NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
Độc giả trẻ thời nay không ít người sẽ hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Truyện Kiều, thiên tiểu thuyết bằng thơ dài tới 3.254 câu với cả thảy 22.778 lượt dùng từ, nhưng lại chẳng hề có qua một chữ NẾU nào, tuy rằng nghĩa “ĐIỀU KIỆN” và/hay “GIẢ ĐỊNH”, vốn được diễn đạt bằng NẾU (hoặc các biểu thức ngôn từ tương đương) trong tiếng Việt đương đại là một trong những nghĩa phổ quát (tức mọi thứ tiếng đều có) và ít thấy một thứ tiếng nào lại vắng các phương tiện riêng để biểu thị.
Ảnh: internet
Một câu hỏi tất được đặt ra: Vậy Nguyễn Du (cũng như người thời ông) đã phải xoay xở ra sao trong tình cảnh “eo hẹp” về phương tiện diễn đạt như thế?
1. Trả lời câu hỏi vừa nêu, nhà ngữ học Cao Xuân Hạo có đưa ra một giả định: để diễn đạt mấy nghĩa vừa nhắc, Nguyễn Du (và chắc mọi người thời ông đều thế) đã phải dùng DẦU (hay DÙ - dạng song lập của DẦU) làm phương tiện thay thế(1).
Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Truyện Kiều để nghiệm xem mức độ xác thực của điều giả định vừa nhắc.
Theo học giả Đào Duy Anh(2), trong kiệt tác Truyện Kiều, thi hào đã dùng cả thảy 29 lần chữ DẦU (/DÙ). Ngoài dẫn chứng được đích thân tác giả của điều giả định vừa nhắc đưa ra để minh hoạ:
(1) - Mai sau DẦU [=NẾU] có bao giờ (741),(3)
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này,
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về;
ta còn gặp các trường hợp sau:
(2) - “DẦU [=NẾU] khi lá thắm chỉ hồng [333],
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha” .
(3) - [Sinh rằng: “Rày gió mai mưa,
Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi].
DẦU [=NẾU] chăng xét tấm tình si [339],
Thiệt đây mà có ích gì đến ai?”
(4) - “Khuôn thiêng DẦU [=NẾU] phụ tấc thành [343],
Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời”.
(5) - “Lượng xuân DẦU [=NẾU] quyết hẹp hòi [345],
Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!”
(6) - “DẦU [=NẾU] em nên vợ nên chồng [737],
“Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên”.
(7) - Trùng phùng DÙ [=NẾU] hoạ có khi [795],
Thân này thôi có ra gì mà mong.
(8) - Sau DẦU [=NẾU] sinh sự thế nào [861],
Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân.
(9) - [=NẾU] “Nàng DÙ quyết chẳng thuận tình [2111],
“Trái lời nẻo trước lụy mình đến sau”.
(10) - [“Thiếp như con én lạc đàn,
“Phải cung rày đã sợ làn cây cong].
“Cùng đường DÙ [=NẾU] tính chữ tòng[2119],
“Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao ?
(11) - [“Nữa khi muôn một thế nào,
“Bán hùm buôn sói chắc vào lưng đâu ?]
“DÙ [=NẾU] lòng ai có sở cầu [2123]
“Tâm minh xin quyết với nhau một lời.
“Chứng minh có đất có trời,
“Bấy giờ vượt bể ra khơi quản gì”.
(12) -Duyên em DẦU [=NẾU] nối chỉ hồng[2243],
May ra khi đã tay bồng tay mang.
(13) - “Giác Duyên DÙ [=NẾU] nhớ nghĩa nhau[2691],
“Tiền Đường thả một bè lau cứu người […].
(14) -“[=NẾU] Chàng DÙ nghĩ đến tình xa[3110],
Đem tình cầm sắc đổi ra cầm cờ.”
(15) - “Cửa nhà DÙ [=NẾU] tính về sau [3159],
Thì còn em đó lọ cầu chị đây […]”
(16) - “Mai sau DẦU [=NẾU] đến thế nào [905],
Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần”.
(17) - DÙ [=NẾU] khi gió kép mưa đơn, [1111]
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!”.
(18) - [“Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh].
DÙ khi sóng gió bất tình [1511]
Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi”.
2. Bên cạnh 1 + 17 trường hợp vừa nêu, cặp từ này dĩ nhiên còn được dùng với cái nghĩa vốn có của nó(4), như:
(18) - “Thà rằng liều một thân con.
“Hoa DÙ rã cánh lá còn xanh cây” [678].
(19) - “Ví DÙ giải kết đến điều [421],
“Thì đem vàng đá mà liều với thân”.
(20) - “Phận rầu DẦU vậy cũng dầu [697]
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời”
(21) - “Chị DÙ thịt nát xương mòn [733],
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”,
(22) - Sự mình nàng mới gót đầu bày ngay:
“Bây giờ sự đã dường này,
Phận hèn DÙ rủi DÙ may tại người”. [2072]
3. Tuy nhiên, để bức tranh thật hoàn chỉnh, chắc hẳn chúng ta còn phải kể thêm dăm trường hợp nữa, trong đó thi hào sử dụng hai từ này hoặc là riêng rẻ một mình, hoặc là kết hợp với MẶC/LÒNG để diễn đạt cái nghĩa đại để ‘Để tự ý, không can dự vào hoặc không buồn để ý gì tới’:
(23) - “Phận rầu dầu vậy cũng DẦU [697]
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời”
(24) - “Sắm sanh nếp tử xe châu,
Vùi nông một nấm MẶC DẦU cỏ hoa” [78]
(25) - Trong tay đã sẵn đồng tiền,
DẦU LÒNG đổi trắng thay đen khó gì ![690]
(26) - Phu nhân khen chước rất mầu,
Chiều con mới dạy MẶC DẦU ra tay [1622]
(27) -[“Này chàng Bạc Hạnh cháu nhà,
“Cũng trong thân thích ruột rà chẳng ai.
“Cửa hàng buôn bán châu Thai,
“Thật thà có một đơn sai chẳng hề.
“Thế nào nàng cũng phải nghe,
“Thành thân rồi sẽ liệu về châu Thai].
“Bấy giờ ai lại biết ai,
“DẦU LÒNG bể rộng sông dài thênh thênh[2110].
Và một trường hợp duy nhất, trong đó DẦU được dùng dưới dạng láy :
(28) - Thuốc thang suốt một ngày thâu
Giấc mê nghe đã DẦU DẦU vừa tan. [1002]
Tiếc thay, mấy trường hợp này hình như đã bị học giả Đào Duy Anh bỏ quên chưa cắt nghĩa rõ. Điều đó đã khiến chúng tôi hết sức lúng túng, chưa biết phải diễn giải ra sao cho tương thích.
4. Từ những gì vừa trình bày, chúng ta có thể đi đến một kết luận nhỏ: Phản ánh thật đầy đủ và chân xác cách dùng từ của Nguyễn Du có lẽ đang là một thách thức không hề đơn giản chút nào đối với người biên soạn một pho từ điển Truyện Kiều hoàn hảo.
N.Đ.D
(SDB12/03-14)
..............................................
1. Cao Xuân Hạo. Viết nhịu (LAPSUS CALAMI) Dọn vườn ngôn ngữ học. LC 64. TUY và DÙ. Nxb. Trẻ, 2005, tr. 144-150, nhất là chú thích 3, tr. 145.
2. Đào Duy Anh. Từ điển truyện Kiều, 1974, Nxb. Khoa học Xã hội.
3. Đây là con số chỉ thứ tự của câu Kiều hữu quan trong nguyên bản.
4. Tức đặt trước vế câu chỉ ĐIỀU KIỆN để nêu một giả thiết nhằm nhấn mạnh vào mức độ khó khăn của cái điều kiện ấy, và gây trở ngại đáng kể cho việc hiện thực hóa cái sự thể được diễn đạt bởi tiểu cú chính đi sau (hay nói chính xác hơn là phần Thuyết của câu).
NGUYỄN HUY THIỆP
Người xưa cho rằng văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là việc lớn của sự kinh tế (kinh bang tế thế). Song, cũng thấy rõ tính chất phiêu lưu hiểm nguy của văn chương, bởi thế người xưa cũng hết lời khuyên răn đe nẹt nó.
NGUYỄN DƯ
NGUYỄN ĐÌNH THU
Xét trên những thi phẩm viết bằng chữ Hán của Đào Tấn, chúng tôi nhận thấy có đầy đủ biểu hiện của ba kiểu loại ứng xử nhà nho: hành đạo, ẩn dật và tài tử. Tuy nhiên xuyên suốt và đậm nét hơn cả vẫn là loại hình nhà nho hành đạo.
YẾN THANH
Tôi là một khối trầm tư
Hiện diện như thể một hư vô. Buồn
(thơ miên di)
(Tặng chị Ngọc - người đàn bà Huế lặng lẽ đứng sau những vầng thơ)
JACQUES SOHIER
Các chức năng của tính siêu văn bản rất đa dạng bao gồm chức năng châm biếm, chức năng đùa bỡn, chức năng mỹ học, ý thức hệ, chính trị hoặc triết học.
ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
(Kỳ cuối)
HỒ THẾ HÀ
Trần Vàng Sao là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ anh là tiếng nói giàu nhiệt huyết, xuất phát từ đáy lòng, hướng đến mọi người bằng giọng điệu giãi bày, tâm tình, chia sẻ. Nhưng mỗi tác phẩm của anh để lại dấu ấn thi pháp độc đáo, đặc biệt ở việc xây dựng tứ thơ và kiến trúc bài thơ, ở hình ảnh và sức liên tưởng bất ngờ.
PHẠM XUÂN NGUYÊN (thực hiện)
Năm 1990 phê bình văn học có gì được và có gì chưa được? Những người viết phê bình nào, bài viết phê bình nào, cuốn sách phê bình nào trong năm đáng khen hay đáng chê? Có thể chờ đợi gì ở phê bình sắp tới?
SƠN CA
Ngựa thép, ngay từ tên tiểu thuyết, đã tạo một cảm giác hoang dã, cứng và lạnh, ẩn chứa sự bạo liệt nhưng yếu mềm.
ĐỖ QUYÊN
(Thử một cách đọc bản thảo thơ: Trường hợp Những mùa hoa anh nói (*) của Trương Anh Tú)
NGUYỄN MẠNH TIẾN
(Lập trường Phong Hóa về xã hội nông thôn)
VŨ HIỆP
Nhà thơ Baudelaire từng viết rằng: “Tính cá nhân, sự sở hữu bé nhỏ này, đã ăn mòn tính độc đáo tập thể... Tức là người họa sĩ đã giết chết hội họa”.
PHAN TUẤN ANH
Việc tiếp nhận chủ nghĩa hiện thực huyền ảo có ý nghĩa cực kì quan trọng trong việc tiếp nhận văn học hậu hiện đại nói riêng cũng như các trào lưu văn nghệ phương Tây nói chung.
VĂN THÀNH LÊ
1.
Còn nhớ, bế mạc Hội Sách thành phố Hồ Chí Minh lần 8/2014, lần đầu tiên top 10 cuốn sách bán chạy gọi tên những tựa sách mà đọc lên, nhiều người viết gạo cội cứ thấy sao sao, sên sến, lòng vòng luẩn quẩn,…
NGUYỄN VĂN HÙNG
Sau 1986, đời sống văn học Việt Nam có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Sự giao lưu kinh tế, văn hóa, sự bùng nổ các phương tiện thông tin truyền thông gắn với nhu cầu kết nối các giá trị văn chương quá khứ đã mở rộng không gian sáng tạo cho người cầm bút và không gian đọc cho cộng đồng độc giả.
NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ
Khi nghĩ về diện mạo văn chương Việt Nam 2018, tôi nhận ra sự bất lực của những tính từ. Nhìn lại một năm văn học vừa qua, theo tôi, chứng kiến quá nhiều những cuộc chuyển động, mà chuyển động nào cũng mạnh mẽ, quyết liệt, phức tạp đến nỗi không một hình dung từ nào, dù tinh vi nhất, có thể bao quát được, mô tả được chúng một cách chân xác và thuyết phục.
PHAN ĐÌNH DŨNG
Nhà văn Trần Trung Sáng, người Hội An, Quảng Nam, là một nghệ sĩ tài hoa. Anh vừa là nhà báo, nhà văn, tác giả của nhiều tập truyện, truyện kí, truyện vừa, tiểu thuyết, vừa là một họa sĩ đã từng được Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm trang dán giấy vào năm 1999… Có điều ngòi bút Trần Trung Sáng quả thật có nhiều duyên nợ với truyện ngắn, một thể loại văn học mà anh đã gặp gỡ, hò hẹn từ năm 17 tuổi rồi chung thủy gắn bó với nó từ bấy đến giờ.(1)
NGUYỄN SỸ TUẤN
Nhân giỗ lần thứ 5 nhà văn Võ Hồng (2013 - 2018)