Trò chuyện với Thạch Sanh

15:37 19/03/2020

HOÀNG THÁI SƠN

Một buổi trưa hè oi ả, tôi đi đến đầu làng Cao Bình, nhác thấy bóng một cây đa tán lá sum suê, mát rượi, bèn chạy quàng vào để tránh nắng.

Ảnh: internet

Tưởng dưới gốc đa không có ai, hóa ra cũng có một người cũng đang ngồi nghỉ. Tôi bị lóa mắt vì nắng, vì mệt, nhưng chỉ thoáng sau đã nhận rõ hình dáng người bạn đường ấy. Đó là một thanh niên khỏe mạnh, nước da đồng hun, bắp thịt cuồn cuộn, đầu vấn khăn nâu, trên người cũng chỉ đóng độc có một chiếc khố. Anh ta ngồi nhặt và xếp lại những chiếc lá vàng rơi. Thực ra đó không phải là những chiếc lá bình thường. Đó là cuốn sách của cổ nhân để lại cho đời sau nói về cách xử thế, về phép đánh giặc, về đức khoan dung... Người thanh niên ngước nhìn tôi, khuôn mặt phúc hậu đầy vẻ tư lự.

- Thạch Sanh! Sao anh lại ngồi đây? - Tôi hốt hoảng kêu lên.

- Nhà tôi tôi ở, sao ông hỏi thế? - Thạch Sanh trả lời, vẫn ngồi yên một chỗ.

Tôi lùi lại một bước rồi lấy hết can đảm hỏi tiếp:

- Sau khi Lý Thông chết, vua gả công chúa cho Thạch Sanh, rồi Thạch Sanh dẹp tan giặc ngoại xâm và được vua truyền ngôi, an hưởng thái bình cùng trăm họ kia mà? Cớ gì Thạch Sanh lại bỏ ngai vàng mà về lại dưới gốc đa này?

Thạch Sanh mỉm một nụ cười chua chát:

- Tôi bị mất ngôi, vì thua quân chư hầu mười tám nước!

- Lại vẫn lũ giặc ấy? - Tôi hỏi tiếp - Thế cây đàn hòa bình của Thạch Sanh đâu? Sao không đem ra gẩy cho tan giặc như lần trước?

Thạch Sanh lắc đầu:

- Không phải lúc nào tiếng đàn hòa bình cũng có sức mạnh phá tan quân xâm lược được!

- Thế cái búa đã chém trăn tinh đâu?

- Tôi ném mất trước cửa miếu Thần rồi!

- Thế cung tên bắn ác điểu đâu?

- Tôi cũng vứt luôn sau khi bắn đại bàng gãy cánh!

Nghe thế, tôi ngậm ngùi nói:

- Cung, búa mất cả, tiếng đàn nhân nghĩa trở nên vô dụng hèn chi anh phải về lại túp lều dưới gốc đa này!


Tôi nhìn quanh: Thạch Sanh chỉ còn một cây rựa cùn và ngày ngày người anh hùng của một thời ấy lại lần mò vào rừng kiếm củi bán lấy tiền đong gạo. Mười ba tuổi, Thạch Sanh đang làm tiều phu, được Tiên dạy cho võ nghệ và mọi phép thần thông để dẹp tà, cứu nguy; liệu nay Tiên còn giúp gì cho nữa không đây? Bao nhiêu việc Thạch Sanh đã làm đều là việc nghĩa. Thạch Sanh đã cứu đời bằng cái Thiện rồi cuối cùng bị trả giá bằng chính cái Thiện ấy! Khốn nạn!... Thì ra ở hiền chưa chắc đã gặp lành. Hiền với Người, chứ hiền với thú dữ rõ là cái hiền ngốc.

- Vì sao anh tha bổng mẹ con Lý Thông? - Tôi nuôi điều băn khoăn bao năm, nay mới có dịp đem hỏi Thạch Sanh.

- Nhưng cuối cùng sấm sét cũng có để nó yên đâu!

- Đó là việc của Trời, tôi muốn nói việc của Người kia. Anh có thấy đó là sai lầm lớn không? Giá tôi mà là anh, thì tôi sẽ băm vằm nó ra trăm mảnh. Chém trăn tinh, giết đại bàng, nhưng anh lại tha mạng cho con quái vật nham hiểm nhất thế gian này... Những ai không biết căm thù thì lòng thương yêu cũng chỉ là cơn gió thoảng. Sao anh không hành động như cô Tấm đã bắt mụ dì ghẻ phải lăn đùng ra chết vì ăn nhằm thịt con mình?

- Rùng rợn quá! - Thạch Sanh kêu lên - Tôi không nỡ...

Tôi phá ra cười:

- Hèn gì anh phải về lại với gốc đa, cái khố và gánh củi kiếm ăn độ nhật. Tôi nhắc lại là anh đã phạm phải một sai lầm khôn chuộc, tha mạng cho kẻ thù của mình. Lý Thông cướp công anh, đày đọa anh, tìm cách giết anh lần này, lần khác... Nó sống bằng máu của anh. Vì sao anh đại lượng với nó? Anh đừng ân hận gì nữa nhé. Cái gốc đa này với anh là sự hào phóng quá mức của trời đất với con người như anh rồi!

Thạch Sanh chớp chớp mắt rồi lẩm nhẩm gật đầu. Tôi nói tiếp:

- Bây giờ tôi nói để anh biết là Lý Thông đang còn sống đấy.

Nghe thế, Thạch Sanh bèn vớ ngay cây rựa cùn rồi đứng phắt dậy, mặt mày nhớn nháo:

- Thật ư? Lẽ nào Lý Thông còn sống? Không, tôi không tin. Ông đừng dọa tôi. Lý Thông chết rồi!

Tôi vỗ vào lưng Thạch Sanh:

- Đúng là Lý Thông chết thật rồi, nhưng còn con cháu của nó. - Tôi kéo Thạch Sanh ngồi xuống bên gốc đa - Lý Thông không được công chúa đem lòng yêu, hắn tức tối lắm, bèn chim chuột với lũ gái hầu, vung vãi ái tình khắp chốn. Anh cảnh giác, chứ có ngày nó sẽ làm hại anh cho mà xem.

- Nhưng tôi có làm gì nó, kể cả Lý Thông cũng thế.

- Anh lại vẫn là một anh ngốc, Thạch Sanh ạ. Lòng tốt có khi làm hại chính người có lòng tốt. Giá anh tàn bạo với nó, hẳn nó sẽ sợ anh hơn hùm sói. Cái Thiện làm cho con người mến mộ, nhưng cầm thú thì chỉ sợ lưỡi búa mà thôi.

- Anh bảo tôi làm gì bây giờ? Làm gì? - Thạch Sanh hỏi tôi, toàn thân run lên giận dữ rồi vớ cây rựa chém phập, mắc vào cây đa, tóe lửa.

Tôi nhìn Thạch Sanh: ở anh ta chưa mất hết nhuệ khí và sức lực. Chẳng hiểu anh ta sẽ làm gì nếu có kẻ ác tìm đến anh nơi gốc đa này lần nữa.

Tháng 8-1990
H.T.S.
(TCSH47/01&2-1992)


 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    1.
    Lên mười tuổi, tôi mới biết bà ngoại không phải là họ hàng. Điều này khiến tôi buồn bã tủi thân đến bỏ cả ăn uống học hành dù đang chuẩn bị thi hết cấp tiểu học.

  • HOÀNG CÔNG DANH

    Ta sẽ không nhìn thấy gì cho đến khi chui ra khỏi nhà ga. Chúng tôi thường nói với nhau như vậy mỗi khi đi tàu điện ngầm. Đấy là chuyện hơn mười năm trước, khi tôi và anh cùng học chung ở thủ đô Minsk của Belarus.

  • TRIỀU NGUYÊN

    Dãy phố cổ nằm hai bên đường Thuận Hòa, nơi bày bán từ cái đinh ốc xe đạp đến những sợi dây chuyền vàng đính ngọc thạch trổ tượng Quan Âm và cả Đức mẹ Maria, treo trên các giá lót nỉ màu hổ phách lóe sáng trong tủ kính, bỗng nhộn lên bởi cái tin từ cửa hiệu cầm đồ Hòa Lợi truyền ra: Mẹ của ông chủ hiệu này đang hấp hối.

  • NGUYÊN NGUYÊN  

    Tôi nghe thấy tiếng bước chân của bóng tối, bên thềm cửa. Chút ánh sáng của ngày tàn bị hút tuột xuống cuối đường hầm tăm tối, âm thanh vọng lại nghe khô khốc và buồn bã vô cùng.

  • TRẦN HUIỀN ÂN

    Năm tôi mười tuổi, buổi tối ngày giỗ Dì Sơ, mẹ tôi với nét mặt trang nghiêm mà xúc động nói cho tôi biết Dì Sơ chính là người sinh ra tôi.


  • NGUYỄN QUANG HÀ

  • DƯƠNG GIAO LINH

    Bước chân Sinh sàn sạt trên đường cát giữa trưa oi nồng, thời tiết qua một trận mưa nước chưa thấm đất sau những ngày nắng nóng kéo dài.

  • NGUYỄN THU PHƯƠNG   

    Tôi biết bố tôi tận đến lúc này vẫn không thể vui, nhưng rốt cuộc ông đã liên tiếp nhân nhượng tôi.

  • NGUYỄN DẬU

    Chỉ một lần mà thôi
    Em hỏi, anh không nói
    Để cho em giận dỗi
    Đôi lứa thành đôi nơi
             
    Ê-XÊ-NHIN

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG    

    Tà dương bắt đầu trùm lên vùng núi đồi được phủ vô số bụi phong lữ đương trổ hoa đỏ thắm. Một mùi hương thầm kín cố hữu của một thành phố ven biển lan xa đến tận làng El Biar.

  • NGUYỄN LUÂN   

    Lâm có một thói quen vào những ngày cuối năm, thường tìm đến những vùng đất mới lạ thật xa nơi mình sống, để thưởng cái thú giao mùa của trời đất đang chuyển mình sang xuân.

  • NGÂN HẰNG    

    Tiếng gà gáy vang lên. Bầu trời vẫn một màu đen kịt. Hàng cau trước sân rì rào trong gió, những lá cau vững chãi vươn thẳng, thân cây nhẵn nhụi. Gió thổi mải miết trêu đùa, rồi ùa vào căn nhà tranh cũ kỹ. Ánh sáng le lói từ căn nhà hắt ra thành từng tia nhỏ qua những lỗ thủng trên vách.

  • PHẠM NGỌC TÚY

    Tin siêu bão đài báo trước đó mấy ngày. Cả nhà ngồi chờ bão đến, My đi chợ ngày chủ nhật, lai rai mua mỗi ngày một ít thức ăn.

  • PHẠM GIAI QUỲNH    

    Huyên giật mình tỉnh dậy trong đêm; cơn giật mình tới thường xuyên, kéo dài trong nhiều năm, khiến cô luôn rơi vào tình trạng thấp thỏm.

  • CÁT LÂM    

    1. Tôi bắt đầu không còn sợ bóng tối nữa, nhất định là không. Khi nỗi buồn dâng lên đến ngộp thở thì bóng đêm chính là nơi nương náu cuối cùng. Điều ấy luôn đúng với tôi, một cô bé chẳng thể đi đâu nếu không có sự giúp đỡ của người khác.

  • LÊ MINH PHONG    

    Mở mắt ra đi.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI   

    Hỏng Phỉ - Dốc Ma bên sườn trái Pù Phỉ - Núi Ma. Rừng trên Pù Phỉ âm u rậm rạp lắm. Người Thái Lũng Xài già nhất cũng chưa đi hết cái Núi Ma ấy. Người ta không dám đi bởi nó âm u rậm rạp, bởi nó lắm hổ nhiều beo…


  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH


  • TRẦN NGUYÊN  

    - Mẹ ơi sao cha vẫn chưa về?