Biển Đông: Sợ hãi không đẩy lùi hiểm họa

14:08 09/06/2011
Có những tình huống mà im lặng không giúp ta tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì khiến người khác lầm tưởng im lặng là bạc nhược.

LTS: André Menras, một người Pháp đã có hộ chiếu và chứng minh thư Việt Nam với cái tên Hồ Cương Quyết. Hơn 40 năm trước, ông là một trong hai người Pháp đã dũng cảm phất cao cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trước toà nhà Quốc hội của chính quyền Sài Gòn và rải truyền đơn đòi độc lập, hoà bình cho VN vào năm 1970. Hành động này khiến ông bị bắt giam rồi bị trục xuất về nước. Trong tù với những người Cộng sản kiên trung, ông được đặt tên là Hồ Cương Quyết. Sau khi ra tù, ông đi khắp thế giới để tuyên truyền về cuộc chiến tranh mà Mỹ dính líu và sa lầy ở Việt Nam. Từ năm 2002 đến nay, ông sống ở Việt Nam và tham gia vận động quyên góp cho các chương trình hỗ trợ biển đảo Việt Nam.

Ông đã gửi tới Tuần Việt Nam bài viết bày tỏ góc nhìn riêng trước sự kiện tàu Bình Minh 02.

Thông tin trung thực cho dân

Có những tình huống mà im lặng không giúp ta tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì khiến người khác lầm tưởng im lặng là bạc nhược.

Phản ứng ngoại giao tất nhiên là cần thiết, nhưng không đủ để tranh thủ được sự đoàn kết quốc tế mà Việt Nam rất cần trong lúc này. Hơn ai hết, những người đã từng dựa vào sức mạnh của nhân dân để giải phóng và thống nhất đất nước hiểu giá trị của quyền tiếp cận thông tin và quyền được hành động của nhân dân.

Trung Quốc đã quyết đẩy mạnh cuộc tiến công ở Biển Đông. Đó là điều là nhãn tiền đối với cộng đồng quốc tế: Chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ!

Trung Quốc đã vi phạm mọi thỏa thuận mà họ đã ký kết: Chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ!

Hải quân Trung Quốc sách nhiễu, khủng bố ngư dân Trung Bộ trên những vùng biển mà họ đã đánh bắt từ đời cha ông họ: Chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ!

Hãy thông báo về số phận những đồng bào bị sách nhiễu, bắt giam, cướp bóc và phá sản trên Biển Đông, phổ biến thông tin trên khắp đất nước, đến mọi vùng sâu vùng xa.

Nói một cách ngắn gọn: Hãy thông tin trung thực cho dân!

Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam! Chúng ta không nên tự bằng lòng với những cuộc họp của các chuyên gia Việt Nam với các chuyên gia quốc tế để khẳng định điều ấy một cách âm thầm. Các hội nghị ấy đều quan trọng, nhưng chúng ta cần khẳng định chủ quyền ấy trong các trường học, trong các chương trình sử địa được dạy trên toàn quốc.

Tôi rất sửng sốt và nhói đau khi thấy trên đảo Lý Sơn, nơi xuất phát của những ngư dân vẫn kiên trì đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa và là hòn đảo đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc tranh đấu để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, con em của họ không biết gì về địa lý của những hải đảo, nơi mà cha anh của các em đã bị hải quân Trung Quốc bắt giữ...

Biết bao tấm bản đồ hành chính Việt Nam còn thiếu vắng đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ánh, những địa danh mang nặng nghĩa tình, vì tại đó tổ tiên của họ trong hải đội Hoàng Sa đã hy sinh!

Sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa

Tôi rất hiểu vị thế cực kỳ khó khăn và tế nhị của các nhà lãnh đạo Việt Nam với mong muốn tránh cho nhân dân mình, vốn đã trải qua bao đau thương trong suốt lịch sử dân tộc, lại phải gánh chịu những mất mát mới. Lịch sử Việt Nam đã không ít lần phải chứng kiến máu đổ: năm 1974, năm 1979, năm 1988...

Nhưng sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa. Nói như Đại tướng Lê Đức Anh: "Nếu SỢ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không SỢ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hòa khí".

Cụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu ở Lý Sơn, rất ý thức được điều ấy. "Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công", cụ nói.

Có những thời điểm phải biết đối mặt. Đó là vấn đề sống còn. Đối mặt trước hết là nói thật, và chỉ nói sự thật.

Ở Bình Châu và Lý Sơn, tôi đã phỏng vấn những ngư dân ngày ngày phải mạo hiểm tính mạng khi ra khơi. Họ kể rằng họ đã đụng phải những đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tới sát đảo, chỉ cách chừng 20 hải lý. Những đội đánh cá Trung Quốc tổ chức chặt chẽ, được sự yểm trợ của hải quân Trung Quốc. Còn ngư dân Việt Nam, họ đã ra khơi với cảm giác bất an. Và khi gặp họa, thì bị bắt, bị giam cầm, bị tịch thu cá mú và thiết bị, và những món nợ to lớn phải trả. Có người như ông Tiêu Viết Là, người xã Bình Châu, bốn lần bị Trung Quốc bắt giam.

Trợ cấp của nhà nước thì không thấm vào đâu. Phải bản lĩnh lắm mới dám tiếp tục đi khơi ra lộng trong tình hình như vậy!

Những người vợ góa của các ngư dân đã bị mất tích một cách bí hiểm ở khu vực Đá Bông Bay, một thứ "tam giác Bermuda " của Quần đảo Hoàng Sa, ngày nay sống đơn côi, cô độc, vì "vốn liếng" duy nhất của họ là người chồng. No đói là nhờ chồng.

Có chị thậm chí tiền không có để xây được một cái "mộ gió" cho chồng. Mùa mưa, không có tiền sửa lại mái dột trên căn nhà một gian trơ trọi. Tiền đâu cho con cái học thêm, mà việc học của con cái là tia hi vọng duy nhất cho phần đời còn lại của những góa phụ đau khổ đến tột cùng này.

Món tiền tượng trưng hai triệu đồng mà chính quyền cấp cho nơi này nơi khác không thay đổi được số phận của họ.

Phải lên tiếng, phải nói về họ!

Họ phải được hưởng một chương trình hỗ trợ chính thức của Nhà nước, một chương trình ưu tiên, và tối thiểu họ cũng phải được chu cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men. Con cái của họ phải được đến trường và chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Các cháu, các em phải được coi là nghĩa tử quốc gia. Bảo vệ các em và mẹ của các em là bảo vệ biển đảo, là bảo vệ đất nước một cách thiết thực và hữu hiệu nhất.

Trong bối cảnh ấy, không ai có quyền giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Quốc. Hãy nói chuyện "tàu lạ" với ngư dân Trung Bộ, họ sẽ sửa ngay thành "tàu Trung Quốc". Đối với họ chẳng có gì là "lạ" cả!

Nhiều bạn Việt Nam đã nói với tôi: "Trung Quốc khôn ngoan lắm". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực là "khôn ngoan" hay không? Leo thang tranh chấp, Trung Quốc đang tạo điều kiện cho các nước ASEAN, mà lợi ích của họ ở Biển Đông bị đe dọa, xích lại gần nhau.

Họ mở ra một trận tuyến mới, nghĩa là phải găm ở đây những nguồn lực, phải chuyển hướng một phần đầu tư cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế vào một cuộc phiêu lưu tốn kém mà chắc chắn sẽ làm họ sa lầy.

Đã qua rồi cái thời mà họ có thể ngang nhiên chiếm đoạt Hoàng Sa, ngang nhiên đánh chìm tàu tiếp vận của Việt Nam tại Bãi Gạc Ma. Trung Quốc đang phát triển mạnh, song chính sự phát triển ấy đang khoét sâu những mâu thuẫn nội tại, khuếch đại những bất bình đẳng xã hội. Không cần phải là nhà tiên tri cũng thấy được rằng khó khăn của Bắc Kinh đang còn trước mặt, chứ không phải đã ở sau lưng. Và đến lúc đó, họ sẽ phải trả lời.

Còn một bài học lịch sử nữa mà nhà cầm quyền Trung Quốc muốn quên - như thế không "khôn ngoan" tí nào. Đó là: về lâu dài, không thể làm nên điều gì khi họ đi ngược lại ý chí của các dân tộc khác, bởi vì sức mạnh thực sự nằm trong nhân dân, chứ không nằm trong họng súng, trong số lượng vũ khí.

Ở Lý Sơn, tôi có dịp tham dự một nghi thức rất có ý nghĩa, nói lên ý chí của người dân hải đảo: Khi một ngư dân mất tích vì bão biển hay vì lí do bí ẩn nào đó, gia đình nào có khả năng xây mộ và mời thầy cúng, thì tổ chức một cái lễ rất độc đáo, có lẽ có một không hai, để gọi hồn người đã khuất về nhập vào một hình nhân nặn bằng đất sét được phù phép. Hình nhân được an táng trong một cái mộ gọi là "mộ gió", để thân nhân có thể tới cúng viếng. Mê tín chăng? Có thế. Nhưng không chỉ có thế. Tôi nghĩ việc này có một ý nghĩa sâu sắc: phong tục mấy trăm năm này nói lên ý chí của những người sống, kiên quyết giành lại từ biển cả, từ kẻ địch cái gì quý nhất, mang về cho gia đình, cho đất nước. Đó là thông điệp rất rõ ràng gửi tới kẻ xâm lược: "Dù các người làm gì đi nữa, chúng tôi vẫn gắn bó với những người đi biển, gắn bó với biển, với nền văn hiến này, với đất nước này. Những điều ấy, không ai, không sức mạnh nào, có thể chiếm đoạt được".

                                                Theo André Menras Hồ Cương Quyết - TuanVietnam.net














Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Theo Bộ Công thương, ngoài hàng loạt các dự án mới bị đề nghị loại bỏ, đến nay vẫn có 340 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào vận hành hoặc đang trong quá trình đầu tư xây dựng.

  • Trên nóc một tòa nhà cao tầng ở thành phố T., người ta gắn lên đấy dòng chữ ngất nghểu, rõ to, gò bằng thép không rỉ, cách mấy cây số cũng nhìn thấy: Phân bón hữu nghị. Từ xưa đến nay chỉ nghe nói phân dùng để bón lúa, phân bón khoai sắn, và phân bón các loài cây khác… chưa nghe nói phân bón hữu nghị bao giờ. Chắc bón loại phân này, tình hữu nghị giữa các dân tộc tăng trưởng nhanh chăng? Loại phân bón hữu nghị có lẽ ngành ngoại giao đặt hàng?!

  • (SH) - Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nghề làm báo nhiều khi ăn nhau ở ý tưởng. Một sự kiện đã được hàng chục báo đưa đến nhàm, nhưng người viết sau vẫn có chỗ đứng nếu như có ý tưởng mới.

  • (SH) - Không khác nào một sự nghịch lý trớ trêu khi người tiêu dùng và dư luận cả nước lên tiếng yêu cầu đã lâu song vẫn chưa “được” cơ quan quản lý nhà nước và những doanh nghiệp kinh doanh công khai Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

  • QUANG PHONG

    Đóng và mở - hai vấn đề tưởng chừng như rất mâu thuẫn nhưng lại là quan điểm rất cần thiết phải được lưu tâm trong quy hoạch, phát triển đô thị Huế. Đóng - là để bảo tồn những giá trị của di sản trước sự xâm thực của làn sóng phát triển và mở - đó là vai trò lan tỏa, kết nối với các đô thị để bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững và có sức sống của đô thị sau này.

  • (SH) - Báo chí trong nước tuần này tiếp tục cảnh báo về sự khó khăn của ngành nông nghiệp, vốn được coi là “trụ cột của nền kinh tế” nước nhà. Khảo sát của Tiền Phong cho hay : Nông, thủy sản Trung Quốc ngập tràn chợ Việt.

  • (SH) - Dự án bauxite tỉ đô ở Tây Nguyên đã cho ra lò những mẻ sản phẩm đầu tiên song rất đáng băn khoăn và suy nghĩ khi đó lại chẳng phải là những “trái ngọt đầu mùa”.

  • (SH) - Từ chuyện ở Tây Nguyên có địa phương xây dựng đến hơn 500 nhà văn hóa cộng đồng với kinh phí hàng chục tỉ đồng nhưng thưa thớt cư dân vào sinh hoạt, phải đóng cửa im ỉm đến chuyện các làng thanh niên lập nghiệp rộng mênh mông nhưng hoang vắng đã cho thấy nhiều nơi đang ném tiền qua cửa sổ.

  • (SH) - Gần đây tại Thừa Thiên - Huế, dư luận bàn tán xôn xao về việc cô giáo Hoàng Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, thành phố Huế cho giáo viên làm đề thi của học sinh để kiểm tra chất lượng giáo viên ở trường.

  • Sau 56 ngày đêm chiến đấu, quân đội ta đã buộc hơn 10.000 quân Pháp phải đầu hàng, kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954). 

  • Thời gian gần đây, những bản nhạc rap tự sáng tác, tự chia sẻ của giới trẻ đang giành được nhiều sự quan tâm của công chúng bởi ngôn từ giản dị và ý nghĩa xã hội sâu sắc. 

  •  

    Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói như vậy khi hay tin Hiệp hội Vận tải đề xuất nên phá Đàn Xã Tắc để... xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát. 

  • 1. Những ngày qua, cư dân mạng truyền nhau clip hàng trăm học sinh một trường THPT tại TP.HCM đồng loạt xé đề cương ôn tập môn Lịch sử, rồi lên tầng 2 thả xuống trắng cả sân trường.

  • Nhà nước kêu gọi cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10% nhưng hầu hết các địa phương đều mạnh tay chi vượt dự toán. Tiền dành cho y tế, giáo dục dù ít ỏi nhưng lại xài không hết... Đó là những nghịch lý trong xài tiền ngân sách được chính các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong phiên họp mới đây.

  • 1.000 tỉ đồng. Đó là số tiền mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có thể phải đền bù cho chủ 12 dự án du lịch khi dừng xây dựng cảng Kê Gà ở tỉnh Bình Thuận.

  • 1. Mấy ngày nay, thông tin người đàn ông không tay không chân Nick Vujicic, đến Việt Nam trong tháng 5 làm nhiều người ngóng đợi.

  • Mỗi năm hàng nghìn trí thức trẻ du học theo các con đường khác nhau và không ai trả lời được câu hỏi: Bao nhiêu người trong số họ sẵn lòng trở về với những khó khăn về lương bổng, cơ hội và điều kiện làm việc?

  • Trong những giá trị minh triết và sách lược tinh túy của tiền nhân, trọng dụng nhân tài mãi là bài học cho muôn đời sau.

  • Dù được tôn vinh là “báu vật nhân văn sống” nhưng bà Hà Thị Cầu và nhiều nghệ nhân khác phải sống chật vật với nỗi lo "cơm áo".

  • SHO - Xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ hai năm trở lên. Cấm người chống tiêu cực phát tán thông tin trong kỳ thi. Chỉ được bày bán thịt bảo quản ở nhiệt độ thường trong vòng 8 giờ. Đó là những văn bản mang tên… "lú lẫn"!