Trang thơ “quà tặng tháng ba”

15:41 13/07/2009
Võ Thị Kim Liên - Tuyết Nga - Vũ Thị Khương - Lê Hoàng Anh - Nguyễn Thị Ngọc Hà - Nguyễn Thị Anh Đào - Trần Lan Vinh - Lê Khánh Mai - Võ Ngọc Lan

(Ảnh: Internet)

VÕ THỊ KIM LIÊN

Vườn Xứ

                Kính tặng mẹ

Từ vườn Xứ này mẹ đã ra đi
Cô gái hát Thánh ca ngày ấy
Con thổn thức nhớ về năm mười bảy
Một lần theo Người, thăm vườn Xứ ngày xưa

Chuông nhà thờ vẫn đổ vô tư
Chẳng hờn trách một thời mình xa Chúa
Và mẹ, mẹ cũng không còn trẻ nữa
Giọng Thánh ca vang vọng một thời

Con bên Người lặng quỳ trước Chúa
Dẫu Thánh ca không thuộc một lời
Sống giữa đời thường con không tin có Chúa
Phút yên tĩnh này lắng giữa hồn con

Giữa xóm đạo nghèo, vườn Xứ chẳng đua chen
Để bông huệ cứ trắng ngần mỗi sáng
Để mẹ trẻ ra để con khôn lớn
Vườn Xứ là nỗi nhớ những ngày xa

Năm nay con về thăm vườn Xứ một mình
Chuông nhà thờ vẫn đổ hồi gióng giả
Con chợt nhận ra giữa miền quê yên ả
Trong tiếng chuông chiều có lời mẹ hát ru!


TUYẾT NGA

Hoa tầm xuân

Rặng tầm xuân lặng lẽ tự bao giờ
xanh đơn giản và cũ càng
như đất
ta chợt nhận ra hoa hay hoa đã nhặt ta về
                         trong một chiều xanh ngắt
hay ta già nua?

Hãy nói với ta hương bưởi thơm ra sao
                        ngày mẹ mười tám tuổi
mười tám tuổi tóc dài vai nhỏ mắt huyền trong
chân trời đã ra sao những sáng xuân mưa bụi
mẹ từng đứng nơi nào để dõi cánh buồm trôi...?

Và mẹ đã dấu hoa cùng với giọt nước mắt ở đâu
để nuôi ta khôn lớn?
ta vị hoàng đế lên ba trong vương quốc
                                    riêng Cuộc-Đời-Của-mẹ
nhưng mẹ đã vĩnh biệt ta vào một sáng trong đời
ta thành kẻ hành khất không nước mắt.

Nụ tầm xuân xanh biếc
xin hãy kể cho ta về những tháng năm dài
bếp lửa mẹ nhen hồng sau cánh cửa
nơi cha về sau mỗi chuyến đi xa
nơi cơn bão tháng ba ngọn gió lào tháng bảy
cuốn tơi bời lòng mẹ những hoàng hôn.

Nụ tầm xuân...
“nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”
mẹ từng hát ru ta lời ngoại hát thuở nào
ta làm mẹ
và một chiều mây trắng
chợt thấy tầm xuân xanh biếc trước hiên.


VŨ THỊ KHƯƠNG

Đếm...

Một, hai, ba... Rồi đến chín mười
Đêm không ngủ, sao mà vắng vẻ.?

Bốn, năm, sáu... Rồi đến một trăm
Đêm không ngủ sao mà buồn tẻ.?

Bảy, tám, chín... Rồi đến một nghìn
Những số đếm, nhân lên, cộng lại
Cũng không dài bằng nỗi cô đơn

Một, hai, ba
Chỉ một mình em
Giọt thời gian nhỏ vào vô tận
Như là kẻ dại khờ lẩn thẩn
Đêm,
           Một mình
                        Em đếm
                                    Có thành Không.


LÊ HOÀNG ANH

Tiếng nói của đất

Đất gợi cho tôi những gì tôi có
Là Tâm Hồn, là Bình Dị, Sáng Trong
Mà tôi không biết những gì tôi có
Nhờ tiếng thở của người hỡi đất mênh mông

Những gam màu chuyển tiếp
Những mạch đập nhịp nhàng
Ôi đất sét ngày nào tôi chỉ nghịch
Dưới ngón tay nghệ sĩ là gương mặt trầm ngâm

Xin cám ơn người đi “mở Đất”
Mở kho báu bạt ngàn
Mở tâm hồn xanh ngát
Như mạch nước ngầm làm đất nở hoa-hay đoá tâm hồn nở

Ôi đất
Trên người đã in những dấu chân chiến trận
Đang âm vang giao hưởng tự ngàn xưa
Hồn dân tộc thấm vào từng mạch nhỏ
Nhớ tiếng trống đồng, nhớ tiếng võng đưa

Với tiếng nói của đất
Tôi lắng sâu hồn người trong xao động thời gian
Tôi trở về góc vườn xưa tuổi nhỏ
Nghe tiếng sáo diều vọng vào đất vi vu.
                                                                4.1999


NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ

Người câu trăng

                                Tưởng nhớ nhà thơ P.Q

Anh vắt kiệt tim mình đến xác
Trộn thính ngồi câu bóng trăng soi
Sóng giao thoa nghe đau tăm cá
Dưới thẳm sâu càng lạnh thêm mồi

Sóng nhạt nhoà bờ kia vời vợi
Đất với trời như quyện vào nhau
Có thấu cho hồn người thi sĩ
Chín phương trời trăng ở nơi đâu

Nuối tiếc nửa phần đời hoang phế
Đổ rượu tràn cụng với Hồ Tây
Đêm làng hoa say mềm tiếng dế
Chẳng được trăng chỉ một nỗi đầy

Ngôi nhà xưa dấu chân cỏ mọc
Trận mạc tan nghiên bút khăn xô
Trăng như vẫn nhớ người thuở trước
Nửa trời cao nửa gửi đáy hồ
                                   
2000


NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO


Dã quỳ

Em không về mùa mưa cao nguyên
Thương dã quỳ hoang trải vàng chân núi
Nhớ mùa đông bình yên trên phố nhỏ
Ai thắp nắng vàng trong đôi mắt thơ ngây.

Em không về nghe gió hát trên cây
Để trống ngực đập bồi hồi thương nhớ
Dã quỳ hoang lại nói lời tình tự
Bao giờ mùa đông thôi mưa rơi?

Em không về cao nguyên chiều cuối năm
Mùa xuân đã len dần vào hơi thở
Xin cầm tay một lần xa cách thế
Nỗi nhớ nào vàng đẫm dã quỳ hoang?
                                                12/2003


TRẦN LAN VINH

Chi chi chành chành II

Chi chi
Chị gọi
Bông mây

Xâu kim
Rút chỉ
Ta may
Tiếng cười

Bốn phương
Ngũ đế
Khoe tươi

Chị em
Ta xổ
Gió trời
Ra xay

Xay xanh
Cho lộc
Chát cây

Xay hồng
Cho nụ
Cười quay
Quay tròn

Xay nắng
Quả ngọt
Dâng thơm

Xay tím
Nút chỉ
Bốn phương
Gió về..!


Xuân tươi rói

Chòng chà
Chòng chành
Nắng ra
Cóc nhảy

Vía ba
Vía bẩy
Gió trẩy
Đi chơi

Bạn bạn
Tôi tôi
Tiếng cười
Tươi rói

Chòng chà
Chòng chành
Lá cây
Mọc đối

Đốt tre
Đất nối
Đốt trúc
Trời sinh

Mưa rây
Thả sợi
Giọt giọt
Xông xênh

Mùa xuân
Một mình
Đu quay
Chóng mặt!



LÊ KHÁNH MAI

Đẹp, buồn và trong suốt như sương

Đừng nói gì nữa anh
điệp khúc chia xa đã ngân từ sâu thẳm
em nhận nơi mắt anh
những xiềng xích vô hình xiết em như định mệnh

Đừng tiễn em nữa anh
dù chỉ đôi quãng ngắn
trước mắt em hun hút một con đường
có thể nào khác được, em phải đi về chốn không anh
lầm lũi em một mình với bóng
mỗi bước đau lằn tím tâm hồn

Con tàu rùng mình ném tiếng hú man dại vào thinh không
những bánh sắt luân hồi nghiến đường ray bạo liệt
mang theo một trái tim phế tích

Với tình yêu, trái đất không tròn
Nghiệt ngã muôn vòng quay đẩy ta về hai cực
Với xa cách, tình yêu là nước mắt
Đẹp, buồn và trong suốt như sương



VÕ NGỌC LAN

Mùa trăng Huế

                Kỷ niệm đêm thơ Nguyên Tiêu Huế 2004

Rằm Nguyên Tiêu tôi về thăm Huế
Nghe lòng mình trẻ lại thuở đôi mươi
Đến với nhau, dẫu ngoài trời rất lạnh
Vẫn thiết tha như hạnh phúc ban đầu

Màu trăng mang cội nguồn sâu lắng
Trên sông Hương trầm mặc không lời
Ôi niềm vui thi ca bất tận
Thả xuống dòng - sương khói chơi vơi

Tôi về đây quên hết nỗi đời
Và như trút những ưu phiền mất mát
Trăng vẫn thế - muôn đời khao khát
Chẳng bao giờ dừng lại với người xưa

Tôi thấy thương trăng dưới đêm mưa
Mây bay mãi cuốn trăng vào hư ảo
Con thuyền ai cắm sào ốc đảo
Giữa đôi bờ vọng tiếng chuông ngân...


(181/03-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Lam Hạnh - Tuệ Lam - Chử Văn Long - Nguyễn Man Kim - Hoàng Vũ Thuật - Khaly Chàm

  • Tên thật: Nguyễn Phạm Tú TrinhSinh 1983Sinh viên Khoa Ngữ Văn - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân vănGiải nhất cuộc thi thơ “Đất nước và lục bát” của báo Tuổi Trẻ. 2003.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO chọn và giới thiệuThời Thơ Mới ở ta đã có thơ hình thoi, thơ hình tam giác, thơ hình thập giá... Và bây giờ thơ “tân hình thức” của người Việt ở hải ngoại cũng đã làm nao lòng một số người làm thơ trong nước. Những loại thơ hình thức ấy thường là bắt chước những cách tân kỳ dị của thơ phương Tây từ thế kỷ XIX đến ngày nay. Thực ra thì thơ chữ Nho ở ta cũng đã từng có thơ hình tròn, thậm chí có bài đọc được đến 18 cách, nhưng những “người hiện đại” ở ta lại thường vẫn chuộng thơ Tây và từ đó cũng “sáng tạo” ra những hình thức kỳ dị khác gây chú ý cho người đọc (xem).

  • …Cả rừng cây thấy mẹ cườiMẹ ơi! nước mắt đầy cơi đựng trầuThác ngàn xa vẫn nguyện cầuVô thường! mẹ nhuộm biếc màu trời xanh.

  • Có phải em là HuếDùng dằng tôi chẳng muốn xaHỡi em gái Huế dạo qua bên cầuMắt đen, tóc mượt mái đầuCười duyên như thể từ lâu thương rồi

  • Minh Đức Triều Tâm Ảnh - Tùng Bách - Nguyễn Sĩ Cứ - Lê Anh Dũng - Văn Công Hùng - Lê Thiếu Nhơn - Công Nam - Nguyễn Thiền Nghi - Nhất Lâm - Ngô Minh - Trần Văn Khởi - Lê Ngã Lễ - Trương Đăng Dung - Đặng Kim Liên - Tạ Vũ - Nguyễn Ngọc Phú - Nguyễn Hàn Chung

  • Sinh năm: 1952 tại Nga Sơn, Thanh Hoá.Hiện đang công tác tại Hà Nội.Tiến sĩ Sử học, Phó giáo sư Xã hội học.Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

  • ...Ta cứ hẹn gặp nhau nơi HuếGió xòa lang thang tóc thả mờiMắt lá nghiêng cười cho ai đợiAnh để lòng bỏ ngỏ cõi hoang...

  • Khoảnh khắc               Cõi yêu                       Tự khúc

  • Võ Quê - Nguyễn Xuân Sang - Hồ Ngọc Chương - Duy Phi - Trần Thị Ngọc Lan - Nguyễn Hưng Hải - Huy Tập - Vương Anh

  • Sinh ngày 10-3-1973Quê quán: Phong Điền Thừa Thiên HuếHiện công tác tại Văn phòng Hội Nhà Văn TP Hồ Chí Minh

  • HỒ CHÍ MINH(Hồ Chí Minh Toàn tập (tập 7, tr.277) NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội 2000)

  • Phạm Xuân Trường - Đức Sơn - Hoàng Quý - Hoàng Niên

  • Sinh năm 1953 tại Huế. Hiện nay sinh sống, làm báo tại TP. Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

  • THANH THẢOThăm vườn nhà bạn                                      Tặng Trần Vàng Sao

  • Sao bỗng muốn quăng cả hồn lẫn bútCái cây bút nhẹ tênh mà vương nợ chi màNhưng cứ mãi vậy thôi, mãi còng lưng cõng bútTừng bước nhọc nhằn rút ngắn dặm trời xa...

  • Tên thật:   Mai Linh Sinh năm: 1959, nơi sinh: Thanh HoáBút danh:  Mai Linh, Mai Tài MinhThể loại:    Thơ, văn học dịch

  • Kỷ niệm ngày truyền thống Thanh niên xung phong Việt Nam 15-7-1950 Hồ Xuân Hùng - Trần Nhuận Minh - Phạm Tấn Hầu - Quốc Thành - Nguyễn Thế Thắng - Lê Bá Thự - Nguyễn Sĩ Cứ - Nguyễn Thanh Xuân - Trần Ngọc Trác - Trần Cao Sơn

  • Đoàn Lê - Đông Triều - Nguyễn Đông Nhật - Từ Hoài Tấn - Hồng Vinh

  • Minh Đức Triều Tâm Ảnh - Hoàng Vũ Thuật - Nguyễn Đông Nhật - Văn Hữu Tứ - Nguyễn Ngọc Hưng - Lê Viết Xuân - Nguyễn Hoa - Nguyễn Thiền Nghi - Mai Quỳnh Nam - Nguyễn Loan - Lê Tuấn Lộc - Trần Dzạ Lữ - Lê Ngã Lễ - Nguyễn Văn Vinh - Nhật Anh - Đinh Hạ - Thuý Nga - Trương Phương Lan - Ngàn Thương - Hồng Thị Vinh - Bùi Hữu Cự - Nguyễn Văn Quang - Nguyễn Vũ Tiềm - Yến Thanh - Thanh Tú - Lê Hưng Tiến - Trần Lan Vinh - Phan Trung Thành - Trần Hữu Lục - Công Nam - Từ Quốc Hoài - Nguyễn Việt Tư - Vi Thuỳ Linh - Nguyễn Thụy Kha - Hà Huy Tuấn - Võ Phước - Nguyễn Thị Anh Đào - Mai Phương - Mai Văn Hoan - Nguyễn Hữu Quý - Ngô Đức Tiến - Trần Nhật Thu - Lê Khánh Mai - Phạm Thị Anh Nga - Lê Anh Dũng - Đức Sơn - Lê Tiền Xuân - Trúc Chi - Thái Doãn Long - Nguyễn Nhã Tiên - Đào Duy Anh - Lê Hoàng Anh - Nguyễn Ngọc Hạnh - Nguyễn Quân - Phạm Dạ Thuỷ - Phan Dịu Hiền - Duy Phi - Nhất Lâm - Phương Hà - Đỗ Văn Khoái - Kiều Trung Phương - Châu Nho - Lê Tấn Quỳnh - Hà Vũ Giang Châu - Trương Quân - Phạm Đình Ân - Hải Trung - Trần Hoàng Phố - Trương Đình Minh