Về hai bài thơ ngự chế của vua Minh Mạng & vua Thiệu Trị

09:00 06/05/2009
...Dưới thời Nguyễn, chủ yếu là thời Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), vườn Thiệu Phương là nơi nhà vua thường đến dạo chơi thưởng cảnh, vịnh thơ. Vua Thiệu Trị đã xếp vườn là thắng cảnh thứ 2 của đất Thần Kinh và viết bài thơ Vĩnh Thiệu Phương văn nổi tiếng. Bài thơ này cùng cảnh vườn đã được ghi lại trong một bức tranh gương tuyệt đẹp hiện treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế...

Vườn Thiệu Phương


PHAN THANH HẢI

Đó là những bài thơ vịnh về vườn Thiệu Phương, một trong những Ngự uyển nổi tiếng nhất của triều Nguyễn.
Vườn Thiệu Phương là một trong 4 Ngự uyển nằm ngay trong Hoàng thành thời Nguyễn, gồm Thiệu Phương Viên, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Doanh Châu. Vườn được xây dựng từ năm 1828, thời Minh Mạng, ở phía đông, bên trong cửa Hưng Khánh, thuộc Tử Cấm Thành. Phía nam vườn là khu Duyệt Thị Đường; phía bắc-qua hồ Ngọc Dịch là Ngự Viên; phía tây là Thanh Hạ Thư Lâu (sau là Thái Bình Lâu) và phía đông là bờ tường phía đông của Tử Cấm thành. Quanh vườn có tường gạch bao bọc, cửa chính mở về phía nam; tổng diện tích khu vườn chừng 6.000m2. Vườn nổi tiếng với kiểu cấu trúc “vạn tự hồi lang” tức có hồi lang hình chữ VẠN nằm ở trung tâm chạy ra 4 phía.

Dưới thời Nguyễn, chủ yếu là thời Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), vườn Thiệu Phương là nơi nhà vua thường đến dạo chơi thưởng cảnh, vịnh thơ. Vua Thiệu Trị đã xếp vườn là thắng cảnh thứ 2 của đất Thần Kinh và viết bài thơ Vĩnh Thiệu Phương văn nổi tiếng. Bài thơ này cùng cảnh vườn đã được ghi lại trong một bức tranh gương tuyệt đẹp hiện treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Tuy nhiên, ngoài bài thơ trên còn có không ít thơ văn Ngự chế của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị đề vịnh về khu vườn xinh đẹp này (1). Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu 2 bài thơ Ngự chế của hai vị vua trên.

1-BÀI THƠ NGỰ CHẾ CỦA VUA MINH MẠNG(2):           

THỪA HẠ TUYÊN CHÚNG TỬ QUẦN THẦN NHẬP THIỆU PHƯƠNG VIÊN
TRÍCH LỆ CHI CHƯỚC TRÀ DĨ TỨ KỶ SỰ

Thủ hạ thanh hòa khí sắc tân,
Phương viên du thưởng tập gia tân.
Quả lưu ngọc dịch thân sơ cộng,
Trà dật kim tương đại tiểu quân.
Ân hiệp gia đình đôn phụ tử,
Tình liên thượng hạ trọng quân thần.
Nhất trương nhất thỉ tuân Văn Võ,
Cơ hạ thì nghi giả tiếu tần.

- Dịch nghĩa:
Ghi lại việc nhân rảnh rỗi gọi các con và quần thần vào vườn Thiệu Phương hái vải rót trà để ban thưởng;
Vào đầu mùa hè, khí trời mát mẻ, cảnh sắc tươi mới,
Tụ tập nhau đến thưởng ngoạn ở vườn Thiệu Phương.
Quả ngon đọng mật ngọt người thân kẻ sơ cùng nhau hưởng,
Trà thơm óng ánh trên dưới cùng thưởng thức.
Ân lớn khiến cha con trong gia đình hòa hợp,
Tình nghĩa khiến vua tôi gắn kết với nhau.
Khi bận rộn, khi thong thả đều tuân theo Văn Vũ,
Thì hãy tạm bỏ sự bận bịu để cùng nhau vui vẻ.

- Dịch thơ:
            - Bản dịch 1:
Đầu hạ khí mát cảnh sắc nồng,
Tụ hội Thiệu Phương lắm khách cùng.
Quả ngon đọng mật thân sơ hưởng,
Trà ngát tràn li lớn nhỏ cùng.
Gia đình phụ tử tình hòa hợp,
Trên dưới vua tôi nghĩa liên đồng.
Tuân theo Văn Vũ lúc căng thả,
Tạm bỏ buồn vui rảnh rỗi chung.
                                    (Vĩnh Cao dịch)
            - Bản dịch 2:                 
Vào hạ cảnh sắc mới,
Tụ hội về Thiệu Phương.
Trái ngọt chung chia xẻ,
Trà thơm rót nhau cùng.
Phụ tử tình hòa hợp,
Vua tôi nghĩa liên đồng.
Cương nhu theo Văn Vũ,
Rảnh rỗi cùng vui chung.
                        (Phan Thanh Hải dịch)

2- BÀI THƠ NGỰ CHẾ CỦA VUA THIỆU TRỊ (3):

PHƯƠNG VIÊN XUÂN SẮC

Vũ trụ huyên hòa ái diễm dương
Thượng lâm vô hạn hảo phong quang.
Doanh đình đào lí thiên chân thú,
Mãn giá thi thư cổ trật hương.
Hoa chức ngô lăng khi cẩm tú,
Liễu thư nhân tự mộ văn chương.
Khả tri vật thái giai sinh ý,
Tiên trạch triêm nhu vĩnh Thiệu Phương.

- Dịch nghĩa:
Vũ trụ giao hoà dưới ánh dương diễm lệ,
Cảnh sắc vườn Thiệu Phương vô cùng đẹp đẽ.
Trước sân hoa đào hoa lý gợi niềm hứng thú,
(Trong nhà) các giá sách thấm đậm mùi hương.
Hoa dệt gấm như lụa Ngô, coi khinh cả cẩm tú,
Liễu như dáng người mến mộ văn chương.
Mới hay muôn vật đều có ý,
Ân trạch tiền nhân đã thấm nhuần ở vườn Thiệu Phương

- Dịch thơ:
           
- Bản dịch 1:     
Vũ trụ giao hòa dưới ánh dương
Ngự viên cảnh sắc đẹp vô nhường
Mãn  sân đào lý càng thêm hứng
Đầy giá thi thư thấm đậm hương
Hoa tựa  lụa Ngô hơn cẩm tú 
Liễu như nhân dạng mến văn chương.
Mới hay sức sống tràn muôn vật
Ân trạch tiền nhân mãi Thiệu Phương
                                    (Vĩnh Cao dịch)

            - Bản dịch 2:     
Vũ trụ giao hòa sáng
Ngự Viên cảnh phong quang.
Đào lí tràn sân hứng
Sách vở đậm nhà hương
Hoa khoe dệt gấm lụa.
Liễu cũng mộ văn chương
Muôn vật đều hữu ý
Nhờ ơn thấm Thiệu Phương.
                        (Phan Thanh Hải dịch).

                                Huế, trước thềm xuân Quý Mùi
                                    P.T.H
(169/03-03)

---------------------
(1). Hiện nay chúng tôi đã sưu tầm được trên 30 bài thơ Ngự chế của vua Minh Mạng, Thiệu Trị về vườn Thiệu Phương. Hi vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ giới thiệu toàn bộ những bài thơ này.
(2). Bài thơ này nằm trong Ngự chế thi của vua Minh Mạng
(3). Bài thơ này nằm trong tập Cung viên thập cảnh thuộc bộ Ngự đề đồ hội thi tập của vua Thiệu Trị có in kèm tranh mộc bản. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã từng giới thiệu bức tranh này trên Nghiên cứu Huế -số Một.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LTS: Ngô Minh sinh ngày 10-9-1949 tại An Thủy, Quảng Bình. Bắt đầu in thơ từ năm 1975. Được giải thưởng thơ hay báo Nhân dân 1978…Ngô Minh đã từng là bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam nhiều năm, vì thế thơ anh viết về nhiều đề tài cuộc sống, nhưng vẫn mang đầy hơi thở của một người lính: sâu đằm, bỏng cháy…

  • LTS: Thái Ngọc San sinh năm 1947 tại An Thủy, Lệ Ninh. Thơ in trên các báo Sài Gòn cũ từ năm 1963. Trưởng thành qua phong trào đô thị, là nhà thơ tranh đấu của thành phố Huế và các đô thị miền Nam, những bài thơ xuống đường của Thái Ngọc San lưu hành trước năm 1975 đã khẳng định phong cách thơ riêng của anh.

  • HẢI BẰNGChuông Thiên Mụ

  • PHẠM TẤN HẦUXứ sở dịu dàng

  • TRẦN HOÀNG PHỐMùa xuân trong mưa

  • NGUYỄN KHOA ĐIỀMmẹ và quả

  • LÊ HUỲNH LÂMNghĩ về những ngày mưa gió

  • (Hưởng ứng cuộc thi thơ lục bát)

  • LTS: Sinh năm 1972, hội viên Hội Nhà văn TT.Huế. Thơ Tường có ấn tượng từ khi còn sinh viên và đã được nhiều giải thưởng như Tác phẩm tuổi xanh, giải VHNT Cố đô Huế, thơ hay Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Cửa Việt…Sau 2 tập thơ Hoa cúc mùa thu và Lá tháng chạp, Tường “nín” một thời gian khá dài rồi lại “Quang gánh” với trường ca. Đã vậy, Sông Hương cũng “Quang gánh” lại trường ca này với đề tựa của nhà thơ trẻ Lương Ngọc An.

  • NGÔ MINHViếng anh Thanh Hải

  • ĐỖ VĂN KHOÁIMưa trên sông tôi về

  • NGUYÊN QUÂNĐêm trên Bạch Mã

  • HẢI TRUNGBờ kè hạnh phúc

  • THANH TÚĐồng điệu xanh

  • Ngày 1 - 4 - 2010, Đại tá, nhà thơ Nguyễn Trọng Bính vĩnh viễn không còn làm thơ nữa! Quê gốc Hà Tĩnh, Nguyễn Trọng Bính nguyên là Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, một con người nặng tình với Huế và Tổ quốc ông từng cầm súng bảo vệ này. Viết bài thơ dưới đây, ông như đã đoán định được ngã rẽ phía trước dẫu còn nhiều trăn trở đúng với nỗi lòng của một nhà thơ mang theo mình 40 năm tuổi Đảng.

  • LÊ VIẾT XUÂNĐi tìm

  • NGÔ MINHCơm niêu

  • HẢI BẰNG     Rút từ trong di cảo Ký ức thơ

  • NGUYỄN LÃM THẮNGNgợp tình