Tuyển tập Thái Vũ - một cuốn sách độc đáo

09:37 14/08/2009
NGUYỄN KHẮC PHÊAnh Hoài Nguyên, người bạn chiến đấu của nhà văn Thái Vũ (tức Bùi Quang Đoài) từ thời kháng chiến chống Pháp, vui vẻ gọi điện thoại cho tôi: “Thái Vũ vừa in xong TUYỂN TẬP đó!...” Nhà văn Thái Vũ từng được bạn đọc biết đến với những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ như “Cờ nghĩa Ba Đình” (2 tập - 1100 trang), bộ ba “Biến động - Giặc Chày Vôi”, “Thất thủ kinh đô Huế 1885”, “Những ngày Cần Vương” (1200 trang), “Thành Thái, người điên đầu thế kỷ” (350 trang), “Trần Hưng Đạo - Thế trận những dòng sông” (300 trang), “Tình sử Mỵ Châu” (300 trang)... Toàn những sách dày cộp, không biết ông làm “tuyển tập” bằng cách nào?

NV Thái Vũ trình bày với cụ Phạm Văn Đồng về văn học truyền thống và tiểu thuyết lịch sử

“TUYỂN TẬP THÁI VŨ” (*) chỉ dày tròn...1000 trang và không chỉ gồm các tiểu thuyết lịch sử. Đã đành, chỉ với 1000 trang, nên phần tiểu thuyết lịch sử ông chỉ có thể chọn trích in từ 7 tác phẩm chính đã xuất bản, nhưng qua “Tuyển tập”, chúng ta lại được biết một “Thái-Vũ-khác” - một Thái Vũ tài hoa và cũng là người có số...đào hoa!

Có lẽ phần lớn bạn đọc lần đầu được biết một “Thái Vũ-nhà thơ”. Trong “Tuyển tập”, sau tấm ảnh và bài viết trang trọng ghi lại “Buổi hạnh ngộ” quý hiếm giữa tác giả đã và Cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng ngày 24/9/1997, Thái Vũ đã ưu ái dành phần mở đầu bằng những bài thơ - trong đó có rất nhiều bài thơ tình. Không phải ngẫu nhiên tuyển tập của ông mang tên rất thơ: “NHỮNG CHIẾC LÁ THỜI GIAN”. Tuy ông đã “tự bạch” rằng: “Tôi không phải là “nhà thơ”, ai gọi như vậy, tôi rất... ngượng”, nhưng chính là ông đã trở thành một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957 do có thơ đăng trong “Tạp chí Văn nghệ” xuất bản ở chiến khu Việt Bắc từ năm 1951. Đó là bài thơ “Các anh” tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc:

...Tôi không quên các anh / Với nụ cười hồn nhiên / Với cái nhìn hò hẹn / Với da trẻ rám đen / Với bàn tay mạnh chắc / Với lòng không thắc mắc.../ Các anh / Đi mãi không về!...”

Bài thơ này sau đó đã in trong “Tuyển tập thơ Việt Nam 1950-1954”.

Điều thú vị là anh lính trẻ Bùi Quang Đoài “dám” viết thơ tình lãng mạn giữa những ngày kháng chiến gian khổ ở Liên khu 5 (1947) và nay, khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, lão nhà văn Thái Vũ lại say vì thơ tình! Đặc biệt hơn, trong khi hầu hết thơ tình của các nhà thơ khác - nếu tôi không nhầm - thường viết về những cung bậc tình lứa đôi trong thế gian, những “anh và em”, “chàng và nàng" trong mộng tưởng hay hư cấu đều không có tên và “địa chỉ” thì thơ tình của Thái Vũ đều dành tặng những “người đẹp” với nguyên vẹn tên thật đã đến với cuộc đời ông. Bài thơ “Vọng nàng thơ” viết năm 1947 trên Đường 19 (An Khê) ông ghi rõ “Nhớ Duyên (Huế)”:

... Ta chỉ là trai thời chinh chiến / Ra đi không hẹn một ngày về / Bên suối đêm nay lòng xao xuyến / Nhớ Em...ly biệt không lời thề...”

Vì thế, đọc những bài thơ tình của ông, chúng ta hiểu thêm một phần đời quan trọng của nhà văn. Trong thời gian dạy văn Trường “Trung học Bình dân quân sự” thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 5 (1948-1950), ông đã “phải lòng” cô nữ sinh xinh đẹp trường Lê Khiết mang tên một loài hoa (tác giả dám ghi tên thật “người đẹp” trong các bài thơ, vậy mà tôi lại có chút e ngại!) để rồi có những câu thơ thật lãng mạn:

...Tiếng ai thì thầm /(Không!Vẫn là tiếng lá)/ Gió ơi còn nhắc làm chi / Để buồn thêm cảnh chia ly...em về. // Em về thật, em?/(Khoảng trời không còn nữa)/ Ơ...có hai con chim nhỏ / Đậu trên cành nối mỏ tỉ tê...”

Bây giờ thì cô gái ấy đã ở rất xa và sự đời thật kỳ lạ, một cô gái trẻ cũng tên loài hoa ấy đã đến sưởi ấm cuộc đời cô quạnh của lão nhà văn Thái Vũ, dâng cho ông nguồn thơ dạt dào:

Ôi! Linh diệu bông hồng như huyền thoại / Giữa đất trời hay từ những vì sao / Thực hư chăng cứ ngỡ giấc chiêm bao / Hoa rực sáng...khi mỗi chiều đón đợi..”

Giữa hai “bông hoa” đầu và cuối đời ấy, thời Bùi Quang Đoài ra Hà Nội học Đại học Sư phạm Văn khoa với các thầy giáo danh tiếng như Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu..., chàng đã có mối tình thật đẹp với cô sinh viên khoa Toán Lý N.T.L. Trớ trêu thay, nàng là dân đạo gốc, thân mẫu chàng trai họ Bùi quê ở Huế vốn sùng đạo Phật; đó cũng là lúc Bùi Quang Đoài gặp “tai nạn” văn chương, nên nàng đã... cắt tóc đi tu và nay thì đã trở thành Mẹ Bề Trên một nhà tu ở Hà Nội! Tròn nửa thế kỷ đã qua, lần đầu tiên Thái Vũ công bố những vần thơ thật da diết:

...Đường em đi âm thầm năm tháng / Con đường anh không hạnh phúc lứa đôi / Đã yêu nhau...anh nỡ chia phôi / Sông hai ngả không nhập về một nhánh / Em nguyện cầu bên chân tượng Thánh / Anh bơ vơ không nẻo đường về...”

Phần THƠ chưa đầy 50 trang,, nghĩa là chỉ non 1/20 của “Tuyển tập”, nhưng đã gây ấn tượng đáng kể. Phần TIỂU LUẬN hơn 200 trang với trên ba chục bài viết thể hiện vốn kiến thức sâu rộng của ông về nhiều đề tài. Ông “tham chiến” minh oan cho trạng nguyên Lê Văn Thịnh thời nhà Lý, bàn luận về “Thiền học đời Trần với vai trò của Trần Hưng Đạo”, hăng hái trao đổi về một câu thơ trong bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, giới thiệu một số danh nhân và các giá trị văn hóa trên dải đất Bình Trị Thiên, phác họa chân dung các nhà thơ Hữu Loan và Quang Dũng...Phần “Tiểu luận” còn có  những bài phê bình các tác phẩm của Thái Vũ và những trang “tự bạch” của tác giả về quan niệm viết tiểu thuyết lịch sử, giúp bạn đọc hiểu sâu hơn giá trị tác phẩm và cội nguồn đã tạo nên mấy ngàn trang tiểu thuyết lịch sử của ông. Trong “Tuyển tập” độc đáo này còn có 4 tác phẩm âm nhạc, trong đó, có bài hát “Tình Việt Lào Miên” với tên tác giả là Mộc Quang Đoài được Ban Tuyên huấn Quân khu 5 in năm 1950, có nhạc múa “Đêm hoa đăng” và cả... tình ca tặng “bông hoa” đang mang lại cho ông sức sống và tâm hồn tươi trẻ.

“Tuyển tập Thái Vũ” vì thế quả là độc đáo, không phải là loại sách dựng trong tủ kính cho sang trọng mà có lẽ sẽ được nhiều bạn đọc tìm đến vì nó chứa đựng những điều chưa phải ai cũng biết .

Trường An-Huế 5/2004
N.K.P
(184/06-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ LAI THÚY      Thơ có tuổi và chiêm bao có tích                                  Hàn Mặc Tử

  • NGUYỄN HỒNG TRÂNNữ sĩ Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đàm sinh ngày 14/7/1900, nguyên quán ở xã Bối Khê, tổng Cẩm Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và mất ngày 8/11/1973 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

  • TRƯỜNG KÝ(“Nụ cười Áp-xara”: Truyện ký của Hà Khánh Linh, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1983)

  • PHẠM PHÚ PHONGChính cái bìa tập truyện ngắn là Sứ giả Việt Hùng do hoạ sĩ Đinh Khắc Thịnh trình bày đã gợi ý tưởng cho tôi viết bài này, sau khi đọc đi đọc lại vài lần tập truyện ngắn gồm có chín truyện của Việt Hùng - chín truyện ngắn anh viết trong vòng hơn mười hai năm, kể từ khi tập truyện ngắn đầu tay Cô gái hoàng hôn (1997, cũng gồm có chín truyện ngắn), ra đời cho đến nay.

  • Ý THIỆNVào ngày 27, 28 tháng 7 năm 2001, tại chùa Từ Đàm - Huế đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Gia đình Phật Hoá Phổ - tổ chức tiền thân của Gia Đình Phật tử Việt Nam, với hơn 3000 đoàn sinh về tham dự. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp nhân dân thành phố Huế cũng như phật tử khắp nơi trên đất nước.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNGNguyễn Đức Tùng: Chào nhà thơ và cô giáo dạy văn Đinh Thị Như Thúy. Được biết chị đang sống và làm việc ở một huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc. Chị có tìm thấy cho mình một quê hương ở đó không?

  • ĐINH XUÂN LÂM - VÕ VĂN SẠCHTrong khi khai thác tư liệu về phong trào đấu tranh yêu nước chống xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ XIX của nhân dân ta tại Cục lưu trữ Trung ương, chúng tôi có tìm được hai bài thơ nôm của vua Hàm Nghi ban cho các quân thứ Bắc kỳ.

  • HỒ THẾ HÀKỷ niệm 8 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu (9-12-2002 - 9-12-2010)

  • NGUYỄN NHÃ TIÊNTừ buổi trình làng tập thơ “Bông hồng ngủ quên”, tiếp theo là tập “Nhặt mùi hương trầm đâu đây”, cho đến bây giờ thi phẩm thứ ba của Võ Kim Ngân “Viết lúc sang mùa” vừa mới được Nxb Văn học cấp phép ấn hành tháng 7-2010.

  • THANH THẢO(Đọc “Bán đảo” của Thái Bá Lợi)

  • TRẦN HUYỀN TRÂNNgày 10 - 10, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Công ty Văn hóa Phương Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường của nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của các nhà văn, nhà nghiên cứu và đông đảo sinh viên các trường đại học.

  • KIM QUYÊNSau tập thơ Ngày đầu tiên(*), nhà văn Trần Hữu Lục tiếp tục ra mắt bạn đọc tập Góc nhìn văn chương(**) và anh sẽ xuất bản tập truyện ngắn Trần Hữu Lục (tuyển chọn năm 2010). Thật là một mùa bội thu với nhà văn Trần Hữu Lục.

  • HỒNG DIỆU(Nhân đọc Trái tim sinh nở và Bài thơ không năm tháng *)

  • MAI VĂN HOANTôi cố hình dung những tháng ngày nhà văn Hồng Nhu trăn trở, băn khoăn lựa chọn việc trở về quê hay ở lại thành phố Vinh - nơi anh từng gắn bó đã hơn hai mươi năm với bao kỷ niệm vui buồn.

  • KHẢI PHONG“Thơ kỵ nhất viết điều người đã viết! Nhưng biết sao, khi tôi mến sông Cầu…Lòng khẽ nhắc: đừng nói điều đã viết,Sao âm vang cứ mãi gọi: sông Cầu”

  • (Về cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên Huế do Sông Hương tổ chức)BAN TỔ CHỨC CUỘC THINhằm tạo không khí sáng tác, phát hiện các cây bút trẻ Huế, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Tài năng Trẻ, Tạp chí Sông Hương tổ chức Cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên đang theo học các trường đại học và cao đẳng ở Huế.

  • LÊ HUỆCuộc thi Truyện ngắn cho sinh viên Huế do tạp chí Sông Hương tổ chức đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều các bạn trẻ mang trong mình khát vọng văn chương. Những truyện ngắn dự thi đã cho ta thấy được một vóc dáng mới của các cây bút trẻ Huế hiện nay: phản ánh cuộc sống đương đại từ nhiều góc cạnh bằng bút pháp tinh tế, mới mẻ, giàu trí tuệ và đầy chất thơ. Mười lăm truyện ngắn xuất sắc lọt vào chung khảo đã được tập hợp lại thành ấn phẩm mang tên “Yêu xa xa một phút”.

  • PHAN MINH NGỌC“Bài thơ về biển khơi” (*) là tập sáng tác đầu tay của cây bút nữ Trần Thùy Mai.

  • NGÔ HƯƠNG GIANGLàm thế nào để diễn giải hợp lý về Tường Thành?

  • KHẢI PHONGTôi đã có dịp gặp những trang thơ chân chất của Nguyễn Quang Hà trong “Tiếng gà trên đỉnh chốt”(1). Lần này gặp văn Nguyễn Quang Hà trong “Mùa xương rồng nở hoa” (2), cảm tưởng lưu lại trong tôi là văn anh gây được ấn tượng mạnh hơn thơ.