Toàn cảnh Cổ Loa thành - Ảnh: nhovehanoi.com
Có lẽ không một người Việt Nam nào khi đọc câu truyện trên lại không tin vào “sự kiện” đó. Vì vậy việc đặt câu hỏi: Có thật như vậy không? sẽ trở nên thừa. Bởi vì vấn đề ở đây không phải là đi tìm để chứng minh hay bác bỏ một sự kiện lịch sử. Và nếu trong thực tế đã có một sự kiện lịch sử như vậy được chứng minh, thì có lẽ ý nghĩa của tích truyện sẽ bị thu hẹp đi nhiều, bởi lẽ trong trường hợp này, huyền thoại sâu sắc hơn và rộng lớn hơn một sự kiện. Một sự kiện lịch sử chỉ liên quan tới số phận của một con người cụ thể, dù đó là con người ở trên đỉnh cao của danh vọng, quyền lực, và đại diện cho cả một quốc gia như cha con An Dương Vương. Còn trong câu chuyện này, cái chết của Mỵ Châu đã trở thành ý chí của nhân dân - một nhân dân không bao giờ chịu khuất phục. Vì vậy, sự tồn tại ngắn ngủi của quốc gia Âu Lạc của Thục Phán, hay nói cách khác, thất bại đầu tiên của người Việt cần phải được lý giải. Và chính việc cố gắng lý giải ấy đã trở thành động thái người Việt nhìn lại bản thân mình.
Dù cho đó là cách nhìn muộn mằn của thời Lý, thời Trần, thời Lê hay có thể sớm hơn, ngay từ thời Bắc thuộc - và nhiều khả năng là như vậy - thì vẫn là Cổ Loa, chứ không phải bất cứ một kinh đô nào khác đã được lịch sử lựa chọn để làm công việc đó, bởi vì cái kinh đô bi tráng ấy đã có một số phận thật đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành nhà nước Việt cổ, kinh đô Cổ Loa đã trở thành giao điểm của mọi mối quan hệ mà kịch tính đã được đẩy lên tới đỉnh điểm. Cổ Loa đã trở thành biểu tượng của sự xung đột giữa Tình yêu và Quyền lực, giữa Mất và Còn, giữa Tình cảm và Lý trí, giữa Cha và Con, giữa Vợ và chồng, giữa Bạn và Thù, giữa Hợp và Tan, giữa Sáng và Tối, giữa Phút giây và Muôn thuở, giữa Thủy chung và Phản bội. Những mâu thuẫn ấy dường như không có bất cứ một lời giải nào ngoài cái chết, đổ vỡ, và mất mát. Nhưng với cái chết của Mỵ Châu, mọi mâu thuẫn đã được hóa giải. Những xung đột đã trở thành cái ầm ào trên bề mặt đại dương, còn lòng biển sâu hùng vĩ vẫn lặng như tờ. Với tích truyện Mỵ Châu, người Việt đã tìm thấy cái bản thể vĩ đại ẩn sâu sau mỗi sự kiện, cho dù tầm vóc của sự kiện có to lớn đến đâu. Lâu nay, không ít sử gia đã từng đặt câu hỏi: Nếu không có sự xâm lược của Phương Bắc thì quốc gia Âu Lạc đã phát triển theo đường hướng nào? Lịch sử thiên về việc giải thích các sự kiện bằng các qui luật, nên nó không nhìn nhận quá khứ theo cách giả định như vậy. Tuy nhiên có một thực tế là việc người Việt chuyển kinh đô từ Phong Châu xuống đất Cổ Loa là một bước tiến mang tính lịch sử lớn lao. Kinh đô Phong Châu dẫu là một thánh địa của người Việt cổ trong buổi đầu dựng nước, nhưng khi biển rút đi, một đồng bằng phì nhiêu trải rộng đến tận chân trời đang chờ được khai phá. Nếu trước đây Phong Châu là đầu mối giao thông thuận lợi, đặc biệt với các vùng sản xuất đồ đồng phát triển như quốc gia Điền thì đến thời An Dương Vương đồng không còn đóng vai trò quyết định nữa. Đồ sắt ra đời đã trở thành một ưu thế tuyệt đối so với đồ đồng. Trung tâm sản xuất sắt lúc này là vùng đất Trung Nguyên của đế quốc Tần Hán. Con đường vận chuyển, buôn bán sắt giờ đây là tuyến đường ven biển. Công cụ sắt ra đời thúc đẩy nông nghiệp phát triển vượt bậc. Cùng với nó là việc cải thiện các loại giống, kỹ thuật canh tác, tăng các vật nuôi, làm cho giá trị thặng dư nông nghiệp trở thành đầu bảng. Lúc đầu, vùng Lĩnh Nam và Âu Lạc đều nhập khẩu những thứ đó từ Trung Nguyên thông qua tuyến đường biển. Vì vậy so với Cổ Loa nằm giữa đồng bằng sông Hồng, Phong Châu đã trở thành nơi hẻo lánh. Những biến động chính trị tại khu vực này trở nên dồn dập hơn. Các bộ tộc tự trị cũng cảm thấy cần liên hợp lại với nhau để trở thành nhà nước. Những thiết chế bộ lạc không còn thích hợp cho một tình thế nóng bỏng nữa, mà nó cần phải được thay thế bằng một hình thức nhà nước có tổ chức cao hơn. Chính vì vậy, câu chuyện tranh giành ngôi báu giữa Hùng Vương và An Dương Vương, dù có xô sát, có đổ máu, nhưng vẫn được huyền thoại kể đến như một cuộc nhường ngôi nội bộ để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quyết liệt với ngoại nhân. Đó chính là cuộc đấu tranh một mất một còn giữa An Dương Vương và Triệu Đà, dù rằng cuộc hôn nhân Mỵ Châu- Trọng Thủy đã tưởng chừng gắn bó hai thế lực chính trị- nhà nước ấy lại với nhau để chống một kẻ thù chung còn to lớn hơn.
Như mọi người đều biết, trong các xã hội bộ lạc, hôn nhân là một hình thức trao đổi, mặc cả, và trên hết là một cam kết hình thành các liên minh quyền lực. Nhưng với trường hợp Triệu Đà và Thục Phán, giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy thì lại hoàn toàn khác. Ngay từ đầu, cuộc hôn nhân giữa đôi trai tài gái sắc đã là một âm mưu đánh cắp bí mật quân sự của đối phương, để loại trừ và thôn tính đối phương. Một bên quá mạnh và quá tin tưởng vào sức mạnh nỏ thần của mình nên đã thất bại, đó chính là An Dương Vương, biểu tượng của quyền lực trong sự đối đầu với một quyền lực khác là Triệu Đà. Đây là típ quan hệ đơn giản Còn- Mất. Nhưng cặp quan hệ Mỵ Châu- Trọng Thủy thì lại không hề đơn giản như vậy. Trong mối quan hệ này, Trọng Thủy mạnh vì một âm mưu đã được thực hiện quá trọn vẹn, dễ dàng. Mỵ Châu yếu vì đã quá dễ dàng để bị lừa dối. Nhưng kết cục Trọng Thủy vẫn phải bỏ lại tất cả để đi theo nàng, bằng cách gieo mình xuống giếng mà chết. Một kết cục thật có hậu, bởi vì My Châu chỉ trở thành ngọc trai quí sáng khi ngọc ấy được rửa bằng nước giếng Cổ Loa, nơi Trọng Thủy đã ký thác số phận mình. Cái chết ấy có phải là một trả giá cho lỗi lầm? Hay chỉ có như vậy thì tình yêu mới được bù đắp và trở nên trọn vẹn? Giếng Ngọc Cổ Loa đã trở thành biểu tượng của một mối hận tình, nó đã muôn đời gột rửa nỗi oan khuất cho nàng Mỵ Châu. Nhưng còn Thục Phán, một ông Vua sai lầm và một người cha sai lầm, ai sẽ gánh chịu tội lỗi cho ông? Với ông mọi sự không còn chỉ là huyền thoại nữa. Sử cũ ghi rằng: Khi nhà Tần đổ, Triệu Đà đã giết hết các trưởng lại do nhà Tần đặt ra rồi đưa thân thích lên thay, mưu lập nước riêng. Đà dùng kế đưa Trọng Thuỷ vào làm con tin tại triều đình Cổ Loa để phá lẫy nỏ thần của An Dương Vương, rồi tiến đánh nhà vua. Vua không biết lẫy nỏ đã mất, vẫn ngồi đánh cờ mà cười bảo rằng: “Đà không sợ nỏ thần của ta sao?” Khi Đà phá thành, vua đem nỏ ra bắn, nhưng không công hiệu. Rồi vua thua, đưa Mỵ Châu ngồi trên mình ngựa chạy về phía nam. Khi cùng đường, Thần Kim Qui nổi lên nói “Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy, sao không giết đi?”. Vua rút gươm chém Mỵ Châu, cầm sừng tê bước xuống biển rẽ nước mà đi. Tích truyện vua chém Mỵ Châu có lẽ không gây ấn tượng cho người nghe bằng câu hỏi của nhà vua: “Đà không sợ nỏ thần của ta sao?”. Câu hỏi ấy có một dư vị thật đặc biệt. Nó không hẳn là một lời tự đắc, không hẳn là một lời đe dọa, cũng không hẳn là một tin tưởng thái quá vào sức mạnh kỹ thuật của mình, cũng không hẳn là một sự ngờ vực nào đó. Nó có tất cả những cái đó. Nhưng nhà vua chỉ thiếu cái bản lĩnh mà Đà có thừa. Vì vậy cho dù cuộc chiến giữa An Dương Vương và Triệu Đà giống như một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai bộ lạc ngang sức, ngang tài, thì Triệu Đà vẫn là một cái gì đó nằm ngoài tầm hiểu biết của tư duy Việt. Ông ta không chỉ đại diện cho một sức mạnh quân sự, mà còn đại diện cho một cái gì khác thế, một thế lực hắc ám mà lần đầu tiên người Việt vấp phải. Đó chính là cái hắc ám của những mưu đồ khao khát thống trị lâu dài của một nền văn minh này với một nền văn minh khác, của một dân tộc này với một dân tộc khác. Nếu đằng sau Triệu Đà là cả một bề dày 2000 nghìn năm người Trung Hoa hợp tung, liên hoành, tách nhập, chinh phạt, âm mưu, giết chóc, biến tất cả thành phương tiện để đạt được quyền lực, và người ta đã tìm được hầu hết các chủ thuyết chính trị thích ứng với bất cứ tình huống nào của lịch sử, thì đằng sau An Dương Vương là một bầu trời huyền thoại, đầy chất bao dung, mơ mộng. Trong nước, người ta tôn trọng người hiền tài, với người ngoài đối xử như khách quí. Các cuộc va chạm bộ lạc dường như nặng chất nghĩa hiệp. Người ta phục tài nhau mà đi theo nhau. Và đôi khi cái tài đó cũng mơ hồ như một thứ gì xa lạ vậy. Cuộc đụng đầu giữa An Dương Vương và Triệu Đà là một cú va đập giữa hai vũ trụ quá chừng khác biệt bỗng rơi vào giao điểm của hai quĩ đạo đang tìm đường vận động, trong đó riêng An Dương Vương không hề được chuẩn bị. Cái bi kịch của nhà nước Âu Lạc là nó quá mới mẻ. Về phương diện nhà nước, chắc chắn An Dương Vương chưa tìm được cho mình một ý thức hệ nhất quán hay một chủ thuyết để làm chỗ dựa tinh thần. Di sản kinh nghiệm của các Vua Hùng trong trường hợp này không còn hữu dụng nữa., vì một tổ chức xã hội kiểu gia đình mở rộng thời bộ lạc không còn là một qui mô thích hợp trước một nhiệm vụ lịch sử nặng nề gấp bội. Giờ đây trên vai ông là cả một sứ mệnh. Ông đã gánh quốc gia từ huyền thoại đi thẳng vào lịch sử. Anh sáng êm dịu của quá khứ dường như đã cho An Dương Vương một lối nhìn khác vào hiện thực. Ông nhìn nó trong màu sắc huyền thoại. Vì vậy ông mới vừa đánh cờ vừa hỏi: “Đà không sợ nỏ thần của ta sao?”. Câu hỏi của ông có vẻ thừa, vì Đà đã thực sự sợ nỏ thần của ông. Chính vì biết sợ mà Đà đã vô hiệu hóa được nỏ thần của An Dương Vương. Trong cuộc đấu giữa ông và Đà, ông đã thua vì kẻ thù của ông đã biết dùng trí một cách hữu hiệu. Tích truyện về An Dương Vương là một kinh nghiệm tổ chức nhà nước, mà trong đó không đơn giản chỉ là vấn đề quân sự. Triệu Đà đã được rèn luyện để có thể tổ chức được một nhà nước hoàn chỉnh, còn An Dương Vương thì vẫn đang đi tìm một hình thức nhà nước thích hợp trong một hoàn cảnh lịch sử đã trở nên nóng bỏng. Tính bi tráng của tích truyện là ở chỗ cả An Dương Vương, Mỵ Châu lẫn Trọng Thủy đều rất chân thành. Mỗi người chân thành theo cách của mình. Mỵ Châu vì chân thành tin yêu chồng nên đã lầm lỗi. Trọng Thủy vì chân thành với sự nghiệp của cha mà lừa dối vợ. An Dương Vương chân thành với vương vị và cương thổ mà giết oan ái nữ. Kinh đô Cổ Loa trong bối cảnh ấy không khác gì một sân khấu với các nhân vật, các sự kiện đều ở điểm nút. Tích truyện đã xây dựng thành công một nàng Mỵ Châu tột cùng trong trắng, bởi cuộc đời nàng đã bị đặt vào một mê cung quyền lực không có lối ra. Trong bối cảnh ấy, cuộc đời nàng đã thăng hoa trở thành thuần túy tinh thần, trở về với cõi mênh mang vô định của bản thể. Vì vậy một vị vua phàm trần như Thục Phán không còn cách thức nào khác để thăm dò cái bản thể tinh thần ấy bằng cách chia tách, xé lẻ. Nói bằng một ngôn ngữ khác thì đó chính là phương pháp phân tích. Nhát gươm của Thục Phán giết con chính là nhát cắt vào một nguyên biểu tượng để quan sát nó và nhận thức nó. Vậy là một thời đại vụt qua như một tia chớp. Nó là ranh giới giữa bán khai và văn minh. Nó chẳng khác nào một trạng thái liễu ngộ chân lý để thoát ra khỏi đêm thẳm vô minh tiền sử. Kinh đô Cổ Loa chính là tia chớp của ý thức Việt. Nó rạch đôi bầu trời tình cảm và lý trí, hệt như lưỡi gươm đã cắt ngang cuộc đời trong trắng của nàng Mỵ Châu để dòng máu của nàng mãi mãi sinh sôi thành trai ngọc. Cổ Loa trở thành Kinh đô Bi tráng vì lần đầu tiên người Việt nếm trải thất bại trong tuổi trưởng thành. H.L.N (140/10-00) |
THÁI VŨ
Theo Đại Việt sử lược, nước Việt Nam ta xưa tên nước là Văn Lang, chính thức thành lập với các vua Hùng (696-682 trước TL), kinh đô đóng ở vùng tam giác sông Hồng, để thu phục các "bộ" vào các "bộ lạc" trên cả nước với một thể chế thống nhất.
HỮU THU - QUANG HÀ
Tùy bút
NGUYỄN VŨ TUẤN
NGUYỄN QUANG HÀ
Tôi đứng trên cầu Nam Đông nhìn ra bốn phía xung quanh, vẫn cảnh cũ người xưa.
HOÀNG PHƯỚC
Bút ký dự thi
Nội tổ của tôi ở đất Hiền Lương, một ngôi làng chuyên nông nhưng lại nổi tiếng với nghề rèn truyền thống của xứ Huế.
LÊ HÀ
Bút ký dự thi
Ka Lô, Sê Sáp là những bản miền núi thuộc huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, tiếp giáp với hai xã biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
NGUYỄN THỊ VIỆT HƯƠNG - TRẦN HỮU SƠN
Truyền thông rất quan trọng trong việc quản lý vận hành phát triển xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày nay, các thôn bản miền núi đang đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới thì truyền thông càng có ý nghĩa quyết định trong việc làm chuyển biến nhận thức, hành vi của người dân.
NGUYỄN THẾ
Ô Lâu là con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nằm ở phía tây hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
HẠ NGUYÊN
PHƯỚC AN
Vịnh Lăng Cô thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vịnh biển có bờ biển cát trắng phẳng lì dài hơn 10km, diện tích 42km2, được bao bọc xung quanh phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ và phía đông là đại dương bao la xanh thẳm.
ĐỖ MINH ĐIỀN
Quảng Trị thường được nhắc nhớ nhiều bởi đây là mảnh đất khô cằn, nắng gió khắc nghiệt. Trong quá khứ, Quảng Trị là địa bàn quần tụ đông đảo các lớp cư dân bản địa, là nơi đứng chân lập nghiệp của rất nhiều thế hệ lưu dân Việt trên bước đường khẩn hoang lập làng.
VÕ VINH QUANG
LGT: 3 văn bia liên quan đến họ Nguyễn Cửu - Vân Dương ở Vĩnh Nam - Vĩnh Linh - Quảng Trị. Tư liệu này do viên Hộ bộ Hữu thị lang sung biện Nội Các sự vụ Nguyễn Cửu Trường - một danh hiền xuất chúng, làm quan trải 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (thuộc chi phái Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp) viết về ông nội (Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương), bà nội (Thái Thị Bảo/Bửu), cha (Ngũ trưởng Nguyễn Cửu Hoan).
LÊ ANH TUẤN
1. Tết truyền thống và lễ hội ăn mừng lúa mới trên dãy Trường Sơn
NGUYÊN HƯƠNG
Khau Chang là một xã vùng cao thuộc huyện Bảo Lạc - tỉnh Cao Bằng, có đường giáp biên với Trung Quốc. Tình hình nhân chủng đa dạng cùng sự đặc sắc về văn hóa đã khiến Khau Chang trở thành nơi lưu giữ nhiều dấu ấn bản địa của Cao Bằng.
Cửa Lò (Nghệ An) được khai phá từ thế kỷ 15. Từ những làng chài nghèo ven biển, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất này đã trở thành đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước với những bãi tắm lý tưởng.
Những tòa nhà tráng lệ, trung tâm mua sắm sầm uất và các công trình đầy hứa hẹn tương lai… đã vẽ nên bức tranh về một thành phố vội vã chuyển mình. Nhưng còn có một Hà Nội dung dị, đời thường hơn. Chính những khía cạnh khác nhau ấy đã tạo nên nét riêng cho Hà Nội.
Ba Thắc cổ miếu ở Sóc Trăng là một cơ sở thờ tự của người Khmer Nam bộ. Nơi đây có nhiều huyền thoại linh thiêng được dân gian truyền miệng. Đặc biệt là những bộ xương người lộ thiên và chuyện kho báu dưới lòng đất.
VÕ TRIỀU SƠN
Hải môn ca là bài thơ lục bát bằng chữ Nôm, khuyết danh, phiên trích trong sách “Thông quốc duyên cách hải chữ”, bản chép tay của Viện Khảo cổ Sài Gòn (số ký hiệu VĐ4, tờ 37a-39a).
TA DƯR TƯ
Các dân tộc thiểu số anh em sống bên những dãy Trường Sơn hùng vĩ có rất nhiều nét văn hóa độc đáo và riêng biệt của từng dân tộc. Trong đó có nghệ thuật làm đẹp.
Ngày 25/1, tại Đền thờ Cao Lỗ, thôn Đại Trung, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức lễ khởi công gói thầu số 1 tu bổ, tôn tạo nhà Tiền tế, đền chính, nhà Tả vu, Hữu vu, miếu sơn thần, nghi môn, lầu hóa vàng và các hạng mục phụ trợ đền Cao Lỗ.