Với “Thơ đến từ đâu”: Thơ không đến từ đâu cả, thơ là ở chúng ta...

10:30 08/01/2010
ĐỖ QUYÊNChào Quý vị và các bạn có mặt tại đây!Chào các nhà thơ đã và đang ở khắp nơi!Chúng ta đang có cuộc gặp gỡ về thơ, với tuyển tập phỏng vấn "Thơ đến từ đâu". Là một trong 25 đồng tác giả với chủ-tọa-cuộc-thơ là nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng, tôi biết nói gì đây trong ít phút quý báu được diễn đàn dành cho?

Nhà thơ Đỗ Quyên - Ảnh: baodatviet.vn

Là một phần trong 25 phần thân thể và tâm hồn của "Thơ đến từ đâu", từ bên kia Thái Bình Dương đến đây, tôi mang tràn hai bàn tay những câu chữ, đeo đầy hai con mắt những nhìn nhận mà thiển nghĩ sẽ thích hợp với cuốn sách. Về rất nhiều cái được, về không ít cái rất được; và cả về một vài cái sắp được hay chưa được của nó.

Nhưng, tôi lại muốn dành những lời ngợi ca, phê phán cho các tham luận viên khác. Sẽ khách quan, chính xác hơn...

Lúc này, với tác phẩm "Thơ đến từ đâu", có lẽ nên dùng lối điệu đà: “Bàn về nó bao nhiêu cũng vẫn thiếu, và bấy nhiêu cũng là dư”. Thì với cả thế giới thi ca cũng thế, riêng gì "Thơ đến từ đâu"!

Ở bài này, tôi chỉ “tô đậm dấu chấm trên chữ i” ­những gì đã tin gửi Nguyễn Đức Tùng trong cuộc phỏng vấn 3 năm trước, mà dù hay dẫu dở nay được dự phần làm cho đời một cuốn sách thơ.
*

Quý vị cùng các bạn thân kính,
“Thơ đến từ đâu”, với tôi, không phải là một câu hỏi. Về hình thức, hiển hiện nó không có dấu chấm hỏi ở sau cùng. Mà là một vấn đề.

Tôi hiểu rằng, tác giả Nguyễn Đức Tùng “hỏi” không phải chỉ để chúng tôi “trả lời”. Hỏi, để cùng tìm hiểu. Ngoài đời, cũng không hiếm những câu hỏi-không-chỉ-để-hỏi. (Như câu “Anh có yêu em không?” chẳng hạn.)

Thế là, “Thơ đến từ đâu” cùng cả tá “câu hỏi” khác, đã làm động chuyển cái nòi-thơ ngọ ngậy âm ỉ suốt đời trong mỗi người - 25 nhà thơ chúng tôi đã trao đổi, đã luận bàn, đã tranh biện, đã cật vấn, và đã thương thảo cùng nhau, về thơ và về những gì ngoài thơ.

Như thế, trên phương pháp luận, “Thơ đến từ đâu” không mang trong mình nó những cuộc phỏng vấn, với cách nghĩ lối làm bình thường.

Đó là một tác phẩm có nhiều cơ-thể-chữ-nghĩa cùng sinh sống. Thể loại, cũng như nội dung. Chúng cộng sinh không bình ổn. Mỗi cơ thể đó, tùy mắt độc giả, tùy tay bạn đọc, đứng lên hay nằm xuống; chuyển động hay bất động...

Xin được san sẻ kinh nghiệm khác: Nhiều khi cầm tuyển tập“Thơ đến từ đâu” lên, tôi cứ nghĩ đấy không là một cuốn sách. Mà là một-bản-thảo; bản thảo kép: vừa làm lại một cuốn-sách-đã-qua, vừa làm thêm một cuốn-sách-đang-tới. Và còn nữa: mọi bản thảo, không là ngôi nhà - đấy là ngã ba đường.

Điều rất thơ của cuộc chơi này, với tôi: Đó là tất cả 25 người - kể cả Nguyễn Đức Tùng - đều trọng thị thơ, xuyên qua nhân vật Nguyễn Đức Tùng đang gõ cái trống thơ. Để mỗi chúng tôi xướng lên bài ca của riêng mình. Nào có gì lạ, như hình ảnh con chim ngứa cổ hót chơi mà người đời gán vào văn nghệ sĩ. Chúng ta. Phải! Chúng ta, khác những con chim, ở chỗ: ngoài âm điệu tình cảm như nhu cầu nội tại, ở sự ngứa cổ của thi sĩ còn có tư tưởng.

Rồi không hẹn mà nên, trong “Thơ đến từ đâu”, dường như 25 chúng tôi thực thi một thi niệm: Tới khuôn viên Thi ca, bàn thảo những gì trong thơ và ngoài thơ.

Ai cũng biết thơ là để cảm để nhận (và không nhận!), không để hiểu. Thế nhưng, ai cũng hơn một lần bị bé cái nhầm để thấy rằng: Thơ không thể minh bạch; Thơ không cần chứng minh; Thơ càng không phải thanh minh. Với các tác nghiệp của luật gia, công chứng viên, trạng sư... - thi sĩ và những ai tới với thi sĩ, không nên sử dụng.
Ở ý nghĩa đó, cho phép tôi nghĩ rằng, sách “Thơ đến từ đâu” là một-bài-thơ.

Không là câu hỏi; Không là phỏng vấn; Không là một cuốn sách; theo nghĩa thông thường. Lại là một bản thảo kép. Hơn thế, là bài thơ.

Nếu vậy, “người phỏng vấn” Nguyễn Đức Tùng, cũng như bất kỳ ai khác, khó có thể nêu ra các đề tài tương tự. Như “Truyện ngắn đến từ đâu”, “Điện ảnh đến từ đâu”, hay “Nghệ thuật sắp đặt đến từ đâu”, rồi “Vân vân... đến từ đâu”! Với các mệnh đề ấy, rất cần những dấu chấm hỏi đứng sau, theo cách viết tiếng Việt thông lệ: “Truyện ngắn đến từ đâu?”, “Điện ảnh đến từ đâu?”, “Nghệ thuật sắp đặt đến từ đâu?”; v.v...

(Tôi chỉ nói đến tiếng Việt, mà không đủ khả năng bàn về tiếng Pháp ở câu có dấu chấm hỏi “Poésie, d'où viens - tu?” khi dịch tên của cuốn sách, có trong Thư mời.)

Cả một chục câu hỏi đồng dạng với “Thơ đến từ đâu” tương ứng các loại hình nghệ thuật khác sẽ chỉ hàm ý nội dung chuyên môn; Không còn linh hồn nữa. Chúng không thể trở thành những công án trong văn nghệ (ở bài phỏng vấn, tôi đã liều bút gọi là thi-án.)

Trong thiên hạ thi sĩ thua thiệt trăm đường! Giữa thiên địa thi ca thiệt thòi vạn ngả! May còn được một cái hơn người, một điều hơn đời: Đó là độc chiếm thi-án "Thơ đến từ đâu" (mà khỏi cần dấu chấm hỏi!)

Thưa Hội thảo,
Mở đầu, tôi đã có ý nhắc gọi các nhà thơ đã và đang ở khắp nơi! Ấy là tôi hơi lạm dụng cơ hội này để tổng chào những đồng nghiệp thi ca của mình. Vì sao? Vì chúng tôi - những người làm thơ - ít có dịp cùng nhau lắm.

Người ta vẫn nói văn nghệ sĩ sống với sự cô đơn, như hình với bóng. Trong đó, thi sĩ là đệ nhất cô đơn. Ở tuyển tập “Thơ đến từ đâu”, bài của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cũng mang tựa đề “Cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp”. Còn thi sĩ Inrasara từng như thể bắt vạ thơ Việt đương đại “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”!

Giới thi sĩ là cộng đồng của những đơn độc. Rất dễ hiểu. Nhà thơ đã là một cá thể kép: trong thi thể thi sĩ có thi ca. A! Thế ra tự trong mỗi nhà thơ, có thơ. (Chẳng lẽ lại nói: Trong họa thể họa sĩ có họa ca!?)
Đã có thơ trong mình rồi, hà tất thi sĩ chúng tôi cần gì hơn...

Nói cho ngay, các nhà thơ chỉ đơn độc trong khi sáng tác mà thôi, giữa lúc những vần thơ sắp rơi khỏi kẽ các ngón tay mà thôi. Trước và sau thơ, nhà thơ hết còn cô đơn. Anh ta, cô ta không làm người-thơ nữa. Thi nhân cô độc từ trong ra đến ngoài câu thơ, hiếm hoi vô cùng tận. Trong thời hiện đại, trường hợp Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng cũng còn là một... thi-án!

Như thế, tôi không làm thơ trong giờ phút này.
Tôi đang đọc phần tham luận nhỏ bé của mình trước một diễn đàn rộng lớn. Rộng và lớn, nhất đời thơ của tôi. Vinh hạnh thay cho tôi, đây cũng là một diễn đàn thơ cần thiết và độc sáng trên văn đàn Việt Nam bao năm qua!

Như thế, tôi không cô đơn trong giờ phút này.
Tôi tin, vì thơ – vâng, chỉ cần vì thơ! - tất cả những người làm thơ khác - các nhà thơ đã và đang ở khắp nơi - còn đứng bên những trang thơ hay đã nằm trong những nấm mồ thơ của họ; quen biết tôi hay không; danh tiếng hay chẳng chút gì danh tiếng; đồng ý hay không đồng ý với tôi về những gì trong-ngoài thơ - cũng thấu hiểu lời chào gọi của tôi.
Đón nhận hay khước từ, tất cả các nhà thơ đều thấu hiểu lời gọi chào đồng nghiệp.

Khi tham dự cuộc chơi này cùng các thi hữu khác do Nguyễn Đức Tùng khởi xướng, tôi mường tượng: Thực ra, thơ không đến từ đâu cả; Thơ ở trong ta.

Xin kể chuyện này: Một lần bí thơ, tôi đã làm bài thơ nửa đùa nửa thật, chỉ với 4 từ: “Thơ ở trong tay”. Từ “tay” được hiểu là từ “ta” thêm chữ “y” của từ “yêu”; nghĩa là: Ta khi yêu thì thành thơ!

Một tháng năm ngày có lẻ đã qua, từ khi cuốn sách được sinh ra, tôi càng thấy: Thơ không đến từ đâu cả, thơ là ở chúng ta...
*
Cám ơn tác giả Nguyễn Đức Tùng!
Cám ơn tất cả mọi người - nhất là những nhà thơ và những người làm sách-báo trong cũng như ngoài đất nước - cùng tham dự cuộc thơ "Thơ đến từ đâu" kỳ thú và hiếm thấy!
Cho tôi được mời chúng ta đồng thanh: Cám ơn thi ca tiếng Việt!
Và tức là: Cám ơn Nàng Thơ của nhân loại!

Vancouver , cuối tháng 12/2009
                   Đ.Q








Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • CHU VĂN SƠNTôi đã đọc những bài trong tập sách này khi chúng còn là những phỏng vấn lẻ công bố rải rác trên một số trang web vài năm trước đây. Nhưng lần này đọc cả tập, ấn tượng chụm hơn. Những gì trước đây chỉ là dự cảm manh nha, thì bây giờ rõ nét hơn. Xin ghi lại đôi điều cảm nhận.

  • Cuốn chuyên luận” Thơ đến từ đâu” của tác giả Nguyễn Đức Tùng, do NXB Lao Động ấn hành tháng 11/2009, vừa ra mắt độc giả ngay lập tức được dư luận chú ý, tạo ra nhiều luồng tranh luận khen, chê. Ngày 6/1/2010, một hội thảo văn học xoạy quanh cuốn sách này đã được tổ chức tại Hà Nội thu hút rất đông đảo công chúng tham gia. Theo chúng tôi, xưa nay ít có cuốn sách nào xuất bản ở Việt Nam được giới văn nghệ sỹ, trí thức, công chúng quan tâm đến vậy.Dưới đây Sông Hương xin giới thiệu bài tổng thuật về cuộc hội thảo nói trên và một số tham luận tại hội thảo này.

  • PHẠM TOÀN1Tôi không phải là nhà thơ; nhưng cũng như mọi người, tôi yêu thơ, và tôi cùng với mọi người yêu thơ trở thành một phần lẽ sống của các nhà thơ. Vì lẽ rằng, cho dù sống khép kín đến đâu chăng nữa, thì nhà thơ cũng cần độc giả chứ nhỉ?

  • NGUYỄN THỊ HOÀNG BẮCTHƠ ĐẾN TỪ ĐÂU sau khi ra đời đã gây ra một bối cảnh khá sôi nổi từ ý kiến, bình luận, tranh cãi từ các bạn văn và độc giả tiến đến mạ lỵ, tố cáo, chụp mũ với những từ ngữ khá mạnh mẽ lẫn thô bỉ, tục tằn, vượt qua nhiều lằn ranh tưởng tựơng của những người trước đó vẫn lạc quan tếu (tôi trong số những người này!) tin rằng thì là sự ồn ào trên tạp chí điện tử talawas có thể là một cách giúp PR tập sách tận tình.

  • DƯƠNG TƯỜNGTới giờ, có thể khẳng định: Thơ Đến Từ Đâu của Nguyễn Đức Tùng là một hiện tượng trong đời sống văn học Việt Nam trong năm 2009. Buổi ra mắt sách, tôi không có mặt vì đang ở Pháp.

  • ĐẶNG TIẾN Thơ đến từ đâu là một công trình tập thể của 25 nhà thơ quy tụ chung quanh cuộc phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng, nhiều bài trong đó đã được phổ biến trên mạng lưới Talawas năm 2007, nay được ra mắt bạn đọc bởi nhà xuất bản Lao Động. Cuốn sách, trong nội dung tự tại của nó, là một tác phẩm hay, có giá trị phổ cập về hai mặt lập thuyết và thời sự. 

  • VĂN GIÁTrong vòng vài năm trở lại đây, đọc trên các trang Website của một số người Việt sống và viết ở hải ngoại chủ trương, tôi thường hay bắt gặp các bài phỏng vấn, trò chuyện với các nhà thơ trong nước và hải ngoại của anh Nguyễn Đức Tùng. Lúc đầu đọc bởi sự tò mò. Dần dần, thấy các câu chuyện thơ ca, rộng ra là văn chương nói chung được đặt ra một cách rất nghiêm túc, có không ít điều bổ ích và thú vị.

  • HOÀNG VŨ THUẬTKhoảng năm 1974, qua Trần Nhật Thu tôi đọc được một bài thơ của Hà Thúc Sinh, nhà thơ, sĩ quan quân đội Việt cộng hoà. Tôi còn thuộc đến bây giờ và nay ghi lại theo trí nhớ, có thể không hoàn toàn chính xác:

  • (đọc “ Thơ đến từ đâu ?”(1) của Nguyễn Đức Tùng)HOÀNG NGỌC HIẾN                                         Cho đến nay tôi quan tâm đến thơ của Nguyễn Đức Tùng hơn phê bình văn học của anh. Bài “Chiến thắng” là bài gần đây nhất anh gửi cho tôi. Bài thơ vẻn vẹn 19 chữ. 2 câu “thất” ngắt dòng kiểu thơ Maia và một câu 5 chữ:

  • NGUYỄN THỤY KHARa mắt độc giả mới tròn một tháng, vậy mà tập "Thơ đến từ đâu" cuả Nguyễn Đức Tùng đã tạo ra nhiều tranh luận, nhiều điều khen chê. Có thể nói, "Thơ đến từ đâu" là một sự kiện xuất bản năm 2009.