Mấy trang nhật ký của John Crawfurd về kinh thành Huế

15:38 19/08/2010
L.N.D: Vào năm 1822, dưới triều Minh Mạng, một người Anh là John Crawfurd có dịp đến Huế và được hai người Pháp lúc bấy giờ đang làm quan ở đây là Chaigneau và Vannier hướng dẫn đi thăm Kinh Thành. Dưới đây là những gì mà Crawfurd đã viết về Huế trong ngày viếng thăm ấy: 29-9-1822. Chúng tôi dịch từ bản Pháp ngữ của H.Cossarat trong B.A.V.H. 1933, No1-2, tr.5-10.

Kinh thành Huế - Ảnh: internet

Sáng hôm qua, người ta báo cho chúng tôi biết là sẽ gởi đến một chiếc thuyền được sửa soạn tử tế để đưa chúng tôi đi thăm bất cứ khu vực nào của Minh Mạng mà chúng tôi muốn và sẽ có cả các quan viên người Pháp đi theo nữa. Thật vậy, vào lúc 3 giờ, các ông Chaigneau và Vannier đến gặp chúng tôi và nói rằng hai ông thừa lệnh nhà vua đến hướng dẫn chúng tôi đi thăm Kinh thành và trình bày các công tác kiến trúc cho chúng tôi biết. Chúng tôi đi ngược dòng sông (sông Hương) và ghé vào ở bờ phía Tây Kinh thành nơi đây đã có một vị quan Nam Hà (Cochinchine) đang đợi để đón tiếp chúng tôi.

Kinh thành có hình tứ giác nầy bị cô lập hoàn toàn do một con kênh (Hồ thành hà) rộng từ 27m,42 đến 30m,56, mỗi mặt đo được 2.299m,82. Chính vị vua vừa qua đời (Gia Long) đã tự tay ông vẽ họa đồ dựa theo lời chỉ dẫn của các viên sĩ quan Pháp cộng tác với ông; nhưng khi khởi sự các công tác kiến trúc Kinh thành vào năm 1805 thì ông không còn có sự giúp đỡ của họ nữa (như Oliver de Puynanel, Mgr d’Adran). Con người đáng chú ý ấy cho chúng ta thấy rằng ông không tầm thường trong lãnh vực quân sự của người Âu vì công cuộc xây cất, như chúng tôi thấy, đều được hoạch định và thực hiện theo những nguyên tắc của kỹ thuật xây thành trì, và vật liệu kiến trúc cũng như công trình xây dựng đều không thua sút hơn họa đồ tí nào cả. Kinh thành có một thành giai (Glacis) đều đặn và đẹp đẽ trải ra từ bờ sông hoặc từ bờ kênh cho đến hào; có một con đường ngầm (chemin couvert) chạy bao bọc kinh thành và một cái hào bao quanh rộng 27m42, nước sâu từ 1m299 đến 1m624. Thành đắp bằng đất được nện chặt và xây gạch ở hai mặt trong ngoài. Mỗi góc thành có bốn pháo đài phòng vệ, mỗi pháo đài thiết trí 36 khẩu đại bác, một số đặt ở pháo nhãn, một số đặt ở nền cao. Mỗi mặt thành có bốn cửa (tác giả nhầm, ba mặt hậu, tả, hữu, mỗi mặt thành chỉ có hai cửa mà thôi) như hình một cái vòm được xây chắc chắn. Trước mỗi cửa đều có một chiếc cầu xinh xắn xây bằng đá bắc ngang qua hào. Trong thành nội, có nhiều đường đá đều đặn và rộng rãi chạy thẳng góc với nhau. Một con kênh nhỏ hẹp và xinh xắn nối liền con sông với kinh thành và khi vào trong thành thì con kênh đó rẽ ra thành nhiều nhánh khác nhau để dẫn đến Hoàng cung, xưởng đúc súng, các vựa lúa, và những cơ sở khác. Nhờ con kênh này mà thuế má và phẩm vật của các tỉnh chở tới có thể đến ngay ở cửa Hoàng Cung và các kho tàng. Hoàng Cung tọa lạc bên trong kinh thành và được hai lớp thành khác bao bọc.


Chúng tôi không được mời vào bên trong Hoàng thành, nhưng đứng bên ngoài nhìn vào cũng có thể thấy được các mái màu vàng của Hoàng cung và một ngôi điện xinh xắn để thờ các tiên vương. Ngôi điện nầy không có tăng ni tư tế gì ở, đó là nơi thờ phụng độc nhất ở bên trong Kinh thành.

Trên khắp diện tích của Kinh thành rộng lớn này, thật khó mà kiếm ra được những khiếm khuyết thô sơ lạc hậu. Có lẽ chỉ có những mái cong làm theo kiểu Tàu mang hình dạng những chiếc dù che trên các cửa thành và những pháo nhãn của một vài pháo đài vừa mới được xây cất xong dưới triều vua Minh Mạng là có sự biểu lộ nghèo nàn của nghệ thuật kiến trúc mà chính nhà vua cũng đã muốn áp dụng nguyên tắc khoa học hợp lý khi ông buộc phải sửa lại các pháo nhãn xiên vào bên trong thay vì trở ra phía ngoài.

Bờ sông và bờ kênh tạo nên đáy thành giai không những chỉ nghiêng đều theo một chiều dốc nhè nhẹ giống nhau ở khắp nơi mà những nơi nào công tác đã hoàn thành - vì có những chỗ chưa xây cất xong - thì bờ sông hoặc bờ kênh đó được chặt bằng một lớp hồ chắc chắn phủ lên trên.

Con kênh ở thành nội cũng được xây một cách hoàn toàn khéo léo và các chiếc cầu bắc ngang qua kênh không những chỉ có lan can xinh đẹp xây bằng đá, mà khắp mặt cầu con được lát cẩm thạch đem từ Bắc kỳ vào.

Vật ở trong Kinh thành hấp dẫn tính tò mò của chúng tôi nhất là những kho lương. Những kho nầy sắp thành những hàng dài ngun ngút gồm các tòa nhà được xây cất rất thứ tự và chứa đầy lúa mà người ta nói rằng có thể nuôi sống cả Kinh thành trong nhiều năm. Vua trước cũng như vua nầy đều có thói quen tạo thêm mỗi năm hai hoặc ba dãy vựa lúa như vậy.

Một tục xấu là tích trữ thật nhiều lúa má vào kho để dành cho những năm đói kém, nhưng chính nó lại đem đến hậu quả là làm gia tăng hoặc gây ra nạn đói. Tục đó được triều đình duy trì mãi như một phương châm không bỏ được. Tục ấy chỉ lợi ích ở chỗ bảo vệ được quyền thế của một triều đình chuyên chế. Các trại lính là những địa điểm ở gần chúng tôi nhất. Ở đây chúng tôi có thể thấy được binh sĩ ra vào. Các trại lính nầy được xây cất rất hoàn hảo, về phương diện bố trí và vệ sinh không kém gì của quân đội được tổ chức hoàn bị nhất bên Âu châu. Các trại lính trải rộng ra và vây bọc khắp phần bên ngoài của Kinh thành. Người ta nói với chúng tôi rằng có từ 12 đến 13 ngàn lính thường trực ở Thủ đô.

Súng thần công trong Thành nội - Ảnh: hueoi.com


Một quang cảnh kỳ lạ nữa mà chúng tôi thấy được là xưởng đúc súng. Một trận mưa rào và đêm tối sẽ phải đến làm cho chúng tôi không thể quan sát hết tất cả cơ sở nầy; nhưng những gì chúng tôi thấy được cũng đã quá đủ để làm cho chúng tôi kinh ngạc và thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình. Những khẩu đại bác bằng sắt được trình bày cho chúng tôi thấy trước tiên gồm một tổng hợp lạ kỳ của những đại bác trên chiến hạm của nhiều quốc gia khác nhau bên châu Âu như Pháp, Anh, Hòa Lan, Bồ Đào Nha. Như vậy cũng chưa kỳ dị cho bằng các khẩu súng đồng, những quả đạn tròn và đạn trái phá hoàn toàn do thợ bản xứ chế tạo tại Nam Hà bằng vật liệu chở từ Bắc kỳ vào và làm theo khuôn mẫu Pháp. Ngành pháo binh gồm có súng đại bác, súng bắn trái phá và súng cối. Giá súng thì được làm xong rồi sơn vẽ rất hoàn hảo, chứng tỏ rằng đã chế tạo tại Woolwich hoặc Fort-Milliam. Giá súng của những khẩu dã chiến cũng có vẽ rất đẹp. Những súng đại bác nầy có các khẩu kính khác nhau từ 4 đến 68 livres mà một khẩu kính 18 livres thì đã được xem là lớn rồi. Trong số những đại bác đó, có 9 khẩu súng đồng nổi bật đúc dưới triều Gia Long, mỗi khẩu có thể phóng đi một quả đạn tròn nặng đến 72 “etties” Tàu, tương đương với 93 livres. Những khẩu thần công nầy được chạm rất đẹp, đúc rất kỹ, và đặt trên những giá súng điêu khắc công phu. Trên những khẩu đại pháo nầy, khắc tên vua Gia Long cùng ngày và năm chế tạo. Nhà vua thường nói rằng các khẩu súng đó sẽ là những kỷ vật tồn tại lâu đời nhất của thời đại ông. Đó không phải là một lời nói quá đáng đối với nạn cai trị của vị vua ấy. Nghệ thuật đúc đại bác bằng đồng dưới sự hướng dẫn của người Âu hẳn đã du nhập vào xứ nầy lâu lắm rồi, vì có một số lớn súng đúc rất tốt khẩu kính chừng 9 livres được chế tạo vào những năm 1664 và 1665. Trên các súng đó có khắc chữ Bồ Đào Nha cho biết đã đúc tại Nam Hà hoặc tại Cao Mên mà mang những thời hiệu khả nghi cùng với tên người đúc. Dù rất kém giá trị nếu đem so với những khẩu vừa mới đúc dưới sự hướng dẫn của người Pháp, nhưng, các khẩu đại bác xưa cũ đó cũng đã có những mẫu mực rất đẹp. Những trái đạn đại bác và được bố trí theo phương pháp của người Âu; các giá súng hoàn toàn được sơn màu, tóm lại, xưởng đúc súng nầy được tổ chức trật tự và hoàn hảo nhất.

Vị chỉ huy trưởng ngành pháo binh được lệnh hướng dẫn chúng tôi đi thăm tất cả khu vực và xem chừng ông mong đợi chúng tôi nhiều lắm. Đó là một trong những chiến binh kỳ cựu của vua Gia Long; một ông già đáng kính, diện mạo phương phi và mặc nhung phục lộng lẫy. Ngoài chức vụ chỉ huy nầy còn là vị quản lý của Hoàng cung nữa, và trong chức vụ, cuối cùng nầy, ông phải cáng đáng một số công việc không thích hợp tí nào với võ nghiệp của ông cả. Chẳng hạn, ông phải thanh tra các nhà bếp trong Hoàng cung, và thống kê tất cả những thai phụ và những vụ sinh nở ở hậu cung, đề phòng cẩn thận để loại trừ những trường hợp sinh sản bất hợp pháp trong chốn trang nghiêm nầy.

Tất cả những khẩu đại bác trong Kinh thành không những được đặt lên trên các pháo sàng để cho giá súng khỏi bị ẩm thấp, mà còn được đặt vào trong kho cho khỏi bị mưa gió bất thường nữa. Không có khẩu nào được đem đến đặt ở các công trình xây cất cả, chỉ trừ một số ít được thiết trí trên thượng thành. Người ta nói với chúng tôi rằng số súng đại bác đó rất cần thiết cho 16 pháo đài, tất cả lên đến con số 576 khẩu và để trang bị đầy đủ cho các công trình kiến trúc, cũng phải cần đến chừng 800 khẩu. Tôi không biết đích xác số súng chứa trong kho là bao nhiêu, nhưng hẳn là nhiều hơn con số đó.

Kho thuốc súng được xây cất một cách khôn khéo cũng như các công trình còn lại; kho này có một bức thành bao bọc lại được một cái hào sâu và rộng vây quanh. Gần đó, có một cái sân để lính diễn tập.

Không cần nói, ai cũng biết là đối với bất cứ địch thủ Á châu nào, thành trì này cũng coi như là khó mà chiếm hữu được, tuy nhiên, lỗi lầm lớn nhất của nó là rộng mênh mông. Tôi muốn nói rằng, để phòng thủ thành trì nầy, cần phải có ít nhất là 50.000 binh sĩ. Một lực lượng như thế có thể dùng một cách hữu hiệu để làm mệt mỏi một địch thủ Á châu (hẳn phải là một địch thủ nào đáng sợ) bằng những chiến thuật tập kích và bất thường hầu có thể tạo nên may mắn độc nhất được song còn khi một địch thủ Á châu phải đương đầu với một quân đội có tổ chức quy cũ. Dù những cuộc tập kích đều đặn, hoặc áp dụng lối pháo kích, một lực lượng Âu châu thế nào cũng làm chủ được toàn thể thành trì ấy. Biến cố nầy làm cho họ chiếm hữu được kho tàng, các vựa thóc cũng như kho súng của Hoàng gia, và khi tiêu diệt xong lực lượng quân đội chính yếu cùng cắt đứt tất cả các nguồn tiếp trợ của triều đình thì hẳn nhiên là họ chiếm đoạt được vương quốc nầy ngay tức khắc.

Mãi đến 8 giờ tối, chúng tôi mới trở về tới nơi cư ngụ, cả người ướt đẫm và mệt lữ, nhưng được đền bù lại là đã có dịp trông thấy những quang cảnh mới lạ và thích thú.

P.T.A. dịch
(4/12-83)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Bà Francoise Corrèze - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, là một chiến sĩ chống phát xít, một người bạn của Việt Nam từ nhiều năm nay. Sau những chuyến đi thăm nước ta trong chiến tranh cũng như từ ngày đất nước thống nhất, bà đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam. Lần đầu tiên đến Huế đầu năm 1985, bà đã ghi lại những cảm nghĩ của mình. Chúng tôi xin giới thiệu một số đoạn sẽ được in trong cuốn sách viết về thanh niên Việt Nam bằng tiếng Pháp.

  • PHAN THUẬN ANNgọ Môn năm cửa chín lầu,Cột cờ ba cấp, Phu Văn Lâu hai tầng.

  • LÊ MINH PHONGDọc theo đôi bờ Sông Hương, nơi có những công viên quyến rũ là điểm trưng bày của một số công trình nghệ thuật.

  • NHỤY NGUYÊN(Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương)

  • LÊ PHÙNGSau nhiều ngày cùng nhau trăn trở - nghĩ suy - hiệp lực - hiệp tâm của những anh, chị em nhạc sĩ ở Huế, Nhạc Quán đã chính thức trình làng với công chúng yêu thích âm nhạc tại Huế vào lúc 20h, ngày chủ nhật (02/01/2011) là ngày Đinh Tỵ (nguyệt đức hợp, tế tự, đính hôn) trong tiết trời vào xuân của Huế, có sáng nắng chiều mưa, có gió về đêm, có lòng người ấm áp, có không gian lãng mạn, trữ tình.

  • HỒ VĨNHMới đây trong quá trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại Cố đô Huế, chúng tôi tìm thấy được một văn bản có liên quan đến Phường Đúc Huế.

  • TƯỜNG THITôi trở lại Hương Trà bằng ký ức của hơn 20 năm trước, trên con đường đất băng qua những vườn thanh trà trĩu quả ven con sông Bồ thơ mộng để đến làng Lại Bằng, xã Hương Vân. Một xã tiếp giáp núi và đồng bằng, nơi đã ghi lại dấu ấn lịch chống giặc ngoại xâm của Thừa Thiên Huế - địa đạo Khe Trái.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNTrong những năm gần đây, Huế đã được các nhà đông phương học và khách du lịch trong nước và ngoài nước lưu ý.

  • MAI KHẮC ỨNGLăng Minh Mạng nằm dưới chân núi Cẩm Kê thuộc thôn La Khê làng An Bằng huyện Hương Trà cũ, nay là thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ, thành phố Huế. Địa thế dải đất này rất đẹp. Hiện thời cây cối ở chung quanh đã lùi xa để lại những khoảng trống nối dài trên các triền đồi thoai thoải, khu lăng trở nên lẻ loi hơn.

  • LÊ HUỲNH LÂMCó lẽ một trong những loài động vật gần gũi, gắn bó với người dân xứ Huế trong mọi thời cuộc là loài hến. Cho dù trải qua bao thăng trầm, bao biến cố trên mảnh đất nhỏ bé này, mọi thứ có thể thịnh suy nhưng hến vẫn trường tồn. Trường tồn như một nét văn hóa thầm lặng, khiêm tốn, không khua trương, ồn ào,… mà âm thầm tỏa ngát hương.

  • PHAN HỨA THỤYChùa Thiên Mụ là một công trình kiến trúc có qui mô lớn và xuất hiện khá sớm trong quá trình hình thành phát triển của văn hoá Phú Xuân. Cũng như phần lớn các công trình kiến trúc cổ khác, chùa Thiên Mụ từ khi mới được xây cất trở về sau lần lượt đã được dựng nhiều tấm bia, hoặc để ghi lại công việc tu tạo, hoặc đề thơ vịnh cảnh, hoặc ghi cảm tưởng trong những lần vãn cảnh chùa của một số vua chúa nhà Nguyễn.

  • NGUYỄN ĐÌNH HÒE VÀ L.CADIÈRE(Tiếp theo SH số 5 – tháng 2 - 1984)

  • NGUYỄN ĐÌNH HÒE VÀ L.CADIÈRE(B.A.V.H. 1992, trang 189-203)HỒ TỊNH TÂM - Từ thời Gia Long, khi xây kinh thành Huế, một nhánh sông đã được ngăn chặn lại ở trên làng Kim Long hiện nay và dòng sông đó bị lấp đi ở một vài nơi, một số nơi khác thì được mở rộng và uốn nắn lại cho đều đặn. Chính một phần của nhánh sông ngày xưa ấy đã tạo ra Hồ Tịnh Tâm, nay ở tại bên trái đường Lục bộ, gần với Cầu kho, hay vùng nhượng địa (cho Pháp ở Mang Cá lớn).

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGCó lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó, thực quan trọng, trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế”. Bởi vì thiên nhiên bao giờ cũng biểu hiện một cách nhất quán giữa cái hằng cửu và cái biến dịch, giữa cái biến động và cái tĩnh tại.

  • MAI KHẮC ỨNGBất chợt. Tưởng như có con lợn chạy giữa sân điện Cần Chánh tại Hoàng thành Huế. Định thần lại tôi đã nhìn thấy chúng trong mấy ô trang trí bên thân hai chiếc vạc đồng đúc thuở Kim Long còn là phủ chúa dưới thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) mà lạc khoản lại ghi Thịnh Đức thứ 8 và Thịnh Đức thứ 10. Bản chú thích bên hai vạc này ghi là đúc năm 1660 và 1662.

  • PHẠM ĐĂNG TRÍThuở ấy, có nhiều người từ những miền đất màu mỡ nhưng vẫn dời nhà đến ở trên một vùng gò đồi đầy sỏi đá. Nguyên nhân lôi cuốn họ tới đây là do màu sắc thiên nhiên ở chốn này thật là thanh tú, đa dạng và không ngừng thay đổi.

  • LÊ VĂN HẢOTháng 12 năm 1979 tại thành phố Pitxanulôcơ (Pitsanulok) Thái Lan, ông Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO) đã triệu tập một cuộc họp của những chuyên gia nhằm chuẩn bị cho một Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử ở châu Á. Chương trình này sẽ nhằm vào một số đô thành cổ kính đã từng đóng những vai trò có ý nghĩa trong sự phát triển và giao lưu của các nền văn hoá ở châu Á.

  • Chiều 8.6, tại Nam Châu Hội Quán trên vùng cỏ cây Kim Long xứ Huế, GALA TINH HOA SÔNG HƯƠNG đã được tổ chức nhằm tôn vinh Nhà xuất bản Tinh Hoa - Huế.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNỞ mục “Phương vị quê hương” này, tạp chí sẽ lần lượt đăng các bài tìm hiểu văn hoá ngắn gọn nhưng có… duyên văn chương. Chúng tôi vui mừng được sự hưởng ứng của các nhà nghiên cứu lão thành am hiểu Huế - Bình Trị Thiên như các cụ Bửu Kế, Phan Văn Dật, Nguyễn Hữu Đính, Phạm Đăng Trí… cùng các anh Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An… Chúng tôi cũng mong nhận được bài của các bạn ở các tỉnh miền Trung nói về phong vị quê hương mình để tạo được giao lưu văn hoá trên giải đất gắn bó lâu đời này.

  • MẶC KHÁCHHuế nguyên là đất đế đô, nơi sinh trưởng của vua chúa, chốn triều đình quan lại, đa số tao nhân mặc khách đều tụ họp về đây. Do đó mà tiếng nói của xứ Huế, trang nhã thanh tao, có khi lại nặng mùi “bề trên” hoặc kiểu cách đến buồn cười.