nhọn chính chĩa vào, đã vin cớ kiện Sông Hương Tục bản về tội hủy báng. Tòa Khâm gọi chủ nhiệm Nguyễn Cửu Thạnh lên “cảnh cáo” đòi thay đổi thể tài(3). Trên báo Sông Hương Tục bản, số 7 ra ngày 19/8/1937 có đăng bài về vụ kiện này: “… Nay xảy ra vụ ông Lê Thanh Cảnh, chủ bút báo Tràng An kiện Sông Hương về tội hủy báng. Ta chưa vội nói cho ông Cảnh kiện như thế nào? Đã làm một việc hèn thế nào? Ta chỉ nói trong vụ này đáng lẽ tòa Nam án nếu biết trong luật pháp thì phải bác lá đơn ấy đi mới phải. Bên này cụ chánh án Nguyễn Khắc Niêm lại cứ đường hoàng, đưa vụ đó ra xét. Ta chẳng cần nói đến chỗ cụ xử công bình hay là có thiên vị thế nào, ta chỉ biết cụ cứ ngang nhiên buộc tội một vụ kiện hủy báng về báo chí mà trong Hoàng Việt Hình Luật không có khoản nào ấn định về tội đó. Cụ Nguyễn Khắc Niêm khép ông Nguyễn Cửu Thạnh, chủ nhiệm báo Sông Hương vào điều khoản 321 về tội hủy báng, phải phạt 20 đồng, như tôi đã nói, trong Hoàng Việt Hình Luật không có khoản nào nói về báo chí… Thế mà ông (Lê Thanh Cảnh) không thấy thế làm nhục? Sao ông lại để cho tòa Nam án được có quyền xử quyền hủy báng giữa ông và tôi, tức là giữa báo Tràng An với Sông Hương. Chẳng những thế, ông lại còn xui dục người khác đi kiện Sông Hương và chạy vạy đủ cách để đóng cửa Sông Hương nữa kia. Cái cử chỉ nói trên mới ti tiện làm sao? Chúng tôi hãy để cho dư luận phán đoán”(4).

Sông Hương Tục bản ra được 14 số thì bị đình bản vì nội dung tuyên truyền đấu tranh cách mạng. Ngày 11/3/1937, Toàn quyền Đông Dương J. Brévier ra nghị định cấm và đến ngày 14/10/1937 (số báo cuối cùng), báo Sông Hương Tục bản bị đình chỉ hẳn. Sau khi Sông Hương Tục bản bị thu hồi giấy phép thì nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh tiếp tục làm ở các báo Dân, Quyết Thắng

Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh mất năm 1967 và đã được Nhà nước công nhận cấp bằng Liệt sĩ(5).

H.V  
(SH319/09-15)

-----------------
(1) Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lịch sử công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1936 - 2005), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2008, tr. 43-44. Xem thêm Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Báo Thừa Thiên Huế, Lịch sử báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2014, tr. 68.
(2) Nguyễn Thành, Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 1945, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 213. Đỗ Quang Hưng (chủ biên), Lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 302. Xem thêm Phan Thị Mỹ Khánh, “Kỷ niệm về những ngày cha tôi làm báo ở Huế”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 83, tháng 9 - 10/2007, tr. 18-19.
(3) Nguyễn Thành, Sách đã dẫn, tr. 221.
(4) Nguyễn Thành (Giới thiệu, sưu tầm, biên soạn), Phan Đăng Lưu - Tiểu sử - Tác phẩm, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, tr. 161, 164.
(5) Hồ sơ gia đình do ông Nguyễn Cửu Trị cung cấp cho tác giả, ngày 13/1/2015. Xem thêm Cao Huy Hùng, “Phan Đăng Lưu với báo chí yêu nước và cách mạng ở Thừa Thiên Huế”, Báo Thừa Thiên Huế, 20/6/2002, tr. 3. Lịch sử báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Sách đã dẫn, tr. 105.  





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)

  • Sau khi hoàn tất bản thảo tập thơ Độc Hành thì nhà thơ Hải Bằng cũng “độc hành” về chốn vĩnh hằng vào ngày 7 tháng 7 năm 1998.

  • CÁT LÂM

    Bình đẳng giới, nữ quyền, những vấn đề tưởng như mới mẻ ở nước ta nhưng thực chất vấn đề này đã được luận bàn từ những năm đầu của thế kỷ XX.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                   Ghi chép

    Trước, và ngay cả khi vừa giải phóng, vào lúc gần tối, nếu có một người khách nào đón đường gọi xe thồ, xe xích lô xin về làng Thế Lại, thì sẽ bị chủ xe lắc đầu ngay. Bởi chủ xe sợ một điều này: có đi mà không có về. Hoặc ít nhất là cũng về hai tay trắng.

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Quảng Điền ở mãi dưới sâu, phải mượn địa bàn của xã Phong Sơn huyện Phong Điền làm chiến khu.

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Ngoảnh đi ngoảnh lại, vừa mới đó, vậy mà đã 100 số Sông Hương trình làng.

  • PHẠM HỮU THU
                Ghi chép

    Ngót nửa thế kỷ trôi qua, từ những chàng trai, cô gái giờ họ đã là những ông, những bà.

  • NGUYỄN QUANG HÀ

                            Hồi ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Năm 1947 có hai chiến sĩ được cử về công tác tại chiến khu Ba Lòng. Đó là Trần Quốc Tiến, quê Quảng Trị và Hải Bằng, quê Thừa Thiên.

  • BẠCH DIỆP
             Bút ký

    Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ hàng. Khi bọn trẻ cùng lứa đánh khăng tập trận, chạy băng vườn cải mụ Tép, vượt rào bứt dưa hấu nhà ông Phường, phá nát ụ rơm cậu Dưỡng, thì tôi vẫn ngồi yên nghe ngoại kể chuyện. Chỉ có trò họp chợ, chơi mua bán với các dì mới rứt tôi ra khỏi ngoại.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Hồi ký

    Mùa mưa 1968 là mùa mưa nghiệt ngã nhất. Sau trận càn lớn chưa từng có lên miền tây Thừa Thiên, địch tiếp tục phong tỏa miền núi bằng biệt kích.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                  Ghi chép

    Từ mùa xuân năm ấy đến nay vừa tròn 30 năm, chẳng phải vì con số tròn ba thập kỷ mà tôi nhắc lại chuyện cũ. Chỉ vì từ mùa xuân năm ấy, cuộc đời tôi có một bước ngoặt mới và nhờ có mùa xuân năm ấy, cuốn sách đầu tay của tôi đã ra đời.

  • HỒ THANH THOAN

    Đã gần 34 năm nay chúng ta không còn nghe đến tên Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên nữa, chuyện đã trở về dĩ vãng của một thời vàng son. 

  • CHÂU PHÙ

    Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968) sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Huế, tinh thông Nho học và chữ Pháp. Cụ cùng Ưng Bình Thúc Giạ Thị thành lập Hương Bình thi xã và giữ vai trò phó soái của thi xã này.

  • LỆ HẰNG
          Bút ký dự thi

    "Bánh lọc em ơi! Bánh mới hấp xong, nóng hổi luôn nì, lấy giùm chị ít chục hí?”

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Mấy năm trước, trong dịp cùng lên thăm vườn An Hiên của bà Nguyễn Đình Chi, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã giới thiệu cho tôi biết cụ Sa Giang Đào Thái Hanh (thân phụ của bà Nguyễn Đình Chi, tức bà Đào Thị Xuân Yến) có tập thơ "Ái Châu danh thắng" (trong "Mộng Châu thi tập") được các danh nho đương thời đánh giá rất cao.


  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Bút ký

  • BẠCH DIỆP
            Bút ký dự thi

    Tôi uống chậm, từng ngụm nhỏ.

  • VIỆT HÙNG
                 

    Tuổi hai mươi tràn trề hoài bão lớn và tuổi hai mươi... Ở thời đại nào cũng được coi là lứa tuổi hồn nhiên trong sáng, ấp ủ bầu nhiệt huyết, khát khao làm được cái gì có ích cho đời.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
                       Ghi chép

    Trời bỗng nhiên mưa, những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa rét đậm. Với tôi, hình như mưa bao giờ cũng là cánh cửa mở cho những vũ khúc hoài niệm ùa về.

  • LỆ HẰNG
             Bút ký dự thi

    “Thấu Huế rồi.”