Ám ảnh thời gian trong thơ Trương Đăng Dung

09:34 29/06/2010
HOÀNG THỊ QUỲNH ANHTrương Đăng Dung dạo vườn thơ khi mới ngoài 20 tuổi, lúc đang còn là một sinh viên du học ở nước ngoài. Năm 1978, ông đã trình làng bài thơ “Âm hưởng mùa hè” trên báo Văn nghệ. Nhưng rồi công việc nghiên cứu và dịch thuật văn học khiến ông neo thơ vào lòng, ấp ủ bấy lâu nay.

TS Trương Đăng Dung - Ảnh: vienvanhoc.org.vn

Chính ông cũng đã có lần bộc bạch: có lúc vài ba tháng, một năm hay hai năm làm một bài thơ. Vì thế, sau hơn 20 năm, thơ ông mới xuất hiện trên Tạp chí Sông Hương và gần đây là trên Tạp chí Thơ với những cảm xúc mới lạ, đầy tính triết lý.

Thơ ông viết ra đều như một thứ rượu quý được chưng cất. Và bây giờ rượu thơ ấy đã lên men. Say người.

Hầu hết các bài thơ của Trương Đăng Dung đều ngập bóng thời gian. Cái độc đáo và tinh tế của Trương Đăng Dung là cách cảm nhận thời gian. Với ông, thời gian đi trên những lối mòn không thể thấy. Thời gian ở trong máu, không lời/ ẩn mình trong khoé mắt, làn môi/ trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời/ về kiếp người ngắn ngủi. Thời gian được ông cảm nhận trùng với thân phận con người, với tình yêu, với cuộc sống. Vì thế, nỗi trăn trở, day dứt, tiếc nuối... là âm hưởng chủ đạo trong thơ Trương Đăng Dung. Điều này thể hiện rất rõ qua các bài thơ như: Trên đồi Vọng Cảnh, Anh chiếm chỗ bóng đêm, Anh không thấy thời gian trôi, Có một thời, Những kỉ niệm tưởng tượng, Vật chứng, Thành phố phía chân trời, Ảo ảnh, Có thể, Đêm ở Roma, Ghi chép hè 2009, Chân trời, Ánh sáng này...

Theo Trần Đình Sử(1), “thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai... Thời gian nghệ thuật là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người”. Nó là sản phẩm của sự lao động miệt mài, không ngưng nghỉ của nhà thơ. Thời gian trong thơ dung chứa những tâm tình của nhà thơ. Mỗi nhà thơ đều có một cách cảm nhận và tổ chức thời gian riêng. Trương Đăng Dung khai thác thời gian theo tư duy triết lý của mình.

Nhiều cách cảm nhận tất yếu nảy sinh nhiều kiểu thời gian. Thời gian trong thơ Trương Đăng Dung được phóng chiếu tự do, không theo chiều véc-tơ. Thời gian là nỗi xót xa khi răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa, là tình yêu đồng vọng với những giọt nước qua má, qua môi/ rơi xuống bàn tay nóng ấm hơi người, là những kí ức mà nhà thơ cảm thấy tôi không còn kí ức/ tôi không còn những bông hoa gạo bởi tất cả chỉ còn những giọt máu cuối trời tuổi thơ. Nỗi niềm đó ám ảnh hiện tại: Giọt nước của ngày xưa còn lại đến hôm nay. Nhà thơ hỏi dòng sông, hỏi núi, hỏi con người về hạnh phúc nhưng tất cả đều im lặng bởi ngày vẫn thế/ và mặt trời vẫn thế... Những dấu hỏi chạy trên đường/ lặng lẽ vô tình. Và nhà thơ thấy: Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc/ khi môi ta rời nhau/ hơi ấm đã thuộc về quá khứ. Rình, động từ được sử dụng rất sáng tạo khi diễn tả cái chủ động của thời gian. Thời gian luôn rình rập, kề cận trên những lối mòn không thể thấy. Nó đồng hiện quá khứ và hiện tại. Trong những khoảnh khắc hôn nhau, hơi ấm của tình yêu đã là hơi ấm của quá khứ. Thời gian không chờ ai, đợi ai và khước từ bất cứ ai. Chỉ có những tâm hồn tha thiết với cuộc sống mới cảm nhận được như thế. Có lúc nhà thơ bảo Anh không thấy thời gian trôi nhưng lại cảm nhận rất tinh tế từng thay đổi, từng bước chuyển của thời gian: Anh không thấy thời gian trôi/ chỉ thấy lòng ngày một tha thiết với trời xanh/sợi tóc rụng bàn tay nào giữ được/ mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành. Càng ý thức giá trị thời gian, Trương Đăng Dung càng ý thức mãnh liệt về sự tàn phai của tình yêu, của cuộc đời. Vì thế, nhà thơ gấp gáp hơn trước nhịp sống hối hả để lưu giữ, để hóa đá tình yêu muôn đời bằng sự cao thượng: anh chiếm chỗ bóng đêm/ anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông/ có tự ngàn đời/ để cho em rạng rỡ. Trương Đăng Dung còn muốn lưu giữ những kỉ niệm, những phút giây huyền diệu: em đừng xếp lại chăn/ em đừng chải tóc/ em đừng tô lại môi/ cứ để nguyên áo quần trên ghế/ cứ để nguyên hiện trạng căn phòng/ anh cần vật chứng/ trước thời gian. Nhưng thời gian như một chuyến tàu hối hả nên dẫu tôi thức với trái tim/ những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực/ không còn đủ sức/ chạy theo con tàu.

Bất kì một bài thơ hay nào cũng có biểu tượng. Biểu tượng có thể xuất hiện xuyên suốt bài thơ, một khổ thơ hay trong một câu thơ. Nguyễn Thái Hoà (2) cho rằng: “Biểu tượng văn học là những biểu tượng trong sáng tạo văn học tức là những hình ảnh, tín hiệu ngôn ngữ trong tác phẩm văn học có tính khái quát và phổ biến đến mức có khả năng gợi ra một hình ảnh khác hoặc một số phẩm chất, một số đặc trưng khác với đối tượng biểu hiện”. Nguyễn Vũ Tiềm (3) cũng định nghĩa tương tự: “Biểu tượng trong thơ là hình tượng có tầm khái quát rất rộng hàm chứa nhiều ý nghĩa tượng trưng, gây xúc động mạnh và để lại ấn tượng sâu sắc, có sức sống lâu bền. Văn chương càng đạt tới biểu tượng nhiều mặt, càng hay”. Như vậy, khai thác biểu tượng trong thơ là một việc làm cần thiết để khám phá các tầng nghĩa do nhà thơ đem lại.

Trong thơ Trương Đăng Dung, thời gian trở thành biểu tượng. Mỗi biểu tượng thời gian đều được cấp những tư tưởng nghệ thuật riêng. Trương Đăng Dung lựa chọn các hình ảnh mang tính biểu tượng thời gian như: dòng sông, đêm, chân trời, bức tường, ánh sáng... Trong bài Những bức tường, biểu tượng bức tường lan toả toàn bài. Bức tường mà nhà thơ nhìn thấy không phải là bức tường thuần tuý mà đó là bức tường vô hình, bức tường-thời gian. Bức tường vô hình ấy có mặt khắp nơi/ trong những lời vui đoàn tụ/ trong những lời buồn chia tay. Nó không chỉ là biểu tượng của sự ngăn cách mà còn là biểu tượng của sự trống rỗng, đơn độc: Giữa những cái bắt tay/ có một bức tường.../ giữa hai chiếc gối nằm kề nhau/ có một bức tường. Bức tường trở thành bức tường tượng trưng, siêu thực nên Phạm Ngọc Hiền (4) đã cho rằng: “Bài thơ giàu hình ảnh nhưng hơi khó hiểu bởi lẽ những hình ảnh này chỉ là những ký hiệu nghệ thuật cần phải được giải mã mới có thể hiểu được ẩn ý của tác giả. Từ ký hiệu ngôn từ đến thông điệp của tác giả có một bức tường ngăn cách. Chao ôi, trong đời sống và nghệ thuật có quá nhiều bức tường!...”.

Dòng sông trong thơ Trương Đăng Dung mang biểu tượng về thời gian - dòng đời. Dòng sông của hai mươi ba ngàn năm về trước chứng kiến bao hưng phế của những triều đại: sông chảy vô tư bên những lăng mộ im lìm/ những đền đài quạnh quẽ. Nó làm tôi nhớ đến Con sông mình hạc xương mai/ vàng son in bóng đền đài hoa khôi.../ con sông đám cưới Huyền Trân/ bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn trong bài thơ Huyền thoại sông, huyền thoại bóng của Nguyễn Trọng Tạo. Nếu con sông của Nguyễn Trọng Tạo ám ảnh bởi dáng vẻ huyền ảo thì dòng sông của Trương Đăng Dung lại rất đời thường: chảy từ phía chân trời/ đầy nắng, mưa và gió. Không chỉ vậy, Trương Đăng Dung còn thổi vào dòng sông những ý niệm về sự xa cách, chia lìa: Anh sợ đến một ngày dòng sông ngừng trôi/ đất khô cứng, những giọt buồn hoá đá/ anh sợ đến một ngày hồn anh từ cõi lạ/ trở về đây mà không có dòng sông. Vì vậy, dòng sông trong thơ Trương Đăng Dung từ hai mươi ba ngàn năm về trước đến bốn mươi sáu ngàn năm sau nữa trở thành biểu tượng của dòng đời, của con người.

Các nhà trường phái hình thức Nga rất đề cao đến tính lạ hoá trong thơ ca. Lạ hoá làm cho thơ ca độc đáo, không lặp lại. Huỳnh Như Phương (5) lý giải quan niệm lạ hoá: “Lạ hoá là một cách phản ứng lại áp lực của thói quen. Bằng cách rứt đối tượng ra khỏi bối cảnh quen thuộc của nó, bằng cách đặt cạnh nhau những khái niệm khác hẳn nhau, nhà văn xoá bỏ những sáo ngữ và hiệu ứng nhàm cũ để giúp người đọc nhận thức sâu sắc về sự vật và cơ chế cảm giác của nó... Lạ hoá kháng cự lại không chỉ sự tự động hoá của nhận thức con người về đời thực mà cả sự tự động hóa của ngôn từ và thủ pháp trong văn học”. Trương Đăng Dung đã làm được điều đó. Ông không hoàn toàn xây dựng những biểu tượng mang tính chất thời gian thuần tuý mà còn đưa những biểu tượng đó vào trò chơi trùng phức, nghĩa là biểu tượng vừa có sự di động giữa không gian và thời gian. Sự di động vị trí này khiến thơ thêm chiều sâu, giàu chất triết lý.

Đêm là biểu tượng cho bóng tối, cho sự chết chóc của những bóng ma vất vưởng/ những khán đài âm u, cho số phận tăm tối của những bóng ma thọt chân, lang thang. Nhưng đêm trong thơ Trương Đăng Dung lại là một biểu tượng trùng phức. Đêm không chỉ là đêm - thời gian mà nó còn là đêm - không gian. Đêm ấy là đêm - thời gian khi:

Anh nghe bóng đêm tan trên cơ thể em
bóng đêm chạy trốn
Những khoảnh khắc trước lúc nửa đêm
những đường cong như sóng vươn về phía trước
hơi thở như gió
đắm say và gấp gáp

Nhưng sang khổ ba, khổ bốn, đêm - thời gian lại trở thành đêm - không gian khi:

Anh chiếm chỗ bóng đêm
anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông
có từ ngàn đời
để cho em rạng rỡ

Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa
để kéo dài sự sống?
anh vẫn muốn bị lừa
để chiếm chỗ bóng đêm
để có em vĩnh viễn!
                        (Anh chiếm chỗ bóng đêm)

Theo Schopenhauer - một triết gia Đức, cuộc sống là sự lừa gạt triền miên, vô hạn. Hay nói cách khác, sự sống là đầy những đau khổ, là sự chết được phanh lại. Vì thế, con người không thể hạnh phúc trong sự thoả mãn hữu hạn. Nhưng trong cái chóng vánh của cuộc sống, Trương Đăng Dung vẫn tìm được hạnh phúc chứ không đơn thuần chỉ là sự tiếc nuối, khổ đau. Ông cảm nhận được hạnh phúc trong cái hữu hạn ấy. Chính cái hữu hạn ấy là khoảnh khắc, là không gian đẹp nhất. Không - thời gian biến tấu trong bài thơ cũng là biến tấu cõi lòng ông. Vừa muốn làm chủ cuộc sống, vừa muốn tận hưởng không gian của tình yêu. Bởi, chỉ có con người mới hiểu được, nắm bắt được sự tồn tại của bản thân và của thế giới.

Trương Đăng Dung còn đưa vào thơ mình biểu tượng thời gian phi lý. Đó là kỉ niệm mà tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054. Để xây dựng biểu tượng kỉ niệm (kỉ niệm tưởng tượng) này, nhà thơ đặt trong một cấu trúc mảnh vỡ, lắp ghép. Vì vậy, những kỉ niệm ấy càng rời rạc, phi lý. Nhưng chính cái phi lý ấy là sự cảnh tỉnh cho con người trước một cuộc sống đầy bề bộn, ngổn ngang. Mượn thời gian phi lý để chuyển tải cái phi lý của cuộc sống thật tài tình. Chính Đỗ Quyên đã nhận xét về bài thơ Những kỉ niệm tưởng tượng (Trương Đăng Dung viết cách đây 26 năm) trong bài viết Tái ám ảnh về một bài thơ ám ảnh (6) rất tinh tế: “Phi lý thời gian khiến độc giả bị choáng ngay ở câu đầu (Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054) cho tới câu tôi với anh, rồi ngày ta sinh...! Bạn có thể hỏi: Cái “ông Tây” Hollo Andras nào kia chắc cùng thời vua Lý Thái Tông nhà mình, sao lại đi đánh bạn với “tay nhà thơ” Trương Đăng Dung này? Hay lỗi nhà báo in sai - 1954? Đọc tới câu giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn đặt gần đoạn kết, ta càng thấy Trương quân có nghênh ngang thật đấy nhưng đến là khôn và khéo”. Nhờ sáng tạo thời gian phi lý, không thực nên Trương Đăng Dung mới thành công khi liệt kê các hình ảnh huyền ảo. Thời gian phi lý, chuyện phi lý vậy mà thực đến đau lòng:

Cùng nhau thấy những đám tang không có hòm
chân người chết thò ra khỏi chiếu
cùng nhau thấy những người mẹ bị thương ruột lòi ra
vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn
và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo
bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi...
                                    (Những kỉ niệm tưởng tượng)

Khi xã hội đầy rẫy những cái phi lý thì việc con người nghe hát dân ca lòng ta mệt mỏi... nghe lá vàng rơi lòng ta không xào xạc... đứng trước tổ chim lòng ta đầy mưu toan độc ác tất yếu phải xảy ra:

Bom nổ ở một Thánh đường Hồi giáo
máu người nhuộm đỏ sách Kinh
bom nổ ở một chợ Bagdad
thịt người trộn vào rau quả
những người đàn bà choàng khăn đen lăn lộn
không thấy kẻ gây tội ác
chỉ thấy nạn nhân
và người ngồi xem nỗi đau qua màn ảnh nhỏ.

                                    (Ghi chép hè 2009)

Vì vậy, Trương Đăng Dung đau lòng thốt lên: Điều kì lạ vẫn là thế giới/ Tôi lặng nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ. Chỉ có đôi mắt và tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ, với sự ngạc nhiên lạ lẫm mới giúp con người thánh thiện trước cõi người trắng đen lẫn lộn.

Như vậy, cảm thức thời gian trong thơ Trương Đăng Dung trở thành nguồn mạch của sự sáng tạo. Ám ảnh bởi thời gian nên hầu hết những bài thơ của Trương Đăng Dung đều có giọng điệu buồn, trầm lắng. Thơ Hoàng Vũ Thuật buồn khi trải ra với thân phận, với cái tôi đầy mâu thuẫn, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ buồn với những nỗi niềm đời thường... Thơ Trương Đăng Dung cũng buồn. Nhưng cái buồn lại nảy sinh từ những suy ngẫm về thời gian. Từ những suy ngẫm ấy, nhà thơ nâng lên thành triết lý. Mai Thị Liên Giang (7) đã nhận xét thơ Trương Đăng Dung rất tinh tế trong bài Thi sĩ và những điều có thể: “Đó là sự lặng lẽ của một tâm hồn, của một con người nặng lòng với ký ức, nặng lòng với những duyên nợ nhân gian. Lặng lẽ để chuẩn bị cho những đợt sóng ngầm dữ dội của dòng sông không biết trôi về đâu. Lặng lẽ và kiếp người”.

Trương Đăng Dung đã chọn cho mình một con đường “độc đạo”. Số lượng bài viết không nhiều nhưng quý và đắt là vì thế.

H.T.Q.A
(256/6-10)


--------------------------
(1)
Tuyển tập Trần Đình Sử (tập 2), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
(2)
Từ điển tu từ - Phong cách - Thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.
(3)
Đi tìm mật mã thơ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006.
(4) http://phamngochien.com/view/
(5)
Trường phái hình thức Nga, NXB Đại học Quốc gia, TP Hồ Chí Minh, 2007.
(6) http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?
(7) http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=35883





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI DOÃN HIỂUPhàm trần chưa rõ vàng thauChân tâm chẳng biết ở đâu mà tìm.                                VẠN HẠNH Thiền sư

  • HỒ THẾ HÀ  Thi ca là một loại hình nghệ thuật ngôn từ đặc biệt. Nó là điển hình của cảm xúc và tâm trạng được chứa đựng bởi một hình thức - “hình thức mang tính quan niệm” cũng rất đặc biệt. Sự “quái đản” trong sử dụng ngôn từ; sự chuyển nghĩa, tạo sinh nghĩa trong việc sử dụng các biện pháp tu từ; sự trừu tượng hoá, khái quát hoá các trạng thái tình cảm, hiện thực và khát vọng sống của con người; sự hữu hình hoá hoặc vô hình hoá các cảm xúc, đối tượng; sự âm thanh hoá theo quy luật của khoa phát âm thực nghiệm học (phonétique  expérimentale)...đã làm cho thi ca có sức quyến rũ bội phần (multiple) so với các thể loại nghệ thuật ngôn từ khác.

  • LÊ XUÂN LÍTHỏi: Mã Giám Sinh sau khi mua được Kiều, Mã phải đưa Kiều đi ròng rã một tháng tròn mới đến Lâm Tri, nơi Tú Bà đang chờ đợi. Trên đường, Mã đâm thèm muốn chuyện “nước trước bẻ hoa”. Hắn nghĩ ra đủ mưu mẹo, lí lẽ và hắn đâm liều, Nguyễn Du viết:              Đào tiên đã bén tay phàm              Thì vin cành quít, cho cam sự đờiĐào tiên ở đây là quả cây đào. Sao câu dưới lại vin cành quít? Nguyễn Du có lẩm cẩm không?

  • CHU ĐÌNH KIÊN1. Có những tác phẩm người đọc phải thực sự “vật lộn” trên từng trang giấy, mới có thể hiểu được nhà văn muốn nói điều gì. Đó là hiện tượng “Những kẻ thiện tâm” (Les Bienveillantes) của Jonathan Littell. Một “cas” được xem là quá khó đọc. Tác phẩm đã đạt hai giải thưởng danh giá của nước Pháp là: giải Goncourt và giải thưởng của Viện hàn lâm Pháp.

  • PHONG LÊSinh năm 1893, Ngô Tất Tố rõ ràng là bậc tiền bối của số rất lớn, nếu không nói là tất cả những người làm nên diện mạo hiện đại của văn học Việt Nam thời 1932-1945. Tất cả - gồm những gương mặt tiêu biểu trong phong trào Thơ mới, Tự Lực văn đoàn và trào lưu hiện thực đều ra đời sau ông từ 10 đến 20 năm, thậm chí ngót 30 năm.

  • HẢI TRUNGHiện tượng ngôn ngữ lai tạp hay gọi nôm na là tiếng bồi, tiếng lơ lớ (Pidgins và Creoles) được ngành ngôn ngữ học đề cập đến với những đặc trưng gắn liền với xã hội. Nguồn gốc ra đời của loại hình ngôn ngữ này có nhiều nét khác biệt so với ngôn ngữ nói chung. Đây không chỉ là một hiện tượng cá thể của một cộng đồng ngôn ngữ nào, mà nó có thể phát sinh gắn liền với những diễn biến, những thay đổi, sự phát triển của lịch sử, xã hội của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia khác nhau.

  • BÙI NGỌC TẤN... Đã bao nhiêu cuộc hội thảo, bao nhiêu cuộc tổng kết, bao nhiêu cuộc thi cùng với bao nhiêu giải thưởng, văn chương của chúng ta, đặc biệt là tiểu thuyết vẫn chẳng tiến lên. Rất nhiều tiền của bỏ ra, rất nhiều trí tuệ công sức đã được đầu tư để rồi không đạt được điều mong muốn. Không có được những sáng tác hay, những tác phẩm chịu được thử thách của thời gian. Sự thất thu này đều đã được tiêu liệu.

  • NGUYỄN HUỆ CHICao Bá Quát là một tài thơ trác việt ở nửa đầu thế kỷ XIX. Thơ ông có những cách tân nghệ thuật táo bạo, không còn là loại thơ “kỷ sự” của thế kỷ XVIII mà đã chuyển sang một giọng điệu mới, kết hợp tự sự với độc thoại, cho nên lời thơ hàm súc, đa nghĩa, và mạch thơ hướng tới những đề tài có ý nghĩa xã hội sâu rộng.

  • NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNĐã nhiều sử liệu viết về cuộc xử án vua Duy Tân và các lãnh tụ khởi xướng cuộc khởi nghĩa bất thành tháng 5-1916, mà trong đó hai chí sĩ Thái Phiên - Trần Cao Vân là hai vị đứng đầu. Tất cả các sử liệu đều cho rằng, việc hành hình đối với Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu diễn ra vào sáng ngày 17-5-1916. Ngay cả trong họ tộc hai nhà chí sĩ, việc ghi nhớ để cúng kỵ, hoặc tổ chức kỷ niệm cũng được tính theo ngày như thế.

  • PHONG LÊBây giờ, sau 60 năm - với bao là biến động, phát triển theo gia tốc lớn của lịch sử trong thế kỷ XX - từ một nước còn bị nô lệ, rên xiết dưới hai tầng xiềng xích Pháp-Nhật đã vùng dậy làm một cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, rồi tiến hành hai cuộc kháng chiến trong suốt 30 năm, đi tới thống nhất và phát triển đất nước theo định hướng mới của chủ nghĩa xã hội, và đang triển khai một cuộc hội nhập lớn với nhân loại; - bây giờ, sau bao biến thiên ấy mà nhìn lại Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943(1), quả không khó khăn, thậm chí là dễ thấy những mặt bất cập của Đề cương... trong nhìn nhận và đánh giá lịch sử dân tộc và văn hoá dân tộc, từ quá khứ đến hiện tại (ở thời điểm 1943); và nhìn rộng ra thế giới, trong cục diện sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại; và gắn với nó, văn hoá, văn chương - học thuật cũng đang chuyển sang giai đoạn Hiện đại và Hậu hiện đại...

  • TƯƠNG LAITrung thực là phẩm chất hàng đầu của một người dám tự nhận mình là nhà khoa học. Mà thật ra, đâu chỉ nhà khoa học mới cần đến phẩm chất ấy, nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà văn hoá... và bất cứ là "nhà" gì đi chăng nữa, trước hết phải là một con người biết tự trọng để không làm những việc khuất tất, không nói dối để cho mình phải hổ thẹn với chính mình. Đấy là trường hợp được vận dụng cho những người chưa bị đứt "dây thần kinh xấu hổ", chứ khi đã đứt mất cái đó rồi, thì sự cắn rứt lương tâm cũng không còn, lấy đâu ra sự tự phản tỉnh để mà còn biết xấu hổ. Mà trò đời, "đã trót thì phải trét", đã nói dối thì rồi cứ phải nói dối quanh, vì "dại rồi còn biết khôn làm sao đây".

  • MÃ GIANG LÂNVăn học tồn tại được nhiều khi phụ thuộc vào độc giả. Độc giả tiếp nhận tác phẩm như thế nào? Tiếp nhận và truyền đạt cho người khác. Có khi tiếp nhận rồi nhưng lại rất khó truyền đạt. Trường hợp này thường diễn ra với tác phẩm thơ. Thực ra tiếp nhận là một quá trình. Mỗi lần đọc là một lần tiếp nhận, phát hiện.

  • HÀ VĂN LƯỠNGTrong dòng chảy của văn học Nga thế kỷ XX, bộ phận văn học Nga ở hải ngoại chiếm một vị trí nhất định, tạo nên sự thống nhất, đa dạng của thế kỷ văn học này (bao gồm các mảng: văn học đầu thế kỷ, văn học thời kỳ Xô Viết, văn học Nga ở hải ngoại và văn học Nga hậu Xô Viết). Nhưng việc nhận chân những giá trị của mảng văn học này với tư cách là một bộ phận của văn học Nga thế kỷ XX thì dường như diễn ra quá chậm (mãi đến những thập niên 70, 80 trở đi của thế kỷ XX) và phức tạp, thậm chí có ý kiến đối lập nhau.

  • TRẦN THANH MẠILTS: Nhà văn Trần Thanh Mại (1908-1965) là người con xứ Huế. Tên ông đã được đặt cho một con đường ở đây và một con đường ở thành phố Hồ Chí Minh. Trần Thanh Mại toàn tập (ba tập) cũng đã được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2004.Vừa rồi, nhà văn Hồng Diệu, trong dịp vào thành phố Hồ Chí Minh dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Trần Thanh Mại, đã tìm thấy trang di cảo lưu tại gia đình. Bài nghiên cứu dưới đây, do chính nhà văn Trần Thanh Mại viết tay, có nhiều chỗ cắt dán, thêm bớt, hoặc mờ. Nhà văn Hồng Diệu đã khôi phục lại bài viết, và gửi cho Sông Hương. Chúng tôi xin cám ơn nhà văn Hồng Diệu và trân trọng giới thiệu bài này cùng bạn đọc.S.H

  • TRẦN HUYỀN SÂMLý luận văn học và phê bình văn học là những khái niệm đã được xác định. Đó là hai thuật ngữ chỉ hai phân môn trong Khoa nghiên cứu văn học. Mỗi khi khái niệm đã được xác định, tức là chúng đã có đặc trưng riêng, phạm trù riêng. Và vì thế, mục đích và ý nghĩa của nó cũng rất riêng.

  • TRẦN THÁI HỌCCó lẽ chưa bao giờ các vấn đề cơ bản của lý luận văn nghệ lại được đưa lên diễn đàn một cách công khai và dân chủ như khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Vấn đề tuyên truyền trong nghệ thuật tuy chưa nêu thành một mục riêng để thảo luận, nhưng ở nhiều bài viết và hội nghị, chúng ta thấy vẫn thường được nhắc tới.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO...Một câu ngạn ngữ Pháp nói rằng: “Khen đúng là bạn, chê đúng là thầy”. Câu ngạn ngữ này đúng trong mọi trường hợp, và riêng với văn học, Hoài Thanh còn vận thêm rằng: “Khen đúng là bạn của nhà văn, chê đúng là thầy của nhà văn”...

  • BẢO CHI                 (lược thuật)Từ chiều 13 đến chiều 15-8-2003, Hội nghị Lý luận – Phê bình văn học (LL-PBVH) toàn quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại khu nghỉ mát Tam Đảo có độ cao 1.000 mét và nhiệt độ lý tưởng 23oc. Đây là hội nghị nhìn lại công tác LL-PBVH 28 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất và sau 54 năm Hội nghị tranh luận Văn nghệ tại Việt Bắc (1949). Gần 200 nhà LL-PB, nhà văn, nhà thơ, nhà báo và khách mời họp mặt ở đây đã làm nóng lên chút đỉnh không khí ôn hoà của xứ lạnh triền miên...

  • ĐỖ LAI THÚY                Văn là người                                  (Buffon)Cuốn sách thứ hai của phê bình văn học Việt Nam, sau Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn, thuộc về Trần Thanh Mại (1911 - 1965): Trông dòng sông Vị (1936). Và, mặc dù đứng thứ hai, nhưng cuốn sách lại mở đầu cho một phương pháp phê bình văn học mới: phê bình tiểu sử học.

  • ĐẶNG TIẾNThuật ngữ Thi Học dùng ở đây để biểu đạt những kiến thức, suy nghĩ về Thơ, qua nhiều dạng thức và trong quá trình của nó. Chữ Pháp là Poétique, hiểu theo nghĩa hẹp và cổ điển, áp dụng chủ yếu vào văn vần. Dùng theo nghĩa rộng và hiện đại, theo quan điểm của Valéry, được Jakobson phát triển về sau, từ Poétique được dịch là Thi Pháp, chỉ chức năng thẩm mỹ của ngôn từ, và nới rộng ra những hệ thống ký hiệu khác, là lý thuyết về tính nghệ thuật nói chung. Thi Học, giới hạn trong phạm vi thi ca, là một bộ phận nhỏ của Thi Pháp.