HỒ THẾ HÀ
Nguyên Quân song hành làm thơ và viết truyện ngắn. Ở thể loại nào, Nguyên Quân cũng tỏ ra sở trường và tâm huyết, nhưng thơ được mọi người yêu quý và ngưỡng mộ hơn.
Có lẽ thơ là tiếng nói tâm trạng, là điển hình của cảm xúc trong những kinh nghiệm quan hệ người cụ thể, xúc động nên dễ đồng cảm và nội cảm trong tiếp nhận chăng? Nhưng đó là lý thuyết, còn thực tế, thì dù gì, thơ phải hay mới mong được người đọc đón nhận và xem đó như là tình cảm và sức mạnh tinh thần của mình. Từ Tĩnh vật đêm đến Lục bát rời, Nguyên Quân đã có 6 thi tập được ấn hành. Đó là kết quả của hành trình sống và hành trình sáng tạo liên tục của anh, chúng chuyển hóa trong nhau để tạo thành chất thơ của một hồn thơ giàu nghiệm sinh, triết mỹ.
Có thể nhận thức khái quát chất thơ của Nguyên Quân qua 6 thi tập, đó là sự hòa quyện giữa hiện thực và ký ức tâm trạng đa phân của chủ thể trữ tình trên cái nền văn hóa xứ Huế cùng vốn ngôn ngữ mang dấu ấn riêng của anh để tạo nên cấu trúc thơ, giọng điệu thơ vừa thâm trầm day dứt, vừa giãi bày chiêm cảm, vừa tự vấn hoài nghi về những gì anh chiêm quan được từ cõi người đa đoan và hệ lụy, nhưng vô cùng tin yêu và nhân hậu này.
Thi tập Lục bát rời của Nguyên Quân hội đủ chất thơ nói trên trong cảm quan hiện thực và tâm trạng đa chiều, được chứa đựng trong thể loại lục bát - thể loại mà mã câu thơ (code of verses) cố định của nó là 6 - 8 rất dễ hay nhưng cũng rất dễ trở thành nhàm chán, đơn điệu nếu chủ thể sáng tạo không biết điều tiết và gia giảm, không biết biến thể và cách luật, không biết phân khổ và bậc thang một cách linh hoạt và nghệ thuật. Công bằng mà nói, với Lục bát rời, Nguyên Quân đã chứng minh được khả năng làm chủ lục bát của mình khá vững vàng qua những phá và thay nói trên một cách chủ động và tự nhiên theo nhịp điệu bên trong của cảm xúc và nhịp điệu bên ngoài của hiện thực. Vấn đề còn lại là tư tưởng và tâm hồn của nhà thơ chân thật như thế nào, hướng về những đối tượng thẩm mỹ nào, từ đó, chiếm lĩnh và lý giải chúng trên chất liệu ngôn ngữ và cảm quan triết mỹ sâu sắc đến đâu để thể hiện tầm vóc và sức sống cho thi phẩm. Thiết nghĩ, những yêu cầu trên khó lắm thay!
Qua Lục bát rời, Nguyên Quân đã giải quyết được yêu cầu chỉnh thể thi pháp học nói trên một cách hài hòa qua sự phản ánh các chủ đề đa dạng và chọn cho chúng những hình thức mang tính quan niệm tương ứng. Vì vậy mà ý nghĩa của từng chủ đề hiện lên những thông tin thẩm mỹ mới mẻ, có chiều sâu hiện thực và tâm trạng đáng được chú ý. Trong bài viết ngắn này, tôi muốn đề cập đến một chủ đề có sức ám ảnh nghiệm sinh của Nguyên Quân, đó là chủ đề tâm linh trong Lục bát rời. Đây là chủ đề mà thơ hiện đại thời hậu chiến đến nay thường được các tác giả quan tâm thể hiện, như một thông điệp nhân sinh mới để liên hệ và nối kết con người hiện tại với những vùng tâm tưởng thiêng liêng và nhân hậu thường hằng mà thơ cần phải vươn đến để giúp con người an bằng tâm thế.
Bài Thơ tôi có thể xem là tự nguyện/tâm nguyện của Nguyên Quân để hướng về phía những lam lũ đời thường, nhưng có khả năng đánh thức những tiềm lực nhân ái: “thơ tôi quyện lẫn mồ hôi - trưa đứng gió nên đất trời nẩy nung - gốc bồ đề cũng khật khùng - co cong mái lá buông chùng vai quen”, để rồi, thơ tiếp tục hòa vào thiên nhiên như một niềm ân huệ.
thơ tôi cười nói huyên thuyên
với cây lá
với tuổi tên của mình
nắng xao nửa ngọn rập rình
nhìn thiên hạ cứ vô tình trôi xuôi
mồ hôi nhòe nhoẹt quanh tôi
thơ nhòe nhoẹt tựa lưng đời oằn cong
chuông xe rác gõ long… cong
ném tôi và chữ vào vòng sinh ly.
Trong nhộn nhịp đời thường, con người nhiều khi muốn được tìm về những bình yên trong thế giới tâm linh thánh thiện. Nguyên Quân thường trực liên hệ mình và cảnh vật chung quanh bằng cái nhìn lánh tục, tìm linh.
cơn mưa phố thị vô tình
xô người về phía hiển linh cũ càng
(Thời đã cũ)
Từ độ cao của tầng 12, tác giả đã liên hệ với những đứt nối của giấc mơ trong đêm mất ngủ để thấy sự lênh đênh của phận người giữa trời cao và đất rộng. Rồi lại liên tưởng đến một cuộc cầu hồn đầy phiêu lưu và bất trắc.
vòng quay chậm của một đời
tầng mười hai của cuộc chơi cầu hồn
(Cao độ)
Tâm linh là trạng thái tinh thần có liên quan đến tiềm thức, vô thức, trực giác và linh giác, thể hiện những gì đồng nghĩa với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong cuộc đời thường nhật, đồng thời cũng thể hiện đức tin thành kính, thiêng liêng trong tôn giáo hoặc cõi siêu hình nào đó. Và con người hướng vào chúng để sống tốt, sống thánh thiện, dù trước mắt, con người còn chứng nghiệm nhiều ngang trái.
phóng sinh
vài chú sẻ nâu
bầu trời rộng tiếng
lau nhau tìm bầy
còn ta!
cánh cụt thân gầy
biết tìm đâu
những tháng ngày tự do
(Phóng sinh)
Tác giả như thấy được một sợi dây vô hình giữa niềm tin tâm linh và những gì có thật ở cõi trần, qua những ngọn hoa đăng trên mặt nước như ngàn con mắt nguyện cầu cùng tiếng vọng của khúc cổ bản buồn lai láng.
đêm.
thơ dại ướp mùi trăng
vo tròn báng sáng hoa đăng
nguyện cầu
sông.
thả ngàn đóm mắt sâu
níu khúc cổ bản chợt sầu
ẩm ương
(Đêm hun hút)
Tâm linh trong thơ Nguyên Quân không phải là ý niệm tinh thần bí ẩn, đối lập với ý thức lý tính khả giải, mà trong những trường hợp cụ thể, nó còn là những hiện thực có ý nghĩa thông qua những trạng thái tiềm thức, vô thức; có khi là bản năng, trực cảm, linh giác thiên phú của con người. Vì vậy mà, nhà thơ Chế Lan Viên có lý khi cho rằng “thi sĩ không phải là Người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện tại. Nó xáo trộn dĩ vãng. Nó um trùm tương lai. Người ta không hiểu được nó, vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý” trong thơ.
mây từ đại mộng hoài sinh
thổi qua bãi vắng
câu kinh đại ngàn
một con mắt
đã cũ càng
nhìn thu
mới thấy
ngổn ngang tơ trời
mê sâu
bật tiếng gọi người
chỉ nghe âm vọng
những lời yêu ma
(Trang trại tím)
Trạng thái thức tỉnh qua giấc mơ thường giúp nhà thơ ghi lại những ấn tượng hoặc biểu tượng trong giấc mơ để khôi phục lại ý nghĩa của những hiện thực sống qua (réalités vécues) hoặc những ước mơ sẽ đến, có khi là những hiện thực pha màu sắc hư ảo, hoang đường, nhưng tất cả đều rất thực.
nửa khuya đánh thức câu kinh
hồn ma bóng quế
lung linh ánh đèn
điểm chung mặt lạ mặt quen
có ma nào gọi đúng tên vô thường
ta dâng hương ảo cúng dường
mọc dài đôi cánh mười phương bay vèo
(Ảo giác chim)
Nguyên Quân thường liên hệ với “thế giới tâm linh” trong cái nhìn liên hệ với bản thân mình và hiện thực chung quanh. Có lẽ do vốn ký ức cá nhân của một người sinh ra và lớn lên ở Huế, được tắm gội trong không gian văn hóa Huế, được chứng kiến cảnh thành quách, đền đài u buồn, trầm mặc nên những hình ảnh ấy luôn hiện về trong hữu thức và cả “vô thức tập thể” của anh. Và chúng ám ảnh thành hình tượng thơ.
- Thanh âm vi vút ngang tàng
Trầm âm chững lại dưới hàng gạch nâu
(Đêm thập lục)
- khắc dòng đại tự vĩnh hằng
những ông vua cũng sợ trăng khuyết tròn
đêm nay thành nội ươi lười
con trăng mười bốn khóc cười tùy duyên
(Khuya thành nội)
Quá khứ, nhiều lúc là bài học bi thương, dẫu không phải nó không mang lại cho hậu thế những kinh nghiệm triết lý nhân sinh cho cuộc sống thực tại.
dưới hàng sứ trắng ngây ngây
rót ly rượu để kịp say với chiều
bước qua thềm gạch tiêu điều
võ - văn quan hóa đá liêu xiêu buồn
hồn vương vía đế im lìm
nâng ngang chén nổi chén chìm mời ta
phi tần từ cõi mù sa
dưới hiên ngũ phụng cầm ca giọng buồn
tỳ bà từng ngón tay suông
màu vàng son vọng u hương dạt dài
bên hồ ngự nắng phôi phai
hoa xưa dáng cũ mơ hoài gót sen
(Chiều đại nội)
Liên hệ đến thành Đồ Bàn điêu tàn ngả bóng u tịch, anh cũng có cảm quan thời gian đang phôi phai và tàn lụi như kinh thành Huế để thấy rằng con người không liên hệ với quá khứ để hiểu hiện sinh trần thế trong hiện tại của mình thì con người sẽ không có ký vãng và không có điểm tựa tinh thần bền vững: “lụi tàn - như lẽ tự nhiên/ những ngôi hoang tháp - còn nguyên dáng Chàm/ tượng thần - ngả bóng về Nam/ ánh mắt đá tạc - nhuộm lam khói chiều”. Vậy mà những viên gạch Chàm đã đánh thức được cảm thức thời gian và không gian hư vô trong anh.
từng viên gạch
vỡ hoang liêu
chìm trong lối cỏ
ít nhiều xót xa
hư vô điệu múa giọng ca
cầu hồn vóc ngọc dáng ngà
Chiêm nương
(Cảm nhận Đồ Bàn)
Những liên hệ gần và liên hệ xa mang tính ảo giác, tâm linh có khả năng lây lan trong thơ Nguyên Quân như những vết loang của vô thức mà từ những bức tượng, chúng đã giúp nhà thơ hiểu được cái đã mất, cái hiện tồn. Và cuối cùng, chúng không mất đi, chúng trở thành vật chất khác, hội tụ trong âm thanh vang vọng của một loài côn trùng đang đánh thức giấc ngủ của đêm. Một quan hệ và liên hệ tâm linh khác lại hiện lên.
mặt người
nửa nhớ - nửa quên
mặt hoang thú
ánh trăng đêm gởi hồn
cái hư vô
cái hiện tồn
từ góc khuất
chỉ giọng côn trùng buồn
(Tượng)
Tâm linh vô thức theo lý thuyết phân tâm học lại là một bản năng khác trong đời sống con người, thể hiện bản chất sinh học tự nhiên của mỗi chủ thể khi họ liên hệ mình với những gì thiêng liêng, nguồn cội, có ảnh hưởng nhân quả đến hiện sinh đời mình. Chính điều này giúp thơ mở được tình cảm và ngôn ngữ thi ca vào những vùng mờ xa, huyền nhiệm của ý thức. Và đấy cũng là một cách phát hiện chiều sâu bí ẩn của tâm hồn con người.
đêm tôi trở giấc
thất thần
gọi thầm tiếng mẹ
phù vân khóc òa
(Cấm)
Cái tôi cá nhân cá thể thời hiện đại có khác với cái tôi cá nhân cá thể các giai đoạn trước. Họ muốn tự mình đào sâu vào bên trong bản thể để tự vấn và tự đáp, tự mình phát hiện ra những khách thể ngoài mình, nhưng có liên quan mật thiết với mỗi chủ thể ý thức.
từ cơn đau đẻ vô minh
một thân xác ruỗng
một linh hồn mù
chiều ra phố nhẹ như ru
cụng ly với cả thiên thu
mơ màng
mùa của những kẻ đốt nhang
gọi hồn nhau
giữa hỗn mang mặt người
tạ ơn tôi
tạ ơn đời
níu vô nhau giữa cuộc chơi
thất thường
(Tạ ơn)
Có lúc, nhà thơ muốn tìm một nơi trú ngụ, an ủi qua hình ảnh người tình hư ảo: “em từ lối cũ tôi tìm/ trên thanh âm - của loài chim gọi tình” (Đêm thị trấn). Mượn tiếng chim để hiện hữu một mối tình đã trôi vào quên lãng cũng là cách để đi tìm lại thời gian đã mất, rồi đồng hiện nó trong hiện tại trái ngang. Một âm thanh khác hiện lên trong khắc khoải, lê thê.
giọng người
nhão nhoẹt lê thê
vọng qua âm sóng rè rè
vô ngôn
ta nâng ly cụng cõi tồn
sinh
ly với cả linh hồn lạnh tênh
(Uống tận)
Tất cả là hư ảo, phù du: “một vòm mây trắng lặng trôi/ phù du đến vậy - thì thôi hẹn hò”. Đây cũng chính là hướng tìm tòi của thơ theo “tâm lý học chiều sâu” của phân tâm học.
bàn tay khuyết ngón ơ thờ
vẽ lên nỗi chết
đang chờ hóa sinh
từ cơn đau của phù linh
một thân xác mới vô tình hoài thai
(Tử tù)
Giấc mơ vô thức cũng là cách thể hiện có thành tựu của Nguyên Quân trong Lục bát rời. Những ấn tượng trùng phức trong thơ thường diễn ra trong giấc mơ “quờ tay tìm một chỗ ngồi/ tụng câu thơ cũ bồi hồi tuổi thơ/ gánh gồng tất cả giấc mơ/ lấp không đầy một khuyết bờ cho nhau” (Quờ). Cũng qua giấc mơ, nhà thơ triết nghiệm về quá khứ, lịch sử và cội nguồn của dân tộc để hiểu thêm về tang thương, dâu bể cuộc đời:
ngửa bàn tay với bình minh
nước xao ngọn sóng vô tình chạm đau
hồn linh trôi dạt đáy sâu
mẹ tìm trăm trứng bể dâu lạc lòng
bàn chân giao chỉ long đong
mấy ngàn năm rướm một dòng máu tươi
ôm lòng hào khí bao đời
chỉ mơ thôi
cũng lưng trời tang thương
(Chỉ là mơ)
Liên hệ xa đến liên hệ gần. Mà gần nhất là tình yêu - những trạng thái xúc cảm còn lại sau những yêu đương và mơ mộng, sau những liên tưởng thành bại trong trường tình: “buồn em - thả sợi tóc buồn/ khỏa tay - vớt mộng lênh đênh giữa dòng/ sương khuya - bủa lưới trên sông/ lạnh lùng đánh bắt - tiếng chuông không bờ” (Đêm trên sông Hàng Bè). Nhưng rồi tất cả cũng chỉ là thủy chung ảo ảnh mù xa: “từ trong trí nhớ u mê/ con đom đóm - nhớ câu thề thủy chung” (Ở núi).
Tâm linh lục bát thơ Nguyên Quân thường xuất hiện tâm lý chản nản và đi tìm ruồng rú, truông, hồ để rong ruổi qua đêm cùng bóng ma ẩn hiện. Câu hỏi và tiếng rú như là những hòa âm không cần câu trả lời vì mọi thực tế được nhà thơ nhìn qua thao thức bóng âm và lang thang đêm trắng.
- thao thức đom đóm lửa mù
hong tay đón
những cánh phù du rơi
sáu năm làm bóng ma trơi
dốc rừng truông núi
cạn hơi suối nguồn
(Đi trầm)
- đêm ni chán ngán đất trời
hú lên một tiếng
nghe rười rượi sương
môt mai đi đứng tầm ruồng
soi đêm hỏi bóng
hỏi luôn tên mình
(Say cùng)
Đi là hành trình tìm và gặp. Gặp người và gặp ma cũng là cảm thức tâm linh trong thơ Nguyên Quân. Đó cũng là âm bản của cõi dương mà thôi. Nhưng nhìn bằng con mắt âm bản sẽ dễ gặp thế giới tâm linh và dễ ẩn dụ những hiện thực trần thế hơn là nhìn bằng con mắt dương bản. Thơ lục bát Nguyên Quân, vì vậy, có chút phù phép của ngôn từ.
phố khuya
lú lẫn tiếng người
ngậm tăm đi đứng
nói cười với ma
đèn trong thành cổ vàng nhòa
mùi thơm hoa mộc thoảng qua huyền hồ
thao thức một ngõ phù trầm
phố khuya
ai thắp hương trầm cúng ai
(Khuya)
Tôi đã thử đi tìm thông điệp lục bát Nguyên Quân ở góc nhìn tâm linh, vô thức nhưng chưa chắc đã nói hết những gì mình cảm nhận. Vì ngôn từ là một vô thức mông lung và ảo ẩn, như cách phát hiện kỳ thú của Jacques Lacan: “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”. Hy vọng sẽ có nhiều cách đọc đồng sáng tạo khác với nhiều hướng tiếp cận khác để có cách giải mã hiệu quả riêng về lục bát của Nguyên Quân.
Lục bát rời của Nguyên Quân đã để lại những ấn tượng thi pháp đặc biệt. Tâm linh lục bát mà chúng tôi tìm hiểu cũng chỉ là một trong những ấn tượng, chứ không phải là tất cả. Nhưng đây là ấn tượng có tính đặc thù của tâm thức sáng tạo trong thơ Nguyên Quân. Tìm hiểu hết chiều sâu của tâm linh lục bát qua các phương thức, phương tiện hình thức như: ngôn ngữ, mô hình câu thơ, vần điệu, nhịp điệu, biểu tượng, biểu trưng, cách vắt dòng, bậc thang… càng làm sáng tỏ “hình thức mang tính quan niệm” cho các dạng thái tâm linh trong Lục bát rời, nhưng rất tiếc, trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi không thể thực hiện được những nội dung khó khăn đó. Vì vậy, đây chính là hướng nghiên cứu bổ sung khác cho nhưng ai quan tâm đến lục bát của Nguyên Quân.
Vỹ Dạ, đêm 23/11/2015
H.T.H
(TCSH325/03-2016)
Đặng Nguyệt Anh là một trong rất ít nhà thơ nữ được vinh dự sống và viết ở chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
Trình làng một tập thơ vào thời điểm đương đại luôn tiềm chứa nhiều nguy cơ, và người viết hẳn nhiên phải luôn là một kẻ dấn thân dũng cảm. Nhiều năm qua, phải thú thực là tôi đọc không nhiều thơ, dù bản thân có làm thơ và nhiều người vẫn gọi tôi như một nhà thơ đích thực.
Chúng ta đ ề u đã bi ết Hàn Mặc Tử n ằ m ở nhà thương Qu y Hoà từ 21- 9 -1940 đ ế n 11 - 11 -1940 thì từ tr ầ n. Nhưng có một đi ề u dám chắc ai cũng băn khoăn là su ố t trong 51 ngày đ êm đó, thi sĩ có làm bài thơ nào không?
Công chúng yêu sân khấu cả nước ngưỡng mộ Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Bình với tư cách là một diễn viên tài năng, một đạo diễn gạo cội, một lãnh đạo ngành sân khấu năng nổ, nhưng ít ai biết anh còn là một tác giả sáng tác kịch bản văn học cho nhiều thể loại sân khấu, mà chủ yếu là kịch nói và ca kịch...
Kể từ khi ca khúc “Có một dòng sông” được công bố lần đầu tiên qua loa truyền thanh xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế do chính tác giả cầm guitar thùng trình bày khi vừa viết xong, đến nay vừa tròn 40 năm, nhưng sức lay động của bài ca vẫn còn ngân vang mãi trong nhiều thế hệ người nghe được sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy, bất chấp dòng chảy thời gian.
Mẹ trong mỗi chúng ta là hình ảnh đầy thiêng liêng và diệu kỳ. Mẹ! Có nghĩa là duy nhất/ Một bầu trời/ Một mặt đất/ Một vầng trăng/ Mẹ không sống đủ trăm năm/ Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát (Ngày xưa có mẹ - Thanh Nguyên).
(Đọc “Chuyện kể về món hàng quý giá nhất đời” của Jean-Claude Grumberg, Nxb. Văn học 2023 - Dịch giả: Hoàng Anh).
Nhìn thấu mà không nói thấu là đỉnh cao cảnh giới xử thế trí tuệ. Nói theo thuật ngữ Phật học, cái trí nói chung có ba phần hợp thành là trí thức, trí tuệ và trí huệ.
Lê Minh Phong (sinh 1985) vốn cùng quê với Huy Cận, nhưng xa hơn về phía núi. Cả hai đều có một tâm hồn cổ sơ. Nét hoang dã của vùng đất ấy đã tạo ra ngọn Lửa thiêng trong thơ Huy Cận, tạo nên những huyền thoại, cổ tích trong văn xuôi Lê Minh Phong.
(Đọc tập tiểu luận “Ngắn dần đều” của Hoàng Đăng Khoa, Nxb. Đà Nẵng và Book Hunter, 2024)
YẾN THANH
Tôi luôn quan niệm rằng, tiểu thuyết là một bản tự thuật chân thật về tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca có thể là tiếng nói trực tiếp, chân thành của cảm xúc, song những giới hạn của thể loại về nhạc tính, vần điệu, câu từ, khổ thơ, số chữ trong từng câu… luôn ngăn trở tác giả vẽ nên bức chân dung đầy đủ, hoàn thiện về tâm hồn của mình.
Tôi luôn quan niệm rằng, tiểu thuyết là một bản tự thuật chân thật về tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca có thể là tiếng nói trực tiếp, chân thành của cảm xúc, song những giới hạn của thể loại về nhạc tính, vần điệu, câu từ, khổ thơ, số chữ trong từng câu… luôn ngăn trở tác giả vẽ nên bức chân dung đầy đủ, hoàn thiện về tâm hồn của mình.
VÕ QUỐC VIỆT (Đọc “Đất Việt trời Nam liệt truyện” của Trần Bảo Định)
Tập thơ Vực trắng, Nxb. Hội Nhà văn quý 2/2024 của nhà thơ, nhà báo Lữ Mai gồm 55 bài thơ, được sắp xếp thành 6 phần: “Từ núi”, “Đi lạc”, “Nói bằng gai sắc”, “Trở về chạng vạng”, “Gửi Huế”, “Cánh tàn bừng giấc”.
HỒ THẾ HÀ
Lê Quang Sinh sáng tác thơ và trở thành nhà thơ được độc giả cả nước yêu quý và đón nhận nồng nhiệt. Nhưng ít ai biết Lê Quang Sinh là nhà phê bình thơ có uy tín với mỹ cảm tiếp nhận bất ngờ qua từng trang viết đồng sáng tạo tài hoa của anh.
PHONG LÊ
Hải Triều, đó là một tên tuổi quan trọng trong sinh hoạt văn chương - học thuật thời kỳ 1930 - 1945. Ông vừa giống vừa khác với thế hệ những đồng nghiệp cùng thời, nếu xét trên phạm vi các mối quan tâm về học thuật.
TRẦN HOÀNG
HỒ THẾ HÀ
Võ Mạnh Lập là nhà văn chuyên viết ký (essai/ essey) với thế mạnh sở trường nghiêng về ký sự, truyện ký, bút ký, hồi ký, phóng sự, ghi chép…
NHẬT CHIÊU
(Chiyo-ni: The relief offered by haiku)
Có một nghệ thuật cứu chữa, cứu thoát chúng ta trong cuộc sống bản thân trong tình trạng thương tổn, trong tâm lý và tâm linh, đó là thực tập viết thơ và đọc thơ.