1. Lời dẫn
Vào năm ngoái, với niềm đam mê du lịch và say mê di sản Huế, các bạn trẻ nhóm Journeys in Hue đã tổ chức tour “Hành trình Nam Phương: Đám cưới Hoàng gia” nhân dịp Kỷ niệm 90 năm ngày cưới của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương (1934 - 2024). Để thiết kế các địa điểm tham quan trong chuyến hành trình, các bạn đã hỏi tôi thông tin về lầu Công quán: Nơi hoàng hậu Nam Phương đã từng ở trong khi chờ ngày tổ chức lễ đại hôn mà báo chí đã từng nhắc đến trên các bản tin đăng vào năm 1934. Sau đó, tôi tập trung nghiên cứu tìm hiểu về địa danh lầu Công quán và cũng đã đọc được thông tin trên sách báo viết địa điểm này chính là Trường Hậu bổ xưa. Bằng việc đi tìm lại lầu Công quán qua nguồn tư liệu báo chí và kết quả nghiên cứu điền dã, chúng tôi mong muốn góp thêm những cứ liệu cụ thể nhằm xác định vị trí một cách chính xác để tránh sự nhầm lẫn về địa danh lịch sử này.
2. Từ thông tin báo chí đương thời…
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, đám cưới của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương không chỉ là sự kiện trọng đại của hoàng gia mà còn thu hút sự chú ý của người dân cả nước lúc bấy giờ. Bởi đây là lần đầu tiên, triều Nguyễn có một vị vua lập hậu ngay sau lễ đại hôn của chính mình. Trong cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam), cựu hoàng Bảo Đại đã từng viết: “Ngày cưới là ngày 20 tháng 3 năm 1934. Đám cưới được cử hành trước triều đình và các đại diện của Pháp. Đó là một vấn đề mới mẻ, vì từ xưa đến nay chưa bao giờ như vậy. Tôi cũng có quyết định tấn phong cho vợ tôi, tước hiệu là Hoàng hậu, sau khi cưới, điều mà từ xưa, mẫu thân tôi chỉ được phong, sau khi phụ hoàng đã chết. Tôi tấn phong cho vợ tôi là Nam Phương Hoàng hậu, có nghĩa là hương thơm của miền Nam, đồng thời cũng theo một sắc dụ, tôi cho phép Hoàng hậu được mặc áo màu vàng da cam, vốn chỉ dành riêng cho Hoàng đế”1. Vì vậy, lần giở lại những trang báo xưa có thể thấy lễ đại hôn này được báo chí lúc ấy theo dõi rất sát sao.
![]() |
Cảnh đón dâu từ lầu Công quán đến Đại Nội. Nguồn: báo Le Monde Colonial |
Hà Thành ngọ báo số 1964 ra ngày 23/3/1934, đăng tin cho biết vào lúc “9 giờ sáng 20 Mars, các bà phủ thiếp, mệnh phụ bận triều phục đều tựu tại lầu Công quán rước Hoàng hậu vào Đại Nội. Lễ này, gọi là lễ “Tấn nội đình” đã cử hành một cách cực kỳ long trọng. Từ năm Đồng Khánh nguyên niên đến nay có 5 lễ Tấn nội đình, trừ ra lễ Tấn cung của lệnh ái ngài Quốc công Nguyễn Hữu Độ (hiện nay là Ngài Khôn Nguyên Thái Hoàng Thái hậu), chớ không có lễ nào nghiêm và người đi xem đông như lễ hôm nay. Trời vừa sáng thì quang cảnh Hoàng thành đã có vẻ náo nhiệt lạ thường, vì nhân dân từ thôn quê cho đến khách trú các phường đâu đâu cũng kéo tới Hậu bổ. Từ Khải hoàn môn lầu Công quán đến cửa Chương Đức đâu đâu cũng tấp nập người đi xem. Trên các nhành cây cao, trên các bức tường thành Hậu bổ, trẻ con, người lớn tranh nhau kiếm chỗ cao để thấy rõ dung nhan người sẽ làm Hoàng hậu nước Nam.
6 giờ 30, cửa sắt lầu Công quán mở rộng, để quan Hộ thành Đề đốc đem tuần binh tới giữ trật tự. Các bà Tùng sự ở Đại Nội ra, vào lầu Công quán, trang điểm cho Hoàng hậu. 8 giờ, các bà phủ thiếp, mệnh phụ, đầu chít khăn xanh, mình bận áo tràng thêu đều lần lượt tề tựu tại công quán. Trong các bà đi rước Hoàng hậu người ta thấy: Bà Hoài Ân Vương phi, các bà Thượng Thái Văn Toản, Tôn Thất Quảng, bà Kiêm nhiếp Tôn Nhơn phủ Ưng Bàng, các bà Đô thống, Tham tri, Thị lang các bộ... Khi các bà mệnh phụ đến, có nữ quan ra tiếp tại thềm và mời vào lầu. 8 giờ 15, quan Thượng thư bộ Lễ nghi cùng các quan bộ Lễ tới lầu Công quán để kiểm đốc các nghi lễ. 8 giờ 45, ở Đại Nội đem xe hơi Tanbard của Hoàng đế ra lầu Công quán để đón Hoàng hậu. Bộ Lễ vào trình giờ lễ Tấn nội đình và truyền lệnh sắp sửa phát pháo. Các bà mệnh phụ mời H.H. sửa soạn nhập cung. 9 giờ đúng, H.H. mình mặc áo tràng gấm đỏ thêu, đầu bịt khăn xanh, chân đi giầy thêu phụng, ra khỏi lầu Công quán. Theo sau có bà Nguyễn Hữu Hào và bà Didelot bận áo tràng, bịt khăn xanh. Kế đó là các bà phủ thiếp, Thượng thư. Pháo nổ liên thanh, đạo binh dẫn sẵn trước cửa bắt đầu cử động. Đi tiên phong có quan Hộ thành Đề đốc Nguyễn Văn Mậu, mình mặc nhung y võ phục cưỡi ngựa. Theo bên ngựa có quân cầm gươm theo hầu. Kế đến mấy mươi người lính bận y phục Đại Nội cầm cờ, cầm trượng đi hầu. Gần đạo quân này là xe hơi của bà Nguyễn Hữu Hào và bà Didelot, rồi đến xe Hoàng hậu, xe này là xe của Hoàng đế, chỉ có một mình H.H. ngồi. Hầu xe này có hai người thị vệ lái xe bận y phục thêu vành rế vàng. Theo hầu xe này có một hàng xe trên mười mấy cái, có các bà mệnh phụ ngồi. Theo các đường có cắm cờ Hoàng hiệu, đạo binh từ từ tiến thẳng tới cửa Chương Đức”2.
Tiếp đó, Nam Phong tạp chí còn cho hay: “Hoàng thân Bửu Liêm cùng phủ thiếp và Hoàng tùng đệ vào Lăng Cô đón Hoàng hậu rước về Kinh đô. Khi tới cung Trú tất ở Kinh đô, Hoàng hậu trú ở cung ấy suốt ngày mồng 3, 4 và 5 tháng 2 (17, 18 và 19 Mars). 9 giờ sáng ngày 6 tháng 2 (20 Mars), đón Hoàng hậu vào Đại Nội. Khi ở cung Trú tất khởi hành, Hoàng hậu đội khăn thiên thanh, mặc áo thụng thêu đỏ, có các bà phủ thiếp, các công chúa, các bà mệnh phụ đều thịnh phục đến đón Hoàng hậu vào Đại Nội. Có bốn lộng đỏ, mười lá cờ đứng dàn trước cung Trú tất. Hoàng hậu và quý quyến ngồi trên chiếc ô tô đi giữa các ô tô khác. Quan Đề đốc Hộ thành mặc binh phục, cưỡi ngựa, có các toán lính đi theo để hộ vệ đám rước từ cung Trú tất đến cửa Chương Đức”3.
![]() |
Vị trí địa điểm Hậu bổ được đóng khung đỏ trên bản đồ Kinh thành Huế |
![]() |
Định vị địa điểm lầu Ông Hoàng tùng đệ trên Google Maps |
Qua những thông tin, hình ảnh trong các bài viết đăng trên Hà Thành ngọ báo và Nam Phong tạp chí, báo Le Monde Colonial (Thế giới thuộc địa) nêu trên chúng ta có thể nhận thấy vị trí tọa lạc, kiến trúc lầu Công quán (còn có tên gọi khác là cung Trú tất hoặc lầu Trú khách4) có một số đặc điểm cụ thể như sau:
- Ở bên trong Kinh thành Huế.
- Nằm gần địa danh có tên gọi là Hậu bổ.
- Kết cấu nhà 2 tầng theo kiểu kiến trúc thuộc địa.
Qua những dữ liệu quan trọng này, chúng tôi cho rằng thông tin lầu Công quán chính là Trường Hậu bổ xưa (nay tọa lạc tại địa chỉ số 75 Trần Hưng Đạo, phường Đông Ba, quận Phú Xuân, thành phố Huế) đã được công bố trên các sách báo trong thời gian vừa qua hoàn toàn chưa có cơ sở và chưa mang tính thuyết phục.
3… đến việc giải mã qua nghiên cứu khảo sát thực địa
Từ những thông tin quý và đáng tin cậy về lầu Công quán như tọa lạc ở bên trong Kinh thành, gần địa danh Hậu bổ và có kết cấu nhà 2 tầng theo phong cách kiến trúc thuộc địa, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu các tài liệu, bản đồ cổ về Kinh thành Huế. Rất tiếc, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về lầu Công quán nhưng đã tìm thấy có một địa danh mang tên “Hậu bổ” nằm ở phía bắc Hoàng thành, liền kề với cửa Hòa Bình (cửa Bắc của Hoàng thành). Đặc biệt là công trình nghiên cứu “Địa danh Kinh thành Huế” của học giả L. Cadière đăng trên tập san Những người bạn Cố đô Huế (BAVH) đã ghi rõ các địa điểm tọa lạc ở các phường thuộc khu vực Kinh thành vào năm 1933, trong đó có định số “155. Hậu bổ” thuộc địa giới phường Huệ An trên bản đồ với nội dung ghi: “Có nghĩa “Công viên phía sau”, nằm phía sau cung điện. Vườn được nhắc đến trong nhiều đồ bản trong “Tuyển tập đồ bản Kinh thành Huế” của H. Cosserat, dưới một số tên gọi như “nơi vua chơi” (Đồ bản 2, 2bis); “Hậu bổ, đi dạo” (Đồ bản 3, số 12); “nơi giải trí của vua” (Đồ bản 7, 8 số 106, 106bis)”5.
Từ đó, chúng tôi bước đầu nhận định lầu Công quán được xây dựng sau năm 1933. Vì vậy, địa danh này không được đề cập trong nội dung chuyên khảo “Địa danh Kinh thành Huế” của học giả L. Cadière.
![]() |
![]() |
Một góc lầu Công quán xưa và nay |
Căn cứ vào tấm bản đồ Kinh thành Huế, chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu khảo sát thực địa xung quanh vùng Hậu bổ xưa. Cuối cùng, chúng tôi đã phát hiện một công trình hai tầng được xây dựng theo kiến trúc thuộc địa nằm khá gần khu vực Hậu bổ. Đó chính là trụ sở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế tọa lạc tại địa chỉ số 23 Nhật Lệ, phường Đông Ba, quận Phú Xuân, thành phố Huế.
Qua đối sánh với những bức ảnh tư liệu được phóng viên báo Le Monde Colonial (Thế giới thuộc địa) chụp trong đám cưới của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương vào năm 1934, chúng tôi nhận thấy kiến trúc ngôi nhà có nhiều điểm tương đồng nhau.
Dò hỏi các vị cao niên sống xung quanh trụ sở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế cho biết công trình này trước đây có tên gọi là lầu Ông Hoàng tùng đệ và đã trải qua nhiều lần cải tạo, tu sửa để phục vụ nhiều chức năng khác nhau. Vì vậy, nhiều chi tiết kiến trúc gốc của ngôi nhà đã bị thay đổi như mở thêm cửa chính ở phía trước, xây thêm ban công mặt tiền và hội trường ở phía sau nhà. Ngoài ra hệ thống phòng ốc, sàn gỗ, nền gạch bông, họa tiết trang trí cũng đã bị thay thế bằng chất liệu và kiểu dáng mới.
Vậy nhân vật Ông Hoàng tùng đệ là ai? Qua nghiên cứu tìm hiểu, chúng tôi được biết đó là ngài Vĩnh Cẩn thuộc phủ Kiên Thái Vương.
Vĩnh Cẩn sinh năm 1914 ở làng Dương Phẩm, là con trai của Kiên Hương hầu Bửu Phong6. Ông kết hôn với bà Nguyễn Hữu Bích Tiên, con gái của Tân Phong Công chúa Châu Hoàn và Nguyễn Hữu Khâm (con trai của Vĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Độ). Năm Khải Định thứ 7 [1922], Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại) sang Pháp du học. Với thân phận là em họ của Hoàng thái tử, ông được lựa chọn đi theo tháp tùng; do vậy thường được xưng là Hoàng tùng đệ. Đến năm 1932, sau khi vua Bảo Đại hoàn thành quá trình du học ở Pháp, ông tháp tùng nhà vua về nước nắm quyền chấp chính (1932 - 1945). Trong thời gian này, Hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn là người bạn tâm giao của vua Bảo Đại và cũng là người được nhà vua tin tưởng giao nhiều trọng trách nhất.
Năm Bảo Đại thứ 8 [1933], Vĩnh Cẩn được triều đình phong hàm Hồng lô Tự khanh. Đến năm Bảo Đại thứ 11 [1936], ông đến nhậm chức ở bộ Tài chính. Sang năm (1937), Vĩnh Cẩn được vua Bảo Đại bổ nhiệm vào làm việc tại Ngự tiền Văn phòng, cơ quan thay thế cho Nội các được thành lập dưới triều vua Minh Mạng. Năm Bảo Đại thứ 17 [1942], ông được triều đình thăng hàm Chánh Tam phẩm. Sau ngày triều Nguyễn cáo chung (1945), lai lịch của Hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn ít người biết đến.
![]() |
Chân dung Hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn |
![]() |
Lầu Ông Hoàng tùng đệ mang phong cách kiến trúc thuộc địa |
Quay trở lại lầu Công quán, dựa trên nguồn tư liệu báo chí và quá trình khảo sát điền dã chúng tôi phán đoán rằng công trình này được xây dựng vào cuối năm 1933 đến đầu năm 1934. Cùng khoảng thời gian triều đình cho sửa sang lại điện Kiến Trung nằm bên trong Tử Cấm thành. Phóng viên Hà Thành ngọ báo cho biết thêm thông tin: “Trước kia, các bà Hoàng quý phi và phi tần đều ở chỗ riêng chớ không ở một nhà cùng các bậc Hoàng đế. Thường có ba cung sáu viện. Nay đức Bảo Đại bỏ hẳn lối cũ, Ngài định để Hoàng hậu ngự tại điện Kiến Trung. Điện này, bộ Công tác sửa chữa mấy tháng nay nhiều công phu lắm, nay mới xong. Cách sắp đặt tối tân, theo lối các điện bên Pháp”7. Mục đích xây dựng lầu Công quán để phục vụ làm nơi ở và sinh hoạt cho Nam Phương hoàng hậu cùng gia đình trong khoảng thời gian diễn ra lễ đại hôn của vua Bảo Đại và lễ tấn phong hoàng hậu. Ngoài ra, vị trí lầu Công quán nằm khá gần Đại Nội, phủ Tôn Nhơn và các cơ quan quan trọng của chính phủ Nam triều nên rất thuận lợi cho việc đón tiếp, đi lại và tổ chức các nghi lễ đám cưới.
Sau ngày cưới, hoàng hậu Nam Phương chuyển đến sống tại điện Kiến Trung cùng với vua Bảo Đại. Do vậy, lầu Công quán được giao lại cho Hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn và gia đình sinh sống. Bởi cơ ngơi này nằm khá gần tòa nhà Ngự tiền Văn phòng, nơi Vĩnh Cẩn hiện đang công tác. Từ đó, lầu Công quán được người dân sống xung quanh gọi là lầu Ông Hoàng tùng đệ8.
Để đảm bảo về tính chính xác và độ tin cậy của thông tin lầu Ông Hoàng tùng đệ (tức lầu Công quán xưa) là nơi Nam Phương hoàng hậu từng ở trước khi nhập cung, chúng tôi đã tìm về phủ Kiên Thái Vương bên dòng sông An Cựu để mong tìm được tư liệu mới. May mắn thay, tôi đã gặp được ông Nguyễn Như Trị9, ông Hoàng Trọng Thí10 hiện đang gìn giữ, quản lý phủ thờ Kiên Thái Vương. Sau cuộc trò chuyện và xem lại những bức ảnh lầu Ông Hoàng tùng đệ xưa và nay, cả hai ông đều khẳng định rằng bản thân đã từng đến thăm ngôi nhà này ở Thành nội vài lần và đã nghe cha mẹ mình nhắc đến câu chuyện rước dâu Nam Phương hoàng hậu từ lầu Ông Hoàng tùng đệ vào Đại Nội.
4. Thay lời kết
Có thể nói, không có điều gì phải hoài nghi nữa, lầu Công quán: Nơi hoàng hậu Nam Phương đã từng ở trong khi chờ ngày lễ đại hôn vào năm 1934 chính là lầu Ông Hoàng tùng đệ ở Thành nội (nay là trụ sở Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế). Sau gần 1 thế kỷ tồn tại, lầu Công quán - lầu Ông Hoàng tùng đệ tuy đã thay đổi nhiều so với kiến trúc xưa nhưng nó vẫn lưu giữ nhiều câu chuyện văn hóa lịch sử gắn liền với một số nhân vật lịch sử như Nam Phương hoàng hậu, Hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn… Thiết nghĩ trong tương lai nếu dự án xây dựng Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế được triển khai thực hiện thì chính quyền địa phương cần có giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc lầu Ông Hoàng tùng đệ trở thành không gian văn hóa, phục vụ phát triển du lịch.
T.V.D
(TCSH434/04-2025)
------------------------
1 Bảo Đại (1990), Con rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc xuất bản, tr. 99.
2 Hà Thành ngọ báo (1934), “Các bà phủ thiếp, mệnh phụ Nam triều đến lầu Công quán rước Hoàng hậu vào Đại Nội”, Hà Thành ngọ báo, Số 1964, (ra ngày 23/3/1934), Hà Nội, tr.1.
3 Nam Phong tạp chí (1934), “Các nghi lễ đại hội và tấn phong Hoàng hậu”, Nam Phong tạp chí, số 193, Hà Nội, tr. 222.
4 Hà Thành ngọ báo (1934), “Tin kinh đô: Hoàng thượng làm lễ sáo yết tại điện Phụng Tiên”, Hà Thành ngọ báo, số 1960 (ra ngày 18/3/1934), Hà Nội, tr. 1.
5 Henri Cosserat và Léopold Michel Cadière (2023), Tuyển tập bản đồ và địa đanh Kinh thành Huế, Phùng Đức Trung dịch, Võ Nguyên Phong chú giải, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 212.
6 Bửu Phong là con trai của Kiên Quận công Ưng Quyến với bà Nguyễn Hữu Thị Uyển (con gái của Vĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Độ), và là cháu nội của Kiên Thái Vương Hồng Cai. Ông được triều đình tập phong tước Kiên Hương hầu, ra làm quan mang hàm Hiệp tá Đại học sĩ, chức Tả Tôn khanh Tôn Nhơn phủ.
7 Hà Thành ngọ báo (1934), “Hoàng hậu sẽ ngự tại Kiến Trung”, Hà Thành ngọ báo, Số 1960 (ra ngày 18/3/1934), Hà Nội, tr. 1.
8 Về sau, lầu Ông Hoàng tùng đệ được trưng dụng làm trụ sở ty An ninh Quân đội, rồi đồn Quân cảnh Tư pháp dưới thời chế độ cũ. Sau năm 1975 tiếp tục được dùng làm trụ sở của các đơn vị hoạt động nghệ thuật truyền thống và nay là trụ sở của Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế.
9 Ông Nguyễn Như Trị (sinh năm 1943) có thân mẫu là bà Lê Thị Dinh (cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến).
10 Ông Hoàng Trọng Thí (sinh năm 1945) có thân phụ là ông Hoàng Trọng Hòa (người trong họ với Đức Từ Cung).
ĐỖ MINH ĐIỀN
Lần đầu tiên ở vùng đất Cố đô, có một tổ chức thuần túy về văn chương, mỹ thuật và thể thao ra đời - đó là Hội Mỹ Hòa, chính thức được công nhận tư cách pháp lý vào ngày 17 tháng 6 năm 1935, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa Huế. Ra đời cách nay 85 năm nhưng Hội Mỹ Hòa đã có quan điểm và phương châm hành động tiến bộ, quy tụ được nhiều tri thức tiêu biểu góp phần gìn giữ di sản văn hóa.
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
PHAN THANH HẢI - TRẦN VĂN DŨNG
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chiếc áo dài vẫn luôn được xem là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế từ xưa cho đến nay.
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Dưới thời Nguyễn, vào mùa xuân, có khá nhiều đại lễ được tổ chức như lễ Ban Sóc (phát lịch), lễ Tiến Xuân, lễ Thướng Tiêu, lễ Nguyên Đán, lễ Thiên Xuân, v.v tổ chức từ ngày 25 tháng Chạp đến ngày 7 tháng Giêng.
NGUYỄN HỮU PHÚC
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở miền Trung là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần Chăm kết hợp với tục thờ Mẫu Tam phủ ở miền Bắc.
ĐỖ MINH ĐIỀN - ĐỖ NGỌC BẢO THƯ
THANH TÙNG
Ý tưởng thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết là đã có từ rất lâu mà nay mới thành hiện thực.
VÕ VINH QUANG
Tháng 4 năm 2019, trong dịp số hóa tư liệu Hán Nôm tại một số làng thuộc xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), chúng tôi có dịp dâng hương nhà thờ tộc Phạm, tiếp xúc với nguồn văn bản sắc phong, bằng cấp và gia phả của dòng tộc, viếng mộ viên tướng thủy binh Phạm Văn Tường.
MAI VĂN ĐƯỢC - NGUYỄN HUỲNH BẢO NGỌC
Thần núi Hải Vân là một nhiên thần, được thờ cúng tại miếu Trấn Sơn (đền thần Hải Vân), nằm dưới chân núi Hải Vân. Ở làng An Cư Đông (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện nay vẫn còn lưu giữ các di sản liên quan đến việc thờ cúng vị thần này.
VÕ VINH QUANG
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020)
ĐOÀN TRỌNG HUY
Chào Mừng Đại Hội Đảng Bộ Tỉnh Thừa Thiên Huế Lần Thứ XVI, Nhiệm Kỳ 2020 - 2025
NGUYỄN THÁI SƠN *
TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trong số nhứng di sản văn hóa mà triều Nguyễn để lại có một loại cổ vật có giá trị nghệ thuật rất cao nhưng ít được đời sau thừa nhận và trân trọng.
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Giới nghiên cứu văn hóa và sưu tập cổ vật đã từng biết hoặc từng nghe một chiếc nghiên quý của vua Tự Đức đã thất tán từ nhiều năm trước qua bài viết “Nghiên mực Tức Mặc Hầu của Đức Dực Tôn Hoàng Đế” của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển (VHS).
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
TRẦN VĂN DŨNG
VÕ VÂN ĐÌNH
Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với những định hướng dài hạn, sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
LÊ TẤN QUỲNH
Vậy là những nhớ nhung như trêu tức tôi cho một ngày trở lại cuộc phiêu du lặng lẽ trong đời mình. Vẫn còn nguyên đó những buổi sớm mai thong thả bên ly cà phê dưới tán cây long não ở một góc công viên Tứ Tượng đầy thú vị.
NGUYỄN AN NHIÊN
Tương lai của loài người sẽ thế nào khi những vấn đề như: Thay đổi khí hậu, sự ô nhiễm không khí, sự khai thác tài nguyên quá mức, sự khan hiếm trầm trọng về nước, mất cân bằng đa dạng sinh học một cách khủng khiếp... không được cải thiện, thậm chí những vấn nạn này ngày càng tồi tệ hơn.