Truyện cực ngắn

09:40 01/04/2022


Hòa Vang - Luân Lâm - Dương Thành Vũ

Tranh thủy mặc của Trương Hán Minh

HÒA VANG


Chim sứ


Mãi rồi, những con cò không bay về Bang Cò Lả nữa... Những cánh Hiếu Diễu không bay về Cù lao Hòa Bình - trong một công viên đổi tên đã hơn một lần - nữa... Tôi nhớ, thèm, rồi khát được nghe một tiếng chim. Tiếng chim hót, rúc, gù, hay một chút chiêm chiếp thôi cũng được. Nỗi khát thèm như lửa, như tôi uống nhầm phải nước thuốc pháo xiết, nạo, bào cháy lòng tôi.

Thì một thằng đàn em - lính trong tiểu đội xưa - đến. Nó dốc ngược túi dết, đổ ra cả một đống chim sẻ, đầy một rá vo gạo kim loại của vợ tôi. Những tua lông tơ dinh dính những vệt máu còn độ nhễu, thắm tươi. Nó cười hê hê, dạy vợ tôi vặt lông, và bảo tôi: "Sọ chim sẻ ròn hết tầm sông núi. Óc chim sẻ lợi cho sự viết văn, cho thứ thần kinh lấy đêm làm ngày của anh lắm đấy! Nhá tới đi... bố ạ!

Tôi thấy vợ tôi hoan hỉ, trẻ ra đến 5, 6 tuổi, tay đầy lông chim, thoăn thoát đổ can dầu ôliu vào chảo nóng. Và những con chim trần trụi ròn lên dần. Không thể khác, tôi nhá thật lực. Thấy khỏe ra, sáng mắt, sáng lòng thật lực.

Đêm. Không thể ngủ. Thằng viết văn nào đang thấy mình khỏe mà lại ngủ? Nảy ý sáng chói: "Ôi! Nếu muốn nghe tiếng chim - thì phải đi theo nó - theo cái thằng bắn chim đàn em ấy". Hãy đi! Hãy làm thằng giữ đạn và giữ xe máy cho nó, ắt sẽ được nghe đủ đầy cả tiếng chim vô tư trước khi nó bắn, cả tiếng chim táo tác hoảng loạn sau khi súng nổ.

Thế là tôi đi theo nó. Và quả hai bên tai tôi đã được tràn ứ những tiếng chim... Nhưng rồi nó đi xa nữa quá. Phận tôi, thê trốc, tử phọc, không thể với theo mãi. Đành ở nhà…

Thì hôm nay, nó đến. Súng quàng vai, không một con chim. Nó bảo: "Đang buồn. Như là hết mẹ nó các con chim có thể bắn được rồi".

Tôi ngước lên, ngậm ngùi, nịnh bợ như ánh mắt một con chó, mong nó đi để mình còn làm việc...

Thì một tiếng chim rúc lên. Ròn rã, lanh lảnh, đầy nhạc cảm. Thằng nọ giật lấy súng, phăm phăm chạy ra mé sau tường nhà tôi - phố Thợ Ngôi - vốn chỉ đầy tiếng kéo cắt tóc tanh tách. Tiếng chim vẫn ròn rã, lảnh lót vang lên. Nó dừng lại, chỉnh súng rồi. Nòng súng chạy ngang, chạy thẳng vào tiếng hót. Tôi nhìn theo, thấy mút đầu ruồi khe ngắm là một... đôi môi. Đôi môi khô nẻ, nhiều nếp, nhăn nhúm nữa... của một bà già đang chúm môi, rán sức thổi vào cái ống đuôi một con chim bằng sứ.

- Mẹ kiếp. Người chứ không phải là chim. Lại còn già nữa chứ! - Nó văng tục, nhổ nước bọt, hạ súng xuống, liếm mép.

Nhưng bên vỉa hè kia, bà già vọt dậy rồi, hoảng loạn khi thấy một nòng súng chĩa thẳng vào mình. Bà chạy, vứt con chim đang thổi trên miệng xuống rãnh, và dẫm lên cả một mẹt chim sứ nữa đang ngu ngơ chưa được áp môi ai một lần, để được rúc lên tiếng chim ròn rã, một khi trong khoảng bụng rỗng đã được đổ chút nước lã.

Bàn chân bà già xéo vỡ cả một mẹt chim sứ.

Những tiếng sứ vỡ ấy, tôi nghe đằm thắm những tiếng chim, chiêm chiếp, chiêm chiếp... như sét đánh.

H.V
Bạch Chưởng Am
4-12-1991 - 13-6-1992


LUÂN LÂM


Lễ thần


Con người thường nhìn chim quạ với ít nhiều ác ý. Quạ phá phách ngô, đậu, bắp. Quạ rửa thịt người chết... Riêng tôi có một kỷ niệm lạ kỳ về quạ, khiến cho tôi không thể nghĩ như người ta...

Đó là một ngày mùa thu trời khô ráo, nhưng chẳng biết sao, không mấy trong trẻo. Tôi lang thang trên dãy đồi cát sau lưng làng. Bỗng tôi thấy dưới chân rải rác có những hòn tròn, to cỡ quả bóng bàn, là lạ. Tôi nhìn quanh. Chẳng có gì đặc biệt. Cũng chẳng có ai, chỉ mình tôi với mênh mang vắng lặng. Tôi nhặt một hòn lên xem. Dễ dàng nhận thấy đó là một hòn đất trộn với phân bò. Lạ một điều là nó được vo rất khéo léo, bên trong rỗng, dĩ nhiên hai đầu có lỗ. Tôi bỏ đi, nghĩ bụng đó là sản phẩm của một trò chơi nào đó của các em chăn bò.

Mấy hôm sau, cũng một chiều lang thang như vậy, tôi sững ra trước một cảnh tượng lạ lùng. Một con quạ khoang như đang để tang cho ai đang đứng trước những hòn đất hôm nào tôi đã thấy. Hai chân quạ gần như ở tư thế nghiêm, mình bất động, riêng cái đầu hơi cúi thì gật lên gật xuống, mồm kêu khe khẽ: oạ, oạ, oạ... Lát sau, con quạ thôi cúng, bay đi. Còn tôi lần nữa lại nhặt một hòn đất lên xem. Lại vẫn là những hòn đất trộn với phân bò được khéo léo vo viên, lỗ thủng hai đầu bằng đầu đũa...

Hôm sau, phấp phỏng như có một điều gì hệ trọng sắp xảy ra, tôi lại lên đồi, đến chỗ cũ. Không thấy gì cả. Tôi rẽ theo một lối tắt, tiếp tục cuộc dạo chơi của mình với nỗi lòng nặng trĩu. Thì kìa, cạnh một lùm cây lúp xúp, một con quạ khoang - chắc hẳn là con quạ quen biết - đang dùng chân và mỏ dũi, vo đất. Tôi im re, nấp vào chỗ khuất. Thì ra, tác giả những chiếc "bánh ống" tuyệt vời kia không phải là ai khác. Lát sau, chừng như "bánh" đã đủ, con quạ ngẩng đầu lên, nhìn nghiêng ngó. Yên tâm vì xung quanh vẫn như tờ, quạ bèn rũ rũ cánh, quẹt quẹt mỏ, giẫm giẫm chân... như thể sửa sang lại quần áo người ngợm cho tử tế. Và cái cảnh lễ thần lại diễn ra lồ lộ trước mắt tôi. Có điều lần này, lễ nghiêm trang hơn, quy củ hơn, kéo dài hơn. Vậy là lần trước chỉ là bước tập dượt... Tôi tự kiềm chế lắm mới khỏi xô ra hoặc la thành tiếng.

Cúng xong, con quạ bay đi. Và tôi lần tới, rón rén như sợ kinh động đến khung cảnh thiêng liêng vừa rồi. Dưới gốc cây có tán rậm dày đứng hơi tách ra với đồng loại một chút, trên một gò đất cao hơn xung quanh, có một lớp địa y đã xám khô tròn bằng chiếc đĩa lớn. Tôi lấy que gạt lớp địa y một cách vừa ý thức vừa vô thức. Trời ơi, một “kho” lạc hiện ra. Những củ lạc chắc, khô giòn như vừa lấy từ sân phơi vào. Bấy giờ đang là mùa thu, nghĩa là mùa thu hoạch lạc qua đã lâu. Vậy mà... Tôi nhón một củ lạc đưa lên xem. Hoàn toàn là một củ lạc thật, chẳng có dấu hiệu gì để nghi ngờ. Tôi bóc vỏ lạc. Lập tức, hai cái nhân hồng hồng, óng mẩy đập vào mắt. Tôi bỏ vào mồm. Mùi lạc nhân thơm, béo ngậy...

Bây giờ tôi đã hiểu. Lễ cúng thần giữ kho của chim quạ. Sự khôn ngoan hiếm thấy của quạ. Lòng thành kính khôn lường của nó... Chao ôi, cuộc sống của muôn loài…

1992
L.L



DƯƠNG THÀNH VŨ


Kẻ bán mình


Giống như cô gái già ế chồng ném khinh bạc vào đôi uyên ương hạnh phúc, tôi biết niềm kiêu hãnh của chị ẩn chứa nỗi bất hạnh nội tâm. Lúc hiểu được tấm chân tình của tôi, cái mặt nạ kiêu hãnh kia rơi xuống. Chị ôm mặt nức nở như đứa trẻ. Khi vơi bớt nỗi niềm u uất, chị tâm sự:

- Tôi lấy ông ta vì tiền. Vâng, chỉ vì tiền. Đã là con người mấy ai thoát khỏi sự cám dỗ của danh lợi phải không cô? Mỗi chúng ta đều phải chịu ít nhiều điếm nhục ở đời, phải không nào? Chứ không phải những gã đàn ông, những mụ đàn bà dâm loạn phản trắc đã khỏa lấp hành vi ngoại tình của mình bằng một mớ triết lý rẻ tiền đó sao? Tôi đã sống với niềm tin về sự bất toàn của kiếp người như thế. Nhưng rồi "gieo gió thì gặt bão", có một kẻ tàn nhẫn đã nói thẳng mặt tôi: "Bà tưởng bà cao quý chắc? Thưa bà, việc bán dâm cho một người có khác gì với cái sự bán dâm cho nhiều người? Ả điếm quý tộc về bản chất có khác gì con điếm mạt hạng? Bà ngủ với ông nhà đơn thuần vì túi tiền của ông ấy, phải không?". Bao nhiêu hạt mầm thiện lương tôi gieo trồng, bằng ảo tưởng cũng có mà bằng khát vọng đẹp cũng có, tan như bong bóng xà phòng. Từ đó tôi thích làm cho người khác cay đắng nhục nhã, đó cũng là phương cách tôi tự nâng cao và khẳng định phẩm giá của mình.

- Và cuối cùng chị khám phá ra sự "khẳng định phẩm giá" ấy, rốt ráo, chỉ mang đến cho chính chị thêm nhiều cay đắng?...

- Vâng - Chị lại gục mặt trong lòng bàn tay và khóc.

Tôi im lặng. Biết đâu tôi cũng đã bán mình từ lúc nào rồi.

D.T.V
(TCSH52/11&12-1992)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN NGỌC LỢIVùng quê đó mấy năm nay có nhiều người đổi đời nhờ nghề mua bán đồ đồng nát. Sắt thép nhôm nhựa, mua đi bán lại cũng thành nhà thành xe... Người ta đập nhà cũ xây nhà mới, mua ô tô, lên đời xe máy... làng xóm đêm ngày rộn rịch chuyện làm ăn buôn bán.

  • TRẦN THÙY MAILàng tôi nằm ven bờ sông Hiếu, một ngôi làng nhỏ nép sau lũy tre xanh, trông xa như một đám mây dày màu xanh lục nổi lửng lơ trên mặt nước. Tưởng chừng tuổi thơ tôi gắn liền với tiếng lá tre khua xào xạc: sau này, khi tôi đã đi rất nhiều nơi, mỗi lần vọng tưởng về quê, cái âm thanh mơ hồ buồn buồn ấy cứ gieo vào hồn tôi một cảm giác gì mênh mông, khó tả.

  • MAI NINHNgười đàn bà mở mắt đúng lúc thân sồi già đổ ập. Lũ chim rừng chưa kịp ngừng tiếng kêu thất đảm giữa đám cây đã gẫy gọn dưới sức gió hung bạo, lại đồng loạt ó lên kinh hoảng, cánh đập cuồng trong bóng tối đen khẳn. Bà ta nằm bất động giữa vùng âm thanh xoáy lốc, hỗn loạn gió và chim. Mọi giác quan tê liệt, không gian ngoài và trong đều mù loà tăm tối. Như thế, cho đến lúc gió ngừng và tia mặt trời lách qua được vùng lá cây đặc khít, rọi đúng vào hai tròng mắt dưới làn mi mỏng tanh của người đàn bà thất lạc.

  • NGÔ HỮU KHOA Hắn nằm sõng soài, hai chân trần thả sát mép nước, đầu gối trên đôi dép lê có cái quai bị đứt được nối lại bằng một mẩu dây thép.

  • NGUYỄN KHẮC PHỤCÔng X nổi tiếng đến nỗi, chỉ cần tôi nhắc tên ổng trước mặt bạn, bạn sẽ ồ lên đầy vẻ háo hức và lẩm nhẩm hát ngay một giai điệu nào đó trong một bài hát nào đó của ông.

  • NGUYỄN QUANG HÀLúc bố đi bộ đội thì Nguyệt còn nhỏ lắm. Nhưng Nguyệt vẫn nhớ rất kỹ ngày đơn vị bố hành quân đi B, qua làng. Bố ghé tạt thăm nhà một tí thôi là đi ngay.

  • CAO DUY THẢOThằng cu con chào đời vào buổi sáng. Buổi chiều, có một cô bé hàng xóm sáu tuổi lần theo tiếng trẻ khóc, tìm đến trước hiên nhà. Cô bé thận trọng bíu lấy bậu cửa sổ, cặp mắt đen tò mò và hai cái dảnh tóc bé xíu vinh lên như hai ngọn bút lông.

  • ĐINH DUY TƯChiếc xe hồng thập tự chở đến bệnh viện một bệnh nhân tâm thần. Chị ta có thể gọi là một cô gái, hai mươi chín tuổi, có chồng làm thợ rừng. Cách đây mấy hôm, đột nhiên chị ta lên cơn điên dữ dội. Theo người nhà bệnh nhân cho biết, chị ta luôn miệng kêu gào tên một người nào đó.

  • LTS: Tưởng nhớ đến những ngày hoạt động sôi nổi của nhà thơ Thanh Hải trên chiến trường Trị Thiên những năm đánh Mỹ, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc một truyện ngắn của anh viết từ năm 1973.

  • NHỤY NGUYÊN

    Mẹ không ngủ suốt mấy canh giờ. Đêm trắng. Với mái tóc mẹ trắng. Dưới chân tượng Phật trắng. Tiếng mõ đều. Tiếng mõ không tắt trong giấc mơ kinh hoàng của nàng. Giấc mơ trắng. Không máu. Chỉ là trắng bất tận.

  • HỒNG NHUChợ của phường đặt tại một vị trí khá lý tưởng. Nói như vậy là vì nó chẳng đụng đến các phường khác và cái chính là thuận lợi cho việc mua bán của người dân.

  • THÁI NGỌC SANMới nhìn qua gã có vẻ hung dữ, một người làm người khác luôn luôn phải cảnh giác trước khi đến gần. Một vết sẹo chạy từ đỉnh trán bẻ quặp xuống khóe mắt phải như muốn kéo con mắt gã ra khỏi tròng. Đôi môi dày nứt nẻ, tím đen mở toang hoác giơ cả hàm răng vàng khè nhụa bẩn.

  • HỒ NGỌC DIỆPKhông biết ai đã trồng rừng mai ở làng Đông Dương nầy lúc nào? Khi chúng tôi lớn lên thì đã thấy nó. Ngày trước, cứ đến tết xuân sang, người Ba Đồn lên, người Hướng Phương xuống, người Quảng Hợp, Quảng Kim vào, cứ theo sở thích mà cắt, mà chặt mai đưa về cắm độc bình. Cứ thế, mai mỏi mòn, xơ xác. Có cây chỉ trơ lại gốc. Có cây chỉ còn thân, cằn cỗi, khẳng khiu.

  • TRIỀU NGUYÊNPhòng họp không lấy gì làm sáng sủa cho lắm. Chỉ độc một bóng đèn treo lủng lẳng trên đầu người thư ký, với trang giấy mỏng manh, nằm gọn dưới bàn tay to bè của anh ta.

  • VÕ THỊ THÚYĐây là tập thơ tôi rất thích, mang tặng em, chỉ mong em giữ nó và dù hoàn cảnh nào cũng hãy giữ hộ tôi.

  • VŨ ĐẢMTôi tròn năm tuần tuổi, mẹ tôi mới biết mình có thai. Đang đêm, mẹ tôi hốt hoảng đến nhà người đàn ông, người mà mẹ đã ăn nằm từ bấy lâu nay. Mẹ gõ năm tiếng rời rạc vào cửa làm ám hiệu, mất ba lần điện trong nhà mới bật sáng.

  • NGUYỄN VIỆT HÀĐạo diễn và cô bé hẹn nhau, một cái hẹn rất lãng mạn. “Anh qua trường đón em rồi chúng mình sẽ lên Hồ Tây chọn một quán thật yên tĩnh”. Đạo diễn đứng chờ không bâng khuâng không hồi hộp. Khi qua nhiều cuộc tình người ta bình thường điềm đạm.

  • MINH CHUYÊN            Truyện ký

  • HẠNH LÊSáng thứ sáu, mẹ vợ bảo “chiều nay con cố gắng về sớm lên thăm mộ ông Phương với mẹ”. Tôi gật đầu “dạ vâng” rối dắt vội xe ra cửa. Năm nào cũng thế, cứ vào ngày giỗ ông Phương, hai mẹ con lại chuẩn bị đèn nhang viếng mộ ông.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChiếc xe “Oát” phanh kít lại ngay trước phòng văn hóa thông tin, xuýt húc đầu vào cái lốp xơ cua gắn sau một chiếc “Oát” khác đang nằm trì trước đó.