Chút hồi ức về miền thơ ấu

09:59 23/11/2010
NGUYỄN THAM THIỆN KẾDo xê dịch ngẫu nhiên của số phận, tuổi thơ tôi lớn lên ở mường Cự Thắng, châu Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Mường Cự Thắng! Một thế giới của những mái nhà sàn thông thênh có thể tập xe đạp trên gác, bao quanh chân núi Sụ có bàn cờ Tiên bên dòng suối Cái xanh rêu mướt mát.

Cây hoa dây bướm. Trái đũm hương. Gai mây, gai mái, gai phù quân. Ruồi vàng, muỗi hổ u u bay rối, vắt lá nhảy bước tán cây. Ve sầu núi cánh mỏng lụa kêu inh inh trong nắng gắt cuối hè. Khói cơm lam, cá sáp nướng và canh rau rớn phơi tái nấu mẻ với cá trình mun trong gác Mường đã làm nên không ít thịt xương tôi.

Tuổi thơ tôi tha thủi bên những cối gạo nương thậm thịch đọc Alphonse Daudet, một trong món hành trang còn sót lại trong tay nải cha tôi. Nghe tiếng mõ trâu khua lốc cốc, ngỡ hẳn sắp có thiếu nữ Mường nào đó, chốc lát thôi sẽ bước từ trên đỉnh núi Sụ nắm tay tôi dắt lên mây trắng tơi tả quấn dọc sườn non cuối dãy Hoàng Liên Sơn, để nghe già Đông Chắt kể chuyện nhà Lang.

Già là ông nội người bạn Mường thủa thiếu thời của tôi.

Già gân guốc bất ngờ như khúc gỗ lũa mới moi lên từ đáy rừng già. Trầm tư và dứt khoát, già chiêu nước cây tiêu thực bằng bát lớn. Ngọn lửa đêm đông của củi sồi đen, than hồng, tro xám trắng vùi sắn nếp bở tung, khoai lang ngọt bùi rồi bung bỏng ngô, bỏng hạt cao lương bên dưới gác bếp treo chứa từng xâu nhái, từng xấp tên nỏ còn dính máu khô của mãng thú rừng già.

Tôi nhấm nháp sắn khoai trong nhấp nhổm lo sợ ảo giác rằng loạt mũi tên trên đầu kia bất ngờ cắm vào đâu đó thịt da mình. Lạ lùng bao nhiêu năm đã qua, trong tôi còn roi rói âm điệu chất giọng Mường cổ khê khê dấp dính sắc thái Kinh của già.

Nào là con gái nhà Lang xinh đẹp tắm suối Cái sợ đỉa bắt già cõng như thế nào. Nào là nhà Lang cho người phục kích cướp súng Tây ủng hộ Việt Minh ra sao. Hứng lên già còn hát Đúm hát Giang với người đàn bà tưởng tượng nào đó đang ngồi trước mặt. Giai điệu tha thiết lại khiến lòng tôi thê thảm, không đâu tự cất lên lời:

Lúa mường Trời.
Con gái mường Trời
Thơm đẹp như nhau
Sao không nhìn tôi đi
Sao không đạp lên tôi đi
Tôi cõng em một lần sang con suối nhỏ
Mà tôi phải địu em trên lưng cả đời.
Tình tôi đếm bằng từng ấy lá cây rừng Lưỡi Hái
Tình em đếm một ngón tay.
Con gái nhà Lang cành bạc quả vàng
Sao chỉ hé cho ta quả mòng quả ngọt.

Hay dưới bóng duối cổ kính nơi ngã ba con đường quốc lộ, cổ kính như lớp da mồi xếp nếp cổ áo nâu, già Đông Chắt loay hoay khề khà đánh vật với một khúc gỗ, một ống bương gốc, một thanh tre ngà, một mẩu cành gỗ mơ...

Qua giấc trưa và tàn những câu chuyện về nhà Lang thì trước mắt bọn trẻ chúng tôi, già Đông Chắt đang ngắm nghía cần cối gạo nương bằng gỗ táu mật vàng sậm hoặc gỗ nhãn rừng đỏ, một cánh nỏ, một nõ điếu hút thuốc lào, một mõ trâu đại đầy đủ ba hoặc dùi gỗ sến buộc dây xe bằng sợi nõn ngọn dây sắn dại.

Giơ cái vật vừa được chế tác ấy lên, già Đông Chắt thành kính.

- Ta đội ơn thần núi thần rừng đã giúp ta làm được một thứ này nữa. Thần rừng, thần núi cho vay hôm nay một, ngày mai ta sẽ trả thần núi thần rừng gấp mười.

Chúng tôi, đám trẻ người Kinh nửa tin nửa ngờ, còn thằng Lưu và đám bạn Mường thì mồm miệng há hốc tin. Trong lớp học vỡ lòng của thầy giáo Tựu, chúng tôi được dạy một cách ấu trĩ rằng không được tin bất cứ điều gì ngoài chủ nghĩa xã hội, ngoài những con chữ in trên giấy vàng vàng.

Những món đồ làm từ cây rừng, già Đông Chắt đem đổi trao tay cho ai đó trong chiềng (xóm Mường) hoặc mấy gia đình người Kinh mới lên xây dựng kinh tế nép loi thoi bên con đường lấy cút rượu sắn, bơ lạc hoặc mắm tép, mắm tôm và những gắp cá giếc, cá rô nướng quá lửa của bà Lừng hàng gồng ngoài Phù Lao đi rong vạ vật.

Mỗi ngày già chỉ làm một hai món có thể đắp đổi đủ dùng cho bản thân và đám cháu lít nhít chỉ rặt mắt, răng, và tóc. Dĩ nhiên, đôi khi tôi cũng được hưởng lộc rừng của ông.

Trước khi vào rừng, nếu phải tiểu tiện, đại tiện nơi cửa rừng, thì dứt khoát buổi rừng hôm ấy già Đông Chắt gác dao. Làm ô uế rừng, ông không dám vào rừng. Nhìn cánh rừng thiêng Đồi Giòng bị công nhân lâm trường 41 đốn hạ để trồng cây theo qui mô công nghiệp, già Đông Chắt xanh mặt.

- Chết thôi, vạn vật hữu sinh hữu linh hồn. Tàn sát cây rừng hàng loạt thế kia thì báo ân báo oán dài lâu lắm đấy!

Tôi không biết là rừng sẽ báo oán gì, chỉ ghê ghê sợ sợ.

Trong lúc Miếu Mường thờ thần rừng, đình Mường dưới Đồng Tế bị phá dỡ làm kho phân đạm, chặt một cây mít bị sâu không có quả, già Đông Chắt cũng phải bấm ngón tay lẩm bẩm tính ngày, tính tháng. Thắp hương, già quì mọp trước gốc cây bái lạy như một sự lẩn thẩn.

- Thưa ông mít. Ông thấy mặt trời trước tôi. Ông được cha ông cụ ông kỵ nhà tôi tạo tác nên. Suốt bao ngày qua tháng lại ông đã cho dòng họ tôi sự ngon sự ngọt của múi, sự bùi sự béo của hạt, đến cái vỏ gai cũng làm ngon miệng trâu miệng bò. Nay số ông đã tận, tôi hoá kiếp ông khỏi kiếp mít xó vườn cho trâu bò ỉa quanh gốc, ông làm kiếp cây thông cây tùng oai vệ thiêng liêng trên đỉnh Hoàng Liên. Kính lạy ông mít.

Hợp tác xã hoá, trâu bò hết nuôi tập trung rồi xé lẻ nuôi tận hộ, dù nuôi kiểu gì trâu bò miền đồng rừng khi chăn thả vẫn phải có mõ có chuông đeo để xua thú dữ, hay khi lạc bầy còn biết chỉ dẫn cho chủ lần rừng đến tìm.

Ai cũng đua nhau đến đặt già làm mõ cho trâu nhà mình. Nhưng già phải lựa chọn chán chê mới nhận lời một ai đó.

- Trâu bò hay con người cũng giống nhau cả. Không phải ai cũng có danh có tiếng được. Thứ trâu nái chươn không chửa không đẻ lần nào, chỉ rình chực ăn lúa non, bừa chưa đến góc bờ đã quay ngoắt, làm sao đeo cái mõ của ông làm được.

- Được! Con đực tơ nhà Đoán hôm nọ kéo củi biết ghìm dây thiếu (chạc) cứu chủ khỏi cây lăn ngang người. Già sẽ làm ngay một cái mõ đại xứng đáng cho nó.

- Thôi, con trâu già đầu đàn sắp phế canh khôn ngoan lắm, không cần mõ chuông gì cho tốn. Loại này chỉ trừ bị cảm hay rắn cắn chết mới chịu nằm lại trên rừng.

Những cái mõ làm từ một đốt gốc cây bương cái già mốc, mọc nơi chân núi đá. Đốt bương đẽo thành hình sơ qua tại chỗ khai thác, sau đó sấy khô cho ăn khói đủ ba năm trên gác bếp. Dùi gỗ cũng phải kén thứ gỗ sến lõi, sấy gác bếp cùng. Chọn ngày lợi khẩu, già mới đem ra bào nạo đánh bóng bằng sáp ong cho khỏi ngấm nước. Dây buộc bộ dùi và đeo mõ phải là thứ dây gai hoặc dây sắn dây chuốt nguyên tơ trắng xe chỉ, rồi chập đôi, rồi chập ba, chập tư tẩm sáp.

Khi mõ làm xong, kén ngày đại an, đích thân già buộc mõ vào cổ trâu và nói mấy câu như niệm chú:

Nhớ nhé vang vang vọng vọng...
Người ta cần nghe thì mày lên tiếng,
Đừng lên tiếng lung tung khi mày ở dưới sàn!
Cái mõ trâu bằng gốc bương già.
Nhưng mày không được nói tiếng bương,
Mày ca lên tiếng mõ
Mõ mà không kêu mõ
Trẻ con cũng không khiến mày làm củi sưởi
Mùi hôi trâu bò rối trí chiềng tao.

Rừng chiều, rừng trưa lốc cốc mõ trâu điểm nhịp. Hoa trẩu hoa mua nở thảng thốt mấy lòng thung.

Trâu bò nhà ai thiến hoạn bị dòi bọ, đều gọi già tới làm nèm. Lùi lùi tiến tiến trong khoảng bảy bước chân, già nhìn chừng chừng vào chỗ bị thương mưng tấy của con vật, miệng hô: “Chạy đi, chạy đi”! Tức thì lũ dòi cuốn lấy nhau thành cục trắng nhởn rơi bì bụp xuống đất. Thật chẳng thể nào tin nổi, quả là tôi đã chứng kiến già làm nèm không biết bao nhiêu lần ở xóm Sụ.

Mỗi cuối Thu, khi nước suối lắng mình trong veo, ấy là lúc báo mùa lũ rừng của một năm chấm hết. Thời khắc để già Đông Chắt bận rộn làm cối gạo nước cho chiềng trên xóm dưới thay thế những cái cối bị lũ Xuân Hè cuốn trôi.

Nhà tôi, xe đạp Thống Nhất và chiếc đài Ô-ri-on-ton như cái hòm khoá chuông - là hiện hữu của văn minh cơ khí đương đại. Mà tôi chỉ được phép sờ đến lốp, chứ cái đài đáng kính như cả toà lâu đài kia thì đừng có mơ, nên cỗ máy của văn minh tiền sử kia khiến tôi háo hức vô cùng.

Nước từ đôi ống bương trên bờ phai dốc vào bầu nước khiến cần cối nâng lên cao, nước từ bụng cần cối oà ra, cần cối hẫng hụt trọng lượng bổ nhào xuống nện chày vào miệng cối giã. C ô ô ng! Bụp! C ô ô ng! Bụp! Cái trình tự nâng lên hạ xuống nhịp nhàng trung tính, không mệt mỏi, không rộn ràng hết ngày tới đêm rồi một sớm mai mùi gạo nương mới thơm lừng gọi bướm vàng bướm trắng rắc hoa vàng hoa bạc khắp thung xanh.

Cối gạo nước theo nguyên tắc đòn bẩy, nếu bầu nước và phía mỏ cối chưa đủ nặng cần thiết để bập bênh, già Đông Chắt sẽ buộc thêm một hai cồ đá phiến vào một trong hai đầu cho thích hợp.

Nguyên việc chọn gỗ cho việc chế tác cối gạo nước, cũng khiến già Đông Chắt mỗi giấc trưa nằm khèo dưới gốc duối gáy pho pho kéo lan tận xế chiều. Gỗ dùng là cần cối phải là gỗ chò nâu, thứ cây chịu nước, thân thẳng, lúc mới đốn hạ còn tươi gỗ mềm sụt, dễ cho việc khoét bầu nước. Thanh tai cối, kén lõi thọ vàng hươm, dẻo, dai, chịu mài mòn kể cả lúc khô hay bị nước suối dâng trào. Gỗ làm chày hoặc thành ngạnh, vãy táp, nhãn rừng, sâng đá dùng nguyên lõi. Còn cối giã, chỉ cần tang gỗ trẹo ít nứt dập cong vênh, chịu va đập. Đôi ống dẫn nước thì chẳng cần cầu kỳ gì mấy, có thể chặt bất cứ khóm bương mọc ven suối Cái.

Ngày khai cối, cúng con gà con, nửa chai rượu và nắm xôi nóng lăn lòng cối. Già Đông Chắt tu rượu suông, còn xôi, gà con luộc lá chanh băm đều dúi cho đám chúng tôi mỗi đứa một miếng. Điềm nhiên nhận phần mình, vì chúng tôi biết phần của già sẽ là cối gạo nếp nương còn nguyên cả cám mà người chủ cối mang đến tận nhà già hậu tạ.

Bây giờ thì hạt lép như hạt mẩy
Bông uốn câu bông ngay cột cờ
Đều nằm gọn lỏn trong bụng mày không cựa quậy
Đều bị nhồi lên lộn xuống tùng phèo.
Mấy ngày mấy đêm dằng dặc
Vỏ trấu thì thành cám
Nõn nà thành gạo thơm
Ăn cơm thơm, mấy người biết gạo tắm mình trong cám trong rơm(*).

Cối gạo nước dựng dọc triền suối Cái, khe Trâm, khe Hẻm, có thể xa nhà, có thể gần nhà, mà chẳng ai lấy của ai. Khách lỡ độ đường có thể vốc một hai vốc ở mỗi cối, nấu bữa lót lòng độ nhật, thì cứ tự nhiên không ai lấy làm phiền.

Những đêm trăng sáng, tiếng cối gạo nước vọng xa vọng gần thứ thanh âm của chày gỗ của nước reo nghe buồn tênh, một nỗi buồn thanh bình yên ả, sao cứ khiến cho người nào đó vô tình để thấm vào ấn tượng, sẽ không bao giờ còn được tĩnh lặng mỗi khi nhìn về chân núi xa xanh đã phôi phai.

Đấy là người dưng, huống nữa là tôi, người đã hưởng những tinh cốt của miền thượng du ê hề phong vị dân gian. Thấm thoắt đã mất ba mươi năm. Tôi đi lính rồi xa luôn mường Cự Thắng một mạch. Ngày tôi về thăm chốn cũ, gốc duối xưa sét đánh chết đứng. Bạn xưa làm chân gác chợ. Mộ già Đông Chắt chôn bên cối gạo nước. Cối còn nguyên mà nước cạn dòng. Nước mắt tôi tưởng cũng cạn. Đã từ lâu, tôi như không còn khả năng khóc một điều gì, mà chiều Thu bỗng nhoà đi. Tại sao thế nhỉ? Già Đông Chắt đâu có họ hàng gì nhà tôi. Miền thơ ấu dân gian ru rín tuổi tôi. Miền thơ ấu dân gian in hằn hồn tôi vết bỏng của biết ơn. Trên mộ già Đông Chắt, theo tục lệ chia của của người Mường, ngoài vật dụng cần thiết, còn có chiếc mõ trâu. Cái mõ không còn dùi gỗ.

N.T.T.K
(SDB 10-2010)


---------------------------------
Những câu thơ in nghiêng là của tác giả






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGÔ MINH Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011)

  • NGUYỄN QUANG HÀ Kỷ niệm 20 năm thành lập đặc khu Côn Đảo (8.1991 - 8.2011) Thế hệ chúng tôi, thời tuổi trẻ, ai mà chẳng thuộc bài hát ca ngợi chị Võ Thị Sáu: “Mùa hoa Lêkima nở, ở quê ta miền Đất Đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho đời sau...”.

  • NGÔ VĂN MINH Bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là công việc quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Triều Nguyễn sau khi đã mở mang, hợp nhất địa giới hành chính trong toàn lãnh thổ đã có những quy định về việc bảo vệ chủ quyền, tránh các thế lực bên ngoài dòm ngó, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ chủ quyền đường biên giới và đường biển.

  • LÊ THỊ BÍCH HỒNG Ghi chép Đến hẹn lại lên cứ đến ngày 27/3 (âm lịch) hàng năm, mảnh đất Mèo Vạc - nơi “phên dậu” của Tổ quốc lại rạo rực không khí đón Lễ hội chợ tình Khâu Vai - phiên chợ tình nổi tiếng có một không hai ở nước ta, thậm chí còn độc đáo và hiếm có trên thế giới, mà từ lâu đã trở thành huyền thoại.

  • NGUYỄN MINH CHÂU Trong đời viết văn của tôi, các tác phẩm chính về truyện ngắn và tiểu thuyết đều viết về vùng đất Bình Trị Thiên.

  • NGUYỄN HOÀNG YẾNChiếc xe khách chạy chậm dần. Âm giọng đặt sệt miền Nam của gã phụ xe chợt vang lên “Đến ngã ba MaDaGui rồi… có ai xuống không” Kiểu nói oang oang của gã kèm với tiếng thắng xe rít nhè nhẹ đánh thức tôi ra khỏi vùng ký ức mơ hồ vừa nồng nàn ấm áp vừa gian khổ chua cay.

  • XUÂN ĐỨCLàng tôi cách thị trấn Hồ Xá không xa, người lớn đi bộ gần một giờ, còn trẻ con thì đủ sức níu lấy gióng mẹ mà chạy lon ton từ nhà lên chợ huyện.

  • KÊ SỬUGiá trị văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học, thẩm mỹ được lưu truyền bằng miệng, truyền nghề trình diễn và các hình thức lưu giữ khác.

  • NGÔ THIÊN THUPhước Yên một thời là thủ phủ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, con thứ sáu của Nguyễn Hoàng. Sau khi lên ngôi chúa ông cải tổ lại mọi công việc và được dân gọi là chúa Sãi. Sau khi Nguyễn Hoàng mất vào năm 1613, theo lời di huấn, ông ra sức củng cố sức mạnh cho mình bằng cách hoàn thiện bộ máy hành chính và quân sự... Năm 1626 ông dời phủ từ Dinh Cát vào đất Phước Yên để lập phủ mới. Mục đích chính cho việc chuyển phủ vào đây là để chuẩn bị thực lực chống quân Trịnh lâu dài.

  • VI THÙY LINHÔ tô xanh chạy triền đê thở cùng những đợt hôn ngạt thở. Không phải Hollywood mà hơn cả Hollywood, khi mỗi nhịp vô - lăng là một scène cuồng say nơi miền không chạm đất nơi miền không lên trời. Sông Thao đang chảy trong tình yêu của tôi.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế)Dọc một thời trai trẻ của những năm chín mươi, khi ấy đất nước bắt đầu đổi mới, tôi đi gần như khắp các làng quê xứ Huế từ biển khơi, đầm phá đến thẳm sâu rừng núi đại ngàn.

  • KÊ SỬU1. Đặc điểm đời sống của dân tộc Ta ôi

  • HIỀN QUANGCâu chuyện của tôi về vùng núi ven đường số 9, ngay trên thung lũng Khe Sanh lịch sử này chỉ xoay quanh con cá và cây cà phê trong hướng đi lên của hợp tác xã Tân Độ.

  • NGUYỄN VĂN VINHCuối năm 1953, Pháp thực hiện kế hoạch Na-Va, chúng tổ chức nhiều cuộc càn quét có quy mô đánh sâu vào vùng hậu cứ nước ta. Quân dân ta đánh trả quyết liệt. Pháp thua to, dẫn đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vị trí chiến lược quan trọng vào bậc nhất của giặc Pháp bị tiêu diệt.

  • HÀ LẬP NHÂNLần đầu tiên người Việt phát hiện ra những điều sâu kín nhất trong chính tâm hồn mình. Đó là tích truyện An Dương Vương quay lại chém chết con gái Mỵ Châu yêu quí của Người sau khi kinh đô Cổ Loa thất thủ. Vì vậy cho dù bản thân An Dương Vương không phải là một nhà tư tưởng, nhưng tích truyện về ông thì lại có một tầm tư tưởng thật sâu sắc.

  • NGUYỄN HỮU SƠN1. Trong trường kỳ lịch sử Việt Nam, danh nhân thiền sư Từ Đạo Hạnh (?- 1117) là một trong những hiện tượng văn hóa chứa đựng nhiều điều nghịch lý:

  • PHONG LÊTrên các chuyến tàu xuyên Việt, từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh tôi thường xiết bao bồi hồi khi qua mảnh đất miền Trung quê tôi - xứ nghèo Nghệ Tĩnh, khô khát nắng hạn và gió Lào.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊGọi là “một ngày”, nhưng có nhiều cách tính. Thông thường, đó là quãng thời gian từ sáng đến tối; với các công chức thì chỉ gọn trong “8 giờ vàng ngọc”.

  • TRẦN HOÀI... Chiều nay ra đứng trông về, bên ven bờ Hiền Lương mây lặng lờ trôi... Phải, đến bây giờ, sau hơn 40 năm kể từ ngày nhạc sỹ Hoàng Hiệp ôm cây đàn mãng- đô- lin hát bài hát đầu tay của mình mới sáng tác "Câu hò bên bến Hiền Lương" nổi tiếng, mây vẫn lặng lờ trôi.

  • NGUYỄN HỮU NHÀN                     Ghi chép Ngày nay đồng bào cả nước nô nức về Phú Thọ để tưởng niệm Vua Hùng. Theo sử sách cổ của Trung Hoa thì ông Vua Hùng chính là người Lạc Việt có nhiều pháp thuật, quyền năng phục được các bộ lạc, làm thủ lĩnh mà xưng là Hùng Vương (1).