Tô Hoài - Giữa sự viết và hư vô

08:27 21/07/2014

Người ta vẫn nói Tô Hoài là “nhà văn của thiếu nhi”. Hình như chưa ai gọi ông là “nhà văn của tuổi già”. Cho dù giai đoạn cuối trong sự nghiệp của ông – cũng là giai đoạn khiến Tô Hoài trở thành “sự kiện” của đời sống văn học đương đại chứ không chỉ là sự nối dài những gì đã định hình tên tuổi ông từ quá khứ - sáng tác của ông thường xoay quanh một hình tượng người kể chuyện từng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều thăng trầm của đời sống, giờ đây ngồi nhớ lại, ngẫm lại, viết lại quá khứ, không phải nhằm dạy dỗ, khuyên nhủ gì ai, mà chỉ vì muốn lưu giữ và thú nhận.

Tôi muốn nói về Tô Hoài bắt đầu từ một truyện ngắn ít được biết đến của ông – truyện ngắn “Tình buồn” được ông viết năm 1993. Với tôi, đây là một truyện ngắn cảm động. Nhân vật chính của câu chuyện là bà cụ Tứ, già sinh lẫn, nói trước quên sau, đám con cháu trong nhà phải cố gắng nhẫn nhịn chịu đựng. Thế nhưng trong mấy ngày cuối đời, bà lão lẩn thẩn trước đó còn khiến mấy đứa cháu trêu cười vì dở chứng hay ăn vụng trong bếp bỗng nhiên trở nên tỉnh táo, minh mẫn lạ thường. Bà lão sai con trai cả sang làng bên kia sông tìm một ông lão mà chỉ đến khi ấy, anh con trai mới biết ông lão kia từng là người yêu của mẹ mình. Chỉ đến khi ấy, đám con cháu trong nhà mới biết mẹ mình có một quá khứ gai góc thế nào. Thời còn con gái, bà cụ Tứ từng bất chấp sự can ngăn, thậm chí đòn đánh của cha mẹ, yêu một người con trai có địa vị thấp hơn, đến mức muốn hai người cùng nhảy xuống sông mà chết nếu không đến được với nhau. Người con trai bà yêu có nhiều lý do để không quyết định như thế. Trước ngày bị ép gả cho người khác, bà cụ Tứ bỏ làng đi. Rồi lấy một người khác, sống đời âm thầm, tránh tiếp xúc tối đa với thiên hạ, chỉ quanh quẩn làm lụng nơi ruộng vườn. Rồi già cả, khó tính, lẩm cẩm, mất trí nhớ. Chỉ riêng một điều duy nhất đã không tuột khỏi trí nhớ của bà: bà muốn gặp lại người đàn ông mình đã từng yêu năm nào chỉ để nói một lời xin lỗi. Xin lỗi vì đã chẳng hiểu nổi những éo le của ông khi ấy, khi quyết bỏ đi biệt chẳng để lại lời nào cho ông. Chỉ khi nói xong lời xin lỗi ấy, bà mới có thể nhắm mắt.

Nhân vật trong truyện ngắn ấy của Tô Hoài vừa đáng thương, vừa đáng trách nhưng đồng thời cũng vừa rất đáng trọng. Sự thấu đáo trong cái nhìn của Tô Hoài về con người có lẽ cũng là ở chỗ đó: ông thấy mình, thấy nhân vật của mình loay hoay một cách khốn khổ mà cũng buồn cười trong cõi đời lắm mối nhùng nhằng. Tôi thuộc lứa hậu sinh, tôi biết Tô Hoài trước tiên ở cái phần hồn hậu, trong sáng trong những truyện đồng thoại viết cho trẻ thơ, tôi không trải nghiệm một giai đoạn lịch sử văn học phức tạp với nhiều phép thử rất nghiệt ngã đối với nhân cách và văn cách của các nghệ sĩ để có thể xác nhận Tô Hoài là một người khôn ngoan, khéo léo, do đó, giữ được cho mình một vị thế yên ổn, vững vàng. Khi đọc truyện ngắn “Tình buồn”, tôi thấy ở ông một cái nhìn độ lượng, chân tình về con người. Sự độ lượng, chân tình ấy cũng là cảm giác tôi có được khi đọc những Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác – những dấu mốc văn chương quan trọng cuối đời của ông. Đó là sự độ lượng, chân tình mà văn chương nên có, cần phải có để hiểu được con người thay vì chỉ chăm chắm phán xét, kết luận về nó. Văn chương khác với đạo đức và cũng mạnh hơn đạo đức cũng chỉ là ở khi nó thoái thác phán xét mà thay vào đó, cố gắng ghi lại, cố gắng lắng nghe những nỗi cắc cớ, oái oăm của những tình thế nhân sinh.

Bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Tình buồn” vào lúc cận kề với cái chết hơn bao giờ hết bỗng trở nên quyết liệt như chính mình thời con gái, khi phải nói bằng được lời xin lỗi với người đàn ông mình đã từng yêu vì hồi đó đã chưa biết thông cảm hết cho ông, chưa thấu hiểu được ông. Tôi cứ muốn nghĩ nỗi day dứt, nỗi khẩn thiết cần phải thành thật của nhân vật trong câu chuyện như là ẩn dụ về động cơ sáng tác của chính Tô Hoài ở giai đoạn cuối đời văn. Tuổi già khiến con người có một cảm nhận rõ rệt về sức mạnh của hư vô. Nó im lặng và lạnh lùng, nó gặm nhấm ký ức cá nhân, làm rơi rụng ngôn ngữ, nó từ từ đồng hóa những tự sự nhỏ, những lịch sử nhỏ vào một lịch sử lớn duy nhất, đông đặc. Chính trong điều kiện giáp mặt với hư vô ấy, sự viết thực sự trở thành sức mạnh bởi viết tức là làm hiện hữu, viết là phá bỏ một lịch sử đơn nhất và đơn trị. Một bộ phận đáng kể của văn chương Việt Nam đương đại chính là những tự thuật, tự thú cuối đời của các nhà văn như Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Bùi Ngọc Tấn..., đương nhiên trong đó có Tô Hoài. Có lẽ không nên quá nghiệt ngã khi chất vấn: tại sao chỉ đến lúc đó, lúc tiệm cận với hư vô, những câu chuyện như thế, những tự thú như thế mới được viết ra? Sự thật, nhất là từ những trải nghiệm cá nhân, khi được nói lên luôn đáng trân trọng và có lẽ không bao giờ là quá muộn. Đối mặt với hư vô – cái thứ câm lặng vô hình mênh mông ấy – thực ra cần nhiều can đảm để viết hơn người ta nghĩ. Lời của con người sẽ còn lại, độc lập với tiếng nói của thứ lịch sử luôn muốn lợi dụng khả năng hư vô hóa của thời gian để bảo tồn tính đơn nhất của nó. Chúng ta sẽ biết được gì ngoài thứ lịch sử đơn nhất ấy nếu như không có những lời tự thú, tự thuật kia?

Trong nhiều bài viết nói về kinh nghiệm viết văn, Tô Hoài hay nhắc đến tầm quan trọng của việc ghi nhớ, quan sát và bản thân ông cũng thường được nhắc đến như một mẫu mực của tài ghi nhớ và quan sát trong các tài liệu bàn về quá trình sáng tạo của nhà văn. Sự phong phú của kho ký ức vừa là ưu thế nhưng cũng vừa là trách nhiệm đối với nhà văn, nhất là khi hư vô mỗi lúc lại lừng lững hiện lên muốn phủ trùm lên ký ức. Bản thân nhan đề những tác phẩm của ông như Chuyện để quên, Chiều chiều, Cát bụi chân ai... đã bàng bạc một nỗi ám ảnh về hư vô. Kho ký ức của Tô Hoài chất chồng những mẩu chuyện nhỏ, những chi tiết có vẻ như lặt vặt, những quan sát tinh quái mà thật may ông đã không để lịch sử lớn quét chúng đi, để hư vô kịp khỏa lấp chúng. Những lịch sử nhỏ được Tô Hoài kể lại bằng một phong cách mang hơi hướng giai thoại và cái duyên trong cách kể chuyện của Tô Hoài, một phần quan trọng, nằm ở lối giai thoại này. Lối kể chuyện giai thoại tự nó đã gợi ra tính phi đơn nhất của lịch sử, nó cho thấy có thể có những sự thật khác nằm ở phía ngoài lề, ngoài dòng chính. Viết những lịch sử nhỏ ấy, Tô Hoài biến ký ức cá nhân của mình thành một ký ức công cộng, nơi đó, hư vô có thể phải dừng lại.

Giai đoạn cuối trong đời văn, Tô Hoài chủ yếu chỉ viết về “chuyện cũ”. Điều đó thiết tưởng không khó hiểu vì đối với người già, ký ức nhiều khi là phần giàu có nhất. Những chuyện cũ được làm sống dậy với những lớp ngôn từ mang đầy chứng tích, dấu vết của thời đại. Trên phương diện này, văn của Tô Hoài có thể xem như một bảo tàng lịch sử của chữ, nơi đó, ngay cả những chữ thô tháp, dân dã nhất của đời thường cũng được lưu giữ. Đọc Ba người khác, những lứa hậu sinh như chúng tôi có thể thấy được ngôn ngữ một thời bày ra trò chơi làm người ta khốn đốn như thế nào. Đọc Chuyện cũ Hà Nội, chúng tôi, những kẻ hậu sinh, biết được một đời sống ngôn ngữ sống động của người dân ngoại ô với những tiếng lóng, tiếng bồi, từ chỉ nghề nghiệp, từ chỉ bánh trái, thức ăn, trang phục... Ngôn ngữ Tô Hoài không hướng đến sự cầu kỳ, sang trọng với những phép tu từ duy mỹ kiểu Nguyễn Tuân, Vũ Bằng. Ông nghiêng về chăm chú lắng nghe, nâng niu lời ăn tiếng nói của những con người bình dân trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Hà Nội trong văn Tô Hoài không lấp lánh ánh sáng kinh kỳ, cũng không “nghèo mà sang”. Đó là một Hà Nội lầm than, lấm láp, chịu thương chịu khó với những con người ven đô bụi bặm, chân chất. Nhưng chính ở họ, từ quan sát của Tô Hoài, ta lại thấy được những tình cảm đạo đức rất tự nhiên hình thành giữa con người với con người. Đấy cũng là điều cần phải bảo lưu, không phải chỉ trên trang sách.

Tô Hoài viết để làm chúng ta nhớ. Khi sự hư vô xâm lấn mạnh mẽ vào đời sống ở mọi phương diện, chẳng đợi đến tuổi già người ta mới thấm thía, nhớ có lẽ cũng là một cách kháng cự.

Nguồn: Trần Ngọc Hiếu - Tia Sáng
 
 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BỬU Ý

    Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.

  • LÊ QUANG KẾT
                   

    Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).

  • VŨ THU TRANG

    Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.

  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.

  • HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
                                      Đoản văn

    Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!

  • LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ

  • BÙI KIM CHI

    Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.

  • KIM THOA

    Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên        
          
                       (Hàn Mạc Tử)

  • NGUYỄN VĂN UÔNG

    Hôm nay có một người du khách
    Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên         
     

    (Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY

    Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.

  • LÊ QUANG KẾT                
                      Tùy bút

    Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.

  • TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.

  • LÊ QUANG KẾT

    Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.

  • HUY PHƯƠNG

    Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
    Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên         
                          
                                              (Tố Hữu)

  • PHAN THUẬN AN

    Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.

  • MAI KIM NGỌC

    Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.

  • HOÀNG HUẾ

    …Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…

  • QUẾ HƯƠNG

    Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.

  • THU TRANG

    Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.