Thơ Sông Hương 12-2004

15:24 27/10/2009
Lâm Thị Mỹ Dạ - Diễm Châu - Nguyễn Thị Thái - Lê Anh Dũng - Lưu Ly - Nguyễn Hữu Quý - Lê Viết Xuân - Duy Từ - Trần Hữu Lục - Phan Văn Chương - Lâm Bằng






LÂM THỊ MỸ DẠ



Tôi về với tôi


thả trăng cho rằm
thả mây cho gió
thả xanh cho cỏ
tôi về với tôi

thả người thục nữ
hồn nhiên nói cười
thả người tục luỵ
danh vọng đua đòi
thả hết thả hết
tôi về với tôi

thả thời thiếu nữ
khuất vào xa xăm
thả chùm tóc bạc
trắng cả ngàn năm
ai đem nụ cười
chạm vào nước mắt
niềm vui có màu
nỗi buồn trong vắt
tôi về với tôi

thơ như máu thắm
tan vào hư vô
đời bao phúc họa
gieo, gặt bất ngờ
mỏi không thể nghĩ
đau không còn kêu
người im như bóng
tôi về với tôi

may có đứa bé
còn ở trong hồn
cái nhìn xanh biếc
lung linh cội nguồn
trái tim thơ dại
tôi về với tôi
                Huế 18-8-2004


DIỄM CHÂU


Của chuột và người

       Gửi Mai Văn Phấn - Nguyễn Quang Thiều

Đêm qua tôi viết một lá thư
bày tỏ nỗi lo ngại
rằng một ngày kia
những lá thư của một nhà thơ
sẽ không còn tới nữa…
Trong đêm chỉ có hơi lạnh lùa vào
qua khe cửa hé mở
ánh đèn khuya soi không tỏ hạt mưa rơi
có lẽ ở một lòng cống
nước vẫn trôi
có lẽ những con chuột khoác áo tơi màu xám
đã ngơ ngác
ngừng lại một giây:
đêm nay trên hàng lan-can quen thuộc
không còn ánh mắt rầu buồn
không còn người thi sĩ
lặng nhìn đàn chuột
đêm nay người ở đâu có biết
đàn chuột chỉ có đó
                        vì người!
Đêm nay những hàng chữ lắt nhắt
lại tiếp tục leo dây
lại tiếp tục mò mẫm rình chờ ánh mắt
của ai đó người có biết
đêm nay đêm nay chuột và chữ
lại lang thang
tìm người -
ánh mắt người thi sĩ
gọi
những con chuột lắt nhắt trong đêm!



NGUYỄN THỊ THÁI


Mạng nhện


Đã trải qua:
Tiếng côn trùng hoang phí
không ru nổi những cảm xúc mạng nhện

Chú dế già nua mùa yêu xoay tít
mắt mờ tối rối mù đích đến.

Liệu côn trùng có biết?
mạng nhện người cũng xoay vòng như thế
thương tổn chỗ nào càng dẻo dây tơ
khó mà thoát
nói chi thanh thản
                                4-7-04


LÊ ANH DŨNG


Mưa dùng dằng


Mưa xứ Huế dùng dằng
 sũng ướt
tím hoàng hôn trong sớm
mai chì
tiếng dạ thưa níu hồn khách lạ
câu hò dài bất tận Hương Giang

Rứa mà thương đành đoạn
đa mang
xanh tĩnh lặng nguyên sinh Bạch Mã
nét thư pháp có
thiền Am Mây Tía
miệt nhà vườn mộng biếc
Kim Long

Ai cơm vua yến tiệc cung đình
ta ướt sũng co ro Bồ Đề quán
sắc sắc không không còn chi tính toán
khi “yêu em lòng chợt từ bi
bất ngờ”

Mưa xứ Huế em rầu ngọn thơ
ta thành ất ơ cầu bơ cầu bấc
mưa dùng dằng, lòng ta lũ vội
chưa kịp quen thì đã yêu rồi
                                22/10/2004


LƯU LY


Thất vọng


Đốt những giấc mơ
Em đào mồ
Chôn tình yêu
                        chết!

Không phải giọt nước cuối cùng
Làm tràn ly
Mà chính là chiếc ly
Đã vỡ!

Không thể hứng giọt nước cuối cùng
Nhân bản
Bóng hình anh
Trong em
Đã nhạt nhoà...


NGUYỄN HỮU QUÝ


Lục bát ngậm ngùi


Cát nghèo là xứ sở ta
hoa bầu thương mạ, hoa cà nhớ em

Thương thời nước đút, cơm mem
ầu ơ cháy với ngọn đèn khêu khuya

Giần, sàng, thúng, mủng, nong, nia
Úp chung một chỗ chẳng chia méo tròn

Chày mòn. Cái cối cũng mòn
tiếng kêu cọt kẹt cũng mòn lòng đêm

Cọng rơm thì biết ấm lên
sợi gai ấm xuống mà quên đêm dài

Nghiêng nghiêng rét lộc, rét đài
áo nâu mạ gánh giêng hai qua đình...

Nay về chợ Phổ, chợ Dinh
không mua, không bán, đứng nhìn trầu cau

Nay về cuối ngọn sông sâu
bới trong cát mặn tìm câu gọi đò

Đêm nằm gặp mạ trong mơ
sáng ra thấy cát bơ vơ dưới trời

Giọt mưa về nẻo mồ côi
nửa sa mộ mạ, nửa tôi... ngậm ngùi!


LÊ VIẾT XUÂN


Ấp Bắc


Về thăm trời Ấp Bắc
Giữa trưa hè mênh mang
Tiếng gió như thầm nhắc
Bước chân sao muộn màng

Lặng im trước đồng làng
Xưa là nơi chiến trận
Lúa vàng mơ bất tận
Chứng tích màu thời gian

Trong cay nồng khói nhang
Trước vô danh mộ chí
Nơi các anh yên nghỉ
Nắng vẫn xanh ngời ngời

Tượng đài vút lên trời
Như niềm tin kiêu hãnh
Âm vang người thắng trận
Ấp Bắc còn mãi đây...


DUY TỪ


Trò chuyện với người già


Tôi nói với người già:
trái đất quay xung quanh Người
vũ trụ quay xung quanh Người
số phận quay xung quanh Người
buồn, vui quay xung quanh Người
sắp tròn một vòng sinh tử.

Tháng Giêng
Mẹ tôi đi cấy
Bàn chân trần buốt lạnh
Giữa bùn đen cây lúa trổ mầm lên.

Rồi sẽ đến ngày
Mồ hôi mẹ tôi trở thành hạt lúa
Mầm sống mẹ gieo trở thành toóc rạ
Cho tôi rời xa bồng bế
Biết học, biết yêu, biết tỉnh, biết say.

Thế đấy
Tôi cũng như ông, và tôi cần sống
Không thiếu, không thừa
Cũng cày, cũng bừa
Trên ruộng, trên vườn, trên sách, trên vở
Có khi là đêm, có khi là ngày.

Trên con thuyền này
Tôi chèo về tương lai từ
                              quá khứ
Ví dụ như tôi chồn chân,
                               mỏi gối
Thì thuyền tôi hư.

Như thế
Xin dâng người già thêm một
                                        vòng đời
Xin nối vào đây không thể tách rời
Như chiếc lá nối vào cây không
                                          mệt mỏi
Để cùng xanh tươi.


Vũ điệu Tử Cấm Thành


Nơi nào đây
Tro tàn còn leo lét hơi ấm
Bệ đá xanh xao võ vàng mù xám
Gánh thời gian trĩu nặng gió mưa?

Bời bời cỏ lá
Mướt xanh mùa thu
Kìa, có tiếng chim cúc cu
Trong vòm cây ngô đồng
Ríu rít khúc đồng ca
Tiễn đưa loài phượng về cõi xa
Tít tắp huyền thoại

Bây giờ
Có còn nóng lạnh một đời mỹ nhân
Trên bức tường kia rời rã phong trần
Của một thời cao tường kín cổng?
Lửa đèn lồng đêm đông không phải chỗ
để trái tim se lạnh ủ hơi nồng
để con tim đơn chiếc sưởi ấm lòng.

Tử Cấm Thành
Một chiều thu ta gặp
Ngọn gió xưa thủ thỉ gọi trời xanh
Tiếng gót chân khẽ chạm lạnh sân rồng

Thôi
Giã từ ảo ảnh vàng son chói lọi
Của một thời xưa “đưa con vào Nội”
Là nơi bắt đầu gió sương

Đêm nay
Những ngọn nến đã thắp
  lên trên nền xưa cung điện
Vẻ kiêu sa đồng hiện với trời sao
Không gian bồng bềnh mặt đất
                                    với trời cao
Nghe thổn thức tiếng người xưa
                                         vọng lại.

 

TRẦN HỮU LỤC


Tĩnh lặng tối


Đường quê thơm mùi hương cỏ dại
Tôi đèo bòng thơ qua Hương Hồ
An nhiên lối rẽ lên chùa cổ
Tĩnh lặng tôi, đường đến giấc mơ.

Nồng nàn mắt nhìn như tia nắng
Đi cùng tôi cả bóng lẫn hình
Tiếng chuông chùa dường như xa lắm
Để mặc tôi loay hoay kiếm tìm

Màu sim tím rịm xin giữ hộ
Dốc đồi uốn mềm vòng tay ôm
Loanh quanh tôi, giữa đời mê ảo
Có lối nào ngắn nhất giữa rừng?

Một nửa tôi ôi là khoảnh khắc
Đường đồi như tia chớp sáng thôi
Chùa xưa, lá rừng và cỏ dại...
Xin cùng tôi tĩnh lặng buồn vui.


Ký ức xanh


Vườn chiều hoa pensé nở muộn
Chợt nhớ mưa rêu trong
                                 mắt người
Bến sông xa chắc còn
                                  lưa nắng?

Nón nghiêng vai ẩn vào tượng đá
Nét dịu dàng một thoáng
                              sông Hương
Xin giữ hộ hồn nhiên của gió.
Hoa cát tường hồn tôi đơm nụ
Giờ còn nguyên hương cuối nẻo về
Xin giữ hộ giọng cười lúc nhớ.

Dù tháng dù năm màu rêu cũ
Ký ức xanh theo gió quay về
Xin giữ hộ chút tình xa xứ.

Nửa vắng xa... chìm khuất đâu đó
Đêm có dài sẽ đợi nắng lên
Phương ấy, một đời sông vẫn nhớ.


PHAN VĂN CHƯƠNG



Nghĩa trang Trường Sơn


Những ngôi mộ hình chiếc ba lô
gia tài Tổ Quốc máu xương người lính
mười nghìn bình hương
Trường Sơn lửa đổ

Rợp rợp quân đoàn
cuộc thánh chiến tử sinh trùng trùng phần mộ
cát bụi nở anh hùng dũng sĩ về đất
bao vỉa quặng tinh thần
muôn đời sau khai quật

Triệu triệu ngôi sao băng hà nền trời thế kỉ
chưa tới số tận cùng
vạn cành cây tựa nòng súng biên cương
vẫn gác lên mặt trời bộc phá

Những bó hương không đủ mỗi phần mộ một cây
nỗi đau sót lại
làm tổ trong từng niềm vui

Giữa đồng đội
tôi người lạc ngũ
                     25/6/2004


LÂM BẰNG


Tìm lại em xưa...


Chao chát nắng, em về cuối chợ
Cọng lá, cọng rau, lủng mủng mặt sàng
Te tái nón, nghiêng bờ đê, nắng nỏ
Em vẫn em, như thuở tuổi mới rằm.

Em tước lá ngô non, đủng đỉnh tuổi mười lăm
Dối mẹ dối cha, sương đầm vai áo
Nát cỏ dại bờ đê, khúc đêm mờ ảo
Ngàn vạn vì sao nhớn nhác khát thèm.

Em vẫn em, ta bỗng chốc bần thần
Nắng quái triền đê, bánh đa bánh cáy
Trẻ mỏ ngóng trông chợ chiều em vội
Não nuột ầu ơ... Tất tưởi lối em về...

Tuổi ở ngã lăm, em trốn chạy câu thề
Anh ngây dại một vu vơ lời gió
Nửa bên ấy em lo toan gọn ghẽ
Nửa tôi cầm, em rưng rức  bờ mi.

Tuổi ở ngã lăm, tôi tìm lại em xưa
Đêm ngăn ngắt. Tôi vẫn tôi, bờ cỏ
Lá run rẩy. Mặc, sao trời mắng mỏ
Tôi trở thành vương giả giữa thế gian.

                 Nhật Lệ Đồng Hới, 11-6-2003

(190/12-04)


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HUỲNH THÚY KIỀUHọ và tên: Huỳnh Thuý Kiều; Cầm tinh con Ngựa - 1978Bút danh: Hoa Đồng Nội. Nơi làm việc: Nhà xuất bản Phương Đông tỉnh Cà MauĐã có tuỳ bút, tản văn, đặc biệt là thơ đăng trên các báo Trung ương và địa phương. http://huynhthuykieu.vnweblogs.com

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀOSinh năm: 1979Quê quán: Hà TĩnhTốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Khoa học HuếHiện là biên tập viên tạp chí Đà Nẵng ngày nayhttp://nguyenthianhdao.vnweblogs.com

  • Trần Thị Huê, sinh năm 1970 ở Hiền Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình. Năm 1997 xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Nhật Lệ với chùm thơ 3 bài Chiều, Đợi, Cỏ xanh. 5 năm sau chị xuất bản tập thơ đầu tay Sóng vọng. Nhưng phải đợi đến những năm gần đây gương mặt thơ chị mới hiển lộ với những đường nét vụt hiện, gấp khúc. Cái - tôi - cá - thể đã làm giàu thêm mục đích và ý nghĩa sáng tạo nghệ thuật.

  • Bạch Diệp - Vi Thuỳ Linh - Phan Huyền Thư - Phùng Hà - Nguyễn Thị Hợi - Hồng Vinh - Đông Hà - Nguyễn Thị Thái - Hoàng Thị Thiều Anh - Đinh Thị Như Thuý - Nguyễn Thị Thuý Ngoan - Thạch Thảo

  • ...Vắt qua bầu trời mờ cánh chim nhỏVắt ngang dòng sông trổ nụ hồngVắt ngực tình em bay hương cỏVắt suốt mùa đợi một ngóng trông...

  • Nguyễn Trọng Tạo - Tường Phong - Trần Áng Sơn - Nguyễn Thánh Ngã - Ngô Hữu Đoàn - Nguyên Quân - Nguyễn Thành Nhân

  • HÀ NHẬTLTS: Lớp học sinh niên khóa 1964-1967 ở Trường Cấp 3 Lệ Thủy, Quảng Bình 40 năm trước đã sinh ra hàng chục nhà thơ, trong đó có những người đã thành danh như Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty... Công lao bồi dưỡng, vun đắp nên những nhà thơ đó là hai thầy giáo dạy văn cực giỏi: Lương Duy Cán và Phan Ngọc Thu.

  • ...Lão du - già xát đầy mình tro tử thi vừa nguộiƯớp xác phàm bằng hương liệu sắc - không...

  • ...ai đuổi theo xe tăng, bắn B40 vào xe tăng,                        rồi bị xe tăng nghiền nát trên con lộ Bốn?ai đạp phải mìn cụt một chân ở chi khu Xuân Lộc,                        rồi bằng nạng gỗ với một chân...

  • Nguyễn Thiền Nghi - Trần Hoàng Phố - Tiến Thảo - Xuân Thanh - Võ Văn Luyến - Nguyên Hào - Hoàng Cát - Ngô Hữu Đoàn - Trần Kiêm Đoàn - Mai Thìn - Đặng Như Phồn - Tôn Phong - Kiều Trung Phương - Đinh Thu

  • Tên thật: NGÔ THỊ KIỀU HẠNHNăm sinh: 24 - 12 - 1983 tại Cam Ranh – Khánh Hòa Hội viên Hội VHNT Khánh HòaĐã có thơ đăng Kiến thức ngày nay, tuần báo Văn Nghệ, và nhiều tạp chí trong nước.

  • Sinh năm 1965 tại Thái Nguyên – Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, vừa viết văn làm thơ. Hiện đang là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tác giả của 4 cuốn tiểu thuyết gây sự chú ý của dư luận văn chương – Nhưng thơ mới là bản ngã sáng tạo chính của Nguyễn Bình Phương với 3 tập thơ đã xuất bản: Lam chướng; Xa thân; Từ chết sang trời biếc...

  • Là một tác giả thơ quen biết trên tạp chí Sông Hương, gần đây với tập thơ Ngày rất dài (NXB Hội Nhà văn, 2007), Đoàn Mạnh Phương đã và đang được dư luận chú ý bởi những nỗ lực cách tân thơ.

  • Sinh năm 1960 tại Hà Nội – Đã từng qua quân ngũ và hiện là biên tập viên  của Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt . Đã xuất bản 3 tập thơ: Một, hai, ba; Nhật ký và Bài tập; Gửi một mùa cổ điển... Đã từng đoạt giải cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1990, giải cuộc thi thơ Báo Người Hà Nội 2006.

  • Trần Đình Thành - Đức Sơn

  • Phạm Thị Anh Nga - Thanh Tuyền - Trần Kim Hồ - Vũ Thị Khương - Trần Khởi - Lê Hoàng Anh - Đoàn Lam - Trần Hữu Dũng - Đinh Tấn Phước - Nguyễn Loan - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Thánh Ngã - Lê Ngã Lễ - Nguyên Tiêu - Võ Ngọc Lan - Nguyễn Văn Quang - Ngô Thái Dương - Trần Hữu Lục - Ngô Cang    

  • Nguyễn Hữu Quý - Trần Hoàng Phố - Nguyễn Khoa Điềm - Lam Hạnh -  Hoàng Phủ Ngọc Tường - Huy Tập - Mai Văn Phấn - Nguyễn Trọng Tạo - Đoàn Mạnh Phương - Ngô Công Tấn - Vũ Thanh Hoa - Từ Nguyễn - Nguyễn Xuân Hoa - Mạnh Lê - Hồ Thế Phất - Nguyễn Lâm Cẩn - Tường Phong - Nguyễn Đông Nhật - Vũ Thành Chung  

  • Huỳnh Thúy Kiều - Đức Sơn - Kiều Trung Phương - Thạch Quỳ - Lưu Ly - Trần Hạ Tháp - Nguyễn Thị Anh Đào - Văn Hữu Tứ - Văn Công Hùng - Nguyễn Tiến Chủng - Thái Doãn Long  - Hải Trung - Đông Hà - Nguyễn Văn Thanh - Hồng Vinh - Phụng Lam - Nguyễn Thụy Kha

  • Lê Huy Hạnh - Trịnh Hoài Giang - Triệu Nguyên Phong - Phan Tuấn Anh - Bạch Diệp - Phan Văn Chương - Hồ Đắc Thiếu Anh - Mai Trâm - Đỗ Văn Khoái - Viêm Tịnh - Lưu Thị Bạch Liễu - Lãng Hiển Xuân - Nguyễn Thanh Kim - Vũ Thắng  - Võ Quê - Ngàn Thương - Nguyễn Nguyên An - Lê Phương Thảo

  • Ngô Thị Hạnh - Vạn Lộc - Nguyễn Thiền Nghi - Lâm Anh - Hoàng Ngọc Quý  - Trần Thị Huê - Đường Xuân Sử - Dương Thành Vũ - Nguyễn Thị Liên Tâm - Bùi Đức Vinh - Công Nam - Nguyễn Thanh Tú - Trần Áng Sơn