Viên thuốc bọc đường

14:13 04/03/2011
A-ri-en Đot-phơ-man sinh năm 1942 tại Chi-lê. Giáo sư dạy thuyết giảng tại Đại học Văn thuộc Viện Đại học Chi-lê, ông phải rời bỏ Chi-lê vào năm 1973, viết truyện ngắn, tiểu luận và thơ.Truyện ngắn Viên thuốc bọc đường viết theo kỹ thuật chen lồng đối thoại và chen lồng hiện tại và tương lai.Nội dung truyện vạch trần sự vật lộn miếng ăn tại Hoa Kỳ khiến cho lắm kẻ tha phương lao vào một số nghề nghiệp nguy hiểm, khốn nạn.

Minh họa: Bửu Chỉ


“Có phải là bà Pê-rê không ạ?”

Bà cụ sẽ mở to mắt, nhìn cậu một cách ngơ ngác, nhưng không ác cảm. Nghĩa là không nghi ngại gì đâu.

“Ông là ai? Ông cần gì?

- Tôi là bạn của Pê-đrô con bà. Anh nhờ tôi đến đây.


Này cậu Đa-ni-en, khoan nói với bà cụ là cậu sẵn tiền tàu xe. Bà cụ sẽ mở cửa như thể chính tôi hồi hương vậy. Rồi cậu xem.

“Pê-đrô nhờ ông? Lạy chúa! Không ngờ. Kìa mời ông vào, mời ông, không khéo cảm lạnh. May mắn cho tôi! Không ngờ!

Cậu hãy tỏ ra con người phong độ. Bà là mẹ tôi, cậu đừng quên, và nhất là đừng có hố! Cậu cứ ngồi xuống mép ghế và bằng lòng với nước chè. Đừng có đòi rượu mạnh hay rượu ngọt làm gì.

“Thế Pê-đrô nó thế nào, thưa ông? Là vì rằng cái thằng quỷ, ấy xin lỗi ông, nó không hề thư từ. Nó lành hạng nhất đấy! Ông đừng nghĩ là tôi buồn nó. Từ miền Căng-dát, nó gửi tiền đều đặn về cho tôi. Ông cũng từ đó mà về đây có phải không?

- Vâng ạ. Chúng con làm việc với nhau.

- Hai người làm việc với nhau? Thế thì hay quá! Như thế là đồng nghiệp, nhỉ?”


Đa-ni-en ạ, tôi chưa hề kể câu chuyện này ra với mẹ tôi. Giống như cậu, cậu chẳng muốn cho Ét-tơ-la biết đầu đuôi trước khi cô nàng đến đây. Tôi cứ sợ cô ta không hiểu mà hoảng hốt. Nhưng bây giờ thì tôi không lùi được nữa rồi. Tôi cưới vợ mà không có mặt bà thì bà không chịu đâu. Cậu nghĩ coi, con một của bà mà lại. Tôi cũng không muốn bà sang tới đây mà đổ ốm theo chuyện này. Tôi đã thân hành đón Ét-tơ-la ở phi trường, cậu nhớ chứ? Vợ của cậu mà, tôi đã bảo là cậu phải tự mình nói ra cho Ét biết. Mà cậu lại bảo: “Nói hộ với Ét là tôi bệnh”, cậu bệnh thật, rồi cậu bảo: “Pê-đrô hãy nói hết cho Ét rõ trên đường từ phi trường về nhà”. Tôi làm theo, cậu không thể phủ nhận. Bây giờ đến lượt cậu, Đa-ni-en à.

“Còn hơn là đồng nghiệp nữa đấy.

Nhưng để cuối cùng hẵng hay, nhé? Đừng vọt miệng ngay. Đầu tiên là chuyện lấy vợ, kế là vé máy bay và cuối cùng mới là chuyện làm ăn.

“Thế Pê-đrô nó thế nào?

- Chính con về báo nhiều tin vui cho bác ạ.

Tôi chẳng rõ rồi bà cụ có vui cho không. Bà không ngớt bảo tôi: “Tính cho rồi”, và “Hồi nào mới có cháu?”,“Cậu thế nào mà chẳng quyết đi”. Nhưng cũng có thể bà cụ nổi cơn đố kỵ cũng nên. Thôi thì đối với chuyện về Ê-li-a-na, cậu cứ nói đầu đuôi. Chắc là không khó đối với cậu, nhỉ.

“Tin vui gì thế?

- Pê-đrô sắp lấy vợ, bác ạ.

Cần nhất là cậu đừng hở môi gì về chuyện giữa Ê-li-a-na với cậu trước khi Ét-tơ-la xuất hiện. Mẹ tôi là người rất cổ, cậu ạ. Bằng không bà chẳng hiểu đâu, tôi chắc thế. Tôi không muốn bà cụ hiểu nhầm về Ê-li-a-na. Cậu nên nói bác sĩ Tom-xơn sẽ tham dự lễ cưới. Phải đấy. Để cho bà thấy là đình đám.

- Pê-đrô lấy vợ ư?

- Vâng ạ.

- Lẽ ra nó cho tôi biết trước chứ. Ông nghĩ coi! Lẽ ra nói trước cho tôi chứ.

- Giáp ngày con lên đường thì mới biết ạ.

- Thế cơ à! Lạy Chúa. Nhưng tôi có nói sao đâu. Vui quá mà. Này ông, ông có biết vợ nay mai của nó không?

- Có chứ ạ, cô làm việc với chúng con, cùng một nơi ạ”.


Bà cụ sẽ đứng lên, hôn cậu, ôm lấy cậu như thế là ôm chính tôi. Đừng nói. Để cho bà cụ xúc cảm, khổ thân. Cậu nói với bà rằng là chúng nó say sưa yêu nhau, chúng nó hạnh phúc, rằng là không có bạn lứa thì có chết với công việc thôi, v.v…

“Cậu bỏ lỗi, tôi có hơi… cậu hiểu cho, đột ngột quá. Ta nghĩ con cái cứ y như là hồi mới sinh. Vô phương tự vệ. Và đùng một cái là thời điểm. Bao giờ cũng bất ngờ. Thế chừng nào đám cưới?

- Vâng ạ. Con về đây là vì thế. Anh ấy nhờ con chuyển tiền vé máy bay cho bác. Anh chị đều mong muốn bác đi sang bên ấy.

- Đi Căng-dát?

- Vâng ạ, để dự đám cưới”.


Cậu hãy nhẹ tay đưa phong bì cho bà cụ. Đừng yêu cầu bà đếm tiền lại trước mặt cậu. Tôi biết cậu thích sòng phẳng, cái gì đâu ra đó. Nhưng bà lấy thế làm ngượng. Cứ đưa phong bì rồi bảo là để mua vé, thế thôi.

“Tôi chẳng biết nói sao. Chính tôi cũng có để ra ít tiền sang năm thì đi. Nhưng dĩ nhiên chẳng là bao.

Đấy, thế là êm, và bà cụ sẽ hiểu được. Hoặc giả bà sẽ hỏi gì đó liên quan tới cha cố, hay là hỏi xem ở Căng-dát người ta có đạo không. Nói với bà là đừng lo.

“Anh ấy mong muốn bác có mặt trong ngày lễ.

- Hôm nào đấy, anh có biết hôm nào?


Cậu đừng đi vào chi tiết. Bác sĩ Tom-xơn bảo phải đợi kỳ kinh nguyệt tới đây. Thế thì cậu tránh nói chi tiết được chừng nào tốt chừng ấy.

“Tháng tới đây thì phải, nhưng con không rõ đích xác. Bác bỏ lỗi cho.

- Không dám, không dám, tôi phải xin lỗi chứ. Nói chuyện dễ có đến mươi phút mà chẳng mời cậu một cái gì. Cậu dùng gì chứ?

- Vâng, bác cho cháu tách chè vậy. Cám ơn bác.

- Có ngay. Hãy khoan, cô dâu trông thế nào, ông nhỉ?

- Thưa tên là Ê-li-a-này. Đẹp, trầm tính, thông minh. Nói gì nữa bấy giờ?

- Tính có tốt không. Có cảm thông, nhẫn nại không?

- Tính tốt lắm, thưa bác. Bác khỏi lo.

- Ông có vợ rồi chứ?

- Có rồi ạ.

- Ông hẳn biết việc chọn lựa nó quan trọng như thế nào. Ông thấy con tôi chọn lựa có được không?

- Bác chớ lo, anh ấy rất khéo chọn.

- Ranh con chẳng lời lẽ gì với tôi.


Bà cụ sẽ xuống bếp pha chè. Trở lên, một lúc nào đó thế nào cũng hỏi cậu một câu giúp cậu đề cập vấn đề.

“Họ trả lương khá chứ, thưa ông? Ông quý danh thế nào ạ?

- To-rơ, thưa Đa-ni-en To-rơ. Bác gọi con Đa-ni-en là xong.

- Hồi nào tôi vẫn gọi bạn bè của con bằng tên riêng. Thêm tí đường, Đa-ni-en?

- Thưa không ạ. Con không dùng đến.

- Không đường vậy. Coi nào, anh bảo là lương tiền khá. Ít ra, mặt ấy cũng là yên cho Pê-đrô. Nó là đứa có tài. Phải một cái nó không gặp may thôi. Thật quả là cả một thời gian không tìm được việc làm.

- Cũng khó kiếm việc ở bên ấy. Không có giấy tờ thì lại còn khó hơn.

- Nhưng Pê-đrô nó hợp lệ kia mà. Nó viết bảo tôi mà. Nó đã được giấy cư trú.

- Vâng, cũng lo xong. May. May cho Pê-đrô kiếm được việc hiện nay. Giải quyết lắm chuyện, bác ạ.

- Ở đây cũng chẳng dễ gì, nhưng bên ấy thì cứ ngỡ là dễ thở hơn. Lúc mới đầu, xem ra có vẻ vất vả. Thư từ nó chẳng đả động gì, nhưng tôi biết. Nó không thích đem chuyện mình ra nói. Hồi đi học, các thầy cứ bảo tính nó dè dặt. Đến công ăn việc làm của nó, tôi chẳng biết. Tôi biết là ở tại Căng-dát, thế thôi
”.

Cậu đừng có thuật lại một hơi. Thong thả, cứ thong thả.


“Thưa đây như thế là một phòng thí nghiệm.

- Phòng thí nghiệm! Pê-đrô làm việc trong một phòng thí nghiệm! Ngộ nhỉ! Nó giỏi mà!


Cậu biết, bà cụ chỉ thích các bà bạn láng giềng, ông cha xứ suốt ngày kể chuyện tôi. Tôi là đề tài ăn ý nhất của bà.

“Nói là phòng thí nghiệm nhưng đó chỉ là một thứ trung tâm thử nghiệm, bác hiểu chứ, một nơi người ta đem ra thử các thứ thuốc, ma túy, trước khi đem ra bán rộng rãi, bác thấy chưa… người ta khảo sát… chích thử…

- Phải, phải, rađiô thường hay nói. Chích cái gì đó vào con chuột, rồi sau đó quan sát xem
.

Nếu như bà cụ nói tới chuột, thì cậu giải thích cho bà nghe khác nhau thế nào. Ét-tơ-la đã từng bán tín bán nghi. Mặt mày trắng dã. Ét có hỏi tôi xem có nguy hiểm không. Tôi phì cười. Để tỏ rõ rằng là công việc nào cũng thế thôi.

“Đúng là chuột, thưa bác. Bao giờ khảo sát một liều thuốc nơi chuột, không thấy hiệu nghiệm gì với chuột và họ hàng chuột, thì người ta biết là có thể khởi công chích vào con người ta.

- Tội tình nhà chuột. Tôi thì cứ nhát chuột. Nhưng cần phải thế thôi, nhỉ? Vì nhân loại mà. Thế Pê-đrô nó làm cái gì? Nó chăn giữ mấy con thú à? Nó vẫn từng yêu loài vật.

- Bác thấy không, ở Hoa Kỳ đạo luật chỉ thị rằng một dược phẩm không được phép đem ra bán nếu như trước đó chưa được thử nghiệm vào một cá thể người. Người đây có nghĩa là người bình thường.

- Thế thì tốt quá còn gì! Phải chi khắp nơi trong nước người ta tôn trọng đồng loại được như thế. Có như vậy mới khỏi chích thuốc cho người ta sau đó. Anh biết, tôi thì chẳng thích gì thuốc men. Tôi không tin. Cứ nuốt hết thuốc này đến thuốc kia, tôi thấy chẳng ra làm sao cả. Hết đau cổ đến đau đầu, rồi thuốc ngủ, thêm cả thuốc khỏi đẻ nữa chứ. Bỏ lỗi cho tôi chứ như thế là làm ăn trên cái sợ của những người khác. Thế còn gì
.

Cậu hãy tìm cách trình bày sự việc thế nào cho thật tự nhiên. Đừng có gây lo cho bà cụ.

“Khởi đầu, họ dùng tù binh. Bác rõ chứ, tù binh trong các trại giam. Chích thử thuốc vào các tù binh trước khi đưa thuốc ra bán.

- Chích vào tù binh?

- Phải, vì rằng, theo các vị bác sĩ và các nhà nghiên cứu thì tù binh sống trong những điều kiện tối ưu. Ăn uống giống nhau, điều kiện giống nhau về sinh sống về khí trời, về giải trí. Người ta an nhiên mà nghiên cứu bọn họ.

- Nhưng có khác nào bắt họ hứng chịu hàng loạt nguy cơ! Dễ họ là những kẻ đã giết người, thôi thì cho họ suy ngẫm dăm ba phút về những điều đã gây ra, nhưng dẫu sao…

Thì chính báo chí Mỹ cũng bảo thế. Tù binh bằng lòng chịu, được lắm tiền, nhưng bây giờ thì qua rồi. Thế là kêu gọi đến những ai tự nguyện, những người suốt ngày chỉ mỗi việc là ngốn thuốc, thử nghiệm dược phẩm. Người ta cầm giữ loại người này dăm tháng trong phòng. Họ được ở riêng, và như thế người ta có thể đoán đúng tác dụng của thuốc đối với con người ta.

- Nguy hiểm ngặt nghèo đối với ai đó tự nguyện nhỉ
”.

Thống kê cậu ạ. Dẫn chứng mấy con số thống kê ra. Không có nguy hiểm. Còn bảo đảm hơn cả làm tài xế cam nhông hay hơn cả thư ký nữa là khác. Cậu cứ kể ra những tai nạn lao động mà một cô làm thư ký biết đâu gặp phải. Ét-tơ-la có lần không tin, nhưng khi thấy con số thống kê rồi thì bắt đầu thay đổi ý kiến. Đàn bà họ tin con số.

“Bác biết cho, nó chẳng nguy hiểm gì hơn một việc làm nào khác ạ”

Cậu hãy kể cho bà cụ hay rằng vào đầu người ta miêu tả đủ mọi thứ cho mình rõ, rằng chẳng bao giờ hề hấn gì. Rằng mình được chăm nom cẩn thận.

“Anh Đa-ni-en ạ, cho phép tôi nói với anh giống như anh là con tôi vậy. Bởi vì, ngay cả có vợ có con… Anh có con chưa?

- Chưa, thưa bác, chưa ạ.

- Chớ để thời gian trôi đi, anh ạ. Chuyện con cái, mình phải lợi dụng lúc hãy còn trẻ. Tôi nói cái gì nhỉ? Á, phải rồi, chuyện sức khỏe. Là cái duy nhất của ta nhận từ Chúa. Nó thiêng liêng và ta phải gìn giữ đúng theo giá trị của nó. Tôi, cái sức khỏe quí báu của tôi, tôi đã truyền cho Pê-đrô. Nó không hề cảm mạo. Còn, như những ai đó tự nguyện thì nhất thiết là ngặt nghèo.

- Họ ký hợp đồng, thưa bác. Chuyện thiêng liêng ạ. Luật lệ nó thế. Người ta giải thích cho họ rõ họ có thể có loại triệu chứng như thế nào, loại thí nghiệm nào thi hành với họ.

- Cái thằng Pê-đrô! Nó không muốn cho tôi hay là phải. Nhưng bây giờ tôi hiểu hết. Nó thừa hiểu tôi không ưa gì những thứ rọi điện, kem xoa, thuốc men. Tôi sợ. Chăm sóc bọn người tội nghiệp được cầm giữ riêng như thế thì quả là nản thật. Xin lỗi, tôi quên là các anh làm cùng một công việc. Mà công việc nào cũng thế thôi. Và lương tiền hậu lắm, phải không? Anh đừng nói lại với nó lời tôi mới nói ra với anh. Với cô dâu lại càng không nên nói. Hứa với tôi, nhé?

- Con xin hứa, thưa bác”
.

Đến đây, cậu hít lấy hơi. Đa-ni-en ạ, rồi tuôn sự thật ra với bà cụ. Tránh cho tôi cái công việc ấy bạn ạ. Đừng nói chi tiết. Đừng nói gì đến triệu chứng. Đừng tiết lộ gì về cơn đau, nôn thốc, về những đêm đánh bạc cho qua. Mấy cái ấy thì đừng. Lại càng không nên nói về chuyện đàn bà, thuốc ngừa thai và các thứ. Tuyệt đối, cậu nghe chứ? Như thể chẳng quan trọng gì, như lời giải thích của bác sĩ Tom-xơn, việc vàn nào cũng thế thôi.

“Thế cậu cũng chăm sóc đám người tội nghiệp kia, hả Đa-ni-en?

- Thưa bác… vâng. Con cũng… cũng chăm sóc họ. Như Pê-đrô vậy”
.

A-RI-EN ĐOT-PHƠ-MAN
Bửu Ý dịch
(12/4-85)






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Salman Rushdie (1947), nhà văn và người viết tiểu luận, gốc Ấn, hiện sống tại Mỹ, là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang, như Những đứa con của nửa đêm, được trao giải Booker, năm 1981, và cả những tiểu thuyết gây tranh cãi như Những vần thơ của Satan, 1988. Văn phong Rushdie thâm trầm, khoáng lộng, hài hước và tươi mới.

  • FRANK O’CONNOR  

    Khi tôi tỉnh giấc, tôi nghe có tiếng mẹ ho ở nhà bếp. Mẹ bị ho đã nhiều ngày nhưng tôi không để ý. Chúng tôi sống ở Old Youghal Road, nơi mà vào lúc đó, có một con đường nhiều đồi dốc dẫn tới East Cork.


  • E. RUXACỐP (Nga)

  • ABDULRAZAK GURNAH    

    Tôi nghĩ anh ta đã nhìn thấy tôi đang tiến lại gần, nhưng vì lý do riêng nào đấy nên anh ta vẫn không có dấu hiệu gì.

  • Maurice Druon, sinh năm 1918, theo học Đại học Luật Paris. Trong chiến tranh thế giới ln thứ hai, ông tham gia lực lượng kháng chiến Pháp chng phát xít Đức, là thông tin viên Đài Phát thanh Kháng Chiến. Giải Goncourt 1948 với tác phm "Đại Gia đình" (Les Grandes Familles). Các tác phm đậm chất trữ tình của nhà văn: "Kết thúc đời người" (La Fin des Hommes), "Hẹn gặp tại Địa ngục" (Rendez-vous aux enfers) phản ánh một thiên hướng theo trường phái Balzac.
    Ông đồng thời là tác giả một số tiểu thuyết lịch sử.

  • JENNIFER WALKUP   

    Tôi sẽ không nói với ai về việc chẩn đoán.
    Không hé răng với mẹ hay em gái tôi. Chắc chắn không phải Jake và có lẽ với Steve cũng không hề.

  • GRAHAM GREEN

    Cái chết đến kề như một nỗi nghiệt ngã day dứt mà ta hổ thẹn không dám thổ lộ với bạn bè hoặc đồng nghiệp.

  • ELISABETH SILANCE BALLARD

    Một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò. Truyện khiến người đọc có thể nghĩ chuyện xảy ra hôm nay, không phải cách đây hơn bốn mươi năm.

  • Tác giả tên đầy đủ là Heinrich Theodor Böll (1917 - 1985). Ông được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của Đức thời hậu chiến. Năm 1972 ông được nhận giải Nobel Văn học. Tác phẩm và quan điểm chính trị của Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn. Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông: “Thiên thần im lặng”, “Và tôi đã không nói một lời duy nhất”, “Nhà không có người che chở”, “Qua con mắt của chú hề”, “Bức chân dung tập thể với một quý bà”…

  • KATE CHOPIN

    Catherine O’ Flaherty sinh năm 1850 tại Saint Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hóa, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp đồng thời với tiếng Anh.

  • Nhà văn, nhà thơ, triết gia, họa sỹ, dịch giả Ấn Độ Rabindranath Tagore sinh năm 1861 tại Calcutta, Ấn Độ và mất năm 1941. Ông để lại một di sản văn học - nghệ thuật đồ sộ với hàng ngàn tác phẩm đủ các thể loại. Tagore còn là nhà yêu nước, đòi giải phóng Ấn Độ khỏi sự cai trị của Anh. Ông được trao giải Nobel văn học năm 1913.

  • O’Neil De Noux sinh ngày 29/11/1950 tại New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Ông là một nhà văn Hoa Kỳ có sức sáng tác mãnh liệt với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, đã có 42 đầu sách được xuất bản. Phần lớn sáng tác của ông là truyện trinh thám hình sự, tuy nhiên ông cũng viết nhiều thể loại khác như tiểu thuyết lịch sử, truyện dành cho trẻ em, truyện khoa học viễn tưởng, kinh dị, tình cảm, v.v.

  • JASON HELMANDOLLAR

    Jason Helmandollar là một nhà văn người Mỹ, tác giả của nhiều truyện ngắn nổi tiếng được đăng trên các báo, tạp chí đang thịnh hành lúc bấy giờ như Encounters Magazine, Bartleby Snopes, Title Goes Here, Sideshow Fables. “The Backward Fall” là một trong những truyện ngắn hay và hấp dẫn của ông.

  • TIMUR JONATHAN KARACA

    Timur Jonathan Karaca được sinh ra ở San Francisco. Ông là bác sĩ y khoa khoa gây mê tại UCSF. Ông sống ở Oakland, nơi ông hành nghề. Karaca theo học sáng tác tại Studio Hi Nhà văn San Francisco.

  • Naguib Mahfouz (1911 - 2006) sinh ra trong một gia đình nghèo tại Cairo. Ông học triết học tại Đại học Cairo và làm công chức cho tới khi về hưu năm 1971. Mahfouz là nhà văn lớn của Arab và của thế giới. Ông có 35 tiểu thuyết, 14 tập truyện ngắn và nhiều tác phẩm kịch. Tác phẩm của ông rất phổ biến ở phương Tây. Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.
    Truyện ngắn dưới đây diễn tả bi kịch của cá nhân khi bị phụ thuộc vào kẻ khác. Tuy nhiên, như rất nhiều tác phẩm khác của văn học Arab, nó còn mang tính ẩn dụ và nghĩa hàm ẩn.

  • ALBERT LAMORISSE (Pháp)

    Albert Lamorisse là một nghệ sĩ đa tài của nước Pháp. Ông vừa viết văn, làm thơ, vừa biên kịch và đạo diễn điện ảnh. Truyện "Quả bóng đỏ" (Le Ballon Rouge) này đã được chính Albert Lamorisse dựng thành phim, rất nhiều người hâm mộ.