Thơ Sông Hương 7-2007

10:20 16/10/2008
Từ Nguyên Tĩnh - Lê Huỳnh Lâm - Nguyễn Thiền Nghi - Trần Hữu Lục - Mai Thìn - Cao Hạnh - Văn Công Hùng - Trần Tuấn  - Nguyễn Ngọc Phú - Đức Sơn - Trần Vạn Giã - Trần Cao Sơn - Lê Hữu Khoá - Trần Hoàng Phố - Phạm Thị Anh Nga

TỪ NGUYÊN TĨNH

Nói chuyện với con trâu

Trên những độc bình xưa để lại
Con trâu
Cột dưới luỹ tre rợp mát
người xưa yêu quý mày
có bằng Mỹ nhân ?
Sao lại gửi thông điệp cho nhân gian ?
 
Con trâu đâu chỉ kéo cày
Một thời mày
Đi vào truyền thuyết
Tên thật của mày có phải
là Ngưu Ma Vương
Bao chuyện xấu tốt mà người đời thêu dệt
Mày xem thường
Một tên gọi cho cả một giống loài
 
Khi thảnh thơi
Chú mục đồng cưỡi mày thổi sáo
Một đời không màng đến cơm gạo
Mày đâu phải tầm thường
Ăn là cỏ vắt ra là sữa và máu *
Mày là hình bóng của quê hương
Trời có lửa
Đất có bom
Mày có lo âu
Trên lưng mày vang lừng tiếng sáo
Oan uổng
Ai bảo
đem đàn gảy tai trâu **
 
Có lẽ mày là kẻ đã nhậm vận lẽ đời nên không chấp
như  tao
 
Đất còn đạn bom cay đắng
Cỏ chưa ngọt đâu
Hồ ao quân thù chen lấn
Chưa tắm mát được đâu
Cò vạc chưa về làm bầu bạn
Còn có tao
 
Làng quê này không tin mày sao
Không bao giờ mày là thằng phản bội
Bom đạn dày lên cản đường ngăn lối
Mày  đi
Ngạo nghễ  đường cày
Cày đi
Cày đi
như là  số kiếp
Mày là ai trong cõi luân hồi
Ôi con trâu ta hỏi
Sao mày  lắc đầu
Mày là nhà hiền triết của loài trâu.
Ích Hạ ( Hoàng Hoá ) ngày 15/5/1974.
Sửa lại 1/5/2007.
Những ngày làm giáo viên văn hoá

--------------
* Viết lại ý  Đại Văn Hào Trung Quốc Lỗ Tấn
** lượm ngạn ngữ đem đàn mà gảy tai trâu
Sau này là cảm hứng để tác giả viết truyện ngắn: “Vợ chồng xe trâu”

Chiều Đền Hùng

Nắng chiếu tháp chuông

những linh hồn
rung trong gió
Tiếng tụng kinh nghe lay động lá cành
 
Hương thơm
hay hơi thở người xưa lẫn khuất đầu ghềnh?
Ngựa voi ẩn mình trong sương khói
Bến Hạc Trì thấp thoáng bóng Mỵ Châu chờ Trọng Thuỷ
Chiều buông màu thê lương
 
Thuyền ai xuôi sông Thao
Lão ngư ngồi ngủ gật
Nắng nhạt
màu
tiếng chuông
 
Chiều đền Hùng
Tiếng chuông...
Chợt nhận ra
Người lữ thứ
xa nhà
Tiếng chuông...
Giật mình tưởng đã sống trong kiếp nào
gặp Mỵ Châu
Cầu duyên đôi lứa
Chuyện không thành
 
Để ngàn đời chuyện chiến chinh

                            Phú Thọ 23/3/01và 26-27/3/01

LÊ HUỲNH LÂM

Thời văn minh
 
mỗi buổi sáng đọc bản tin trên trang báo điện tử
số người thiệt mạng 1, 10, 90,…
những con số hữu hạn
biểu diễn thành đồ thị của tội ác vô cùng
tai nạn giao thông, đánh bom tự sát, dùng súng sát nhân
 hàng loạt,…
thời tâm thần hoảng loạn
nỗi kinh hoàng vây quanh trái đất
địa ngục không ở vực sâu
địa ngục trong đầu nhân loại
tôi hoài nghi
nền văn minh gieo rắc sự chết
tàng ẩn
trong đền thờ quỷ ma
trong toà nhà không thần thánh
gương mặt lạnh lùng
bao trùm mặt đất
đại lộ vắng bước chân trần
bây giờ đồng tiền được tuyên dương
khuôn mặt ruộng vườn nổi đường gân sâu hoắm
nước mắt ráo hoảnh
đoàn người lao nhanh theo vòng quanh địa cầu
những nét mặt ươm mầm nỗi đau
ai thay thượng đế đọc kinh cầu
buổi chiều thế kỷ XXI.
Huế, 2007

NGUYỄN THIỀN NGHI

Màu tuổi mẹ

Trên hai đầu đòn xóc chai sần tuổi làm dâu
Ghim mặt người xuống nước
Ruộng bàu ô nổi chìm mùa được mất
Tóc khói phủ nối liền vụ
Gánh nhọc nhằn bón ngọn lúa thêm xanh

Những đứa con
Học mùi quê trên vú mẹ
Bùn, rạ, tro đời bọt nặn ước mơ
Thương mẹ buổi ngồi như hoá đá
Thương ba quạt dỗ hạnh phúc hồi sinh

Ngày cháy nám đợi chờ trên sóng lúa
Bầy chim di trốn lạnh vẫn chưa về
Tựa vai chiều, tuốt hạt vàng ký ức
Lắm buổi đong đầy
Lòng chưa mọc chồi vui

Cây lúa chín cong
Cây người chín buồn trĩu gãy
Mẹ cõng bóng mình đi bằng tiếng thở dài hạt lép
Những cánh cò rửa đất
Chập chờn
Bay rát hốc chiều
Đơn lẻ

TRẦN HỮU LỤC

Bến phà đêm

Dòng sông đêm lấp loáng ánh đèn
Ngã ba sông neo chuyến phà cuối
Tiếng phà gọi như xa lắm
Bến sông náy áo trắng thôi bay...

Đôi bờ vẫn nối đêm và ngày
Tiếng phà đêm nối thời thơ dại
Đôi mắt dõi theo lục bình tím
Ngày ấy, giờ chìm khuất trong sương

Bến phà đêm đợi người qua sông
Dường như gió khuya đã ngừng thổi
Dẫu em về kịp chuyến phà cuối
Như hạt phù sa về cội nguồn...

Mai này cầu mới bắc qua sông
Còn đâu tiếng phà giục năm tháng
Mỹ Tho có phôi pha lời hẹn
Bến đợi sông chờ cá quẫy trăng...
                                     
MAI THÌN

Niềm tin

Như con sói cô đơn
như cái trống bấu víu vào tiếng kêu
em cho tôi niềm tin, dù niềm tin em đã mất
em cho tôi sức mạnh, dù sức em không còn nữa

Với ánh mắt thẳm buồn và sự chậm rãi đến trễ
tràng trong trẻo, em đã mang đến cho tôi tiếng ì àm của biển; mang đến cho tôi sự diệu kỳ của cuộc tái sinh mà không sức mạnh nào làm được.

Rất có thể ngày mai tôi không còn em ánh mắt ấy, sự chậm rãi đến trễ tràng trong trẻo ấy không còn dành cho tôi.

Nhưng tôi tin trong suốt cuộc đời này niềm tin mà em đã cho tôi là nỗi khát thèm của nhân loại.


CAO HẠNH

Huế

Cầu Trường Tiền cài trong giấc mơ
Sông Hương chảy giữa đôi bờ hoa cỏ
Núi Ngự Bình khoác làn mây mỏng
Huế - giấc mơ đổ bóng
Thành núi sông và những đền đài
Huế - bức tranh tạo hoá
Ngà ngà say - ngọn bút thăng hoa
Dẫu ngọn gió Lào về quạt lửa
Chẳng bao giờ tôi thấy Huế khô
Vẫn rười rượi bóng trăng, bóng mây, bóng núi
Vẫn rưng rưng nước mắt nắng vàng

Hồn tôi rụng theo sương mai long lanh
Hồn tôi bay theo hai bờ gió
Hồn tôi nở theo hoa phượng vĩ
Hồn tôi tím theo sắc màu của Huế, Huế ơi...

Huế là ánh đất ánh trời
Cuộc giao hoà tạo nên linh khí

Anh ơi xin đừng mang vào Huế
Những điều chi thô kệch trong đời
Dẫu là bông hoa, nhưng đặt không đúng chỗ
Đừng trách rằng sao Huế buông rơi.

VĂN CÔNG HÙNG

Vô xúc

Thì bất lương thôi
đứa bé xoè tay ám ảnh
cái nhìn lạnh
đồng xu keng trong ví
giật mình. Rơi

Người đàn ông cõng con
tay xoè giấy ra viện
người thứ mười rồi
đôi mắt bi ve rợn người

Cứ cắm cúi
ví khép chặt
tay đút túi quần thủ thế
bước
con đường trước mặt chênh vênh...

chiều nghiêng theo một xác lá vàng...

                                               
Chư Sê, 24/4/07

Vô tri
                       
Con hạc đêm
bay về mình hạc
trong ánh trăng hoang dại
lao tìm chân lao
ngọn lúa xanh đến nghẹn đòng
hạc đói

Bông hoa cuối vườn
vươn vào kiêu hãnh
một nhúm trắng
                       
Anh đặt mình vào tay em
những ngón rụt rè run rẩy
                       
cuối trời
cơn bão đi rong...
                       
Chư Sê, 24/4/2007

TRẦN TUẤN
                       
Ngụ ngôn đường và chân
           
* Quyết Liệt thúc tôi băng về phía trước
Yếu Mềm bảo thôi nào rẽ trái
Giả Trá nói hãy đi về bên phải
Ngọn Cỏ dưới chân cười:

- Ngã Tư còn xa lắm!

* Có một người phu đem chôn một con đường
Đêm đêm tôi nhìn thấy
Trên trang giấy
                                               
* Giầy thường cười nhạo bàn chân:
- Mày trong ấy thì nhìn thấy gì!

* Ngày ngày
Đôi bàn chân gõ cửa trái đất
Thấu thị bằng những chiếc mắt cá

* Câu rút bàn chân vào con đường mù
Bước thẳm bước ở lại
Bụi hằn đức tin 
“Đã trao nhau cả một đời
Sao không buồn nổi buồn tôi một ngày”           

* Hội thảo
“Mùa Len Trâu - kinh nghiệm và triển vọng về
hợp tác với làm phim nước ngoài thành công” tại L 'Espace
(Hà Nội) sáng 4/6/05   
* Hội thảo trâu kinh nghiệm trâu hợp tác trâu triển vọng trâu
Trâu cười bối rối
Nhìn lại chiếc móng bốn nghìn năm nứt toác 
             
* Dấu chân mang hình thập ác
Thập ác mỉm cười

* Con E1 ngửa kềnh
Đàn kiến người hoảng loạn
Đường ray xèo khói bỏng
Phê bình nghiêm khắc nhiều cán bộ đường sắt

* Hãy để bàn chân ca hát tự do
5 dòng - kẻ - ngón - chân treo nốt nhạc đất bùn
Bùn đất thứ nhà thơ kinh sợ
Bằng đôi mông đeo kính   

* Dép đi vào đêm
Chân ở lại thềm


NGUYỄN NGỌC PHÚ

Gia tài

Những người đàn ông ném chiếc phao vào tăm cá mù khơi
Đó là đồng tiền lẻ họ tiêu dần trên biển
Điếu thuốc rê rứt những ký ức buồn vấn vào ngày ám khói

Chỉ có rượu giữ lại cho họ chút sức lực trai tráng
Lại một mũi phao chíu vào bóng nước
Cầu vông bắc qua tuổi tác của mình.

Ở phía cuối chân trời

Tà áo chiều tuột chiếc khuy cuối cùng thả đêm về bọc gấm
Tôi lang thang cùng vỏ ốc, tù và
Mẹ gọi tôi về khi vạt nắng cuối ngày khép mảnh buồm không nếp gấp
Những nấm mộ san hô không còn người đến đắp
Tôi nhặt nhánh xương gầy treo trước cửa hoàng hôn

Tôi tai tái giữa ngày bạc nước
Gió vò mây, nắng vò mẹ thêm gầy
Tôi kịp lợp cánh diều bằng đôi mang của cá
Ở phía cuối chân trời
Đôi mang cá đêm đêm về nức nở
Lén thả vào tôi chút bong bóng cuối ngày...


ĐỨC SƠN

Giấc mơ đồng hiện

Con đò và chiếc cầu chiếu ánh sáng xiên
báo hiệu giấc mơ đồng hiện
Gặp lại con đò, chiếc cầu ngũ sắc
Bờ cỏ lụa không thể thành dải bê tông cứng nhắc
Không thể thành hàng cây trơ cành
Không thể bạc rêu theo ngày lũ

Tôi độc hành với câu thơ bãng lãng
Câu thơ giành chỗ nhiệm mầu em
Vỗ sóng mạn đò
Sóng vỗ nếp nhăn di sản
Kết chuỗi mây ngát tím trời
Cố cung, luỹ thành âm âm tiếng vọng
Âm âm tươi đỏ dòng đời
Khoác chiều vàng Thiên Mụ

Sông khó dò, câu thơ sương khói(*)
Cũng vị làng, vườn bất diệt, em ơi!

Cũng danh, tài, sắc, khổ thiên thanh
Cũng vị đắng cay say tới kinh thành
Tới cuối cùng dâng trao bảo kiếm
Và còn đây ánh men pháp lam liêng liếng bàn tay

Vẫn đôi bờ mộng mị chảy vào trong
Miền hiền hoà núi Ngự
Con chiền chiện hát ca
Con tim giữ câu đồng dao ấm áp
Tiếng Thu reo cuộn cuộn năm nào?

Tôi làm tia lửa quẹt ngang trời vừa sáng
Có giấc mơ đồng hiện chói ngày sang.
                                                    Hà Nội, 22/5/2007


-------------
(*) Ý thơ Hàn Mặc Tử


TRẦN VẠN GIÃ

Nhã ca V

Đêm đêm nhìn những ngôi sao
Và khát khao bay xa đến một chân trời mới
Xoá dấu chân tù đọng tỉnh lẻ thơ
Những ngôi sao xa đã lặn
Không chờ tôi trước giờ hành hương đi tìm bí tích
                       dưới tượng đài những nhà thơ thời danh
Câm lặng và giao cảm
Cùng bó hoa tươi dưới nắng quái sẽ tàn
Tôi tự hỏi: tại sao tô điểm ảo trên danh thiếp
                            mua hư danh ba vạn...

Những sắc màu thời gian có thể tồn tại và
                                            không có thể tồn tại
Trong hơi thở của thơ
Trong hơi thở của linh hồn hoa cô độc
Trong hơi thở của ý tưởng bức phá những trang viết
                                  hãm hiếp ngôn ngữ vắng đời sống

Tôi một ngày xa lạ với thơ
Khi quay về hiện thực
Của hạt gạo Mẹ tôi sàng trên nong
Và khóc.

Nhã ca XIV

1.

Hãy bình thản có nghĩa gì sự chết
Ta là hạt bụi nắm tro
2.
Hãy bình thản có nghĩa gì sự chết
Nhà cha ta
Ta phải trở về
Là gió trên vai sau lần tha tội
Là khói thơ
Thiên sứ gọi về trời

Giã từ nhà thơ đàn anh hảo hớn
Và những gian hùng thơ quậy bẩn mặt hồ đời
3.
Bên kia làn ranh này là những đời vô tận
Của lời Diệu ca
Đỏ phía mặt trời.


TRẦN CAO SƠN

Phía có mặt trời

Tổ quốc đang bay về phía mặt trời
Bến hội tụ mọi nẻo đường nhân loại
Ổ trứng Lạc Hồng nghìn năm hương sắc mới
Nâng cánh người nở kịp với bình minh
                                      10 – 2005

Tiếng hô

Hoàng thượng vạn tuế
Nương nương thiên tuế
Trường cửu vạn năm là điều không thể
Tranh mà chi từng chữ từng lời
Cung điện
long sàng
nương nương
bệ hạ
Nhoè tan trong hoang sử xa vời

Tướng dốt nát cầm quân
chết vạn người trận mạc
Quan nhũng nhiễu muôn dân cơ cực
Tội không to bằng một tiếng hô nhầm
Thiên - tuế
vạn - tuế
Thiên - vạn không nội hàm chữ nghĩa
Đẩy tình người lệch bước mấy trăm năm

Thử uống người riêng mình hô khe khẽ
Rọi mặt ta bêu riếu một vầng trăng
                                                Cố cung - Bắc kinh 10/2004

LÊ HỮU KHOÁ

Cõi chèo buông

Nát thân cuối trời, kiếp ngã xuống đời sau
Lạy khốt ba sinh, vái bay phù thế
Thiền tu tạc dạ cõi chèo buông.

                                                 31/12/05

Hai người một thân

Nhớ người nhập thân
Thương người tách thân
Tội người một thân

                              18/1/07

Cuồng dốc

Nắng dội gối mềm thân người suối cạn
Chân trời tê bại, ngày vội bỏ vó người
Dục tình cuồng dốc vớt thân côi.

                                                  27/02/07

TRẦN HOÀNG PHỐ

Mênh mông bóng mẹ

Chiều đã tím con nước ròng lặng lẽ
Chuyến đò xưa trong bóng mẹ mênh mông
Chim bìm bịp gọi hồn vào giấc mộng
Tiếng gọi ai xao xác quạ sương

Trăng đã lặn và thinh không chuông chùa gióng
Dội ban mai vào bóng mẹ tảo tần
Tiếng chim cuốc gọi hồn con rỉ máu
Mây mồ côi dội bóng núi xa xôi

Hái đoá sen bên thềm ngày cũ
Bỏ thinh không trong bóng mẹ hiền
Bên sông tơi bời năm tháng rụng
Bên ta mênh mông bóng mẹ cặm cụi tảo tần

Cuối trời sương và khói, sắc và không, mây nằm như ngủ
Chút bể dâu cay mắt mưa rơi
Hương cỏ hoa cạn chén rưới chân ngày đau khổ
Bồng bềnh đêm chếnh choáng bóng mồ côi

Sinh và tử, biệt và ly, mênh mông bóng mẹ
Đêm nức nở khóc oà trên u hoài tấm gương ngày rạn vỡ
Vòng đời xoay thấm thía biển ân cần
Chén cay đắng uống trọn đời thương nhớ
Chén yêu thương xin nuốt cạn cả đớn đau
Sinh và diệt, khói và hương, bồng bềnh chén luân hồi tiễn biệt

Chén mênh mông nước mắt, mẹ ơi!

                                               Tàn đông, ngày cuối năm Tuất

PHẠM THỊ ANH NGA

amadeus
   * nhân xem cuốn phim “Amadeus” -
      dịp 250 năm ngày sinh Mozart

kết tinh từ những trập trùng đối ngẫu phận người
những u tối - hào quang
những hoài nghi - ngưỡng vọng
những nhọc nhằn – những thăng hoa
những khóc cười
sống và chết

những nốt nhạc có uy lực phép mầu
amadeus

róc rách - nỉ non
cuồn cuộn - trào dâng - sục sôi - vũ bão
mạch chảy bung thốc xé toạc màn trời
xé toang hết thảy những lằn ranh hữu hạn
không gian - thời gian
để thập niên sau thế kỷ sau
muôn vạn năm sau
đời đời kiếp kiếp
khắp khắp địa cầu khắp khắp vũ trụ thiên hà
triệu triệu trái tim phủ phục lắng nghe
nhịp thở oằn theo cung bậc diệu kỳ
hoài vọng đắm say đớn đau hoan lạc
lời hiệu triệu chí tôn
amadeus amadeus
amadeus

ôi amadeus
hơi thở người cớ sao nửa chừng vụt tắt
những nốt nhạc hoài thai cuối đời
đâu đã kịp tượng hình
sao người vội vã thiên thu
khiến nhân loại nghìn sau vẫn chưa hết ngỡ ngàng thảng thốt
12 / 2006

(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • (Gửi nhà thơ L.M.T)Em tìm trong lá một vầng trăng xaEm tìm trong cỏ bóng chiều vừa qua.

  • Đợi tắt mặt trờiĐêm không trăng ta lầm lũi bước sóng đôi với biểnXa khơi thăm thẳm màn đen

  • Tôi vấp ngã vào ban mai trong trẻoNước sông Hương xanh rười rượi tháng tưMưa đầu hạ, sấm chớp chừng vội vãCơn gió hoang lạ lẫm bước tôi về

  • LTS: Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh 12 - 3 - 1946 tại Mộ Đức Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội 1969, vào bộ đội, làm báo ở Đài tiếng nói VN, đi chiến trường bộ cuối năm 1970. Là phóng viên chiến trường, ở Ban binh vận R. Sau giải phóng về trại sáng tác Quân khu 5, sau đó giải ngũ, về Hội Văn nghệ Nghĩa Bình và Hội Văn nghệ Quảng Ngãi. Hội viên Hội nhà văn, ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt . Đã in hơn 10 tập thơ và trường ca. Hai lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt cho hai tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” và trường ca “Những ngọn sóng mặt  trời”. Giờ vẫn làm thơ chơi và viết báo kiếm sống.

  • LTS: Trần Chấn Uy sinh năm 1957, tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, hội viên Hội Nhà văn Việt . Anh là một nhà thơ trẻ đã có 5 tập thơ ra mắt bạn đọc. Trần Chấn Uy đi khắp nơi, say mê với cái mình đã chọn, diễn đạt nó với nhiều cung bậc. Tìm kiếm chân lý và cái đẹp để đưa vào thơ, với tấm lòng bao dung, nhân hậu, dưới góc độ nào, giọng thơ Trần Chấn Uy cũng chân chất, mộc mạc, nồng ấm. Nhà thơ Trần Chấn Uy hiện nay công tác ở Đài Truyền hình Khánh Hoà.

  • LTS: Dạy toán nhưng rất yêu thơ đó là điểm đặc biệt của con người Lê Quốc Hán. Lê Quốc Hán viết thơ nhiều. Thơ anh đã in hầu hết các báo ổ địa phương và trong nước. Thấm đẫm mồ hôi của người lao động, anh luôn nhìn cuộc đời với đôi mắt yêu thương, đầy trân trọng. Hồn hậu, mộc mạc, chân chất mà vẫn nói được cái mình gửi gắm không chút sáo cũ, âu đó cũng là điểm mạnh trong thơ Lê Quốc Hán.Lê Quốc Hán hiện nay là Tiến sĩ trường Đại học Sư phạm Vinh.

  • LTS: Sinh năm 1969 đã có 2 tập thơ riêng. Là một cây bút trẻ luôn có ý thức làm mới thơ. Tập thơ đầu tay “Dòng sông cháy” của chị vừa ra mắt bạn đọc đã nhận được giải thưởng văn học của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 1997.Táo bạo, trăn trở cho cái mới. Khắt khe, đòi hỏi cao chính mình trong lao động nghệ thuật; Nguyễn Bảo Chân đã chọn cho mình một cách đi riêng trên con đường thơ ca. Với ngôn ngữ thơ hiện đại, với hình tượng thơ kỳ lạ - qua cảm xúc tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm, Nguyễn Bảo Chân đã mang đến cho bạn đọc những bài thơ hay. Hiện nay Nguyễn Bảo Chân công tác ở Đài Truyền hình Việt - phụ trách chương trình “Tác phẩm và dư luận” trên sóng VTV3.

  • LTS: Sinh năm 1943 ở Hà Nội. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là một cây bút nữ nổi tiếng. Với chất thơ dịu dàng, đằm thắm, chị đã đem đến cho thơ Việt một giọng riêng. Chị không tìm kiếm những tứ thơ lạ, mà làm lạ những tứ thơ tưởng như đã cũ. Với 6 tập thơ và 2 tập truyện thiếu nhi, Phan Thị Thanh Nhàn đã nhận được nhiều giải thưởng văn học. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hiện nay là UVBCH Hội Nhà Văn Hà Nội và là chủ nhiệm câu lạc bộ nhà văn nữ Việt .

  • Giọng nói chỉ còn thoang thoảngđồng cỏ hoa vàng

  • Thiên niên kỷ mới vẫy ta sangkhốn nỗi quà xuân chưa sẵn sàng

  • Tặng nhà thơ Lâm Hiểu Đông  Trời đang mưa mát câyQua công viên Thâm Quyến (*)- Cả thế giới trong nàyTựa bảo tàng bày biện

  • Tôi ra lệnh cho giao thừa dừng lạiThế kỷ XX khoan hãy ra điThế kỷ XXI đừng đến vội

  • Mùa thu hẹn ta về Hà NộiTa rong chơi quên cả lối vềMột mình phiêu lãng miền sơn cướcVui cùng trăng cụng chén sơn khê

  • Vô tư quá tôi trở thành khờ dạiNên chi lỡ hẹn một lời thề

  • Ba bông hoa mang đêm phi qua                                             vườn saoanh và em định mệnh dịu sángmở địa cầu trinh tiếtlửa quàng xanh yếm cổ mùa đông

  • Cơn lũ xoáy mòn vai mẹGiạt trôi manh áo em thơNhận chìm bếp lửaNhững hạt lúa không biết lội

  • Em huyền ảo với mùi hương hoa đạiVà trắng trong như một búp sen hồTôi lầm lỡ nói lời vụng dạiKẻ phàm phu tục tử đến sân chùa.

  • Người nghệ sĩ lang thangMùa xuân chạm khắc nụ cười                                    ẩn sâu trong từng ô vuông cửa khép

  • Ơi con chim nhỏ của ta ơiBão tố đêm qua đã dịu rồiNước nước vây quanh thành ốc đảoChỉ còn chim nhỏ với ta thôi

  • ...Ta chỉ là hạt bụiGiữa đất trời mênh mông...