Lâm Thị Mỹ Dạ với "Đề tặng một giấc mơ"

14:47 12/11/2009
LÊ THỊ MÂYĐề tặng một giấc mơ là tập thơ hay và buồn của Lâm Thị Mỹ Dạ. Tập thơ này được giải thưởng của UBTQLH các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1998. Sau khi xóa bao cấp trong in ấn thơ, rất nhiều người có cơ hội tự in thơ, có khi là mỗi năm một tập. Lâm Thị Mỹ Dạ không ở trong diện ấy.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - Ảnh: LVT

Ngoài các bài thơ, chùm thơ in rải rác trên các báo, cũng xem như gần nửa thập kỷ qua chị "im lặng". Có thể đây là một sự im lặng cần thiết, sau lần chị nhận giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tập Bài thơ không năm tháng in năm 1983, nhận giải thưởng năm 1984. Quả thật, hiếm tác giả gặt hái được những thành công mỹ mãn như Lâm Thị Mỹ Dạ. Trong năm tập thơ đã in, có hai tập đoạt giải thưởng cao.

Mấy ai từ cuộc đời thực đi đến được giấc mơ? Cái đi không đến được ấy đã ầm ỉ dồn nén và bừng chói thành cảm xúc sáng tạo?. Có lẽ đây là một tâm thế thơ xuyên suót tập, tạo nên những hẫng hụt bâng quơ, những đớn đau vô cớ, những cô đơn lãng mạn, những hờn trách chỉ lòng mình soi thấy.

            Đêm qua em mơ gì?
            Tôi mơ thành chim
            Con chim trong mơ hót giọng nơi nào
            Con chim trong mơ như nàng tiên cá
                                    (Đề tặng một giấc mơ)

            Thôi cần chi, ta ném vào đáy thẳm
            Chén đời ta
            Xoáy lòng biển một vết thương
                                    (Với biển)

            Từ lâu rồi
            Em không còn là của anh
            Em vùi chôn tuổi trẻ của mình
            Trên tháng ngày khô cứng
            Đôi khi giật mình
            Xót một cơn mưa đã chết
                        (Nụ tầm xuân đã khác)

Có thể nói, từ tâm thế cảm xúc trên, Lâm Thị Mỹ Dạ làm mới cõi thơ của riêng chị. Một cõi thơ khác lạ với chính cả không gian thơ của bốn tập thơ chị đã có trước đó. Thực ra, trong thế giới thơ riêng ấy tác giả chỉ muốn khám phá và thổ lộ chính bản thân cái tôi của mình như là một đối tượng cảm xúc khách thể. Tôi thấy mình như bầu trời thấy mình qua dòng sông/ Mảnh vỡ các vì sao-triệu thiên thạch lao tung, rơi rụng/ ánh sáng biến thành màu đen/ Ánh sáng chết vạn năm sau mới thấy (Tôi thấy mình)

Có lẽ đây là một sự phân thân cần thiết chăng? Sự phân thân bao giờ cũng để đạt tới những luận đề triết lý đã được đúc rút, trải nghiệm có khi phải trả giá bằng chính sự thất bại đau đớn của bản thân. Ấn tượng thơ trong lòng độc giả, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là giọng thơ đầy ắp ngọt ngào. Một sự ngọt ngào thánh thiện đến mức nếu tác giả đổi giọng thơ khác rất có thể vô tình sẽ đánh mất độc giả. Nói như thế không có nghĩa đấy là yếu tố trói buộc, hạn chế sự sáng tạo nghệ sĩ, chỉ một mực trung thành với bản thân, với những gì đã khuôn định sự thành công đã gặt hái trước đây.

Các bài thơ hay trong Đề tặng một giấc mơ, có thể kể: Quả thông trong vườn Pasternak, Không đề, Người mù cầm đèn. Nhưng ý thơ hay, câu thơ hay, khổ thơ hay lại gặp rất nhiều. Em là cây mận của em/ Bám vào đất đai thẳm sâu là nỗi buồn/ và trở xanh là lòng kiêu hãnh (Cây mận của em). Nếu biển đau, mong chi người chia sẻ/ Vết thương kia xin trả lại ta nào (Với biển). Tiếng khóc đàn sếu qua rồi/ Nhà thơ đứng lặng đầy vơi nỗi niềm (Tiếng khóc đàn sếu qua rồi). Mỗi chiếc thuyền khơi/ Trên bãi cát úp mình đợi chờ con nước/ Ước chi ta như ngươi/ Nỗi khát ra khơi còn có được (Trước Nha Trang). Làm một người đàn bà/ Người ta phải nhỏ bé/ Nhỏ bé tựa búp bê/ Mới dễ dàng hạnh phúc (Nhỏ bé tựa búp bê). Em chết trong nỗi buồn/ Chết như từng giọt sương/ Rơi không thành tiếng (Tặng nỗi buồn riêng).

Lâm Thị Mỹ Dạ ở chặng đường này chị mở rộng địa lý và cả không gian cảm xúc thơ mang đận dấu ấn văn hóa của những chuyến đi giao lưu thơ. Đây là một mặt nổi trội mới đáng ghi nhận. Chỉ tiếc những chuyến đi của chị chỉ dừng ở Liên Xô cũ của thập kỷ chín mươi.

            Và tôi
            Như một chiếc mầm
            Bật lên sau tuyết
            Ngơ ngấn nhìn nước Nga
            Nước Nga vừa xanh thì tôi vừa xa...
                                    (Nước Nga vừa xanh)

Gần đây nhiều người nói đến công nghệ thơ. Công nghệ thơ hay nghề thơ? Mọi thứ nghề trên thế gian âu phải giỏi nghề và phải say nghề mới hòng kiếm sống nổi. Nhưng có lẽ say nghề thơ có phần khác kiểu say của các nghề kiếm sống khác? Trong tâm thức say của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, cái say thơ của chị gợi một nỗi gì đó bay bổng hồn nhiên. Và cũng rất lạ. Cái buồn của chị cũng bay bỗng hồn nhiên gợi một nỗi mềm mại rất phụ nữ. Đến cái đau cũng vậy chăng?

            Cô đơn thành thói quen mẹ biết gì đau khổ
            Bao vết thương trái tim sẹo chai lỳ
            Tường là vậy tưởng là mình gan góc
            Nào đâu ngờ nước mắt cạn đêm nay
                                    (Viết về câu trả lời cho con)

Sự hồn nhiên bay bổng trong khoảnh khắc cảm xúc, thăng hoa dễ thường là yếu tố công nghệ thơ, hay nói nôm là nghề thơ gần như bị phủ nhận xóa bỏ. Đọc thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, cái bay bổng hồn nhiên kéo câu thơ, mạch thơ và tứ thơ đi rất nhẹ, không có dấu ấn của "nghề". Và hình như chính tác giả vô tình thụ động bám vào những âm điệu, vần điệu thơ đã gieo thành câu chữ trước trang giấy. Điều này cho ta hiểu tác giả trong cảm hứng thơ không hề chủ tâm dùng lợi thế "nghề" để tìm tòi cách tân thơ, theo kịp dòng thơ trẻ và hiện đại, để mình không bị độc giả bỏ rơi. Ở bài thơ Không đề, tứ thơ không mới nhưng đây là một bài thơ hay. Gieo vãi hy vọng, nhưng cái còn lại là sự cằn kiệt dễ là sự trả giá quá đắt trong đời người cũng như trong đời thơ. Trên cánh đồng của chính mình/ Tôi thu lượm bón chăm và gieo vãi/ Những hạt giống nhiệm mầu cất kỹ/ Ngỡ mùa sau thành cây trái vàng mơ/ Nhưng ngoảnh lại/ Giật mình/ Hoang vắng/ Bởi tôi đã gieo tôi cặn kiệt không ngờ (Không đề).

Cái nhiệm mầu ở đời thì vô cùng, nhưng cái tươi xanh của chính mình bao giờ cũng là những sự hữu hạn khôn lường. Tứ của bài thơ được tác giả nắm bắt từ cảm hứng với tâm thức trải nghiệm đời sống. Sự trải nghiệm này đi từ tác giả đến với độc giả tìm một sự tương đồng chứa đựng những cảm thông đời thường. Tứ thơ được vùi kín trong niềm rung động thảng thốt đầy lo âu. Có lẽ đây là bài thơ ít chữ, hàm ý thơ lại xoáy được sâu, như được viết từ một mạch thơ suông chảy không nhiều dụng tâm lao động thơ mà vẫn thành công.

Để có được một bài thơ hay đọng lại được trong lòng độc giả đã khó. Một tập thơ có được dăm bảy bài thơ hay càng khó hơn. Phải chăng những bài thơ hay về tứ trong dòng thơ truyền thống của ta không nhiều, không phải là sở trường mạnh của các thi nhân. Lâm Thị Mỹ Dạ với tập thơ Đề tặng một giấc mơ, chị đã mở ra một hướng thơ cho chính mình, như là một con đường khó, để mong gặt hái được những gì mình vừa mới gieo vãi.

L.T.M
(127/09-99)





 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG

    Trần Vàng Sao là một người yêu nước. Điều này dễ dàng khẳng định cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa trực tiếp lẫn gián tiếp, không chỉ bởi lẽ anh đã chọn bút danh là Trần Vàng Sao, là tác giả của Bài thơ của một người yêu nước mình, mà còn chủ yếu là ở thế giới hình tượng nghệ thuật và thi trình của anh gắn liền với vận mệnh của đất nước và số phận của nhân dân. 

  • NGUYỄN DƯ

    Đang loay hoay thu dọn lại tủ sách bỗng thấy cuốn Dã sử bổ di. Tự dưng muốn đọc lại. Nhẩn nha đọc… từ đầu đến cuối!

  • NGUYỄN VĂN SƯỚNG

    Đi như là ở lại(*) là tập bút ký viết về những vùng đất Lê Vũ Trường Giang đã đi qua trong hành trình tuổi trẻ. Tác phẩm dày gần 300 trang, gồm 15 bút ký.

  • TRUNG TRUNG ĐỈNH

    Khóa học đầu tiên của trường viết văn Nguyễn Du do ý tưởng của ai tôi không rõ lắm. Nhưng quả thật, sau 1975, lứa chúng tôi sàn sàn tuổi “băm”, cả dân sự lẫn lính trận đều vừa từ trong rừng ra, đa số học hết cấp III, có người chưa, có người đang học đại học gì đó.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Tuổi thơ bao giờ cũng chiếm một phần tất yếu trong ký ức chúng ta. Sống cùng tuổi thơ là sống bằng mộng, bằng mơ, bằng cái hồn nhiên, cái thiện ban sơ, thiên đường đuổi bắt.

  • LIỄU TRẦN

    Lưu lạc đến tay một tập viết nhỏ “Thiền sư ở đâu”, tác giả Bùi Long. Chợt nghĩ, thời này là thời nào còn viết kiểu này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Có thể gọi đây là cuốn hồi ký đặc biệt vì nhiều lẽ. Trước hết, vì tác giả hình như chưa viết báo, viết văn bao giờ. Bà là PGS.TS chuyên ngành Dược, nguyên Phó Giám đốc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại có “thế mạnh” hơn nhiều cây bút khác - Cao Bảo Vân là con gái của tướng Cao Văn Khánh (1916 - 1980).

  • HOÀNG THỤY ANH    

    Đỗ Thượng Thế là giáo viên dạy mỹ thuật. Ấy thế mà, nhắc đến anh, người ta luôn nghĩ đến nhà thơ trẻ. Cũng đúng thôi, nhìn vào hoạt động thơ ca và các giải thưởng của anh mới thấy cuộc chơi chữ đã lấn át hoàn toàn sân họa.

  • DO YÊN     

    Trong không khí kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà văn - cựu chiến binh Nguyễn Quang Hà đã trình làng tiểu thuyết Nhật ký Đông Sơn, góp phần làm phong phú các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân.

  • TRẦN HOÀNG

    (Đọc "Giai thoại Nguyễn Kinh"
    Triều Nguyên sưu tầm - biên soạn. Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên 1990)

  • LÊ KHAI

    "Tuổi mười ba" tập thơ của Lê Thị Mây (Nhà xuất bản Thuận Hóa 1990) gợi người đọc nhận ra tính cách của nhà thơ.

  • NGUYÊN HƯƠNG    

    1. Có nhiều cách để người ta nói về Tết. Đó là một dịp để con người nghỉ ngơi, gặp gỡ, hàn huyên, và dù có được chờ đợi hay không thì Tết vẫn tới.

  • NGUYỄN VĂN CƯƠNG

    Thọ Xuân Vương Miên Định (1810 - 1886), tự là Minh Tỉnh, hiệu là Đông Trì, là con trai thứ ba của vua Minh Mạng và bà Gia phi Phạm Thị Tuyết.

  • NGUYỄN PHÚC VĨNH BA   

    Mùa Xuân là một chủ đề được thi hào Nguyễn Du nhắc đến khá nhiều trong thơ chữ Hán của cụ. Lạ thay đó là những mùa xuân tha hương buồn bã đến chết người.

  • ĐỖ HẢI NINH

    Trong công trình Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 - 1954), trên cơ sở nghiên cứu về trí thức người Việt từ phương diện xã hội học lịch sử, GS. Trịnh Văn Thảo xếp Nguyễn Vỹ vào thế hệ thứ 3 (thế hệ 1925) trong số 222 nhân vật thuộc ba thế hệ trí thức Việt Nam (1862, 1907 và 1925)(1).

  • ĐỖ LAI THÚY

    Tôi có trên tay cuốn Tôi về tôi đứng ngẩn ngơ (tập thơ - tranh, Sách đẹp Quán văn, 2014) và Đi vào cõi tạo hình (tập biên khảo, Văn Mới, California, 2015) của Đinh Cường.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    (Đọc Chim phương Nam, tạp bút của Trần Bảo Định, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM, 2017).

  • HỒ TẤT ĐĂNG

    "Từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi bỗng nhận ra rằng, cũng như bao người khác, cả gia đình tôi đã góp máu để làm nên cuộc sống hôm nay, nếu còn tồn tại điều gì chưa thỏa đáng, chính bản thân tôi cũng có một phần trách nhiệm trong đó.” (Phạm Phú Phong).

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Có những thời đại lịch sử nóng bỏng riết róng, đặt những con người có tầm vóc, có lương tri và nhân cách luôn đứng trước những ngã ba đường, buộc phải có sự chọn lựa, không phải sự nhận đường một cách mơ hồ, thụ động mà là sự chọn lựa quyết liệt mang tính tất yếu và ý nghĩa sống còn của tiến trình lịch sử và số phận của những con người sống có mục đích lý tưởng, có độ dư về phẩm chất làm người.