Đi qua những vườn mai Huế

09:19 07/02/2013

VÕ NGỌC LAN 

Đã từ lâu danh xưng mai Huế như một mặc định cho loài hoa mai có năm cánh với sắc vàng rực rỡ. Loài hoa mai ấy chỉ sinh trưởng trên đất Cố đô và cũng là đặc sản của vùng sông Hương núi Ngự.

Ảnh: internet

Hoa mai chỉ dành cho mùa xuân cũng như hoa đào chỉ nở rộ khi tết đến xuân về. Từ miền Trung trở vào, hầu như người ta chỉ chuộng hoa mai. Có lẽ người ta chuộng cốt cách thanh tao và yêu màu vàng vương giả của mai. Ngày còn bé tôi sống ở vùng Kim Long, nhà tôi cũng như hầu hết nhà hàng xóm, trước nhà đều trồng một cây mai. Các cụ bảo mai tượng trưng cho con gái, theo câu nói “Mai cốt cách tuyết tinh thần” vì thế cây mai hay trồng chênh chếch bên trái. Song cũng có nhà cây mai lại được trồng ngay giữa sân, các cụ lại bảo vì mai là tinh thần, chí khí của người quân tử. Với những kẻ hậu sanh như tôi thì các cụ bao giờ cũng đúng vì vừa thông thái, vừa có bồ chữ được chia phần trong thiên hạ. Bởi các cụ luôn đúng nên không những vùng Kim Long mà cả Huế mỗi dịp Tết nhà nào cũng rực rỡ sắc mai.

Ngày tôi về sống ở vùng Gia Hội, dọc con đường Đò Cồn là những vườn mai bát ngát. Nhiều nhà có những cây mai cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người ta gọi mai cổ thụ là lão mai một cách kính trọng như thể mai là một con người. Trong phủ bà Chúa, việc tưới mai, tỉa lá cho mai luôn giao phó cho một gia nhân rành thuộc tính của mai chăm sóc. Vì thế họ biết lúc nào bắt mai rụng lá và thời điểm nào kích thích cho mai ra hoa. Đôi nhà để có tiền tiêu vào dịp tết cũng có thể bán bớt nhánh mai hoặc để cây phát triển tốt hơn. Đi mua một nhành mai là điều không hề đơn giản bởi mua để chưng thì hoa đó phải đủ tiêu chuẩn của nhành hoa đẹp, mà mua để bán thì làm sao kiếm được lời. Đem tặng một nhánh mai làm sao cho người nhận ưng ý lại càng khó hơn. Ngay khi mai được cắt từ cành đem vào cắm ở lọ lục bình cũng phải lựa cành nào có dáng vươn ra sao để cầu may mắn cả năm. Chủ nhân trong nhà quý mai và bắt buộc mọi người cũng phải tôn trọng mai.

Ở con đường này có Hoàng Mai Trang trước sân đầy mai. Mỗi lần có dịp đi ngang tôi lại ngoái nhìn, nhìn những cây mai có hình dáng mỏng manh với những tư thế dịu dàng. Hồi trước mai không được trồng nhiều trong chậu như bây giờ, mai lả lướt hơn và gần gũi với con người hơn. Có nhà mai là bức bình phong ngăn cách giữa con người với những xô bồ bên ngoài. Để khi mai nở thì cái nhìn đầu tiên là bức bình phong màu vàng, đủ để hiểu người Huế yêu mai và mai gắn bó với họ vô cùng.

Mai có một điểm lạ là cứ giữa tháng chạp là lác đác nụ và đúng ngày mồng một thì bung ra những đóa hoa chi chít trên cành. Thời tiết của Huế thường lạnh nên mai ra hoa đúng kỳ. Nhưng có năm nắng ấm, nên mai lại nở sớm so với quy luật, như tháng chạp năm Nhâm Thìn đã thấy nhiều nhà mai vàng nở rực góc sân. Mỗi lần nhìn hoa mai nở cả một cây hoa mai chỉ thấy hoa với hoa. Nhưng mai vàng xứ Huế phải là mai năm cánh, hiếm hoi lắm mới có cây mọc nhiều cánh. Những đóa hoa mỏng manh ấy dù giá rét hay nắng gắt thì vẫn nở rất đúng hẹn. Và lạ thay chúng không hề bị mưa sa hay bão tố làm rơi rụng, thêm vào đó sức sống của nó lại bền bỉ đến lạ kỳ. Hoa mai Huế không có lá màu đỏ như hồng diệp mai của vùng Trung Trung bộ hay nhiều cánh như hoa mai của miền Nam mà mai Huế chỉ năm cánh và lá xanh, đặc biệt màu vàng thì quyến rũ không thể tả. Nếu đặt một chậu mai Huế giữa vô số mai nhập cư khác, người yêu mai sẽ dễ dàng phân biệt được đâu là mai Huế. Danh xưng hoàng mai như đã đóng đinh cho mai Huế vậy.

Bây giờ ở Huế vườn nhà bị thu hẹp đi nên nhiều nhà không còn hoa mai trước sân. Thú chơi cây cảnh đã làm ít đi những vườn mai nhưng lại thêm rất nhiều hoa mai trồng trong chậu. Lợi thế của mai chậu là người ta có thể trưng từ năm này rồi mùa hoa sang năm lại trưng tiếp. Trong khi đó hoa mai cành được chặt từ một cây mai, sau tết là chết vì khó tái sinh. Nhìn người Huế trưng mai vào dịp Tết đủ thấy địa vị độc tôn của loài hoa này không thay đổi. Mai trồng trong chậu được chăm sóc công phu, uốn thế đẹp có giá hàng trăm triệu đồng. Như những lão mai trong vườn hoa của chị Tôn Nữ Hà ở Lê Thánh Tôn hay của anh Trần Dũng ở đường Nguyễn Chí Thanh tập hợp nhiều cây mai quý của Huế. Có năm trời rét, chính chủ nhân của những vườn mai này đã cho mai vào thành phố Hồ Chí Minh trốn rét mới có hoa ra đúng kỳ. Rõ ràng “yêu hoa mới đánh đường tìm hoa” là vậy.

Tôi đã có dịp về thăm làng hoa mai bên kia phá Tam Giang khi nơi này mở hội hoa xuân. Đúng là cái thú yêu hoa khiến con người bất chấp gió rét để hoa nở đúng dịp xuân về. Có về đây lại gặp được những người Huế yêu mai, đi ngắm mai. Nhìn hoa mai nở đẹp trăm người nhìn ngắm vậy mà sao tôi vẫn thích những cây hoa mộc mạc đứng giữa sân hay góc nhà nào đó. Như một lần tình cờ đi qua Đập Đá ngày 30 tết tôi thấy một lão mai nở hoa rực rỡ ngay đường Nguyễn Sinh Cung. Nhìn hoa và màu hoa sao thấy rung động lạ kỳ. Nghe đâu cây mai này đã hơn trăm tuổi và chưa bao giờ chủ nhân chặt một nhánh nào. Để rồi chiều ba mươi tết đi ngang qua Thương Bạc trong giá rét cuối năm vẫn thấy những người bán mai đứng sau những cành mai chờ khách đến mua. Chợ hoa chiều 30 vẫn hàng năm một đều đặn đi qua ký ức bao người dân Huế. Không hiểu có ai trong họ đã đau xót khi phải chặt đi cây mai mà mình chăm bẳm yêu quý? Tôi không quên được ngày còn bé theo mẹ vào Thành nội đến nhà cụ Án ở đường Nguyễn Huệ mua mai về bán. Chị con gái chủ nhà đã ôm cây mai già khóc không cho mẹ tôi chặt mai, mới thấy thấm thía tình người đối với cây mai thân quý. Bởi vậy tôi không ngạc nhiên khi trong nhà người Huế, lúc gia chủ mất đi người ta lại chít dây tang cho hoa và cây. Với người Huế, cây cối là người thân trong gia đình. Riêng mai thì tình thân đó càng mặn nồng hơn.

Bây giờ Huế đã có thêm vườn mai trước kinh thành để ai ngang qua đều có dịp ngắm nhìn mỗi độ xuân về. Tôi vẫn đến thăm vườn mai này khi có dịp về Huế mỗi lần tết đến. Quý hơn hết là những cây mai đó được trồng tự nhiên, không gò bó trong những cái chậu sành sứ. Những vườn mai như thế gợi cho tôi về những tháng ngày năm cũ và thú chơi hoa đầy tao nhã của người Huế. Với tôi tình yêu dành cho loài hoa này vẫn nồng nàn như một gợi nhớ về quê hương và năm tháng tuổi thơ.

TP. HCM, ngày 02 tháng 01 năm 2013
V.N.L
(SH288/02-13)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN HỮU ĐÍNHMột nhà văn tên tuổi địa phương - địa phương nhưng kiêm cả Trung ương - đã say sưa mô tả con sông Hương, với một đầu đề trớ trêu và duyên dáng: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” Trớ trêu và duyên dáng hơn nữa là nêu lên câu hỏi mà không chịu trả lời.

  • THÁI DOÃN LONGKính tặng thầy: Cao Xuân Hưởng, Nguyễn Trực Luyện và H.N

  • VÂN LONGHuế đã vào tôi từ thuở thiếu thời qua hai câu thơ của Nam Trân:                Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng                Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo

  • PHAN THUẬN ANCó một bãi đất trống nằm giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài. Nói chính xác hơn, không gian ấy được giới hạn bởi đường 23 tháng 8 ở phía bắc, chân tường Kinh thành ở phía nam, con đường ngắn sau cửa Thể Nhân (thường gọi là cửa Ngăn) ở phía đông và con đường ngắn sau cửa Quảng Đức ở phía tây. Chiều bắc nam của nó rộng gần 125m và chiều đông tây dài khoảng 360m.

  • HỒ VĨNHTôi đứng trên sân thượng Sài Gòn- Morin Huế, nhìn lên phía Tây thành phố trong buổi chiều tà le lói vài tia nắng trên các tán lá rất cao. Nhìn về phía Bắc sông Hương, Thành nội cổ kính chìm trong cây xanh.

  • NGUYỄN THANH HÙNGTôi chưa biết Huế nên buồn vì bỏ qua một vẻ đẹp. Buồn vì mãi mãi không thể chiêm ngưỡng cố đô của đất nước một thời ngang ngửa. Một khoảng trống văn hóa về cổ vật kiến trúc nguyên vẹn của tịnh đô Huế không thể lấp đầy trong tôi, luôn tin tưởng vào sự hữu linh của vạn vật.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤN(Nhân xem “Huế - đất mẹ của tôi” sách ảnh của Đào Hoa Nữ. Nhớ Huế, suy ngẫm và…. cảm nhận)

  • TRƯƠNG THỊ THUYẾT1. Huế không chỉ nổi tiếng là một thành phố đẹp, nên thơ với những danh lam thắng cảnh như sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ và những lăng tẩm cổ kính...mà còn được du khách biết đến bởi những nghề truyền thống của mình.

  • LÊ THỊ KIỀU HẠNHHiếm có một vùng đất nào trên thế giới mà con người đã tạo ra một bản sắc văn hóa độc đáo như kiểu nhà vườn Huế.

  • DĨNH QUỐC ANHLăng tẩm Huế là một trong những thành tựu rực rỡ bậc nhất của kiến trúc văn hóa cổ Việt Nam. Ngoài 8 lăng chính của các vua Gia Long, Minh Mạng,Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Khải Định, còn có đến hàng ngàn ngôi mộ tồn tại qua nhiều thế kỷ của các bậc danh nhân văn hóa, người có công với đất nước.

  • LÊ VIẾT XUÂNCó thể nói, so với các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn quốc, thì Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế có một vị trí quan trọng, sau khu Di tích Kim Liên (Nghệ An), khu Di tích Pác-Bó (Cao Bằng), khu Di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội.

  • BẢO ĐÀN 1. Đặt vấn đề1.1. Như một sự ngẫu nhiên của lịch sử, xứ Huế - từ vùng đất biên viễn quốc gia trong nhiều thế kỷ, trở thành thủ phủ của vùng miền và là kinh đô của một quốc gia thống nhất sau đó. Đây chính là nền tảng thuận lợi để vùng đất này hội tụ, quy tập cho mình một hệ thống làng nghề thủ công, cần thiết cho sự tồn tại và làm tròn vai trò của một vùng trung tâm.

  • BỬU Ý28 Tháng Hai lại về, gợi nhớ về sinh nhật của Trịnh Công Sơn. Vào thời điểm này, bạn bè Trịnh Công Sơn ở Huế và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị cho Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn theo chủ trương của UBND tỉnh và mong muốn của những người yêu mến nhạc sĩ tài hoa này.Sông Hương xin giới thiệu bài viết của Bửu Ý- người bạn rất gắn bó với Trịnh Công Sơn - như một gợi ý mời gọi bạn bè cùng góp ý để sớm hình thành ý nguyện này.

  • THANH TÙNGNhững dịp lễ hội, những chiều hè gió lộng và đẹp trời, trên bầu trời cố đô Huế rực rỡ đủ sắc màu của những cánh diều mượt mà trong hình dáng các loài chim, thú: long, lân, ly, phụng, công, bướm, quạ. Đặc sắc nhất thì diều đại bàng cứu công chua, diều bướm đốt pháo, diều Tôn Ngộ Không...

  • NGUYỄN QUANG HÀCả khung trời hồng dần lên. Sóng Tam Giang lấp lánh hồng. Con thuyền của chúng tôi như rẽ bình minh đi thẳng đến mặt trời. Bầy chim trời đang ăn trên mặt phá, gặp động, chúng rào rào vỗ cánh vù bay lên, rợp trời, như một đám mây, rồi lại rào rào hạ cánh đáp xuống phía phá bên kia.

  • TRƯƠNG THỊ THUYẾTĂn là một biểu hiện của văn hóa. Nghiên cứu nhóm từ chỉ cách ăn uống, chỉ các món ăn của Huế là tìm ra những nét riêng biệt trong sắc thái văn hóa Huế.

  • THANH TÙNGVăn hoá tâm linh là một loại hình văn hoá tinh thần đặc thù của nhiều dân tộc trên thế giới. Với người Việt, từ xưa đến nay văn hóa tâm linh thể hiện ở tình cảm linh thiêng, ở niềm tin và sự tri ân của mọi người đối với những người thân đã mất, niềm tin của cả cộng đồng đối với những vị anh hùng, các bậc tiền bối đã có công lao xây dựng, bảo vệ đất nước; các vị tiền hiền được tôn làm Thần - Thánh, Thành hoàng; thể hiện sự kính trọng và cầu mong sự che chở của các vị thiên thần v.v…

  • TRẦN HÀ TRUNGCứ mỗi lần nghe tiếng trống vang khắp nước, nhất là ở Đống Đa lịch sử (mồng năm tháng giêng) lòng tôi rộn ràng từ những ngày bé nhỏ.

  • HỒ VĨNH       Phóng sựTôi đứng trên nhà bia lăng Minh Mạng thì nghe kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazik) đột ngột qua đời vì bệnh tim. Tôi bàng hoàng lặng người trong giây lát rồi đạp xe về Thế Miếu nơi công trình Kazik đang trùng tu.

  • TÔN NỮ NGHI TRINHNói đến lối ăn Huế người ta nghĩ ngay đến cung cách ăn uống trong cung đình, vì Huế đã từng là thủ phủ của Đàng Trong từ thế kỷ XVII rồi trở thành kinh đô của cả nước từ thế kỷ XIX. Ngần nấy thế kỷ cũng đủ cho Huế trở thành một trung tâm chính trị và văn hóa, trong đó văn hóa ẩm thực giữ một vị trí quan trọng, mà những món ăn trong cung đình là sự chọn lựa tối ưu.