LÊ VĂN LÂN
Huế là đô thị không chỉ trong nước mà cả thế giới tôn vinh với nhiều danh hiệu cao quý. Nhưng đứng trước những danh hiệu này, bản thân người Huế cũng thấy đang còn nhiều khoảng cách lớn.
Đô thị Huế - Ảnh Hải Phong
Để xóa khoảng cách này đòi hỏi người dân Huế phải phấn đấu hết sức quyết liệt vừa phải hết sức thận trọng bảo đảm để Huế không hòa vào làn sóng phát triển đô thị ồ ạt như hiện nay. Đây là bài toán hóc búa và đã được giải mã bởi quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch này làm rõ hơn, khẳng định hơn: Huế mãi mãi là một thành phố lịch sử, thành phố văn hóa có giá trị đặc sắc của cả nước, đó là cái lâu dài của Huế. Trong quá khứ Huế là thủ phủ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn, là kinh đô Phú Xuân của thời Quang Trung, tiếp nối là kinh đô vương triều nhà Nguyễn. Trong chống Mỹ cứu nước: Huế - Hà Nội- Sài Gòn là 3 thành phố kết nghĩa và ngày nay việc kết nghĩa đó vẫn mang đậm ý nghĩa trong phát triển hệ thống đô thị Việt Nam là thế cân bằng chân vạc: Hà Nội, trung tâm chính trị; thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế và Huế là trung tâm văn hóa của đất nước.
Huế - thành phố mở
Là một thành phố văn hóa, lịch sử, do vậy việc phát triển đô thị Huế phải bảo đảm mục tiêu một thành phố hiện đại trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; Xây dựng thành phố có tổ chức không gian hợp lí, bảo vệ quỹ kiến trúc vô giá, phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên. Huế phải là một đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và là di sản văn hóa của quốc gia và quốc tế. Điều này đặt ra Huế cần tạo đà cho một thành phố “mở”, khắc phục nhược điểm trong quá trình chỉnh trang đô thị hiện đại và không làm teo tóp mảng xanh đô thị quý giá khiến Huế xứng danh viên ngọc quý của đất nước.
Trước ngày Huế giải phóng, trong vùng địch tạm chiếm,Huế gói gọn trong khu vực nội thành và vùng ven giới hạn bởi phía tây và phía bắc là sông Kẻ Vạn và sông An Hòa (sông đào cửa Hậu), phía nam là sông An Cựu; phía đông là đường Bà Triệu lên đến Đập Đá. Năm 1981, thành phố Huế được mở rộng gồm thành phố cũ và nhập thêm vào các xã thuộc huyện Hương Phú và Hương Điền (gồm các xã Thủy Trường, Thủy Phước, Thủy Xuân, Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy An, Thủy Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân, Hương Hải, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ, Hương Long, Hương Bình, Hương Thọ, Hương Hồ…). Đây là mở rộng Huế với quy mô lớn trên tinh thần “đông, rộng, mới, mạnh”, cấp huyện trở thành pháo đài phòng thủ vững chắc, nằm trong phong trào hợp tỉnh, hợp huyện thời bấy giờ. Địa giới thành phố được mở rộng và kéo dài từ Bình Điền đến Thuận An, với 33 phường xã. Năm 1983 với việc thành lập mới, phân lại địa giới hành chính một số phường xã, với thời điểm này thành phố Huế có 40 phường xã. Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên được phân chia lại địa giới hành chính. Những tỉnh mới trở lại như trước ngày hợp nhất. Thành phố Huế từ tỉnh Bình Trị Thiên trở lại tỉnh Thừa Thiên Huế (tỉnh Thừa Thiên cũ chính thức lấy tên mới là tỉnh Thừa Thiên Huế). Tỉnh Thừa Thiên Huế mới có địa giới hành chính nhỏ hơn Bình Trị Thiên nhiều lần, nhưng địa giới hành chính cấp huyện vẫn như cũ gồm 5 đơn vị hành chính (thành phố Huế và 4 huyện Hương Điền, Hương Phú, Phú Lộc, A Lưới), tình hình đó đặt ra phải phân lại địa giới hành chính. Năm 1990 thành phố được điều chỉnh lại địa giới hành chính theo hướng thu gọn, từ 40 phường xã còn lại 23 phường xã giao lại 17 xã trả về các huyện. Việc mở rộng hay thu hẹp thành phố từ sau ngày Huế giải phóng chủ yếu vẫn theo phong trào và nhu cầu quản lí hành chính chứ chưa thực sự xuất phát từ ý đồ chiến lược trong phát triển đô thị, chưa thực sự tạo ra không gian cho một thành phố mở. Huế vẫn luôn bức xúc trong tấm áo chật của mình.
Tham vọng của tỉnh là đẩy mạnh đô thị hóa trên toàn tỉnh, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; điều này phù hợp với chủ trương của Trung ương: Xây dựng Huế trở thành một trong năm đô thị cấp quốc gia. Nhưng trước hết, để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải giải quyết thật tốt xây dựng đô thị trung tâm. Vì vậy, việc nâng cấp quy hoạch chung thành phố Huế lại được đặt ra. Dự án nâng cấp quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được triển khai. Nhiều nhà quản lí, chuyên gia, lãnh đạo các ban ngành,… với mong muốn dự án có một hướng đi đúng. Tháng 5/2014, Thủ tướng Chính phủ xét đề nghị của tỉnh và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng ra quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định này, đô thị trung tâm Huế được mở rộng gần gấp 5 lần hiện nay, từ trên 70km2 lên gần 350km2. Ranh giới phía đông đến biển Thuận An, phía tây đến Bình Điền, phía bắc đến sống Bồ - Tứ Hạ, phía nam đến đường tránh Huế. Thành phố mới mở rộng có rừng, có biển, đầm phá, có phi trường, bến cảng,... Mục tiêu của quyết định này là mở rộng Huế trở thành đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai. Quyết định cũng là cơ sở pháp lí triển khai xây dựng đô thị đồng bộ, trở thành một trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước và khu vực các nước đông nam châu Á.
Diện mạo thành phố mới(*)
- Thành phố mới sẽ được hình thành diện mạo là thành phố lịch sử và 4 đô thị phụ trợ gồm Hương Thủy - Thuận An - Hương Trà - Bình Điền. Và theo quy hoạch trên, sẽ xây dựng các công trình cao tầng hiện đại làm điểm nhấn đô thị ưu tiên trên trục quốc lộ 1A ở khu vực Hương Thủy, Hương Trà, khu đô thị An Vân Dương. Xây dựng các vành đai xanh tạo mối liên kết giữa các đô thị. Tận dụng không gian mặt nước bao gồm khu vực sông Hương và các nhánh, khu vực đầm phá và ven biển Thuận An; các kênh đào trong và ngoài kinh thành, các ao hồ nhân tạo và hồ điều hòa tự nhiên. Cải thiện năng lực thoát lũ của sông Hương.
- Kinh tế xã hội của Huế phát triển theo hướng Bắc - Nam, tạo thành từ trục giao thông chính quốc gia và hành lang kinh tế Đông - Tây với các khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ, Thủy Phương, các cụm công nghiệp làng nghề Hương Sơ, Bình Điền. Trục phát triển du lịch theo hướng Đông - Tây từ Thuận An đến Bình Điền tập trung vào du lịch sinh thái biển, đầm phá với các khu nghỉ dưỡng cao cấp; phát triển du lịch sinh thái, sông, hồ dọc sông Hương, Ngự Hà, các điểm du lịch đặc thù Cồn Hến, Dã Viên, Thủy Biều, Kim Long... Các trục không gian chính sẽ được hình thành: Trục cảnh quan lịch sử (được thiết lập gồm trục trung tâm thành phố, trục cảnh quan Bắc - Nam, trục Nam Giao, vùng đồi núi, nhằm bảo đảm các yếu tố mang tính biểu tượng và tính lịch sử của Huế. Xây dựng cảnh quan đường phố trung tâm đô thị, đường phố lịch sử: Hùng Vương - Hà Nội - Lê Lợi - Điện Biên Phủ...), trục cảnh quan sông nước. Trục không gian đô thị sẽ được kết nối bằng trên cơ sở hình thành tuyến giao thông công cộng Bắc - Nam kết nối Hương Trà - Huế - Hương Thủy; tuyến Đông - Tây kết nối Thuận An - Huế - Bình Điền. Phát triển mạng lưới đường đi bộ và xe đạp trong khu vực đô thị hiện nay và các khu đô thị mới.
- Thành phố có những vùng kiến trúc cảnh quan khác biệt: Khu vực phía Bắc sông Hương; Khu vực phía Nam sông Hương; Khu đô thị mới An Vân Dương; Khu vực Bình Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An; Khu vực Kinh thành Huế, Bao Vinh, Thủy Biều, Kim Long, Hương Long... (bảo tồn cảnh quan, giảm thiểu mật độ dân cư bảo đảm sự hài hòa không ảnh hưởng đến di tích, nhà vườn, các làng nghề truyền thống); Khu vực tập trung các khu đô thị mới: An Vân Dương, Hương Sơ, An Hòa... Một số khu dân cư mới ở Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền theo mô hình đô thị sinh thái…
- Đối với sông Hương, đoạn từ lăng Gia Long đến Kim Long và từ Kim Long đến Bao Vinh cần xây dựng có kiểm soát, khai thác du lịch hợp lý nhằm kết hợp hài hòa bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn những nét đặc trưng của khu vực Kinh thành Huế.
- Về môi trường, quy hoạch đã đề cập một cách cụ thể và quyết liệt, trước hết về thoát nước mặt. Huế là thành phố có nhiều thuận lợi bởi hệ thống sông, hồ, hào bao bọc, do vậy tận dụng việc thoát nước mưa theo hướng tự chảy, tận dụng không gian mặt nước hiện có để điều tiết nước mưa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cải thiện năng lực thoát lũ của sông Hương sông Bồ và sông An Cựu. Cải tạo, nạo vét và chỉnh trị các sông ngòi hiện có, đồng thời xây dựng các hồ điều hòa để giảm lũ ở các sông nhánh. Đối với khu vực kinh thành Huế, các khu phố cũ, các khu vực hiện đang sử dụng thoát nước chung, tiến tới chuyển đổi sang thoát nước riêng (nhất là các khu vực đô thị mới, khu công nghiệp).
- Về chất thải rắn, hiện nay chủ yếu là chôn lấp, về lâu dài không ổn. Nên cần thiết xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn tại các khu Hương Bình, Tứ Hạ, Bình Điền, Phú Sơn, Phú Xuân với công nghệ thân thiện môi trường.
Huế, thành phố trực thuộc trung ương - Những vấn đề đặt ra
Với quy hoạch mở rộng thành phố mà Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt đòi hỏi Huế phải thực sự quyết liệt trong thực hiện quy hoạch. Sự quyết liệt này không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà phải bằng hành động hết sức cụ thể, nhìn thẳng vào những vấn đề nhạy cảm để có những quyết định triển khai hết sức phù hợp, hãy nhìn vào những vấn đề lớn của Thừa Thiên Huế để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước hết, chúng ta đều biết theo quy hoạch với một thành phố gấp 5 lần của Huế hiện hữu, số dân trên 500.000 người(?) việc giữ nguyên hiện trạng như hiện nay là không phù hợp. Do vậy việc chia tách quận là đều hết sức cần thiết. Có lẽ đây là vấn đề đầu tiên mà các nhà lãnh đạo, các nhà quản lí e ngại khi đề cập đến. Nhưng đây là vấn đề cốt lõi phải đối diện, nếu quyết tâm đưa thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Chúng ta đều biết, thành phố Huế hình thành bởi các quận là vấn đề không mới. Trước đây, trong vùng địch tạm chiếm Huế có 3 quận gồm 3 quận: Quận Tả Ngạn, quận Hữu Ngạn, quận Thành Nội (quận 1, quận 2, quận 3); Ở vùng kháng chiến, thành phố có lúc gồm 3 quận nội thành và 3 huyện cánh nam Huế. Điều này thể hiện vị trí của Huế trong công cuộc kháng chiến, cũng như mối quan hệ của Huế trong vị trí trung tâm Huế - Hà Nội - Sài Gòn.
Thật ra, đây là vấn đề đã được đề cập và trưng cầu ý dân mới đây khi tỉnh đề nghị đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề chia quận trong đề án này, đề án không dựa vào quy hoạch chung của thành phố, việc chia quận lại manh múm nên rất khó được chấp nhận. Do vậy vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu thấu đáo quy hoạch chung mở rộng thành phố đã được Chính phủ phê duyệt, những định hướng phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, hình thành các trung tâm mà quy hoạch đề cập. Đây là những căn cứ hết sức quan trọng trong việc chia tách quận.
Cùng với việc chia quận, việc quản lý Huế như thế nào với đặc thù của nó để phát huy vị trí trung tâm cũng là vấn đề cần được đề cập. Quá trình phát triển đô thị và quản lý đô thị Huế trong quá khứ cũng để lại cho chúng ta nhiều vấn đề suy ngẫm. Trong vùng địch tạm chiếm việc quản lý thành phố luôn theo cơ chế tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên kiêm thị trưởng đô thị Huế. Trong vùng kháng chiến là Bí thứ Tỉnh ủy Thừa Thiên kiêm Bí thư Thành ủy Huế. Cơ chế không giống ai này tỏ rõ sự phù hợp trong quá khứ, là sự khác biệt giữa Huế và các địa phương trong cả nước. Do vậy cần nghiên cứu thấu đáo cơ chế này để vận dụng nó trong quản lý đô thị trung tâm nhằm tạo sự đồng bộ thống nhất, xóa bỏ những vướn mắc khi xây dựng đô thị trung tâm.
Tiếp đến, để thành phố phát triển lành mạnh phải có ứng xử đúng đắn với quy hoạch, phải xem quy hoạch là khoa học, là pháp luật. Phát triển theo quy hoạch chính là góp phần tạo nguồn lực cho phát triển đô thị. Cần công bố rộng rãi quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đến cán bộ và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là trong khu vực điều chỉnh. Đồng thời ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án; lập và điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch các phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với đồ án. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, đất đai trong thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật. Mà cao hơn hết là xây dựng lộ trình thực hiện quy hoạch, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, gạt bỏ tư duy nhiệm kì, tâm lí nôn nóng với những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Lộ trình này bảo đảm công trình đi sau là tiếp nối cái đi trước, phát huy cái đi trước chứ không phá vỡ nó. Lộ trình này phải được thảo luận một cách khoa học và được quyết định ở các kì họp hội đồng nhân dân tỉnh và các địa phương liên quan. Không theo lộ trình, đô thị sẽ phát triển nham nhở và tạo nên một sự lãng phí rất lớn. Chúng ta đều biết, Huế đang triển khai dự án cải tạo môi trường nước. Sự cần thiết của dự án thì không ai có thể phủ nhận. Song đi kèm theo dự án là đường, lề đường và các công trình kỹ thuật liên quan bị hư hỏng, nhà cửa dọc theo dự án cũng bị thiệt hại... Không thể thực hiện dự án này nếu Huế muốn trở thành thành phố xanh, nhưng đây có phải là việc đào xới thành phố lần cuối cùng hay chưa? Có lẽ câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Điều dễ nhận thấy là thành phố ta không thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chỉ nhìn hoạt động của công ty cấp nước Thừa Thiên Huế: Để cải tạo toàn bộ hệ thống đường ống, lẽ ra thành phố phải bị đào xới dữ dội. Nhưng không, đường ống được thay thế cùng lúc với việc nâng cấp đường, mở rộng đường... và người dân không thấy một xáo động nào trong quá trình cải tạo đường ống.
Một vấn đề quan trọng là những nội dung trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cần phải bàn thực sự quyết liệt và xem đây là vấn đề hệ trọng trong xây dựng và phát triển của Thừa Thiên Huế. Quyết định đã ban hành được 4 năm nay nhưng nhìn sự phát triển của Thừa Thiên Huế và thành phố Huế, bóng dáng của quyết định này vẫn chưa thật rõ nét. Nhìn báo cáo hàng năm của tỉnh, thành phố và các huyện… , những chỉ tiêu bảo đảm cho đô thị trung tâm phát triển bền vững hầu như không được đề cập đến. Thí dụ như xử lí nước thải, xử lí rác thải, xây dựng hồ điều hòa giảm lũ, diện tích dành cho cây xanh, thành phố đại học,… Đây là những chỉ tiêu khá cụ thể được đề cập trong quyết định điều chỉnh mở rộng thành phố Huế của Thủ tưởng Chính phủ. Đây cũng chính là những chỉ tiêu quan trọng nhằm tạo sự khác biệt trong phát triển đô thị của Huế với các đô thị trong cả nước.
Nguồn lực ở đâu?
Có thể nói, để thực hiện bản quy hoạch này đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn, bản thân một tỉnh như Thừa Thiên Huế khó lòng đáp ứng được. Thế nhưng để huy động nguồn lực phát triển Huế không phải là quá bế tắc.
Tất nhiên khi ban hành quyết định này Trung ương cũng phải xác định trách nhiệm của mình trong đó. Đối với các nguồn lực của Trung ương, trước hết là các dự án của đất nước ngang qua Thừa Thiên Huế, phải được phối hợp thực hiện thật nhanh và phát huy tác dụng; tiếc rằng vì nhiều lí do, các dự án qua Thừa Thiên Huế vẫn diễn ra chậm chạp.
Đối với các nhà đầu tư, lâu nay tỉnh vẫn rải thảm cho các nhà đầu tư vào Huế, đặc biệt đối với các nhà đầu tư chiến lược cả trong và ngoài nước. Không thể phủ nhận sự xuất hiện của các nhà đầu tư đã thúc đẩy sự phát triển của Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên việc ưu ái quá mức cũng như giao hết các mảnh đất vàng ở Huế cho các nhà đầu tư thiếu thực lực đã gây không ít bức xúc. Vấn đề đặt ra là kêu gọi đầu tư và đầu tư ở lĩnh vực nào? Đầu tư ở đâu? Đầu tư như thế nào để có lợi nhất? Mặc khác việc kêu gọi đầu tư thường chủ yếu dựa vào phương châm “đổi đất lấy hạ tầng”; và với phương châm này gần như việc phát triển đô thị dựa vào đập phá và xây mới, nếu không cẩn thận sẽ làm cho không gian đô thị di sản bị phá vỡ.
Một nguồn lực cực kì quan trọng đó là nguồn lực trong dân, đây chính là nguồn lực rất lớn cần được rải thảm để huy động sức dân tạo điều kiện cho người dân làm giàu trên mảnh đất mình đang sống. Rất cần phải đặt nặng vấn đề người dân sở tại làm chủ và phát triển, làm giàu trên mảnh đất mình đang sống?
Liên quan đến việc huy động sức dân, một lổ hỗng nhưng là lổ hỗng cực kì quan trọng đảm bảo cho Huế đẹp - Huế thơ chính là thiết kế đô thị. Có thiết kế đô thị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển Huế. Tiếc rằng lĩnh vực quan trọng này lâu nay vẫn đang còn để trống. Chúng ta giải tỏa, nạo vét sông Ngự Hà, giải tỏa mở đường Trịnh Công Sơn,… nhưng sau đó làm gì thì không rõ? Do vậy chúng ta không ngạc nhiên khi những con đường chung quanh Đại nội trở thành phố bán đồ bành, phố xe bãi nhìn rất phản cảm.
Lời kết
Quy hoạch mở rộng thành phố mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là tương lai của đô thị Huế. Đối diện nó là cả một thách thức lớn thể hiện năng lực lãnh đạo, khả năng quản lí, thực thi dân chủ trong việc đưa Huế xứng tầm là một đô thị sáng tạo, một đô thị môi trường kiểu mẫu, một thành phố văn hóa của đất nước.
L.V.L
(SHSDB30/09-2018)
..................................................
(*) Tiểu mục“Diện mạo thành phố mới”, mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết “HUẾ NHÌN TỪ QUY HOẠCH” đăng trên ở Sông Hương Số đặc biệt 23, tháng 12 - 2016.
NGUYỄN QUANG HÀ Bút kýMột nhà triết học đã nói: "MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH". Lúc ăn chưa no, lo chưa tới, đọc câu này, tôi cười: "Dễ ợt thế, có gì mà nói". Lớn lên mới thấy được câu ấy thật chí lý, thật ghê gớm. Hầu như tất cả những ai mượn đôi chân của người khác đi đều sứt đầu, bươu trán cả. Tuy không nói ra, song những tiền đề, định hướng cho mọi hành động đều có xuất phát điểm từ nội dung câu nói ấy.
HOÀNG NGỌC VĨNHTrong hơn 300 năm từ 1636 đến 1945, với tư cách là Trung tâm chính trị và văn hóa của Đàng Trong và là kinh đô của đất nước thống nhất, Huế trải nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được những thuần phong mỹ tục và các thành tựu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, hội tụ được nhiều kỳ tích về nhiều phương diện. Huế bình tĩnh, chắc chắn đi lên và đang hiện đại hóa. Cố đô cổ kính hài hòa trong thành phố mới sôi động, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà UNESCO trao tặng trong tháng 8. 1994 "Huế di sản văn hóa của thế giới".
XUÂN HUY "Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại Cầu Trường Tiền đúc lại xi - moong"
TÔN THẤT BÌNHThừa Thiên Huế vốn là vùng đất miền Trung nổi tiếng về hò. Ngày trước, hò khá phổ biến trên mọi miền đất nước, nhưng đặc biệt ở miền Trung, hò là một đóng góp quan trọng về thể loại dân ca Việt Nam.
LTS: Nhạc sĩ Trần Hoàn là người từng công tác nhiều năm, và có nhiều gắn bó với TTH. Nhân dịp ông vào Huế công tác, phóng viên Nguyễn Việt có cuộc trò chuyện với ông xung quanh những vấn đề về Huế và âm nhạc. Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện này.
HỒ VĨNHTừ đường Qui Đức công chúa tọa lạc bên cạnh đường đi lăng Tự Đức thuộc thôn Thượng 2, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Đây là một ngôi từ đường cổ có tuổi thọ trên 100 năm. Bình đồ từ đường có kiến trúc gần vuông, nội thất có 1 gian 2 mái gồm 20 cột gỗ lim, kiền. Ở gian chính giữa treo bức hoành khắc nổi sáu chữ Hán "Qui Đức công chúa từ đường".
NGUYỄN KHẮC PHÊLâu nay, nhắc đến vùng biển gắn liền với Huế, người ta chỉ biết có Thuận An " bãi tắm Thuận An", " Cảng Thuận An", " nhà nghỉ Thuận An"... còn eo Hòa Duân, nghe như là một địa danh mới nổi tiếng sau cơn lũ lịch sử đầu tháng 11 này.
THANH TÙNGSáng 4/11/99, khi còn kẹt ở Đà Nẵng, nối được liên lạc với với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Mễ qua Mobi Fone tôi mới biết mức nước ở Huế đã vượt đỉnh lũ lịch sử từ 1 - 1,2 mét.
QUÍ HOÀNGLăng tẩm trừ lăng Khải Định, Hổ Quyền, trong Hoàng Thành trừ Thái Bình Lâu, Lẩu Ngọ Môn ở vị thế cao nên thoát khỏi nước. Còn tất cả 14 khu di tích khác với hàng trăm công trình kiến trúc đều bị ngập trong biển nước. Chỗ cao nhất trong nội thành cũng ngập 1 mét 50 nước, chỗ ngập sâu nhất của lăng Minh Mạng là trên 5 mét. Nhà bia ở đây nước ngập dần tới mái.
ĐOÀN MINH TUẤNViệt Nam - mảnh đất dài như một chiếc đàn bầu đã là quê hương sản sinh ra chiếc áo dài phụ nữ duyên dáng. Dải đất hình chữ S thắt lưng eo ở Huế, cũng như chiếc áo dài "thắt đáy lưng ong" dịu dàng, e ấp, kín đáo và lộ rõ đường nét: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên (Nguyễn Du)
NGUYỄN ĐẮC XUÂNTừ sau ngày các chúa Nguyễn thiên di thủ phủ xứ Đảng Trong đến Kim Long (1636) và Phú Xuân (1687), do yêu cầu tiêu dùng của phủ Chúa và quan binh, đã hình thành ở Phố Lữ Bao Vinh một khu phố thị. Đến nửa thế kỷ XIX khu phố thị nầy lan dần lên phía chợ Dinh Gia Hội và tồn tại cho đến ngày nay. Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Thành cổ thì khu Gia Hội Chợ Dinh chính là khu phố cổ của Huế.
VÕ HƯƠNG AN (*)Ngày trước tôi chưa thấy nơi nào nhiều am, miếu, điện, đền như ở Huế. Và cũng chưa thấy nơi nào mà việc lên đồng lại phổ biến và quen thuộc như ở Huế. Nội dọc con đường chạy từ xóm Cầu Đất tới cống Vĩnh Lợi đã có khá nhiều điểm lên đồng, nào am ông Cửu Cường, am bà Thầy Bụi, Phước Điền Điện của ông Giám Hưu, am ông Chấn.v.v nói chi đến những nơi khác nữa.
NGUYỄN VĂN MẠNHLàng Phước Tích được thành lập vào khoảng thế kỷ XV, gần với quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của nhà nước phong kiến Đại Việt. Trong gia phả của họ Hoàng - dòng họ khai canh ở Phước Tích có đoạn chép: "Đến đời Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất và hai (1470 - 1471), ngài thủy tổ họ Hoàng lúc bấy giờ là Hoàng Minh Hùng, tục gọi là Nồi, nguyên người làng Cẩm Quyết, tỉnh Nghệ An, đã thân chinh đánh đuổi quân Chiêm Thành, sau chiến thắng trở về ngài đi xem xét đến nguồn Ô Lâu, bao chiến địa phận từ Khe Trăn, Khe Trái đến xứ Cồn Dương, sau khi xem bói, đoán biết được chỗ đất tươi tốt, ngài liền chiêu tập nhân dân thành lập làng" (1).
NGUYỄN QUANG SÁNG Ký Mỗi lần ra Huế về tôi cứ áy náy là chưa đến viếng Nhà thờ tổ nghề Kim Hoàn, vì cha tôi và anh em tôi đều là thợ kim hoàn. Nghề kim hoàn của cha tôi đã nuôi các anh chị em tôi. Cũng với nghề kim hoàn gia đình tôi đã trải qua biết bao thăng trầm. Mãi đến ngày 05/8/2004 này nhờ sự giúp đỡ của Tạp chí Sông Hương (Nguyễn Khắc Thạch, Vũ Bích Đào, Diệu Trang) tôi đã đến Nhà thờ thuộc làng Kế Môn, huyện Phong Điền.
TRẦN THỊ THANH…Núi Thuý Vân và chùa Thánh Duyên vì trước kia được xem là một trong những thắng cảnh của đất Thần Kinh nên các Chúa và các vua Nguyễn thường về đây thưởng ngoạn và làm thơ phú ca ngợi. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả vẫn là những bài thơ được khắc trong hai tấm bia - một dựng trong chùa, một dựng dưới chân núi…
HỒ VĨNHĐồi Vọng Cảnh nằm cách thành phố Huế 7km về phía tây nam, vùng sơn phận này gồm nhiều núi đồi gối đầu lên nhau trong một khu vực rộng khoảng 2.400 ha diện tích đất tự nhiên. Về mặt địa hình của ngọn đồi, từ vị trí của tấm bia cổ Lý Khiêm Sơn (núi gối hậu của Khiêm Lăng - Tự Đức) kéo dài lên Vọng Cảnh là một dãy liên hoàn.
NGUYỄN QUANG HÀChùa Huyền Không Sơn Thượng tan trong non xanh và lá xanh. Dẫu đang còn tranh tre mộc mạc, nhưng thanh thoát, duyên dáng và thảnh thơi như lòng người ở đây. Đúng như nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh tâm sự: “Cảnh là tơ duyên của đời”. Đến Huyền Không Sơn Thượng cảm giác đầu tiên của tất cả du khách là thấy lòng mình ấm lại.
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHChùa Linh Mụ đẹp quá, nên thơ quá. Nói vậy cũng chưa đủ. Nó tịnh định, cổ kính, an nhiên, trầm mặc. Nói vậy cũng chưa đủ. Phải nói nó là một bài thơ Thiền lồng lộng giữa không gian mây nước, giữa khói sương, giữa mênh mang dâu bể và lòng người. Nó là bức tranh thủy mặc thuộc họa phái Sumiye, Nhật Bổn, mà, nét chấm phá tuy giản phác nhưng lung linh, ảo diệu; vượt thời gian và đi vào vĩnh cửu. Nó là bài kinh vô ngôn, tuy không nói một chữ, mà đã làm lắng đọng trăm ngàn xôn xao của cuộc thế; và, gợi nhắc vô biên cho con người hướng đến điều chân, lẽ thiện...
NGÔ MINHHuế trên 350 năm là thủ phủ Chúa Nguyễn Đằng Trong và Kinh Đô của Đại Việt đã tích tụ nhân tài, vật lực cả quốc gia tạo ra một hệ thống Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc và nổi tiếng như nhã nhạc, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực... Trong Di sản văn hóa ẩm thực Huế, Văn hóa ẩm thực Cung đình là bộ phận tinh hoa nhất, giá trị nhất!
HÀ MINH ĐỨC Ký Sau chặng đường dài, vượt qua nhiều đồi núi của vùng Quảng Bình, Quảng Trị, khoảng 3 giờ chiều ngày 25/9/2003, đoàn chúng tôi về đến thành phố Huế. Xe chạy dọc bờ sông Hương và rẽ vào khu vực trường Đại học Sư phạm Huế. Anh Hồ Thế Hà, Phó Chủ nhiệm khoa Văn; chị Trần Huyền Sâm, giảng viên bộ môn Lý luận văn học cùng với các em sinh viên ra đón chúng tôi. Nữ sinh mặc áo dài trắng và tặng các thầy những bó hoa đẹp.