Văn bia triều Tây Sơn quý giá trên đất Huế: Bài minh văn trên mộ Vũ huân tướng quân Lê Viết Sinh

09:41 30/07/2021


VÕ VINH QUANG

Văn bia chép bài minh văn trên mộ ông Lê Viết Sinh, bản bôi bột chụp

1. Lời dẫn

Văn khắc Hán Nôm liên quan đến triều Tây Sơn hiện hữu trên đất Huế cho đến nay là khá hiếm xuất hiện. Nhiều năm tìm hiểu, ngoại trừ văn bản giấy (như sắc phong, gia phả, văn khế…) còn tương đối nhiều ở các gia tộc, làng xã, thì các thể thức văn bia Hán Nôm triều Tây Sơn có trong thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể do nhiều biến động về thiên tai, thời cuộc, chiến tranh… mấy thế kỷ qua đã làm hư hỏng, mất mát khá nhiều tư liệu. Vì thế, việc phát hiện tư liệu liên quan đến triều đại Tây Sơn trong thực địa, chúng tôi nghĩ sẽ giúp bổ khuyết thêm cho quá trình tìm hiểu, nhận thức về lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật… của vương triều này.

Vừa qua, khoảng tháng 08 năm 2020, nhờ nhân duyên hội tụ, chúng tôi đã kết nối với ông Lê Viết Bằng (người gốc làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, thành phố Huế), được ông đưa đến viếng thăm ngôi mộ của cụ tổ - Vũ Huân tướng quân Hộ quân Thị nội Trung Tượng cơ Chưởng cơ Lê Viết Sinh, một bậc danh thần (bề tôi danh tiếng) triều Tây Sơn, người họ Lê Viết làng Nguyệt Biều. Đây là ngôi mộ được an táng nguyên gốc chưa bao giờ di dời (theo hậu duệ họ Lê Viết khẳng định), hiện tọa lạc tại một khu vườn trồng bưởi, nằm cuối đường Bùi Thị Xuân giáp giới đường Lương Quán. Ngôi mộ mới được con cháu trùng tu, chỉnh sửa và lát đá nền rất khang trang năm 2017, trong đó giữ nguyên nấm mộ và tấm văn bia mộ.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi tiến hành xử lý và in rập thác bản để vừa nhìn rõ thêm được chữ lại vừa sao bản được bản rập di vật quý nhằm bảo quản lâu dài. Tiếp đó chúng tôi khảo sát thêm các tư liệu gia phả, văn bản giấy tờ hiện có ở nhà thờ Lê Viết tại làng Nguyệt Biều, để dịch thuật và khảo cứu văn bản.

Thấy rằng đây là tư liệu rất quý giá, hỗ trợ thêm cho nguồn tư liệu văn bia Hán Nôm thực tế hiện tồn của triều Tây Sơn (vốn hiếm thấy tại cố đô Huế), chúng tôi xin công bố bản văn bia này, cùng một vài nhận định khái lược.

2. Nội dung bản văn bia trên mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh

Văn bia mộ của Vũ Huân tướng quân, Chưởng cơ Lê Viết Sinh có kích cỡ dài: 120cm x rộng: 65cm, được khắc trên loại đá sa thạch với diềm hoa văn đao lửa, hoa dây cách điệu và đài sen cách điệu… đặt trên nền một tấm đá núi (thường gọi là đá gan gà) đặc trưng thời Tiền Nguyễn. Chữ Hán trên văn bia là thể chữ khải (chữ chân), ghi chép bài minh văn (một dạng của thể thức lụy1) thể tứ ngôn (4 chữ) ngắn gọn, súc tích với chữ “Nam cố” 南故 đặc trưng cho triều Tây Sơn kết hợp với dòng “Vũ Huân tướng quân Hộ quân Thị nội Trung Tượng cơ Chưởng cơ Đương Nhậm hầu Lê Quý công” 武勳將軍護軍侍內中象奇掌 奇當任侯黎貴公gợi mở thêm thông tin về chức vụ của vị quan Chưởng cơ Lê Viết Sinh ở cơ Trung Tượng, là viên tướng Hộ quân Thị nội2 (hầu cận bên vua, bảo vệ cung điện của hoàng đế). Các thông tin này đều rất hữu ích và chứa đựng nhiều giá trị góp phần bổ khuyết thêm cho tiến trình tìm hiểu về quân đội thời Tây Sơn. Dưới đây là bản Hán văn, phiên âm, dịch  nghĩa bài minh văn này.

Thác bản văn bia chép bài minh văn trên mộ ông Lê Viết Sinh
Ảnh + bản dập (thác bản): Võ Vinh Quang


Hán văn:

南故

武勳將軍護軍侍內中象奇掌奇當任侯黎貴

特贈 銘曰:
雲致龍興。風從虎嘯。
惟王爪牙。在帝左右。
七伐比矛。四征橫槊。
榮將並疇。象功居表。
烈火真金。疾風勁草。
生有顯名。死有顯號。
黃鶴久飛。白雲旌吊。
悠悠哀哉。勒銘永照。
歲次己貴仲夏月穀日。孤子黎嗹 [奉立] 3

Phiên âm:

NAM CỐ

Vũ Huân tướng quân Hộ quân Thị Nội Trung Tượng cơ Chưởng cơ Đương Nhậm hầu Lê quý công. Đặc tặng Minh viết:

Vân trí long hưng; Phong tòng hổ khiếu4.
Duy vương trảo nha
5; Tại đế tả hữu6.
Thất phạt tỉ mâu; Tứ chinh hoành sáo
7.
Vinh tướng tịnh trù; Tượng công cư biểu.
Liệt hỏa chân kim; Tật phong kính thảo
8.
Sinh hữu hiển danh; Tử hữu hiển hiệu.
Hoàng hạc cửu phi; Bạch vân tinh điếu
9.
Du du ai tai; lặc minh vĩnh chiếu.


Tuế thứ Kỷ Quý trọng hạ nguyệt cốc nhật. Cô tử Lê Liến [phụng lập]

Tấm bia minh Nam cố và ngôi mộ ông Lê Viết Sinh
Ngôi mộ hình búp sen gốc của ông Lê Viết Sinh


Dịch nghĩa:

NAM CỐ (người quá cố nước Nam)10

[MỘ] NGÀI LÊ QUÝ CÔNG11 [chức] VÕ HUÂN TƯỚNG QUÂN, HỘ QUÂN THỊ NỘI, TRUNG TƯỢNG CƠ CHƯỞNG CƠ, [tước] ĐƯƠNG NHẬM HẦU

Đặc biệt ban tặng bài minh rằng:

[Dịch suông]

Mây nhờ rồng quẫy; Gió nhờ cọp gầm
Ấy kẻ nanh vuốt (dũng sĩ) của Vương; là bề tôi thân tín của Đế12
Cầm gươm giáo tung hoành chinh phạt khắp bốn phương tám hướng;
Là Tướng vẻ vang, trù tính nơi màn trướng; công lao về Tượng binh tỏ rõ.
Lửa cháy dữ mới thấu hiểu vàng ròng, Gió thổi mạnh mới hay cỏ cứng.
Sống thì tên tuổi hiển hách; mất thì danh hiệu rỡ ràng.
[Người tiên] cưỡi hạc vàng bay mất đã lâu; Mây trắng cầm cờ tinh
[khen thưởng tuyên dương công trạng] đến điếu/viếng.
Dằng dặc ôi thôi; Viết lời minh [vào đá] mãi mãi soi sáng [công đức]

Dịch thơ (vần điệu):

MINH RẰNG

Mây tỏa cậy rồng; Gió tung nhờ hổ.
Vương thuở vuốt nanh; Đế khi phò trợ.
Tám hướng đao vung; Bốn phương giáo múa.
Dũng tướng liệu trù; Tượng công bày rõ.
Thử lửa thật vàng; Gió bay vững cỏ.
Sống đã tiếng tăm; Mất thời danh rỡ.
Bay mãi hạc vàng; Điếu tinh mây chở.
Dằng dặc than ôi; Minh văn ngời tỏ.


Ngày lành tháng trọng hạ [tháng 5 âm lịch] năm Kỷ Quý [1799].
Con mồ côi là Lê Liến/Liễn [kính lập]

Nhà thờ họ Lê Viết, làng Nguyệt Biều


3. Khái quát về nội hàm ý nghĩa và giá trị của văn bản minh văn

Bài minh văn được viết theo thể “lụy”, là lời phúng viếng, dùng để ca ngợi công đức người chết (hay văn tế, điếu văn) hoặc dùng để ca tụng và truy phong chức tước cho người chết. Mặc dù toàn bộ bài minh rất ngắn gọn, chỉ 16 câu (mỗi câu 4 chữ), nhưng ý nghĩa nội hàm của văn bản thì khá sâu sắc. Bài minh ghi “đặc tặng” (đặc biệt ban tặng) song không ghi người ban tặng, mà chỉ cho biết người lập bia minh này là con trai Lê Liến (Liễn) của ông Lê Viết Sinh. Căn cứ vào toàn bộ nội dung bài minh văn, chúng tôi cho rằng đây là bài văn điếu do văn thần (có thể do các vị quan ở viện Hàn Lâm, hoặc Nội các triều Tây Sơn thay mặt vua triều Tây Sơn biên soạn để phúng điếu).

Cách ghi năm lập bia dạng phiếm chỉ “Kỷ Quý” 己貴 của bài minh văn cũng gợi mở nhiều điều. Đối chiếu với tư liệu hiện tồn về triều Tây Sơn và đầu triều Nguyễn, chúng tôi thấy cách viết phiếm chỉ (có can, để ẩn chi) xuất hiện khá phổ biến vào khoảng cuối triều Tây Sơn, đầu triều Nguyễn của hoàng đế Gia Long, như Kỷ Quý 己貴 ở đây, Ất Quý 乙貴, Canh Quý 庚貴 ở một số tư liệu làng xã, địa bạ... Cách ghi phiếm chỉ năm can chi, theo chúng tôi là cách dùng có ngụ ý sâu xa, đó là phương pháp tránh chỉ năm cụ thể (kết hợp với đó là không ghi niên hiệu đời vua) để nếu thời cuộc thay đổi thì ngôi mộ và tấm bia sẽ ít bị xem xét và phá hoại khi triều đại mới, đối nghịch đã thiết đặt được giang sơn.

Với triều đại Tây Sơn, ở Phú Xuân - Huế là triều vua Quang Trung (ở ngôi: 1788 - 1792) và triều vua Quang Toản (ở ngôi: 1793 - 1802)) có 3 năm xuất hiện Can KỶ gồm: Kỷ Hợi [1779], Kỷ Dậu [1789] và Kỷ Mùi [1799]. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung bài minh với câuDuy vương trảo nha, tại đế tả hữu (là bậc trọng thần như “móng vuốt” của vương, phò giá thân cận ở hai bên trái - phải của Đế) ta có thể ước đoán ngài Lê Viết Sinh mất sau khi vua Quang Trung xưng Hoàng đế cuối năm Mậu Thân (1788), tức có thể loại bỏ năm Kỷ Hợi [1779].

Bia mộ Thị Nội Chưởng cơ Đinh hầu (ghi rõ năm Đinh Dậu 1789)


Tiếp đó, căn cứ vào văn bia mộ vị Thị Nội Chưởng cơ Đinh hầu của triều Tây Sơn, lập vào ngày tốt tháng 8 năm Kỷ Dậu [1789] tại khu đồi Dương Xuân Thượng, thì năm Kỷ Dậu [1789] sẽ được viết rõ, chứ không ghi kiểu viết năm Can [Kỷ 己] mà ẩn giấu năm Chi [Quý 貴] như bia mộ ông Lê Viết Sinh.
 

Thác bản (ký hiệu: 20925, Viện NC. Hán Nôm) bia Nam cố ở mộ Đô đốc Trương quý công, Quảng Nam, dòng niên hiệu bên phải ghi Ất Quý 乙貴

Lại nữa, căn cứ vào thác bản bia mộ Nam Cố của ngài Đô đốc Trương quý công ở Quảng Nam ghi Ất Quý 乙貴, chúng tôi suy luận rằng cách ghi Quý 貴 để ấn giấu năm CHI [thập nhị chi] này xuất hiện sau triều vua Quang Trung (1788 - 1792), tức từ triều Cảnh Thịnh - Bảo Hưng (1793 - 1802) của vua Quang Toản triều Tây Sơn. Theo đó, Ất Quý 乙貴 thực chất là Ất  Mão 乙卯 - Dương lịch: 1795; Kỷ Quý 己 貴 thực chất là Kỷ Mùi 己未 - Dương lịch:  1799 và Canh Quý 庚貴 thực chất là Canh Thân 庚申, Dương lịch: 1800. Như thế, năm Kỷ Quý 己貴 ở văn bia ông Lê Viết Sinh hẳn là năm Kỷ Mùi (1799).

Bài minh văn này dùng nhiều điển tích điển cố súc tích, nhằm để ca tụng công nghiệp và đức hạnh của ông Lê Viết Sinh, một viên quan cao cấp của triều Tây Sơn. Đấy có thể được coi là áng văn thơ sắc sảo, nếu không nói là trác tuyệt, góp phần bổ khuyết thêm nguồn tư liệu cho văn chương triều Tây Sơn, cũng như chứng tỏ trình độ văn học nghệ thuật của triều đại Tây Sơn không hề thấp kém.

Theo gia phả họ Lê Viết (Nguyệt Biều), ông Lê Viết Sinh (? - 1799) là tổ đời thứ 3 của dòng tộc (vị thủy tổ là Tiền Khai canh, Bình Chương quốc sự tặng Chiêu Nghị tướng quân Lê Viết Chất; vị tổ đời thứ 2 là Lê Viết Thọ và  Chưởng cơ Lê Viết Sinh là thế hệ thứ 3). Gia  phả cũng cho biết thêm, vợ ông Sinh là bà Võ  Thị Lành, hai ông bà sinh hạ 5 người con (3 trai  2 gái: gồm con đầu Lê Viết Đại, con thứ Lê Viết  Nở, thứ 3 Lê Viết Liễn, thứ 4 Lê Thị Nọ, và thứ 5 là Lê Thị Cấp. Người đứng tên dựng bia mộ là người con trai thứ 3 - Hoài Viễn tướng quân Kiêu Kỵ úy Lê Viết Liễn).

Từ các thông tin này, chúng tôi cho rằng dòng tộc Lê Viết tại Nguyệt Biều vốn có truyền thống và vài trò quan trọng trong lịch sử xã hội những thế kỷ XVIII - XIX, với những vị trọng thần triều Tây Sơn như Lê Viết Sinh, Lê Viết Liễn… Trong nhiều thế kỷ qua, tộc Lê Viết luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn ngôi mộ của vị tổ thứ 3 - Lê Viết Sinh, nhất là ngôi mộ cổ hình cánh sen nguyên gốc, cùng bản minh văn thể lụy độc đáo và giá trị cao trước mộ ông. Với đặc trưng của một tư liệu quý hiếm triều Tây Sơn như tấm bia minh này, chúng tôi rất mong sẽ được quý cơ quan hữu trách quan tâm và có phương án để phối hợp cùng gia tộc bảo vệ, gìn giữ di vật quý, cùng đó là tìm cách phát huy giá trị, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của một vùng đất chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng như Cố đô Huế.

Huế, 04/2021
V.V.Q
(TCSH388/06-2021)

------------------------
1. Lụy 誄 (còn đọc âm lỗi): là lời viếng ca ngợi công đức người chết; hay văn tế người chết, điếu văn; hoặc dùng để ca tụng và truy phong chức tước cho người chết.

2. Hộ quân Thị nội 護軍侍內: chức quan hầu cận gần vua, điều khiển quân binh bảo vệ cung điện của Hoàng đế.

3. Chữ Phụng lập [奉立] này do chúng tôi đưa vào và để trong ngoặc vuông […], để giải thích rõ ý hơn.

4. Vân trí long hưng, phong tòng hổ khiếu 雲致龍興; 風從虎嘯: Mây nhờ rồng quẫy; Gió nhờ cọp gầm. Đây là câu  lấy ý từ sách Kinh Dịch 易經, quẻ Càn 乾卦, hào Cửu ngũ 九五: “Vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ” 雲從龍, 風從虎, 聖人作而萬物睹 (Mây theo rồng, gió theo cọp, thánh nhân khởi lên mà vạn vật trông vào). Như thế, hàm ý của câu này là chỉ vua tôi hợp hòa như gió mây hội tụ, như rồng - cọp gặp nhau, “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”.

5. Trảo nha 爪牙: nanh vuốt, hàm ý chỉ dũng sĩ thân tín, dũng mãnh như “nanh vuốt” bảo vệ cơ nghiệp đế vương,  bảo vệ triều đình. Chữ này xuất xứ từ sách Kinh Thi 詩經, thiên Tiểu Nhã 小雅 mục Kỳ phủ 祈父 với câu: “Kỳ phủ, dư vương chi trảo nha” 祈父!予,王之爪牙 (Này quan Kì phủ, Chúng tôi là quân dũng mãnh của vua). Nguyễn Trãi (thay Lê Thái Tổ) soạn áng hung văn Bình Ngô đại cáo cũng có câu: “Viên tuyển tỳ hưu chi sĩ, thân mệnh trảo nha chi thần” 爰選貔貅之士,申命爪牙之臣 (Sĩ tốt kén người hùng hổ; Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh - bản dịch Ngô Tất Tố).

6. Tại đế tả hữu 在帝左右: bề tôi thân cận (ở bên trái, bên phải) bên cạnh Hoàng đế. Đây là thành ngữ trích từ sách  Kinh Thi 詩經, thiên Đại Nhã 大雅, mục Văn Vương 文王: “Văn Vương trắc giáng, tại đế tả hữu” 文王陟降, 在 帝左右 (tinh thần của Chu Văn Vương khi lên khi xuống; ở hầu bên cạnh đế vương).

7. Thất phạt tỉ mâu, tứ chinh hoành sáo 七伐比矛; 四征橫槊: Giáo gươm thảo phạt, thương múa bốn phương. (Thất  phạt 七伐và tứ chinh 四征 đều là những thuật ngữ phiếm chỉ việc chinh chiến, thảo phạt khắp nơi, ở bốn phương tám hướng; còn tỉ mâu 比矛 và hoành sáo 橫槊 chỉ các loại binh khí giáo mác, trường thương, phục vụ cho việc chinh chiến ngoài chiến trận).

8. Liệt hỏa chân kim, tật phong kính thảo 烈火真金。疾風勁草: Lửa cháy mạnh tôi luyện vàng ròng; Gió dữ mới  rõ cỏ cứng cáp (Đây là cách nói rút gọn của “Tật phong tri kính thảo, liệt hỏa luyện chân kim”「疾風知勁草, 烈火煉真金(gió dữ mới biết rõ cỏ cứng cáp, lửa mạnh luyện vàng ròng) chúng ta thường nói câu: “lửa thử vàng, gian nan thử sức” là cũng có ý gần gũi với câu này.

9. Hoàng hạc cửu phi, Bạch vân tinh điếu 黃鶴久飛。白雲旌吊: chim hạc vàng đã bay mất từ lâu, mây trắng  cầm cờ tinh đến viếng. Những thuật ngữ “hoàng hạc” (hạc vàng) và “bạch vân” (mây trắng) là hình tượng (biểu tượng) chỉ cho điển tích Tu sĩ Phí Văn Vi đắc đạo thành tiên, cưỡi hạc vàng ngao du sơn thủy. Một hôm, ngài Phí Văn Vi cưỡi hạc đến đậu trên đỉnh Xà Sơn 蛇山 ở Vũ Xương 武昌(thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) nhìn ngắm phong cảnh nơi đây. Rồi ngài cưỡi hạc bay đi mất. Người đời dựng lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc lâu 黃 鶴樓) tại đỉnh Xà Sơn này. Lầu Hoàng Hạc là một trong Tứ đại danh lâu (4 lầu đài nổi tiếng của Trung Quốc) được giới tao nhân mặc khách khắp muôn phương ghé thăm, đề thơ ngoạn cảnh. Trong các thi phẩm nổi tiếng ở lầu Hoàng Hạc, có bài Hoàng Hạc lâu 黄鹤楼 của Thôi Hạo 崔顥 đời Đường, với câu kinh điển “Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản, Bạch vân thiên tải không du du” 黃鶴一去不復返,白雲千載空悠悠 (Hạc vàng bay mất chẳng bao giờ quay lại, mây trắng ngàn năm lửng lờ trên không). Hình tượng “Hoàng hạc cửu phi” 黃鶴久 飛 (Hạc vàng bay đi mất từ lâu) ở đây mang hàm ý để chỉ ngài họ Lê quá cố (Lê Viết Sinh) như bậc tiên ông đã cưỡi hạc vàng bay đi mất.

Chữ Tinh 旌 ở trong câu này có nghĩa là tuyên dương. Ai có đức hạnh đáng khen thì vua cho dựng nhà treo biển để tuyên dương khen ngợi, gọi là Tinh 旌

10. Nam cố 南故 là cách chỉ người quá cố (đã khuất) nước Nam/An Nam/Việt Nam (chỉ triều Tây Sơn, đây là thuật ngữ  để khu biệt, đối lập với “Việt cố” - chỉ người quá cố nước Việt, tức chỉ người theo chúa Nguyễn ở Nam Hà). Thuật ngữ “Nam cố” 南故 này xuất hiện trên các bia mộ của những người thuộc triều đại Tây Sơn, dùng để khu biệt với “Việt cố”, “Hoàng Việt cố”, “Việt Nam cố”, “Đại Nam cố” [các thuật ngữ sau đều dùng để chỉ những người đã khuất là người sống thời Chúa Nguyễn [Việt cố] và các triều vua Nguyễn [Hoàng Việt cố, Việt Nam cố, Đại Nam cố..]…

11. Quý công 貴公: ông có đức hạnh, địa vị cao quý. Đây là cách tôn xưng đối với những người được tôn kính.  

12. Câu này hàm ý rằng: lúc Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương thì ông Lê Viết Sinh là dũng sĩ (trảo nha) ở bên cạnh;  đến khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung, thì ông Lê Viết Sinh là bề tôi thân tín.  




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI DOÃN LONGKính tặng thầy: Cao Xuân Hưởng, Nguyễn Trực Luyện và H.N

  • VÂN LONGHuế đã vào tôi từ thuở thiếu thời qua hai câu thơ của Nam Trân:                Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng                Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo

  • PHAN THUẬN ANCó một bãi đất trống nằm giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài. Nói chính xác hơn, không gian ấy được giới hạn bởi đường 23 tháng 8 ở phía bắc, chân tường Kinh thành ở phía nam, con đường ngắn sau cửa Thể Nhân (thường gọi là cửa Ngăn) ở phía đông và con đường ngắn sau cửa Quảng Đức ở phía tây. Chiều bắc nam của nó rộng gần 125m và chiều đông tây dài khoảng 360m.

  • HỒ VĨNHTôi đứng trên sân thượng Sài Gòn- Morin Huế, nhìn lên phía Tây thành phố trong buổi chiều tà le lói vài tia nắng trên các tán lá rất cao. Nhìn về phía Bắc sông Hương, Thành nội cổ kính chìm trong cây xanh.

  • NGUYỄN THANH HÙNGTôi chưa biết Huế nên buồn vì bỏ qua một vẻ đẹp. Buồn vì mãi mãi không thể chiêm ngưỡng cố đô của đất nước một thời ngang ngửa. Một khoảng trống văn hóa về cổ vật kiến trúc nguyên vẹn của tịnh đô Huế không thể lấp đầy trong tôi, luôn tin tưởng vào sự hữu linh của vạn vật.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤN(Nhân xem “Huế - đất mẹ của tôi” sách ảnh của Đào Hoa Nữ. Nhớ Huế, suy ngẫm và…. cảm nhận)

  • TRƯƠNG THỊ THUYẾT1. Huế không chỉ nổi tiếng là một thành phố đẹp, nên thơ với những danh lam thắng cảnh như sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ và những lăng tẩm cổ kính...mà còn được du khách biết đến bởi những nghề truyền thống của mình.

  • LÊ THỊ KIỀU HẠNHHiếm có một vùng đất nào trên thế giới mà con người đã tạo ra một bản sắc văn hóa độc đáo như kiểu nhà vườn Huế.

  • DĨNH QUỐC ANHLăng tẩm Huế là một trong những thành tựu rực rỡ bậc nhất của kiến trúc văn hóa cổ Việt Nam. Ngoài 8 lăng chính của các vua Gia Long, Minh Mạng,Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Khải Định, còn có đến hàng ngàn ngôi mộ tồn tại qua nhiều thế kỷ của các bậc danh nhân văn hóa, người có công với đất nước.

  • LÊ VIẾT XUÂNCó thể nói, so với các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn quốc, thì Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế có một vị trí quan trọng, sau khu Di tích Kim Liên (Nghệ An), khu Di tích Pác-Bó (Cao Bằng), khu Di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội.

  • BẢO ĐÀN 1. Đặt vấn đề1.1. Như một sự ngẫu nhiên của lịch sử, xứ Huế - từ vùng đất biên viễn quốc gia trong nhiều thế kỷ, trở thành thủ phủ của vùng miền và là kinh đô của một quốc gia thống nhất sau đó. Đây chính là nền tảng thuận lợi để vùng đất này hội tụ, quy tập cho mình một hệ thống làng nghề thủ công, cần thiết cho sự tồn tại và làm tròn vai trò của một vùng trung tâm.

  • BỬU Ý28 Tháng Hai lại về, gợi nhớ về sinh nhật của Trịnh Công Sơn. Vào thời điểm này, bạn bè Trịnh Công Sơn ở Huế và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị cho Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn theo chủ trương của UBND tỉnh và mong muốn của những người yêu mến nhạc sĩ tài hoa này.Sông Hương xin giới thiệu bài viết của Bửu Ý- người bạn rất gắn bó với Trịnh Công Sơn - như một gợi ý mời gọi bạn bè cùng góp ý để sớm hình thành ý nguyện này.

  • THANH TÙNGNhững dịp lễ hội, những chiều hè gió lộng và đẹp trời, trên bầu trời cố đô Huế rực rỡ đủ sắc màu của những cánh diều mượt mà trong hình dáng các loài chim, thú: long, lân, ly, phụng, công, bướm, quạ. Đặc sắc nhất thì diều đại bàng cứu công chua, diều bướm đốt pháo, diều Tôn Ngộ Không...

  • NGUYỄN QUANG HÀCả khung trời hồng dần lên. Sóng Tam Giang lấp lánh hồng. Con thuyền của chúng tôi như rẽ bình minh đi thẳng đến mặt trời. Bầy chim trời đang ăn trên mặt phá, gặp động, chúng rào rào vỗ cánh vù bay lên, rợp trời, như một đám mây, rồi lại rào rào hạ cánh đáp xuống phía phá bên kia.

  • TRƯƠNG THỊ THUYẾTĂn là một biểu hiện của văn hóa. Nghiên cứu nhóm từ chỉ cách ăn uống, chỉ các món ăn của Huế là tìm ra những nét riêng biệt trong sắc thái văn hóa Huế.

  • THANH TÙNGVăn hoá tâm linh là một loại hình văn hoá tinh thần đặc thù của nhiều dân tộc trên thế giới. Với người Việt, từ xưa đến nay văn hóa tâm linh thể hiện ở tình cảm linh thiêng, ở niềm tin và sự tri ân của mọi người đối với những người thân đã mất, niềm tin của cả cộng đồng đối với những vị anh hùng, các bậc tiền bối đã có công lao xây dựng, bảo vệ đất nước; các vị tiền hiền được tôn làm Thần - Thánh, Thành hoàng; thể hiện sự kính trọng và cầu mong sự che chở của các vị thiên thần v.v…

  • TRẦN HÀ TRUNGCứ mỗi lần nghe tiếng trống vang khắp nước, nhất là ở Đống Đa lịch sử (mồng năm tháng giêng) lòng tôi rộn ràng từ những ngày bé nhỏ.

  • HỒ VĨNH       Phóng sựTôi đứng trên nhà bia lăng Minh Mạng thì nghe kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazik) đột ngột qua đời vì bệnh tim. Tôi bàng hoàng lặng người trong giây lát rồi đạp xe về Thế Miếu nơi công trình Kazik đang trùng tu.

  • TÔN NỮ NGHI TRINHNói đến lối ăn Huế người ta nghĩ ngay đến cung cách ăn uống trong cung đình, vì Huế đã từng là thủ phủ của Đàng Trong từ thế kỷ XVII rồi trở thành kinh đô của cả nước từ thế kỷ XIX. Ngần nấy thế kỷ cũng đủ cho Huế trở thành một trung tâm chính trị và văn hóa, trong đó văn hóa ẩm thực giữ một vị trí quan trọng, mà những món ăn trong cung đình là sự chọn lựa tối ưu.

  • JEAN CLAUDE VÀ COLETTE BERNAY (Chủ tịch Hiệp Hội "Nghệ thuật mới Việt Nam", thành viên của Nhóm công tác Huế - Unesco, phụ trách dự án Duyệt Thị Đường từ năm 1993)