Trí thức, văn nghệ sĩ là chất xám

09:23 04/12/2009
Gần đây, khi Đảng ta chứng tỏ sự quan tâm của mình đối với đội ngũ trí thức thì trong dư luận cũng đã kịp thời có những phản ứng cộng hưởng. Điều mà chúng tôi lĩnh hội được gồm 3 câu hỏi tưởng chừng như "biết rồi khổ lắm nói mãi" nhưng lại không hẳn thế. Nó vẫn mới, vẫn nóng hổi vì sự tuyệt đối của qui luật vận động cũng như vì tính cập nhật, tính ứng dụng của đời sống. Chúng tôi xin được nêu ra và cùng bàn, cùng trao đổi cả 3 vấn đề.


1. Trí thức là gì?
2. Văn nghệ sĩ có phải là trí thức không?
3. Chất xám và chảy máu chất xám ở Huế?

1. Như chúng ta biết, tổng quan kiến tạo của xã hội loài người gồm 3 nền văn minh tiếp nối nhau. Tương ứng với mỗi nền văn minh đều có một lực lượng lao động đặc thù làm nòng cốt. Nếu lực lượng nông dân đại diện cho nền văn minh nông nghiệp thì lực lượng công nhân lại đại diện cho nền văn minh công nghiệp và đến lượt mình, lực lượng trí thức sẽ đại diện cho nền văn minh trí tuệ. Tuy nhiên, do qui luật phát triển không đều cũng như do yếu tố gen di truyền khác nhau nên trong "dàn hợp xướng" của nền văn minh này hẳn có "giọng ca" đơn lẻ của nền văn minh khác. Như vậy là cả 3 nền văn minh đều có con người trí thức nhưng tri thức của họ không thể cùng một số đo. Khái niệm trí thức cũng phải thay đổi bởi khái niệm chỉ là cái bóng của hiện thực mà hiện thực thì luôn luôn là sự biến thiên. Từ đấy, nội hàm của khái niệm trí thức ngày một nới rộng là điều tất yếu. Nhìn lại, khái niệm mang tính chất định nghĩa về thuật ngữ trí thức theo từ điển tiếng Việt là lao động trí óc thì còn mơ hồ mà theo qui chuẩn tổ chức là tốt nghiệp đại học thì quá phiến diện.

a) Sự phân định ranh giới giữa lao động trí óc (lao động phức tạp) với lao động chân tay (lao động giản đơn) từ thời người ra đưa thư bằng sức vóc bắp thịt đến thời họ đưa thư bằng năng lượng thần kinh đã có nhiều bất cập. Công cụ và công nghệ hiện đại đã "ảo hóa" những thuộc tính của 2 cấp độ lao động ấy. Người làm nghề sao chép văn bản trên máy vi tính trông ra dáng trí thức hơn người cùng làm việc ấy trên máy chữ. Cũng như một đinh mõ làng phong kiến hoặc một viên mõ tòa tư bản hay những nhà truyền giáo xưa nay nếu xét về mặt thao tác chuyên môn thuần túy thì giữa họ, không ai trí thức hơn ai. Đơn giản là ai cũng làm cái việc "y sao bản chính", không được thêm bớt, không thể hư cấu hoặc sáng tạo. Đấy không phải công việc lao động trí óc dù chủ thể của nó có trình độ nào, bằng cấp gì.

b) Nếu với tiêu chí bằng đại học trở lên đều được liệt vào hàng trí thức thì sẽ thừa không ít kẻ "hữu danh vô thực" núp sau bằng cấp ấy và ngược lại cũng để thiếu không ít những bậc thức giả nín khoa cử không được tính đến. Ở đây, nó dễ đánh đồng khái niệm học vị với khái niệm học vấn vốn cùng phạm trù hình thức như quyển sách và quyển vở nhưng nội dung lại rất khác nhau. Thực tế đã cho thấy có những người không bằng cấp nhưng xã hội vẫn cung kính tôn vinh họ lên bậc thầy vì những công trình tác phẩm đầy ắp chất xám của họ. Tỉ dụ sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên không hề bén trường đại học nào nhưng đến nay đã có những nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ từ sản phẩm trí tuệ của ông. Vậy nên việc xem xét một ai đó có trí thức hay không thì không thể và không chỉ căn cứ vào bằng cấp.

Khái niệm trí thức vốn là sự biểu đạt ngữ nghĩa của danh từ nhưng trong một số trường hợp cụ thể nó đã ứng biến như một động từ. Trí thức là thức cái trí, cái trí phải hoạt động và vận động. Theo qui luật phát triển và kế thừa, trí thức ở thì hiện tại sẽ bằng "tri thức hoàn thành" cộng với "tri thức tiếp diễn". Tuy nhiên, lượng chất của nó ở thời nào cũng đều bị chi phối bởi hệ qui chiếu văn hóa học ở thời đó. Một cử nhân nho học ngày trước có thể hiểu hết Tứ thư, Ngũ kinh nhưng một cử nhân khoa học ngày nay chưa chắc đã biết gì về các pho sách đó. Song, một đứa trẻ ngày nay thấy bóng diện "chổng ngược" là thường còn một ông vua học rộng như Tự Đức giữa thế kỉ 19 lại không tin bên nước Pháp thắp được đèn chổng ngược. Thật khó có một định nghĩa xác đáng về trí thức mà ở đó nó có thể vừa biểu đạt vừa viên dung được "biên độ trí tuệ" của mọi thời, mọi nền văn minh.

Dù vậy và cũng vì vậy mà nhiều nhà trí thức đã ngẫm lại mình rồi "suy bụng ta ra bụng người". Giáo sư Trần Quốc Vượng từng tỏ ra tâm đắc với định đề trí thức là những người ngu lâu. Đúng vậy, đạt được đến sự ngu như ông quả là đáng kính. Khi người ta biết cách đong đầy mình một lượng tri thức cần thiết, có hệ thống thì nó cũng giống như một li nước đầy đã được bão hòa. Nó buộc phải từ chối việc tiếp nhận thêm những "thông tin đồng tính" bởi sự no nê. Sự "no nê" ấy làm cho bản thể trí thức có thể tự tại độc lập như một cơ chế bảo thủ của tâm lí. Chính điều này đã được người ta phiếm dụ một cách trắc ẩn là sự ngu lâu. Mặt khác, chữ ngu ở đây còn có thể hiểu theo nghĩa đen của từ. Và khi hiểu vậy sẽ thấy nó hàm ẩn một nghịch lý mang màu sắc bi kịch rằng, chỉ có những người có học và học đến một trình độ nào đó mới biết là mình ngu! Còn những kẻ nửa vời thì dường như ngược lại. Xem ra, chỉ "ngu chay" không thôi thì chưa đủ, bởi vậy giáo sư Trần Quốc Vượng còn bồi tiếp ngu nhưng ham hiểu biết. Vậy mới rõ. Và nói đầy đủ ý của giáo sư thì trí thức là những người ngu lâu nhưng ham hiểu biết. Đến giáo sư tiến sĩ Hồ Ngọc Đại thì vấn đề được lí giải cụ thể hơn, ông định vị trí thức theo phương pháp lịch sử. Nó cũng có mới. Trí thức cũ là những người giải thích khái niệm, còn trí thức mới là những người làm ra khái niệm. Hẳn nhiên, đã làm được khái niệm thì cũng giải thích được khái niệm. Cũng như người viết sách tất nhiên là đọc được sách, còn người đọc sách chắc gì đã viết được sách. Bởi vậy trong con người trí thức mới đã có con người trí thức cũ. Ở đấy, nó như một hàm số dung thông giữa định tính và định lượng. Ngoài ra, còn nhiều ý kiến rải rác khác, mỗi người nhấn mạnh một mặt nào đó nhưng nếu đem "hóa trị" chúng lại với nhau thì sẽ có một hình ảnh trí thức khá đầy đặn. Trước hết trí thức phải là người có kiến văn rộng, tiếp nữa, những kiến văn ấy phải biết làm gì đó để có ích cho bản thân cũng như xã hội. Nếu không sẽ chẳng khác gì những hủ nho ngày xưa hoặc những mọt sách ngày nay., Về mặt phẩm cách, trí thức còn phải là những người trung trinh, dám nghĩ, dám làm, dám nói sự thật.

Nếu vo lại một câu thì: trí thức là những người thức trí, có chủ kiến và biết kiến chủ theo cảm hứng sự thật.

2. Văn nghệ sĩ (VNS) là những tế bào nhậy cảm của xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc như trí thức, song nếu coi VNS là trí thức hẳn không đúng mà nói phải cũng chưa chắc. Trong vương quốc tinh thần ấy có thế giới biểu tượng của nghệ thuật và thế giới khái niệm của khoa học. Thế giới biểu tượng dành cho văn nghệ sĩ còn thế giới khái niệm dành cho trí thức. Lao động của trí thức là lao động khoa học. Lao động của văn nghệ sĩ là lao động nghệ thuật. Khoa học làm công việc khám phá, phát minh đem lại những giá trị ngoại tại, giá trị tương đối. Nghệ thuật làm công việc biểu hiện, sáng tạo đem lại những giá trị nội tại, giá trị tuyệt đối. Rõ ràng lao động khoa học chỉ cải tạo được cái thế giới rách nát mà thượng đế đã ban cho còn lao động nghệ thuật lại sáng tạo ra một thế giới khác siêu việt hơn như thượng đế đã dành cho mình. Sự phân nhóm xã hội bao giờ cũng mang tính mục đích và khi người ta xếp VNS ngồi vào chiếu trí thực là nhằm chuẩn trật đẳng cấp lao động cho họ.

Cụ thể và thực dụng hơn, gần đây người ta đã ví von lực lượng lao động xã hội như một bàn tay mà 5 ngón trí thức gồm kỷ sư, bác sĩ, cử nhân, VNS rồi nhà báo. Vậy thì VNS đã thông dự vào "hộp đen" trí thức ở chỗ nào. Nếu soi vào đặc tính lao động trí óc thì thực chất, trong giới VNS chỉ thấy ở các nhà văn là rõ nét hơn cả. Nới rộng ra thì nó bao gồm những người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Còn lại là các nghệ sĩ thuần thiên chức biểu hiện như ca sĩ, nhạc công, diễn viên... thường ít khi dụng trí. Lao động của họ là lao động đặc thù dựa vào năng khiếu và kinh nghiệm là chính còn học vấn chỉ là trang sức hoặc thứ yếu. Có nhiều người học chưa hết văn hóa phổ thông nhưng họ vẫn trở thành những nghệ sĩ ưu tú này nọ. Ngay cả với nghề văn, lĩnh vực cần có sự hiểu sâu, biết rộng hơn cả ấy vậy mà cũng không ít người cầm bút từng thất học. Khi nhà văn thiếu tri thức họ sẽ bị hạn chế nhiều mặt mà điều đáng tiếc nhất là năng lực tư duy tưởng tượng. Tư duy tưởng tượng được coi như phương tiện kì ảo của ý thức thăm dò miền vô thức. Nói cách khác, nó là chiếc cần câu câu từ không ra có từ trong vô thức về với ý thức. Khuynh hướng đề cao vai trò chủ soái của vô thức trong sáng tạo nghệ thuật dễ chừng quên rằng nó có quan hệ hình bóng với ý thức. Nghĩa là quan hệ giữa ý thức với vô thức là sự song hành tỉ lệ thuận chứ không phải tỉ lệ nghịch. Ý thức càng lớn bao nhiêu thì khả năng tiếp cận của nó với vô thức càng lớn bấy nhiêu. Nhà văn thiếu tri thức thì chẳng khác gì chiếc xe máy thiếu xăng dầu, chỉ có thể dắt ra dắt vào loanh quanh cho vui chứ không nổ vang được, không đi đâu xa được.

Mặt khác, nói như Socrat, trí thức chính là đạo đức thì e rằng bạn đọc và cả xã hội sẽ phải cảnh giác với các nhà văn "điếc không sợ súng". Thật bi hài và cắc cớ cho cái xứ ta, có những người viết văn không phải do nhu cầu nội tại hay do "tinh anh phát tiết ra ngoài" mà chỉ vì không có việc gì làm! Sở dĩ tiểu thuyết Việt Nam không lớn, không đồ sộ như các nước Tây, Tàu là vì nhà văn nước ta phần lớn tri thức của họ chưa đạt tới độ "thông tiền khoáng hậu". Thử lướt qua kênh văn học so sánh sẽ thấy rõ điều đó. Với thơ có phần được an ủi hơn, Việt Nam vẫn có những thi hào ngang ngửa đỉnh cao nhân loại. Tất nhiên, ngoài tài năng, các bậc tiền bối đó như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm... đều là những nhà đại trí thức trên mọi thời của dân tộc.

Xét trên cả hai mặt tính chấttrình độ lao động thì trí thức bao giờ cũng thuộc đẳng cấp quí tộc trong xã hội. VNS nói chung cũng vậy nhưng nói riêng, có người dưới tầm "quí tộc" lại có người trên tầm quí tộc. Suy cho cùng, VNS cũng là trí thức nhưng lại là "trí thức" của tâm linh.

3. Bằng lối nói ẩn dụ, từ màu xám của mô thần kinh vỏ não, người ta đã đem nó ra làm "tham số" cho một lực lượng lao động nhất định trong xã hội. Nói nôm na thì chất xám là một đại lượng biến thiên gồm hai trị số trí thứcVNS. Theo lẽ thường, dòng chảy chất xám bao giờ cũng chảy ngược dòng chảy của qui luật tự nhiên. Chừng nào nước còn chảy về chỗ trũng thì chừng đó chát xám còn bò đến chỗ cao. Hiện tượng chảy máu chất xám là khách quan nhưng sẽ không bình thường khi nó thành sự kiện. Tuy nhiên, việc coi nó là bình thường hay không bình thường hoặc hiện tượng hay sự kiện còn phụ thuộc vào cách nhìn và điểm nhìn của mỗi người. Sách xưa chép: Có một người nước Sở mất cái cung mà không chịu đi tìm, nói rằng "người nước Sở mất cung thì nhất định có người nước Sở được cung, hà tất phải đi tìm!". Khổng Tử nghe chuyện, nói "Bỏ chữ nước Sở đi thì hay hơn". Lão Tử nghe xong, nói "Bỏ cả chữ người còn hay hơn". Cùng ý nghĩa đó, đứng trên quan điểm toàn cục thì thấy máu chất xám chẳng mất đi đâu cả. Song, đã gọi là chảy máu thì sự chảy máu nào cũng gây ra thương tích cho chính nơi nó đã chảy ra.

Hiện tượng chảy máu chất xám ở Huế là có thật và một khi vết thương đó đã đến mức vữa ra để dư luận "rỉa rói" thì nó đau đớn lắm, nó đã thành sự kiện. Nếu theo phương pháp chu chuyển, lấy số cuối kì trừ đi số đầu kì với cái mốc được xác định là hiện tại sau ngày giải phóng Huế, ta sẽ được một con số âm (-). Riêng lực lượng VNS, thời đó như cánh rừng rậm rạp, nay chỉ còn lưa thưa. Điều đáng nói hơn là sự chảy máu chất xám ở đây có nguy cơ lây sang thế hệ thứ hai, thế hệ con cái. Những tài hoa trẻ đầy triển vọng như Hoàng Dạ Thi, Tô Diệu Lan, Trương Đức Vỹ Nhật, Nguyễn Thị Quí Trân, Vũ Lê Thái Hoàng... đã rời Huế ra đi không hẹn ngày trở lại dễ chừng còn tiếp nối. Thật bi kịch cho ở đâu được mệnh danh là trung tâm văn hóa mà ở đó chỉ có lực li tâm, không có lực hướng tâm. Huế cũng là một trung tâm văn hóa, là chỗ cao, sao chất xám đã không chảy về, cả không giữ được, lại còn chảy đi? Phải chăng do đất không lành chim không đậu? Câu trả lời giờ đây không còn bỏ ngỏ khi một em học sinh phổ thông cũng đã kiến giải xuất sắc trong cuộc thi hùng biện tiếng Pháp tại Huế vừa qua.

Vấn đề khúc mắc ở chỗ khi người ta đã dám nhìn vào sự thật nhưng quan trọng hơn là có dám công khai sự thật hay không. Theo Lênin thì "Tinh thần công khai sự thật là thanh kiếm có khả năng chữa lành vết thương do chính nó gây ra". Sự thật ở Huế vẫn bàng bạc một cái gì đó thuộc phạm trù tổ chức gây cảm giác bất an cho những trí thức, VNS hằng quan tâm thế sự.

Người Huế nói chung vốn có ý thức tự tôn và lòng tự trọng cao nhưng một khi bị tổn thương thì họ thường phản sự một cách "dịu êm" là: hoặc lặng lẽ ra đi, hoặc tẩy chay quan hệ. Như vậy cũng có nghĩa là chất xám ở Huế vừa bị trôi dạt, vừa bị lãng phí. Khi chất xám trôi dần, rỗng dần thì không biết vai trò "trung tâm" của Huế giữa miền Trung sẽ đi đến đâu?

NGUYỄN KHẮC THẠCH
(124/06-99)



Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhu cầu độc giả ngày càng cao và đa dạng, chức năng của thư viện cũng thay đổi. Không chỉ là kho tri thức liên tục cập nhật những đầu sách mới và hay, thư viện giờ đây còn phải là không gian văn hóa, sáng tạo, gần gũi, thuận tiện cho người đọc có thể tiếp cận bất cứ lúc nào.

  • Văn hóa dân gian đã có nhiều biến đổi, nhưng các thành tố của nó vẫn tồn tại và tái cấu trúc, tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Văn hóa ấy là tấm căn cước cho mỗi người Việt khi hội nhập thế giới, đồng thời mang lại giá trị tinh thần và cả cơ hội khởi nghiệp cho giới trẻ.

  • Sau hơn 20 năm xuất hiện tại Việt Nam, internet ngày càng đi sâu vào cuộc sống, tạo ra những thay đổi to lớn từ thói quen hàng ngày, tới cách làm việc, giao tiếp, tương tác xã hội, quan niệm về không gian, thời gian... Những thay đổi ấy đòi hỏi xây dựng các giá trị văn hóa mới - văn hóa mạng.

  • LÊ HOÀNG TÙNG

    Vai trò của thể dục, thể thao đã được xã hội thừa nhận, đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển của mỗi cá nhân và đất nước.

  • Tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia đã bị hư hại nặng nề sau quá trình làm vệ sinh của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo quản, tu bổ, phục chế.

  • Di tích xuống cấp là một trong những vấn đề tồn tại song hành với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Hà Nội. Bên cạnh những khó khăn về nguồn kinh phí, tình trạng tùy tiện trong tu bổ, tôn tạo cũng đang là bài toán đòi hỏi có giải pháp khắc phục hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giá trị di sản.

  • Tính đến đầu năm 2019, qua 7 đợt công nhận theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đang sở hữu 164 hiện vật, nhóm hiện vật được tôn vinh là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề ứng xử với các bảo vật quốc gia đang tồn tại nhiều số bất cập, nhất là tình trạng can thiệp thô bạo với không ít hiện vật khiến dư luận bất bình.

  • Dự án “Tương lai của truyền thống” vừa tổ chức buổi trò chuyện “Cảm hứng nghệ thuật Tuồng”. Với sự tham gia của NSND Mẫn Thị Thu, NSƯT Phạm Quốc Chí, NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh, Nghệ sĩ Nguyễn Thành Nam một lần nữa những bất cập trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng đã được chính người trong cuộc chia sẻ.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ   

    Gọi là “Chuyện bên lề” vì chủ trương xây Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu (KLNTH) là của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi “bỗng dưng” bị lôi vào cuộc do đã viết bài “Ngày Xuân thăm quê nhà thơ Tố Hữu” đăng trên báo Văn nghệ số Tết Mậu Tuất - 2018.

  • Phát biểu tại hội nghị kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại địa bàn TP.HCM ngày 20/4/2019, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “Văn hóa TPHCM đã phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng”.

  • Để hạn chế bạo lực học đường, có ý kiến cho rằng, bên cạnh kiểm soát, ngăn chặn những clip độc hại, bạo lực trên mạng xã hội, cần đưa giá trị sống và kỹ năng sống đến học sinh và giáo viên, qua đó tạo môi trường giáo dục thân thiện hơn, khiến học sinh hạnh phúc hơn.

  • 5 năm kể từ khi Ngày Sách Việt Nam ra đời, khắp các địa phương trên cả nước, hoạt động cổ vũ cho văn hóa đọc được tổ chức rộng rãi. Tại các hệ thống giáo dục đào tạo, phong trào đọc sách cũng lan tỏa mạnh mẽ.

  • Thần tượng là một nhu cầu thiết yếu của thế hệ trẻ, nó cần thiết như cơm ăn nước uống hàng ngày. Có phải chăng xã hội chúng ta đang thiếu vắng những anh hùng, những con người bình thường, những sự việc bình thường đã trở nên quý hiếm, được nêu gương khiến thế hệ trẻ tìm đến những kẻ giang hồ cộm cán, những kẻ tìm mọi cách để gây sốc trong đời sống và trên mạng xã hội?

  • Tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Xây dựng trường mầm non hạnh phúc và nói không với bạo lực học đường, diễn ra sáng 9.4, chuyên gia giáo dục Đan Mạch, PGS. Jette Eriksen khẳng định, để đẩy lùi bạo lực học đường, chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục với những phương pháp sư phạm đầy nhân văn và thân thiện với trẻ, kết hợp quan điểm của trẻ em trong tất cả những gì chúng ta làm.

  • Thông qua cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, các em đã có những cảm nhận hết sức tuyệt vời về vai trò của đọc sách, của văn hóa đọc.

  • NGUYỄN THANH TÙNG

    Trong số ra ngày 25 tháng 11 năm 1990, một tờ báo chủ nhật xuất bản ở Hà Nội đăng bài "Giáo dục gia đình - S.O.S" của bạn đọc Lê Hòe.

  • Chúng ta đã nói quá nhiều về sự xuống cấp đạo đức cá nhân và xã hội mà chưa chỉ ra được căn nguyên sâu xa của nó là gì, nằm ở đâu và phải làm gì, tháo gỡ như thế nào… Sức mạnh đến từ nhiều thiết chế xã hội, trong đó có báo chí với vị thế và tầm ảnh hưởng rộng lớn.

  • Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật trong đó có nghệ thuật sân khấu đã được triển khai thực hiện hơn 20 năm nay… Tuy nhiên, theo họa sĩ - NSND Lê Huy Quang, quá trình này với sân khấu vẫn đang như một vòng tròn quẩn quanh chưa xác định được hướng đi cụ thể.

  • Đi dạo trên nhiều tuyến phố của Hà Nội bắt gặp nhiều biển hiệu đề bằng tiếng nước ngoài. Ngay cả khi chúng ta đón lượng khách du lịch kỷ lục là 15 triệu lượt/người trong năm 2018 thì điều này không chỉ chứng tỏ chủ các cửa hàng, công ty thiếu tự tôn văn hóa dân tộc mà còn vi phạm quy định pháp luật.

  • Xã hội phát triển, các khu đô thị mọc lên ngày một nhiều. Dạng nhà chung cư cao tầng, nhà ống, nhà liền kề, biệt thự phát triển mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về sinh hoạt của người Việt. Từ đó dẫn đến thay đổi đáng kể về vị trí, vai trò và chức năng của Ban (bàn) thờ gia tiên…