NGUYỄN PHÚC VĨNH BA
Mùa Xuân là một chủ đề được thi hào Nguyễn Du nhắc đến khá nhiều trong thơ chữ Hán của cụ. Lạ thay đó là những mùa xuân tha hương buồn bã đến chết người.
Ảnh: internet
Trong 249 bài thơ chữ Hán qua ba tập thơ Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục, cụ đã dùng tới 40 từ “xuân” kết hợp với các từ hàn, bệnh, vũ,... gợi nên một trường cảm xúc khá bi đát. Riêng trong 4 bài thơ được đặt nhan đề có từ XUÂN (Xuân nhật ngẫu hứng, Xuân dạ, Xuân tiêu lữ thứ, Mộ xuân mạn hứng) cụ đều bày tỏ một nỗi buồn sâu lắng, âm ỉ khi thân phiêu lạc ở đất khách quê người. Đây đúng ra là một bi kịch trong cuộc đời của cụ.
Theo Đại Nam Liệt Truyện: “Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì...’’. Theo giai thoại, vua Gia Long cũng từng lấy làm thắc mắc và đã từng có lần tìm hỏi cụ nhưng nhà vua vẫn không có được câu trả lời rõ ràng. Cụ làm quan mà vẫn chán nản buồn rầu, chức lớn nhưng cụ vẫn như thể là bất đắc chí, ba lần xin về hưu, sáng tác nhiều bài thơ đầy phiền muộn, chán nản. Phải chăng những biến cố lịch sử trong thời gian này đã làm cho cụ bị trầm uất? Tại sao một con người được trọng dụng như cụ lại có một nỗi niềm bi ai như thế?
Với Xuân nhật ngẫu hứng ta thấy một Nguyễn Du bất cần đời, chán chường trước “tài mệnh tương đố” khi sinh nhằm thời binh lửa triền miên và dù đã đỗ tam trường vẫn đành lênh đênh hải giác thiên nhai. Bài thơ được sáng tác trong thời kì cụ phải ăn nhờ ở đậu ở quê vợ, có lẽ vào khoảng đầu triều Tây Sơn khi mà đất nước vẫn còn chưa hẳn ổn định vì ở miền Nam, thế lực của Nguyễn Vương Ánh vẫn lăm le khôi phục lại cơ đồ. Đây là thời kỳ loạn lạc nhất của đất nước ta vì có đến 5 thế lực phong kiến Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn đang giành giật cơ đồ vương bá:
春 日 偶 興
Xuân nhật ngẫu hứng
患 氣 經 時 戶 不 開
Hoạn khí kinh thời hộ bất khai
逡 巡 寒 暑 故 相 催
Thuân tuần hàn thử cố tương thôi
他 鄉 人 與 去 年 別
Tha hương nhân dữ khứ niên biệt
瓊 海 春 從 何 處 來
Quỳnh Hải* xuân tòng hà xứ lai
南 浦 傷 心 看 綠 草
Nam phố thương tâm khan lục thảo
東 皇 生 意 漏 寒 梅
Đông hoàng sinh ý lậu hàn mai
鄰 翁 奔 走 村 前 廟
Lân ông bôn tẩu thôn tiền miếu
斗 酒 雙 柑 醉 不 回
Đẩu tửu song cam túy bất hồi.
Lược dịch:
Ngày xuân ngẫu hứng làm thơ
Trời xấu qua rồi cửa vẫn gài
Êm êm rét nóng rủ nhau trôi
Xa quê lại một năm li biệt
Đất khách thêm mùa xuân của ai
Cỏ biếc lòng đau trời Nam phố
Mai vàng chi nữa chúa Xuân ơi!
Lão già trước miếu say mềm rượu
Quanh quẩn hồi lâu chẳng muốn rời.
---------------
(* Quỳnh Hải: huyện Quỳnh Côi, quê vợ của cụ Nguyễn Du).
Với Xuân dạ ta lại thấy cụ Nguyễn Du đã thấm thía nỗi đau đời dành cho một con người tài hoa: bệnh tật, xa nhà, không danh phận. Đêm dù của mùa xuân nhưng lại nhuộm một màu u ám và đau thương:
春 夜
Xuân dạ
黑 夜 韶 光 何 處 尋
Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
小 窗 開 處 柳 陰 陰
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
江 湖 病 到 經 時 久
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
風 雨 春 隨 一 夜 深
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
羇 旅 多 年 燈 下 淚
Ky lữ đa niên đăng hạ lệ
家 鄉 千 里 月 中 心
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm
南 臺 村 外 龍 江 水
Nam Đài thôn ngoại Long Giang* thủy
一 片 寒 聲 送 古 今
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kim).
---------------
(* Long Giang hay Thanh Long giang: Sông Lam).
Lược dịch:
Đêm xuân
Đêm mãi đen hoài, nắng đẹp đâu?
Ngoài song bóng liễu phủ lên nhau
Giang hồ thân bệnh hoài vương vấn
Mưa gió đêm xuân cứ dãi dầu
Lưu lạc bao năm đèn nhỏ lệ
Quê nhà ngàn dặm ánh trăng thâu
Nam Đài ơi với sông Lam đó!
Sóng lạnh muôn đời tiếng lắng sâu.
Năm 1789 Tây Sơn chiếm Bắc Hà, cụ vừa 24 tuổi. Để tránh nạn binh lửa cụ đã về ẩn tại quê vợ, huyện Quỳnh Côi (Thái Bình). Bài thơ này nằm trong Thanh Hiên tiền hậu tập, có lẽ đã được cụ Nguyễn Du làm trong thời gian này, cụ khoảng dưới 30 tuổi. Qua đấy ta có thể thấy thể chất của cụ không mấy khỏe mạnh do cuộc sống nghèo túng và bản thân cụ cũng hay đau ốm. Chính nơi đây đã chôn vùi quãng đời thanh xuân của cụ. Sống nơi thôn ổ, cụ đã gần gũi và hiểu biết rõ ràng đời sống và tâm tình của tầng lớp dân quê nghèo khó. Mãi hơn 10 năm sau, lúc đã 37 tuổi (1802) cụ mới ra làm với triều Nguyễn với chức vụ Tri huyện Phù Dung (Hưng Yên) rồi sau đó thăng Tri phủ Thường Tín (Hà Tây).
Những mùa xuân tha hương tại Quỳnh Côi vẫn là đề tài cho cụ viết các bài thơ khác, cũng chất ngất lòng nhớ quê hương, xót thân mình đau yếu và cảnh sống nhờ ở tạm trong nghèo túng thiếu thốn như trong bài Mạn hứng: “Bách niên thân thế ủy phong trần/ Lữ thực giang tân hựu hải tân” (Trăm năm thân thế mặc phong trần/ Bãi biển bờ sông kiếm miếng ăn). Nguyễn Du thường gọi mình là “tha hương nhân” (Xuân nhật ngẫu hứng) hay “bạch đầu nhân” (Mạn hứng, Tạp thi I...) luôn mang cái “Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ” (Sơn cư mạn hứng: Một mảnh lòng quê soi bóng nguyệt) mà cuộc sống thì “Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa” (U cư II: Đầy nhà xuân lạnh thêm nhiều bệnh) hay “Tam niên tích bệnh bần vô dược” (Mạn hứng: Ba năm đau ốm, thuốc thang không). Theo ông Đào Duy Anh, trong Thanh Hiên tiền hậu tập, Nguyễn Du có 17 bài nói về bạch phát hay bạch đầu. Nguyễn Du đã phác họa cuộc đời trẻ trung của mình như sau:
雜 詩
Tạp thi I
壯 士 白 頭 悲 向 天
Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
雄 心 生 計 兩 茫 然
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên
春 蘭 秋 菊 成 虛 事
Xuân lan thu cúc thành hư sự
夏 暑 冬 寒 奪 少 年
Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên
黃 犬 追 歡 鴻 嶺 下
Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ
白 雲 臥 病 桂 江 邊
Bạch vân ngọa bệnh Quế Giang biên
村 居 不 厭 頻 沽 酒
Thôn cư bất yếm tần cô tửu
尚 有 囊 中 三 十 錢
Thượng hữu nang trung tam thập tiền.
Lược dịch:
Bài thơ vơ vẩn
Bạc đầu tráng sĩ nhìn trời
Miếng ăn, chí lớn tơi bời lòng son
Xuân thu muôn sự héo mòn
Hè đông đoạt sạch trẻ non sức người
Chó vàng Hồng Lĩnh rong chơi
Mây nằm nghỉ bệnh trắng trời Quế Giang
Cứ mua cho hết rượu làng
Tiền thì ba chục sẵn sàng túi đây.
Có lẽ không gì làm cho ta chạnh lòng hơn những câu thơ như thế, nhất là đối với một con người tài hoa như cụ Nguyễn Du. Một cõi lòng tan nát, không dám mơ một ngày được trọng dụng và liệu khi ấy thì có còn “hùng tâm” để dâng hiến hay không. Vả lại, triều Lê mà Nguyễn Du ví như muốn phù trợ cũng chỉ là một triều đại ươn hèn, mục nát, tham tàn và về cuối lại rước voi về giày mồ, gây nên lắm điều sỉ nhục.
Với Mộ xuân mạn hứng Nguyễn Du lại bày tỏ một nhân sinh quan đậm màu sắc Lão Trang, xem kiếp sống như một trò mộng huyễn và công danh lại càng phù ảo như ánh nắng cuối xuân.
暮 春 漫 興
Mộ xuân mạn hứng
一 年 春 色 九 十 日
Nhất niên xuân sắc cửu thập nhật
拋 擲 春 光 殊 可 憐
Phao trịch xuân quang thù khả liên
浮 世 功 名 看 鳥 過
Phù thế công danh khan điểu quá
閒 庭 節 字 帶 鶯 遷
Nhàn đình tiết tự đái oanh thiên
側 身 不 出 有 形 外
Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại
千 歲 長 憂 未 死 前
Thiên tuế trường ưu vị tử tiền
浮 利 榮 名 終 一 散
Phù lợi vinh danh chung nhất tán
何 如 及 早 學 神 仙
Hà như cập tảo học thần tiên.
Lược dịch:
Làm thơ vào cuối xuân
Một năm xuân đẹp chín mươi ngày
Vùn vụt thiều quang ngẫm xót thay
Cõi thế công danh chim cánh lướt
Sân nhàn thời tiết bóng oanh bay
Xét thân không thoát vòng sinh hoại
Lo mãi làm chi cuộc sống này
Rốt cuộc lợi danh đều tan tác
Phải chi sớm học phép tiên hay.
Sau khi ra làm quan với triều Nguyễn, cụ lại tiếp tục xa nhà. Cuối năm 1803, với tư cách là Đông các điện đại học sĩ, cụ Nguyễn Du đi đón sứ thần Thanh triều ở Lạng Sơn. Ở địa vị này, cụ vẫn mang tinh thần chán danh lợi trần thế và nỗi niềm bất đắc chí khi cộng tác với triều Nguyễn. Phải chăng cụ Nguyễn Du còn mang tâm trạng của một di thần triều Lê với quan điểm Nho giáo cứng nhắc “Trung thần bất sự nhị quân”? Ta nên nhớ rằng quãng đời làm quan của cụ rất hanh thông và nhà Nguyễn rất trọng dụng cụ.
Dẫu vậy, qua Xuân tiêu lữ thứ, được làm ra trong thời điểm này, tâm sự của cụ được bộc bạch rất bi thương:
春 宵 旅 次
Xuân tiêu lữ thứ
蕭 蕭 蓬 鬢 老 風 塵
Tiêu tiêu bồng mấn lão phong trần
暗 裏 偏 驚 物 候 新
Ám lý thiên kinh vật hậu tân
池 草 未 闌 千 里 夢
Trì thảo vị lan thiên lý mộng
庭 梅 已 換 一 年 春
Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân
英 雄 心 事 荒 馳 騁
Anh hùng tâm sự hoang trì sính
名 利 營 場 累 笑 顰
Danh lợi doanh trường lụy tiếu tân
人 自 蕭 條 春 自 好
Nhân tự tiêu điều, xuân tự hảo
團 成 成 下 淚 沾 巾
Đoàn thành thành hạ lệ triêm cân.
Lược dịch:
Đêm xuân xa nhà
Tóc mai phơ phất giữa phong trần
Mê muội lòng lo việc mới dần
Giấc mộng văn chương chưa dứt bóng
Mai vàng sân trước đã mời xuân
Anh hùng chí lớn thôi rong ruổi
Danh lợi quan trường chỉ lụy thân
Người dẫu xác xơ, xuân vẫn đẹp
Chân thành* riêng lão lệ đầm khăn.
---------------
(* Đoàn thành là thành Lạng Sơn).
Khi đi tiếp sứ trở về, cụ ở tại Phú Xuân một thời gian. Đến năm 1809, Nguyễn Du đựơc cử làm Cai bạ Quảng Bình. Năm 1913 cụ đi sứ hơn một năm tròn ở Trung Quốc. Về nước cụ được thăng làm Tham Tri Bộ Lễ và làm việc tại Kinh đô Huế. Trong quãng thời gian làm quan này, cụ Nguyễn Du vẫn thường ốm đau bệnh tật và cuộc sống có nhiều khó khăn. Vì thế, Huế cũng chỉ là đất khách, nơi khiến cụ thấm thía hơn nỗi đời luân lạc. Huế trong mắt cụ cũng buồn bã vì lòng thương nhớ quê nhà bao la trong tim cụ như cụ viết trong bài Thu chí: “Hương giang nhất phiến nguyệt /Kim cổ hứa đa sầu” (Sông Hương một mảnh trăng soi/ Dáng sầu vời vợi bao đời đến nay).
Đúng ra, chúng ta có thể nói cụ Nguyễn Du một đời luân lạc tha phương, nếm đủ mọi cay đắng phong trần không thua gì cô Kiều trong tác phẩm của cụ. Điều đáng chú ý là chính nhờ trải qua cuộc phong trần mà cụ Nguyễn Du gần gũi và hiểu được nỗi cơ cực của dân chúng thời cụ sống ngày ấy.
Phải chăng chính vì nhờ hiểu thấu đời sống cơ cực của dân chúng mà cụ chẳng chút bằng lòng với chế độ quân chủ thời bấy giờ. Năm thế lực phong kiến Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn với những cuộc tương tranh của họ đã gây nên bao mất mát tang tóc cho người dân nghèo khổ. Cuối cùng Nguyễn Vương Ánh nắm được ngai vàng và mở ra một triều đại mới. Thế nhưng các lí tưởng nhân bản mà Nho gia hướng đến như thay trời chăn dân, thương dân như con đỏ, dân là quý, quan lại là cha mẹ của dân,… vẫn còn trong sách vở. Qua một số bài thơ khác Sở kiến hành, Thái Bình mại ca giả, Thăng Long cầm giả ca, Văn tế thập loại chúng sinh,… chúng ta càng thấy rõ rằng cụ cảm thông rất sâu sắc đến lớp người thấp cổ bé họng, gặp muôn vàn bất hạnh trong cuộc đời. Con người Nho sĩ lý tưởng trong cụ đụng độ với thực tế lầm than trong xã hội. Bi kịch cuộc đời Nguyễn Du - Từ Hải - Thúy Kiều là ở đây. Từ đấy, cụ không thể lấy cái thế được triều Nguyễn trọng dụng, vui với cái thành đạt của riêng mình mà làm ngơ trước khổ đau của dân chúng. Hơn hết, với một tâm hồn nhạy cảm, hiểu biết sâu sắc, cụ đã nhận ra sự bế tắc của chế độ quân chủ phong kiến. Lẽ tất nhiên, trong vòm tư tưởng của thời đại, chúng ta không thể trông đợi cụ có thể nghĩ tới một hình thức xã hội cấp tiến hơn là chỉ chán ngán than thở xã hội thời ấy còn đầy bất công và hà lạm, như cụ viết “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Chỉ hiểu vậy, chúng ta họa mới giải thích được những nỗi niềm u sầu hay chán ngán công danh trong thơ của cụ.
Đọc suốt Truyện Kiều, có lẽ không ai kìm được xúc cảm trước mười lăm năm luân lạc của Kiều mà tai hoạ, khổ nạn chan đều trong những tháng ngày đau thương bi đát của Kiều. Nếu cụ Nguyễn Du bản thân không trải những xót xa phong trần thì hẳn chúng ta cũng không có cái may mắn được thưởng thức những vần thơ trác tuyệt như thế. Viết Truyện Kiều hay là viết cuộc đời trôi nổi của mình, khóc Tiểu Thanh hay khóc Tố Như cũng thế mà thôi. Đọc những bài thơ chữ Hán trên, ta thấy rõ hơn cuộc đời của tác giả để đối chiếu với nhân vật mà tác giả xây dựng nên. Âu cũng là số phận của giới sĩ phu một thời, của “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.
Ngày xuân, đọc lại những bài thơ xuân chữ Hán của cụ gọi là nén nhang, bát nước dâng cho một con người tài hoa mà mệnh bạc.
N.P.V.B
(TCSH347/01-2018)
...................................
Các bản dịch thơ trong bài là của tác giả bài viết.
Đặng Nguyệt Anh là một trong rất ít nhà thơ nữ được vinh dự sống và viết ở chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
Trình làng một tập thơ vào thời điểm đương đại luôn tiềm chứa nhiều nguy cơ, và người viết hẳn nhiên phải luôn là một kẻ dấn thân dũng cảm. Nhiều năm qua, phải thú thực là tôi đọc không nhiều thơ, dù bản thân có làm thơ và nhiều người vẫn gọi tôi như một nhà thơ đích thực.
Chúng ta đ ề u đã bi ết Hàn Mặc Tử n ằ m ở nhà thương Qu y Hoà từ 21- 9 -1940 đ ế n 11 - 11 -1940 thì từ tr ầ n. Nhưng có một đi ề u dám chắc ai cũng băn khoăn là su ố t trong 51 ngày đ êm đó, thi sĩ có làm bài thơ nào không?
Công chúng yêu sân khấu cả nước ngưỡng mộ Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Bình với tư cách là một diễn viên tài năng, một đạo diễn gạo cội, một lãnh đạo ngành sân khấu năng nổ, nhưng ít ai biết anh còn là một tác giả sáng tác kịch bản văn học cho nhiều thể loại sân khấu, mà chủ yếu là kịch nói và ca kịch...
Kể từ khi ca khúc “Có một dòng sông” được công bố lần đầu tiên qua loa truyền thanh xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế do chính tác giả cầm guitar thùng trình bày khi vừa viết xong, đến nay vừa tròn 40 năm, nhưng sức lay động của bài ca vẫn còn ngân vang mãi trong nhiều thế hệ người nghe được sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy, bất chấp dòng chảy thời gian.
Mẹ trong mỗi chúng ta là hình ảnh đầy thiêng liêng và diệu kỳ. Mẹ! Có nghĩa là duy nhất/ Một bầu trời/ Một mặt đất/ Một vầng trăng/ Mẹ không sống đủ trăm năm/ Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát (Ngày xưa có mẹ - Thanh Nguyên).
(Đọc “Chuyện kể về món hàng quý giá nhất đời” của Jean-Claude Grumberg, Nxb. Văn học 2023 - Dịch giả: Hoàng Anh).
Nhìn thấu mà không nói thấu là đỉnh cao cảnh giới xử thế trí tuệ. Nói theo thuật ngữ Phật học, cái trí nói chung có ba phần hợp thành là trí thức, trí tuệ và trí huệ.
Lê Minh Phong (sinh 1985) vốn cùng quê với Huy Cận, nhưng xa hơn về phía núi. Cả hai đều có một tâm hồn cổ sơ. Nét hoang dã của vùng đất ấy đã tạo ra ngọn Lửa thiêng trong thơ Huy Cận, tạo nên những huyền thoại, cổ tích trong văn xuôi Lê Minh Phong.
(Đọc tập tiểu luận “Ngắn dần đều” của Hoàng Đăng Khoa, Nxb. Đà Nẵng và Book Hunter, 2024)
YẾN THANH
Tôi luôn quan niệm rằng, tiểu thuyết là một bản tự thuật chân thật về tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca có thể là tiếng nói trực tiếp, chân thành của cảm xúc, song những giới hạn của thể loại về nhạc tính, vần điệu, câu từ, khổ thơ, số chữ trong từng câu… luôn ngăn trở tác giả vẽ nên bức chân dung đầy đủ, hoàn thiện về tâm hồn của mình.
Tôi luôn quan niệm rằng, tiểu thuyết là một bản tự thuật chân thật về tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca có thể là tiếng nói trực tiếp, chân thành của cảm xúc, song những giới hạn của thể loại về nhạc tính, vần điệu, câu từ, khổ thơ, số chữ trong từng câu… luôn ngăn trở tác giả vẽ nên bức chân dung đầy đủ, hoàn thiện về tâm hồn của mình.
VÕ QUỐC VIỆT (Đọc “Đất Việt trời Nam liệt truyện” của Trần Bảo Định)
Tập thơ Vực trắng, Nxb. Hội Nhà văn quý 2/2024 của nhà thơ, nhà báo Lữ Mai gồm 55 bài thơ, được sắp xếp thành 6 phần: “Từ núi”, “Đi lạc”, “Nói bằng gai sắc”, “Trở về chạng vạng”, “Gửi Huế”, “Cánh tàn bừng giấc”.
HỒ THẾ HÀ
Lê Quang Sinh sáng tác thơ và trở thành nhà thơ được độc giả cả nước yêu quý và đón nhận nồng nhiệt. Nhưng ít ai biết Lê Quang Sinh là nhà phê bình thơ có uy tín với mỹ cảm tiếp nhận bất ngờ qua từng trang viết đồng sáng tạo tài hoa của anh.
PHONG LÊ
Hải Triều, đó là một tên tuổi quan trọng trong sinh hoạt văn chương - học thuật thời kỳ 1930 - 1945. Ông vừa giống vừa khác với thế hệ những đồng nghiệp cùng thời, nếu xét trên phạm vi các mối quan tâm về học thuật.
TRẦN HOÀNG
HỒ THẾ HÀ
Võ Mạnh Lập là nhà văn chuyên viết ký (essai/ essey) với thế mạnh sở trường nghiêng về ký sự, truyện ký, bút ký, hồi ký, phóng sự, ghi chép…
NHẬT CHIÊU
(Chiyo-ni: The relief offered by haiku)
Có một nghệ thuật cứu chữa, cứu thoát chúng ta trong cuộc sống bản thân trong tình trạng thương tổn, trong tâm lý và tâm linh, đó là thực tập viết thơ và đọc thơ.