Trang thơ Tết Canh Tý 02-2020

08:55 06/02/2020


Nguyễn Thế Bính - Nguyễn Hữu Minh Quân - Ngàn Thương - Đỗ Tấn Thảo - Triệu Nguyên Phong - Trần Hữu Dũng - Nguyên Tiêu - P.N.Thường Đoan

Ảnh: internet

NGUYỄN THẾ BÍNH

Mùi nhang tết

Thương lắm mùi nhang xưa bố lùng thùng giũ áo tứ thân quỳ bên bàn thờ tổ tiên cúng tết
hương lăn vào môi mẹ lúng búng miếng trầu roi rói đỏ nụ cười
mùi nhang ngấm tóc con xanh ấu thơ
thao thức nồi bánh chưng mẹ thắp vào lừng lựng mùi xuân rất sâu trong ngần


thảng đâu có lọn gió nhoi nhói bay xói màu thổi ngày bạc đầu
mùi nhang nhẹ hơn cánh hạc thăn thắt nối dài hơn đường con đi
mùi nhang thênh thang cuốn nỗi vô cùng
cuốn vào bao la quạt lả cánh cò lộng dạt dòng sông
mùi nhang ầng ậng nước mắt chan thỏi mực đen chảy tràn câu đối
mộng mị cho nét xuân hồng hơn cháy đỏ áo ông đồ


chợ làng mẹ quẩy mùa xuân
mùi nhang lả tả bay cuộn chùng chiềng hoa xoan rơi tím
sân đình điệu hát xưa bịn rịn
thương nhau ngắt nhành hoa thả chìm vào khói nhang mơ hồ vít vương câu nhớ
xuân cứ mơn mởn xanh tình người nép đợ nhón tay bấm dõi cuộc chia xa


nôn nao mùi nhang vắng nhà
rưng rưng kéo ngắn đường về thăm cha
mẹ ơi đêm nay giao thừa xa lạ
khẽ khàng con nghe tiếng tết xưa rộn ràng có con sáo về tắm nước ao ta.




NGUYỄN HỮU MINH QUÂN

Ngõ nhà chiều tháng Chạp

áo mẹ thơm mùi nắng
thơm tràn giấc mơ ra ngõ
buổi chiều nhớ phố
nhớ áo lụa Hà Đông mịn màng một câu thơ cũ
trời xanh mắt em mấy thuở
cứ trong veo trong veo…
chao ôi một ngày tháng Chạp
mơ hồ buồn vui chẳng rõ
ám ảnh hoài mấy sợi tóc bay…


ai như bóng mẹ về ngang ngõ
dáng gầy một thuở lao đao
mẹ như mạch ngầm trong đất
chắt lọc một đời để được trong veo
những kỷ niệm êm đềm gói trong nỗi nhớ
chừ biết gởi cho ai?
cuối năm mọi người ào ra phố
ta như mây lững thững phía quê nhà
cỏ hoa bây giờ rất lạ
cũng muốn thơm hơn chốn đông người
em bây giờ đã khác
hư mộng tràn theo đêm sao rơi…


có gì xoáy sâu trong tiềm thức
mẹ về trong giấc chiêm bao
chiều cuối năm hoa nở
ngõ rơi đầy tiếng chim…




NGÀN THƯƠNG

Xuân trầm tư

Kìa con chim én tung trời
nghiêng nghiêng cánh mỏng ngỏ lời yêu thương
trần gian thoắt nhịp bềnh bồng
tuổi đời chồng chất nghe hồn ngất ngây


Mùa trôi trên nhánh mai gầy
Xuân trầm tư thở. Một ngày… ngày qua




ĐỖ TẤN THẢO

Sóng mùa xuân

Những con sóng lăn tăn xa khơi gợn nhớ
Bãi bờ tháng chạp
Dìu dặt ngày trở về
Uốn lượn
Cuộn tung bọt trắng mùa xuân


Rồi nhẹ tan đi trên luống cải
Vàng nhẹ giêng hai
Những con còng gió lang thang chóng vánh
Kịp bỏ lại chiếc hang vừa khỏa




TRIỆU NGUYÊN PHONG

Giấc mơ xuân

Chiều Ô Lâu trầm lắng
Khói lam trắng lặng lờ
Dòng sông trăng lội ngược
Vớt sành sứ cổ xưa.


Cõi nghìn năm còn thức
Bóng Phước Tích một thời
Mùa đi tìm mảnh vỡ
Mây úp mặt buồn trôi.


Chuyện tình nơi làng cổ
Vịn bước nhớ từng đêm
Giọt trăng rơi trên lá
Sao nghe quá êm đềm.


Ngược dòng lên Mỹ Chánh
Trăng gác núi mờ xanh
Ấm đông nồng ước hẹn
Giấc xuân trổ nhánh vàng.





TRẦN HỮU DŨNG

Mùa xuân

Gió phân vân
Đánh thức vùng tâm thức rộn ràng
Và bầy én xôn xao trước ngõ
Treo những nụ cười hớn hở vàng rực hoa mai
Mùa xuân
Bầu ngực trần em phập phồng thở
Thế giới cựa mình sinh sôi




NGUYÊN TIÊU

Nốt trầm xuân

Xuân sang ướm áo mây hồng
Nghe hoa bung nụ lạnh đông khóc mùa
Năm cùng tận tiễn gió mưa
Cánh chim én vẫy cợt đùa hoàng mai.


Hong câu lục bát trải dài
Đệm chân du tử một hai dặm về
Ngoái nhìn xanh ngắt sơn khê
Xanh đau đáu nhớ xanh quê mẹ gầy.


Mượn từng ý tứ lỡ vay
Mấy năm trang trải tháng ngày yêu em
Mượn từng ngọn sáng chân đêm
Mặt trời gán nợ gót mềm thiên di.


Ngập ngừng em nắng cong mi
Dõi xa nhớ bóng xuân thì rơi đâu
Mênh mang tuổi mẹ têm trầu
Trong veo xuân gợi ví dầu tao nôi…




P.N.THƯỜNG ĐOAN

Trách xuân

xao xuyến xao xuyến lá rơi
mùa xuân chầm chậm về
nắng tơ vàng như lụa
trải hoa đường em đi


chấp chới cánh bướm vờn mây
heo may lạnh dấu bàn tay
guốc khua lưng phố hững hờ
gỏ nhớ trên ngõ xưa


mùa xuân rơi chiếc lá vàng cuối cùng
ai nhặt cho em dại khờ ngày cũ.
và xa lắc mắt nhìn ngẩn ngơ
bàn tay bây giờ choàng ấm vai ai.


hiu hắt hiu hắt lòng tôi
cõng tình lẻ loi đi về
chiều trên phố hoa ngậm ngùi
trách mùa xuân về chi.



(TCSH372/02-2020)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • NGUYỄN THỤY KHA

  • Hoàng Anh Tuấn - Ngọc Tuyết - Nguyễn Thánh Ngã - Khaly Chàm - Mai Văn Hoan - Võ Văn Luyến - Vũ Kim Liên - Lê Vy Thủy

  • LGT: Kiều Maily sinh năm 1985 tại Pablap - làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đã có thơ đăng trên đặc san Tagalau, báo Văn nghệ trẻ, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Phong Chủ nhật, tạp chí Văn hóa Dân tộc… Một số bài thơ Kiều Maily đã được Inrasara chuyển sang tiếng Chăm. Đây là cây bút nữ có những câu thơ được cho là rất dân tộc mà không thiếu hiện đại.


  • NGUYỄN MINH KHIÊM

  • Vĩnh Nguyên - Phan Hoàng - Lê Hưng Tiến - Miên Di - Phan Thành Minh - Viên Chính - Kinh Thượng - Trần Thị Phương Lài - Văn Nhân

  • Nguyễn Tất Hanh, sinh ngày 17/2/1954; Quê quán: Thủy Đường, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng. Với anh “Nghệ thuật là khó khăn, đòi hỏi người sáng tạo phải tốn nhiều công sức. Nó không phải cuộc dạo chơi mà là sự kiếm tìm, có thể hôm nay bội thu ngày mai lại mất mùa nhưng với tôi - sự hướng tới cái đẹp thì không bao giờ ngừng”.


  • NGUYỄN NGỌC PHÚ


  • NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

  • Nguyễn Văn Thanh - Nhất Lâm - Nguyễn Thường Kham - Phan Văn Chương - Chu Lê - Trần Vạn Giã - Nguyễn Hoàng Thu - Trần Phương Kỳ - Nguyễn Tất Độ - Lưu Xông Pha

  • TRẦN THIÊN THỊ

    “hạt cát trên ngực em
    hạt cát trong mắt tôi”
    (Chử Đồng Tử - Thơ Trần Vàng Sao)

  • Nguyễn Loan - Ngàn Thương - Nguyễn Khắc Thạch - Lê Ngã Lễ

  • Từ Hoài Tấn - Trần Tịnh Yên - Phan Công Tuyên - Huỳnh Minh Tâm - Dương Thành Vũ - Vương Kiều - Đào Tấn Trực - Ngô Thị Thanh Vân - Từ Nguyễn - Nguyễn Đình Xuân - Nguyễn Dũng - Tuệ Lam

  • Bạn đọc từng biết đến Nguyễn Đức Tùng qua loạt bài “Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam” nổi tiếng đăng trên Tạp chí Sông Hương các tháng 6,7,đi năm 2009. Tiếp đó, cuốn sách “Thơ đến từ đâu” cũng đã đem lại những cảm thức văn chương mới mẻ trong dòng văn học Việt Nam đương đại. Một số truyện ngắn của anh xuất hiện trên Sông Hương cũng đã để lại những dấu ấn lạ.


  • NGUYỄN GIÚP