Văn hoá Huế - một năng lực mới đang chuyển động

17:02 11/01/2010
Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, cùng với thành tựu của công cuộc đổi mới diễn ra sôi động trên đất nước Việt Nam, sức sống của vùng văn hoá Huế sau những năm dài tưởng chừng đã ngủ yên chợt bừng dậy và lấp lánh tỏa sáng.

Những giá trị văn hoá truyền thống được đánh thức dậy không những bằng cố gắng liên tục của các nhà hoạt động văn hoá ở Thừa Thiên Huế và Việt Nam, của cộng đồng cư dân xứ Huế, của các cơ quan quản lý và nhà chức trách địa phương, mà vượt qua ranh giới quốc gia, nhiều chuyên viên của Unesco và quốc tế, kể cả nguyên Tổng Giám đốc Unesco - ông Amadoumahta Mbow - cũng đã đến Huế (tháng 11-1981) để đặt bàn tay lên lớp bụi của thời gian, soi lại những trang lịch sử Huế, nhặt lấy những mẩu vàng son của quá khứ và long trọng phát đi lời kêu gọi thống thiết “Huế phải được cứu vãn cho Việt Nam mà Huế là một cao điểm, ở đó thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc. Huế phải được cứu vãn cho thế giới vì Huế cũng là một bộ phận cấu thành của di sản văn hoá nhân loại”.

Những khám phá trở lại về văn hoá Huế đã kết nối được những mảnh rời tưởng chừng bị vỡ nát của quá khứ để dựng lại cả một gia tài di sản văn hoá Huế, bao gồm cả hệ thống di sản văn hoá vật thể với yếu tố nổi bật là di tích Cố đô Huế, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân lịch sử văn hoá ở Huế, gắn kết với hệ thống di sản văn hoá phi vật thể phong phú, đa dạng với các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình và bác học, nghệ thuật trang trí và mỹ thuật, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, nền nếp ứng xử văn hoá, văn nghệ dân gian, ngành nghề truyền thống … được nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển trong một mảng nền đặc trưng của con người và cảnh quan thiên nhiên xứ Huế.

Sự nhận diện về văn hoá đã khẳng định Thừa Thiên Huế là một vùng văn hoá độc đáo, giàu bản sắc dân tộc của Việt Nam. Hệ thống di tích lịch sử, văn hoá Huế là kho sử liệu vật chất quý báu về lịch sử cận đại của Việt Nam. Cố đô Huế là một bài thơ đô thị, là mạch nguồn nuôi dưỡng cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, để Huế trở thành một trung tâm về thi ca, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, là một vùng folklore đặc sắc, gắn kết được các yếu tố dân gian - bác học - cung đình, gắn kết đạo với đời, truyền thống và hiện đại theo tinh thần phương Đông.

Có thể nói dù những lớp bụi thời gian, cộng với sự rẻ rúng của những kẻ “vô tri bất mộ” có làm mờ đi một phần diện mạo của văn hoá Huế, thậm chí làm méo mó, biến dạng ở một vài góc cạnh, nhưng nhìn toàn diện, và trong sâu thẳm của vùng đất này, Huế vẫn đang giữ được những trạng thái tinh thần có tính đặc trưng của Việt Nam, của văn minh đô thị truyền thống Việt Nam một thời.

Sinh lực văn hoá Huế được đánh thức dậy đã nhanh chóng tạo ra một động lực mới, thúc đẩy sự chuyển hóa và góp phần củng cố vị thế trung tâm văn hoá - du lịch của Thừa Thiên Huế, kéo vùng đất này thoát ra khỏi ao tù ngưng đọng và từng bước chuyển mình, hội nhập vào đời sống của xã hội hiện đại.

Sau sự kiện tháng 12/1993, khi di tích Cố đô Huế được Unesco long trọng “đăng quang” ghi tên vào danh mục di sản văn hoá thế giới, công nhận giá trị toàn cầu đặc biệt của khu kiến trúc kinh đô Huế, một làn gió mới đã lay động đời sống văn hoá ở Thừa Thiên Huế.

Rất nhiều nỗ lực được tập trung để dồn sức giữ gìn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế. Nhiều công trình kiến trúc lớn (như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Thái Bình Lâu, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Hưng Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Diên Thọ ở Đại Nội, điện Minh Thành lăng Gia Long, Minh Lâu lăng Minh Mạng, điện Bửu Đức lăng Thiệu Trị, điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Xung Khiêm Tạ lăng Tự Đức, điện Long Ân lăng Dục Đức, Thiên Định cung lăng Khải Định, điện Long An, Văn Thánh) đang từng bước khôi phục lại diện mạo vàng son một thời. Cảnh quan thiên nhiên và môi trường di tích được chấn chỉnh. Một dự án lớn về quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Huế từ 1996 đến 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí dự kiến 720 tỷ đồng, mở ra một triển vọng tốt đẹp cho công cuộc trùng tu di tích.

Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trai trẻ ở Thừa Thiên Huế, những ngôi nhà Người đã ở với gia đình, trường Quốc Học, địa điểm tòa Khâm sứ Pháp tại Huế, những nơi đã để lại dấu ấn sâu đậm, góp phần hình thành nhân cách và tư tưởng yêu nước của người học sinh Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đang được bảo tồn gìn giữ. Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế được khởi công xây dựng mới, dự kiến hoàn thành năm 2000, sẽ là nơi giới thiệu có hệ thống về 10 năm Bác Hồ ở Thừa Thiên Huế, về Thừa Thiên Huế với Bác Hồ, Bác Hồ với Thừa Thiên Huế. Một loạt các di tích lưu niệm về các danh nhân Trần Văn Kỷ, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Đặng Huy Trứ, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Chí Thanh…, các di tích lịch sử cách mạng, di tích nghệ thuật kiến trúc đang được quan tâm gìn giữ. Một cuộc tổng kiểm kê về di tích ở Thừa Thiên Huế với quy mô trên 900 địa điểm di tích đã được khảo sát, lên danh mục và đề xuất phương án bảo vệ, phát huy.

Văn hoá phi vật thể đa dạng của vùng Cố đô, từ các loại hình văn hoá cung đình (múa hát cung đình, lễ nhạc cung đình, thơ văn của các vua chúa, mỹ thuật cung đình, tuồng ngự, món ăn ngự thiện…), văn hoá bác học (ca nhạc Huế), văn hoá tôn giáo (lễ nhạc Phật giáo, tranh tượng thờ, múa hát chầu văn) đến văn hoá, văn nghệ dân gian, phong tục tập quán, lối sống và ứng xử văn hoá, ngành nghề truyền thống… được sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục và phát huy khá tốt, trở thành những sản phẩm văn hoá độc đáo làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc, phục vụ du lịch và mở rộng giao lưu văn hoá với khu vực và thế giới.

Múa hát cung đình Huế đã đi biểu diễn nhiều lần ở Nhật. Lễ nhạc cung đình Huế (cả Đại nhạc và Nhã nhạc) đã sang Nhật và Hàn Quốc giao lưu với Nhã nhạc Á Đông. Ca nhạc Huế đã cử các đoàn nghệ sĩ tiêu biểu sang trình diễn tại các nước Pháp, Hoa Kỳ, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông. Lễ nhạc Phật giáo xứ Huế đã 2 lần dự Liên hoan âm nhạc tôn giáo tại Pháp. Diều Huế đã liên tục tham gia liên hoan diều quốc tế. Những loại hình lễ hội hoa đăng trên sông Hương, lễ điện Hòn Chén, vật làng Sình, lễ hội cầu ngư… trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng truyền thống. Xem trình tấu lễ nhạc cung đình, múa cung đình, nghe ca Huế trên sông Hương đã trở thành những thú vui thanh nhã ở Huế.

Hệ thống các thiết chế văn hoá thông tin: trường Đại học Nghệ thuật Huế, trường Văn hoá Nghệ thuật tỉnh, Thư viện Tổng hợp, Trung tâm Bảo tàng Di tích Cố đô và các Bảo tàng, Nhà Văn hoá, các đoàn nghệ thuật, các doanh nghiệp phát hành sách và dịch vụ văn hoá, điện ảnh và băng hình, cùng với các cơ quan xuất bản báo chí, phát thanh, truyền hình của trung ương và của tỉnh, hệ thống Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (với bảy phân hội văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn nghệ dân gian, kiến trúc), Hội Nhà báo tỉnh, các Nhà Văn hoá Thiếu Nhi Huế, Nhà Văn hoá Thanh niên Huế, Nhà Văn hoá Hữu Nghị, Trung tâm Văn hoá Thể thao và Hướng nghiệp Thanh Thiếu niên Thừa Thiên Huế, Nhà trưng bày điêu khắc Điềm Phùng Thị, các Gallery và trên 1000 điểm dịch vụ văn hoá của tư nhân đã hợp thành một mạng lưới hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin tuyên truyền đa dạng và phong phú, sinh động, hình thành một cấu trúc văn hoá có nét riêng của vùng đất cố đô, đậm màu sắc văn hoá truyền thống mà vẫn sôi động, có khả năng hòa nhập với đời sống văn hoá hiện đại.

Một năng lực mới đang chuyển động, theo hướng vừa tích hợp những bản sắc dân tộc đậm đà, vừa vươn tới những giá trị tiên tiến, góp phần làm giàu thêm cho bản sắc văn hoá Việt Nam đang từng bước rõ dần ở Thừa Thiên Huế. Bằng những chính sách và bước đi thích hợp, chắc chắn nguồn lực văn hoá ở Thừa Thiên Huế sẽ chuyển hóa thành một động lực mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng vị thế Thừa Thiên Huế ngày càng trở thành và khẳng định một trung tâm văn hoá du lịch quan trọng của Việt Nam, chuyển mình tiến vào thế kỷ XXI.

NGUYỄN XUÂN HOA
(119/01-99)






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Thời buổi internet thật tuyệt vời, nói vui theo “teen” kiểu “sát thủ đầu mưng mủ” thì quả là “tiện ích như cú hích”. Với nhà văn, tác phẩm viết ra xong không nhất thiết phải in thành sách, cứ post lên blog cũng có hàng nghìn hàng vạn bạn đọc truy cập, rồi cư dân mạng khắp nơi trên thế giới cập nhật thông tin, coppi, comment bày tỏ quan điểm, phô bày xúc cảm ngay, vui ra phết, chí tình ra phết.

  • Ngày nay, khi văn học không hoàn toàn bấu víu vào những đại tự sự mà thay vào đó là sự lên ngôi của tiểu tự sự thì thế giới trong văn chương trở thành những thế giới ảo, dung chứa tất cả những lệch pha và ngụy tạo so với thế giới khách thể. Người sáng tạo cũng từ đó ý thức được sức mạnh trong việc cách tân bút pháp và thay đổi cảm quan trong thế giới chữ của mình.

  • NGUYỄN VĂN TOÀN

    Té ra, cái thời nhân dân lao động làm chủ xã hội đã… xưa rồi Diễm. Và rằng, ở thời điểm hiện nay, VIP đã là một phần tất yếu của cuộc sống. Và họ cũng được dân gian nhìn nhận là những ông vua “con” ở cõi nhân tình thế thái khi sở hữu đầy ắp bao cơ man đô la và vàng bạc.

  • Huế là thành phố sông ngòi chằng chịt, từ sông đến đầm phá và biển. Đặc biệt, sông Hương và hệ thống thủy đạo kinh thành Huế cũng như các cồn bao quanh kinh thành phần lớn là hình ảnh mang tính biểu tượng của Huế, là một trong những cảnh quan chính của thành phố. Một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sông nước và lịch sử thành phố có khả năng tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo cho Huế, mở ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cũng như cải thiện cuộc sống người dân dọc hai bên bờ sông.

  • Tri thức vốn dĩ là tài sản chung của nhân loại. Tri thức là cái kho học thuật vô giá mà mỗi con người cần được trau dồi để bảo đảm vai trò, chức năng của mình trong xã hội.

  • Việc đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề nghị Quốc hội nên có Luật Từ chức (17/11) khiến dư luận xã hội có những phản ứng trái ngược nhau trong mấy ngày trở lại đây.

  • Việt Nam đang đứng trước con đường có khá nhiều chông gai và nhiều thử thách. Hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam cần nhiều sự đổi mới để tiếp tục phát triển.

  • Trong những năm gần đây, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã tạo nên sự trù phú cho nhiều làng quê Việt. Tuy nhiên, song hành với đó bản sắc văn hóa làng Việt đang bị mai một dần; nếu không có giải pháp gìn giữ thì những làng quê truyền thống, những nếp làng xưa sẽ chỉ còn trong ký ức.

  • I. Ba bước chuyển hệ hình trong văn học Việt Nam và vai trò của các nhà văn trẻ

  • SHO - Có cảm giác như xã hội đang mặc nhiên coi chuyện chạy điểm cho con em, chạy theo thành tích cho học trò lâu ngày đã thành thói quen khó chữa khiến người ta quên rằng lòng tự trọng, lòng nhân ái là cao hơn hết và cần có mặt hơn hết! Có phải người ta đã quên đi lòng tự trọng, lòng nhân ái cần có hay không? Tôi không bi quan đến mức nói rằng người ta đã quên nhưng quả thật không thể dửng dưng trước câu hỏi đó.

  • Bài viết này có thể gọi là sự nối tiếp bài " Các cây viết trẻ Việt liệu đã thua trên sân nhà? " cách đây không lâu của tôi. Tôi viết bài tiếp theo này là vì ở bài viết trước có nhiều ý kiến thảo luận của người đọc đã mở ra cho tôi những cách nhìn sâu rộng khác hơn về chủ đề đã nói trong bài viết trước.

  • LTS: Tình cờ trong lúc lang thang trên mạng, SHO đã đọc được bài viết này trong một blog. Thiết nghĩ đây cũng là vấn đề nảy sinh thực trạng đáng buồn giữa các nhà văn trẻ và các nhà xuất bản, SHO đăng tải để chúng ta cùng cận cảnh...

  • Tháng bảy về rồi, nơi quê nhà quê mẹ đã thu chưa? Nơi con ở bây giờ, gió đã chuyển mùa, để rồi chiều nay khi lang thang trên con đường xứ sở, con chợt thảng thốt nhận ra rằng chỉ còn vài ngày nữa thôi, mùa Vu lan sẽ lại về. Nhanh thật đó!

  • Với đặc thù của môn Lịch sử ở bậc THPT, những câu hỏi mang tính khái quát về tiến trình lịch sử sẽ có giá trị hơn nhiều so với những câu hỏi đi quá sâu vào tiểu tiết mà chúng ta vẫn gặp trong các đề thi Lịch sử hiện nay và kết quả thi nhiều khả năng sẽ tốt hơn.

  • Dễ ai quên câu hát: “Trời sinh voi trời không sinh cỏ, Thượng đế buồn Thượng đế bỏ đi”.

  • Lòng yêu nước vốn rất sâu sắc và mãnh liệt xét trên 2 bình diện xã hội gồm giai tầng lãnh đạo(người nắm quyền cai trị) và người dân (kẻ bị trị) đã có lúc bị mai một và chỉ còn như cái bóng khi dân bị bóc lột, hà hiếp còn vua, quan chỉ chăm chăm cướp đoạt, làm giàu, hưởng lạc và chia bè kéo cánh.

  • Có những tình huống mà im lặng không giúp ta tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì khiến người khác lầm tưởng im lặng là bạc nhược.

  • Bán bà con xa mua láng giềng gần, điều đó đúng trong trường hợp người láng giềng có đủ nhân cách và mức độ tự tin để chúng ta làm được điều đó.

  • Báo chí trong tháng 5.2011 vừa qua trong rất nhiều thông tin đời sống xã hội, có nêu những vấn đề nổi cộm khiến cho nhiều người cầm bút phải suy nghĩ.

  • Trong tháng Năm này, cả nước tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.