Nhà văn Nguyễn Quang Thân và tác giả
NGUYỄN KHẮC PHÊ Trong bài trả lời báo Văn nghệ Trẻ hồi tháng 6/2010 về các vấn đề của tiểu thuyết trẻ, khi nhắc đến tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường, tôi đã viết: “Như đã ghi cuối cuốn sách, tôi đã viết cuốn tiểu thuyết này trong 20 năm (1986-2006). Tất nhiên là không phải ngồi viết suốt 20 năm ấy chỉ một cuốn sách này, nhưng mặt khác thì tôi đã “thai nghén” tác phẩm này trước đó rất lâu, nhưng cảm thấy mình chưa đủ sức, chưa “chín”, nên chưa thể đặt bút. Thoạt đầu, tôi đã định viết tác phẩm này theo kiểu bộ ba tiểu thuyết “Những con đường đau khổ” của A. Tônxtôi. Tôi đã viết tập I “Đàn chim lìa tổ”, nhưng qua bao nhiêu là trăn trở, suy tư, tôi bỏ, viết lại vì nghĩ rằng độc giả ngày nay chưa hẳn đã cần nghe nhà văn kể các sự tích đầy đủ theo kiểu tiểu thuyết “sử thi”; vả lại, viết dày ba tập, khoảng 2000 trang, ngay cả tác phẩm lớn của những văn hào, bây giờ liệu có mấy người dám bỏ thì giờ đọc lại, kể cả những thầy giáo dạy văn…”. Tại cuộc “Toạ đàm” về cuốn tiểu thuyết này tại Huế do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Chi nhánh Công ty Văn hoá Phương Nam miền Trung tổ chức ngày 10/10/2010, một số bạn văn đã nhắc lại một số chương của tiểu thuyết này đã đăng trên Tạp chí Sông Hương năm 1987, khi đó cuốn sách còn mang tên “Ngày mẹ mong chờ”. Đó là những chương mở đầu của tiểu thuyết “bộ ba” như tôi đã nói ở trên. Sau khi nghe những nhận xét, bình phẩm của các bạn về cuốn BĐĐNTĐ tại cuộc “Toạ đàm…”, tôi đã có mấy lời như sau: “…Trong một cuộc hội thảo như thế này, thường lời khen là nhiều, chỉ có lời chê rất thành thật của anh Tô Nhuận Vỹ là nên “khoanh vấn đề lại, ngắn hơn, để viết sâu hơn”... Tôi thấy điều đó rất đúng vì cuốn sách này từ khi viết xong đến lúc xuất bản, tôi đã phải mấy lần cân nhắc xem có thể rút gọn được chỗ nào không… Còn nếu cuốn sách đạt được đôi chút kết quả thì trước hết là nhờ hiện thực của đất nước vì tôi từng thú nhận mình là một nhà văn không có mấy tài năng. Hiện thực của đất nước Việt Nam vốn đầy chất tiểu thuyết. Không phải dân tộc nào cũng có số phận bi tráng với những trăn trở, thăng trầm như Việt Nam, do vị thế địa-chính trị trên thế giới và nhiều nguyên do khác. Thứ hai là hiện thực của gia đình - không biết có đáng gọi là may mắn không (vì hình như ở Việt Nam cũng nhiều gia đình như thế) đó là gia đình tôi có điều đặc biệt là anh em trong một nhà phân rã mỗi người một ngả rồi lại đoàn kết, gắn bó bên nhau. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, khi anh Nguyễn Khắc Viện mất, từng viết: “Một gia đình như gia đình cụ Nguyễn Khắc Niêm thật độc đáo. Nếu có dịp cả nhà cùng về sum họp, ta sẽ được gặp trong buổi hàn huyên này: Ông quan, người cán bộ dưới chế độ mới, nhà giáo, nhà văn… Ở đây có đủ mặt, người theo chủ nghĩa Cộng sản, người theo Phật giáo, người theo Công giáo, người theo Nho giáo… Không rõ có lần nào họ tranh luận với nhau về ý thức hệ hay không, chứ một gia đình như vậy quả là đặc biệt. Gần như tất cả các luồng văn hoá Đông Tây, cũ mới đều quy về gia đình này… Tôi biết họ rất tôn trọng nhau…” (Trích từ bài đăng trên báo Văn Nghệ ngày 24/5/1997). GS. Vũ Ngọc Khánh nhận xét tính chất “đặc biệt” của gia đình tôi, nhưng như tôi biết - và như thầy Trần Văn Hối đã nói - đất Nghệ Tĩnh và thật ra là dân tộc Việt Nam có nhiều gia đình “đặc biệt” như thế. (Cần nói thêm, có lẽ đó là “sản phẩm” của đặc điểm lịch sử dân tộc và sự giao thoa văn hoá trong tiến trình dựng nước và giữ nước của Việt Nam). Có phải đây cũng là một lý do giúp cho cuốn tiểu thuyết có được sự đồng cảm của không ít độc giả. “Có bột mới gột nên hồ” - nhờ được sống giữa một hiện thực đầy chất tiểu thuyết như thế, tôi mới viết nên BĐĐNTĐ. Còn một điều nữa, cần nói thật là nhờ sự “Đổi Mới” của đất nước. Nếu không có công cuộc Đổi Mới năm 1986, tôi không thể viết được cuốn sách này. Chính là nguồn cảm hứng từ công cuộc Đổi Mới với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng quyền sáng tạo, được nói rõ sự thật của người cầm bút với trách nhiệm một công dân, một nhà văn, đã là một động lực thôi thúc tôi viết nên BĐĐNTĐ. Nói về nhược điểm, như đã nói ở trên, một số người không nỡ chê, nhưng tôi biết cuốn sách cũng còn nhiều nhược điểm, tựu trung đều vì “lực bất tòng tâm”. Quả thật, với một cuốn tiểu thuyết như thế này, bao gồm nhiều nhân vật trí thức như thế, thú thật tôi chưa đủ tầm để viết một cách thấu đáo. Ví như có bạn đã trách tôi thể hiện nhân vật cụ Huy chưa sâu sắc. Mặc dù đó là hình ảnh của thân phụ mình, nhưng đúng là tôi chưa thể hiện được hết tâm trạng, sự giằng xé của một nhà khoa bảng trong những thời đoạn rất đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Hoặc như hai anh em Tâm và Thanh đối chọi với nhau như thế, sau hai mươi năm gặp lại nhau, vẫn chưa “được” thật sự “đụng đầu”, đối thoại với nhau cho hết nhẽ… Tất cả đều do “lực bất tòng tâm”, nhưng như anh Tô Nhuận Vỹ nhận xét, mình không thể ôm hết, phải chọn lựa; và như trên đã nói, từ một phác thảo tiểu thuyết “bộ ba” đến BĐĐNTĐ, tác giả đã phải tự lược bớt nhiều thứ. Một số nhược điểm chưa làm bạn đọc thoả mãn, cũng có thể bắt nguồn từ đây. Đi sâu hơn một chút vào “bếp núc” của nhà văn, khi chuẩn bị đưa bản thảo cho NXB, tôi đã thử lược bớt một số đoạn để cuốn sách đỡ dày, nặng và cũng là cách đẩy “tốc độ” chuyện lên như lời góp ý của một bạn văn và nhu cầu của không ít bạn đọc hiện nay. “Công đoạn” này đã làm cho bản thảo bớt được hơn một vạn từ (chữ), nhưng tôi biết có ý kiến muốn tác giả “mạnh tay” hơn nữa. Tôi cũng nghĩ, nếu nghiêm khắc hơn nữa, cũng còn có câu, có đoạn có thể lược bớt. Tuy vậy, xin được giãi bày một cách nghĩ, có thể là một quan niệm về tiểu thuyết: Tôi nghĩ tiểu thuyết không chỉ là việc kể một câu chuyện. Nếu chỉ để kể một câu chuyện thì ta có thể bỏ cách quãng nhiều thời đoạn, nhiều trang, khi không có sự kiện quan trọng; nhưng tiểu thuyết còn phải dựng nên một thế giới nghệ thuật - thế giới hiện thực, thế giới tâm hồn, cả hồn cốt một vùng quê… Ví như ở trang 295 trong BĐĐNTĐ, đoạn tả ông Chắt Hoè đến nhà cụ Huy giữa ngày lụt bàn chuyện mượn đò đi chặt củi, nếu để kể câu chuyện thì chỉ cần tả ông lội từ ngoài cổng vào rồi bước lên thềm thưa chuyện với bà cụ Huy (trang 296); nhưng tôi đã “dài dòng” tả thêm bữa ăn sáng của nhà cụ Huy lúc đó với món khoai lang khô hầm với đậu đỏ; hơn thế, còn “tỉ mẩn” nói rõ: nhân hồi đêm nấu cháo cá muộn, nên bà cụ Huy bảo Hảo hầm luôn nồi khoai khô; rồi tả bữa ăn đạm bạc ấy vẫn được chia mâm trên, mâm dưới cho đàn ông, đàn bà… Thiết nghĩ, cái đoạn “dông dài” này sẽ giúp bạn đọc hình dung rõ hơn hồn cốt một vùng quê - từ hương vị một món ăn dân dã, đến lối sống cần kiệm mà vẫn giữ nề nếp gia phong… Kể lể như vậy để bạn đọc thông cảm hơn với những trăn trở, có thể nói là vất vả của nhà văn trong quá trình viết, tuy rằng tất cả chưa thể làm thoả mãn bạn đọc…”. Nhân nói đến chuyện “bếp núc” trong nghề viết, xin kể lại việc chọn nhan đề tiểu thuyết. Khi cuốn sách sắp đưa in, NXB có nói với tôi có thể tìm một nhan đề khác không, vì cái tên BĐĐNTĐ tuy rất hay, rất trúng, nhưng dễ gây “sốc” và hiểu lầm. Tôi đã thử nêu ra cái tên ban đầu (Ngày mẹ mong chờ) nhưng rồi ai cũng thấy cái tên này “hiền lành” quá và cũng hơi… cải lương. Vả lại, có chi mà e ngại. Đây là một câu trong truyện Kiều, không chỉ đúng với rất nhiều số phận trong tiểu thuyết mà đó là câu hỏi muôn đời của nhân loại. Đất nước Đổi Mới đã hơn hai chục năm, lối suy diễn và cách nghĩ ấu trĩ trong văn nghệ đã là “chuyện xưa” rồi. Nhắc chuyện này cũng vì chính cái tên BĐĐNTĐ đã giúp tôi “tổ chức”, xây dựng lại từ một tiểu thuyết “bộ ba” trở thành cuốn sách như bạn đã đọc. Chính trong thời gian suy ngẫm viết lại cuốn tiểu thuyết, vào lúc tôi mở những trang bản thảo cũ, bắt gặp lời người mẹ đau đớn thốt lên khi cậu con trai cả bỏ nhà đi tu: “Con ơi! Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu!”, thì gần như là một “ánh chớp” đối với người làm thơ khi chợt “tóm” được một cái “tứ” thú vị, tôi thấy đây sẽ là “sợi chỉ đỏ” xâu chuỗi các nhân vật và tình tiết, không chỉ giúp tác giả tránh sa lầy hay chạy theo các sự kiện cho đến “ngày mẹ mong chờ” mà còn nâng tầm tư tưởng của tác phẩm. Về yếu tố “tự truyện” của tiểu thuyết, ngay khi sách mới ra, tôi cũng đã bị không ít người “chất vấn” điều này điều nọ, trong đó nhiều người hỏi “tại sao viết về gia đình mình mà không có ông Nguyễn Khắc Viện”; cũng có người hỏi “chị Thảo - “nguyên mẫu” nhân vật Thanh, chỉ có hai cậu con trai, sao truyện lại có cô Linh?” Đại thể như thế. Cũng có người “tò mò” rằng “chuyện Hưng ngủ cùng lán công trường với cô Lan giữa chốn đồng không mông quạnh mà không mần chi cả, chắc là tác giả bịa chứ gì?” Cái chi tiết này thì tôi có thể trả lời ngay: - “Chuyện đó là thật 100%!” - “Thế thì ông đúng là thánh thật!” Ông bạn “tò mò” ở đầu đường dây tại TP. Hồ Chí Minh nói vậy và cười toá lên. Có bạn chê là tôi hơi quá “thật thà”, cũng có người như nhà văn Hoàng Ngọc Hà lại nói, chị thường không bỏ sót những gì tôi viết vì tin tôi luôn nói thật; nhà văn Hồng Nhu cũng thích cách tôi thể hiện nhân vật Hưng, không “bịa”, không đẩy nhân vật “quá lên”… Tôi hiểu cách cảm thụ văn chương chẳng ai giống ai, cũng biết lối viết của mình còn nhiều nhược điểm, nhưng… Trời sinh ra thế rồi, đến tuổi “cổ lai hy rồi”, muốn “cách tân” cũng chẳng thể theo kịp các tài năng trẻ. Cũng chính vì những trang viết “y như thật” trong BĐĐNTĐ, nên những bạn đọc từng quen biết gia đình tôi mới nảy ra những “chất vấn” trên kia, mặc dù họ cũng hiểu đã là tiểu thuyết thì nhất thiết có sự “hư cấu”. Một số bạn phát biểu trong cuộc “Toạ đàm…” đã phần nào trả lời giúp tôi những “chất vấn” đó. Tôi rất tán thành ý kiến của anh Bùi Ngọc Quỳnh là muốn được độc giả đọc BĐĐNTĐ như là một tiểu thuyết, chứ đừng “đối chiếu” với việc này, người kia ở ngoài đời. Nhà thơ Vĩnh Nguyên cũng đã “khen” tôi “khôn ngoan” vì đã không “ôm” ông Viện và cả một gia đình đông đúc vào tiểu thuyết. Mẹ tôi có đến 9 người con, mà trong BĐĐNTĐ chỉ nói đến 4 người. Nếu bạn đã đọc cuốn “Cụ Hoàng Niêm đất Hương Sơn” (NXB Thuận Hoá, 2007) thì còn nhận ra nhiều yếu tố trong gia đình tôi đã không “có mặt” trong BĐĐNTĐ (dù là dưới hình thức “tiểu thuyết hoá”), ngay cả ở hai nhân vật chính là Cụ Huy và bà Huy. Bố tôi lập gia đình sớm, người vợ đầu là chị của một vị tiến sĩ ở làng bên cạnh, bà mất sau khi sinh 6 người con (trong đó có bác sĩ Nguyễn Khắc Viện); mẹ tôi là kế mẫu… Nói qua như thế để các bạn hiểu, nếu “ôm” tất cả các nhân vật đó vào sách với biết bao nhiêu là mối quan hệ và tâm lý nẩy sinh, tuy cũng rất “tiểu thuyết” và truyện có thể phong phú thêm, nhưng tác phẩm sẽ rất dài và chủ đề không tập trung. Cũng vì vậy, tôi không đưa hình ảnh anh Nguyễn Khắc Viện vào BĐĐNTĐ, mặc dù rất… tiếc. Còn một lý do nữa, cuộc đời và sự nghiệp của anh Viện sách báo đã nói đến rất nhiều, viết thành nhân vật tiểu thuyết dù sao cũng phải hư cấu, đó là điều không đơn giản, nhất là anh Viện có quan hệ với nhiều nhân vật lịch sử - văn hoá nổi tiếng trong nước và quốc tế, tác giả “bịa” không khéo thì coi chừng… Đó là chưa nói đến với môi trường hoạt động, tầm văn hoá và tư tưởng của anh Viện, một tác giả ít học như tôi, có lẽ chưa đủ khả năng dựng nên một nhân vật tiểu thuyết thành công. Rút cục lại thì vẫn là “lực bất tòng tâm”. Chỉ với số lượng nhân vật “rút gọn” lấy nguyên mẫu từ người thân trong gia đình và bà con ở quê mà bạn đọc đã “gặp” trong BĐĐNTĐ, tôi cũng phải cân nhắc, suy tính về nhiều mặt mới tạm được mọi người chấp nhận, không bị kiện tụng gì! Hẳn sẽ có bạn sẽ bảo: Thế thì việc chi anh không “bịa” hoàn toàn cho khoẻ mà lại viết theo kiểu “ít nhiều có yếu tố tự truyện” cho rắc rối? Xin thưa: Như trên tôi đã nói, tôi có may mắn sống trong một gia đình đầy chất tiểu thuyết, dại chi mình không “lợi dụng”; mà hình như với rất nhiều nhà văn, nếu có điều kiện dựa vào “nguyên mẫu” thì trang viết sinh động và chân thực hơn… Trường An-Huế, tháng 11/2010 N.K.P (264/2-11) |
PHẠM PHÚ PHONG
Trần Vàng Sao là một người yêu nước. Điều này dễ dàng khẳng định cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa trực tiếp lẫn gián tiếp, không chỉ bởi lẽ anh đã chọn bút danh là Trần Vàng Sao, là tác giả của Bài thơ của một người yêu nước mình, mà còn chủ yếu là ở thế giới hình tượng nghệ thuật và thi trình của anh gắn liền với vận mệnh của đất nước và số phận của nhân dân.
NGUYỄN DƯ
Đang loay hoay thu dọn lại tủ sách bỗng thấy cuốn Dã sử bổ di. Tự dưng muốn đọc lại. Nhẩn nha đọc… từ đầu đến cuối!
NGUYỄN VĂN SƯỚNG
Đi như là ở lại(*) là tập bút ký viết về những vùng đất Lê Vũ Trường Giang đã đi qua trong hành trình tuổi trẻ. Tác phẩm dày gần 300 trang, gồm 15 bút ký.
TRUNG TRUNG ĐỈNH
Khóa học đầu tiên của trường viết văn Nguyễn Du do ý tưởng của ai tôi không rõ lắm. Nhưng quả thật, sau 1975, lứa chúng tôi sàn sàn tuổi “băm”, cả dân sự lẫn lính trận đều vừa từ trong rừng ra, đa số học hết cấp III, có người chưa, có người đang học đại học gì đó.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Tuổi thơ bao giờ cũng chiếm một phần tất yếu trong ký ức chúng ta. Sống cùng tuổi thơ là sống bằng mộng, bằng mơ, bằng cái hồn nhiên, cái thiện ban sơ, thiên đường đuổi bắt.
LIỄU TRẦN
Lưu lạc đến tay một tập viết nhỏ “Thiền sư ở đâu”, tác giả Bùi Long. Chợt nghĩ, thời này là thời nào còn viết kiểu này.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Có thể gọi đây là cuốn hồi ký đặc biệt vì nhiều lẽ. Trước hết, vì tác giả hình như chưa viết báo, viết văn bao giờ. Bà là PGS.TS chuyên ngành Dược, nguyên Phó Giám đốc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại có “thế mạnh” hơn nhiều cây bút khác - Cao Bảo Vân là con gái của tướng Cao Văn Khánh (1916 - 1980).
HOÀNG THỤY ANH
Đỗ Thượng Thế là giáo viên dạy mỹ thuật. Ấy thế mà, nhắc đến anh, người ta luôn nghĩ đến nhà thơ trẻ. Cũng đúng thôi, nhìn vào hoạt động thơ ca và các giải thưởng của anh mới thấy cuộc chơi chữ đã lấn át hoàn toàn sân họa.
DO YÊN
Trong không khí kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà văn - cựu chiến binh Nguyễn Quang Hà đã trình làng tiểu thuyết Nhật ký Đông Sơn, góp phần làm phong phú các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân.
TRẦN HOÀNG
(Đọc "Giai thoại Nguyễn Kinh"
Triều Nguyên sưu tầm - biên soạn. Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên 1990)
LÊ KHAI
"Tuổi mười ba" tập thơ của Lê Thị Mây (Nhà xuất bản Thuận Hóa 1990) gợi người đọc nhận ra tính cách của nhà thơ.
NGUYÊN HƯƠNG
1. Có nhiều cách để người ta nói về Tết. Đó là một dịp để con người nghỉ ngơi, gặp gỡ, hàn huyên, và dù có được chờ đợi hay không thì Tết vẫn tới.
NGUYỄN VĂN CƯƠNG
Thọ Xuân Vương Miên Định (1810 - 1886), tự là Minh Tỉnh, hiệu là Đông Trì, là con trai thứ ba của vua Minh Mạng và bà Gia phi Phạm Thị Tuyết.
NGUYỄN PHÚC VĨNH BA
Mùa Xuân là một chủ đề được thi hào Nguyễn Du nhắc đến khá nhiều trong thơ chữ Hán của cụ. Lạ thay đó là những mùa xuân tha hương buồn bã đến chết người.
ĐỖ HẢI NINH
Trong công trình Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 - 1954), trên cơ sở nghiên cứu về trí thức người Việt từ phương diện xã hội học lịch sử, GS. Trịnh Văn Thảo xếp Nguyễn Vỹ vào thế hệ thứ 3 (thế hệ 1925) trong số 222 nhân vật thuộc ba thế hệ trí thức Việt Nam (1862, 1907 và 1925)(1).
ĐỖ LAI THÚY
Tôi có trên tay cuốn Tôi về tôi đứng ngẩn ngơ (tập thơ - tranh, Sách đẹp Quán văn, 2014) và Đi vào cõi tạo hình (tập biên khảo, Văn Mới, California, 2015) của Đinh Cường.
PHẠM TẤN XUÂN CAO
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc Chim phương Nam, tạp bút của Trần Bảo Định, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM, 2017).
HỒ TẤT ĐĂNG
"Từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi bỗng nhận ra rằng, cũng như bao người khác, cả gia đình tôi đã góp máu để làm nên cuộc sống hôm nay, nếu còn tồn tại điều gì chưa thỏa đáng, chính bản thân tôi cũng có một phần trách nhiệm trong đó.” (Phạm Phú Phong).
PHẠM PHÚ PHONG
Có những thời đại lịch sử nóng bỏng riết róng, đặt những con người có tầm vóc, có lương tri và nhân cách luôn đứng trước những ngã ba đường, buộc phải có sự chọn lựa, không phải sự nhận đường một cách mơ hồ, thụ động mà là sự chọn lựa quyết liệt mang tính tất yếu và ý nghĩa sống còn của tiến trình lịch sử và số phận của những con người sống có mục đích lý tưởng, có độ dư về phẩm chất làm người.