Thư gửi tổng thống Mỹ Richard M. Nixon - Những dòng chữ cuối cùng của chủ tịch Hồ Chí Minh

09:52 19/05/2009
TÔ VĨNH HÀNhững trang viết sau cùng của một con người luôn luôn là điều thiêng liêng và không bao giờ hết bí ẩn. Vì sao lại dùng từ ấy chứ không phải là chữ kia; đề cập đến cái này chứ không phải là cái khác..? Rất nhiều câu hỏi sẽ đến với người đọc khi trước mắt ta là những ý tưởng hiện hữu sau cùng của một đời người - đặc biệt ở con người vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là cái tên mà mỗi người Việt lúc đọc hay nói, không chỉ diễn đạt một quan niệm gần như vô hạn của nhận thức, mà hơn nhiều thế nữa - là âm sắc tuyệt vời của sự kết tụ những tinh hoa quý giá nhất của trái tim mình.

Bức thư của Hồ Chủ tịch gửi cho tổng thống Mỹ đề ngày 25 tháng 8 năm 1969 - tám ngày trước khi Người vĩnh biệt non sông đất nước ta(1). Ai cũng hiểu rằng bức thư được viết lúc sức khoẻ của Người rất yếu(2). Vì vậy, lựa chọn vấn đề nào để giải quyết không phải là điều dễ dàng. Đó rõ ràng phải là vấn đề quan trọng và cấp bách nhất. Có thể nói tới sự dẫn dắt từ vô thức - một điều rất khó tranh cãi - đối với người sắp lìa bỏ cõi trần. Trong những giờ phút sau cùng, nhận thức và tâm linh thường tạo ra những phán quyết xuất thần mà cả nội hàm lẫn ngoại hàm của ngôn từ, đều có không ít những điều để lại sự trăn trở lâu dài.

Phần mở đầu, Hồ Chủ tịch đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ: "vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi..." Tuy nhiên, với một tấm lòng nhân văn đáng khâm phục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói rõ rằng Người "rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam..." Một cách nhìn đầy đủ từ cả hai phía là quan điểm không dễ có được trong hoàn cảnh đầy đau thương của dân tộc. Nó không chỉ là việc bỏ lùi lại phía sau toàn bộ sự thiển cận, mà còn là cách Hồ Chí Minh mở đường cho phần lương tri có thể của người đứng đầu nhà nước Mỹ. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh biết rõ Nixon là người có thể hiểu đúng nhất thế cùng đường của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Vấn đề còn lại là làm cho ông ta nhận thấy ngay từ sự bi thảm của thất bại, niềm thông cảm của người chiến thắng đối với kẻ ngược lại là con đường ngắn nhất để tìm được một giải pháp đúng, cho dù chẳng ai hoàn toàn hài lòng với giải pháp đó.

Phần thứ hai của bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm "chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ..." của toàn thể dân tộc Việt Nam; nhưng Người cũng diễn đạt rất rõ rằng Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoàn toàn đủ tỉnh táo cũng như sự hiểu biết cần thiết để đưa ra "cơ sở hợp tình hợp lý" trong việc giải quyết "vấn đề Việt Nam". Điểm độc đáo phi thường của bức thư là chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố tình lặp đi lặp lại đến ba lần cụm từ "vấn đề Việt Nam". Một cuộc chiến tranh đã kéo dài 15 năm được rút gọn bằng hai từ thật giản dị. Hồ Chủ tịch đã chỉ ra cho tổng thống Mỹ thấy chân lý đang hiện rõ ở nơi mà ông ta cố tình không nhìn thấy. Sự ngoan cố của nhà cầm quyền Mỹ; sự không hiểu hết tư tưởng Hồ Chí Minh của rất nhiều người - đó là một phần của nguyên nhân giải thích vì sao phải đến bốn năm sau khi Người qua đời, Hiệp định Paris mới được ký kết (!)

Nói như thế để thấy rằng sự tinh tế của tư duy, sự mẫn tiệp của trí tuệ, sự nhạy cảm của một thiên tài và tầm nhìn xa sâu sắc của một lãnh tụ vĩ đại có ý nghĩa như thế nào đối với việc có thể thay đổi số phận một dân tộc.  

 Phần cuối của bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc đòi hỏi tổng thống Mỹ phải "rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam", coi đó là phương án duy nhất đúng đắn của "lòng mong muốn hành động cho một nền hoà bình công bằng" của tổng thống Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng Người nhìn thấy:
"Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự".

Trong bức thư, câu trên được viết thành một dòng riêng. Cần lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Hồ Chủ tịch chính thức dùng từ "trong danh dự" để mở lối thoát cho siêu cường lớn nhất thế giới có thể cứu vãn được phần nào sự xói mòn nghiêm trọng uy tín của họ trên trường quốc tế. Đó là cách làm tỉnh táo từ truyền thống rộng lượng của dân tộc Việt Nam kết hợp với sự uyển chuyển đầy linh hoạt nguyên tắc đối ngoại của Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hiểu rất rõ con đường để nhân dân ta đi tới đích thắng lợi vẫn còn dài. Vì vậy, ở câu kết của bức thư, Người viết "Với thiện chí của phía ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam." Chỉ với số lượng rất ít từ ngữ, người đọc có thể hình dung thật đầy đủ rất nhiều những khó khăn sẽ đến từ bản chất ngoan cố của chính quyền Mỹ.

Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng chữ cuối cùng của cuộc đời. Ngắn gọn và sâu sắc, giản dị nhưng đầy sức nặng không chỉ là văn phong mà còn là sự kết tinh nhuần nhuyễn giữa một tri thức uyên bác và sự linh cảm diệu kỳ. Tất cả những gì Hồ Chí Minh đã "thấy" trước khi Người mất đều đã xảy ra, thậm chí chính xác đến từng chi tiết.

 Làm sao Hồ Chí Minh có thể gần như chắc chắn rằng R. Nixon sẽ phải là người quyết định ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam? Trong rất nhiều công việc bộn bề của một chủ tịch nước; trong giây phút cận kề giữa sự sống và cái chết, tại sao Người lại coi việc viết thư cho tổng thống Mỹ là điều quan trọng nhất? Có mối quan hệ nào giữa lời mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 - 9 - 1945; khai sinh một Nhà nước với sự kiện này không? Hơn nữa, đó là bức thư được viết vào "một ngày đầu thu, nghe chân ngựa về..." rất gần?.

Tôi viết những dòng này khi cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq đang diễn ra vô cùng quyết liệt (05-4-2003). Có rất nhiều sự khác nhau giữa hai cuộc chiến tranh Iraq bây giờ và Việt Nam trước kia; nhưng khác biệt lớn nhất, theo tôi nghĩ đó là Hồ Chí Minh.

Những ngẫm suy về Chủ tịch Hồ Chí Minh là những điều, như tôi đã nói đầu bài viết này, chỉ có thể đúng phần nào khi ta bắt đầu từ một trái tim. Luận giải xung quanh một nhân vật hay một sự kiện phi thường, lỗi lạc - tri thức chỉ đủ để mô tả, hay nhiều lắm, nhìn thấy vừa đúng(!) tầm vóc con người của nhân vật đó. Sự vĩ đại của nhân cách, sự nghiệp; con người và tư tưởng của Hồ Chí Minh là một trong số ít những điều mà dân tộc Việt, loài người - sẽ hiểu được sau rất, rất nhiều năm nữa.           

Nhân loại đang nói bằng nhiều cách về một thế giới mà sự hợp tác, phát triển hình như ngày càng rực rỡ những ánh hào quang của không ít pháo hoa? Tuy nhiên, đôi khi loài người cũng phải ngồi lại để nghĩ rằng, chừng nào mà chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại; chừng nào mà những tham vọng quyền lực, những đe doạ của chủ nghĩa dân tộc quá khích, sự khủng bố còn tiếp tục; thì chừng đó, hình ảnh bất tử của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao của tất cả những gì tinh hoa nhất của dân tộc Việt, dòng máu Việt, sẽ mãi vẫn là tấm gương sáng ngời của trí tuệ và lòng kiêu hãnh tuyệt vời; về tinh thần dũng cảm, quyết tâm hy sinh cho nền độc lập, tự do của TỔ QUỐC mình.

Huế, 05 tháng 4 năm 2003.
T.V.H
(171/05-03)

-----------------------------
(1)Những trích dẫn trong bài này là ở trang 488 - 489 của tập 12, Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia; H. 1996.
(2) Tất nhiên không loại trừ khả năng bức thư này được viết sớm hơn.
(3) Những chỗ nhấn mạnh hoặc in nghiêng trong bài này là của tác giả.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRIỀU NGUYÊN

    1. Đặt vấn đề
    Nói lái được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp thông thường, và trong văn chương (một lối giao tiếp đặc biệt). Để tiện nắm bắt vấn đề, cũng cần trình bày ở đây hai nội dung, là các hình thức nói lái ở tiếng Việt, và việc sử dụng chúng trong văn chương.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ  

    (Đọc tiểu thuyết “Huế ngày ấy” của Lê Khánh Căn, Nxb. Quân đội nhân dân, 2006).

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    (Đọc “Song Tử” của Như Quỳnh de Prelle)

  • VŨ TRỌNG QUANG

    Trần Thiên Thị viết tắt TTT hay đọc là 3 Tê, tôi liên tưởng đến những T thơ ca:

  • GIÁNG VÂN

    Tôi gọi chị là “ Người truyền lửa”.

  • LGT: Trong khi giở lại tài liệu cũ, tình cờ chuỗi thơ xuân năm Ất Dậu 2005 của Thầy Trần Văn Khê xướng họa với chị Tôn Nữ Hỷ Khương và anh Đỗ Hồng Ngọc rơi vào mắt.

  • Là một nhà văn có sự nghiệp cầm bút truân chuyên và rực rỡ, sau cuốn tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo”, có thể coi như cuốn tự truyện của nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh chủ trương gác bút. Bởi ông biết mỗi người đều có giới hạn của mình, đến lúc thấy “mòn”, thấy “cùn” thì cũng là lúc nên nghỉ ngơi.

  • Nhà văn Ngô Minh nhớ ông và bạn văn cứ gặp nhau là đọc thơ và nói chuyện đói khổ, còn nhà thơ Anh Ngọc kể việc bị bao cấp về tư tưởng khiến nhiều người khát khao bày tỏ nỗi lòng riêng.

  • Tháng 4.1938, Toàn quyền Đông Dương đã “đặt hàng” học giả Nguyễn Văn Huyên thực hiện công trình Văn minh Việt Nam để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa VN trong các trường trung học. Một năm sau, công trình hoàn thành nhưng lại không được người Pháp cho phép xuất bản.

  • NGUYỄN VĂN MẠNH
     
    Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng

  • MAI VĂN HOAN

    Vào một ngày cuối tháng 5/2016 nhà thơ Vĩnh Nguyên mang tặng tôi tác phẩm Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vừa mới “xuất xưởng”.

  • Trong đời sống học thuật, nhất là khoa học xã hội, có rất nhiều thân danh dành cho số đông, công chúng (quen xem tivi, nghe đài đọc báo) nhưng cũng có những tiếng nói chỉ được biết đến ở phạm vi rất hẹp, thường là của giới chuyên môn sâu. Học giả Đoàn Văn Chúc là một trường hợp như vậy.

  • Dồn dập trong ba tháng Tám, Chín, Mười vừa qua, tám trong loạt mười cuốn sách của nhà nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn Nguyễn Duy Chính liên tiếp ra đời (hai cuốn kia đã ra không lâu trước đó). Cuộc ra sách ồ ạt này cộng thêm việc tác giả về thăm quê hương đã thu hút sự chú ý của bạn đọc và các nhà nghiên cứu ở Việt Nam.

  • NHƯ MÂY

    Chiều 14/8/2016 không gian thơ nhạc bỗng trải rộng vô cùng ở Huế. Hàng trăm độc giả mến mộ thơ Du Tử Lê và bạn bè văn nghệ sĩ từ các tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội đã về bên sông Hương cùng hội ngộ với nhà thơ Du Tử Lê.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
          Trích Tự truyện “Số phận không định trước”

    Từ ngày “chuyển ngành” thành anh “cán bộ văn nghệ” (1974), một công việc tôi thường được tham gia là “đi thực tế”.

  • NGÔ MINH

    Nhà văn Nhất Lâm (tên thật là Đoàn Việt Lâm) hơn tôi một giáp sống, nhưng anh với tôi là hai người bạn vong niên tri kỷ.

  • NGUYÊN HƯƠNG

    Ở Huế, cho đến hôm nay, vẫn có thể tìm thấy những con người rất lạ. Cái lạ ở đây không phải là sự dị biệt, trái khoáy oái oăm mà là sự lạ về tư duy, tâm hồn, tư tưởng. Thiên nhiên và lịch sử đã vô cùng khoản đãi để Huế trở thành một vùng đất sản sinh ra nhiều cá nhân có tầm ảnh hưởng lan tỏa. Và trong số những tên tuổi của Huế ấy, không thể không nhắc đến cái tên Thái Kim Lan.

  • GIÁNG VÂN

    Cầm trên tay tập thơ với bìa ngoài tràn ngập những con mắt và tựa đề “Khúc lêu hêu mùa hè”(*), một cái tựa đề như để thông báo về một cuộc rong chơi không chủ đích, và vì vậy cũng không có gì quan trọng của tác giả.

  • PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU - PHẠM PHÚ PHONG

    Ở miền Nam trước năm 1975, những ai học đến bậc tú tài đều đã từng đọc, và cả học hoặc thậm chí là nghiền ngẫm Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ - một trong những bộ sách giáo khoa tương đối hoàn chỉnh xuất bản ở các đô thị miền Nam, cho đến nay vẫn còn giá trị học thuật, nhất là trong thời điểm mà ngành giáo dục nước ta đang cố gắng đổi mới, trong đó có việc thay đổi sách giáo khoa.