HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Hôm ấy là một hôm trời đặc biệt mù sương, khói sương như những tảng bông tan loãng và ẩm ướt, rây rây bụi trong không gian.
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức
Song dù có mù sương, dù có không nhìn thấy mặt nhau như thế nào, các sinh vật sống trên thế giới vẫn tiến hành các cuộc mua bán thường lệ. “Có thể không ăn sáng nhưng chúng tôi vẫn tiến hành các giao dịch thông thường” - Vẹt Xám, biên tập viên Hãng tin Sân Ga thông báo trên trang mạng nhà được phát trên một màn hình led dán ở bức tường lớn ngay giữa sân ga. Các sinh vật tiến hành các phiên giao dịch sôi động, hoặc vô tư, hoặc thủ đoạn, toan tính. Người ta giao dịch bán mua đủ thứ ở sân ga đó: kẻ bán xôi đậu, khoai lang, thức ăn nhanh (...), tài nguyên, rừng, xăng dầu, vũ khí, thuyền bè... và dĩ nhiên là có cả cà phê.
Ông lão Điền tuổi trên bảy mươi nói “Cho ông một li cà phê không đường”. Cô cháu gái Jeny Duyến nhìn ông: “Ông chờ một chốc nữa nhé, trong phiên giao dịch đầu tiên ông sẽ được mời cà phê mà”. Lão Điền ngước mắt lên không, ông tìm đỉnh cao tòa nhà building có đến cả hàng trăm nghìn tầng nhưng không thấy gì ngoài màn sương trắng đục, tất nhiên là càng không thể thấy tách cà phê sóng sánh mà ông đang cần trong một buổi sáng như thế này và thở dài.
Jeny Duyến trong trang phục quần jean áo pull mở nút ngực điệu đà, chân mang giày thể thao và chiếc ba lô nhỏ đeo sau lưng gọn gàng, đi như bước nhảy hoàn vũ đến trước quầy lễ tân. Gã nhân viên có cái miệng rất to, đôi tay rất dài xả cả luồng khói thuốc vào mặt cô gái như một động cơ xe máy hở pittong: “Cần gì cô em?”. Jeny Duyến cười, khẽ cúi người một chút, cái cổ áo trễ tràng một chút. Quả nhiên mắt của gã mở to gấp ba và chiếu 45 độ xuống khuôn ngực đầy đặn của cô gái, tai gã bị một giọng ngọt như đường chọc thủng: “Anh cho em hai vé lên phòng 8876 của tầng 88972 anh nhé”. Con mắt lồi không rời khuôn ngực, đôi tay dài xé ngay hai chiếc vé, và cái mồm rộng ỡm ờ: “Chúc may mắn nhé, em có thể để lại số điện thoại không?”. Jeny Duyến hào phóng một nụ cười bạch kim: “Lòng tốt sẽ được đền đáp mà” và bỏ đi, miệng chu lại: “Một con đười ươi put (mập) sao!?”
Hai ông cháu vào thang máy và ngồi xuống bên cửa kính nhìn ra sông. “Cháu quên mất là phải lấy cà phê vào đây uống, thời gian mất khoảng hai mươi phút đó ông”. “Ông biết mà, đã bảo lại không nghe”. Ông dán mắt vào cửa kính cố tìm một cái gì đó bên ngoài, nhưng sương vẫn không tan, trắng đục như sữa.
Ông cố của lão Điền tên là Lúa, đã mất một trăm năm trước, trối trăn cho lão bốn điều, trong đó điều thứ nhất: “Ở phía Nam, ta có một người bạn gái, năm nào vào ngày này tháng này cũng tặng ta một món quà, sau này không còn ta hay bà ấy nữa, con cháu họ vẫn sẽ gửi, cháu gắng đi nhận”. Ông tưởng tượng ra cảnh tượng ông cố Lúa, trên một chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp. Năm nào đó ông ra khơi câu và một con cá kình lớn đã kéo ông và chiếc cần câu tri kỷ xuống phía Nam, dạt vào hòn đảo mà những cô gái da ngăm ngăm không bao giờ dứt nụ cười trên môi. Con cá ông bắt được là con cá lớn nhất mọi thời đại, khiến bao cô gái ở đó bị khuất phục. Ông đắm say và ở lại đến mười năm mới trở về bản quán. Inkilabana, người tình lãng mạn của ông, từ đó năm nào cũng gửi tặng cho ông một món quà.
Thang máy dừng, cửa mở. Hai ông cháu lên một chiếc xe điện chờ sẵn và Jeny Duyến bấm số 8876, gần như lập tức, xe đến ngay trước cửa phòng. Một con thỏ như là thỏ bông trắng tinh xuất hiện, giọng vui vẻ: “Mời quý khách vào”. Cửa mở, một con chim xanh ngồi sau chiếc bàn giấy cúi rạp người: “Kính chào quý vị!” và khoác cánh chỉ vào hai chiếc ghế đặt sẵn. Hai ly nước được đặt trên bàn. Ông lão Điền nhăn mặt: “Không có cà phê sao?”. Chim Xanh cười, đôi mắt tròn thiệt là tròn dịu dàng: “Ông thông cảm nhé, thời gian giao dịch quá ngắn, không đủ để uống một tách cà phê”. “Chúng tôi có gì?” - Jeny Duyến hỏi: “Một chiếc lông chim trĩ”. Jeny cau mày “Tệ đến thế sao”. Ngày trước chim trĩ hiếm, nhưng sau này, khi thế giới đã nhân bản được, nó không còn quý nữa. Nhưng ông lão Điền thì rất vui: “À lông chim trĩ, nhà ta chưa có, cám ơn. Chúng tôi sẽ gửi thư cám ơn cho họ sau”, ông lão Điền nói, “Cám ơn cô Chím Xanh nhiều, chúng tôi đi đây, không dám làm mất thì giờ của cô”.
Họ lại lên xe điện và cô gái ấn số 0008 để đến phòng lễ tân, chuẩn bị lên tầng khác. “Ông có cần một ly cà phê không?”. “Có lẽ không, giao dịch sẽ rất nhanh và chúng ta sẽ uống cà phê ở nhà, được không?” Cô cháu gái gật đầu. Họ lên phòng 99883. Một con gà trống khoác cái mào đỏ chói rộng vành trông rất chảnh mời họ vào. Một chàng trai lịch thiệp nhã nhặn mời cả hai ông cháu ngồi và thông báo: “Hôm nay có một tình yêu gửi đến quý vị, một chiếc bánh chocolate, và một bài thơ”. “Hay quá”, ông lão Điền reo lên. Jeny Duyến im lặng. Ông lão nói cho cả hai cùng nghe: “Ngày xưa, có một lần người ta tuyển thợ kỹ nghệ, ông cố Lúa của tôi lên tàu sang phía Tây. Ở đó, đôi tay tài hoa của ông khiến rất nhiều cô gái mê mệt, trong đó có Jenny Usara. Đến khi ông cố Lúa của tôi quay về, Jenny Usara không chịu nổi, cắt mái tóc vàng huyễn hoặc trao cho ông và bảo đến một trăm nghìn năm sau, vẫn sẽ có quà tình yêu gửi về xứ sở của ông. Chàng trai lịch thiệp: “Chúc mừng hai ông cháu, xin chúc may mắn”. Jeny Duyến xin phép mở quà. Đó là một chiếc bánh sô cô la vừa phải, nhưng độ tinh xảo thì quá hoàn hảo. Phía trên chiếc bánh, đôi gà tây đang khiêu vũ, và từ chiếc bánh, giai điệu của bài dân ca Pháp Frère Jacques (Kìa con bướm vàng) vang lên. Mắt ông lão Điền rơm rớm. Jeny Duyến thì ngây ngất nhìn và cô nhìn chàng trai: “Cám ơn anh”.
“Có lẽ ông cần một tách cà phê ngay bây giờ cháu gái ạ”, “Vâng, ta sẽ dùng cà phê ở quầy lễ tân”. Cô nắm chặt tay ông lão. “Không biết ngày xưa sao mà tình yêu lại thiêng liêng đến thế?”, Jeny Duyến hỏi giữa trống không. Khi cà phê được đem đến, ông lão Điền nhấp một ngụm thỏa mãn và nhìn cháu gái: “Biết vì sao thiêng liêng không? Là vì họ biết sống cho tình yêu”.
Tầng 56374. Món quà từ phía đông. Người cha của ông cố Lúa ngày xưa trong một trận thủy chiến, cứu công chúa vương quốc Đông Jagha, được vua vời làm phò mã, ông xin phép được chối từ bởi có người vợ hiền đang mong chờ ở quê nhà. Công chúa Đông Jasha cảm kích tấm lòng son sắt thủy chung, lưu ông lại mấy hôm và tình yêu của họ nảy nở. Đến khi ông quay về, nàng cởi dải yếm tặng ông, như một dấu thề. Hai ông cháu vào phòng 56012. Hai nàng Thanh Xà, Bạch Xà cực kỳ lộng lẫy mời họ ngồi. Ghế quả nhiên là hết sức thú vị, bởi đó là những con rùa. Thấy ông lão ngần ngại, con rùa nghểnh cổ lên: “Quý khách cứ ngồi đi, lương của tôi ở đây rất cao”. Câu nói khiến ông lão Điền phì cười và thoải mái ngồi lên con rùa. Thanh Xà bảo: “Món quà của ông lần này là một chiếc vỏ ốc”. Một chiếc vỏ ốc từ biển phía đông đẹp đến mê hồn. Nó ánh lên những vũ điệu tình yêu. Nó lung linh những âu yếm và dát lên mắt người xem những lời tình tự. Ông lão cầm chiếc vỏ ốc đưa lên miệng thổi, một không gian lập tức ngập chìm trong giai điệu cổ xưa, đầy tiếng lạu phất phơ và đường gươm múa linh động và nghiêm cẩn, trung tín... Jeny Duyến ngồi thừ người, có lẽ tương lai ta sẽ sang phía Đông du lịch xem có gì ở đó mà bí ẩn vậy, cô tự nhủ.
Hai ông cháu đến tầng 77777 để nhận món quà cuối cùng, từ phía Bắc. Những chặng lên xuống thang máy, đi xe điện và những cảm xúc dâng trào khi nhận quà đã khiến họ mệt. Ông lão ngồi uống chai bia và Jeny Duyến gọi cho mình một chanh rum. Ông lão nhìn ra cửa kính và cảm thấy lạ bởi đã xế trưa rồi mà sương vẫn không tan, vẫn vần vũ như những tảng bông loãng phía bên ngoài. Có tiếng ồn ào trong quầy căn tin. Bấy giờ ông lão mới nhận ra tiếng ồn thoát ra từ bàn bên cạnh, nơi một số thanh niên đang tụ tập uống rượu. À, hôm nay là ngày chủ nhật, ngày họ có thể uống rượu từ sáng đến chiều. Hình như cuộc rượu cũng chỉ mới bắt đầu. Một người trong họ tuyên bố, cứ mỗi chuyến tàu qua là toàn bàn uống hết một li. Cả bàn vỗ tay hoan hô nhất trí. Ông lão nhìn họ vừa cảm thông vừa âu lo. Ngày xưa ông cũng có những cuộc rượu bất tử như thế, uống mà không biết mình sẽ đi tới đâu, để làm gì, chỉ biết uống cho say chết bỏ, cho chứng tỏ ta đây tửu lượng kinh người, cũng để giải bày cái gì đó, hay để như thế nào đó, không cần biết, chỉ biết uống càng nhiều càng tốt, thế thôi. Ông chợt lo khi một chàng trai đang liếc nhìn cháu gái ông. Ông biết Jeny Duyến rất mê chơi và uống rượu rất được. Ông lo vậy và biết mình lo hão, ngày xưa của ông rồi cũng qua đó thôi.
Ông nhìn ra cửa, sương vẫn trắng như bông...
Ông quay lại, Jeny đã bỏ đi đâu mất rồi. Ông hoảng hốt rồi nhận ra Jeny đã lớn. Nó có đi theo lũ con trai uống rượu thì cũng chịu nó chớ sao. Thôi thì tự mình đi nhận quà một mình vậy. Ông đến phòng 7701, bước vào và khép cửa lại. “Anh khóa cửa giùm em với” - một bóng ma hồ ly tinh xinh đẹp hiện ra mỉm cười quyến rũ ông. Bất giác ông cũng khóa cửa như một phản xạ tuân lời. Phòng không có bàn ghế, chỉ có một chiếc giường kê kín đáo trong phòng. “Hôm nay em chỉ có anh là khách thôi, ngoài ra không còn ai khác. Chủ nhật anh à, thoải mái đi”. Ông lão lúng túng, tay chân run rẩy. “Em có thuốc cho anh đấy, anh uống nước đi”. Bóng ma ảo huyền xinh đẹp vừa nói vừa bưng ly đưa lên miệng ông, khuôn ngực áp chặt vào người ông. Ông vừa dằn lòng từ chối nhưng tay ông vẫn theo tay cô gái ma mị, miệng ông vẫn uống nước thuốc của cô gái. Và ông thấy tự nhiên mọi nỗi sợ hãi tan biến, ông trở lại là chàng trai hai mươi.
Ông mơ thấy một tráng sỹ bị giải đến trước một chiếc bàn lớn có rất đông quân lính ngồi quanh. Trên bàn có một chiếc đầu lâu đặt trên chiếc dĩa có một cây dao gác sẵn. Bên cạnh có một bình rượu bốc mùi thơm phức. Đám đông quân lính bu quanh và nói: “Này tráng sỹ, xem tráng sỹ có gan lớn đến chừng nào?”. Chúng nói rồi cười hô hố. Tiếng cười của chúng tắt hơi im bặt bởi tráng sỹ bỗng ngửa mặt cười lớn: “Một bữa nhậu thịt đầu lâu, mơ đã lâu nay mới toại nguyện, cám ơn lòng tốt của quý vị”. Tráng sỹ cầm lấy dao cắt một cái tai, uống bát rượu lớn. Tráng sỹ uống đến đâu, đám đông bu quanh vỡ mật chết đến đó. Rồi tráng sỹ bước vào trong, cứu cô gái ra khỏi vòng vây: “Nàng cầm cây dao này và chạy thoát đi, ta sẽ chặn quân giặc tham lam cho nàng”. Quân giặc vây lại, và những nhát dao cứa vào tráng sỹ làm cho ông đau đớn...
Ông quả nhiên đã đau đớn và kiệt sức. Gần như ông đã bị vắt đến kiệt sức, bóng ma hồ ly ngồi dậy, vắt sỗ sàng sợi quần mỏng lên mặt ông.
Ông ra khỏi phòng với món quà trên tay mà không kịp nghe hay nói một tiếng gì.
Món quà trên tay ông là một cây dao cổ.
Ông gọi Jeny Duyến ơi...
Khi ông ra đến sân ga, trời vẫn mù mịt sương.
Ông tuyệt vọng ngồi xuống. Ông đang nghĩ đến chuyện khi ông giã từ cõi đời này, ai sẽ thay ông đi nhận các món quà?
Bỗng nhiên điện thoại của ông bíp bíp. Tin nhắn của Jeny Duyến. Không biết cô gái nhắn gì mà ông lão Điền nở nụ cười trong sương.
H.Đ.T.N
(TCSH377/07-2020)
VŨ THANH LỊCH
Giữa chiều, Nhiên gọi điện:
- Tao đón ở cổng cơ quan, mày đừng bận nữa. Bao nhiêu lâu rồi tao không nhìn thấy mặt mày đâu.
Viên ậm ừ rồi chặc lưỡi, bước xuống cầu thang, đi theo Nhiên.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
Gái quê nghèo ấy người ta nghèo đến cả cách đặt tên. Anh Lô lên lớp đệ tam rồi, học ở tỉnh về, bà con vẫn gọi là anh Lọ, dù tên anh là Nguyễn Lô hẳn hoi, may ông anh làm ủy viên hộ tịch xã sửa lại cho.
NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG
1.
Giá như có hơn một người nào đó biết về Chi như tôi hay màn đêm. Đêm thường bắt đầu sau một bài hát, chúng tôi sẽ hát cùng.
HOÀNG VIỆT HÙNG
1.
Sau hơn một tháng vật lộn trên vùng núi Tĩnh Giang, chúng tôi đã khoanh vùng được mỏ thiếc nhỏ Cam Túc. Điện báo về trung tâm.
TRƯƠNG ĐỨC THÀNH
Nhà hàng Tân Mỹ chỉ cách thành phố mươi dặm, nhưng hoàn toàn khác biệt với các nhà hàng chốn kinh thành.
NHỤY NGUYÊN
9 tháng 10 ngày. Thời gian không nhiều. Thời gian không đợi hắn.
Bận. Hắn nói phải đến Đồi Anh Hài. Đồi Phôi Thai. Đồi Linh Thai. Nghĩa trang Thai Nhi lớn nhất. Nhiều tên lắm. Nhưng mộ thì giống nhau.
NGUYỆT CHU
Cấn lọt thỏm trong đống rơm cạnh chuồng trâu. Mùi phân trâu nồng nồng ngai ngái khiến Cấn thấy dễ chịu.
NGUYỄN NGỌC LỢI
Ở đại đội tôi, trong mấy người lái xe kéo pháo, anh Cư là người tôi thương và quý mến nhất. Anh củ mỉ cù mì, lẳng lặng sống, lẳng lặng công việc.
TRẦN BĂNG KHUÊ
1.
Hoàn cảnh này, ngay tại nơi này. Có một lí do nào đó khiến tôi nghiễm nhiên cho rằng, chúng đã thực sự biến mất trong những ánh nhìn mà tôi từng cố tình lưu nhớ từ vài tầng kí ức được xếp lớp rất kĩ càng.
PHẠM THỊ PHONG LAN
Anh nhận được email của em khi vừa ở Huế về, rồi gọi điện ngay. Mà hình dung không nổi nên quyết định phải gặp.
PHẠM THỊ THÚY QUỲNH
Điều ta biết, ấy là con đường “có” thật.
- Jorge Luis Borges -
Tác giả tự giới thiệu:
Sinh 1952. Thuộc thế hệ đi từ trong bưng ra. 10 năm cầm viết. Những tác phẩm chính: "Quãng đời ấm áp" - tập truyện 1986. "Ngày của một đời” - tiểu thuyết 1989. "Con chó và vụ li hôn" - tập truyện 1990. "Chuyến đi của mẹ" - kịch bản phim 1990.
TB: Nếu truyện không vừa ý, BBT hãy ách lại. Tác giả không buồn đâu.
NGUYỄN THỊ LÊ NA
Lam gói ghém mấy bộ quần áo ném vào chiếc vali nhỏ, vơ vội vài tờ báo văn nghệ, nghĩ sao chị thần người ra một lúc, ngồi phịch xuống ghế.
TRẦN BẢO ĐỊNH
1.
Nắng trưa hầm hập, chị Hai ngồi đươn rế dưới bóng hàng cây trâm già. Những sợi tre thanh mảnh, qua bàn tay mềm mại của chị, chốc lát biến thành vật dùng làm bếp gia đình.
NHẬT PHI
Dazai Osamu - đó luôn là câu trả lời của anh mỗi khi tôi hỏi về những nhà văn mà anh ngưỡng mộ nhất. Mặc dù tôi biết đối với những người khác, anh có thể nói đó là Hemingway, O’Henry, Mạc Ngôn, Lỗ Tấn, hay - với một vài cô gái đang khúc khích cười - Haruki Murakami - và thường thì họ sẽ tiếp tục che miệng khúc khích cười sau đó.
NGUYỄN VĂN TOAN
Tôi bắt đầu viết nhật ký khi vừa qua một đêm. Cuốn sổ của tôi, chép lại những giấc mơ sau mỗi giấc ngủ ám ảnh. Tôi bắt đầu làm việc này sau khi giải mã được giấc mơ cứ lặp đi lặp. Giấc mơ mà ông lão tôi đã vẽ ông luôn hiện về.
HỒ TRẦN
Bàn thờ nhà anh được che tấm vải đỏ xẻ chính giữa. Tấm vải cũ mèm bụi bám, chuyển qua màu sậm.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Hắn câu cá bên bờ sông, trên một dải đất vươn ra lởm chởm đá, mọc vài cây bạch dương thưa thớt, có thể đứng vài người, nhưng lúc ấy chỉ có mình hắn.
ĐÀM QUỲNH NGỌC
Y trở về làng sau hơn mười năm lang thang khắp nơi để tìm kế sinh nhai vào một buổi chiều mùa đông rét lắm. Nhiệt độ không khéo xuống 5oC cũng nên. Vậy mà y đi như không hề cảm thấy cái rét như kim châm đang đuổi hết dân làng vào ngồi bên bếp lửa.
TRẦN TRUNG CHÍNH
Tại sao tôi lại không thể tự do làm việc theo ý mình, phiền đến ai đâu, có thể ích lợi là đằng khác!