VÕ VINH QUANG
Thanh Bình từ đường, thờ tổ nghề hát bội của triều Nguyễn, tọa lạc ở kiệt 281 đường Chi Lăng, thành phố Huế là một địa điểm quan trọng trong truyền thống văn hóa nghệ thuật của đất Cố đô.
Thanh Bình từ đường - Ảnh: internet
Từ đường Thanh Bình thuở đầu triều Nguyễn được lập nên để vừa là nơi thờ cúng các vị tiên hiền nghề Tuồng cổ, và cũng là nơi tập hợp những quan viên của Thanh Bình thự (sảnh công Thanh Bình - đội Nhã nhạc triều Nguyễn) sinh hoạt và cư ngụ.
Nói về lai lịch Thanh Bình thự, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 143: Doanh hiệu quân ở Kinh, mục “thư Thanh Bình” cho biết: “Gia Long năm đầu, mộ lập đội Việt Tường, để sung vào hầu trực ca múa. [Gia Long] năm thứ 5, nghị chuẩn: Đội Việt Tường, liệt vào hạng tòng tinh binh. Minh Mạng năm thứ 7, trích lấy biền binh ở vệ Vũ Thành 44 tên sung bổ vào đội Việt Tường. [Minh Mạng] năm thứ 9, đổi đội Việt Tường làm thự Thanh Bình. Những con cái ca kỹ ở các hạt Quảng Nam, Quảng Nghĩa [Ngãi], Bình Định, Phú An [Yên] cũng cho lệ thuộc thự ấy…”1.
Lịch sử hình thành và trùng tu ở thế kỷ XIX, XX của Thanh Bình từ đường được biên thuật trong hai văn bia hiện đặt ở khuôn viên từ đường ấy. Hiện nay (tháng 11 năm 2018), từ đường đang được tiến hành trùng tu, sửa chữa và nâng cấp. Nhận thấy việc tìm hiểu quá trình tồn tại và biến đổi của Thanh Bình từ đường không thể không nắm rõ nội dung hai văn bia này, vậy nên chúng tôi xin được giới thiệu, dịch thuật và bước đầu khái lược về giá trị của các văn bia liên quan nói trên.
Hai văn bia hiện đặt ở hai phía (nhìn từ ngoài vào) trái, phải trước mặt từ đường Thanh Bình. Bên phải là tấm bia dựng năm Minh Mạng thứ 5 (1824) và bên trái là tấm bia dựng năm Mậu Tuất (1958). Hai bia có kích cỡ tương đương nhau, gồm: bia cao 110cm, rộng 62cm, trán bia dật góc và cao 62cm, diềm bia rộng 8cm. Về mỹ thuật trang trí, bia đá năm 1824 được tạo tác bằng hoa lá lượn sóng cách điệu; phía trán bia trang trí bằng đôi chim phượng chầu mặt trời. Phần dưới chân bia tạo hình bằng hoa lá cách điệu uốn lượn trên sóng. Bia đá năm 1958 là bia trơn, không trang trí. Dưới đây là bản dịch.
1. Văn bia năm Minh Mạng thứ 5 (1824)
Hán văn:
![]() |
Phiên âm:
Minh Mệnh ngũ niên tứ nguyệt cát nhật tạo bi, ư Quý Mùi niên tam nguyệt sơ cửu nhật trùng tạo từ đường bi văn. Trường trung xuân thự, nghiễm nhiên vũ dật 2 uy nghi; Đường thượng vân khai, hòa chỉ thanh âm liệu lượng. Lịch số cổ kim lạc sự; Tẫn vi thiên hạ kì quan. Đường hoàng nhã điệu sạ khai, vận tuyên kim thạch; Cổ xúy hòa âm sơ thính, hưởng triệt vân tiêu. Tranh công đoạt diễm, quyết thái kham khoa. Ngoạn hí thưởng tâm bất nhất; nhi túc quân tể thiên thu. Tưởng tượng hoảng nhược diện tiền, anh hào vạn cổ; Y hi 3 nhan đồng mục hạ, mai tự lịch triều. Hữu tác tư đào, thanh nhạc điệt hứng. Giải dân uấn vu Ngu huyền 4, khánh vân trùng đổ; Truy thái giao 5 vu Chu yến, trạm lộ tái ca. Thẩn thời kiến: Khái thóa cung thương 6, bộ xu đạc luật. Điện đình bái vũ, chiêu gia mỹ chi quốc tường; Lang miếu hòa canh 7, bái uông dương chi đế trạch. Hạnh kim: Từ đường trùng tạo, trở đậu nhất tân. Kiêm hạt quan đa, lại đức công vô vong bội phục; Tân bi tạo vĩnh, lưu trần tích điên bá 8 canh ca.
Việt Tường đội Phân suất Cai quan Quang Đức bá Trương Văn Hiền, Ty quan Nghi Đức tử Nguyễn Văn Nhân, Viên chức Tống Phước Lân, Nguyễn Văn Uyên, Hoàng Văn Viết, Nguyễn Văn Phượng, Nguyễn Văn Nghiễm, Mai Văn Thống, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Bá Phú, Lê Công Huy, Nguyễn Văn Của, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Nương, Tống Phước Cải, Nguyễn Văn Phái, Lê Phúc Trạch, bổn đội đồng kiến lập.
Dịch nghĩa:
Ngày lành tháng 04 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) tạo dựng bia đá, [đây là] văn bia trùng tạo từ đường [hoàn thành] vào ngày 09 tháng 03 năm Quý Mùi (1823).
Trong sân xuân rạng, uy nghi múa dật chỉnh nghiêm; Trước điện mây bày, trong trẻo thanh âm hòa điệu. Trải khắp xưa nay hoan hỉ, tận cùng thiên hạ kỳ quan. Đường hoàng nhã nhạc chợt vang, lời xuyên vàng đá; Kèn trống hòa âm vừa vọng, tiếng thấu trời mây. Khéo tranh diễm lệ, quyết giữ khoa trương. Vờn giỡn, hân hoan muôn một; Vẹn tròn nghiệp đế thiên thu. Trước mặt tưởng tượng tựa hồ, anh hùng vạn cổ; Dưới mắt tỏ mờ tranh biện, quân ngựa lịch triều. Tạo tác kép đào, nhạc vang khởi hứng. Dân hết giận bởi Ngu cầm, mây lành cùng tỏ; Nước thái hòa nơi Chuyến, mưa móc lại ca.
Cũng thấy đây: Thổi tiếng cung thương, bước cùng âm luật. Điện đình lạy múa, tỏ điềm nước thịnh rạng ngời; Tông miếu nối lời, rưới ân vua tươi lênh láng.
May nay: Từ đường trùng tạo, lễ khí mới tươi. Quan quản lo nhiều, cậy đức công không quên khâm phục; Dựng bia còn mãi, lưu dấu cũ lay động hòa ca.
Đội Việt Tường [gồm]: Phân suất Cai quan là Trương Văn Hiền, tước Quang Đức bá; Ty quan là Nguyễn Văn Nhân, tước Nghi Đức tử; Viên chức là Tống Phước Lân, Nguyễn Văn Uyên, Hoàng Văn Viết, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Nghiễm, Mai văn Thống, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Bá Phú, Lê Công Huy, Nguyễn Văn Của, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Nương, Tống Phước Cải, Nguyễn Văn Phái, Lê Phước Trạch cùng quan viên bổn đội đồng tạo lập.
2. Văn bia năm Mậu Tuất (Việt Nam Cộng Hòa, 1958)
Hán văn:
越南共和戊戌年八月二十日,清平弟子等竊念: 酬恩報德, 改設重修, 奉事祖業賢哲 偉人陶成教化, 並諸前輩普及同業男女過故先靈永留後世, 以表功勳。所有謹受其人, 案分其事,以壯觀瞻,列計于左。計
督工黃玉璣,書記阮文坡,財政阮仲謹,弟子仝造立.
![]() |
Phiên âm:
Việt Nam Cộng Hòa Mậu Tuất niên bát nguyệt nhị thập nhật, Thanh Bình đệ tử đẳng thiết niệm: Thù ân báo đức, cải thiết trùng tu, phụng sự tổ nghiệp, hiền triết vĩ nhân, đào thành giáo hóa, tịnh chư tiền bối phổ cập đồng nghiệp nam nữ quá cố tiên linh, vĩnh lưu hậu thế, dĩ biểu công huân. Sở hữu cẩn thụ kì nhân, án phân kì sự, dĩ tráng quan chiêm, liệt kê vu tả. Kê: Đốc công Hoàng Ngọc Cơ; Thư kí Nguyễn Văn Pha, Tài chánh Nguyễn Trọng Cẩn, đệ tử đồng tạo lập.
Dịch nghĩa:
Việt Nam Cộng Hòa, ngày 20 tháng 08 năm Mậu Tuất (1958), các đệ tử của Thanh Bình [từ đường] trộm nghĩ: [nhằm] trả ơn báo đức, [các đệ tử] thiết đặt trùng tu từ đường, để phụng thờ tổ nghiệp, cùng các hiền triết, vĩ nhân đã giáo hóa cho nghiệp đào hát (hát bội), và các tiền bối khắp nơi, đồng nghiệp nam nữ, tiên linh đã khuất, để mãi truyền lưu hậu thế, tỏ ngời nghiệp lớn công cao. [Ghi chép] hết thảy người nào đã kính trao nhận, những việc khảo phân, để xem xét đầy đủ rõ ràng, liệt kê dưới đây. Kê:
Đốc công là Hoàng Ngọc Cơ, Thư ký Nguyễn Văn Pha, Tài chính Nguyễn Trọng Cẩn cùng các đệ tử đồng tạo lập.
3. Sơ lược nhận định về giá trị của hai văn bia từ đường Thanh Bình
Qua nội dung hai văn bia ở từ đường Thanh Bình, đối chiếu với những ghi chép về thự Thanh Bình trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ta thấy thự Thanh Bình vốn tên là đội Việt Tường, một đơn vị Nhã nhạc (cùng đơn vị thự Hòa Thanh) thuộc bộ Binh của Kinh sư, được thành lập vào năm đầu niên hiệu Gia Long (1802). Có lẽ từ đường vốn đã được lập từ những năm đầu triều Nguyễn, và đến 22 năm sau, tức ngày 09 tháng 03 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), từ đường Thanh Bình được chính thức hoàn thành việc trùng tạo; rồi cho khắc bi văn vào tháng 4 năm 1824 nhằm di lưu dấu tích. Bốn năm sau, vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828), đội Việt Tường được đổi làm thự Thanh Bình. Đấy cũng chính là tên gọi chính thức của ngôi từ đường thờ tổ ngành Hát Bội triều Nguyễn cho đến hôm nay.
![]() |
Trong hai văn bia ở từ đường, chúng tôi thấy văn bia năm Minh Mạng thứ 5 (1824) không chỉ có giá trị “khắc ghi” lịch sử tạo dựng từ đường, mà giá trị văn chương của văn bia này cũng rất đáng quan tâm tìm hiểu. Văn bia được viết theo thể tứ lục, biền ngẫu đầy tính nhạc, âm điệu nhịp nhàng, ngôn từ uyển chuyển, với nội dung ca ngợi, tự hào với nền thái hòa thịnh trị của vương triều cùng đất nước. Chẳng hạn như các đoạn: “Trường trung xuân thự, nghiễm nhiên vũ dật uy nghi/ Đường thượng vân khai, hòa chỉ thanh âm liệu lượng” 場中春曙,儼然舞佾威儀; 堂上雲開, 和止聲音嘹喨 (Trong sân xuân rạng, uy nghi múa dật chỉnh nghiêm; Trước điện mây bày, trong trẻo thanh âm hòa điệu); hay như cặp câu chuẩn đối “Điện đình bái vũ, chiêu gia mỹ chi quốc tường/ Lang miếu hòa canh, bái uông dương chi đế trạch” 殿庭拜舞,昭嘉美之國祥; 廊廟和賡; 沛汪洋之帝澤 (Điện đình lạy múa, tỏ điềm nước đẹp rạng ngời; Tông miếu nối lời, rưới ân vua tràn lênh láng)… Có thể nói tính đăng đối chuẩn mực tạo nên giai điệu trầm bổng, luyến láy, khiến độc giả tưởng chừng như bắt gặp những ca từ du dương, uyển chuyển đầy hào sảng ở văn bia này. Đấy có thể xem là điểm nhấn quan trọng trong quá trình tìm hiểu về các di vật ở nhà thờ tổ nghề Hát Bội nơi đây.
Đối với văn bia năm Mậu Tuất (1958), mặc dù nội dung ngắn gọn song cũng giúp ích cho độc giả và những người quan tâm thêm phần hiểu rõ quá trình trùng tu từ đường sau tầm 150 năm tồn tại (khoảng 1802 - 1958). Đợt trùng tu này (1958) diễn ra một thời gian sau khi triều Nguyễn cáo chung (1945), do các đệ tử của thự Thanh Bình hưng công góp của, chứng tỏ rằng nghề hát Bội (tuồng) ở Huế vẫn tiếp tục được duy trì khá tốt vào nửa cuối thể kỷ XX.
Tóm lại, bằng việc giới thiệu nội dung hai văn bia trên, chúng tôi mong muốn cung cấp thêm một nguồn tư liệu căn bản về từ đường Thanh Bình, nhằm cùng các di vật liên quan ở nơi đây (như các hoành phi câu đối, sắc phong, ảnh tượng, linh vị, tờ lưu chiểu…) góp phần làm rõ hơn một số giá trị độc đáo hiện tồn ở ngôi nhà thờ chư tổ nghề Tuồng cổ.
Huế, 15/11/2018
V.V.Q
(TCSH363/05-2019)
---------------
1. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 9 (Viện Sử học dịch), Nxb. Thuận Hóa, tr. 221.
2. Vũ dật 舞佾: múa bát dật. Bát dật 八佾 là điệu múa dùng cho Thiên tử nhà Chu, Lễ định của Thiên tử được bắt sáu mươi tư người múa bài bông, tám hàng, mỗi hàng tám người.
3. Y hi 依稀: phảng phất (彷彿), trạng thái không rõ ràng, lúc mờ lúc tỏ.
4. Ngu huyền 虞絃: tiếng đàn cầm 5 dây đời Ngu Thuấn (cũng viết Ngu huyền 虞弦). Tiếng đàn của Ngu Thuấn tượng trưng cho sự thanh bình thịnh trị, lễ nhạc vượng hưng.
5. Thái giao 泰交: tức chỉ đời thịnh trị (thịnh thế 盛世). Chữ này lấy ý từ lời Kinh ở quẻ Thái 泰卦 của Kinh Dịch 易經: “Tượng viết: Thiên địa giao, THÁI” 象曰: 天地交,泰 (Lời Tượng nói rằng: Trời đất GIAO hòa là quẻ THÁI).
6. Cung thương 宮商: hai âm trong 5 âm của nhạc lý cổ, gồm cung 宮, thương 商, giốc 角, chủy 徵, vũ 羽.
7. Hòa canh 和賡: dùng thơ ca để tặng đáp, cũng viết là canh hòa 賡和. Chữ này cũng tương đương với canh ca 賡歌 (hát nối, họa đáp lại thơ ca), canh xướng 賡唱(xướng họa lại thơ ca).
8. Điên bá 顛播: lay động không ngừng (diêu động bất định 搖動不定). Sách Tam quốc diễn nghĩa 三 國演義, hồi thứ 47 có đoạn: “Bắc binh bất quán thừa chu, thụ thử điên bá, tiện sinh tật bệnh” 「北兵 不慣乘舟,受此顛播,便生疾病」(quân phương Bắc chẳng quen đi thuyền, bị thuyền lay động không ngừng, khiến sinh ra bệnh tật).
PHƯỚC VĨNH
Nói đến những tiềm năng phát triển của Huế là nói đến các yếu tố thiên nhiên, lịch sử văn hóa, trong đó có yếu tố sông, núi, cỏ cây và con người; là nhắc đến những bài thơ sâu lắng, những giai điệu mượt mà…
LGT: Cuốn sách Florette ou la rivière des parfums của tác giả T. Trilby(*) được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chuyện bên dòng sông Hương(**). Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở Huế và vùng phụ cận vào thập niên 1920 của thế kỷ XX.
LƯU TRỌNG VĂN
(thực hiện)
PHAN THUẬN AN
Nghệ thuật cung đình là những loại hình nghệ thuật gắn bó thiết thân với sinh hoạt tinh thần và vật chất của giới cầm quyền tại kinh đô dưới các triều đại quân chủ ngày xưa.
PHAN TÂN
Trong năm 2018 vừa qua, ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh cũng đã triển khai những chương trình đột phá, công trình trọng điểm, tập trung lãnh đạo, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển theo hướng nhanh, bền vững. Các chương trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
NGUYỄN VĂN CƯƠNG - NGUYỄN VĂN KHÁNH
Trong chuyến đi điền dã khảo sát di tích tại khu vực Phường Thủy Xuân, TP Huế. Chúng tôi tình cờ phát hiện một di chỉ cổ nằm lẫn khuất trong những tán cây rậm rạp trên vườn đồi của làng Dương Xuân thượng trước đây. Vạch lá dò dẫm tìm vào, chúng tôi mới nhận ra nơi mình đặt chân đến chính là một Văn Miếu, nơi thờ phụng vị Thánh về Văn, người mà được hậu thế tôn vinh là Vạn thế Sư biểu (người thầy của muôn đời), Đức Khổng Tử. Ngôi miếu nằm lọt thỏm trong những tán lá, bụi cây.
HỒ VĨNH
Đại bác là một từ dùng chung cho tất cả các loại trọng pháo hay súng lớn. Tiền thân của chúng là những máy ném đá (Thạch pháo) ra đời cách đây 1.000 năm. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII ở Việt Nam đã xuất hiện các loại pháo bằng đồng và pháo bằng sắt mà ngày nay chúng ta thường gọi là súng thần công.
KIM THOA
Chè bán ban ngày, ban đêm. Chè gánh, chè xách, chè ăn trên bờ, chè thưởng thức dưới đò. Huế bán đủ thứ chè, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, nhưng ít thấy chè hột sen.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Hoàng tử Cảnh (1780 -1801) là con trưởng của vua Gia Long. Trong thời gian chống nhà Tây Sơn, hoàng tử Cảnh đã theo Bá-đa-lộc sang Pháp cầu viện cho họ Nguyễn. Hoàng tử Cảnh theo Thiên chúa giáo và được giám mục Bá-đa-lộc rất thương yêu.
THƠM QUANG - THANH BIÊN
Trong khối tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có khá nhiều tư liệu liên quan đến trường Bách Công xưa (tức trường Cao đẳng Công nghiệp Huế ngày nay). Bên cạnh tài liệu tiếng Pháp thuộc phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ, chúng tôi cũng xin được cung cấp thêm một số thông tin quan trọng về trường Bách Công xưa được ghi chép trong các bộ chính sử của triều Nguyễn.
NGUYỄN THÁI SƠN*
Đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 - 1939) là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
TRẦN ĐÌNH HẰNG - LÊ ĐÌNH HÙNG
Trải qua nhiều vấn nạn của thiên tai, địch họa mà đến nay, tài liệu nghiên cứu về thời chúa Nguyễn Đàng Trong rất hiếm hoi. Vì vậy, tài liệu lưu trữ từ gia tộc sẽ góp phần thiết thực để soi rọi một số chi tiết bổ sung cho chính sử.
LÊ VĂN LÂN
Huế là đô thị không chỉ trong nước mà cả thế giới tôn vinh với nhiều danh hiệu cao quý. Nhưng đứng trước những danh hiệu này, bản thân người Huế cũng thấy đang còn nhiều khoảng cách lớn.
LÊ QUANG THÁI
Ngày xuân còn dài, xin kể vài mẫu chuyện dê tiêu biểu trên đất kinh kỳ văn vật cốt chỉ mua vui chốc lát trong hương vị của ngày Tết cổ truyền.
PHAN THUẬN AN
Cũng như các triều đại quân chủ khác trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) đã lập ra tại kinh đô một cơ quan chuyên trách về y tế, gọi là Thái Y Viện, để chăm lo sức khỏe cho hoàng gia và điều hành công việc chữa bệnh cho mọi người trong nước.
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Đồi Dương Xuân ở nam sông Kim Trà (sông Hương) từng có phủ Dương Xuân là mặc định nhưng vì đồi lại lớn rộng, có nhiều phần nhấp nhô theo phương thẳng đứng, uốn éo theo bình đồ nên đồi có nhiều gò, cồn.
TRẦN ANH SƠN
Huế mà chúng tôi nhắc đến ở đây là xứ Huế ngày xưa, thuở còn là "Đô thành Thuận Hóa” của Chúa Nguyễn.
VÕ VINH QUANG - HỒ XUÂN THIÊN - HỒ XUÂN DIÊN
CAO CHÍ HẢI
Nghệ thuật sân khấu, âm nhạc vô cùng phong phú và đặc sắc, nhiều lễ hội cổ truyền và thuần phong mỹ tục tiêu biểu của người Việt được lưu truyền đến Nghệ thuật múa của dân tộc Việt xuất hiện cách đây khoảng 4000 năm.
MAI VĂN HOAN
Một số bài viết đề cập đến nơi an táng Đại thi hào Nguyễn Du gần đây chủ yếu dựa vào Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền. Gia phả ghi: “Năm Canh Thìn (1820) Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi.