Trích đoạn một cuộc tình

08:19 16/04/2009

NHỤY NGUYÊN      

 

Trích tiểu thuyết

 

Tiếng xe máy rù ga vô quán. Tiếp sau là tiếng xê dịch bàn ghế, sau nữa là tiếng chặt đá chan chát. Ồn ào. Phòng kara bật sáng. Máy hát khặc khặc mấy tiếng thật dữ, tưởng bung cả màng loa.

Bản được chọn là Nửa hồn thương đau. Giọng thằng cha nào chẳng đúng vần điệu vẫn rống lên ở những đoạn trầm gam mi thứ.

Khách chia hai tốp, một nhậu nhẹt ở ngoài, một hát và uống bia trong phòng. Tôi thử nhoi qua. Người phụ nữ mới xuất hiện…

Đêm qua tôi nghe nàng hát ở một bàn nhậu giữa sân. Giọng cao, không thanh lắm. Đượm buồn. Những nốt nhạc Bên kia bờ Hiền Lương cất lên dìu dặt. Tiếng hát chừng được vọng lại từ nơi bãi vắng, nghe như tâm sự của chính cuộc đời nàng. Chiếc cầu duyên phận nào đó đã gãy, khụy xuống nhẹ nhàng trong hồn tôi u uẩn.

Tôi bước qua hàng chè tàu, áo khoác phanh ngực. Tôi có đủ lý do để qua đây... Nàng, tay cầm xô đá bước ra từ phòng kara, mắt hoen lệ.

“Sao thế?” Tôi giằng lấy xô đá từ tay nàng.

- Không bán nữa! - Tôi gắt lên đầy hùng dũng và chán đời.

Nàng không buông tay, nhìn tôi: “Đừng em. Hãy để chị bán!” Tôi lặng đi, nghèn nghẹn.

Dường như nàng còn muốn nói nhiều sau lời cầu khẩn. Tôi nhìn bà chủ quán, nhìn ai cũng thấy họ đang ngơ ngác chằm chằm vào mình. Ai xui khiến tôi làm vậy? Người ta có quan hệ thân thiết gì?

Nàng lại chỗ thùng đá tiếp tục chặt. Nước mắt đã được lau khô. Nàng tặng tôi nụ cười đầy hàm ơn. Tôi không hiểu mình vừa hành động ra sao. Có tạo thêm niềm tin trong nụ cười ấy?

Nàng vào phòng. Tôi bước về mau chóng.

Tôi vẫn có thể quay lại, xộc vào phòng kéo nàng ra khỏi bàn nhậu. Mà sao, đôi mắt... cõi hồn tôi ngập ngụa trong đôi mắt ướt rượt ấy.

Nằm xuội ra giường. Quờ tay không thấy tờ báo, lại vớ phải triết học. Tôi đọc ào, chẳng nhớ cũng chẳng để thư giản.

Hoang mang cõi lòng. Tôi cảm thấy thiếu thốn một điều gì lớn lắm cần được bù đắp tức thời. Tiếng nhạc, tiếng chặt đá, tiếng cười nói, tiếng ly chạm cứ ám lấy tôi.

Mọi vật trong khu vườn trở nên thân thương. Những đường mối mọt, mạng nhện trên mái nhà, bức tranh thằng điên vênh cổ đánh đàn; mảnh vườn nay lại xuất hiện thêm nhiều loài hoa mới. Thích nhất là khóm hoa dong riềng xẻ ra từng nhánh non đo đỏ. Đến nữa là hoa cúc dại hay những ngọn ti gôn bắt đầu đơm bông. Và nhiều loài hoa khác nữa...

*

Cửa nách bên trái ngôi nhà hoang, một sáng tôi mở ra đón ánh sáng tức thì đập vào mắt cái màu đỏ rực của lớp lớp hạt cây lạ. Đã lâu tôi không hề để ý đến loài cây này. Có hôm lũ con gái choai choai trong xóm vào xin nhặt hạt. Tự dưng tôi thấy tiêng tiếc số hạt cây chúng đang gom ấy. Thử nhặt một hạt đặt vào lòng tay. Hạt hình trái tim, màu đỏ…

Tôi nóng hỏi hạt gì?

Hai đứa nguây nguẩy lắc đầu.

- Đây là cây so đũa. Họ trồng lấy lá làm phân.

Tôi nhăn nhó.

- Thế còn trái, hạt?

- Không phải. - Một đứa khác tuổi chừng học lớp mười, nhìn bạn cãi: Đây là cây ô môi.

Tôi cập rập hỏi:

- Ô môi là gì?

Không ai biết.

Chột dạ tôi ngóng lên, những khoảng trống bồng bềnh đang cháy, nhưng nhức. Lại cứ ngỡ nó được bướm tiên mang từ thế giới khác thả xuống vườn hoang một ngày mưa rã cánh. Nhìn vào thân, tôi ước nó vài chục năm. Từ mặt đất lên khoảng ba mét có một nhát chém sâu, nay bè bè như miệng hến. Hẳn nhiên không ai trồng, vì nó mọc từ móng bức tường ngăn cách với nhà hàng xóm.

Là quán nhậu. Ông bà chủ cũng tạm gọi thông minh khi xây phòng kara không đủ tiêu chuẩn sát vách nhà tôi. Thế là mọi tiếng ồn được vườn nhà tôi lãnh hộ Ban văn hóa xã. Nàng là một tiếp thị bia. Xưa nay cái quán này lẹp nhẹp ngày vài ba bàn, khách quen đến từng giọng nói. Vậy mà từ ngày có nàng… Điều gì ẩn hiện sau hai chữ “tiếp thị” ngọt ngào ghim trên ngực áo? Có cái gì mập mờ trong cái phòng ken đặc âm thanh? Tôi rất muốn biết. Chẳng để làm gì, chỉ là thỏa mãn lòng ích kỷ. Mà hình như tôi ghen. Tôi ghen những thằng đàn ông ngồi bên nàng… Ghét cả cái bà chủ quán luôn cười với tôi; nụ cười thật chân tình, thật hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, nhưng nay bà đang sở hữu nàng.

*

Tối ấy nàng lao tường qua, hiện hữu trước mặt tôi như tội đồ chịu sự phán xét.

Giọng nàng biện hộ thật dễ mến:

- Mấy thằng cha theo chị…

Chỉ ngần ấy âm tiết, rồi con tim nàng chùn xuống, như là hư hao một giọt máu. Nàng yếu đuối hơn vạn lần tôi tưởng.

- Cho chị núp một tí!

- Ồ…

Tôi găm thêm một bóng điện ở gian cuối. Hai cái bóng đâm bổ vào nhau những tia sáng lòm lòm đỏ rồ dại.

Nàng không biết, và không để ý đến biểu hiện và tâm tính của tôi lúc đó. Nàng nhìn quanh một lượt. Trước bàn viết của tôi là bức tranh vẽ theo lối cổ, nội dung dám chắc nàng không hiểu nổi. Phía dưới là chùm trái “ô môi” khô đét, nứt xoắn lại lộ những hạt đỏ lói. Thoáng nhìn thấy nàng đã reo lên:

- Ôi hoa tương tư!

- ?…

Nàng tới gần mằn mò lật xem.

- Chị gỡ một hạt nhé?

- Ờ… ngoài gốc nhiều lắm. Nếu chị thích mai em nhặt cho.

- Thích chứ. Mỗi hạt là một trái tim mà.

Suýt nữa tôi quên hỏi: “Chị bảo đây là hạt tương tư?”

- Ừ. Mà này, chẳng lẽ em… không biết?

- Em ở Bắc vào đâu biết đến cây này. Ngoài kia không có. Hôm vừa rồi hỏi mấy đứa nhỏ, chúng bảo đây là cây ô môi. Thấy đẹp nên bẻ một chùm vào treo.

Giọng nàng nhỏ lại:

- Đây là hạt tương tư. Hồi chị học cấp ba, ở trường cũng có một cây, chẳng sớm nào bọn chị không nhặt hạt.

Tôi đầy hạnh phúc.

- Chị ngồi, - tôi kéo ghế - chị ngồi xuống đi.

- Nhưng chị phải về chừ.

Đêm phập phồng.

Nàng tâm sự chuỗi quá khứ trầm luân trong vai một đào hoa phận trước...

*

Có tiếng sột soạt trên lá. Phút chốc sau có ai chạm cửa.

Thằng Bộp con bà chủ quán bước vô.

- Gì thế Bộp? - Tôi hỏi.

Thằng cu Bộp nói rất nhỏ:

- Mẹ bảo o Thanh về bán.

- Ờ. Bộp về đi, o về liền.

- Chị có qua lại không?

- Chắc là không em ạ. Sắp tới giờ phải về nhà trọ rồi. Về chậm chị Mình nạt.

- Chị Mình là ai?

- Chị ấy quản lý tiếp thị cả vùng phía nam thành phố này.

- Để em đưa chị về?

- Đưa chị về? - Nàng chỉ tay vào ngực: - Em không sợ à?

- Sợ gì?

- Chị Mình quản mấy đứa cùng quê chặt lắm.

- Kệ! Mà có gì đâu phải sợ nhỉ.

- Ừ…

Đoạn đường cũng ngắn.

Tôi chở nàng bằng xe đạp. Qua nhà máy Sợi một quãng là tới. Dãy nhà thuê nằm sát quốc lộ, thấp hơn mặt đường, rất đáng lo vào mùa lũ. Tôi đánh liều vào.

Lúc còn ngoài đường, tôi nói vào cùng thì nàng cười.

- Ờ, phòng chị có hai em Thì và Kiện, tuổi không quá hai hai nom được lắm, để chị giới thiệu cho.

Thấy tôi vào cùng nàng, có đến bốn cô ngờ ngợ cười cười. Một cô lên tiếng:

- Chị Thanh, mệ của chị đó hả?

*

Bà Mình tổ trưởng ở một phòng riêng chung vách với mấy chị em. Bà cùng lứa chồng Thanh, biết nhau chứ không phải bạn bè.

Thời con gái, bà theo đội công nhân cầu đường, bán hoa ở chợ trời. Đội chuyển vào Đồng Nai, bà hành trình ra Huế. Hành nghề bị bắt, người ta đưa bà về trại phục hồi nhân phẩm. Chưa mãn hạn lại phạm..., phải ở thêm một thời gian. Lúc về làng bà khoe: Tao làm công an trại”.

Bà bám trụ ở Huế. Vẫn nghề cũ, bà xuống tận vùng biển. Chán chê, quay lên ở lại trong một quán nhậu. Bà giúp việc thật... táo tợn. Ngày nọ có mấy ông sếp bia Larue vào quán. Thấy bà mang bia Huda mời rất khéo, nên đặt vấn đề bán bia Larue với bà. Đồng ý. Bia Larue bán chạy. Bà được công ty cử đi học Marketing, về được giao quyền tuyển nhân viên...

Thời gian đó Thanh ngồi giữa đống hoang tàn. Một mình làm hơn mẫu ruộng. Con bé đầu học lớp hai giúp mẹ nấu cơm rượu. Vẫn không bù nổi khoản nợ nần của Man. Một hôm nghe mẹ của bà Mình mách: “Mi muốn làm tiếp thị cho công ty con Mình làm sếp, mệ đưa ra giới thiệu, lương cao”. Ờ, thì đi. Đi để bớt nhọc nhằn từ ruộng đồng khô cháy...

*

Tôi ngồi chơi dăm phút, cái máy nhạc bên phòng bà Mình tắt ngấm. “Chi mà ồn ào bên vậy?” Nghe tiếng bà, cô nào cũng im. Nàng nháy tôi. Hiểu, tôi rút lui. Ra khuất rồi còn nghe bà Mình hỏi chói lói:

- Thằng nào đến đây? Sao không chào hỏi ai hết? Đứa nào, con Thì?

- Dạ... bạn chị Thanh.

- Mi dẫn ai về?

- Dạ. Đứa bạn lâu năm vào Huế làm ăn...

- Bạn với bè. Liệu thần hồn. Mi tưởng tau mở máy là không nghe bây nói gì hả? Thằng mô cũng vậy hết, hỏi hắn coi có nuôi nổi con mi đã rồi đưa về.

*

Vòng quay của bánh nặng nề, tôi đạp xe qua ngõ… Trăng đã lên, từng vệt sáng màu vàng loang trên dòng sông ngái ngủ. Tôi ngồi xòa trên bãi cỏ công viên. Nỗi nhớ thẳm sâu. Ước có nàng. Tôi cúi gầm mặt, với những chán chường! Thèm được ôm ấp mảnh tình chừng như xa cách hàng chục dặm heo hút đường trường.

Tôi mất trắng một đêm vòi vọi nhớ nhung dáng hình tan tành như gương vỡ...

*

Ngày mới hiện hình.

Trời chưa sáng hẳn… Nước sôi ùng ục, tôi vội rút phích cắm điện rồi từ từ chế nước vào ấm trà cũ vỡ nắp. Hơi bốc lên từ làn nước màu xanh nhạt. Tôi chíp miệng sau ngụm trà nóng đầu tiên… Ngụm trà thứ ba ngọt dần, gờn gợn ở cổ chờ khói thuốc lá…

Có ai tru tréo bên quán nhậu? Tôi mau chóng chuyển mình về phía bức tường ngăn cách nhón chân nhìn qua. À, một con đàn bà đang ghen. Mụ ta chỉ thẳng vào mặt bà chủ mà xỉ vả lu loa choang choảng. Ông chồng, ở nhà hay không mà câm như hến. Bà chủ cũng chẳng vừa trong cuộc khẩu chiến. Đối thủ lui, xem như chỉ là bước cảnh cáo với bà chủ.

Tôi thở phào. Thật may nàng chưa tới, nếu không chắc gì mụ đã tiếc lời quy kết… Toan quay vào, chợt tôi nhớ việc: nhặt hạt tương tư, tính khoan lỗ các hạt xâu thành vòng, tặng…

Nàng đến quán.

Hai tay bám lấy thành tường, nàng hót lên, cặp ngực như treo thân hình lại. Nàng cười, vành môi tươi như màu tương tư trong tim tôi.

Rồi cùng nhặt hạt, nàng nhìn tôi không dè dặt, ngầm muốn nói: nàng phải nuôi mẹ già cùng con, và hi vọng...



N.N.
(201/11-05)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • SƯƠNG NGUYỆT MINH
                 Trích tiểu thuyết

    Mãi mãi không bao giờ Miên quên được cây gạo gai cổ thụ bên đầu hồi lán thương binh.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
           Trích tiểu thuyết

    Đêm 9 tháng 3, tiếng súng chợt rộ lên rung chuyển thành phố. Đạn súng lớn, súng nhỏ chớp loang loáng, nhất là phía Mang Cá, Tòa Khâm.


  • NGUYỄN THỤY KHA

    Tiểu Thuyết Tư Liệu (Trích)

  • JEAN D’ORMESSON   

    Jean D’Ormesson (1925-2017), Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp; là một nhà văn hàng đầu của nước Pháp, “nhà văn của hạnh phúc” như người Pháp thường ca ngợi. Ông đồng thời là nhà triết học, nhà báo nổi tiếng, đặc biệt là những tiểu thuyết lịch sử giả tưởng, những tác phẩm văn học đậm mùi triết lý về cuộc sống và con người. Ông có trên 40 cuốn tiểu thuyết, phần lớn được ca ngợi và tái bản. 

  • NGUYỄN THẾ QUANG   

            Trích tiểu thuyết 

  • TRẦN THÙY MAI
    (Trích chương 31 của tiểu thuyết Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu)  

    Lời tác giả:
    Nhà tôi ở trên đường lên các lăng vua, ngày còn ở Huế tôi hay vào thăm lăng Xương Thọ, là nơi yên nghỉ của Nghi Thiên Chương Hoàng hậu.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Trích tiểu thuyết (Chương 8)  

  • LTS: Theo lời tâm sự của tác giả với các bạn đồng nghiệp ở Huế, tiểu thuyết "Ngày Mẹ Mong Chờ" là tác phẩm mà anh đã ấp ủ từ lâu. Cuốn sách viết về những số phận khác nhau trên con đường tìm chân lý, tìm lẽ sống cho cuộc đời - những con đường không một chút dễ dãi bằng phẳng mà đầy những khúc ngoặt, những biến cố khắc nghiệt... Sông Hương xin giới thiệu cùng bạn đọc phần "dẫn nhập" của tiểu thuyết mang tên: Trước khi vào chuyện...
    SH

  • LGT: Nhà văn Nguyễn Thế Quang là giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, nghỉ hưu đã hơn 10 năm. Sau tiểu thuyết Nguyễn Du in năm 2010, ông vừa hoàn thành bản thảo tiểu thuyết lịch sử Thông reo Ngàn Hống viết về cụ Nguyễn Công Trứ. Theo tác giả, tiểu thuyết không chỉ tái hiện các sự thật, mà còn phơi mở các khả năng phong phú của thời đại đã bỏ phí. Nhà văn thể hiện cách hiểu, cách nhìn riêng của mình vào từng nhân vật lịch sử với thái độ phản biện.

  • NGUYỄN QUANG LẬP
             (Trích tiểu thuyết)

    Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
    Câu trả lời thật không dễ dàng chi!

                  NGUYỄN TRỌNG TẠO

  • LGT: Bản thảo tiểu thuyết mới Em còn gì sau chiến tranh? của nhà văn Hà Khánh Linh là thiên truyện “dẫn nguồn” nỗi đau từ quá khứ chiến tranh và nó thấm cả vào hiện tại khi đất nước vẫn đứng trước sóng gió để giữ vững hòa bình. Sông Hương số tháng 8 vừa qua đã trích đăng chương III, số này tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc chương VI - là chương cuối cùng của cuốn sách.
    SH

  • HÀ KHÁNH LINH
        Trích tiểu thuyết, chương III

    Anh tỉnh dậy vừa kịp lúc nhận biết nhiều chỗ trên cơ thể mình rất đau... nhưng không nhớ là mình bị thương như thế nào.

  • DƯƠNG THÀNH VŨ
    Trích tiểu thuyết đầu tay "Đứa con nguyệt thực"

               Đôi tay nhỏ và ngực tràn mơ ước

  • ĐỖ KIM CUÔNG
              Trích tiểu thuyết

    LTS: Trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc đằng đẵng 30 năm, có những anh bộ đội Cụ Hồ trở thành những vị tướng, những người anh hùng được vinh danh trong những ngày chiến thắng… Nhưng còn cả cả triệu người lính sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, may mắn sống sót trở về lại sống trong cuộc sống đời thường lam lũ, nghèo khó.

  • LGT: Kịch bản "Cội nguồn thiêng" (ba tập) của tác giả Đoàn Lê - Hoàng Chỉnh khai thác về cuộc đời hai người phụ nữ: Bà nội Hà Thị Hy và thân mẫu Hoàng Thị Loan của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó chuyện phim cũng đề cập đến tuổi thơ ấu biết bao gian khổ của Người. Từ cội nguồn thiêng liêng này đã hình thành nên nhân cách trác việt của một bậc vĩ nhân.

  • NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH                   (Trích chương 17)... Trong khi cô Kim Thoa và cha Tạc đấu khẩu lời qua tiếng lại đôi co như vậy và số phận ông bác sĩ già hiền lành dở người cũng chưa biết dạt về bên nào đi theo bên nào thì vào đêm ngày thứ tư sau cái đêm rửa nồi Săchgo huyền bí vui nhộn trong lễ bỏ mả của tộc người Gia Rai M' thur bác sĩ Trương Vĩnh Cần nằm mơ gặp lại hồn ma ông Phạm Văn Cổn.

  • LTS: KHO BÁU là tiểu thuyết tâm lí xã hội, viết về những người lính sau chiến tranh và thời kỳ đầu đổi mới. Nội dung tư tưởng đề cao phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của những người lính “bộ đội cụ Hồ” cả trong quá khứ của chiến tranh khốc liệt cũng như trong xây dựng hoà bình với không ít khó khăn, thách thức của cạm bẫy và cám dỗ đời thường. Cốt truyện tập trung vào việc phản ánh và giải quyết mâu thuẫn giữa các mối quan hệ phức tạp của các nhân vật trong và ngoài hai gia đình ông Thanh - một đại tá QĐNDVN, và gia đình ông Trường - một trung tá ngụy quân Sài Gòn cũ. Sông Hương trích đăng giới thiệu với bạn đọc chương V trong tiểu thuyết này.-TCSH -

  • HÀ KHÁNH LINH         Trích tiểu thuyếtCHƯƠNG XI

  • NGUYỄN QUANG HÀ                Trích tiểu thuyếtMặc dù chồng nói đất Thành cổ Quảng Trị bị cày xới, bom chồng lên bom, khó có một ngôi mộ nào được nằm yên đâu. Hoạ may lật từng xác lên mới có thể tìm thấy miếng nhôm ghi tên tuổi, số lính, quê quán người tử trận. Bởi tấm danh thiếp này thường đeo nơi cổ mỗi người lính cộng hoà đề phòng sự tìm kiếm sau này.

  • DƯƠNG THÀNH VŨ           Trích tiểu thuyếtChương hai