Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019)
PHẠM THUẬN THÀNH
Nữ thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước giai đoạn 1972 - 1975, tỉnh Hà Bắc thành lập đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) N297 Đề Thám với 500 cán bộ, chiến sĩ, trong đó thuộc tỉnh Bắc Ninh hiện nay có hơn 200 người. Khi vào đến chiến trường Trường Sơn đơn vị biên chế thành Tiểu đoàn 193 thuộc Trung đoàn 217, Sư đoàn 473 Binh đoàn 559. Đơn vị ban đầu làm nhiệm vụ mở rộng đường 9 thuộc tỉnh Quảng Trị, sau đó làm nhiệm vụ mở rộng đường 14 thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đơn vị đã chấp hành nghiêm kỉ luật chiến trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, để lại một phần xương máu tại chiến trường. Đơn vị N297 Đề Thám đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay nhiều cán bộ chiến sĩ đơn vị đang giữ các chức vụ chủ chốt của Hội cựu TNXP Bắc Ninh, trong đó có đồng chí Nguyễn Hữu Tiệm, Chủ tịch Hội.
Cuối tháng 10/2019, Hội cựu TNXP Bắc Ninh đã tổ chức chuyến đi thăm chiến trường xưa cho 42 cán bộ Hội chủ chốt cấp huyện và tỉnh. Bao nhiêu ký ức năm xưa thổn thức ùa về.
Mặt đường bỏng cháy
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiệm khi xưa là cán bộ thống kê của tiểu đoàn. Đứng chân trên Quốc lộ 9A trải nhựa phẳng lì, ông thổn thức nhớ lại người liệt sĩ đầu tiên của đơn vị, chị Nguyễn Thị Thanh.
Chị Thanh quê xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du. Đầu năm 1973 đơn vị bước vào làm nhiệm vụ mở rộng đường 9 cho xe cơ giới đi về hai chiều. Sau một thời gian lao động phổ thông thì cấp trên điều cho đơn vị xe ủi. Ca xe làm đêm chị Thanh có nhiệm vụ cầm đèn làm tiêu. Chiếc đèn cải tiến từ ống bơ, có sợi dây thép ngang ống đỡ bấc đèn và có quai xách cũng bằng dây thép. Ngọn đèn tụt sâu trong ống vừa để tránh gió to làm tắt, vừa để hạn chế quầng sáng tránh máy bay địch. Tuy nhiên nó cũng đủ sáng để lái xe tránh vực sâu. Những khi xe ủi cần bổ sung dầu thì người làm tiêu thường giúp các anh tra dầu để các anh giải lao chốc lát. Hôm ấy chị Thanh cũng giúp lái xe bổ sung dầu. Ngọn đèn để gần để soi sáng miệng rót dầu vào xe. Can dầu đầu tiên an toàn. Nhưng khi rót đến can thứ hai thì lập tức bén lửa. Ngọn lửa từ can dầu phóng mạnh vào người chị. Toàn thân chị cháy như ngọn đuốc. Lái xe chạy đến dùng đất dập lửa giúp nhưng khi lửa tắt thì chị Thanh đã bị bỏng rất nặng. Chị ngã vật xuống mặt đường. Khi anh chị em đến đưa chị đi bệnh viện dã chiến thì chị đã tắt thở. Cả đơn vị thẫn thờ thương tiếc chị, một người con gái nết na, dịu hiền, chăm chỉ. Mặt đường bắt đầu bỏng cháy với mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị N297.
Ba lần thoát hiểm
Chị Vũ Thị Lợi, quê xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du thời N297 là trung đội phó Trung đội 1, Đại đội 1. Trung đội có 2 tiểu đội nam, 1 tiểu đội nữ. Từ cuối năm 1973 đơn vị làm nhiệm vụ mở rộng đường 14 ở khu vực huyện A Lưới. Chỗ cao thì phá nổ cho thấp, chỗ thấp thì san cho cao theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Một lần đã phát lệnh châm dây cháy chậm thì chị Lợi phát hiện còn một lá cờ hiệu chưa kịp thu. Ước định dây cháy chậm còn đủ dài, chị Lợi quay lại thu cờ. Nhưng không may tốc độ của chị chậm hơn, chị chưa kịp chạy tới nơi ẩn nấp thì bộc phá đồng loạt nổ. Chị bị đất đá trùm kín người bất tỉnh. Cả trung đội xúm vào đào bới cứu được chị. Nhưng chị phải điều trị mất mấy tháng mới ra mặt đường tiếp.
Trận đất đá đè đó làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng sức khỏe, ra mặt đường chị vẫn tham công tiếc việc nên đã bị ngất xỉu, y tá Chinh và cấp dưỡng Phượng phải ra đưa chị về nghỉ. Nhưng khi qua con suối cạn bỗng đâu nước lũ tràn về, ba chị em bị cuốn trôi đi. Anh em đứng nhìn hết hy vọng cứu người bởi nước quá mạnh, tốc độ cuốn trôi rất nhanh. Ba chị em đều biết bơi nhưng nước mạnh không thể bơi nổi, cứ đành phó mặc cho nước cuốn đi. Rất may, cả ba chị em đều mắc vào một cây to đổ ra lòng suối. Ba chị em hoàn hồn giúp nhau bám cây lần được lên bờ. Chẳng ai ngờ con suối cạn hiền lành ngày nào cũng lội qua thế mà bỗng chốc trở nên hung dữ vậy.
Lần thứ ba chị Lợi thoát hiểm cũng rất ngoạn mục. Hôm đó chị ngồi xe đi bốc đá. Xe vừa ghé thùng vào đống đá thì bỗng mất phanh, cứ trôi tự do xuống dốc. Càng lúc xe càng trôi nhanh hơn. Chị Lợi chị còn biết bám chắc thành xe. Anh lái xe cũng rất gan dạn, mặc xe trôi anh vẫn giữ chắc tay lái, không để xe trôi xuống vực. Xe trôi đến chân quả đồi thì mới dừng lại được. Bấy giờ chị Lợi mới tin là đã thoát hiểm.
Sau khi phục viên, chị Lợi đã thi đỗ vào trường đại học Y, trở thành bác sĩ công tác ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản của tỉnh. Chị đã tham gia công tác Hội ngay từ những ngày đầu thành lập.
Căn bệnh lạ
Chị Ngô Thị Bảy quê Dũng Liệt (Yên Phong) có lẽ là em út của đơn vị, vì khi nhập ngũ chị chưa đủ tuổi, phải làm đơn tình nguyện. Trong khi làm nhiệm vụ, tiểu đội chị từng bị bom địch đánh trúng, mấy người bị thương nhưng tất cả vẫn bám đường đến cùng. Sau khi giải ngũ, chị bảy là thương binh, công tác tại xã. Khi thành lập Hội chị được bầu làm chủ tịch Hội cựu TNXP xã Dũng Liệt. Năm 2016 chị được bầu là Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Yên Phong. Trở về thăm chiến trường xưa chị lại nhớ đến “căn bệnh lạ” lây lan nhanh hành hạ chị em một thời.
Khoảng giữa năm 1974 do nhu cầu nhiệm vụ, đơn vị tổ chức biên chế lại, gom các tiểu đội nữ lại vào một trung đội. Sinh hoạt, công tác khá biệt lập với các đơn vị nam giới. Một thời gian sau phát sinh một căn bệnh lạ, anh em gọi là bệnh điên lây. Sau khi điểm danh xong, mọi người mắc màn đi ngủ thì căn bệnh xuất hiện. Đầu tiên chỉ có một người phát bệnh, tự cở hết quần áo rồi “nổi điên”, mắt mũi trợn ngược, tự vò đầu bứt tóc. Rồi bệnh lây sang người khác. Người thì khóc, người thì cười, người thì chạy lung tung. Sau này bác sĩ bảo đó là bệnh êch-tơ-ri của con gái, một loại bệnh trầm cảm, không nguy hiểm tính mạng, chỉ cần có người ôm ấp vuốt ve một lát là khỏi. Tuy nhiên, căn bệnh lạ cũng gây ảnh hưởng tâm lí và sức khỏe cho cả trung đội. Đơn vị đã phải đưa các tiểu đội nữ về như cũ thì căn bệnh lạ cũng tự nhiên biến mất.
Ngọn đuốc cuộc đời
Chị Bạch Thị Liên hiện là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban nữ cựu TNXP tỉnh Bắc Ninh. Chị quê ở Thành phố Bắc Ninh. Ở đơn vị N297 chị là cô bé nhỏ con hát hay, được chọn tham gia Đội văn nghệ xung kích. Đội có 7 người, gồm anh Khuê (Yên Phong) chơi măng-đô-lin, đàn bầu; anh Khánh (Yên Phong) thổi sáo; anh Miết (Thuận Thành) kéo nhị; chị Chi, chị Soạn (Quế Võ) và chị Huyền (Tân Yên) hát chèo; chị Liên hát quan họ và nhạc mới. Đội đi phục vụ các đơn vị ở gần. Chị Liên có hai bài tủ là “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, sáng tác của Lưu Cầu, và “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, sáng tác của Huy Du, và các làn điệu quan họ quê hương quen thuộc. Kỷ niệm ở Đội văn nghệ nhiều nhưng chị lại nhớ nhất kỷ niệm ở mặt đường, mà kỷ niệm sâu đậm nhất trong những năm khói lửa là hình ảnh hy sinh dũng cảm của tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Tuyến, quê Gia Bình. Bấy giờ đang bước vào chiến dịch 55 ngày đêm Thần tốc; thần tốc, xốc tới để giải phóng miền Nam, đơn vị đảm bảo thông tuyến không kể đêm ngày. Vào đêm cuối tháng 3/1975, rừng Trường Sơn mưa phùn tối đen như mực. Tiểu đội Nguyễn Văn Tuyến đi làm nhiệm vụ. Đang làm thì máy ủi hết nhiên liệu, anh và một chiến sĩ đi đến bãi dầu lấy thêm. Cứ như mọi bữa làm ngày thì việc mở nắp thùng phuy dầu không khó khăn gì. Nhưng việc lấy dầu ban đêm thì khó khăn hơn nhiều. Nắp thùng phuy bị kẹt, Tuyến phải dùng lực mạnh mới xoay được nắp, vừa mở được nắp thùng phuy thì khí nhẹ phía trên thùng liền bén lửa. Bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem dầu mỡ của Tuyến cũng bốc lửa cháy như ngọn đuốc khổng lồ. Anh còn kịp xô đổ thùng phuy không cho phát nổ để cứu những thùng phuy khác ở gần rồi mới bình tĩnh lăn theo tà li xuống suối ngay dưới chân bãi dầu. Bãi dầu ở ngay gần cơ quan tiểu đoàn bộ, tôi vội hô anh em chạy ra cứu người và cứu dầu. Bất chấp nguy hiểm có thể nổ phuy dầu gây bỏng, anh em vẫn xông vào lăn những phuy dầu trên bãi xuống suối và xông tới dập lửa trên người Tuyến. Mặc dù quần áo đang cháy như ngọn đuốc anh vẫn giục mọi người hãy cứu lấy dầu trước nếu để nổ cháy dầu thì đơn vị không thể hoàn thành nhiệm vụ thần tốc được. Khi dập được lửa trên người anh đưa đi viện thì anh đã không còn cứu được nữa do bị bỏng độ trăm/trăm rồi.
Tiếc thương người đồng đội đã dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ, đơn vị đã phát động phong trào thi đua quyết thắng học tập Ngọn đuốc Nguyễn Văn Tuyến không quản hy sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa. Ai cũng biểu lộ quyết tâm làm thêm cả phần người đã hy sinh. Với ngọn đuốc Nguyễn Văn Tuyến thúc giục, đơn vị đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ dù khẩn cấp tới đâu tới ngày toàn thắng.
Chuyến đi thăm lại chiến trường xưa này của Hội cựu TNXP Bắc Ninh là một hoạt động quan trọng bồi dưỡng tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, hội viên và thế hệ trẻ Bắc Ninh.
P.T.T
(SHSDB35/12-2019)
TRẦN BẢO ĐỊNH
Thương nhớ chú Tư Sâm.
Phải nói ngay rằng, hồi trai trẻ, tôi không thích giới văn chương, chỉ thích giới văn nghệ. Chẳng hiểu vì sao?
BÙI KIM CHI
Thời thiếu nữ của tôi gắn liền với Thành nội. Nơi này tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi yêu Thành nội. Thành nội đã đi vào cuộc đời tôi với nhiều sắc màu.
THANH TÙNG
Kinh đô Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bầu trời u ám của xã hội phong kiến Việt Nam lúc mãn chiều xế bóng đã phát ra tín hiệu của một vì sao NGUYỄN TẤT THÀNH.
LÊ HUY MẬU
Anh Điềm, bấy giờ còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, nhưng đã sắp nghỉ. Anh ra thăm Côn Đảo. Trong đoàn tháp tùng anh ra Côn Đảo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có tôi.
PHẠM HỮU THU
1.
Cuối năm 1989, tôi cùng Trần Phá Nhạc ghé 47 C Duy Tân, Quận 3 - TP. HCM thăm anh Trịnh Công Sơn.
LGT: Hiện không nhiều tài liệu miêu tả miêu tả về đời sống, sinh hoạt văn hóa, xã hội của Huế vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước. Bản dịch dưới đây là trích đoạn từ cuốn nhật kí Adieu Saigon, Au revoir Hanoi (Chào Hà Nội, tạm biệt Sài Gòn - Nhật ký kì nghỉ năm 1943) của Claudie Beaucarnot.
DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
Hồi Ký
Ba mươi tháng tư. Tôi đang dùng bữa tối cùng gia đình thì chợt nghe tivi thông báo ông Thanh Nghị chết.
PHƯỚC VĨNH
Hình ảnh Hồ Chủ tịch là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.
BỬU Ý
Đinh Cường đã vĩnh biệt tất cả chúng ta! Một nghệ sĩ trong cái ý nghĩa toàn diện, cao đẹp nhất, một nghệ sĩ làm lan tỏa nghệ thuật ra chung quanh mình cho gia đình, cho bạn bè, cho cả đời sống, khiến anh trở thành tâm điểm cho những cuộc gặp mặt, những buổi hội hè.
PHAN NGỌC MINH
1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…
PHAN NGỌC MINH
1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…
VÕ SƠN TRUNG
Trong gần một thế kỷ qua, bạn đọc Việt Nam đã tiếp cận khá nhiều tác phẩm của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, trong đó có hàng chục tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, tiểu luận, và thậm chí cả hồi ký của thi hào…
Lần đầu nói chuyện trực tiếp với họa sĩ Đinh Cường tại xe cà phê Tôn trước nhà thờ Tôn Nhân Phủ ở Thành Nội, tôi: “Thưa thầy!” Anh khoát tay: “Úi dà, bày đặt. Chỗ bạn bè anh em với nhau cả, thầy bà chi nghe đỗ mệt!”
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Thật vui mừng và xúc động khi cầm trên tay tập sách Rừng hát của cố nhạc sĩ Trương Minh Phương do gia đình tặng. Tuyển tập dày 1.328 trang, chia làm 4 phần, tập hợp những sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật trong cuộc đời của nhạc sĩ.
VÕ TRIỀU SƠN
Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa.
VÕ TRIỀU SƠN
Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa. Những ngày tháng đầu tiên của các hoạt động văn hóa nghệ thuật dưới chính thể Việt Nam mới diễn ra thật sôi nổi. Sau đây là lược thuật một số hoạt động trong mùa đông 1945, cách đây tròn 70 năm.
LỮ QUỲNH
"Vì tôi là người Huế và đã một thời tuổi trẻ nặng nợ với sông Hương suốt những mùa hè nóng bức ngủ đò nên tôi nhìn sông Hương luôn luôn với đôi mắt của người bạn.
Sáng ngày 27-11-2015 tôi đến nghĩa trang Père Lachaise để tiễn anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng, sau khi hỏa táng, anh sẽ nằm trong ngôi mộ gia đình, đây cũng là nơi nhạc sĩ Chopin yên giấc ngàn thu nhưng trái tim thì trở về quê hương Ba Lan. Nguyễn Thiên Đạo cũng thế anh nằm ở Paris nhưng trái tim và tâm hồn anh từ lúc sống đến lúc chết luôn luôn hướng về Việt Nam.
HOÀI MỤC
Vừa giải phóng xong ba tôi đưa cả gia đình từ thành phố về quê. Cuộc sống vất vả nhưng quá nhiều cái mới lạ nên đầu óc con nít của tôi khi mô cũng thấy háo hức.
NGUYỄN KHẮC VIỆN
Trích hồi ký
- 75 rồi đấy, ông ơi! Viết hồi ký đi. Chuối chín cây rụng lúc nào không biết đấy!