Từ phân tâm học tìm hiểu tính hiện đại thể hiện qua tiểu thuyết "Thân phận của tình yêu" của Bảo Ninh

15:12 02/03/2009
TRẦN THANH HÀVăn học bao giờ cũng gắn bó với thời đại và con người. Đặc biệt trong tiến trình đổi mới hôm nay, xu thế hoà nhập với văn hoá phương Tây đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn học Việt . Bởi nó đang tác động tới "ý thức chủ thể" của nhà văn.

Nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa đã len lỏi và xuất hiện trong nhiều tác phẩm gần đây. Điều đó thể hiện qua một số tác phẩm, người đọc không chỉ thấy hình ảnh cụ thể của một xã hội, một dân tộc mà còn phát hiện ra hình ảnh của những con người xuất hiện trong nghệ thuật hiện đại. Đó là sự phát triển ý niệm tự do và phát huy tinh thần dân chủ ở con người, phát hiện con người vô thức, tâm linh.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho tính hiện đại đó là "Thân phận của tình yêu" của tác giả Bảo Ninh.

Tác phẩm "Thân phận của tình yêu" lúc đầu có tên "Nỗi buồn chiến tranh" là một trong ba tiểu thuyết được giải của Hội Nhà văn Việt năm 1991. Đây là tác phẩm gây nhiều xôn xao trong làng văn và độc giả, khen cũng nhiều mà chê chẳng ít. Trong đó đã có các bài viết như "Giải thưởng Hội Nhà văn 1991 và tình hình văn học hiện nay - Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam" (Báo Văn nghệ số 38 ngày 21/9/1991); "Thảo luận về tiểu thuyết "Thân phận của tình yêu" (Văn nghệ số 37 ngày 14/9/1991); "Nghĩ gì khi đọc "Thân phận của tình yêu" của tác giả Đỗ Văn Khang (Văn nghệ số 13 ngày 26/10/1991) hay bài của Nguyễn Khắc Phê trên báo Văn nghệ số 44 ngày 02/11/1991). Nhìn chung, các bài báo và các ý kiến thảo luận đều đề cập đến góc độ tác giả, phương diện phản ánh hiện thực hoặc về chủ đề, về cấu trúc, về thi pháp... Có thể nêu một vài những nhận xét tiêu biểu như: Phạm Tiến Duật, Lê Quang Trang cho rằng: Toàn bộ tác phẩm là một bản sonat buồn, nỗi buồn cao thượng và trong trẻo làm nên cái gốc đúc cho tác phẩm. Nỗi buồn là cái lõi của tác phẩm.

Theo Bùi Việt Thắng nhận xét: tác phẩm có cấu trúc đặc biệt. Cấu trúc vòng tròn hay cấu trúc lồng giống như trò chơi Rubic. Nhiều tầng lớp (đa tuyến) nhưng lại mang dáng vẻ gọn nhẹ, linh hoạt...
Còn Đỗ Văn Khang :"Đây vẫn là một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời"...
Nhìn chung, dù có ý kiến trái ngược nhau nhưng các nhà phê bình đều chủ yếu đánh giá về nội dung, tư tưởng, tính hiện thực của tác phẩm. Riêng về mặt thi pháp, có tác giả Đỗ Đức Hiểu, Bùi Việt Thắng, Trần Đình Sử có ý kiến như sau: Bùi Việt Thắng cho rằng: Về phương diện thi phaëp, ký ức trong "Thân phận của tình yêu" rất đậm đặc (Tỷ lệ: quá khứ 3/hiện tại 1); Còn Trần Đình Sử nêu: Tác phẩm không có các nhân vật trọn vẹn theo lối truyền thống, nhân vật của Bảo Ninh là những mảnh đời, mẫu đời vụn nát, dang dở, chắp vá hợp lại thành "bản hoà tấu của những khuôn mặt và những cuộc đời thường" thành "tiếng rì rầm của cuộc đời thường"; Tác giả Đỗ Đức Hiểu trong "thi pháp hiện đại" đã phân tích khá rõ về kết cấu, về thời gian, không gian và đặc biệt là "một hiện tượng ngôn từ lạ lùng, mang tính đa thanh, tính đối thoại... (l,tr.267).

Với bài viết này, người viết xin tìm hiểu về tính hiện đại trong tác phẩm qua việc tác giả xây dựng nhân vật Kiên. Có thể nói toàn bộ tác phẩm của Bảo Ninh đã phản ánh quá trình sáng tạo của nhà văn qua nhân vật này. Ta có thể nhận ra học thuyết Phân tâm học được biểu hiện rất cụ thể qua nhân vật nhà văn Kiên trong tác phẩm.
Theo Sigmund Freud (1865 - 1939) - Người sáng lập ra học thuyết Phân tâm học thì sáng tạo nghệ thuật là cái thay thế thoả mãn cho bản năng. Bản năng là một xung năng làm nên sự sống, sức năng động sáng tạo của con người không thể dập tắt. Song, nó luôn bị các thể chế xã hội như phong tục, dư luận, pháp luật... hạn chế, ngăn cấm. Để giải phóng, thoả mãn ham muốn bị dồn nén đó, con người sáng tạo văn học nghệ thuật- Đó là sự thăng hoa. Với Freud, nhà văn khai thác thế giới ham muốn đầy bí ẩn trong tiềm thức và vô thức, trong đáy tối mờ của tâm hồn con người và biểu hiện nó bằng ngôn từ nghệ thuật. Cụ thể là nhà văn mượn cái vô thức để sáng tác. Mà vô thức là một quá trình dồn nén của những thúc đẩy bản năng đã bị chôn vùi, là tất cả những kinh nghiệm đau đớn của tuổi thơ (dù những kinh nghiệm này đã bị lãng quên từ lâu hay chính bản thân người nghệ sĩ cũng không ý thức được) và trong vô thức còn lắng đọng những dấu vết của đời sống riêng tư ở mỗi người. Tất cả những quá khứ bị dồn ép, chứa đầy những cảm xúc đau đớn, thay vì tan biến mất đi theo thời gian thì nó vẫn tồn tại để chi phối con người và con người khó kiểm soát được nó. Sự giải toả được bộc lộ ở những hành động kỳ quặc, những giấc mơ hay những biểu tượng ám ảnh...

Tác giả Bảo Ninh đã xây dựng một nhà văn Kiên như thế trong tác phẩm của mình. Có thể khái quát quá trình trở thành nhà văn của nhân vật bằng một câu trong tác phẩm như sau:
"... Mất mẹ từ tấm bé
Không cha từ ấu thơ,
Đứa trẻ chẳng mồ côi
Lớn lên cùng thành phố
Trải qua thời chiến tranh...
Đứa trẻ chẳng mồ côi..."
(5, tr 168)
Nếu sắp xếp theo thứ tự về cuộc đời của nhân vật Kiên trong tác phẩm ta sẽ thấy được cả bốn mươi năm đời anh là một quá trình bị dồn nén liên tục với những kỷ niệm đau buồn của tuổi thơ, những dục vọng bị kìm nén và cuộc chiến tranh đầy đau thương, mất mát... Điều đó khiến cho Kiên luôn tự nhủ "phải viết thôi". "Viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi..." (5, tr.198). Có thể nói, thế giới vô thức đã ngự trị hoàn toàn ở nhân vật này trong suốt quá trình sáng tạo.

Chấn thương từ thời ấu thơ của Kiên được đẩy vào vùng vô thức "Anh chẳng nhớ gì mấy nữa về tấn bi kịch gia đình, không biết vì sao cha mẹ lại chia tay , không biết rằng cha mẹ đã đau khổ như thế nào" (5, tr. 72, 73). Chỉ còn trong ấn tượng của tuổi thơ là nỗi sợ hãi khi chứng kiến cha mình ngồi đốt tất cả sự nghiệp của ông. Sau mười năm đi biệt mà nỗi sợ vẫn đeo đuổi. Có thể chấn thương thời ấu thơ đã đeo đuổi mãi trong đời Kiên. Theo Freud, sự dồn ép và sự kháng cự là nguồn gốc của những mặc cảm. Sự dồn ép có được do những xúc cảm đau đớn gắn liền với những khao khát tình yêu thương của cha mẹ mà Kiên không thể có "mọi tình cảm như thể bị nuốt đi đâu cả, chỉ làm cho lòng anh thêm mặc cảm về sự què quặt hiển nhiên của tâm hồn mình. Còn hơn là một khuyết tật, trong Kiên rõ ràng là có mầm bẩm sinh của độc ác, của thói nhẫn tâm, khô rắn, lạnh lùng. Một sự trống rỗng bất hạnh và tệ mạt. Một lương tri không lành. Có lẽ anh lớn lên với chỉ nhiều nhất là một phần hai nhân cách" (5, tr.162, 163). Tâm trạng của Kiên, những suy nghĩ của Kiên biểu hiện sự hình thành nhân cách con người theo Phân tâm học. Từ bầu không khí nặng nề, chia cắt của gia đình đã không đáp ứng nhu cầu cần được yêu thương của Kiên trong thời thơ ấu - Điều đó đã tạo cho nhân vật méo mó về nhân cách.

Những diễn biến tác động mạnh nhất đối với Kiên là tuổi mười bảy. Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật được tác giả xây dựng ở lứa tuổi này. Theo học thuyết Phân tâm học, đây được gọi là thời kỳ sinh dục. Thời kỳ mà ở mỗi đứa trẻ có những biến đổi sâu sắc về sinh lý, thời kỳ có ý nghĩa đối với cuộc sống tinh thần của trẻ sau này. Tình yêu đến với Kiên trong thời kỳ đó.
Người phụ nữ đầu tiên khơi dậy trong Kiên những bản năng giới tính là Hạnh, người mà Kiên gọi là chị. "Toàn thân đột ngột sững sờ như thể điện giật, cứng lại trong một nỗi tê dại mà trong đời cậu cho đến khi đó chưa từng cảm thấy bao giờ" (5,tr.82). Cái khát vọng ấy không được thoả mãn khiến Kiên luôn chờ đợi, chờ đợi cái điều Hạnh định nói nhưng không nói bao giờ. Và rồi đến khi yêu Phương, tình yêu giữa Kiên và Phương trở thành cái tội lớn vì nó khiến các thầy nổi giận, chi đoàn phẫn nộ, và tự bản thân họ thấy quá đáng. Bản năng thì thôi thúc nhưng trong Kiên luôn vang lên một lời nhắc nhở: Khoan yêu! Tiếng kêu bản năng tự đáy lòng đã được thức tỉnh "anh không được, anh không thể" (5. tr.177). Ngay mỗi lần gần Phương, dù cho tình cảm có tha thiết thì Kiên vẫn không dám. Theo Freud, tinh thần con người bị chi phối bởi hai cơ chế: đó là nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tại. Nguyên tắc khoái lạc là bản năng đòi hỏi sự thoả mãn, nhưng tất cả những mong muốn đó còn chịu sự chi phối của thực tại. Nếu không có sự thoả hiệp của hai nguyên tắc này sẽ tạo ra sự ức chế tinh thần.

Với Kiên, ở cái tuổi mười bảy, cái đêm cùng Phương trên toa tàu "những cơn rạo rực như thể một lưỡi dao chỉ tuốt khỏi vỏ được nửa chừng đã bị chững lại...(5,tr.249). Ấn tượng sâu đậm và đớn đau nhất đối với Kiên cũng chính đêm đó khi Phương đã bị kẻ khác chiếm đoạt. Sự dồn nén của ngày đầu bước vào cuộc chiến làm cho Kiên ngập tràn mộng mị, những giấc mơ lay thức tâm hồn. "Những giấc mơ đậm đặc cảm giác, nóng bỏng ngọt vị như mật ứa ra trào lấp đầy cõi mộng mị" (5. tr. 37). Những giấc mơ tình yêu luôn hiện về giữa những cái chết, giữa tai hoạ, đau khổ và trong giấc mơ ấy "Phương thực sự đã hoá thành ám ảnh" (5, tr. 185). Hàng đêm, khi cánh trinh sát giấu anh rời khỏi lán để đến với người tình thì Kiên tự giải toả mình "Bằng những giấc mộng yêu đương mờ ảo bóng hình Phương, thấm thía ân ái" (5, tr.185). Trong tác phẩm, mười bốn lần nhà văn nói về những giấc mộng của Kiên: mộng trong chiến tranh, mộng giữa đời thực, mộng trong lúc chiến đấu và mộng trong hoà bình. Vì Phương mãi mãi không thuộc về Kiên, mãi mãi chỉ là niềm khát khao hoài vọng. Hình ảnh của Phương với tình yêu trong trắng, hồn nhiên đã chết, đã chết cùng bao ước mơ dở dang, cay đắng. Để rồi "hàng đêm anh miệt mài mê mẩn chìm trong cái vuốt ve vô tận của mộng mị" (5, tr. 218, 219) và "những sự kiện, những hình ảnh chẳng liên gì tới Phương thế mà nhờ nàng anh đã liên tưởng đến". Cơ chế đó trong Phân tâm học gọi là sự chuyển di. Nhân vật Kiên không chỉ sống trong mộng mị mà còn đắm chìm trong ký ức. Hơn mười lần nhà văn lặp đi lăp lại từ "ám ảnh". Đó chính là lý do khiến Kiên trở thành nhà văn. Đối với Kiên, việc viết văn đó là thiên mệnh "chính bởi thiên mệnh ấy mà anh đã có một tuổi thơ như thế, một tuổi hoa niên, một thời chiến trận như thế..." (5, tr. 64). Quá trình sáng tạo của nhân vật Kiên là quá trình thăng hoa của những ức chế bị dồn nén. Trong ý thức thì Kiên muốn viết về cộng đồng, những con người kỳ thú của hiện đại, văn của những người đương thời viết về chiến tranh anh không xem, còn tác phẩm của Kiên dự định một đằng thì hình thành một nẻo... Công việc viết văn của Kiên không tuân theo ý chí mà ngòi bút Kiên đang viết trong mộng mị nhờ vào phép liên tưởng nhiệm màu của hồi ức. Những dồn nén, kỷ niệm đớn đau... Kiên đã nhủ lòng phải quên nhưng bỗng như nó bừng sống dậy dưới ngòi bút của anh. Được viết, được giải toả đối với Kiên là sự cứu rỗi, là niềm hạnh phúc. Mà Phương là nguyên nhân "nếu không gặp Phương anh đã không viết văn" (5, tr. 280).

Nói về quá trình vô thức trong sáng tạo, ý kiến của J.Bellemin - Noel: "Việc phân tích quá trình vô thức có thiên hướng can thiệp ở nơi nào có "trí tưởng tượng" hoạt động, có nghĩa là những xúc động, một tác phẩm hư cấu thậm chí rộng hơn là một tác phẩm miêu tả và những hiệu quả tượng trưng" (2, tr. 87). Ý kiến này giúp ta hiểu thêm về nhân vật Kiên trong tác phẩm. Bởi khi miêu tả nhân vật của mình, nhà văn Bảo Ninh cho ta thấy tâm trạng Kiên viết như trong cơn mộng du, xúc động tột đỉnh, kiệt quệ cả xác thân. Kiên trong quá trình sáng tạo như đang sống ở một thế giới khác với những nhân vật nối nhau giục giã, với những mảnh đời vá víu, với những kỷ niệm chắp nối và những con mưa thi thể dội xuống... đến mức Kiên không nhận ra được hình ảnh gần gũi, quen thuộc hàng ngày của cuộc sống đời thường. Cuộc đời mới có nghĩa của Kiên là những ký ức, kỷ niệm và ám ảnh. Tất cả là điều Kiên không muốn "tự nó chứ không phải tự Kiên. Tác phẩm tự nó cấu trúc nên thời gian của nó, tự định hướng chọn luồng và tự chọn lấy một bến bờ... Nói chung anh hết sức thụ động hầu như trở thành bất khả tri trước các trang viết của chình mình" (5, tr. 111). Kiên viết mê man, đắm đuối mà đối với Kiên đó là một món nợ mà anh phải trả. Mục đích sự nghiệp là "định hình trên giấy những giấc mơ quá khứ" (5, tr. 160). Đó là sự đồng hiện của "những đoạn đời khắc nghiệt, so le nhau hàng năm trời đã đột hiện cùng một lúc, đan xen, lồng vào nhau trên cùng một thời điểm của hồi tưởng " (5, tr. 240, 241). Cõi vô thức của Kiên là những điều Kiên không thể nghĩ là mình sẽ nhớ như hình ảnh của Hạnh. Chưa bao giờ Kiên nghĩ sẽ viết về kỷ niệm với Hạnh mà kỷ niệm ấy vẫn hiện diện trong sáng tác của anh. Tuổi thơ Kiên không nhớ rõ, không biết vui buồn khi cha mẹ chia tay cũng hiện diện và cả những con người tưởng như không thể nhớ cũng được lay tỉnh bởi ký ức. Đó là vùng ý thức hoặc tiền ý thức đã bị đẩy sâu vào vùng vô thức đến bây giờ lên tiếng gọi để Kiên tạo nên tác phẩm mình.

Tính hiện đại của tác phẩm "Thân phận của tình yêu" được thể hiện qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Kiên. Cụ thể hơn nữa là nhà văn đã khai thác triệt để đời sống nội tâm của nhân vật, những yếu tố tác động đến quá trình sáng tạo của nhân vật. Đề cập đến vô thức thúc đẩy hình thành quá trình sáng tạo là một điều mới mẻ. Từ Phân tâm học, ta hiểu được nhân vật Kiên, ta hiểu được những động lực từ bên ngoài tâm hồn của người nghệ sĩ khi sáng tác nghệ thuật. Đó là sự đóng góp không nhỏ của Bảo Ninh trong quá trình đổi mới nền văn học của nước ta.

Tuy nhiên, quá trình sáng tạo của nhà văn không phải chỉ là sự giải tỏa của những dồn nén. Sự giải toả không thể quyết định toàn bộ quá trình sáng tạo. Nếu cảm hứng chỉ là vô thức thì nó mang tính nhất thời, còn cảm hứng sáng tạo thật sự bao giờ cũng là kết quả của thai nghén lâu dài, suy tư, cấu tứ, tưởng tượng trước đó... Nói như Bôđơle: Cảm hứng là nghị lực, là sự phấn khởi mang tính chất trí tuệ và là khả năng nương giữ các sức mạnh trong trạng thái kích thích" [3, tr.211].
Vậy, nếu khai phá con người vô thức, tâm linh đồng hành với con người ý thức, tự chủ thì có lẽ nhân vật mà Bảo Ninh xây dựng vừa hiện đại lại vừa có sức thuyết phục và hơn nữa mới khẳng định sứ mệnh cao cả của nhà văn.
   T.T.H
(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN DƯƠNG CÔN   Từ lâu, Bản thể con người đã trở thành vấn đề cơ bản và sâu sắc nhất của mối quan hệ giữa văn học với hiện thực. Trong mối quan hệ đó, hiện thực với tư cách là đối tượng khám phá và trình diễn của văn học không còn và không phải chỉ là hiện thực cuộc sống như là dành cho các khoa học nhân văn và các nghệ thuật khác nữa.

  • LÝ VIỆT DŨNGThiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Theo tôi, cho đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập: Cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Có phải là nguyên do, nhóm này đã bị khoanh vào hai chữ “BÍ HIỂM”?

  • PHI HÙNGĐỗ Lai Thuý đã từng nói ở đâu đó rằng, anh đến với phê bình (bài in đầu tiên 1986) như một con trâu chậm (hẳn sinh năm Kỷ Sửu?).Vậy mà đến nay (2002), anh đã có 4 đầu sách: Con mắt thơ (Phê bình phong cách thơ mới, 1992, 1994, 1998, 2000 - đổi tên Mắt thơ), Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực, 1999), Từ cái nhìn văn hoá (Tập tiểu luận, 2000), Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu, 2002), ngoài ra còn một số sách biên soạn, giới thiệu, biên dịch...

  • TRẦN ĐỨC ANH SƠNCuối tuần rảnh rỗi, tôi rủ mấy người bạn về nhà làm một độ nhậu cuối tuần. Rượu vào lời ra, mọi người say sưa bàn đủ mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng bỏng như: sự sa sút của giáo dục; nạn “học giả bằng thật”; nạn tham nhũng...

  • HỒ VIẾT TƯSau buổi bình thơ của liên lớp cuối cấp III Trường Bổ túc công nông Bình Trị Thiên, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Văn Châu dạy văn, hồi đó (1980) thầy mượn được máy thu băng, có giọng ngâm của các nghệ sĩ là oai và khí thế lắm. Khi bình bài Giải đi sớm.

  • PHAN TRỌNG THƯỞNGLTS: Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2006, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc. Trên 150 nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã tham dự và trình bày các tham luận có giá trị; đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực của đời sống lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện đại ở nước ta, trong đối sánh với những thành tựu của lý luận – phê bình văn học nghệ thuật thế giới.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Con người không có thơ thì chỉ là một cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là một cái nhà hoang. Octavio Paz cho rằng: “Nếu thiếu thơ thì đến cả nói năng cũng trở nên ú ớ”.

  • PHẠM PHÚ PHONGTri thức được coi thực sự là tri thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ.                       L.Tonstoi

  • TRẦN THANH HÀTrong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý luận thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý luận văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý luận văn học trên thế giới.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG Chu Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Riêng hai quẻ Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn, mỗi quẻ có thêm một hào.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNPhan Đăng Dư, thân phụ nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là người họ Mạc, gốc Hải Dương. Đời Mạc Mậu Giang, con vua Mạc Phúc Nguyên lánh nạn vào Tràng Thành (nay là Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) sinh cơ lập nghiệp ở đó, Phan Đăng Dư là hậu duệ đời thứ 14.

  • HỒ THẾ HÀLTS: Văn học Việt về đề tài chiến tranh là chủ đề của cuộc Toạ đàm văn học do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20 tháng 12 năm 2005. Tuy tự giới hạn ở tính chất và phạm vi hẹp, nhưng Toạ đàm đã thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà giáo, trí thức ở Huế tham gia, đặc biệt là những nhà văn từng mặc áo lính ở chiến trường. Gần 20 tham luận gửi đến và hơn 10 ý kiến thảo luận, phát biểu trực tiếp ở Toạ đàm đã làm cho không khí học thuật và những vấn đề thực tiễn của sáng tạo văn học về đề tài chiến tranh trở nên cấp thiết và có ý nghĩa. Sông Hương trân trọng giới thiệu bài Tổng lược và 02 bài Tham luận đã trình bày ở cuộc Toạ đàm.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Tại diễn đàn Nobel năm 2005, Harold Pinter đã dành gần trọn bài viết của mình cho vấn đề chiến tranh. Ông cho rằng, nghĩa vụ hàng đầu của một nghệ sĩ chân chính là góp phần làm rõ sự thật về chiến tranh: “Cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là... quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại...

  • NGUYỄN HỒNG DŨNG"HỘI CHỨNG VIỆT NAM"Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là "Hội chứng Việt Nam".

  • BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.

  • THÁI DOÃN HIỂU Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.

  • NGUYỄN THỊ MỸ LỘCLà người biết yêu và có chút văn hóa không ai không biết Romeo and Juliet của Shakespeare, vở kịch được sáng tác cách ngày nay vừa tròn 410 năm (1595 - 2005). Ngót bốn thế kỷ nay Romeo and Juliet được coi là biểu tượng của tình yêu. Ý nghĩa xã hội của tác phẩm đã được thừa nhận, giá trị thẩm mĩ đã được khám phá, hiệu ứng bi kịch đã được nghiền ngẫm... Liệu còn có gì để khám phá?

  • NGUYỄN VĂN HẠNH1. Từ nhiều năm nay, và bây giờ cũng vậy, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn nghệ mới ngang tầm thời đại, xứng đáng với tài năng của dân tộc, của đất nước.