Vàng ơi!

15:55 04/09/2008
NGUYỄN THỊ THÁI Ngoài vườn có tiếng đánh sạt. Lại một chiếc tàu cau rơi. Con Vàng buồn bã đứng dậy, thất thểu đi ra. Hình như tiếng rơi khiến nó đau lòng.

Nó làm cái công việc của ngày xưa một cách vô thức, không còn hân hoan như trước nữa. Tới bên tàu cau nó ngậm đầu mo kéo lê uể oải. Đằng sau ngọn lá màu vàng úa còn tươi cong lên vẫy vẫy theo nhịp đi, va vào nhau kêu tách tách chậm buồn, u uẩn. Đến mép sân, con Vàng dừng lại nhẹ nhàng nhả cái tàu cau. Nó đứng nhìn mông lung rồi nằm ẹp xuống, đầu gối lên hai chân trước chắp chéo vào nhau. Mắt ngước lên trời nó nhớ đôi guốc mà nó từng hí hửng tha từ cổng vào nhà mỗi bận cô giáo đi đâu về gọi: "Vàng ơi!..."

Năm cô giáo Chuộng đổ bệnh rồi mất, người làng Lưu Bảo thường thấy con Vàng đi thơ thẩn. Đôi khi nó đứng đầu đường cúi ngóng về làng Thượng. Nó ngóng về đó bởi hồi nhỏ nhiều lần nó chạy theo xe đạp của cô chủ. Nó không biết chủ nó ngày ngày đi dạy học, chỉ biết chủ đi đúng giờ về đúng giờ; tự nhiên cũng thành nếp cho nó. Tình mơ nó vui vẻ chạy loanh quanh; sáng, nằm im giữ nhà, giữ vườn; gần trưa và xế chiều nằm phấp phỏng ngóng đợi tiếng líp xe.
Đã thành lệ, đến cổng lần nào cô giáo Chuộng cũng gọi "Vàng ơi". Nó chỉ chờ thế là tí tửng chạy ra tha chiếc guốc có cái quai trong suốt chủ thả rơi cho nó ngậm vào nhà. Trò chơi mà nó rất thích bởi động tác đó mang ý nghĩa của sự vui mừng. Hồi mới học trò này nó đã bị ăn roi một lần vì thấy cái quai hấp dẫn quá nên đã tha ra vườn nằm ôm chiếc guốc nhấm nháp. Trưa hôm đó nó không được ăn cơm đúng giờ, lại phải nghe bao nhiêu lời dặn, nó chỉ hiểu là không được làm như vậy. Nghe hoài nó nhớ việc không được nhiều lắm: không được ăn bậy, không được đi chơi xa, không được cắn người ta...
Ngày ấy những lúc xế chiều, dòng sông Bạch Yến nhuộm màu vàng sậm. Con Vàng nằm khoan khoái trong hơi xanh mát của làng quê, trong mùi thơm của bếp nấu. Đó là nỗi vui của sự đợi chờ, là dịp nó bày tỏ tình cảm, ánh mắt nó chan chứa niềm thương mến nhìn cảnh nhìn người. Cô giáo Chuộng cũng vui lây nhờ nó.
Cô sống một mình. Thời trẻ chắc cô đẹp lắm. Giờ tuổi đã lưng chừng, tuy cao gầy nhưng dáng dấp, gương mặt nom rất quý phái, nghiêm nghị mà ân cần.
Dân làng Thượng nể trọng cô đã đành. Đám học trò vỡ lòng hay khóc hay quậy thế mà cô dạy chúng cũng ngoan dần lên. Chúng quý cô và mê luôn con Vàng của cô.
Những lúc ra vườn, cô cho con Vàng theo, tập cho nó lượm củi. Lúc đầu hễ lượm được cây củi nào là nó nằm xuống gặm que ấy. Bị la mắng hoài, nó hiểu. Khi nào chủ ôm củi vào sân phơi mới là lúc nó được quyền gặm que củi của mình.
Một chiều ngoài vườn đã giăng mắc lưới nhện, không gian tím sẫm, đột ngột tiếng tàu cau rụng sắc, gọn. Con Vàng giật mình. Cô giáo Chuộng quá quen với âm thanh ấy. Nhưng tiếng rơi giữa mênh mông chiều tím cũng làm cô chạnh lòng nghĩ tàu cau cũng như đời người. Xanh hết mình rồi cũng có lúc thảng thốt vì úa vàng và héo khô. Mới ngày nào... Miên man theo bóng mình thuở đang còn tuổi thanh xuân cô giáo Chuộng bỗng bật cười khi thấy con Vàng đang cố kéo tàu cau về phía mình. Cô cười vì nghĩ con Vàng tưởng chiếc tàu cau là que củi. Hay là nó nhớ giữa sân phơi bên cạnh những mớ củi cũng có tàu cau. Cô bước nhanh lại ôm nó vào lòng, còn nó thì khều khều ôm lấy mo cau.
- Ôi! Vàng ơi...
Cô kêu lên nhẹ nhàng. Cô yêu nó vô hạn, nó là nguồn vui, là nỗi sẻ chia đằm thắm. Những khi trở trời trái gió, cô mỏi người, nó cũng uể oải. Cô ngắt vài cọng cỏ bã trầu, ít lá sả đem tận miệng cho nó. Nhìn nó nhai cô yên tâm quên cả đau nhức.
Đôi khi cô lo sợ. Một năm của mình bằng bảy năm của nó, liệu nó có bỏ cô mà đi trước? Rồi cô xua tay vui vẻ cốc nhẹ lên đầu nó mắng yêu:
- Mẹ mày chứ!...
Trời đã chạng vạng. Cô giáo Chuộng ôm củi vào sân, theo sau là con Vàng đang xung xăng kéo cái tàu cau. Cô nhìn nó lòng tràn niềm vui. Tối hôm đó, cô chơi đùa và nói chuyện với nó:
- Từ nay hễ nghe tàu cau rụng là Vàng chạy ra lượm vào sân phơi nghe chưa?
- Vàng là đứa hảo tâm của cô. Cô yêu Vàng lắm đấy!
Vừa nói cô vừa dịu dàng vuốt ve nó. Vàng được thể liếm tay, liếm mặt và cắn hờ vào cô.
Đêm đêm ngồi chấm vở cho học sinh, cô Chuộng thấy yên bình bên cạnh con Vàng đang cuộn tròn nằm dưới chân. Chốc chốc cô gọi nhỏ "Vàng ơi" là nó đứng dậy nhìn cô ư, ử. Đôi bận nó sủa lên một tiếng khiến cô thấy ấm áp, mọi nỗi cô đơn trong lòng tan biến...

Con Vàng lim dim như người già ít ngủ. Nó thường thở dài đứng dậy đổi thế nằm. Giờ đây nó không nhìn thấy bóng cô chủ nữa!. Nó không nguôi nhớ cô. Nó biết ngôi mộ nơi cô chủ nằm nhưng chạy đến dù cào đau cả móng nó cũng không tìm được cô. Quay về với ngôi nhà quen thuộc, nó trở nên già nua và lún sâu vào hoài niệm...
Bây giờ nó nằm giữ nhà, giữ vườn của cô như một trách nhiệm. Nỗi mong chờ tan theo năm tháng. Mắt nó đờ đẫn dần... Khu vườn vẫn râm mát như xưa và ngôi nhà đã có gia đình người cháu của cô giáo đến ở để hương khói. Hai vợ chồng còn trẻ đi làm suốt nên khu vườn càng thêm vắng vẻ, thanh tịnh. Nổi bật lên là tiếng lắc rắc của củi rụng, tiếng đánh sạt của tàu cau rơi. Và ngoài xa, nơi xóm bờ sông, tiếng trẻ con nô đùa í ới gọi nhau. Bất giác con Vàng vểnh tai nghe đâu đó xa xăm vọng về tiếng: "Vàng ơi!..."
Trại viết Vũng Tàu 05/02
N.T.T
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHÁT DƯƠNG

    Bầu trời trong veo, như thể sau trận mưa những đám mây đã bị vắt kiệt nước và vứt cặn đi. Gió nhẹ, độ ẩm vừa. Thích hợp cho một buổi hẹn hò. Tiếc là không phải.


  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

  • THIÊN TÂM

    Những mảnh tro giấy nhẹ xốp bị gió thổi bay phất phơ giữa không gian lạnh lẽo cuối đông.

  • NGUYỄN VIỆT HÀ

           Truyện ngắn dự thi 1993

    Lúc tôi đến, mọi người đang chờ. Chắc chỉ mình tôi đến muộn.

  • CHÂU SA

    Dạo ấy trời rất lạ. Suốt vùng Phụng Hóa mấy tháng trời không có một giọt mưa. Nắng dữ dằn hun hầm hập lớp ngói đỏ trên mái nhà lão Nhân, hun cả tính khí vốn thất thường của lão. Lão cài thật chặt hai cánh cổng, không buồn tiếp ai. Lò gốm của lão đã hơn tháng trời không đốt lửa.


  • NGUYỄN HOÀNG MAI

    Quán xăm

  • PHANXIPĂNG

    Truyện ngắn dự thi 1993

  • ĐẶNG THÙY TIÊN

    Một buổi sớm tháng Ba, trời hãy còn lành lạnh vì chưa qua rét nàng Bân, Văn tỉnh giấc sớm hơn lệ thường.

  • TRẦN HUYỀN ÂN

    Truyện ngắn dự thi 1993

  • NGUYÊN NGUYÊN

    Người đàn bà lặng lẽ hát. Một khúc ca não nề. Không thể biết chính xác nguồn gốc của những ca từ ấy, nhưng anh dám chắc rằng, ở đâu đó ngoài kia giữa những người nhạc sĩ cả cũ lẫn mới đều có thể sáng tác nên những ca từ như thế.

  • NGUYỄN VĂN VINH

    Nắng sớm xuyên qua kẽ lá, xẻ từng luồng ánh sáng huyền ảo. Ngôi chùa nằm im dưới rừng thông vốn trầm mặc càng yên ắng hơn. Hương trầm, hương nhựa thông quyện nhau thơm hăng hắc, đầm ấm. Tưởng gặp đâu đây trong chuyện cổ tích bà kể. Tôi và Phái vào chùa tự lúc nào.

  • DƯƠNG THÀNH VŨ
          truyện ngắn dự thi 1993

    Học hết bậc tiểu học trường làng tôi lên phố học tiếp, thi thoảng có phương việc chạp giỗ mới về.

  • HỒ NGỌC LAN

    Buổi tiệc đêm liên hoan chấm dứt. Vừa lúc đó tiếng nhạc đã nổi lên. Thế là mọi người vội kéo nhau ra chính giữa căn phòng lớn trong khi bàn ghế, bát đĩa được xếp dọn vội vàng kêu lanh canh.


  • KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

  • TRẦN DUY PHIÊN

    Sáng nay hoa hồng vườn nhà tôi đua nhau nở rộ. Điềm báo gì đây? Trong lúc uống trà đợi mặt trời lên, tôi thầm đoán điều kỳ bí ấy.

  • VŨ NGỌC GIAO

    Sau hai đời chồng long đong lận đận, chị về với má ở ngôi nhà ven nhánh Trường Giang.

  • VIỆT HÙNG

    Một giọt nước vẫn chỉ là một giọt nước, có nghĩa nó không thể làm cho người đang khát trở nên đỡ khát hơn. Cũng như không thể làm cho luống đất khô cằn bỗng trở thành ẩm ướt. Nhưng nhiều nhiều giọt nước sẽ biến thành ao hồ, biến thành dòng sông, biến thành biển cả...

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Ngã nói cuộc đời vốn dĩ là một bếp than hồng, việc rút bớt những cục than hồng để lại cái tàn tro tắt lịm lạnh lùng giày vò Ngã.

  • VÕ ĐÀO PHƯƠNG TRÂM

    Những thanh sắt cao lêu nghêu, những chiếc vòng đủ kích thước nằm lẫn giữa những viên bi xoay tay, cái thùng được sơn màu sặc sỡ và những mảnh vải lụa, những quả banh nhựa… thoạt nhìn, ai cũng biết đó là đồ nghề của dân làm xiếc, kế bên đó còn có một chú chó nhỏ, đeo một cái nơ ở cổ, một thành viên trong nhóm xiếc Đại Đồng.