Tư duy tiểu thuyết và folklore hiện đại

15:58 04/06/2015

HOÀNG NGỌC HIẾN

(Nhân đọc mấy truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp)

Ảnh: internet

Với tập truyện Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp được nhìn nhận là một tài năng mà ngay cả những người chỉ trích Thiệp gay gắt cũng không có ý định phủ nhận. Có những trường hợp sự nhìn nhận hết sức dè dặt, kèm theo bĩu môi: văn của Thiệp có tính chất cinique, tác giả không có tâm, đọc truyện của Thiệp cảm thấy ghê ghê… Tôi nghĩ rằng không phải tất cả những lời khen đều là ưu ái với Thiệp và lời chê chưa hẳn là ác cảm với anh.

Chữ tâm trong văn học - đó là lòng nhân ái và sự thành tâm với con người.

Lòng nhân ái truyền thống có thể gói gọn trong một câu “Hãy thương yêu người đồng loại” nhưng lòng nhân ái hiện đại - cũng như những tình cảm hiện đại khác - chứa chất nghịch lý: “Không được thương con người” nhưng “không thể không thương con người”. Ngòi bút trào phúng của Nguyễn Huy Thiệp vừa tàn nhẫn, vừa xót xa. Tàn nhẫn có nghĩa là “không được thương con người”, đây là mệnh lệnh của lương tâm và của tác giả đã đi đến cùng phơi bày sự đốn mạt của con người. Nhưng cuối cùng thì vẫn cứ xót xa “không thể không thương con người”.

Ngay ở những nhân vật đốn mạt nhất, Nguyễn Huy Thiệp không tuyệt vọng ở họ. Trong truyện của Thiệp, có những tiếng khóc òa, câu văn thương man mác cảm giác tê tái, đằng sau cảm giác này là nỗi đau nhân tình, một nỗi đau âm thầm, lặng lẽ nhưng sâu sắc. Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp bộc lộ một số khuyết điểm ngày càng rõ. Chẳng hạn, văn tuệ, bút lực của anh có những phẩm giá đặc sắc nhưng thiếu sự cường tráng - nhận xét đích đáng này tôi nghe được ở một độc giả lão thành hâm mộ Thiệp. Một khuyết điểm khác: nói chung, tác giả làm chủ được tâm thuật và ngòi bút của mình, nhưng vài ba trường hợp - hết sức đáng tiếc - tác giả đã không ghìm mình được và mối căm ghét sự đốn mạt đã bùng ra một cách hung tợn, bạo ác, chứng tỏ rằng tác giả không cao hơn sự đốn mạt bao lăm. Nhưng chê gì thì chê, không thể trách Nguyễn Huy Thiệp thiếu sự thành tâm với con người.

Ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết đăng trên báo Văn nghệ năm nay bộc lộ một phương diện mới của tài năng Nguyễn Huy Thiệp: tư duy tiểu thuyết. Trong văn xuôi hiện đại, tư duy tiểu thuyết thảng hoặc bộc lộ một số tác phẩm đơn lẻ Cha và con và… của Nguyễn Khải, Thời xa vắng của Lê Lựu… nói chung tư duy sử thi chiếm ưu thế.

Sự khác biệt giữa tư duy sử thi và tư duy tiểu thuyết thể hiện rõ hơn cả ở quan điểm tiếp cận nhân vật anh hùng (và nhân vật gian hùng)(1)

Trong sử thi, giữa người kể sử thi và nhân vật anh hùng có một khoảng cách vẫn được gọi là khoảng cách sử thi. Đây là một khoảng cách xa vời, từ khoảng cách này, người kể thường bày tỏ một thái độ thành kính hoặc tôn sùng đối với nhân vật anh hùng. Trong tiểu thuyết, giữa tác giả và nhân vật chính diện (được xem là nhân vật trung tâm, nhân vật “anh hùng” của tác phẩm) không còn khoảng cách nữa. Quan hệ giữa người viết và nhân vật là một quan hệ thân mật, thân tình, thậm chí suồng sã. Thông thường người ta chỉ có quan hệ thân tình với những người ngang hàng. Người viết tiểu thuyết có thể quan hệ thân tình, suồng sã với nhân vật không kể thuộc thứ hạng nào trong xã hội(2). Tư duy tiểu thuyết mang tính dân chủ trong bản chất sâu sắc nhất của nó. Sự cảm thấy giọng văn tiểu thuyết như là xấc xược có khi là do chưa quen với tinh thần dân chủ. Trong truyện Phẩm tiết, Nguyễn Huy Thiệp đã tiếp cận nhân vật Nguyễn Huệ từ quan điểm tiểu thuyết. Ở con người Nguyễn Huệ, ngoài những nét hào hoa, thiệp liệp, tác giả, còn làm nổi bật một điểm yếu, đó là tính hiếu sắc, tính mê gái, âu cũng là một thói “nam nhi thường tình” “Không ai là anh hùng với người hầu cận của mình”. Dù là anh hùng, dù là vĩ nhân, một khi đã trở thành một nhân vật tiểu thuyết, tác giả còn hơn là một người hầu cận, vì hiểu tận ruột gan và tất cả những nỗi niềm. Người hầu cận nào cũng ít nhiều thóc mách. Nguyễn Huy Thiệp không tránh khỏi tật này. Tuy nhiên, quan điểm “hầu cận” của người viết tiểu thuyết không nên hiểu theo chiều hướng “phi anh hùng hóa”, chỉ biết nắm bắt ở người anh hùng những yếu đuối thường tình, còn tất cả những gì là phẩm giá bị gạt bỏ. Dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, nhân cách của Nguyễn Huệ được phát hiện ở những khía cạnh “bất ngờ” với những phẩm giá nhân văn cao quý, Nguyễn Huy Thiệp không hề lặp lại những lời ca ngợi quen thuộc mà các văn gia, sử gia thường dùng (sẽ nói rõ hơn ở phần so sánh với con người nhân vật Nguyễn Ánh).

Như vậy, đối với nhân vật chính diện, đặc trưng của quan điểm tiểu thuyết thể hiện ở quan hệ thân mật, thân tình của người viết đối với nhân vật. Còn đối với nhân vật phản diện thì như thế nào? Đặc trưng thể loại của tiểu thuyết có đặt ra một quan hệ nào đặc thù, tương ứng với quan hệ thân mật, thân tình? Nếu như quan điểm của người viết chỉ có một mực rẻ rúng, miệt thị đối tượng thì hình tượng của nhân vật phản diện là một sự biếm họa, chưa phải là một hình tượng nhân vật tiểu thuyết. Quan điểm tiểu thuyết cho phép người viết mô tả nhân vật phản diện đầy đủ hơn với tất cả những sự khốn khổ thường tình, những biểu hiện thông thường của con người ở nó (có nghĩa là vẫn nhìn nhận ở nó cái phần nhân tính còn lại), dĩ nhiên cũng cho phép ghi nhận ở nó những phẩm giá có thể có. Nguyễn Ánh là “một nhân vật lịch sử phản diện”. Nhấn mạnh những nét bất nhân bất nghĩa của Nguyễn Ánh, Nguyễn Huy Thiệp không chối từ giả định nhân vật này là một “khối nguyên liệu vô giá”. Tác giả đã tiếp cận nhân vật Nguyễn Ánh từ quan điểm tiểu thuyết. Với cách nhìn sử thi, bất cứ ai ở bên kia chiến tuyến lập tức bị chối từ bất cứ phẩm giá nào. Miêu tả nhân vật gian hùng, nhà tiểu thuyết chỉ rõ cái gian, nhưng không quên phẩm chất hùng của nhân vật, bằng không, nhân vật gian hùng chả thấy hùng ở chỗ nào, không khác nào một đứa ăn cắp vặt ngoài chợ. Người quen với tư duy sử thi thường không chịu đựng được một quan điểm tiếp cận như vậy. Hegel có nói đến thành kiến của những bà già không sao chấp nhận được một đứa sát nhân lại có thể đẹp trai. Chỉ với sự phát triển của tư duy tiểu thuyết, văn học mới vượt qua được những (thành kiến bà già). Tình hình mới cho thấy cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng nhân loại có nguy cơ bị chia sẻ sâu sắc bởi những hình tượng “kẻ thù” được tạo bởi các thứ định kiến và thành kiến hết sức vô lý. Tư duy tiểu thuyết góp phần chuẩn bị về mặt tâm lý cho sự xóa bỏ những hình ảnh “kẻ thù” vu vơ gán ép. Sự phát triển tư duy tiểu thuyết là một yêu cầu chính trị của thời đại (dĩ nhiên, không thể hiểu là tư duy tiểu thuyết sẽ xí xóa tất cả).

Nhấn mạnh nhược điểm của Nguyễn Huệ, làm nổi bật phẩm giá của Nguyễn Ánh, Nguyễn Huy Thiệp không hề đánh đồng nhân cách của hai nhân vật.

Nguyễn Huệ có sự phản tỉnh và đời sống lương tâm, Nguyễn Ánh nói năng xử sự cứ xưng xưng, rồi lại nhơn nhơn, không hề biết áy náy, hối hận. Nguyễn Huệ “trọng tinh thần, bỉ thể xác”, Nguyễn Ánh cho thế là dại.

Chúng ta đều biết nhân tính, trình độ nhân hóa của con người và của cả xã hội thể hiện bản chất trong cách quan hệ của người đàn ông với người đàn bà - đây là một tư tưởng hết sức quan trọng trong quan niệm chủ nghĩa nhân đạo của Mác.

Nguyễn Huệ “được Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người”. Nguyễn Ánh “muốn sở hữu nàng như con gà, con vịt trong nhà”. Vua Quang Trung, vua Gia Long đều được đặt vào tình thế người nào cũng thảm trước người đẹp. Quang Trung thì thảm thương “nhìn mãi Vinh Hoa mà không nhắm mắt được”. Gia Long thì thảm hại “… thở dài, ngã quay ra đất, ngất lịm đi”. Ở đây, sự tinh tế của người viết là biểu hiện của sự nghiêm túc. Ca ngợi chung chung có khi là sự bất tài, có khi là sự dễ dãi, hời hợt, thậm chí là sự quấy phá, xét đến cùng là coi thường và khinh suất.

Trong truyện Phẩm tiết, Ngô Thị Vinh Hoa là nhân vật trung tâm, mở đầu, kết thúc và xuyên suốt truyện đều là Ngô Thị Vinh Hoa. Bên cạnh Vinh Hoa, vua Quang Trung, vua Gia Long đều là phụ, mỗi nhân vật đế vương này chỉ gắn với một “trường đoạn”. Trong truyện, Quang Trung, Gia Long đều là vua, người nắm quyền lực cao nhất, cả hai nhân vật đều là sự hiện thân của quyền lực. Vinh Hoa là một con người. Con người - trong quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp - là “hoa của đất”, là “ngọc của trời”. Con người còn là khát vọng giản đơn hạnh phúc. Là ham muốn tột bậc tự do. Và hạnh phúc của con người là hạnh phúc trong tự do. Bất cứ sự lệ thuộc vô lý nào áp đặt cho con người cũng là sự phủ định hạnh phúc. Vấn đề được đặt ra trong truyện Phẩm tiết: con người sức lực yếu đuối, con người thân cô, thế cô, giáp mặt với quyền lực có thể bảo vệ tự do của mình được không. Trong truyện, tự do là sự làm chủ nhân thân nhân phẩm, nhân sinh của mình. Tự do là lòng tự trọng, là ý thức về phẩm giá, phẩm tiết, phẩm hạnh của mình. Tự do còn là sự từ chối từ mọi sự ràng buộc, những sự ràng buộc sang trọng cũng như những sự ràng buộc thô bạo. Trong truyện, giáp mặt với quyền lực và bạo lực, Vinh Hoa cuối cùng bảo tồn được tự do và con người của mình. Không phải chỉ vì nàng thông minh, xinh đẹp. Không phải chỉ vì nàng biết lựa lời thưa gửi, biết tùy cơ ứng biến. Mà trước hết là vì nàng có triết lý nhân sinh cao hơn. Kẻ quyền lực làm cho mù quáng, nàng chỉ cho họ thấy điều bi thảm trong số phận họ. Nàng đã chỉ cho Quang Trung biết “vận Tây Sơn tính từng ngày” và nói chuyện với nàng, Gia Long ngẫm ra được rằng “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn”. Đặt Ngô Thị Vinh Hoa cao hơn vua Quang Trung và vua Gia Long, đây là một cảm hứng nhân văn có ý nghĩa sâu xa hiếm thấy trong văn học Việt Nam hiện đại. Vinh Hoa còn là một bài học của sự nhỏ yếu bảo vệ tự do: Không nhất thiết phải lấy bảo lực chọi lại bạo lực mới bảo toàn được tự do. Ngô Thị Vinh Hoa là sự hiện thân lý tưởng nhân văn của tác giả. Vinh Hoa là sự hiện thân của thiên tính nữ mà thiên tính nữ trong quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp là tinh hoa của tính người(3). Trong các truyện của Thiệp, những con người ưu tú thường là nhân vật nữ, nhân vật đàn ông đa số là đốn mạt, bất đắc chí, vô tích sự, nói chung là không ra gì. Thế nhưng hâm mộ truyện của Nguyễn Huy Thiệp phần lớn lại là độc giả nam.

Với chủ đề tự do và quyền lực, nội dung truyện Phẩm tiết có ý nghĩa phổ quát. Người quyền cao chức trọng cũng như “phó thường dân” đọc truyện này đều biết thêm một điều gì đó trong sự làm người trên đời này. “Tôi trung không thờ hai vua” - tư tưởng này quá thấp so với chủ đề tư tưởng của Phẩm tiết. Thực ra, trong truyện này, chẳng có tôi, chẳng có vua nào cả, cũng chẳng có anh hùng, gian hùng, chỉ có quan hệ giữa những con người, những quan hệ nhân tính lẽ ra “trong suốt” nhưng trong xã hội có giai cấp thường bị các quan hệ thứ bậc, đẳng cấp làm cho mờ ám. Một đặc trưng quan trọng của tư duy tiểu thuyết là tìm tòi, khám phá con người với những nhu cầu nhân tính phổ biến ở đằng sau các bộ quần áo xã hội. Ở nhân vật tiểu thuyết đích thực “con người lớn hơn bộ quần áo xã hội” (Bakhtin). Dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, Quang Trung, Gia Long được trút bỏ bộ quần áo đế vương, ta thấy con người thật của họ với những ham mê, dục vọng thường tình, những nỗi khắc khoải số phận và những tình cảm ghét, yêu, tức, giận thông thường. Con người trút bỏ bộ cánh xã hội (anh hùng một mặt nào đó cũng là một bộ cánh xã hội) thì ngôn ngữ của nó cũng khác. Có lẽ tác giả đã xuất phát từ quan điểm này để cho nhân vật Quang Trung văng những lời “thô lỗ, cục cằn” trong cơn tức giận. Văn học hiện đại chịu đựng được tất, kể cả những lời văng tục. Nhưng trong nghệ thuật văng tục cũng phải nhã, chí ít tỏ ra là nhã. Lỗi bất nhã với độc giả còn có thể biện bạch được, nhưng chuyển thành tội bất nhã với Quang Trung là xúc phạm đến những tình cảm lịch sử.

Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm tập trung ở nhân vật Vinh Hoa. Câu văn của Thiệp bình thường tỉnh táo, sắc gọn nhưng đụng đến Ngô Thị Vinh Hoa trở nên hoa mỹ, rỡ ràng khác thường: nào “đẹp rực rỡ”, “xiêm y lộng lẫy”, nào “ánh sáng rực rỡ”, “hương thơm ngào ngạt”, nào “đẹp lồ lộ”, “mơn mởn như lộc mùa xuân”… Chi tiết “nước… tiết ra thơm ngát như mùi hoa sữa”, nhất quán với hệ thống phong cách nói trên. Nhưng nó có phù hợp với sự cảm thụ của độc giả ngày nay hay không? Thiệp hiểu “mùi hoa sữa” với nghĩa tinh thần, nhưng độc giả có thể không hiểu như vậy. Theo thiên ý, chi tiết này là nỗ lực cuối cùng của Thiệp để lý tưởng hóa nhân vật Vinh Hoa (người phụ nữ nói chung, một nỗ lực nghệ sĩ vụng về, gần như rồ dại và hết sức đáng thương).

Tư duy tiểu thuyết đối lập với tư duy sử thi[4]. Khuynh hướng phản sử thi đương phát triển như điện trong folklore hiện đại. Do tính chất dân gian tự phát, trong folklore hiện đại khuynh hướng này dễ quá trớn, đi đến chỗ bỗ bã. Sánh với folklore hiện đại không dễ, nhưng mặt nào đó người viết tiểu thuyết phải cao hơn folklore. Tôi không tán thành nhiều ý kiến phê phán truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng theo ý riêng tôi, những bài này hết sức có ích cho Thiệp nhắc với anh một giới hạn vượt qua thì sự suồng sã sẽ trở thành bỗ bã, láo lếu.

Đà Lạt, tháng tám 1988
H.N.H
(SH35/01&02-89)


--------------------------
(1) Sự đối lập tư duy sử thi (còn gọi là tư duy anh hùng ca) và tư duy tiểu thuyết là một tư tưởng quan trọng trong những công trình nghiên cứu của Bakhtin về thể loại tiểu thuyết. (Xem Bakhtin M: Những vấn đề văn học và mỹ học (tiếng Nga) M. 1975).
(2) Trong Chiến tranh và hòa bình, Kutuzov là một danh tướng, một người anh hùng, nhưng Tolstoi đã tiếp cận nhân vật anh hùng này, với một quan điểm thân mật, thân tình. Từ quan điểm tiếp cận này, Kutuzov không những hiện lên trong tác phẩm với những phẩm chất ưu tú của một người tướng yêu nước, có mưu lược mà còn được giới thiệu như một ông già đáng thương, có những lúc khốn đốn, bị bọn cố vấn quân sự Đức và bọn đại thần hoạnh hoẹ. Quan điểm tiếp cận thân mật không làm cho nhân vật trở nên tầm thường, trái lại càng làm tôn thêm những phẩm chất đáng quý trong nhân cách lỗi lạc của danh tướng Kutuzov. Trong tác phẩm dựng chân dung văn học Lê-nin, Gorki đã miêu tả sâu sắc những phẩm chất ưu tú của lãnh tụ, đồng thời nêu lên những nét bình thường ở con người Lê-nin, thậm chí có lúc tác giả ví Lê-nin như "một con gà sống đắc thắng": Gorki đã tiếp cận Lê-nin từ quan điểm tiểu thuyết. Trong tập Nhật ký trong tù Hồ Chủ Tịch chủ động rút ngắn và xóa bỏ khoảng cách sử thi giữa mình và quần chúng. Tác giả Nhật ký trong tù có quan điểm tiểu thuyết với chính mình. Sự phát triển của tiểu thuyết gắn liền với sự mở rộng quan hệ thân mật, thân tình, thậm chí suồng sã của người viết tiểu thuyết với các loại nhân vật. Trong văn học viết về chiến tranh, người viết dễ có quan điểm tiểu thuyết với những nhân vật lính trơn, hoặc chỉ huy trung đội, đại đội... Tư duy tiểu thuyết cho phép và yêu cầu người viết rút ngắn hoặc xóa bỏ khoảng cách sử thi với cả những nhân vật cấp tướng. Có bạn đọc cho rằng giá như Nguyễn Huy Thiệp viết về "Lính về hưu" tác phẩm có khi còn lớn hơn. Thực ra, trong tư duy tiểu thuyết "tướng về hưu", hay "lính về hưu" thì cũng vậy thôi.
(3) Xem lời giới thiệu Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió của Hoàng Ngọc Hiến đăng trong tập truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, NXB Trẻ 1988.
(4) Sự đối lập tiểu thuyết và sử thi về mặt đặc trưng thể loại không có ý nghĩa một sự phân biệt thứ bậc về mặt giá trị. Quan điểm tiếp cận của tiểu thuyết chỉ ra sở trường của thể loại này, những khả năng và cảm hứng riêng của thể loại này, những điều mà Bakhtin gọi là cái thần tình của thể loại (génie du genre). Thể loại sử thi không có “cái thần tình” này, không có nghĩa là giá trị kém hơn, thấp hơn tiểu thuyết. Tất cả vấn đề là ở sự tương ứng của chủ đề, của đề tài và nội dung đối với thể loại. Có những đề tài, những mô típ được tiếp cận bằng quan điểm sử thi có khi lại đắt hơn so với quan điểm tiểu thuyết.







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HOÀNG NGỌC HIẾN(Đọc Tư- duy tự- do của Phan Huy Đường*)

  • TRẦN HOÀI ANHBáo Văn nghệ trong lời giới thiệu những bài thơ mới nhất của Nguyễn Khoa Điềm số ngày 5/8/2006 cho biết: “Bây giờ ông đã trở về ngôi nhà của cha mẹ ông ở Huế. Tôi chưa bao giờ đến ngôi nhà ấy”. Còn tôi, người viết bài này đã có “cơ may” ở trọ tại ngôi nhà yên bình ấy trong những năm tám mươi của thế kỉ trước khi tôi đang là sinh viên ngữ văn Đại học Sư phạm Huế.

  • NGUYỄN NGỌC THIỆN(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Lan Khai (1906-2006)Đầu năm 1939, Vũ Đình Long, chủ Nhà xuất bản Tân Dân có sáng kiến xin giấy phép xuất bản ấn hành tạp chí TAO ĐÀN. Đây là tạp chí chuyên ngành về văn học đầu tiên trong làng báo ở ta trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

  • NGUYỄN TÀI CẨN, PHAN ANH DŨNG1/ Tiến sĩ Đào Thái Tôn vừa cho xuất bản cuốn “Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều: bản Liễu Văn Đường 1871”. Chúng tôi thành thực hoan nghênh: hoan nghênh không phải vì trong cuốn sách đó có những chỗ chúng tôi được Tiến sĩ tỏ lời tán đồng, mà ngược lại, chính là vì có rất nhiều chỗ Tiến sĩ tranh luận, bác bỏ ý kiến của chúng tôi.

  • TÔN PHƯƠNG LAN1. Phong Lê là người ham làm việc, làm việc rất cần cù. Anh là người suốt ngày dường như chỉ biết có làm việc, lấy công việc làm niềm vui cho bản thân và gia đình. Anh sống ngăn nắp, nghiêm túc trong công việc nhưng là người ăn uống giản đơn, sinh hoạt tùng tiệm.

  • THỤY KHUÊLGT: “Thụy Khuê là một nhà phê bình văn học Việt Nam sắc sảo ở Pháp” (Trần Đình Sử, Văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXBGD Hà Nội, 2005) Bà đã viết về mục tác giả Bùi Giáng và một số tác giả miền Nam trước 1975 cho “Tự điển văn học” bộ mới. Bài viết về Thanh Tâm Tuyền cũng dành cho bộ Từ điển nói trên. Chúng tôi đăng bài viết này để tưởng nhớ nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vừa mới qua đời.

  • HỒ THẾ HÀĐồng cảm và sáng tạo (*): Tập phê bình-tiểu luận văn học mới nhất của nhà phê bình nữ Lý Hoài Thu. Tập sách gồm 30 bài viết (chủ yếu là phê bình-tiểu luận và 5 bài trao đổi, phỏng vấn, trả lời phỏng vấn), tập trung vào mảng văn học hiện đại Việt Nam với sự bao quát rộng về đề tài, thể loại và những vấn đề liên quan đến phê bình, lý luận văn học, đời sống văn học từ 1991 đến nay.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHôm Tết vừa rồi, anh Đỗ Lai Thúy ghé thăm Huyền Không Sơn Thượng và có tặng tôi một tập sách. Nội dung, anh đã phác thảo chân dung học thuật của 17 nhà nghiên cứu. Công trình thật là công phu, khoa học, nhiều thao tác tư duy, nhiều tầng bậc chiêm nghiệm... hàm tàng một sở học nghiêm túc, đa diện và phong phú.

  • TRÚC THÔNGLTS: Cuộc hội thảo Thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt do Hội Nhà văn TT Huế tổ chức nhân dịp Festival Thơ Huế 2006 đã “truy cập” được nhiều nhà thơ, nhà lý luận- phê bình tham dự.Tiếp theo số tháng 6, trong số tháng 7 này, Sông Hương xin trích đăng thêm một số tham luận và ý kiến về cuộc hội thảo nói trên.

  • PHẠM XUÂN NGUYÊNTrước hết tôi muốn phân định một khái niệm thơ Huế, ít nhất là trong bài viết này của tôi. Thơ Huế là một khái niệm tưởng cụ thể nhưng lại khá mơ hồ. Thế nào là thơ Huế? Có phải đó là thơ viết về Huế và thơ của người Huế viết. Mặc nhiên mọi người đều hiểu thế. Thơ viết về Huế thì có của người gốc Huế, người đang sống ở Huế và người ở khắp mọi nơi.

  • INRASARATham luận Festival Thơ Huế lần 2 tại Huế 05 và 06/6/2006Tràn lan cái giống thơ:Cái giống thơ là sản phẩm dễ gây nhầm lẫn và ngộ nhận. Ngộ nhận nên quá nhiều người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Rồi tập thơ được in ra hàng loạt để...tặng. Và khốn thay, không ai đọc cả! Vụ lạm phát thơ được báo động mươi năm qua là có thật. Không thể, và cũng không nên chê trách hiện tượng này. Thử tìm nguyên do.

  • TÂM VĂNĐã hơn hai thế kỷ rồi mà nay đọc bài “Lập học chiếu” (Chiếu chỉ thành lập trường học) của Ngô Thời Nhậm vẫn nóng lên như những dòng thời sự.

  • HỒ THẾ HÀVới điểm nhìn ngược chiều từ khởi đầu thế kỷ XXI (2006) hướng về cội nguồn khai sinh vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế (1306), chúng ta thấy vùng đất này đã có 700 lịch sử thăng trầm, vinh quang và bi tráng.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNGVô thức là những hoạt động tinh thần mà chúng ta không thể nhận thức ra được. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, Diễn dịch các giấc mơ, Freud lần đầu tiên đề nghị khái niệm vô thức (unconscious) để phân biệt với ý thức (conscious) và tiềm thức (preconscious), sau này gọi là lý thuyết topo.

  • VĂN CÔNG HÙNGKính thưa quý vị, tôi phải xin phép nói ngay là những phát biểu của tôi vô cùng cảm tính và chả có một hệ thống gì hết, trong khi trước mặt tôi đây đều là những người lừng danh về cảm nhận, nhận xét, đúc kết, rất giỏi tìm ra những vấn đề, những quy luật của thơ.

  • TRẦN HOÀI ANH1. Có thể nói yêu cầu đổi mới của các thể loại văn học là một yêu cầu tất yếu trong đời sống văn học. Tính tất yếu nầy luôn đặt cho văn học một hành trình cách mạng. Cách mạng trong đời sống văn học và cách mạng trong bản thân từng thể loại văn học.

  • THÁI PHAN VÀNG ANHTừ sau 1986, sự đổi mới tư duy nghệ thuật, sự mở rộng phạm trù thẩm mĩ trong văn học khiến truyện ngắn không những đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung mà còn có nhiều thể nghiệm, cách tân về thi pháp. Mỗi nhà văn đều lí giải cuộc sống từ một góc nhìn riêng, với những cách xử lí ngôn ngữ riêng. Hệ quả tất yếu là truyện ngắn Việt đương đại đã gặt hái được nhiều thành công trên nhiều phương diện, trong đó không thể không kể đến ngôn ngữ trần thuật.

  • TRẦN HOÀI ANH              1. Phân tâm học là lý thuyết có nguồn gốc từ y học, do S.Freud (1856-1939) một bác sĩ người Áo gốc Do Thái sáng lập. Đây là học thuyết không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực y học mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực nghệ thuật.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔN   Từ lâu, Bản thể con người đã trở thành vấn đề cơ bản và sâu sắc nhất của mối quan hệ giữa văn học với hiện thực. Trong mối quan hệ đó, hiện thực với tư cách là đối tượng khám phá và trình diễn của văn học không còn và không phải chỉ là hiện thực cuộc sống như là dành cho các khoa học nhân văn và các nghệ thuật khác nữa.