Tuổi thơ chăn trâu

17:30 30/06/2013

LTS: Tác giả của câu chuyện dưới đây, sinh ra và lớn lên ở làng quê Triều Sơn Nam, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Anh sinh ra trong sự oan nghiệt khủng khiếp của cuộc sống khi buổi sáng mẹ anh quằn quại nghe tin đau xé mất chồng, buổi chiều mẹ đón nhận tiếng khóc chào đời của anh.

Tuổi thơ - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Nỗi gian nan khó nhọc thời ấu thơ trong một gia đình nghèo cùng cực đã không khuất phục được cậu bé giàu ý chí và nghị lực. Từ cậu bé chăn trâu, Hồ Văn Trung đã trở thành Chủ tịch Tập đoàn Trangs Group, có chi nhánh khắp toàn cầu. Những dòng dưới đây chỉ là những câu chuyện nhẹ nhàng trong một cuộc đời đầy bão tố, trích trong bản thảo cuốn tự truyện “Gian truân đời tôi” mà anh vừa gửi về cho Sông Hương. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
S.H



HỒ VĂN TRUNG

Tuổi thơ chăn trâu


Chúng  ta  không  thể  quyết  định  nơi  mình  sinh  ra  hay  hoàn  cảnh  nào  sẽ  nuôi  dưỡng  mình.  Sinh  ra  trong một hoàn cảnh éo  le,  lớn  lên  trong  thiếu  ăn,  đói  khổ  nhưng  hơn  hết,  tôi  lại  thấy  mình  là  một  đứa  trẻ  may  mắn.  Cuộc  sống  tuổi  thơ  ở  nông  thôn  mà  80%  dân  số  Việt  Nam  đang  sống  đã  nuôi  nấng  và  dạy  tôi  những bài học vô giá về  cuộc  đời.  Chính  những  kiến  thức,  kinh  nghiệm  có  được  trong  những  năm  tháng  ấu  thơ  đó  là  cơ sở và hành trang chắp  cánh cho mỗi thời điểm,  mỗi giai đoạn đã qua trong cuộc đời tôi. Những thứ  đó  không  phải  ai  cũng  có,  mặt  khác  là  rất  hiếm  những người ở thành phố hoặc thành phần khá giả  có thể tìm mua được.  

Tôi lớn lên giữa mênh mông ruộng đồng, sông  nước.  Tuổi  thơ  tôi  được  đồng  ruộng  ôm  ấp  cùng  những  con  nước  hay  những  ngày  trời  nắng  chói  chang đến đỏ da. Từ nhỏ tôi đã ý thức được mình  rất nghèo và phải biết phụ giúp, đỡ đần cho mẹ. Khi  lớn khoảng 4 tuổi là tôi đã bắt đầu làm việc để san  sẻ gánh nặng với mẹ. Công việc đầu tiên trong cuộc  đời của tôi là chăn trâu. Ngày đó mẹ con tôi ở trong  một  túp  lều  nhỏ  được  dựng  lên  trên  khoảng  đất  không rộng lớn mấy của nhà bà nội. Các cô chú bên  nội cũng ở san sát cạnh bên. Nhà người nào cũng  nghèo, phải lam lũ làm việc đầu tắt mặt tối không  có ngày nghỉ. Tuy nhiên, mẹ con tôi vẫn là nghèo  nhất vì không có ruộng vườn để cày cuốc. Tôi luôn  ý thức được sự nghèo khổ của mình, tôi chưa bao  giờ dám kêu đói với mẹ mỗi khi bụng rỗng tuếch và  phát tiếng ọt ẹt thảm hại, cũng chưa bao giờ dám  than mệt mỏi hay cực khổ khi phải làm bất cứ việc  gì, dù nhỏ hay lớn. Chỉ cần nhìn thấy đôi vai gầy rộc  của mẹ cứ ngày càng gù xuống, làn da mẹ đã thô  ráp lại còn đen thui với quá nhiều vết nám hay chị  hai phải sớm nghỉ học để nhường cho tôi được đến  trường là tôi thấy lòng mình quặn thắt.  

Trong gia đình bên nội, tôi là đứa cháu trai lớn  nhất nên thường được các chú em của ba nhờ chăn  trâu  giúp.  Thật  ra  với  công  việc  đó  thì  tôi  không  kiếm  được  đồng  nào  nhưng  đổi  lại  thì  tôi  được  những bữa ăn trưa hoặc tối. Tuy cũng là những bữa  ăn nhà nghèo đạm bạc bởi mấy chú cũng chẳng khá  giả gì nhưng nó là một công việc thật sự quý báu,  bởi  nhờ  nó  mà  mẹ  không  phải  lo  cho  tôi  một  bữa  ăn thì cũng đỡ được phần nào gánh nặng, dù cũng  chỉ rất ít. Bấy nhiêu đó thôi nhưng tôi rất tự hào vì  mình kiếm được một bữa cơm cho bản thân.  

Mỗi buổi  sáng  tôi  thường  phải  dậy  thật  sớm  trước khi gà gáy. Đối với một đứa trẻ thì dậy sớm  là một việc cực hình. Tôi cũng vậy thôi. Thời gian  đầu khó khăn dữ dội, tôi nhờ mẹ đánh thức nhưng  lần nào tôi cũng không dậy nổi. Riết rồi sáng nào  cũng  nghe  mẹ  đánh  thức  thế  là  vài  ngày  sau  tôi  cũng  dậy  được  và  từ  đó  thích  nghi  luôn  với  việc  dậy sớm. Vào những mùa phải dậy sớm hơn thì tôi  thường hay bị cóng và tay chân run cầm cập. Chiếc  áo  mỏng  manh  của  tôi  giữa  những  buổi  sáng  giá  rét  dường  như  quá  nhỏ  bé  trước  cái  lạnh  nên  nó  thường  hay  teo  tóp  lại.  Cái  lạnh  đó  đôi  khi  muốn  đánh gục tôi. Có những hôm lạnh quá, tôi chỉ muốn  rúc  mình  trong  tấm  bao  bố  mà  mẹ  con  tôi  dùng  làm mền để sưởi ấm, tôi không thể nhấc người ra  khỏi nó. Nhưng mà cuối cùng cũng phải ngồi dậy  và dắt trâu đi ăn. Cái lạnh cắt da khiến những ngày  này tôi trở nên đơn độc và buồn tủi hơn. Dù sớm  hiểu hoàn cảnh nhưng tôi cũng chỉ là một đứa trẻ  bình thường, không tránh được những cảm xúc tủi  thân. Có lúc tôi cũng khóc nhưng rồi tôi biết nước  mắt  chỉ  là  thứ  để  giải  tỏa  những  nỗi  buồn  trong  lòng,  nó  không  thể  giải  quyết  được  mọi  chuyện,  không thể thay tôi làm việc, không thể ăn giùm tôi,  cũng  không  thể  giải  thoát  cái  nghèo.  Lúc  này  thì  những  chú  trâu  như  những  người  bạn  thân  thiết,  tôi  thường  ôm  và  ve  vuốt  chúng  để  tìm  một  chút  ấm  áp.  Mấy  con  trâu  dường  như  cũng  hiểu  được  cảm giác của tôi nên đuôi cứ vẫy vẫy như thể hiện  sự đồng cảm. Lúc đó tôi cũng thấy phần nào được  an  ủi,  ít  ra  thì  tôi  vẫn  còn  những  người  bạn  trâu  đáng yêu bên cạnh trong những lúc như thế này.  

Có những mùa phải dắt trâu đi trễ thì không bị  cái lạnh đáng ghét bấu víu và có thể ngủ được lâu  hơn nhưng lại kéo theo hệ lụy là đến trường muộn.  Những  hôm  như  vậy  tôi  đến  lớp  thường  bị  giam  ngoài  cổng,  năn  nỉ  mãi  mới  được  cho  vào  trường.  Đến lớp với bộ quần áo lôi thôi lếch thếch do vội thể  nào tôi cũng bị thầy cô la rầy cho một trận. Thêm  nữa là còn làm trò hề cho mấy đứa bạn trong lớp,  chúng nó lại có một trận cười ra trò. Nếu hôm nào  trời mưa thì tôi không dắt trâu ra đồng nhưng phải  đội mưa để đi cắt cỏ đem về cho trâu ăn. Mưa nhỏ  thì không nói gì chứ mưa lớn là không thấy đường  mà đi cắt cỏ. Đường sá thì trơn trợt. Lúc đó tôi thấy  con  người  thật  nhỏ  bé  trước  thiên  nhiên  và  nhận  ra rằng con người ta phụ thuộc vào thiên nhiên rất  nhiều.  

Chắc quý độc giả không quên hình ảnh cậu bé  mái tóc ba vá ngồi trên lưng trâu thổi sáo có thể dễ  dàng tìm thấy trong mọi tủ sách của các em thiếu  nhi. Trong hình ảnh ấy, cậu bé có chút chững chạc  khi ngồi trên lưng trâu vững vàng (đây là một độc  chiêu,  tôi  cũng  phải  luyện  tập  một  thời  gian  mới  ngồi lên được) nhưng lại rất hồn nhiên, tinh nghịch  trong thần thái, biểu cảm và cử chỉ làm cho chúng  ta  có  chút  thèm  muốn.  Tôi  cũng  đã  từng  là  một  cậu  bé  hạnh  phúc  và  khiến  người  ta  thèm  muốn  như  vậy.  Cảm  giác  ngồi  trên  lưng  trâu  tuyệt  vời  lắm, như thể bạn có thể cưỡi được cả thế giới trên  lưng, thổi sáo như thể âm thanh của nó có thể với  tới  tận  trời  cao,  lắc  lư  trên  lưng  trâu  cứ  như  thể  cuộc sống dừng lại, lắng đọng, chỉ có mình tôi và  cả không gian đất trời mênh mông. Lúc đó thì sự  nghèo khổ, đói rách của mỗi đứa trẻ đều tan biến  như những hạt cát giữa sa mạc rộng lớn. Chỉ còn  lại  nơi  đó  một  tình  yêu  bền  chặt  với  đồng  ruộng,  với bầy trâu, với từng thớ đất mà chúng tôi đi qua.  Cuộc sống bình yên và đẹp như vậy đó. Đừng bảo  nghèo  khổ  là  cái  tội,  quan  trọng  là  trong  nghèo  khổ, ta biết tận hưởng, nâng niu và gìn giữ những  giá  trị  đẹp  nhất,  vì  nó  chính  là  thứ  giúp  chúng  ta  cân bằng và có thêm niềm tin vào cuộc đời, phấn  đấu  cho  một  tương  lai  tươi  đẹp  hơn.  Để  sau  này  khi nhìn lại, ta có cái mà tự hào, giống như tôi của  ngày hôm nay vậy.

Nhiều người vẫn nghĩ chăn trâu tức là cho trâu  đi ăn cỏ và ngồi một chỗ đợi, trông coi nó. Thật ra  thì không đơn giản như vậy. Ngoài việc hiển nhiên  là cho trâu ăn cỏ thì phải kiêm cả tắm trâu và dẫn  trâu đi đạp lúa. Thời nay thì người ta không còn sử  dụng trâu cho việc đạp lúa nữa nhờ có máy tuốt lúa  nhưng  thời  tôi  còn  nhỏ  thì  đa  số  các  gia  đình  đều  dùng trâu cho công việc này.  

Vào mỗi buổi trưa hè oi bức hoặc buổi chiều tôi  phải dẫn trâu xuống sông để tắm. Khi tắm cho trâu  tôi phải cọ xát thân trâu như là từng tắm cho những  đứa con nhỏ của tôi vậy. Trong trường hợp này thì  không dễ chịu chút nào vì da trâu không như da em  bé  và  người  trâu  cũng  không  thơm  mùi  sữa!  Còn  trâu  thì  to  đùng,  gấp  mấy  lần  đám  trẻ  chúng  tôi  nên phải mất rất nhiều thời gian mới tắm xong cho  trâu. Mỗi lần tắm trâu thì tôi phải dùng thật nhiều  sức mới tắm cho nó được đàng hoàng. Mỗi lần như vậy  cũng  là  một  lần  tôi  tắm  dù  chẳng  sạch  sẽ  gì.  Tuy vậy thì cảm giác được bơi lội cùng trâu khoan  khoái vô cùng. Tôi thường cùng mấy đứa trẻ chăn  trâu thi chà xát cho trâu và đua cưỡi trâu trên sông.  Khi đó chúng tôi thường xem những lần tắm trâu là  những trận thủy chiến. Mỗi đứa ngồi trên lưng trâu  vừa  chà  vừa  làm  động  tác  như  một  vị  anh  hùng  đang cưỡi rồng đi đánh quân địch. Chưa đuổi được  quân địch thì mấy anh hùng đã lấm lem bùn đất và  nhiều khi rớt xuống đất mất tiêu rồi! Tắm cho trâu  xong thì đứa nào cũng ướt như chuột lội nhưng ai  cũng phấn khích ra mặt.

Ngoài tắm trâu thì tôi còn dẫn trâu đi đạp lúa.  Có  lẽ  ít  người  biết  đến  công  việc  dẫn  trâu  đi  đạp  lúa  vì  hình  ảnh  này  cuối  những  năm  70  đã  không  còn. Thường đến mùa gặt thì khi gặt lúa xong người  nông  dân  gánh  lúa  về  chất  trên  cái  cươi  (sân)  ở  nhà. Lúa được chất thành vòng tròn rồi trâu được  dẫn vào cho đi vòng quanh trên đống lúa đó. Sức  nặng và bước đi chậm chạp của trâu sẽ tạo thành  một  lực  để  tách  hạt  lúa  ra  khỏi  thân  lúa.  Thường  thì mất khoảng 6 tiếng trâu mới hoàn thành công  việc này. Sau đó thì người nông dân sẽ dẫn trâu ra  và  bắt  đầu  xới  đống  lúa  lên  để  lấy  hạt  lúa.  Cũng  trong giai đoạn đạp lúa này, có một trải nghiệm mà  tôi muốn kể ra để quý độc giả hiểu thêm về giá trị  của đồng quê. Khi dẫn trâu đi vòng vòng 6 tiếng thì  người dẫn trâu cũng phải có lúc có nhu cầu cá nhân  như tiểu tiện hay đại tiện thì sẽ nhờ người thay thế  trong lúc đó. Trâu cũng có nhu cầu như người, vậy  thì  phải  giải  quyết  ra  sao?  Trong  trường  hợp  này,  nếu  không  khéo  trâu  sẽ  làm  hư  hết  lúa.  Nếu  trâu  tiểu tiện thì cứ cho nó tự nhiên trên đống lúa nhưng  đại  tiện  lại  là  một  vấn  đề  khác.  Chính  vì  vậy,  đây  cũng  là  lúc  người  chăn  trâu  thể  hiện  khả  năng  và  kinh nghiệm của mình. Khi trâu muốn đi đại tiện thì  đuôi nó thường vẫy lên. Khi đó người dẫn trâu phải  nhanh chân đi lấy đồ hứng phân trâu và buộc phải  đi theo sau đít trâu để hứng cho đến khi nó chấm  dứt thì thôi. Bởi vậy người chăn trâu phải luôn biết  canh  chừng  từng  cử  chỉ  của  trâu  để  biết  mà  giải  quyết  khi  có  vấn  đề,  không  được  lơ  là.  Phân  trâu  không hôi, nó ướt và dẻo nhưng chỉ quen thuộc với  người nông thôn vì đa số những người không quen  với đồng quê nhìn vào sẽ rất gớm và không dám lại  gần, nói chi đến việc hứng phân trâu.  

Trong  những  ngày  chăn  trâu,  trẻ  chăn  trâu  có  những  thú  vui  mà  hiện  nay  không  còn  thấy  nữa,  như bắt ong, nướng khoai ngoài đồng... chẳng hạn.

Thông  thường  thì  ong  làm  tổ  ở  những  bụi  rậm  kín đáo. Ong là loài động vật kị khói, vì vậy có một  cách đuổi ong ra khỏi tổ là dùng khói. Một thứ mà  tôi  đã  nhắc  đến  có  tác  dụng  tạo  ra  khói  chính  là  phân trâu. Nói điều này chắc nhiều độc giả bất ngờ  vì  không  hình  dung  ra  phân  trâu  lại  có  thể  tạo  ra  khói, đuổi ong và giúp chúng tôi lấy được những cái  tổ ong thơm ngon. Đó là một bí quyết mà chỉ những  người  sống  ở  đồng  quê  mới  biết  được.  Phân  trâu  khô không có mùi hôi và khói bung ra rất nhiều, vì  thế chỉ lấy một ít phân trâu khô đốt lên và cầm đi  vào tổ ong thì tự nhiên bầy ong sẽ bay ra khỏi tổ.  Cũng  vì  tôi  đang  cầm  phân  trâu  nên  lũ  ong  cũng  không  dám  lại  gần  tôi  mà  chỉ  bay  tán  loạn  hòng  mong thoát khỏi đám khói nghi ngút kia. Thế là tôi  chỉ việc đợi những con ong bay đi hết là bắt đầu lấy  tổ ong ra. Có lúc cũng lấy được khá nhiều, tôi đem  về nhà và sử dụng như những thức ăn quý giá.

Tổ ong có hai cách để ăn. Thứ nhất là nếu vừa  bắt được muốn ăn ngay ở đồng ruộng thì nướng  lên mà ăn. Thứ dùng để nướng tổ ong cũng không  phải thứ gì xa lạ, đó chính là phân trâu. Đến đây  cũng hi vọng quý độc giả sẽ không ngại ngùng với  phân trâu nữa vì như đã nói, nó không hề hôi và  rất có ích trong nhiều trường hợp. Chúng tôi dùng  phân  trâu  chất  lại  thành  đống  rồi  đốt  lên  giống  như một bếp than hồng vậy và cứ thế tổ ong được  nướng lên. Nướng xong bóc lớp vỏ đen bên ngoài  của  tổ  ong  ra  rồi  thưởng  thức  những  con  nhộng  nằm bên trong thì không gì tuyệt vời bằng. Ngon  tuyệt cú mèo! Một cách khác mà chúng tôi cũng  thường làm là mang tổ ong về nhà để dành hoặc  xào  với  rau  quả  để  bữa  ăn  thêm  bắt  mắt,  dinh  dưỡng vàngon miệng.  

Nhắc  đến  những  món  nướng  ngay  ngoài  đồng  thì  không  thể  không  nhắc  tới  khoai  nướng.  Khoai  thường là khoai lang và khoai mì chúng tôi đi mót  ngoài  đồng.  Khoai  sẽ  được  lùi  vào  đống  trấu  đã  được chất lại trước đó rồi nướng lên. Một cách khác  là dùng phân trâu như đã nói ở trên để nướng. Phân  trâu nóng hơn trấu nên khi nướng khoai thì củ khoai  sẽ bùi và ngon hơn khi nướng bằng trấu rất nhiều.  Ăn  khoai  nướng  bằng  phân  trâu  thật  là  tuyệt.  Có  lẽ  nhiều  độc  giả  cũng  thường  nhìn  thấy  hình  ảnh  nướng  khoai  trong  các  bộ  phim  về  cuộc  sống  ở  thôn quê. Nhưng chỉ khi nào thật sự ở trong khung  cảnh đó thì mới thấy được hết giá trị tuyệt vời của  nó.  Mùi  khoai  nướng  thơm  nồng,  phảng  phất  mà  đứa nào cũng chảy hết nước dãi chờ chín để được  ăn. Giữa những ngày đông thì khoai nướng còn là  thứ  sưởi  ấm  những  bàn  tay  và  cái  bụng  lạnh  giá  của bọn trẻ con nghèo ở quê. Có những lúc trẻ con  trong làng tụ tập hết ở giữa cánh đồng vừa nướng  khoai  vừa  chơi  trò  đuổi  bắt  hay  chơi  trò  đố  vui.  Những  nụ  cười  hồn  nhiên  đến  nghiêng  ngả,  tiếng  reo hò phấn khích, cả tiếng cãi vã nữa, khiến cả đất  trời ruộng đồng bao la như chật chội mà cũng thân  thương hơn.  

H.V.T  
(SDB9/6-13)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Ngày 18 tháng 9 năm 2015, được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập. Đây là một hoạt động có ý nghĩa lịch sử và cũng vô cùng giàu chất nhân văn, nhằm ôn lại những trang sử vẻ vang của một vùng đất giàu văn hóa - về một trung tâm văn hóa - văn học nghệ thuật tiêu biểu của nước nhà.

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    Thương nhớ chú Tư Sâm.
    Phải nói ngay rằng, hồi trai trẻ, tôi không thích giới văn chương, chỉ thích giới văn nghệ. Chẳng hiểu vì sao?

  • BÙI KIM CHI

    Thời thiếu nữ của tôi gắn liền với Thành nội. Nơi này tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi yêu Thành nội. Thành nội đã đi vào cuộc đời tôi với nhiều sắc màu.

  • THANH TÙNG

    Kinh đô Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bầu trời u ám của xã hội phong kiến Việt Nam lúc mãn chiều xế bóng đã phát ra tín hiệu của một vì sao NGUYỄN TẤT THÀNH.

  • LÊ HUY MẬU

    Anh Điềm, bấy giờ còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, nhưng đã sắp nghỉ. Anh ra thăm Côn Đảo. Trong đoàn tháp tùng anh ra Côn Đảo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có tôi.

  • PHẠM HỮU THU

    1.
    Cuối năm 1989, tôi cùng Trần Phá Nhạc ghé 47 C Duy Tân, Quận 3 - TP. HCM thăm anh Trịnh Công Sơn.

  • LGT: Hiện không nhiều tài liệu miêu tả miêu tả về đời sống, sinh hoạt văn hóa, xã hội của Huế vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước. Bản dịch dưới đây là trích đoạn từ cuốn nhật kí Adieu Saigon, Au revoir Hanoi (Chào Hà Nội, tạm biệt Sài Gòn - Nhật ký kì nghỉ năm 1943) của Claudie Beaucarnot.

  • DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
                           Hồi Ký

    Ba mươi tháng tư. Tôi đang dùng bữa tối cùng gia đình thì chợt nghe tivi thông báo ông Thanh Nghị chết.

  • PHƯỚC VĨNH

    Hình ảnh Hồ Chủ tịch là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.

  • BỬU Ý

    Đinh Cường đã vĩnh biệt tất cả chúng ta! Một nghệ sĩ trong cái ý nghĩa toàn diện, cao đẹp nhất, một nghệ sĩ làm lan tỏa nghệ thuật ra chung quanh mình cho gia đình, cho bạn bè, cho cả đời sống, khiến anh trở thành tâm điểm cho những cuộc gặp mặt, những buổi hội hè.

  • PHAN NGỌC MINH

    1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp… 

  • PHAN NGỌC MINH

    1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…

  • VÕ SƠN TRUNG

    Trong gần một thế kỷ qua, bạn đọc Việt Nam đã tiếp cận khá nhiều tác phẩm của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, trong đó có hàng chục tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, tiểu luận, và thậm chí cả hồi ký của thi hào…

  • Lần đầu nói chuyện trực tiếp với họa sĩ Đinh Cường tại xe cà phê Tôn trước nhà thờ Tôn Nhân Phủ ở Thành Nội, tôi: “Thưa thầy!” Anh khoát tay: “Úi dà, bày đặt. Chỗ bạn bè anh em với nhau cả, thầy bà chi nghe đỗ mệt!”

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

    Thật vui mừng và xúc động khi cầm trên tay tập sách Rừng hát của cố nhạc sĩ Trương Minh Phương do gia đình tặng. Tuyển tập dày 1.328 trang, chia làm 4 phần, tập hợp những sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật trong cuộc đời của nhạc sĩ.

  • VÕ TRIỀU SƠN

    Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa.

  • VÕ TRIỀU SƠN

    Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa. Những ngày tháng đầu tiên của các hoạt động văn hóa nghệ thuật dưới chính thể Việt Nam mới diễn ra thật sôi nổi. Sau đây là lược thuật một số hoạt động trong mùa đông 1945, cách đây tròn 70 năm.

  • LỮ QUỲNH

    "Vì tôi là người Huế và đã một thời tuổi trẻ nặng nợ với sông Hương suốt những mùa hè nóng bức ngủ đò nên tôi nhìn sông Hương luôn luôn với đôi mắt của người bạn.

  • Sáng ngày 27-11-2015 tôi  đến nghĩa trang Père Lachaise để tiễn anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng, sau khi hỏa táng, anh sẽ nằm trong ngôi mộ gia đình, đây cũng là nơi nhạc sĩ Chopin yên giấc ngàn thu nhưng trái tim thì trở về quê hương Ba Lan. Nguyễn Thiên Đạo cũng thế anh nằm ở Paris nhưng trái tim và tâm hồn anh từ lúc sống đến lúc chết luôn luôn hướng về Việt Nam.

  • HOÀI MỤC

    Vừa giải phóng xong ba tôi đưa cả gia đình từ thành phố về quê. Cuộc sống vất vả nhưng quá nhiều cái mới lạ nên đầu óc con nít của tôi khi mô cũng thấy háo hức.