Đại tá, nhạc sĩ Đức Tùng - Người con ưu tú của Huế đẹp và kiên cường

08:53 27/05/2009
LÂM TÔ LỘCĐại tá - nhạc sĩ Đức Tùng, sinh năm 1926 tại Huế đẹp và thơ, đã mãi mãi xa quê: Ông mất ngày 25/01/2003. Ông viết ca khúc từ trước Cách mạng tháng Tám như Kỷ niệm ngày hè, Bên trời xa, Dòng Dịch thủy, Dưới ánh trăng mơ. Ông đã từng biểu diễn ca nhạc tại nhà hát Accueil, là cây Accordéon cầm chịch của ban nhạc gia đình ở phố Hàng Bè.

Đang học năm thứ hai ban tú tài, chàng trai xứ Huế này xếp bút nghiên, tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc. Là đội trưởng tự vệ chiến đấu, ông tham gia cướp chính quyền ở Huế (tháng 8 năm 1945). Người cùng thời với Nguyễn Văn Thương trong Liên đoàn văn hoá cứu quốc Huế, với một giọng nam cao (ténor) đẹp, ông hát vai "chiến sĩ" trong kịch hát "Ra đi vì nước" của nhạc sĩ này.

Năm 1946 ông vào Quảng Ngãi công tác tại phân ban thiểu số Tây Nam Trung Bộ, năm sau nhập ngũ, năm 1948 làm Phó Trưởng ban địch vận khu XV rồi làm bí thư ở Văn phòng Bộ Tư lệnh Liên khu V. Tham gia phái đoàn quân sự Liên khu V ra Việt Bắc công tác, năm 1950 ông được cử đi học pháo binh ở Trung Quốc. Về nước ông tham gia các chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Lại được cử sang Liên Xô (cũ) học tên lửa phòng không (1), ông về làm tham mưu trưởng rồi trung đoàn trưởng một số trung đoàn phòng không. Ít lâu sau, ông về làm giảng viên của Học viện Quốc phòng với quân hàm đại tá cho đến lúc nghỉ hưu. Trong cuộc đời hoạt động của mình ông được tặng nhiều huân chương: 3 huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba, 2 huân chương chiến công hạng ba, huân chương giải phóng hạng ba, huân chương chiến thắng hạng nhì, huân chương chống Mỹ hạng nhất và huân chương quân công hạng nhì. Huy chương thì nhiều. Tuy trên ngực đại tá Đức Tùng lấp lánh nhiều loại huân chương qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông vẫn cảm thấy tự hào về những đóng góp cho phong trào âm nhạc của Liên khu V thời kháng chiến chống Pháp.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ trong bức thư gửi Đại hội Đoàn kết kháng chiến của các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ họp tại Pleiku (1946) Đức Tùng viết ca khúc "Quân dân thiểu số kháng chiến". Bài hát tiếng Kinh được dịch ra tiếng Edê, Bana nên nhanh chóng được phổ biến.

Năm 1947 ông viết tiếp "Tây nguyên hành khúc" bài hát bừng bừng khí thế của những đoàn cán bộ dân, chính, đảng lên cao nguyên Tây Nam Trung Bộ công tác. Nó trở nên quen thuộc với các đơn vị chiến đấu ở Tây Nguyên, đi vào lòng cán bộ, bộ đội, tạo nên một sức mạnh như Nguyên Hà đã viết trong bài báo "Sức mạnh tinh thần của một bài ca". Bài hát được sử dụng trong phim "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc và được ca ngợi trên báo chí.

Trong hai năm 1948-1949 ông viết chùm ca khúc "Em Yuk", "Chu Ro", "Hận núi rừng". Sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung các ca khúc là truyền thống đấu tranh của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Hình thức đấu tranh của họ có thể khác nhau nhưng mục đích cuối cùng giống nhau: đó là trả thù nhà, đền nợ nước, giải phóng quê hương khỏi sự áp bức của bọn thực dân Pháp.

"Em Yuk", với ba lời ca theo lối kể chuyện (récitatif), gợi nhớ lại câu chuyện một em bé dân tộc Giẻ, vì giặc Pháp giết cha em, đã chờ thời cơ phục kích giết hai tên giặc Pháp bằng lựu đạn và em hy sinh. NSND Tường Vi, bằng nghệ thuật biểu diễn của mình, đã tạo cho bài hát này một sức mạnh truyền cảm.

Bài "Chu Ro" nói về một thủ lĩnh phong trào "nước vía" mượn các hình thức tín ngưỡng dân gian để che mắt bọn Pháp, hai cha con Chu Ro và Chu Hoi tổ chức những buổi hiến tế tại làng Đông Đor để tập hợp quần chúng. Hàng vạn người Thượng và Kinh đoàn kết chống Pháp. Công việc bại lộ. Chu Ro bị Pháp bắt giam vào nhà tù Lao Bảo. Thông qua lời nhân vật (Lệ Xuân viết lời của ca khúc này) Đức Tùng chia sẻ nỗi đau của một chiến sĩ cách mạng khi chí lớn chưa thành. Giai điệu phảng phất nỗi buồn uất hận của Chu Ro; chất bi hùng toát ra từ giai điệu và tiết tấu âm nhạc càng tăng sức gợi cảm của bài hát.

Ở ca khúc "Hận núi rừng" Đức Tùng phát hiện một Tây nguyên bị thực dân Pháp áp bức bóc lột, muốn vùng lên dưới ngọn cờ của Đảng. Hai mươi lăm năm sau, dự cảm của nhạc sĩ về một Tây Nguyên đồng khởi đã trở thành hiện thực.

Năm ca khúc nói trên về Tây Nguyên cho thấy bước tiến rõ rệt về nghệ thuật của Đức Tùng, từ phương pháp khai thác đề tài đến phương pháp thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc (chùm ca khúc "Em Yuk, "Chu Ro", "Hận núi rừng" đậm màu sắc dân tộc).

Ở Liên khu V vào nửa cuối thập kỷ 40 những cây bút viết về Tây Nguyên không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm, vì ở tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như Vân Đông, Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Ninh thiếu vắng nội dung âm nhạc này. Có thể nói những ca khúc sớm nhất về Tây Nguyên anh dũng trong kháng chiến chống Pháp là sáng tạo độc đáo của cố nhạc sĩ Đức Tùng - nguyên Chi đoàn trưởng Chi đoàn Nhạc sĩ khoá I Liên khu V (thuộc Chi hội văn nghệ Liên khu V).

Đức Tùng còn viết về lực lượng vũ trang. Bài "Sinh quân ca", viết năm 1948 theo yêu cầu của một trường huấn luyện quân sự, nhằm động viên tinh thần học tập để "rồi ra chiến chinh, non sông đang chờ chiến công huy hoàng". Vì dễ hát "Sinh quân ca" trở thành bài hát tập thể của sinh quân trong các sinh hoạt lớp.

Sau nhiều năm công tác ở binh chủng phòng không không quân, với những cương vị chỉ huy, đại tá Lê Đức Tùng viết bài "Đoàn Sóc Sơn" nói về một đơn vị anh hùng: Trung đoàn tên lửa phòng không 275. Mặc dù không lực Huê Kỳ dùng "thần sấm, con ma, không người lái thấp cao", cả "pháo đài bay, thần lực sĩ cũng tan thây" Đức Tùng đã khái quát những cuộc không chiến bằng hình tượng âm nhạc "Vút lên trời cao, tên lửa phòng không trung đoàn chúng ta xé bao tầng mây, diệt lũ cướp trời, bảo vệ vùng trời ta", "Đoàn Sóc Sơn" trở thành đoàn ca của đơn vị anh hùng ấy. Những ca khúc nói trên có sức sống nghệ thuật của chúng vì đáp ứng yêu cầu chính trị - tư tưởng của các đơn vị bộ đội.

Tác phẩm của Đức Tùng không chỉ có màu đỏ của lửa đấu tranh cách mạng mà còn có màu xanh của cuộc sống hoà bình ở những nơi non nước hữu tình. Cho dù có một thời ông không làm công tác âm nhạc mà trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận như các chiến sĩ, con người nghệ sĩ trong ông trỗi dậy trước những cảnh đẹp của đất nước với những ca khúc trữ tình.

Về bờ xe nước trên sông Trà Khúc - một thắng cảnh của Quảng Ngãi - có lẽ Đức Tùng là người đầu tiên viết nhạc và Vân Đông đặt lời I, Hạo Nhiên đặt lời II. Trên báo "Le Courrier du VietNam", Hạo Nhiên giới thiệu ca khúc này với bạn đọc nước ngoài. Theo cung Ré trưởng (D). "Bên xe nước" của Đức Tùng được dựng thành vũ khúc cho nữ sinh trường trung học phổ thông Lê Khiết và dùng làm khí nhạc của một số ban nhạc ở Liên khu V. Đức Tùng rất yêu thơ của Hạo Nhiên cũng như nhà thơ này rất yêu nhạc của Đức Tùng. Họ đã kết duyên nghệ thuật với nhau ở hai tình ca "Bên sông Sài Gòn” (1991) và "Chiều Huế tím" (1993).

"Bên sông Sài Gòn" thể hiện sự bồi hồi, xao xuyến của một chàng trai đang nhớ tới người yêu phương xa, ước mơ sẽ có ngày gặp lại. Tác giả viết ca khúc này tặng T.S - bạn đời của mình - khi ông đang công tác tại Sài Gòn. Cùng là những chàng trai xứ Huế, xa quê vì nhiệm vụ kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Đức Tùng và Hạo Nhiên nói đến một thoáng quê hương "Chiều Huế tím" giới thiệu một mối tình thầm lặng sâu kín mà không kém phần cháy bỏng "chưa dám một lần khẽ nói... một lần trao thư".

Trong chùm tình ca của Đức Tùng không thể không nhắc đến "Ánh mơ" theo lời thơ của Nguyễn Sanh. Nhà thơ ca ngợi những hoa tuyết trắng vì muốn nói đến "Tuyết", tên người yêu của mình. Đồng cảm sâu sắc với mối tình đẹp của một chiến sĩ đồng đội, Đức Tùng viết ca khúc này sau khi nghe bài thơ của Nguyễn Sanh.

Qua "Bên xe nước". "Bên sông Sài Gòn", "Chiều Huế tím", "Ánh mơ" người nghe cảm thấy nhạc của ông vẫn trẻ và có thể rung động được những trái tim đang yêu.

Toàn bộ ca khúc của nhạc sĩ người Huế này biểu lộ hai tính cách âm nhạc:
- Một Đức Tùng của những tráng ca rực lửa đấu tranh,
- Một Đức Tùng của những khúc hát lắng đọng tình đời

Cũng qua đó tác giả thể hiện quan điểm nghệ thuật của mình về tình ca. Những hình tượng âm nhạc trang nhã, thanh tao của ông vẫn có công chúng vì đó là nhu cầu văn hoá của những người thanh lịch.

Nhạc sĩ Đức Tùng - người con xứ Huế đẹp và thơ, đã mãi mãi đi xa nhưng nhạc phẩm của ông vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của những người cùng thời đã chiến đấu anh dũng trên chiến trường Liên khu V. Để tưởng nhớ một đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam suốt đời gắn bó với quân ngũ và ghi nhận những cống hiến về âm nhạc cho cuộc kháng chiến của Tây Nguyên anh dũng, nhà xuất bản Âm nhạc giới thiệu với bạn đọc tuyển tập "Tây Nguyên hành khúc" của cố nhạc sĩ Đức Tùng (2003) và một album CD.

L.T.L
(173/07-03)

---------------------                                                                   
(1) Ông là người Châu Á duy nhất được chọn vào dàn đồng ca của Liên Xô và được mời độc tấu guitare hawaienne tại Kiev (Ukraina)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Nhạc: ĐỨC TÙNG
    Thơ:   HẠO NHIÊN

  • Với mục đích bảo tồn những vốn quí mà cha ông để lại và đặc biệt là sau khi Nhã nhạc được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại thì Nhã nhạc đã được chú ý hơn, nhưng cái đáng quan tâm hơn hết là vấn đề đi tìm lại những ‘mảnh vỡ” của một số bài bản Nhã nhạc đang lưu lạc ngoài dân gian nhằm mục đích khôi phục để trả nó về với môi trường diễn xướng nguyên thủy là chốn cung đình xưa. Tác phẩm Nhã nhạc “Thái Bình Cổ Nhạc” cũng là một trong những “mảnh vỡ” vừa được lập hồ sơ khoa học và báo cáo. 

  • LÊ MAI PHƯƠNG  

    Tuồng, loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc manh nha hình thành từ thế kỷ XIII dưới thời Trần. Tuồng phát triển mạnh vào thế kỷ XVII -XVIII. Sang triều Nguyễn (thế kỷ XIX) Tuồng vẫn giữ vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa ở cung đình cũng như trong dân gian. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, Tuồng cũng mất đi môi trường diễn xướng, hiện nay đang có nguy cơ mai một dần.

  • HOÀNG TRỌNG CƯƠNG 

    Trong một số tài liệu về âm nhạc cung đình của những tác giả tiền bối, cây đàn bầu Việt Nam đã được dự đoán về niên đại ra đời của nó, về sự thăng trầm song hành cùng với chiều dài lịch sử dân tộc.

  • TRẦN VĂN KHÊ

    Từ 10 năm nay Nhã nhạc cung đình Huế được Unesco tôn vinh là một kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, là một danh hiệu rất lớn so với những danh hiệu sau này (Unesco đã bỏ chữ “kiệt tác” và thay thế chữ “của” bằng chữ “đại diện”), vì những lẽ đó mà việc bảo tồn và phát triển nhã nhạc Huế có phần khó khăn.

  • HÀN NHÃ LẠC

    Có lẽ hiện giờ ở Huế, không có ai cảm chơi ca Huế được như nhà văn Bửu Ý. Ông thường nói cái hay của ca Huế, nghe hay đến nhức xương. Và ngay từ khi vợ ông, cô Lợi còn sống, mỗi thứ bảy, gia đình ông lại tổ chức nghe ca Huế nhức xương một buổi.

  • Sau khi triều đình nhà Nguyễn cáo chung, âm nhạc cung đình cũng mất đi môi trường diễn xướng nguyên thủy, do đó loại hình nghệ thuật này đã theo chân các nghệ nhân cung đình lan tỏa về với dân gian, tác động vào nghệ thuật dân gian trên nhiều vùng văn hóa trong cả nước. 

  • TRỌNG BÌNH

    Nghệ thuật Múa Cung đình Huế mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông. Trong múa cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt, điển hình là các điệu: lục cúng hoa đăng, trình tường tập khánh, phụng vũ, tứ linh, vũ phiến, Lục triệt hoa mã đăng...

  • VÕ QUÊ

    Dân tộc Việt Nam do hoàn cảnh địa lý và các điều kiện khách quan khác đã có một nền văn hóa đa dạng, trong đó bộ môn Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều sắc thái, tinh hoa của nhiều vùng đất khác nhau.

  • (SHO) Ca sĩ Hà Thanh vừa mất lúc 7g27 đêm 1-1 (giờ địa phương, tức sáng 2-1 giờ VN) tại TP Boston, tiểu bang Massachusetts (Mỹ) sau thời gian mắc bệnh ung thư máu.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Văn Giảng, con người của những nốt nhạc mơ mộng chân nhiên nơi miền non nước Hương Bình đã dấn thân trong miền giao cảm của nước, của sông, của tiếng chuông chùa ngân vọng để viết nên những ca khúc bất hủ Ai về sông Tương, Đôi mắt huyền, Từ Đàm quê hương tôi... tô vẻ thêm cho tiếng lòng vùng đất Cố đô.

  • NGUYỄN VĂN DŨNG

    Ở Huế có câu hò nổi tiếng tới mức không người Huế nào không được nghe, không du khách nào không từng một lần thưởng thức:

  • NGUYỄN TẤN TÔN NỮ Ý NHI

    Theo dòng chảy của lịch sử, Ca Huế giờ đây không còn là sản phẩm phục vụ riêng cho một tầng lớp nhất định trong xã hội: giới quý tộc. Cùng với xu hướng xã hội hóa, hiện nay loại hình nghệ thuật này nghiễm nhiên gần gũi hơn với công chúng Huế nói riêng và du khách thập phương nói chung.

  • TRỌNG BÌNH - QUÝ CÁT  

    Nền âm nhạc cổ truyền nói chung và Âm nhạc cung đình Việt Nam nói riêng từ xa xưa đã có một kiểu chữ nhạc riêng dùng để ký âm, ghi chép thành văn bản tất cả các bài bản để lưu truyền qua nhiều thế hệ...

  • HỒ THẾ HÀ

    Năm con rồng Nhâm Thìn (2012), Mai Xuân Hòa tròn 82 tuổi đời và nếu tính từ ngày anh tham gia học lớp âm nhạc ngắn hạn đầu tiên năm 1956, trước khi chính thức học ở trường Âm nhạc Việt Nam (1958 - 1962) thì anh đã có 56 tuổi nghề âm nhạc.

  • DƯƠNG BÍCH HÀ

    Huế - theo dòng chảy của thời gian, đã trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử; âm nhạc Huế cũng không nằm ngoài “luồng” của dòng chảy đó.

  • MAI XUÂN HÒA (Thơ: Nguyễn Tất Thịnh)

    Phải chăng em là gió/ phải chăng em là mây/ Gió nghiêng chao nhè nhẹ/ mây bồng bềnh bay bay…

  • Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác Văn học Nghệ thuật hướng về thiên tai với chủ đề “Nguyện cầu cho nạn nhân động đất tại Nhật Bản”.

  • Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác Văn học Nghệ thuật hướng về thiên tai với chủ đề “Nguyện cầu cho nạn nhân động đất tại Nhật Bản” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

  • Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác Văn học Nghệ thuật hướng về thiên tai với chủ đề “Nguyện cầu cho nạn nhân động đất tại Nhật Bản” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.