PHẠM THANH HÀ
Mùa hè ập đến đột ngột và tỏ ra khắc nghiệt ngay từ những ngày đầu tiên. Mặt đường nhựa như bị đun cho đến nóng chảy dưới chân, nóng đến nỗi sự xuất hiện của những nụ hoa loa kèn trắng xanh và e ấp cũng chẳng đem lại được một ấn tượng gì đáng kể.
Minh họa: Bửu Chỉ
Thế nhưng, như một kẻ đùa dai và không biết phép tắc, bất kỳ là đã tháng năm, gió mùa đông bắc thỉnh thoảng vẫn cứ chen vào giữa những ngày nắng nóng để bất ngờ tạo nên những buổi chiều ẩm ướt và dịu mát, với một chút mưa bụi thoảng qua và những cơn xao xác nhẹ của lá vàng. Người ta quên mất mình đang ở mùa nào, năm nào, thậm chí tuổi nào, vào những buổi chiều như vậy. Và ở một cái thành phố có đến 3/4 số dân mà sự biến đổi tâm tính phụ thuộc hoàn toàn vào biến đổi thời tiết, niềm quên lãng đó thường làm các quán rượu đầy lên so với mọi ngày.
Vừa nhấp môi vào chén rượu có vị nhân nhẩn đắng của một thứ rễ cây rất khó xác định nào đó, vỉa hè trước một quán rượu ở góc phố Nguyễn Du, Đỗ vừa lặng lẽ nhìn ra phía hồ. Quán rượu không còn chỗ để ngồi. Bên cạnh anh, vẫn là mấy gương mặt cũ của những bạn rượu chiều nào cũng gặp. Vẻ hững hờ xa vắng của một nhà thơ già, và đối lập với nó là sự bắng nhắng bất tận của một anh bạn họa sĩ cũng không còn trẻ... tất cả những cái trò đều cũ kỹ và quen thuộc. Thực ra lúc này anh cần ngồi một mình, một mình, với cơn mưa bụi và những chiếc lá thong thả xoay chầm chậm, chầm chậm trước khi rơi xuống mặt đường...
- Thời tiết gì mà kỳ lạ.
Nhà thơ già lẩm bẩm, mắt vẫn xa vắng, không ai trả lời ông.
Đỗ im lặng. Chén rượu trước mặt anh đã vơi quá nửa. Anh thích ngồi trên vỉa hè thế này, để nhìn ra ngã tư trước mặt. Chiều đã xuống, đám mưa bụi mơ hồ đã ngưng lại ở trên không và một cô gái thong thả đi ngang qua trước mặt anh với chiếc ô màu xanh lá mạ vừa cụp lại.
- Thời tiết kỳ lạ thật.
Lần này người thốt lên câu ấy là bà chủ quán một người đàn bà gầy gò, có tia mắt lạnh lẽo và giọng nói the thé. Giữa hàng tràng những lời than vãn về giá cả mà bà ta vừa tuôn ra, câu nói đó bỗng nhiên mang một vẻ gì rất lãng mạn và làm Đỗ bất giác mỉm cười. Buổi chiều yên tĩnh hơn anh tưởng. Anh đã ngỡ là với thời tiết này, rất có thể anh sẽ làm một việc gì đó không bình thường - đập vỡ một cái chén, khi nó đã không còn rượu, hoặc đi lang thang cho tới tận khuya để rồi về nhà cau có với vợ... hóa ra trong anh, mọi cái vẫn yên bình... và mỉm cười, anh nhấp thêm một ngụm rượu nữa.
*
Đầu tiên, không ai để ý tới người điên. Chỉ tới lúc tiếng ồn ào mà đám trẻ con gây ra đã tới rất gần, những người trong quán rượu mới ngẩng đầu lên. Và cùng lúc, tất cả đều giật mình, trước mắt họ xuất hiện một người đàn bà, một người điên, một người đàn bà điên trần truồng, tay vung vẫy một cành lá xanh.
Người đàn bà điên đang hát, không để ý tới mấy đứa trẻ lêu lổng chạy theo và ném đá vào mình, không để ý đến tiếng cười của người qua lại, không để ý đến những người đàn ông trong quán rượu, không để ý đến bất kể một cái gì. Mái tóc cô ta ngắn ngủn, lởm chởm bao quanh một khuôn mặt lọ lem, không thể đoán được là xấu hay đẹp. Nhưng thân hình cô ta, từ chiếc cổ thon và xuôi xuống bờ vai hẹp, bộ ngực mới nhú đến đường hông tròn và cặp đùi thẳng... có một cái gì đó để đám đàn ông quán rượu phải nhỏm dậy.
- Đẹp thật, không kìm nổi, một người thốt lên.
- Nhưng mà điên... một giọng thấp hơn trả lời.
Bà chủ quán quay ngoắt ra phía sau bằng một cử chỉ gần như vô tình của bàn tay che đi bộ ngực lép xẹp của mình:
- Khốn nạn, trông kìa, mắt với mũi gì mà hau háu - giọng the thé của bà ta cất lên, không biết mắng ai, hay mắng ông chồng vừa chạy ra. Đỗ giật mình, quả thật từ nãy, mắt anh không rời cô gái điên.
Cô gái điên tiếp tục đi về phía hồ, đúng hướng nhìn ban nãy của anh. Rất thong thả, từng bước một, cô gái điên tới bên cây cột điện, dừng lại, nhìn lên bầu trời xám và trong. Rồi đột ngột, cô ta quay ngoắt lại vẫy vẫy cành lá xanh. Tỏ ra vẫy ai. Đỗ chợt thấy lòng mình nhói lên. Cô gái điên ngồi xuống bên chân cột điện, trời còn sáng rõ để anh nhìn thấy vẻ trắng trong trên thân hình cô - và anh nghĩ tới một chiếc nụ hoa loa kèn.
- Công an đâu mà cứ để con điên chẳng quần chẳng áo gì hết lang thang ngoài phố - bà chủ quán rít lên, vẻ đanh ác.
- Mất mỹ quan... một ai đó nói.
- Thôi đi ông, vừa khen đẹp xong.
- Đẹp nữa mà điên thì cũng chịu...
Đỗ không quay đầu lại. Anh không muốn phải nghe những lời nói, những tiếng cười trong quán, không muốn phải nhìn những con mắt đùng đục hơi men chứa đựng ham muốn thú vật của đám khách hôm nay. Và anh ao ước được đổi tất cả những gì mình có trong tay lúc này để có cái cảm giác yên tĩnh nhìn những chiếc lá xoay chầm chậm... cái cảm giác trước khi cô gái điên xuất hiện anh đã có.
Gỡ nốt một mảnh vải còn sót lại ở cổ chân và vứt nó ra xa, cô gái điên ngả mình xuống cỏ, gối đầu lên cột điện, cành lá xanh buông thõng một bên. Với một nụ cười rất dịu dàng, cô ta ngắm tất cả những người qua lại. Không ý thức gì về sự khỏa thân của mình, cô ta ngồi bình thản, trong sáng - sự bình thản, trong sáng cô vừa lấy mất của anh - và anh thấy tim mình thắt lại vì nhận ra vẻ bình thản, trong sáng toát ra một sự khao khát mà anh thấy ở trong cô.
- "Cô ta điên, cô ta điên, cô ta điên...", anh thầm nhắc đi nhắc lại để trấn an mình và quay đầu vào phía trong.
- Mình rất thích cái minh họa gần đây của cậu - ông họa sĩ bắng nhắng bắt chuyện với anh.
Anh toan trả lời, bất chấp tiếng lẩm bẩm "Vénus ngủ" của nhà thơ già ở ngay bên tai. Nhưng anh chưa kịp nói gì, bà chủ quán đã kêu lên thảng thốt:
- Kìa!
Tất cả mọi người đều quay lại, tất nhiên, về cái hướng mà họ đã quay đi.
Một người đàn ông đang đi đến gần cô gái. Một người điên khác hay một gã ăn mày? Hắn ta mặc một bộ quần áo rách, đội nón rách... trên cái hình thù xộc xệch của hắn, chỉ đôi mắt là đáng để ý.
Đỗ không thể không nhìn vào đôi mắt ấy. Hắn đứng cách anh không xa, và anh nhìn thấy trong đôi mắt ấy không có sự thèm khát muông thú như anh nghĩ là phải có. Đôi mắt ấy chứa đựng chính nỗi đau đớn mà anh mang trong mắt mình. Nhưng kẻ điên, hay gã ăn mày kia, lại không ngồi nhìn, hắn ngồi xuống bên cô gái điên, vuốt nhẹ bàn tay lên mặt cô, lên thân hình cô. Và rồi tự tin, chậm rãi, hắn cởi dần những chiếc nút của cái mớ rách mướt trên người.
Sự việc đó làm mọi người lặng đi giây lát. Bà chủ quán ngoảnh hẳn mặt vào trong và có lẽ cho rằng cái phần đàn bà trong bà ta đang bị xúc phạm quá nặng nề, bà ta nhăn mặt kinh tởm, không thèm nói lên một tiếng nào.
Đỗ nhìn thấy hai cánh tay trần của cô gái điên quàng chặt lên cổ gã ăn mày và khuôn mặt lọ lem của cô ta rạng rỡ lên đến mức không ngờ tới. Và anh chỉ nhìn thấy có thế. Từ một quán nước bên cạnh, một bà cụ cầm manh chiếu rách chạy tới, vội vàng, đậy lên hai tấm thân trần.
- Nhìn gì, lũ điên! Bà cụ mắng mấy người đang xúm lại gần đấy.
Mấy phút trôi qua khi manh chiếu rách được gã ăn mày lật ra, cô gái điên đã ngủ - ngủ với một nụ cười dịu dàng. Tên ăn mày, một lần nữa, dùng bàn tay vuốt nhẹ lên mặt cô ta. Và hắn lục lọi rất lâu trong cái bị rách hắn mang theo lấy ra một trái hồng xiêm.
Đỗ nín thở nhìn hắn. Trái hồng xiêm tròn trịa, xanh mượt với một chiếc lá tươi. Tên ăn mày vuốt ve trái hồng xiêm như vuốt ve một vật gì quý báu, rồi nâng niu, với tất cả hai bàn tay, hắn đặt trái hồng xiêm bên cạnh mái tóc lởm chởm của cô gái điên. Rồi hắn đứng dậy chậm chạp đi về cuối con đường ven hồ.
Đỗ không thể ngồi chiều đã hết, những chiếc lá vàng đã thôi xoay chầm chậm... chỉ còn lại sau lưng anh cơn mưa bụi lại đổ xuống và bóng đêm mới bắt đầu.
Hà Nội 4-5-1987
P.T.H.
(TCSH43/06-1990)
LÊ VĂN… Rồi cũng xong … Anh lơ xe nhảy lên cuối cùng, la lớn:- Tới đi chú Tám ơi!
QUỐC THÀNH - Xin người hoàn lại xiêm y cho ta - một thiếu nữ ngâm mình trong làn nước thơm khẩn khoản. - Mộng ba năm, bây giờ mới có, ta chỉ muốn nàng hứa một lời là được - chàng trai trẻ quay lưng về phía mặt hồ vòi vĩnh.
NGUYỄN THẾ TƯỜNG Sáng nay, ông Tổng biên tập gọi tôi tới bảo đi ngay dự lễ khánh thành một chiếc cầu. Tôi loáng quáng xách máy chạy ra xe, không kịp cả dặn vợ cắt cơm trưa.
L.T.S: Trần Duy Phiên, người thôn Thanh Thủy Chánh, huyện Hương Điền, Bình Trị Thiên, là một trong những cây bút truyện ngắn chủ chốt của chóm “Việt” - nhóm sáng tác trẻ trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy xuất phát ở Huế trước đây.
DƯƠNG PHƯỚC THUNgôi nhà lợp phi-brô xi-măng rộng chừng ba chục thước vuông, nằm sát cổng ra vào xí nghiệp dệt, biệt lập ngoài khu sản xuất, núp dưới tán lá cây bàng, được xây từ ngày xí nghiệp xảy ra các vụ mất cắp vật tư.
LÊ CÔNG DOANHChuyến đò dừng lại ở bến cuối cùng khi mặt trời vừa khuất sau rặng tre bên kia sông. Hiếu nhảy lên bờ và bước đi trong cảm giác chòng chành bởi gần trọn một ngày phải ngồi bó chân trong khoang đò chật.
L.T.S: Tác giả Hoàng Nguyệt Xứ tên thật là Hoàng Trọng Định, từng in truyện và thơ trên Sông Hương và nhiều tạp chí văn nghệ khác. Tác phẩm của anh để lại dấu ấn trong dòng chảy văn học của Huế với những truyện ngắn đậm tính triết lý, văn phong ám gợi sâu xa.Truyện dưới đây được Sông Hương dàn trang lúc anh còn sống... trân trọng gửi tới bạn đọc; cũng là nén tâm nhang xin chia buồn cùng người thân của anh.
TRẦN THÙY MAINếu cuộc đời được hình dung như một con đường thỉnh thoảng lại băng qua ngã tư, ngã ba hay rẽ ngoặt thì trong đời tôi có hai khúc quanh lớn nhất.
THÙY ANHồi nhỏ, tôi có cái tật làm nớt. Hở một chút là nước mắt tuôn ra giọt ngắn giọt dài. Anh chị xúm lại chọc: “Lêu lêu, mu khóc móc kh… ruồi bu kiến đậu…”, nhưng mẹ thì không, chỉ an ủi dỗ dành.
TRẦN HỮU LỤCKhi từ biệt làng nổi trên sông, ông Ngự tưởng mình quên được chiếc bóng vật vờ trên sông nước, quên bốn mươi năm gắn bó với những vạn đò. Ông Ngự chỉ mang theo đứa con gái duy nhất và cái máy bơm nước hiệu Yama của Nhật Bản đến vùng đất mới.
NGUYỄN QUANG LẬPQuá nửa đời người anh chị mới gặp nhau. Âu đó cũng là chuyện thường tình. Sau hai mươi mốt phát đại bác vang trời báo tin ngày toàn thắng, có hàng ngàn cặp vợ chồng cách biệt hàng chục năm đã tìm lại nhau.
Câu đối vô danh
PHẠM NGỌC TÚYMột buổi chiều như bao buổi chiều khác, Kim ngồi ở bàn giấy với trang viết đang chi chít chữ. Tiếng chuông điện thoại kêu vang dòn dã vào một thời điểm không thích hợp; thầm mong người nào gọi lộn máy Kim uể oải nhấc ống nghe lên.
BẠCH LÊ QUANG(Người đàn bà gối giấc ngủ trên cánh tay của biển - Thơ LHL)
NGUYỄN XUÂN HOÀNGLão Hinh lồng lộng như một con chó già bị mắc bẫy. “Mày cút khỏi nhà tau. Nhà tau không chứa chấp đứa con gái hư hỏng như mày…”. Miệng chửi, tiện tay lão vứt túi xách của Hằng ra đường. Chiếc túi nhỏ đã sứt quai, màu bạc thếch rơi tọt xuống miệng cống.
MAI SƠNRa khỏi cổng cơ quan quân sự tỉnh, ông Năm gần như muốn la lên - niềm sung sướng vỡ òa trong lòng ông, hiện thành đường nét trên mặt mũi. Dù biết có người lính cảnh vệ đang đứng nghiêm nhìn theo, ông không ngăn được, vẫn bật lên tiếng cười “khà, khà”…
HOÀNG GIÁBên kia sông, làng Mả-Mang, có cụ già trăm tuổi quy tiên, Thầy Khâu-đà-la chèo con thuyền nhỏ vượt dòng sông Dâu sang làm lễ.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC1.Hiu hiu gió thổi qua quán nhậu vỉa hè một xế trưa năm ba người tranh thủ chút thì giờ ngồi tán chuyện chỉ đủ phơ phất mấy tờ giấy lau đũa dùng xong được quẳng xuống nằm lớt thớt dưới đất.
NGUYÊN QUÂNQuyết thận trọng len qua khoảng vườn, đêm tối mịt mùng, không gợn chút ánh trăng sao, anh đi lần bước theo ký ức, cố gắng tránh gây tiếng động. Những cái lá khô giòn, nhành cây mục vương vãi làm anh bực mình chửi thầm “Mẹ nó, biết thế này hồi chiều chịu khó quét dọn chừ đỡ khổ”.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Để tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cầm