Bộ sách kỷ niệm 30 năm Sông Hương, riêng tập tuyển truyện ngắn được chọn xuyên suốt trong 30 năm chứ không phải chỉ 10 năm như tuyển bài ở các chuyên mục khác.
Ngoài mảng được duy trì từ lúc tạp chí mới ra đời cho đến nay là “Huế - dòng chảy văn hóa”, Sông Hương ghi được dấu ấn trong lòng bạn đọc phải kể đến ba mảng chính: văn, thơ, lý luận phê bình. Trong đó truyện ngắn luôn được xem như “xương sống” của mỗi số báo.
Trong dịp kỷ niệm 20 năm, Sông Hương đã có tuyển Văn dày trên 500 trang khổ 16x24cm gồm 50 truyện ngắn. Nếu so với 20 năm Sông Hương, thì 10 năm sau này lượng truyện hay tăng lên. Năm 2009, hơn chục truyện ngắn tốt rải đều trong các số Sông Hương như: Hoa gạo đỏ, Một bước sau quận công, Cái chết của Rối, Một lát cắt,... đủ để có được một tập truyện đa sắc, hấp dẫn. Hoặc trong năm 2011, có số báo đến 3 truyện ngắn được tuyển vào tập này: “Người đọc sẽ đến với một thế giới hiện thực thậm phồn trong sự hỗn chứa hiện thực trần trụi và những hoang tưởng phi lý, thậm chí hướng tới những dự cảm trong chiều sâu vô thức nội cảm qua truyện ngắn Ngày cuối cùng của một diễn viên hài. Bên cạnh đó, Vòng luân hồi của chữ là những mảnh ghép bị đảo lộn như chính những nhân vật trôi lăn trong luân hồi vẫn không nhận ra kiếp mình. Và những ám ảnh của con người khi bị ném vào một quái trạng bất khả cứu rỗi trong Tôi đã nôn ra những đứa trẻ”. (LGT Sông Hương số 269).
Một điều hơi khác biệt, là chúng tôi đã chủ động chọn lại một số truyện không có trong tuyển 20 năm, như Niết bàn bốc cháy (Đoàn Lê), Dịch quỷ sứ (Tạ Duy Anh), Cún (Nguyễn Huy Thiệp), Người đoán mộng giỏi nhất thế gian (Phạm Thị Hoài), Qua sông (Cung Tích Biền) v.v. Nhiều tác giả có từ một đến vài ba truyện ngắn khá trong bộ tuyển Văn 20 và rải rác trên Sông Hương suốt 30 năm, tiếc là do số lượng trang có hạn nên đành phải... gác lại.
Như vậy, chúng tôi không có ý đưa ra một tiêu chí rõ rệt nào ngoài việc chọn những truyện ngắn khá và hay để không phụ lòng độc giả. Có chăng đó là sự chú ý trước hết đến các tác giả ở Huế (vẫn trừ ra một số tác giả góp mặt ở trong tuyển Văn 20). Đó là một Trần Thùy Mai nhẹ nhàng, sâu lắng mà vẫn đầy phức cảm trong không gian Huế xưa với Trăng nơi đáy giếng; Việt Hùng vẽ Biếm họa về hạnh phúc gia đình; Những bước chân bên ngoài khe hở là nhân vật chính của vở bi hài kịch do tác giả Hoàng Trọng Định dàn dựng; Trần Hạ Tháp bày ra Thế trận linh xà để làm nổi lên chí khí người anh hùng áo vải; Thím Thoải của Hạnh Lê (Nguyễn Xuân Hoàng) khắc khoải nỗi buồn thiếu phụ; Phạm Xuân Phụng “trong vai” một nhà tâm lý xuyên sâu vào những ẩn ức đẫm tính nhân văn của chú vịt Mê sa li, câu chuyện bên hồ; Hiện thực phũ phàng như tiếng chuông rung lên trước đạo đức suy đồi được diễn ra âm thầm mà quyết liệt ở Gã kéo chuông nhà thờ của Thái Ngọc San; Dương Thành Vũ đưa ta về không gian của thời bao cấp khổ lụy trong Giếng trăng với vài phận đời bi đát và chỉ có thể đi vào ngõ cụt; Nguyên Quân tìm chân lý qua Chuyện từ thời chiến: người mẹ anh hùng có một bàn tay vỗ về đứa con của mình đã hy sinh, và một xoa dịu dòng sám hối của người lính ngụy...
So với những tờ báo luôn chào đón “hàng độc” với mức nhuận bút hấp dẫn mà Sông Hương vẫn hút được nhiều truyện ngắn hay và mới, chứng tỏ nhiều tác giả có nghề vẫn rất mến mộ Sông Hương. Nhờ đó tuyển tập này dung hợp được nhiều phong cách. Có truyện như là sự thấm tháp nỗi đời của nhà văn sau bao nhiêu năm trăn trở. Đơn cử trường hợp của nữ nhà văn Dạ Ngân: nghỉ việc công sở, trở về tổ ấm của mình lặng lẽ “chép” lại những vết son trên chặng đời đã qua. Truyện là góc nhìn rất hẹp về chiến tranh song mở ra trước độc giả nhiều ngã rẽ với một Xuân nữ lỡ mang kiếp đào hoa, mà bạc phận cho những người đàn ông từng “hành quân” qua cuộc đời chị. Nhức nhối bởi lương tâm bại hoại của những con người vốn là ruột rà với nhau được lột tả trong Kịch độc. Người viết đã “tiêm” những rung cảm lạ lùng vào miền hoang mê của lương tri đồng loại. Những truyện ngắn khác của Bảo Ninh (Bằng chứng), Lê Minh Khuê (Sống chậm), đọc liền thấm nỗi đau đời như của chính mình chứ không còn là của nhân vật nữa. Song hành với hơi thở truyền thống là mạch ngầm hiện đại, như Đất không lối vào của Hạo Nguyên, Mê cung của Nhật Chiêu, Những bức ảnh của Lê Minh Phong; Sóng ngoài khơi của Khánh Phương, hay Một bước sau quận công, một dạng tiểu-luận-truyện rất đặc biệt của nhà văn Hồ Anh Thái.
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi qua tuyển tập này là nhiều tác phẩm một lần nữa được vinh danh; để tác giả của nó thêm tin tưởng và lại dành cho Sông Hương những tác phẩm tâm đắc.
Ban tuyển chọn Sông Hương
HỒNG NHU
Lần đầu tiên trong đời thấy quanh cảnh lễ hội ăn mày diễn ra, lòng cô gái chợt bừng lên một cảm giác khó tả, bâng khuâng, buồn nhớ, thương tiếc… Những hồi niệm xa gần hiện về trong đầu cô, cái đêm hãi hùng giữa mênh mông đầm phá, rồi lễ cúng Thần Đầm, hợp hôn dưới nước với người chồng...
NGUYỄN VIỆT HÀ
“Lạy Chúa, dù sao cha cũng là ông trẻ, xin cha cho chúng con một ngày vui trọn vẹn”. Cha Sinh lưỡng lự nhìn cụ bà Anna Nhỡ, bà cụ sụt sịt cặp mắt nhăn nheo cầu khẩn, cha khẽ gật đầu.
CAO HẠNH
Cứ mỗi buổi chiều khi mặt trời sắp tắt, tôi thường lẻn ra ngồi dưới chân núi Tá để nghe tiếng đàn rơi buốt trong mây và giọng ca cô gái nhỏ chuốt giữa không trung, lúc vút lên đến vô cùng tưởng như đẩy cả trời xanh lên cao vời vợi, có lúc rơi hẫng đến tận cùng khiến nước hồ Mây lăn tăn gợn sóng.
VŨ ĐẢM
Bị xích chân, vướng víu và khó chịu, thằng Muôn không hề phản ứng, trong cái đầu ngơ ngẩn của nó, vẫn còn một phần giúp nó nghĩ đến mẹ với tình thương mãnh liệt...
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Một ngọn đèn từ chiếc thuyền đậu ven sông tỏa vùng sáng nhỏ trên mặt nước. Tiếng ru con buồn buồn, chậm rãi và hay đứt quãng làm Bồng ngơ ngẩn... Những tiếng động quen thuộc trên dòng sông làm Bồng nhớ Trà Kiệu day dứt, nhớ đến khổ sở.
HÀ PHẠM PHÚ
Tin Vua Rắn chết làm chấn động cả tỉnh, nhưng chẳng ai biết rõ nguyên nhân. Bởi vì trước khi lên giường, ông Điền đã khoá cửa ở bên ngoài. Hôm sau, hôm sau nữa, không thấy ông đi làm, mọi người cứ nghĩ vì việc gì đó gấp, ông về quê, không lên kịp...
LÊ THỊ HOÀI NAM
Chị là người đàn bà sinh ra để chờ đợi. Bao nhiêu lần chờ đợi chị không thể nhớ, nhưng cũng có những lần dẫu muốn quên đi cũng không thể. Nó như chạm như khắc vào thời gian, càng muốn quên càng bị ám ảnh...
TRƯƠNG VŨ THIÊN AN
"Con ơi! Bình phong mã thiên về đi hậu. Cả đời mình không lấn ai, cha chỉ thích con tập thế cờ đi hậu. Bình phong mã mượn sức người đánh người. Không đánh không trả, không bị công không trả đòn, không lại hại ai cả..."
TRẦN THANH HÀ
Ngày đó, ông tôi mở nắp chiếc thùng gỗ lấy ra một bộ áo chùng đen, xuýt xoa ngắm vuốt rồi mặc để ra Gò lễ cúng. Chưa bao giờ hương khói nhiều và thơm đến thế, hương bay toả khắp ruộng, khắp đồng khắp mặt sông...
NGUYỄN CẨM HƯƠNG
Sương chắc dày nên thành tàu buốt lạnh. Lúc này chị mới thấy cô đơn, một nỗi cô đơn tự do. Thực ra thì chị cũng đã cô đơn từ lâu rồi, nhưng tự do thì không. Lá đơn li hôn nằm lại trên bàn, chồng chị đọc nhưng không ký...
NGUYÊN QUÂN
Mặt trời đã khuất sau dãy núi cao mù chỉ còn vướng lại chút nắng nhàn nhạt. Người anh cần gặp bỗng nổi bật lên giữa vầng sáng cuối cùng của ngày ấy. Anh đứng dậy đỡ bà cụ ngồi xuống ghế. Bàn tay nhăn nheo của bà bám chặt khuỷu tay anh. Cái già nua mòn mỏi đang hướng nhìn đau đáu chờ đợi...
NHẤT LÂM
Nơi mảnh ruộng tiếp giáp bìa rừng là một khoảnh đất mà không hiểu sao cây rừng không mọc, ở đó là một bãi cỏ. Chiều lay lắt trên ngôi mộ mới chôn. Một tráng sĩ ngồi ủ dột trong tột cùng của nỗi đau khổ.
PHẠM XUÂN PHỤNG
Thưa Mẹ kính yêu! Con biết rồi đây dưới nấm mồ sâu, Mẹ sẽ đau buồn. Nhưng Mẹ ơi! Kiếp làm trai, con phải bay lên chín tầng xanh thẳm, vươn xa khắp tám phương trời. Rồi sẽ đến một ngày thân con rữa nát chốn rừng sâu hay teo khô dưới nắng hè trên đảo vắng.
NGUYỄN QUANG LẬP
Em không thể chờ anh
Mùa hoa phượng còn xa
Xa hơn một đời người
Em không thể chờ anh
(Thơ của một nhân vật trong truyện)
TỪ NGUYÊN TĨNH
Những đêm hè nằm trên chiếc chõng tre, Thuyết thường gối đầu vào tay mẹ, nghe mẹ thì thào kể chuyện. Mẹ bảo trên trời có muôn triệu vì sao, mỗi ngôi sao cũng to và sáng, khi lìa khỏi cõi đời ngôi sao cũng vụt tắt.
PHẠM NGỌC TÚY
Mùa xuân nồng hương loài hoa cỏ. Núi đồi tắm đẫm trong một không khí tinh khiết lạ kì. Trong không gian thơm nức loài hoa lan, hoa huê, hoa răm trắng, hoa hồng. Tiếng con suối róc rách sau nhà. Trong khoảng sân hẹp, hai cây sapotier đang đơm nhánh, toả lộc non, xanh như ngọc...
NGUYỄN QUANG HÀ
Mỗi mùa xuân về, rừng Tứ, Ngũ Tây mai nở rực vàng. Cụ vào rừng chặt mai bán từ khi dân Huế thích chơi mai ngày Tết. Ngôi nhà tranh, lợp lá mây của cha con Mai bây giờ là lều tranh xưa của cụ cố tổ sống giữa rừng...
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Không hiểu tại sao tôi lại bước đến lọ hoa. Nhón rút một cành hoa trắng. Tôi đặt cành hoa giữa trái tim ấy. Tôi cúi xuống giữa đôi môi đang hé nụ, và tối cảm thấy một nhu cầu mãnh liệt của đôi môi này.
QUẾ HƯƠNG
Người thiếu nữ trong y trang mầu lục, cổ đeo kiềng vàng, tươi tắn như chiếc lá mùa xuân. Quanh cô, dờn dợn một biển cỏ. Trước mặt, một rặng núi xanh. Gió lạnh tạt vào phòng, gờn gợn bức tranh lụa. Người đàn ông già kinh hoàng dụi mắt...
TÔ VĨNH HÀ
Tôi chọn một chỗ vắng cách xa lều của chúng tôi vài chục mét rồi nằm dài trên cát. Chưa bao giờ tôi thấy thấm thìa đến cái tuổi xế chiều cô đơn và bất lực của mình.