Về nhà

08:51 08/12/2021

LÊ HOÀNG NGÂN  

Đoàn người lại đứng trên đèo gọi anh, một đoàn người áo tơi lam lũ đang đứng trên đèo gọi anh.

Minh họa: Phan Thanh Bình

Họ gọi anh tha thiết, họ gọi anh từ chiều tà đến rạng đông, gọi anh từ giấc mơ này đến giấc mơ khác. Đến cuối cơn mơ, họ bưng mặt khóc, khi gọi anh không được họ bưng mặt rồi chạy khuất sau núi, họ cứ chạy miết, biết bao nhiêu tháng năm rồi họ cứ chạy miết, chạy trong vô vọng. Rồi họ vừa chạy vừa hát. Họ hát rằng:

Đèo Cả
Đèo Cả
Đừng ngăn bước ta đi
Ta ra đi khi mắt mẹ ta đã mờ
Ta về khi mộ mẹ ta đã xanh cỏ
Đèo Cả
Đèo Cả
đừng ngăn bước ta đi
Đèo Cả
Đèo Cả
đừng ngăn bước ta về
Hôm nay ta về với quê hương ta
Quê hương ta nằm ở nơi xót xa trong núi
Nơi ấy có mắt mẹ ta đã mờ
Và mắt em ta chờ đợi…


Anh thức giấc, anh lại thức giấc vào lúc nửa đêm, hình ảnh đoàn người cứ hiện về réo gọi trong giấc mơ của anh, mỗi khi anh chuẩn bị thức giấc họ lại bưng mặt khóc và biến mất sau những dãy núi. Anh nhìn đồng hồ, bây giờ mới chỉ ba giờ sáng, nhìn thằng bé và Thúy đang ngủ ngon lành, anh thương vợ con vô cùng. Thỉnh thoảng thằng bé lại ú ớ trong những cơn mơ vô lối nào đó, anh đoán rằng chắc nó đang đuổi theo những cánh chim trời. Trong ánh đèn đường yếu ớt hắt vào những khe hở qua cánh cửa phòng trọ, anh ngồi ngắm nhìn Thúy ngủ trong đêm. Thúy gầy quá, chưa bao giờ anh được nhìn thấy vợ mình đầy đủ như người ta. Tự dưng anh thấy mình bất lực, một nỗi đau kéo theo cảm giác bất lực dâng lên ngực anh. Anh lại ho, anh cố nén lại cơn ho để vợ con ngủ. Thằng bé lại ú ớ trong cơn mê, đã quá lâu rồi, từ ngày đại dịch tràn qua, vợ con anh không được ra phố, họ chỉ ăn ở và sinh hoạt trong căn phòng trọ nhỏ bé, tối tăm và thiếu ánh sáng này. Anh nhìn lên tường, nơi đó có những cuốn sách nhỏ, Thúy bắt đầu dạy cho thằng bé ghép vần đọc chữ, bên cạnh giá sách nhỏ đơn sơ vài cuốn sách ố vàng là tấm ảnh cưới của vợ chồng anh. Cũng đã mười mấy năm rồi, khi anh và Thúy từ giã giảng đường đại học để vào đây lập nghiệp, nhưng rồi mảnh đất hứa đã không như mong đợi.

Anh lén vào giường và cố ngủ lại, anh đặt tay lên bụng Thúy, như trong vô thức, Thúy quay lại ôm anh, anh lắng nghe hơi thở của Thúy, anh ôm Thúy chặt hơn, anh ngửi mùi mồ hôi trên tóc Thúy, mùi hương đã theo anh đi qua biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu khốn khó. Anh để mùi hương trên tóc Thúy đưa anh vào lại giấc ngủ. Anh nhớ lại dáng Thúy gầy nhỏ trên giảng đường, anh thấy Thúy đang thực hành tiết dạy trên bục giảng, áo dài lấm lem trong bụi phấn. Anh thấy Thúy nô đùa cùng bạn dưới gốc phượng già đỏ rực ấy. Chiều chiều, Thúy và anh lại đạp xe ra bờ sông, nơi đó, anh và Thúy lại chìm vào những viễn cảnh mà bất cứ đôi uyên ương nào cũng dệt mộng với nhau. Ngày ấy, mơ ước của Thúy là trở thành một cô giáo…

Đoàn người ấy lại đứng trên đèo gọi anh, anh đã cố để lắng nghe họ nói gì với anh nhưng anh không thể nghe thấy, gió lớn quá, anh không biết họ nói gì với anh. Họ gọi anh từ chiều tà đến rạng đông, từ bình minh mưa đến hoàng hôn đỏ, họ đứng trên đèo gọi anh, họ lũ lượt kéo nhau bỏ đi, họ đứng trên đèo gọi anh rồi khuất sau núi. Khi bóng họ tan biến vào lau lách thì anh tỉnh dậy. Nhưng khi đã tỉnh dậy anh vẫn còn nghe tiếng hát của họ vọng tới.

Anh mở mắt thấy Thúy đang ngồi khóc. “Sao vậy em?” Anh hỏi. Thúy không trả lời, Thúy ngồi bó gối trên nền nhà với mái tóc không thèm chải sau một giấc ngủ dài mộng mị. Thúy cố ngăn những giọt nước mắt nhưng chúng cứ trào ra. Anh bước ra khỏi giường và đến nắm lấy tay Thúy. “Sao em lại khóc?” Anh hỏi, Thúy nhìn anh, rồi nhìn con trai đang ngủ. “Phải về quê thôi anh ạ, mình hết sạch rồi.” Nói đến đây Thúy khóc òa lên, Thúy nhướng người về phía anh rồi ôm riết lấy anh. “Mình hết sạch mọi thứ rồi anh ơi…”.

Anh lại ngồi đó, anh ngồi co ro trong gió, thỉnh thoảng lại có những chiếc xe cứu thương hú còi phóng qua anh, anh ngồi đó trong bộ dạng của một kẻ vô gia cư lem luốc bụi trần. Không biết anh đã đếm được bao nhiêu chiếc xe cứu thương hú còi phóng qua anh, mỗi chuyến xe là một số phận đang trên bờ hấp hối. Khi đại dịch tràn qua tới nay, nó đã giết chết không biết bao nhiêu người. “Khi nào thì đến lượt mình nhỉ?” Anh tự nghĩ rồi rùng mình. Trời càng về khuya càng lạnh, anh kéo chiếc chăn cố để đắp khít người. Đằng xa kia, dưới chân cầu là gia đình của một người đàn ông luống tuổi. Anh chọn nơi mình nằm không xa những gia đình khác. Tối nay họ lại đến, những người từ thiện lại tạt qua, họ đưa nước, thức ăn và một số đồ dùng cho những người vô gia cư. Anh lại chờ và hi vọng. Anh nhìn xung quanh mình, chưa bao giờ anh tưởng tượng ra cuộc sống của anh lại tới nông nỗi này. Tuổi trẻ, hi vọng, những khát khao bây giờ chỉ là những nhúm tàn tro trong gió. Giờ này chắc ở phòng trọ, vợ con anh đã ngủ. Không biết thằng bé đêm nay sẽ mơ gì. Con mơ gì trong đêm nay hả con trai? Anh mỉm cười, sẽ qua thôi, thảm cảnh này sẽ mau chóng qua thôi. Rồi anh sẽ lại vào xưởng làm việc, vợ anh cũng sẽ trở lại nhà máy, con anh lại đến trường, cứ coi đây chỉ là một giấc mộng dài, một giấc mộng hãi hùng và dai dẳng.

Một đêm nữa anh không về nhà, Thúy mở mắt mà không thấy anh. Khi điện thoại còn tiền, anh nhắn với Thúy là anh đã tìm được một công việc để làm trong mùa dịch. Lúc đầu Thúy không tin nhưng rồi anh nói rằng anh đi theo phụ việc cho một đoàn từ thiện, đoàn từ thiện nên họ có giấy phép đi lại trong thành phố, với công việc đó anh có thể lo cho Thúy và con tồn tại qua mùa dịch này mà không phải tìm cách về quê như ý của Thúy. Thúy mở tủ lạnh, thấy có một hộp gì đấy, Thúy mở ra xem thì thấy một hộp xôi đầy với bao nhiêu xúc xích, cả trứng nữa. Bên cạnh là một ít rau. Trên ngăn đông của tủ lạnh cũng có một hộp cá biển. Thúy như muốn reo lên, thế là anh nói thật, anh đã tìm được việc làm và đêm qua anh có về. Anh về sao Thúy không biết, anh về rồi anh lại đi ngay hay sao? Đời sống công nhân là thế, đôi khi chồng về vợ đã ngủ say và khi chồng đi vợ chưa thức giấc và ngược lại. Nên Thúy cũng tạm an tâm và nghĩ rằng gia đình mình sẽ sống sót.

Cả cuộc đời anh, chưa bao giờ anh có thể nghĩ rằng đến một lúc anh lại lẫn lộn vào đoàn người vô gia cư để có thể kiếm được miếng ăn cho gia đình mình. Anh bước những bước chân vô định dưới chân cầu, gió từ bờ sông táp vào mặt anh nghe mặn chát. Anh liếm môi mình, anh nghe môi mình nứt khô và cũng mặn chát. Xung quanh anh, những người vô gia cư đang quằn quại trong tâm dịch. Những người đàn bà gầy trơ xương, những người đàn ông với những cặp mắt trắng dã đang ngước nhìn anh, nhìn một thành viên mới gia nhập cùng họ. Anh nhìn những đứa trẻ đen đúa, lấm lem. Nhưng trong ánh mắt của chúng, anh cảm nhận được một sự lì lợm và một sức sống dai dẳng không gì có thể tả được. Có những gia đình người vô gia cư sống chung nhau trong một manh chiếu nhỏ dưới chân cầu, anh nhìn thấy hàng chục gói bao bóng nhỏ, họ đựng trăm thứ linh tinh, đó là gia sản của họ. Ngày thường, công việc của những người vô gia cư là nhặt rác dọc hai bờ sông hay bới tìm trong những bãi rác khổng lồ kiếm ăn, cũng có những người chạy xích lô, xe thồ và cả bán vé số... Họ làm tất thảy những công việc gì mà đem lại cho họ miếng cơm qua ngày. Họ sống lay lắt như xa lạ với văn minh, xa lạ với phồn hoa đô hội.

“Dừng lại đi, chờ thêm tí nữa, ở đây thường có đoàn từ thiện đi qua.” Anh quay lại, một cụ già ngồi trên xe lăn nói với anh. Anh mỉm cười. “Đói lắm phải không?” Cụ già hỏi. Anh không trả lời. “Một mình à, có gia đình gì không?” Cụ già hỏi anh. “Một mình.” Anh trả lời. “Tưởng có gia đình thì tôi còn đây mấy ổ bánh mì.” Cụ già nói. “Ăn đi.” Cụ già ném về phía anh một ổ bánh mì.” Anh cúi xuống nhặt lên, anh nhìn vào ổ bánh rồi nước mắt anh ứa ra. Nhưng anh đã ngăn được những dòng nước mắt của mình lại, hay nói đúng hơn, anh cho những dòng nước mắt của mình chạy ngược vào bên trong. Nước mắt bây giờ có nghĩa lý gì, nước mắt đối với những người vô gia cư là điều xa lạ. Đã từ lâu họ chẳng còn nước mắt.

Đêm nay, khi cả thành phố chìm vào giấc ngủ sầu muộn, anh lại lẻn về phòng trọ trong bộ dạng của một kẻ vô gia cư hôi thối. Trên vai anh là một bao thức ăn, nào là bánh mì, rau củ, nước uống, lương khô… Đó là những chiến lợi phẩm mà anh có được trong bộ dạng của một kẻ hành khất. Đó là những gì anh gom góp được từ những người đi làm từ thiện trong những ngày qua. Có nhiều thứ đã ôi thiu nhưng anh nghĩ Thúy sẽ biết cách khiến chúng trở nên ngon lành. Anh vui sướng lách qua con hẻm nhỏ, một con hẻm sâu mà không một đoàn tự thiện nào biết tới, anh mở cửa và lẻn vào phòng trọ, ánh đèn vàng từ ngoài hắt vào yếu ớt nhưng đủ để anh thấy vợ con mình. Con trai anh ngủ ngoan lành quá, Thúy cũng ngủ ngoan lành quá. Anh đứng lặng ngắm nhìn vợ con mình ngủ. Thỉnh thoảng thằng bé lại nói mớ: “Mẹ ơi, ba đâu rồi?” Anh ngồi xuống trong góc phòng. Anh ngồi lặng để màn đêm vuốt ve lên thân thể gầy còm dơ dáy của anh. Anh ngồi trong đêm để nghe tiếng đêm muôn trùng vây khốn. Anh lắng nghe nhịp thở và cố ngửi mùi mồ hôi trên tóc con trai. “Ba đã về đây rồi con.” Anh chợt buột miệng nhưng anh đã kìm lại được. Không bao giờ anh để vợ con thấy anh trong bộ dạng này. Bộ dạng của một kẻ ăn mày thống khổ. Rồi anh lặng lẽ để vào tủ lạnh những thứ anh xin được, tủ lạnh trước khi anh mở cũng đã trống trơn không còn gì nữa. Vậy là từ sáng tới giờ vợ con anh có lẽ đã nhịn đói. Anh cắn chặt răng mình để khỏi gào lên. Anh gầm gừ trong cổ họng. Rồi anh lặng lẽ ra đi, lặng lẽ như khi anh trở về, qua ánh đèn hắt vào, anh nhìn thấy một mảnh giấy nhỏ trên bàn, Thúy viết cho anh: “Em định gọi và nhắn tin cho anh nhưng máy em hết tiền, nếu anh về, anh có thể lên giường ôm mẹ con em một lát không, gắng lên anh nhé, đừng để bị lây nhiễm…”. Đọc xong anh quay lại nhìn Thúy, trong đêm Thúy đẹp quá, đẹp như một giấc ngủ yên bình. Nhưng anh không thể ôm em trong bộ dạng dơ dáy này, Thúy ơi…

Đoàn người mang áo tơi lại đứng trên đèo réo gọi anh. Họ đi từ bình minh này qua bình minh khác. Đi từ cơn giông này qua ngày nắng nọ. Đoàn người ly hương mỗi khi qua đèo họ đều đứng lại và réo gọi anh. Đoàn người mang áo tơi lại réo gọi anh. Khi réo gọi anh không được họ lại ra đi. Họ vừa đi vừa hát. Họ hát rằng:

Đèo Cả
Đèo Cả
Đừng ngăn bước ta đi
Hôm qua ta đi vì ngày mai tươi sáng
Hôm nay ta về đất mẹ đón ta không
Ta không tin vào bình minh vàng
Ta không tin vào bình minh bạc
Ta không tin vào những đức tin
Đèo Cả
Đèo Cả
Thung sâu
Thung sâu
sâu chi cho lắm tủi hờn…


Trời đổ mưa, phố hoang vắng và lạnh lẽo, anh bước đi vô định trên phố như một người vô gia cư giấu buồn vào trong mắt. Thỉnh thoảng những con chó hoang bới tìm thức ăn trong đống rác ngước lên nhìn anh. Chúng không sủa, chúng cũng chẳng sợ hãi anh, chúng nhìn anh rồi lại lục tìm trong đống rác. Khi quá mỏi mệt anh ngồi xuống bên hiên một nhà hàng đã đóng cửa từ lâu vì dịch bệnh. Anh lại ngắm nhìn phố xá, phố xá tiêu điều, thỉnh thoảng tiếng hú còi của đoàn xe cứu thương làm anh rợn người. Rồi anh trải manh chiếu ra và nằm xuống. Bây giờ anh cảm thấy kiệt sức, anh muốn buông xuôi sau những ngày tháng sống đời vô gia cư lầm lũi. Anh cảm thấy có lỗi với con trai anh, có lỗi với Thúy, với cha mẹ già ở quê và cả với tổ tiên anh nữa. Anh miên man suy nghĩ. Rồi có người gọi anh: “Chú ơi, cơm của chú.” Anh ngước nhìn lên. Hai người đi xe máy với quần áo bảo hộ kín mít đưa cho anh một hộp cơm bụi, anh run rẩy giơ tay ra hứng lấy mà lòng trào nước mắt. “Chú còn ai không? Gia đình chú giờ sao?” Một người lại hỏi. Anh định nói anh chỉ có một mình nhưng rồi anh nói: “Tôi còn vợ và một đứa con trai, chúng tôi ở trọ trong một con hẻm nhỏ nên chưa ai vào cứu trợ.” Họ lại đưa thêm cho anh hai hộp cơm bụi và một phong bì nhỏ. Khi họ đi, anh mở phong bì, mắt anh sáng lên, anh vui khôn xiết. Tiền, đã lâu rồi anh không được nhìn thấy tiền. “Tiền ơi…”. Anh òa khóc rồi cố nhét vào miệng mình mấy hạt cơm, anh trệu trạo nhai trong nước mắt, cổ họng anh đắng nghét.

Anh cảm thấy cổ họng mình đắng và bỏng rát. Trong đêm anh thức giấc và ho liên tục, anh cảm thấy toàn thân rã rời. Ngực anh giờ đây như có hàng tấn đá đè xuống. Một linh cảm gì đấy dấy lên trong anh. Anh há miệng cố lấy thêm ô xi để thở nhưng anh không nhận được một tí ô xi nào cả, anh cố thở hết sức nhưng không thể thở được. Những hộp cơm bụi trên tay anh rơi xuống đất tan tành. Anh nhào xuống trên hè phố. “Anh không thể thở được Thúy ơi.” Anh gào lên nhưng anh chỉ khò khè được những tràng âm thanh yếu ớt trong cổ họng. Giờ đây, dưới chân anh là lửa, trên đầu anh là một bầu trời đầy lửa, lửa trên tóc anh, lửa cháy trong lồng ngực anh, lửa khắp mọi nơi, anh cảm thấy toàn thân nóng rát. Trong cơn hoảng loạn anh nghĩ về vợ con anh, những thân phận khốn khổ đang mắc kẹt trong con hẻm nhỏ.

Rồi đoàn người mang áo tơi lại đứng trên đèo gọi anh. Họ lại gọi anh, tiếng gọi vang khắp núi rừng, vang xuống thung sâu. Anh nghe họ gọi anh nhưng anh không thể trả lời. Họ vừa đi vừa gọi anh, có lẽ họ gọi anh trở về, cũng như chính họ đang làm một cuộc trở về. Họ đang đi trong mưa gió để làm một cuộc trở về với nơi mà họ thuộc về. Họ vừa đi vừa hát. Họ hát rằng:

Đèo Cả
Đèo Cả
Đêm nay ta đi
Rừng hoang im tiếng hú
Ta sẽ về với mẹ cha ta
Lòng ta giờ đây đầy vết thương
Đèo Cả
Đèo Cả
xin đừng làm li biệt
thịt da nào chẳng đau…


Thúy ngồi co ro trong phòng trọ, Thúy cảm thấy thèm tiếng người kinh khủng, Thuý nghe người ta nói đang có hàng ngàn người bỏ về quê. Nếu giờ anh có ở đây Thúy sẽ cùng với anh và con trai về quê. Chiếc xe máy đã quá cũ nhưng Thúy tin bằng niềm khát sống gia đình mình sẽ vượt qua tất cả, mấy ngàn cây chứ mấy vạn cây gia đình Thúy cũng sẽ bình an trở về trong vòng tay quê hương yêu dấu. Con trai vẫn ngủ, Thúy nhìn con trai và lắng nghe những hơi thở sâu của nó, trong Thúy dấy lên một niềm hạnh phúc vô bờ, với Thúy, con trai và anh là một, thằng bé giống anh như đúc, đôi khi Thúy bật cười bởi không thể ngờ rằng con mình lại giống anh đến mức ấy. Từ khóe miệng cười, cách hờn dỗi đến điệu đi đứng đều giống đúc anh. Thúy đứng dậy mở tủ lạnh ra, mấy đêm rồi anh không về. Không biết giờ này anh và đoàn người từ thiện đang ở con phố nào. Con phố nào giờ đây cũng hoang lạnh. Thúy nghĩ thầm rồi lấy ngón tay bấm lên cây xúc xích duy nhất còn lại trong tủ lạnh. Nhưng anh sẽ về sớm thôi, Thúy nghĩ mình nên gói gém đồ đạc dần, khi anh về là cả nhà về quê ngay.

Anh tỉnh giấc, anh cảm thấy mình như đang ở dưới tầng sâu nhất của đại dương. Trên ngực anh là cả một biển nước. Anh gần như không thở được, lửa vẫn cháy trong lòng ngực anh. Anh cố gượng ngồi lên, bây giờ trước mắt anh là một không gian xa lạ, một không gian mà anh chưa bao giờ chứng kiến, một không gian chỉ có trong những thước phim viễn tưởng mà anh đã xem qua. Xung quanh anh toàn là giường bệnh, anh thấy hàng ngàn chiếc giường nối tiếp nhau kéo dài tới vô tận. Anh nhìn thấy hàng trăm con người với quần áo bảo hộ kín mít đang di chuyển trước mặt anh. Anh còn nhìn thấy người ta khiêng những người đã chết ra khỏi cánh cổng kia để đến lò hỏa táng. “Anh nằm xuống đi, số anh may đấy.” Anh nhìn lên, một vị bác sỹ trong bộ đồ bảo hộ nói với anh. “Nếu người ta không đem anh vào đây kịp lúc là anh đã không còn nữa đâu nhé.” Vị bác sỹ nói và kiểm tra cái gì đấy liên quan tới ống thở trên người anh. Thì ra đã ngất xỉu trên phố, đội cứu hộ đã đưa anh vào đây. “Tôi có chết không?” Anh hỏi. “Làm sao mà chết được, gắng thở, không suy nghĩ vẩn vơ.” Vị bác sỹ nói. “Tôi còn con nhỏ và vợ mắc kẹt trong một con hẻm nhỏ, cứu tôi với, tôi chưa thể chết…”. Anh khò khè những tràng âm thanh yếu ớt và khô khốc. “Cho tôi địa chỉ, chúng tôi sẽ cử đội cứu hộ tới xem sao…”. Vị bác sỹ nói. Anh như người chết đuối bắt được phao, anh cảm ơn vị bác sỹ và cố thở thật đều. Anh biết lúc này chỉ có hi vọng mới cứu được anh thôi. Hi vọng, phải hi vọng, con ơi, Thúy ơi, chúng ta phải hi vọng.

Trong cơn hôn mê, đoàn người kia lại đứng trên đèo gọi anh. Đoàn người mang áo tơi lại đứng trên đèo cố gọi anh. Nhưng anh không nghe thấy. Những tràng âm thanh của họ bị thung sâu nuốt chửng. Gọi anh không được họ lại đi, họ vừa đi vừa hát. Hát rằng:

Đèo Cả
Đèo Cả
Đừng ngăn bước ta đi
Hôm qua ta đi vì ngày mai tươi sáng
Hôm nay ta về đất mẹ đón ta không?
Đón ta không khi thân ta rã rượi
Ta trở về như đứa trẻ tìm hơi
Đứa trẻ tìm hơi quờ trong mơ không thấy mẹ
Mẹ bỏ đi rồi xác còn ở thung sâu
Thung sâu ơi hỡi thung sâu
Sâu chi cho đặng mặn mòi tóc ai…


Anh ngồi lặng nhìn những hàng cây trong khuôn viên bệnh viện, những hàng cây xanh mướt, những chồi non mới nụ như nói với anh những điều gì đấy về niềm hi vọng. Bác sỹ nói với anh tình trạng của anh đã tốt lên nhiều, mà anh cũng cảm thấy mình đã dễ thở hơn, anh không còn cần đến máy thở nữa. Anh nhường máy thở cho người bệnh bên cạnh. Anh nhớ Thúy và con, không biết bây giờ Thúy và con thế nào, bao nhiêu ngày qua vợ con anh sống thế nào đây. Rồi vị bác sỹ bước vào và tới bên anh, ông đưa cho anh một mảnh giấy nhỏ. Ông cười và vỗ vào vai anh. Trong mảnh giấy nhỏ là chữ của Thúy. “Anh ơi, đội cứu hộ của bệnh viện đã len qua con hẻm và tới chỗ mình, em biết anh bị nhiễm bệnh nhưng họ nói với em tình trạng của anh tốt lên rất nhanh, gắng nhanh lành để về với vợ con em anh nhé. Em và con hiện tại đã được mọi người cung cấp lương thực và thuốc men dự phòng, nên anh an tâm. Khi anh ra viện nhà mình sẽ về quê anh nhé, người ta về quê nhiều lắm anh ạ, em muốn mình về quê thôi…”.

Anh và Thúy đi giữa rừng người, băng qua nhưng con phố, băng qua những khốn khó thường ngày để trở về quê sau những tháng năm làm công nhân trong nhà máy. Cả ngàn người cùng về quê. Họ đi như thác lũ, đi như những cơn giông. Chiếc xe máy cũ không làm anh và Thúy ái ngại. “Quê mình xa không bố?” Con trai anh hỏi. “Xa lắm, mấy ngàn cây nhưng sẽ tới nhanh thôi con.” Anh nói với con trai và giữ chặt tay lái. Đằng sau, Thúy vòng tay qua người thằng bé để ôm lấy anh, sau lưng Thúy là hai cái vali đầy quần áo và những thứ đồ dùng đơn sơ thường ngày của gia đình anh. Trời đã hửng nắng, họ đi qua rừng núi, đi qua làng mạc thôn quê. Khi đi qua những cánh đồng lúa, anh thở thật sâu để cảm nhận mùi vị quê hương bao đời khốn khó. Trước họ là cả ngàn người, sau họ cũng là cả ngàn người cùng đi. Họ vừa đi vừa hát, họ hát rằng:

Đèo Cả
Đèo Cả
Đừng ngăn bước ta đi
Hôm qua ta đi vì ngày mai tươi sáng
Hôm nay ta về đất mẹ đón ta không?


L.H.N  
(TCSH393/11-2021)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".

  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.

  • XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.

  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...