Tôi là một 'Content'

08:48 28/03/2025
Tôi. Tôi là một Content Writer. Tôi là một Content. Tôi là một. Tôi là… Là… tôi”.

Đêm nào lên giường, trước sự im phăng phắc của thế nhân trong tôi cũng tự gân guốc như thế nhưng rồi vẫn mềm nhũn, trôi tuột vào giấc ngủ. Cuộc sống chưa bao giờ tha cho cái thân tôi nhàn hạ một ngày. Chuông điện thoại, thư điện tử, kim đồng hồ, tin khuyến mại giành giật, cào cấu, đâm, cứa vào tôi rách từng thớ thịt trong tâm tưởng. Viết và viết, viết như bị ma đuổi, chó rượt. Viết để không ai biết mình ăn mì gói, mình nhà quê, mình ở nhờ. Nhưng, mình đến là tài…

Vốn là ngày trước tôi bị tống ra khỏi nhà vì cãi ngang với bố. Mai An Tiêm còn có một con dao cùn, Chử Đồng Tử có cái khố, người em có cây khế để dụ đại bàng. Tôi ra đi chỉ với một con mèo, kẻ vô tâm mà minh triết.

*

Đó là lúc 10 giờ 37 phút, ngày thứ sáu của mùa xuân.

Tôi tìm được một quán nước nhỏ trước cửa một trường học nhưng không còn chỗ ngồi. Thì tôi đứng, có sao? Ở đây người ta không ai nhìn ai, ai cũng đang đợi điều gì đó. Cứ ba phút họ lại tợp một ngụm trà đá. Đá tan làm loãng trà, châm thêm nước trà vào để kìm lại sự vô cương của đá. Không ai chịu đứng dậy dù nắng, bụi, dù mót tiểu mà không có nhà vệ sinh. Sự gan lì của nhóm người này vượt qua mọi giới hạn cho đến lúc cũng có được một vị đứng dậy, vừa phủi quần, vừa vỗ nhẹ vào cái cặp da dày cộp. Không cần biết là ai, tôi sẽ “chọn” người đó để bắt đầu một trò mạo hiểm. Bà bán nước to béo, giọng bà nghe như được ghi âm trong chiếc cân điện tử dạo:

- Năm… ngàn… rưỡi.

Ông khách đứng thẳng, ưỡn ngực dù từ hai đầu vai cho đến cái cúc áo ngực cao nhất đã võng xuống như cái vó cất cá trĩu nặng. Tay trái ông ta nâng chiếc cặp nặng trĩu lên, mấy gã trung niên nhìn chiếc cặp như một container đang được cẩu qua thành tàu. Tay phải ông ta lục đáy quần tìm ví. Cái ví nhăn và sờn, ông bắt đầu đưa nó đến sát mắt, dán vào đó cặp đồng tử sau lớp kính dày.

Quá trình tìm “năm ngàn rưỡi” của ông này có vẻ không mấy thuận lợi. Ông nghển cổ lên, lần này không còn cái dáng đĩnh đạc mà như một con ba ba sống dưới bùn nhiều năm. Bà chủ quán chép miệng:

- Thày lại thiếu tiền lẻ.

Ông ta đi được vài bước thì những hàm răng vàng khè ngồi lại đây bắt đầu được giải phóng khỏi sự tế nhị.

- Giáo sư thì toàn tiền chẵn thôi. Đến khổ.

- Cụ phải mua bán đâu mà phá tiền ra. Thế cũng khổ nhỉ.

Một người đàn bà da bánh mật, thấp đậm, mắt to như cùi nhãn bảo:

- Đến cái nhà to nhất dãy chợ mà đòi “vé tháng” ông ấy. Khờ khờ.

Khi ông ta đột ngột quay lại thì bà bán nước chỉ vào tôi.

- Thôi, không phải ghi sổ, con bé này trả cho ông rồi.

Ông nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên nhưng chỉ gật gật, không hề cảm ơn hay thắc mắc, rồi bước vội về phía trường.

Lúc ấy đã là 11 giờ 45 phút.

Thực ra, cuộc phiêu lưu của tôi có thể kết thúc ở đây được rồi vì chỉ mười lăm phút nữa, tức là đúng 12 giờ chú Kỉ của tôi sẽ đi làm về qua đây. Thực ra, bố chỉ đuổi tôi với lời thách thức: “Xem cái xe nào chịu chở con mèo của mày lên cho em Sâu nhà chú Kỉ”. Nhưng bố tôi đã nhầm, tôi đã đi bộ, điều mà ông không thể ngờ tới là trong vỏn vẹn 15 phút ấy tôi đã thay đổi cuộc đời mình.

Khi tôi bước chân đi về phía vỉa hè để ngóng chú Kỉ thì một người trẻ tuổi đứng dậy đưa tay ra trước mặt tôi. Với một đứa con gái vừa hết lớp 12 trường làng thì việc bắt tay khác gì chai vang đặt trước mắt mấy gã nghiện cuốc lủi nút lá chuối. Tôi rón rén bắt tay gã như rờ phải vung nồi nóng, anh ta lập tức kích hoạt vùng sở trường của mình là mồm mép. Những cái tên gọi rất khó nhớ kiểu sau đại học, thạc sĩ hay phó giáo sư gì đó.

Nghe đến khi con mèo cào đòi chui ra khỏi túi thì tôi lờ mờ hiểu ra: Anh ta vốn là học trò và giờ đang làm trợ giảng cho ông thày kia. Đại loại đó là thế giới của họ, tôi không có ý định tìm hiểu ngoại trừ một câu khẳng định:

- Thày Huân rất chú ý đến tài năng của em.

Anh ta tự giới thiệu tên là Quý. Nghe vẻ lòng đầy hoài bão nhưng cái ví chắc lép kẹp. Dạ dày chắc cũng không khá hơn là mấy nhưng phổi thì như một quả khinh khí cầu chứa đầy hoài bão, khí chất của người trẻ. Nhưng điều bất ngờ, anh ta còn là cháu họ của thím tôi, một người thím chưa bao giờ xem tôi ra gì.

Hôm nay, thím đi vắng mấy hôm, càng thích. Tôi tha hồ thả chú mèo đi tung tăng. Lúc ăn cơm chú hỏi:

- Thế bố mẹ định lo cho cháu như thế nào?

Tôi lắc đầu và kể hình như bố mẹ không nói gì. Thật ra hàng ngày họ chỉ quay qua cãi cọ nhau. Để thay đổi không khí, tôi bèn đem cái chuyện vu vơ ngoài quán nước ra kể. Tôi đắc ý vì tờ mười ngàn sót lại trong túi quần từ hôm đi mua dầu ăn cho mẹ. Hôm nay tôi lại mặc đúng cái quần ấy. Tờ tiền nhàu phát huy tác dụng.

- Ông ấy có tài, cũng tử tế.

Đầu giờ chiều khi đang ngủ thì ông Huân gọi điện cho chú tôi mời hai chú cháu đến chơi. Chẳng hiểu sao ông ấy biết tôi đang ở đây. Nhà ông nằm trong khu đất rộng và yên tĩnh. Nắng hanh vàng, gió nhẹ. Tôi nhớ sân trường tôi cũng có khu tập thể giáo viên, nắng và gió hình như không khác. Chỉ có điều, nó như cái tổ cũ không thể dung chứa một cánh chim háo hức bay xa.

Chuông vang lên ba tiếng vọng vào căn nhà ốp đá. Một người đàn bà ăn mặc bộ đồ ngủ nhã nhặn ra mở cửa. Anh trai trẻ lúc sáng bước ra đón chú cháu tôi bước vào. Thật bất ngờ, đập vào mắt tôi là một phòng khách nhỏ, đồ đạc ngăn nắp sạch sẽ. Ông Huân đang mặc một bộ pijama, trên bàn là chiếc máy tính xách tay:

- Chào hai chú cháu. Tôi mong quá, ngồi đi.

Cốc nước cam được đặt trên mặt bàn im phăng phắc. Tôi ngại không dám uống vì nghĩ nó đắt giá hơn tờ mười ngàn của mình.

- Anh Kỉ có biết vì sao tôi muốn được gặp được cô bé này không?

Chú tôi lắc đầu cười. Anh Quý vội đỡ lời:

- Thưa thày, em biết thày đã tìm được người có tư duy mới. Sự chủ động…

- Vâng, cậu ấy nói đúng anh Kỉ ạ. Chúng ta không thể cải lương mãi được. Phải bắt đầu từ một người mới. Chúng ta sắp bước vào thế giới truyền thông từ ăn uống, ngủ nghỉ, chăn nuôi, trồng trọt đều cần “rì viu”. Nhìn lại thì cánh mình đều nhá nhem cũ mới.

Tôi dụi mắt, khẽ lấy tay bấu đùi mình. Cái ông này và cả anh trai trẻ kia liệu mắc chứng bệnh gì mà nói toàn chuyện như đến từ hành tinh khác trong phim hoạt hình Doremon. Tôi nhìn ra cánh cửa, chỉ vài bước chân là thế giới đời thường đầy sôi động trong khi ở đây là cõi vu vơ của mấy người này.

Nhưng chú Kỉ lại cũng mụ mị không kém:

- Thày cứ tạo điều kiện. Cháu nó cũng không có việc gì làm lúc này.

Tôi chưa kịp quay sang lườm chú thì ông Huân đã đặt trước mặt tôi tờ giấy và chiếc bút bi, ông hỏi:

- Cháu hãy viết một đoạn chừng mươi dòng về một dự định mà cháu luôn muốn thực hiện.

Tôi cầm bút lên, không ngần ngại gì tôi viết về điều tôi đang nghĩ. Xong, tôi đưa cho ông.

Ông Huân cầm lên và đọc to vừa để chú cháu tôi nghe vừa để anh Quý chép vào máy tính:

Tôi mười chín tuổi, chưa học nghề gì nhưng tôi có một chiếc túi được đan bằng cỏ khô quê tôi. Thứ cỏ này bền, đem lại cảm giác thân thiện với người mang theo, không mục khi gặp nước, nền nã và giản dị. Tôi sẽ bán nó với cái giá của một thứ được làm bằng tay và ý tưởng độc lạ. Còn nếu không ai thích, tôi sẽ đặt vào trong đó chú mèo nhỏ, cùng nhau đi khắp thế gian này. Tôi tin tôi”.

- Đúng 88 ký tự, thật tuyệt, con số đẹp. - Anh Quý thốt lên khi bàn tay vừa dừng lại trên bàn phím.

Ông Huân tháo kính ra nhìn tôi:

- Đúng là thế hệ millennials, khác biệt hay là chết. Bạn sẽ hạ gục những gã mọt sách trong một ngày gần đây. Nào, nhưng trước hết hãy đọc nó, đọc như một người đói với chiếc bánh mì.

Anh Quý đặt vào lòng tôi một đống sách. Những bìa sách tôi chưa từng thấy với chi chít các hình ảnh của sự kết nối gì đó. Nhưng những ngày sau đó tôi vẫn lao vào cuộc. Có lẽ trong cái đầu ngu ngơ này đang nở một nụ cười thầm: “Chiếc bè mong manh cứu rỗi một kẻ ngang bướng”.

Từ đó, tôi xin phép bố mẹ để được ở với nhà chú Kỉ. Khỏi nói, bố mẹ tôi rất khó chịu không phải vì con cái hư hỏng, bất hiếu, nghiện ngập mà đại loại là: Nó làm con sen là gì? Mạng có nuôi được nó không hay dăm bữa nửa tháng người ta đem mấy cái dây “ấy đi ét eo” (ADSL-Asymmetric Digital Subscriber Line) ra làm dây phơi dẻ lau chân, lau nước đái trẻ con? Liệu người ta có dụ nó làm thế để rồi mại dâm, hay bán nó qua biên giới?...

Tôi bận và tôi tin nếu có giải thích họ cũng sẽ không hiểu. Ở thời điểm ấy Facebook còn mới toanh, hàng hóa hoặc được quảng bá bằng các tờ rơi. Người người miệng nói, tay dán cật lực để thu hút sức mua về mình. Trong khi, khách hàng vẫn cố thủ trong lô cốt bảo thủ với câu thần chú: “Của rởm mới cần mời chào nhiều”.

Một sáng, tôi bị đánh thức từ chiếc điện thoại cục gạch mà chú Kỉ cho. Thực ra từ ngày có nó tôi chỉ dùng để báo thức và xem giờ vì chẳng có ai gọi đến và cần liên lạc với ai. Anh Quý bảo ông Huân phải nhập viện gấp. Tôi chạy vội sang, từ nhà chú tôi sang nhà ông Huân đi tắt chỉ tầm năm trăm mét.

Đến nơi vừa lúc cáng đã được đẩy lên xe cấp cứu. Anh Quý thất thần kính cận tụt xuống sống mũi. Tôi cũng sững sờ, chẳng lẽ giấc mơ của mình kết thúc rồi sao. Anh Quý chỉ vào đống giấy tờ trên bàn và bảo:

- Tiền đồ. À không, phải là tiền bạc của anh em mình cũng nằm trong đống giấy đó. Thày tai biến thế thì…

Tôi lao vào đống giấy tờ như để tìm một câu danh ngôn của Albert Einstein: “Sự đơn điệu và cô độc của một cuộc sống yên lặng kích thích trí sáng tạo”. Tâm trí dập nát sau đêm thức trắng, tôi tìm đến lọ trà trên bàn, pha một cốc thật đặc, mặc dù dạ dày đang đói thắt, uống thứ nước nghiệt ngã đó và bắt đầu viết. Mười đầu ngón tay tôi run lên trên bàn phím cứng ngắc. Viết, thế giới này chẳng phải đã hiện ra một diện mạo khác từ khi có người viết. Hai vạn dặm dưới biển của Jules Verne, một thiên đình náo loạn bởi con khỉ đá của Ngô Thừa Ân hay loài người khốn khổ dưới sự thống trị của loài chuột theo cách mà Albert Camus viết. Tôi biết trong sự ồn ã của thời đại này vẫn có những người miệt mài viết tiểu thuyết sau những ô cửa. Các cuộc thi thơ, văn, ký sự vẫn đều đặn đăng bài dự thi trên báo. Như oxy len lỏi trong khói bụi, carbon, người ta vẫn “uống” những con chữ đầy cảm xúc đó. Tôi từng bắt gặp một bạn sinh viên khép nép ngồi đọc sách dưới mái hiên một cửa hàng đóng cửa. Một cụ già nheo mắt, cặp kính dày cộp đang cố giúp cho đồng tử già nua tăng lên cực đại để nhận diện những chữ cái trên trang sách ố vàng. Thời nay, người ta sẽ không đủ sức lực, sự kiên nhẫn để đọc và trải nghiệm. Không sao, tôi sẽ là tấm lưới lọc để lựa chọn cho họ, làm một content thực thụ như ông Huân nói. Nhưng tôi cũng là một con sen như thím tôi hay đùa. Suy cho cùng, tôi phục vụ cho nhu cầu hiểu biết của xã hội chứ đâu hầu hạ riêng một ai.

Vậy tại sao tôi phải kết thúc những hy vọng của mình cùng với vị giáo sư có trí thức uyên thâm, cùng một anh cán bộ hợp đồng đầy năng lượng và hoài bão như thế? Họ làm việc không kể ngày đêm nhưng lại không thể viết ra những câu từ thức tỉnh nhận thức của mọi người. Nhưng các users của tôi là những ai?

“Tôi là Huân, xin chào các bạn, từ hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện…”.

Tôi bắt đầu khoác lên mình chiếc mặt nạ ngoại lục tuần.

*

Người sống ở đây như bị chôn chân trong lớp bùn vàng khè. Núi xanh vời vợi xa xôi, con đồi thì thấp tè và bạc màu. Khi đất không nuôi được cây, những mùa ngô lặp đi lặp lại trong vòng luẩn quẩn của cây còi, hạt lép, lõi ngô nhỏ thó cháy hết vèo khi được ném vào bếp củi. Thế mà từ thế hệ này sang thế hệ khác rượu ngô vẫn được chưng cất, người ta uống để diệt trừ mầm mống của sự tù túng, nghèo nàn. Lấy cái gì để vỗ béo cái gì khi người còn còm nhom, khi trẻ lớn lên còi cọc như ngô, nước mắt khóc vì đói dài hơn cả mái tóc. Mẹ đất không thương người rồi.

Đúng lúc ấy, dưới chân dốc có hai kẻ mặt trắng xanh, chân tay lẻo khoẻo, mắt mũi nháo nhác xuất hiện. Ban đầu, họ hỏi đường rồi cũng chả biết mình nên đi đâu đành lân la đến bên bà già đang ngồi vừa trông cháu vừa tẽ ngô. Khỏa từ nương về nhìn hai người khách lạ mà chẳng buồn tiếp chuyện. Anh thấy bà mẹ anh đang lò dò ra thái rau lợn, đứa con nhỏ bò ra đất khóc oe oe ăn vạ bà nội.

- Mẹ trông nó đi, để tôi làm.

- Mày không nghe thấy đám lợn đang kêu trong chuồng à mà giờ mới về.

- Lợn kêu đã sao, người sao nuôi được lợn.

Bà mẹ im lặng, tức giận lấy tay xiết mạnh nắm rau xuống cái thớt gỗ dổi đã cáu bẩn để thái. Đúng lúc ấy, gã khách tiến lại nhảy bổ đến:

- Đừng bác, để cháu xin, cháu xin cái cây này…

Miệng nói, tay gã luồn dưới lưỡi dao sắc lẻm của bà để nhón một cái cây đinh lăng nhỏ xíu. Bà cụ thấy lạ. Nhìn bộ dạng bọn này thì không giống thương lái sang mua rễ cau, giun đất, vỏ thông…

Cuối chiều, hai người ra về, Khỏa như người bị treo ngược lên xà nhà bởi một câu nói chắc nịch của đứa con gái mặt còn bấy hơn củ măng lưỡi lợn:

- Anh đang sống trên vốn không đồng và lãi tiền tỉ mà không biết.

“Mỉa. Nói khoác thối mồm”. Khỏa kiềm chế để không nhổ vào mặt cái đứa con gái câu ấy. Khỏa tầm này tuổi, lại từng đi xẻ gỗ, đãi vàng, phụ hồ, phụ xe… bầm dập, chìm xuống, bật lên chưa thiếu chỗ nào vậy mà số phận vẫn dồn đuổi về cái xó này để cắm mặt xuống đất, tự hỏi: Có gì ngoài ngô? Chê ngô còi cọc thì cạp đất đồi mà ăn sao?

Tôi bắt đầu sống như một cái kim giây đúng nghĩa. Đợt tấn công đầu tiên vào thế giới người nhung nhúc trên mạng bằng những status đã thất bại đến kinh ngạc. Không một lượt truy cập, cộng đồng mạng lướt qua tôi không cảm xúc.

Tôi kiệt sức. Tôi đưa tay vờn chú mèo. Mấy tháng qua đi, thân nó đã dài ra chứ không còn bụ bẫm như trước nữa. Bất ngờ, nó đưa tay tát thẳng vào bàn tay tôi bằng những cái móng sắc. Thêm lần nữa, kết quả không khá hơn, mèo vẫn nghiêm khắc như cô giáo đánh vào tay kẻ học trò ngơ ngác giữa thế nhân này. Tôi bừng tỉnh: Mèo không hiểu tôi hay tôi chưa hiểu mèo? Khi cộng đồng im lặng có nghĩa là họ đang có rất nhiều câu hỏi. Tôi xách ba lô, mũ, đi đôi giày màu đất nâu và bước đi. Gặp Quý, tôi ném vào mặt anh bài toán. Quý bực bội với bài toán về lợn của tôi:

X + lợn = thu nhập cao.

- Tại sao phải là lợn? Bò, trâu, dê, dúi, cầy hương thì sao em?

- Không ai chê thịt lợn, không ai bỏ được thịt lợn thì nó mới ngự trong mười hai con giáp, anh hiểu chưa?

Có vẻ thứ triết lý thực tiễn vụn vặt của tôi đang thắng thế trước anh giảng viên hợp đồng chấp chới lí luận này. Chúng tôi vào viện, đứng bên giường nhìn ông Huân đang thở đều đều với ống oxy, tôi cắn chặt ngón tay út và nghĩ. Một người tóc bạc, lòng khòng nhưng cả đời đã dành tâm nguyện để làm lợi cho nông dân. Tôi không có trình độ để hiểu các lý thuyết cao siêu của ông về chăn nuôi nhưng qua thực tế tiếp xúc tôi biết ông chỉ muốn vật nuôi được lớn lên một cách tự nhiên, được là chính mình. Nó được ăn sạch, uống sạch và đóng góp vào chuỗi thức ăn của con người.

Lứa lợn đầu tiên là ba con sọc dưa đã chết hai còn một.

Quái lạ, chúng hung hãn là thế mà về tay tôi và anh Quý bỗng bỏ ăn, nằm bẹp rồi chết. Thím tôi một mực nói tôi không có tay nuôi động vật, trừ loài mèo hoang dã ngày phá đêm gào. Nhưng tiếng gào của nó mách bảo tôi trong đêm. Tôi nằm nghĩ mình chỉ là đứa lẻo mép, viết lách nhì nhằng, hóng chuyện và nói leo giữa cuộc sống đầy nghiệt ngã này. Nhưng có thể - tôi nghĩ có thể thôi chứ chưa dám khẳng định - do anh Quý. Anh ta quá sách vở mà chưa tính đến sự bừa bãi trong gen của vật nuôi. Lợn ở quê thả lã, phối giống tự nhiên đâu như các trung tâm của người nghiên cứu. Vì thế phải điều chỉnh lại khẩu phần ăn.

Tôi dậy khoác áo, đi bộ sang khu chuồng nuôi phía sau nhà ông Huân trong se lạnh của đêm mùa thu. Vừa mở khóa tôi vừa nghĩ sao mình mong manh và điên rồ đến thế. Hay là về đi làm công nhân, về lấy một anh chồng hoặc theo chân bố mẹ định đoạt, game over từ đây? Thế thì đơn giản mà thê thảm quá. Còn một con lợn, tôi sẽ quyết chơi đến cùng.

Tôi bị đánh thức bởi tiếng gọi của anh Quý:

- Ngủ đây không sợ thằng nào vào hiếp hay bắt đi bán qua biên giới à?

- Ôi, em ngủ quên, con lợn chết chưa anh?

Tôi nói như đúng rồi để khép lại sự thất bại, vừa uể oải ngồi dậy. Không cần anh Quý trả lời, hai tay đút túi áo bước ra về.

- Phỉ phui cái miệng chưa đánh răng. Chết đâu mà chết, phởn lắm, khéo nó biết động đực trước cả… khối người.

À, dạo này anh ta bắt đầu biết nói bậy cơ đấy. Tôi tủm tỉm cười. Con lợn ăn no đã ị một bãi phân lớn từ lúc nào. Đầu ra đầu vào thế là ok.

- Tại sao em không thấy mùi phân thối như mọi khi nhỉ?

- Chắc đầu óc u mê quá rồi, hihi. Đùa thôi, đó là do thức ăn đã được anh em mình xây dựng đúng công thức. Nếu cả tuần được như này thì…

- Tôi nhảy cẫng lên như một con điên. Cái anh già khó tính ở miền đồi bạc phếch ấy sẽ phải tin tôi.

Khỏa miễn cưỡng cầm tờ giấy tôi đưa lên xem và nhìn lại đám cây hổ lốn được quây trong cái “vườn thí nghiệm”. Gọi là vườn cho tử tế chứ đến chó cũng chả thèm đến tè bởi vườn toàn những thứ cây thuốc không hẳn mà ăn ghém, ăn gỏi không hẳn. Nhưng cũng lạ, lợn cứ hóng thứ thức ăn thập cẩm hòa với cám này và ăn ngon, ngủ say. Tháng nữa là lứa lợn xuất chuồng, chẳng biết nói sao với cái đứa con gái mặt non choẹt và hiếu thắng ấy. Khỏa nhớ cảnh nó vét đến đồng tiền cuối cùng mua lợn giống. Nó lóng ngóng thái lá, nó say nắng xỉn ngay góc chuồng và mặt tái mét thì thấy ngài ngại. Người đâu mà…

Tôi gọi xe đến thẳng bệnh viện. Giờ tôi chẳng nghĩ được gì. Mấy tháng qua tôi dùng nick Facebook của ông Huân để viết. Tôi chỉ viết về một thứ đó là thức ăn, là miếng thịt sạch và lương tâm của người chăn lợn. Tôi tự thấy mình chỉ là một con sen chứ đâu phải content ở tầm nhận thức cao. Tôi đi theo ông và anh Quý để hầu hạ cho chính sự liều lĩnh, bất cần, hiếu thắng của mình.

Người đàn bà mặc bộ đồ ngủ ra hiệu tôi có thể vào phòng. Ông Huân đã ăn được cháo loãng, mở mắt nhìn tôi nhưng cái miệng méo xệch. Bên cạnh ông là chiếc Ipad to tướng lằng nhằng dây sạc. Hình như ông vừa được bà cho xem những gì được up lên trang, mắt ông ánh lên một tia sáng cực độ. Ông ra hiệu gì đó và khi nắm lấy bàn tay tôi, mắt ông ứa ra những giọt lệ. Bà vợ nói với tôi rằng ông bà chẳng có con, ông Huân mải mê nghiên cứu và hướng dẫn nhưng những học trò của ông chỉ nhăm nhăm được thăng tiến bằng các công trình lý thuyết khô cứng. Chỉ đến khi gặp tôi, một đứa bất cần, liều lĩnh, những ý tưởng của ông đã được đi vào thực tế.

Tôi ra hành lang ngồi nhìn xuống thành phố. Thật ra ông Huân chẳng áp dụng công trình to tát nào. Ông nhận ra và tự từ bỏ tất cả mọi lý thuyết và chỉ quay về với những phát hiện tự nhiên dân dã. Ông muốn nuôi lợn bằng những thứ lá lành của thôn bản. Cho vật nuôi được sống đúng với bản năng của nó. Còn tôi, tôi đã viết xong một status trước khi đến đây và tôi biết chỉ mấy tiếng vừa qua đã có cả trăm comment hỏi địa chỉ và giá lợn sạch nuôi bằng thảo dược. Họ đã được thưởng thức và háo hức về một thứ thực phẩm sạch. Họ ồn ào như cơn lũ nhưng lại chẳng để tâm phải sống thật hồn nhiên, chất phác, thấy việc nên làm thì chẳng nên đừng và sẵn sàng nhăn nhở cười trước cả thất bại như tôi. Điều gì là quý giá nhất ở đời này, danh vọng, tiền hay sự thử thách?

Tôi chìm vào giấc ngủ, mai thế nào ư? Chẳng sao cả, đến đâu hay đến đó trong nhịp sống này. Mèo sẽ gọi tôi dậy đúng giờ bởi tôi là một content hay con sen của chú mèo.

B.V.P
(TCSH433/03-2025)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Tin nổi bật
  • Vy đi dọc bờ biển trong vô thức. Biển đêm vắng lặng, trái ngược với không khí náo nhiệt ban ngày.

  • Ngọn lửa bùng lên dữ dội, gỗ cháy, tiếng nổ lép bép như dồn dập hơn, ngoạm lấy từng đồ vật mà nó đi qua, tất cả nhuộm thành một màu đỏ rực. Cây đòn dông trên mái đổ ập xuống, cô bị kẹt giữa ngọn lửa, sức nóng của lửa khiến cô ngã khuỵu xuống, hai tay chới với, cố gọi to hơn, nhưng âm thanh như bị chặn lại.

  • 1. Dạo này, Trương hay nằm mơ thấy mẹ về giục sửa lại mái ngói trên căn gác xép. Trong mơ, anh vẫn nghe rõ tiếng mẹ bảo dọn hết đồ đạc cũ và cất cẩn thận, đừng vứt đi.

  • Người lái taxi hỏi anh, ngài có cần tôi giúp gì không? Jean lơ đãng nhìn ra ngoài cửa kính, bầu trời trong xanh, sau một trận mưa nhỏ, rửa sạch bụi bặm của những trận nắng hạn khôn cùng ở xứ sở này, mà lần đầu tiên anh đặt chân đến, trong vòng một tuần nay.

  • Về đến đầu làng, Quyên cho xe rẽ vào con đường rợp bóng hoàng lim. Phía trước phấp phới cờ ngũ sắc.

  • HAI SÔNG

  • 1. Đêm xuân đất Huế, trăng tỏ, trời trong. Đó là khi mẹ sinh An.

  • Đợt không khí lạnh tràn về đúng vào dịp giáp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn. Nhiệt độ giảm sâu hơn mức trung bình của tháng rất nhiều. Mấy năm nay Thảo cũng đã thích nghi với khí hậu vùng núi A Lưới này rồi, nhưng đây là đợt rét sâu nhất mà cô biết về kể từ khi tới đây nhận công tác.

  • Chảy dọc xuống bãi cát hoang vu trống lạnh, hình bóng người đàn ông ngồi bó gối trên bãi cát vắng quay mặt về phía biển khi ẩn khi hiện trên từng lớp sóng trào. Cuối thu, gió từ trùng khơi lạnh lùng thổi rối tung mái tóc nhuốm bạc.

  • Họa sỹ Phạm Nguyễn từ tốn nhấp ngụm cà phê còn ấm nóng và thở nhẹ ra thoải mái. Từ bao năm nay, cà phê là thức uống không thể thiếu của ông vào buổi sáng. Mươi phút nữa ông sẽ ngồi vào bàn làm việc.

  • 1. Tôi nghe tiếng mái chèo. Thứ khua khoắng chỉ vang khi Huế thực tĩnh. Ngoài hiên là bụi hoa giấy đương rộ màu tím hồng, cùng vạt nắng chói chang. Cái nắng khiến người ta muốn nốc cạn một ly trà đá ngay trước bậc cửa.

  • “Ạ ơ… Chàng ơi ai bảo cho chàng, lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây. Trăng đưa gió mà gió lại đưa trăng, trăng lặng vì trời, gió lặng vì ai. Ạ ơ…”.

  • Nó vốn không ưa cái thứ nằm bên cạnh. Một thứ chắp vá của thời hiện đại, chẳng hiểu vì đâu lại qua được vòng loại.

  • Chuyện không có nổi một đứa con hoàn toàn chẳng còn dính líu gì tới phúc đức. Phúc mỏng phúc dày không quan trọng, thậm chí là vô phúc cũng chẳng sao. Chỉ cần ý định khởi lên, ý muốn xác thực, ý thức chuyển ra hành động thì tự khắc mầm mống máu mủ mọc chồi trên thành tử cung người nữ, khiến tương lai tự nhiên kẹt vào ý niệm trong đầu mình.

  • ĐẶNG NGỌC HÙNG

    Giữa trưa, mâm cơm vừa mới được dọn ra thì con bé ôm đầu gối mẹ, ấp úng:

    - Mẹ… con thở… không được.

  • NGUYỄN HẠNH PHƯỚC AN

    1.
    Chị Trân là khách quen của quán tôi. Sáng chủ nhật chị thường ngồi ở bàn số bốn, một mình im lặng ngó ra ngoài cửa sổ. Bao lần đóng cửa thu dọn quán, tôi thoáng chần chừ bên cạnh cánh cửa sổ, băn khoăn tự hỏi có cái gì bên kia cửa sổ?

  • LÊ THỊ KIM SƠN

    Khi tôi để ý đến thời gian, mẹ không còn ở đó nữa. Chiếc lá đã rụng, mặt trời đã sẫm lại, ánh sáng trên bầu trời tạo thành vệt cam đỏ. Chẳng còn lại gì trong ngày, chỉ còn tôi và cây cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp.

  • NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN Ông Trà quàng sợi dây lên vai tập tễnh bước, con trâu đang ngoạm cỏ thấy dây thừng bị kéo căng thì chậm chạp bước theo.

  • LÊ NGỌC SƠN Tôi đến thành phố Shefield của nước Anh vào một buổi chiều muộn giữa tháng chín. Trời khi đó đã nhập nhoạng tối. 

  • NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG 1. Người đàn ông mang lửa đi soi mây. Tách mình ra những đám mây, người đàn ông thấy những chiếc lều đã im lặng.